Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 11/8/2022

  • |
T5g.org.vn - Biến thể phụ gia tăng và bài toán chống dịch; Tăng viện phí nhưng không cào bằng; Không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân trong mưa, bão; Tiêm vắc xin quá chậm…

 

Biến thể phụ gia tăng và bài toán chống dịch

Theo thống kê của Bộ Y tế, thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 ở nước ta có xu hướng gia tăng. Mặt khác, các biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron bắt đầu lan nhanh tại các tỉnh phía nam. Chính vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, không để dịch bùng phát trở lại.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, cũng như nhiều nước trên thế giới, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Thời gian gần đây liên tục ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày, số ca mắc mới tăng 22,4% so với tháng trước. Số ca mắc đang có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay, chân, miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nêu trên có cả khách quan và chủ quan. Nhưng một số nguyên nhân đáng chú ý là tình trạng viên chức, nhân viên y tế, nhất là các lực lượng phòng, chống dịch xin nghỉ việc, thôi việc do gặp nhiều khó khăn, vất vả với cường độ và áp lực công việc cao, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi, thu nhập thấp, nhất là tại các đơn vị y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ðáng chú ý, một số nơi chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch chưa đồng đều, chưa nhất quán; chưa có sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế. Tại một số nơi có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra trong việc mua sắm, đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Hiện nay có tình trạng né tránh tiêm vắc-xin ở một bộ phận người dân, dẫn đến nhiều chỉ tiêu về tiêm vắc-xin chưa đạt; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa đạt được như mong muốn.

Từ thực tế đó, để đạt mục tiêu kiểm soát, không để dịch tái bùng phát đòi hỏi công tác phòng, chống dịch phải được thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp cụ thể, từ việc theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch, đến tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19; hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; đẩy nhanh tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 cho các nhóm đối tượng.

Quyền Bộ trưởng Y tế Ðào Hồng Lan yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống dịch. Các đơn vị tiếp tục cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật; xây dựng và cung cấp các định hướng, hướng dẫn, thông điệp truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 an toàn. Rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các quy định, chính sách, hướng dẫn địa phương về công tác tài chính, công tác hậu cần, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị và chế độ, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị tuyến trên tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị, địa phương; tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19… Các đơn vị chức năng tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm vắc-xin; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Bộ Y tế cũng đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương, các bộ, ban, ngành thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ðối với các địa phương cần triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; Công điện 664/CÐ-TTg ngày 25/7/2022 về việc tăng cường công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và các chỉ đạo khác về công tác phòng, chống dịch; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động. Các tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo công thức "2K + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác" với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị. Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đạt chỉ tiêu đề ra; tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, hoàn thành tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022; đẩy nhanh tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng và không để vắc-xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí. Chỉ đạo việc bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân; tiếp tục kiện toàn lực lượng chống dịch, động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ với các cán bộ y tế trên địa bàn, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ y tế trong các cơ sở điều trị, bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả.

Ðối với các bộ, ngành, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương bảo đảm kinh phí, nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan tới công tác phòng, chống dịch. Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo tăng cường tiêm vắc-xin cho trẻ em bảo đảm khoa học, hiệu quả và hoàn thành tiến độ theo yêu cầu và phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho năm học mới.

Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị và ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NÐ-CP quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập theo trình tự, thủ tục rút gọn. (Nhân dân, trang 8).

 

Không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân trong mưa, bão

Ngày 10/8, Bộ Y tế có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ về việc triển khai công tác y tế ứng phó với bão số 2 (Mulan).

Theo đó, Bộ Y tế (Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2 trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống; rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của địa phương, đơn vị; tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra, không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; triển khai phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng nguy cơ bị ngập úng...

Bộ Y tế đề nghị các sở y tế chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; bảo đảm cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Cùng ngày, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 2.010 ca nhiễm mới (giảm 330 ca so với ngày 9/8). Trong ngày, có 5.271 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh và ghi nhận một ca tử vong tại tỉnh Tây Ninh. Hiện, có 78 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước phải thở ô-xy, giảm 25 bệnh nhân so với ngày 9/8. (Nhân dân, trang 7).

 

TPHCM: Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát

Biến thể mới đang chiếm ưu thế trong số những trường hợp mắc bệnh nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 còn ở mức thấp khiến bệnh nhân nhập viện và số ca bệnh nặng gia tăng.

Sở Y tế TPHCM cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại đang hiện hữu, cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống và tiêm vắc xin để tăng cường miễn dịch.

Hai biến thể phụ đe dọa cộng đồng

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM ngày 10/8 cho biết, trong tuần qua, mỗi ngày thành phố ghi nhận trung bình 144 ca mới mắc COVID-19. Dịch đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Số ca bệnh tăng khoảng 10 ca mỗi ngày so với 1 tuần trước, kéo theo số ca nặng nhập viện cũng nhiều hơn. Trong 35 ca bệnh nặng đang điều trị (tuần trước chỉ có 18 ca nặng), có 7 trường hợp đang phải thở máy xâm lấn.

Để truy tìm nguyên nhân khiến số ca mới mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng, TPHCM đang chủ động giám sát các biến thể mới xuất hiện. Kết quả khảo sát tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố từ ngày 14/7 đến 30/7, trong số 30 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị nội trú và bệnh nhân đến xét nghiệm, có 24 mẫu phát hiện nhiễm biến thể phụ BA.5 (chiếm 80%), 14 mẫu nhiễm biến thể BA.2 (14%), 1 mẫu nhiễm biến thể BA.1 và 1 mẫu nhiễm biến thể BA.4.

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 10/8, khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện đang điều trị cho 6 trường hợp bệnh nhi mắc COVID-19, trong đó có 1 trẻ trên 5 tuổi, số còn lại là trẻ dưới 5 tuổi. Đây đều là những bệnh nhi chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Tuy chưa có biến chứng nhưng trẻ có những yếu tố nguy cơ diễn tiến nặng nên phải nhập viện để được bác sĩ theo dõi, điều trị.

BS Phạm Thái Sơn, Phó khoa Điều trị COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Sau thời gian ổn định, bệnh viện gần như không còn ca bệnh COVID-19 thì từ tháng 7 đến nay, số ca bệnh có xu hướng tăng trở lại. Mỗi ngày, phòng khám của bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 trường hợp trẻ mắc COVID-19 đến khám, trong đó có 3 đến 4 trường hợp cần nhập viện. Trẻ nhập viện thường có những bệnh lý khác kèm theo như sốt xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, bệnh lý tiêu hóa”.

Theo phân tích của BS Thái Sơn, nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tại TPHCM đang gia tăng trở lại là do sau thời gian dịch bệnh tạm thời được khống chế, người dân đã lơ là trong phòng chống dịch dẫn tới lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, gần đây trên địa bàn thành phố đã xuất hiện những biến thể mới, hiệu quả của vắc xin hiện tại có thể đáp ứng kém với biến thể khiến nguy cơ lây nhiễm gia tăng. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cảnh giác hơn, làm xét nghiệm nhiều hơn, từ đó tỷ lệ phát hiện bệnh cao hơn.

“Số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố đang gia tăng là tín hiệu đáng lo. Đợt này, chúng ta chỉ được phép thành công, không được thất bại, đặt mục tiêu tối thiểu đạt 100% tỷ lệ phụ huynh đồng thuận. Tiếp tục vận động để cho số lượng phụ huynh không đồng thuận giảm đi, cố gắng 50% số này thì may ra đạt mục tiêu trung bình quốc gia” -Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM

Nhiều phụ huynh không cho con tiêm vắc xin

Trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Hiện nay với sự xuất hiện của các biến thể phụ, đặc biệt là biến thể BA.4 và BA.5, thành phố đang có dấu hiệu gia tăng các ca mắc COVID-19. Nếu không có biện pháp mạnh, phòng chống dịch một cách quyết liệt thì nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại sẽ hiện hữu. Một trong những biện pháp quan trọng trong phòng ngừa COVID-19 hiện nay là tiêm ngừa vắc xin cho cả người lớn và trẻ em. TPHCM đã quyết định chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi”.

Theo BS Thái Sơn, vắc xin được xem là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Tiêm vắc xin đang mang lại hiệu quả rất cao trong việc phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, ngăn chặn nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong khi không may mắc COVID-19 ở cả người lớn và trẻ em. Đợt dịch năm 2021, rất nhiều trẻ mắc bệnh. Tuy nhiên, sau khi chủng ngừa COVID-19, nhóm trẻ từ 12 tuổi trở lên hầu như không còn trường hợp nào phải nhập viện. Vì vậy, phụ huynh cần chủ động cho trẻ tiêm chủng để ngừa COVID-19.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi tại TPHCM đang ở mức thấp, lãnh đạo ngành Y tế thành phố cho biết, trở ngại lớn nhất là tại nhiều quận, huyện, tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh cho con tiêm vắc xin COVID-19 còn thấp (dưới 50%). Một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm so với tỷ lệ đồng thuận tiêm chưa cao (dưới 80%). Nhiều quận huyện chưa triển khai điểm tiêm vắc xin ngay tại trường nơi trẻ đang theo học. Trong khi đó, công tác truyền thông và thông tin đến phụ huynh về lợi ích của việc tiêm ngừa cho trẻ em và hướng dẫn phụ huynh cho trẻ đến điểm tiêm còn nhiều hạn chế.

“Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn dịch COVID-19 quay lại. Sở Y tế khuyến cáo người dân chung tay phòng chống dịch bằng cách tích cực hợp tác, đồng thuận tham gia và cho con em tham gia tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Trẻ cần tiêm các mũi nhắc đầy đủ, đặc biệt là mũi 1 và mũi 2 đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 3 đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 4 đối với các đối tượng được Bộ Y tế khuyến cáo”, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM nói.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết: Tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ tại TPHCM thấp. Tổng kết sơ bộ từ khi triển khai tiêm vắc xin COVID-19 và 1 tuần thực hiện tháng cao điểm tiêm chủng, tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1 tại thành phố mới đạt được 51,2% (cả nước là 71%), tỷ lệ tiêm mũi 2 ở độ tuổi này là 26,9% (cả nước là 39,9%), tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tại thành phố là 25,5% (cả nước là 38,1%). (Tiền phong, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “TP.HCM: Biến thể BA.5 chiếm 80% tổng số ca COVID-19”; Công an Nhân dân, trang 4: “Biến thể BA.5 chiếm ưu thế tại TP Hồ Chí Minh”.

 

Tiêm vắc xin quá chậm

Liên tiếp trong vài ngày gần đây thống kê của Bộ Y tế cho thấy bệnh nhân COVID-19 nặng gia tăng tại một số cơ sở điều trị. Trung bình 2 ngày qua tăng khoảng 30 ca/ngày.

Ghi nhận tại một số cơ sở điều trị cho thấy nhiều trường hợp bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng đang điều trị đa phần đều có tiền sử bệnh nền và không tiêm vắc xin mũi 3 và mũi 4. Ngày 9/8 có 2.340 ca COVID, tăng hơn 600 ca so với vài ngày trước đó. Đây là ngày có ca COVID-19 mới cao nhất trong gần 90 ngày qua. Bộ Y tế nhận định số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Tiêm cho trẻ đạt thấp

Tuy nhiên thống kê của ngành Y tế cho thấy tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi trong tháng 8/2022. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng hiện nay ở các địa phương rất chậm.

Tới nay, Việt Nam đã tiêm khoảng 13 triệu mũi vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Các tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin mũi thứ nhất cho trẻ thấp là Hà Nội (54,1%); Hà Tĩnh (48,4%); Đà Nẵng (38,8%); Quảng Nam (42,6%); Bình Thuận (54,1%); TPHCM (51,2%). Có hơn 4,6 triệu trẻ đã tiêm vắc xin mũi thứ hai, đạt 32,8%. Địa phương có tỉ lệ trẻ từ 5 - 11 tuổi tiêm mũi thứ hai thấp nhất là Hà Nội (20,9%); Vĩnh Phúc (24,8%); Đà Nẵng (16,4%); Quảng Nam (13,5%); Khánh Hòa (19,0%).

PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, tiến độ tiêm chủng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chưa được như mong muốn. Với đà này, Hà Nội khó hoàn thành việc tiêm hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi trong tháng 8/2022. Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ tiêm chủng chậm là, trẻ mắc bệnh COVID-19 nên phải trì hoãn tiêm chủng ba tháng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, ở Hà Nội, dường như do tiếp cận với nhiều luồng thông tin khác nhau - nhất là thông tin từ những nhóm phản đối vắc xin khiến người dân dè dặt hơn trong tiêm chủng.

“Thực tế cho thấy, khi dịch xảy ra, người lớn và trẻ em đều nhiễm bệnh, số lượng nhập viện nhiều. Hiệu quả của vắc xin trong phòng, chống dịch như thế nào thì mọi người đều đã thấy. Do đó, cần tiêm vắc xin để tránh những hậu quả đáng tiếc như đã từng xảy ra trong năm 2021”, TS Thái khuyến cáo.

Chấp nhận có hao phí vắc xin

Theo TS Thái, cần phải chấp nhận có tỉ lệ hao phí vắc xin nhất định để tạo thuận lợi cho các đơn vị triển khai: “Khác với các đợt tiêm chủng theo chiến dịch trong năm 2021, hiện nay, có nhiều người dân phải trì hoãn tiêm chủng do đã mắc bệnh, đối tượng tiêm cũng thu hẹp hơn nên cách thức tổ chức tiêm giống như lúc tiêm vét. Số lượng người đến các điểm tiêm chủng không phải lúc nào cũng nhiều. Với cách thức đóng nhiều liều trong lọ, một lọ vắc xin có khoảng 10 - 20 liều nhưng chỉ có 3 - 4 người tiêm thì chắc chắn có hao phí nếu mở lọ. Nếu không chấp nhận hao phí, phải chờ đủ người mới mở lọ thì người dân phải đợi lâu hoặc quay về, đợi lịch hẹn khác và sẽ rất khó đưa họ quay trở lại”. Bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng chung quan điểm để không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho người dân, phải chấp nhận rằng, có tình trạng một lọ vắc xin chứa nhiều liều nhưng chỉ tiêm cho vài người.

Trong bối cảnh Việt Nam liên tục xuất hiện các biến chủng mới của Omicron như BA.4, BA.5 và mới đây là BA.2.12.1, các chuyên gia khuyến cáo, BA.2.12.1 là chủng đang chiếm hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 mới ở Mỹ với 60.000 người mắc mới và khoảng 300 người tử vong mỗi ngày. Ở Việt Nam, khó nói trước được chủng này sẽ tác động tới tình hình dịch sắp tới như thế nào. Tuy nhiên không thể chủ quan. “Tiêm vắc xin vẫn là một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, giúp giảm nguy cơ nhập viện, giảm số ca tử vong và làm giảm nguy cơ sinh ra các biến chủng virus mới”, TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới Trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) nói.

Đặc biệt, theo một nghiên cứu của các bác sĩ Đan Mạch, vắc xin ngừa COVID-19 làm giảm nguy cơ mắc hội chứng bệnh viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em. Theo đó, nếu đã tiêm vắc xin thì cứ 1 triệu trẻ mắc COVID-19, chỉ có ba trẻ mắc MIS-C, thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm.

Bộ Y tế hối thúc tiến độ tiêm chủng

Trong thời gian qua, Bộ Y tế liên tục có các cuộc họp và văn bản thúc giục các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho các nhóm đối tượng, trong đó có trẻ em từ 5 - 11 tuổi.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cả nước còn 21,5 triệu liều vắc xin, chủ yếu là vắc xin Pfizer và Moderna và còn có 2,35 triệu liều vắc xin Vero Cell với hạn dùng đến tháng 10/2023. Hiện còn 16/63 tỉnh chưa gửi đăng kí nhu cầu vắc xin 6 tháng cuối năm 2022 theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, tiến độ tiêm đã có xu hướng tăng lên, trung bình những ngày gần đây tiêm khoảng gần 500.000 liều/ngày. Song, số mũi tiêm vắc xin tăng chủ yếu là do tỉ lệ tiêm mũi thứ tư tăng. Một số tỉnh, thành có khu công nghiệp đã đề xuất phân bổ thêm vắc-xin. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tỉ lệ tiêm mũi thứ tư mới chỉ ở mức trên dưới 10%. Các chuyên gia cho rằng một số người đã mắc COVID-19 quan niệm đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ nên chủ quan không tiếp tục tiêm chủng đầy đủ. (Tiền phong, trang 6).

 

Ghi nhận gần 8.800 ca mắc sốt xuất huyết trong 1 tuần: Khuyến cáo mới nhất của chuyên gia về phòng và chữa trị bệnh

Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 145.500 ca mắc sốt xuất huyết, 53 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc tăng gấp 3,3 lần, tử vong tăng 39 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn 72% trẻ tử vong do sốt xuất huyết là thừa cân, béo phì

Bộ Y tế cho biết trong tuần 31, cả nước ghi nhận gần 8.800 ca mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong. So với tuần trước, số mắc giảm hơn 12%, trong đó số nhập viện là gần 6.600 ca, giảm 17,1% so với tuần trước đó.

So với các tuần trước đó, số mắc của tuần 31 có dấu hiệu chững lại, tuy vẫn ở mức cao. Tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 145.536 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 53 trường hợp tử vong. TP HCM, Bình Dương ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất, mỗi địa phương 10 ca, tiếp đến là Đồng Nai và Bình Thuận đều ghi nhận 5 ca/ tỉnh, Tây Ninh (4 ca), Bình Phước (4 ca), số còn lại rải rác tại một số tỉnh, thành khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu...

So với cùng kỳ 2021, số mắc tăng 3,3 lần, tử vong tăng 39 trường hợp.

Tại hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh diễn ra mới đây, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Cũng theo TS Khoa các đơn vị đã tiến hành phân tích 18 trường hợp trẻ tử vong do sốt xuất huyết để nhận định các đặc điểm, đưa ra các giải pháp để giảm tử vong. Qua đó ghi nhận 72,2% ca tử vong là trẻ thừa cân béo phì.

Tỉ lệ nam/nữ tử vong là 11/7 (nam tử vong chiếm nhiều hơn nữ) và trẻ trên 6 tuổi chiếm 77,8%. Số ca bệnh nhập viện muộn là 6/18 trường hợp, chiếm 33,3%; chuyển viện không an toàn chiếm 21,4%.

Dựa vào những phân tích trên, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh đưa ra 10 giải pháp cơ bản giảm tử vong do sốt xuất huyết, trong đó có truyền thông, hướng dẫn cho người dân nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết để đưa người bệnh nhập viện kịp thời; tăng cường công tác hội chẩn nội viện, liên viện; thiết lập đường dây nóng hỗ trợ từ xa; đảm bảo đủ thuốc, vật tư, dịch truyền và thiết bị cho công tác điều trị.

Người mắc sốt xuất huyết nên làm gì? Không nên làm gì?

TS Nguyễn Trọng Khoa cũng lưu ý một số điều để nâng cao chất lượng điều trị và giảm tử vong do sốt xuất huyết.

Theo đó người mắc sốt xuất huyết nên:

- Nghỉ ngơi tại giường.

- Uống đủ nước: ( trên 5 cốc đối với người lớn hoặc tính theo trẻ em). Sữa, nước hoa quả (thận trọng với người bệnh đái tháo đường) và các dung dịch điện giải đẳng trương (oresol) và nước cơm. Uống nước trắng đơn thuần có thể gây rối loạn điện giải.

- Uống paracetamol (< 4 gram mỗi ngày đối với người lớn và tính liều theo trẻ em).

- Chườm ấm.

- Tìm nơi muỗi đẻ trong và ở xung quanh nhà để diệt.

Nên tránh làm gì?

- Không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu bạn đã uống những thuốc này, hãy tới gặp bác sĩ.

- Không cần thiết uống kháng sinh.

TS Khoa cũng lưu ý cơ sở y tế tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn về bù dịch. Không truyền dịch khi không có chỉ định. Một số trường hợp vào cơ sở y tế tư nhân đã truyền dịch vượt quá quy định, dễ diễn biến nặng với bệnh nhân.

Liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Tổ chức Y tế thế giới nhận định khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh và ước tính có khoảng 100-400 triệu ca mắc mỗi năm; trong 50 năm qua, số mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần và tăng gấp đôi sau 10 năm.

Đại dịch COVID-19 đã gây áp lực lớn lên hệ thống y tế trên toàn thế giới, việc duy trì mạnh mẽ các biện pháp chống dịch với các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết cũng như các bệnh dự phòng bằng vaccine, các bệnh lãng quên khác trong thời kỳ đại dịch là rất quan trọng, để có thể tránh tình huống dịch chồng dịch và hạn chế hậu quả nặng nề với các nước. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Liên tiếp nhiều vụ hành hung y bác sĩ, Bộ Y tế đề nghị Bộ công an phối hợp đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện

Ngày 9/8, Bô Y tế đã có văn bản gửi Bộ Công an về việc tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện.

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ hành hung nhân viên y tế

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, tại các bệnh viện liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người bệnh, người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế làm mất trật tự, an ninh, an toàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, tinh thần, tính mạng của nhân viên y tế, điển hình một số vụ việc sau:

Ngày 27/7/2022 tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), bác sĩ P.H.T. bị một người nhà bệnh nhi đẩy vào tường, bóp cổ khi đang đợi gắp xương cá cho bé gái.

Ngày 30/7/2022, tại khoa ngoại chấn thương - BVĐK tỉnh Vĩnh Long, một bệnh nhân cầm dao rượt đuổi nhân viên y tế.

Ngày 6/8/2022, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), có thêm một bác sĩ bị tấn công bởi một vật bằng sắt nhọn.

Điều tra làm rõ các hành vi, đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện; xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự

Để tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn về một số nội dung, cụ thể:

Điều tra, xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội).

Tiếp tục chỉ đạo Công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/ 2017 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế; Quy chế phối hợp số 36/KCB-CSQLHC ngày 28/01/2019 giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội về bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn giao thông trước các cổng bệnh viện.

Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bản trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện.

Tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến đông khám bệnh, chữa bệnh.

Thiết lập, củng cố mạng lưới đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho Bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn ngày nay, trang 2: “Khám chữa bệnh trong lo âu, sợ hãi”.

 

Giám sát bệnh đậu mùa khỉ ngay từ cửa khẩu, chủ động trước các tình huống dịch

Nhiều địa phương khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chủ động giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, không bị động trước các tình huống dịch bệnh.

Giám sát chặt chẽ bệnh đậu mùa khỉ

Là địa bàn có cảng biển nên ngoài việc yêu cầu các địa phương trong tỉnh quyết liệt phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ thì tỉnh Bình Định còn chỉ đạo các đơn vị ở tỉnh này như: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng thực hiện giám sát chặt chẽ dịch khi tàu thuyền nước ngoài vào Cảng Quy Nhơn, trong cộng đồng. Việc giám sát nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Theo ghi nhận tại một số huyện của Bình Định, cùng với phòng, chống sốt xuất huyết thì hầu hết người dân đã nắm được các triệu chứng và biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ. Lãnh đạo địa phương cũng khuyến cáo người dân cần chủ động khai báo ngay với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh đậu mùa khỉ để có phương án chăm sóc, điều trị tốt nhất.

Tại Khánh Hòa, BS Tôn Thất Toàn, Phó GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cũng thông tin, đến thời điểm này chưa phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ nào ở Khánh Hòa. Tuy nhiên việc tuyên truyền, trang bị kiến thức phòng dịch cho người dân vẫn được làm thường xuyên. Các nhân viên y tế dự phòng vẫn phối hợp chặt chẽ với các địa bàn để giúp người dân nắm bắt các thông tin về dịch bệnh.

Ngành y tế nhiều địa phương như Khánh Hòa; Bình Định cũng đã được giao phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xử lý triệt để ổ dịch (nếu xuất hiện); sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ.

Không bị động trước bệnh đậu mùa khỉ

Nằm ở địa bàn Tây Nguyên, có cửa khẩu quốc tế Bờ Y, ngành y tế Kon Tum cũng đã và đang triển khai mạnh các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ. Kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu. Cùng với đó tuyên truyền một cách dễ hiểu, dễ nhớ về các triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng bệnh đậu mùa khỉ đến từng khu dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu.

Việc phối hợp chặt chẽ trong giám sát, phòng, chống dịch bệnh từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh đậu mùa khỉ; kịp thời chia sẻ thông tin và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cũng được Kon Tum và nhiều địa phương chủ động thực hiện.

Các bệnh viện sẵn sàng tổ chức thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh. Đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đảm bảo phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo, đặc biệt lưu ý ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương.

Trung tâm Y tế các huyện/thành phố ở các địa phương cũng đã sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm nhất. Việc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ cho các cán bộ tham gia điều trị và phòng, chống dịch bệnh cũng đã được tiến hành để đáp ứng tốt khi có tình huống dịch bệnh xảy ra. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Nhiều dịch bệnh gia tăng: Người dân còn chủ quan, lơ là

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm 1 - các quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc đã ghi nhận ca mắc căn bệnh này. Trong thời điểm nguy cơ dịch chồng dịch, nhiều người dân, đặc biệt là ở TPHCM, vẫn còn tâm lý khá chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch.

Thờ ơ với dịch

Trong khi các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch thì tại nhiều tuyến phố, người dân vẫn thờ ơ với dịch bệnh nguy hiểm. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), từ sáng sớm, các quán ăn uống, công viên, chợ dân sinh đã đông người ra vào để mua bán, tập thể dục. Tại một số trung tâm thương mại, siêu thị, phố đi bộ... tập trung nhiều người nhưng việc đeo khẩu trang ít người thực hiện nghiêm. Tương tự, tại các chợ dân sinh, vườn hoa, sân chơi… tình trạng người dân bày bán hàng quán, tụ tập đông người, chỉ đeo khẩu trang theo kiểu đối phó vẫn xuất hiện.

Thống kê của Bộ Y tế, tuần qua, số ca mắc Covid-19 tăng hơn 40% so với tuần trước. Chỉ riêng ngày 9-8, cả nước ghi nhận 2.340 ca mắc Covid-19, tăng hơn 600 ca so với ngày trước đó và là ngày có ca nhiễm mới cao nhất trong vòng 90 ngày qua. Xu hướng gia tăng này được dự báo sẽ còn tiếp tục và hoàn toàn có thể gây quá tải hệ thống y tế. Theo các chuyên gia, 2 biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước, đồng thời đây cũng là biến thể có khả năng lây lan và lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có biện pháp xử lý kịp thời.

Cùng với Covid-19, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có hơn 130.000 ca SXH với 45 ca tử vong. So với cùng kỳ 2021, số ca mắc SXH tăng 3,2 lần, số tử vong tăng 31 trường hợp. Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do SXH ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, năm nay, ca tử vong tăng cao so với năm ngoái. Bên cạnh đó, nước ta cũng ghi nhận nhiều ca mắc cúm và chân tay miệng. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp mắc cúm, đặc biệt, số ca nhiễm cúm A tăng nhanh trong những tuần qua.

Không quyết liệt, hậu quả sẽ nặng nề

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đánh giá, nguy cơ dịch chồng dịch có thể xảy ra nếu địa phương không chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, nhiều người dân đang có tâm lý coi nhẹ dịch bệnh khi Covid-19 tạm lắng. Để dịch bệnh không bùng phát ngoài tầm kiểm soát, người dân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp như tiêm vaccine; giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay; có ý thức đeo khẩu trang, giảm bớt các hoạt động tụ tập đông người trong không gian kín, chật; tích cực vệ sinh ngoại cảnh và trong nhà, diệt muỗi và bọ gậy. Trong đó, đeo khẩu trang vẫn luôn là một biện pháp phòng bệnh quan trọng. Bởi đa phần các dịch bệnh hiện nay đều lây qua giọt bắn, tiếp xúc gần.

Mới đây, trong văn bản hỏa tốc về tăng cường phòng chống dịch bệnh đường hô hấp, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur… tiếp tục triển khai thực hiện tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh năm 2022, trong đó, chú trọng đến cúm mùa, Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch cúm mùa, Covid-19 và bệnh lây truyền qua đường hô hấp, triển khai xử lý các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng; đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

3 tình huống ứng phó dịch đậu mùa khỉ

Theo Bộ Y tế, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn, việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết. Hiện, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang xây dựng 3 tình huống ứng phó với dịch đậu mùa khỉ:

Tình huống chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam: Các bệnh viện kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo giai đoạn, chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng chống dịch. Đồng thời, xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ; điều trị ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ…

Tình huống có trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam: Tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở…

Tình huống dịch lây lan ra cộng đồng: Sẽ mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly, điều trị tại nhà; sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết. Đồng thời, sẽ phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp, hạn chế di chuyển người bệnh… (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

TP.HCM: Xử lý nghiêm việc hành hung nhân viên y tế

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định cả ngành y tế tiếp tục lên án thân nhân bệnh nhân vào bệnh viện gây rối, hành hung nhân viên y tế và mong các cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

Chiều 10.8, Sở Y tế, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã làm việc với Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định và một số BV trên địa bàn TP.HCM nhằm trao đổi các giải pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế (NVYT) tại khoa cấp cứu của các BV.

Tại cuộc làm việc, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, đặt câu hỏi vì sao tại BV Nhân dân Gia Định lại xảy ra nhiều vụ việc hành hung NVYT hơn các BV khác? Ông Thượng đề nghị BV củng cố lại quy trình sàng lọc, bệnh nhân (BN) nào phải vào cấp cứu thì vào cấp cứu, còn không thì vào các bộ phận khác, khoa khác.

Tìm thêm giải pháp an toàn cho NVYT nhưng không được tạo khoảng cách với người bệnh mà tạo sự gần gũi. Tăng cường giám sát và điều phối để NVYT cấp cứu không quá tải. Tuân thủ quy tắc không để BN cấp cứu nằm lâu, chỉ từ 4 - 6 giờ. Phân quyền khoa cấp cứu được toàn quyền chuyển bệnh bất cứ khoa nào. Bảo vệ cắm chốt tại khoa cấp cứu, tuân thủ 1 BN cấp cứu 1 thân nhân, không cho mang túi xách vào khoa. Khi có vấn đề xảy ra thì báo ngay cho công an phường.

PGS-TS Tăng Chí Thượng khẳng định cả ngành y tế tiếp tục lên án thân nhân BN vào BV gây rối, hành hung nhân viên y tế và mong các cơ quan chức năng xử lý nghiêm. (Thanh niên, trang 5).

 

Tăng viện phí nhưng không cào bằng

Với viện phí chưa được tính đúng tính đủ, các bệnh viện đã gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền lương, duy trì hoạt động bệnh viện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc tăng viện phí cũng không nên cào bằng ở tất cả bệnh viện.

Để đảm bảo việc chi trả của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) khi viện phí tăng, theo các chuyên gia, chắc chắn sẽ phải tăng mức đóng BHYT. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, chi phí của doanh nghiệp mà cả người lao động vì phải tăng mức đóng BHYT. Do đó, việc cân nhắc mức tăng viện phí cho phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh cũng cần được cân nhắc kỹ.

Viện phí phải phù hợp thực tiễn

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-8, ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) - cho biết theo nguyên tắc, bệnh viện phải được tính đúng và đủ viện phí các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều yếu tố chưa được tính đủ nên bệnh viện có gặp khó khăn, điển hình nhất là nguồn thu.

Đơn cử, một ca mổ có rất nhiều đầu mục viện phí như trang thiết bị, dụng cụ vật tư tiêu hao, chi phí khấu trừ máy móc, điện nước, cơ sở vật chất, công tác chống nhiễm khuẩn, tiền công cho bác sĩ, nhân viên y tế... Tuy nhiên, tổng chi phí thu viện phí lại thấp, không đủ bù đắp tất cả các khoản nêu trên.

Nếu sau mổ, bệnh nhân vẫn còn phụ thuộc máy thở, bệnh viện phải tính chi phí thở máy, những hỗ trợ đi kèm như truyền máu, chế phẩm máu... "Những chi phí hỗ trợ thêm bệnh viện không tính vào viện phí do danh mục kỹ thuật chỉ cho nhiêu đó. Chẳng hạn bệnh viện phải tự đăng ký túi máu và làm thêm nhiều việc khác. Chưa kể trang thiết bị đắt tiền thì không bù đắp hết được", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, nếu bệnh viện không được tính đúng và đủ viện phí các dịch vụ y tế, nguồn thu sẽ thấp và thu nhập của nhân viên y tế bị ảnh hưởng. Không có chính sách đãi ngộ tốt sẽ xảy ra tình trạng bác sĩ giỏi ở bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư... Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này, theo ông Tiến, không nên tăng viện phí vì sẽ ảnh hưởng đến người bệnh.

Thay vào đó, cơ quan bảo hiểm xã hội, các đơn vị liên quan và các nhà chuyên môn cần xây dựng, thống nhất cơ cấu giá viện phí được tính đủ và đủ. "Mỗi năm hay ba năm một lần, các đơn vị liên quan cần họp bàn lại để thống nhất điều chỉnh cơ cấu giá phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với giá vật tư hiện hành", ông Tiến kiến nghị.

Ông Nguyễn Thành Dũng - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho hay bệnh viện này cũng gặp khó khăn trong vấn đề thu viện phí do chưa được tính đủ. Theo ông Dũng, đang có sự chênh lệch lớn về giá thu viện phí giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện công lập, trong khi chất lượng chuyên môn giữa hai bên tương đồng nhau.

Do mức thu viện phí tại bệnh viện công còn thấp đã dẫn đến nhiều khó khăn về nguồn thu nên phải cắt giảm nhiều chi phí. Tuy nhiên, bệnh viện đã cố gắng cân đối nhiều mặt, chi trả đủ tiền lương cho nhân viên y tế để họ an tâm làm việc, tránh trường hợp "chảy máu chất xám".

Theo lãnh đạo một bệnh viện công lập trên địa bàn TP.HCM, đây là khó khăn chung của các bệnh viện. Được biết, Bộ Y tế đã có kế hoạch điều chỉnh giá viện phí nhưng do ảnh hưởng hai năm đại dịch COVID-19 nên chưa tiến đến lộ trình tính đúng, tính đủ cho bệnh viện công.

Nên tính đúng tính đủ viện phí

Trao đổi với chúng tôi, một đại diện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng kiến nghị cần tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành dịch vụ khám chữa bệnh. Theo vị này, giá khám bệnh là 37.800 đồng/lượt đã được duy trì nhiều năm nay. Trong khi đó, mọi vật giá đều đã thay đổi, leo thang. "Chưa nói đến việc tăng viện phí mà chỉ cần tính đúng, tính đủ để các bệnh viện có kinh phí tái đầu tư máy móc" - vị này nói.

Tại hội thảo xung quanh Luật khám chữa bệnh sửa đổi vừa được Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ở Hà Nội, một chuyên gia nêu thực trạng bệnh viện quá tải trong khi số lượng y bác sĩ có hạn, bệnh nhân rất ít được "nhìn, sờ, gõ, nghe" (khám lâm sàng và hỏi tiền sử bệnh). Việc khám bệnh chủ yếu dựa vào thiết bị cận lâm sàng và đã có những nhầm lẫn xảy ra.

Chính vì thế, tính đúng tính đủ viện phí để nâng chất lượng dịch vụ y tế đang là vấn đề cấp bách. Một chuyên gia có kinh nghiệm về BHYT cho rằng ông hoàn toàn ủng hộ việc tính đúng tính đủ viện phí, vừa để đảm bảo đời sống của những người làm trong cơ sở y tế, nâng chất lượng dịch vụ. Nhưng tính đúng tính đủ viện phí bao nhiêu cần phải tính toán kỹ.

Trong thực tế, viện phí chưa được tính đúng tính đủ, mà chỉ mới tính chi phí lương của những người làm việc trực tiếp như đội ngũ y bác sĩ. Do vậy, trong viện phí mới cần tính chi phí lương của những người làm việc trực tiếp như đội ngũ y bác sĩ và cả người làm việc gián tiếp (những người làm công tác quản lý, khoa dược, phòng công nghệ thông tin, chi phí kho hàng, chi phí khấu hao máy móc thiết bị, chi phí khấu hao nhà cửa, chi phí đào tạo...).

Chuyên gia này cũng cho rằng những chi phí này nếu được đưa vào để xây dựng lại giá viện phí, viện phí sẽ tăng so với hiện hành. Tuy nhiên, viện phí tăng phải phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT, mà quỹ BHYT 2 năm nay đã xảy ra bội chi nhưng nguồn tích lũy những năm trước đó vẫn còn.

"Luật BHYT cho phép được thu phí BHYT tối đa 6% trên mức lương cơ sở, hoặc lương theo hợp đồng hằng tháng hoặc lương theo ngạch bậc. Tuy nhiên, theo lộ trình của luật, đến nay mới thu 4,5%. Vì vậy, để đảm bảo việc chi trả của quỹ BHYT khi viện phí tăng, khả năng phải tăng mức đóng" - chuyên gia này bình luận.

3 loại viện phí, đổi mới thế nào?

Cũng tại hội thảo do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, bà Nguyễn Thúy Anh - chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - cho rằng thực tiễn triển khai giá dịch vụ khám chữa bệnh còn vướng mắc do thẩm quyền quyết định giá khác nhau, một cơ sở y tế có thể có 3 mức giá khám chữa bệnh: giá bảo hiểm, giá theo yêu cầu và giá được HĐND tại địa phương thông qua.

Bên cạnh đó, giá hiện hành đã áp dụng gần 10 năm nay trong khi các yếu tố cấu thành giá đã thay đổi, việc xác định mức giá thống nhất để áp dụng tại các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc là khó triển khai... Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện ban soạn thảo quy định viện phí mới cho biết hiện còn 2 yếu tố được cân nhắc tính vào viện phí là phí quản lý và khấu hao tài sản cố định.

Tuy nhiên với mức thu BHYT là 4,5% lương cơ bản như hiện hành, nếu đưa cả 2 chi phí này vào giá ngay sẽ khó gánh được chi trả cho khám chữa bệnh, vì vậy ban soạn thảo đang cân nhắc đưa trước 1 yếu tố vào giá và khả năng chi phí quản lý sẽ được đưa trước.

Tuy nhiên, trả lời về việc nếu đã tính viện phí "gần đúng" (đưa thêm 1 yếu tố cấu thành), có thể tồn tại 3 loại viện phí hay không, vị này cho rằng vẫn có thể có 3 loại viện phí, trong đó có viện phí theo yêu cầu, với các dịch vụ "đặt riêng", cao hơn so với mặt bằng cơ bản. Cũng theo vị này, nếu viện phí thay đổi, có khoản thu từ phí quản lý thì bệnh viện sẽ có thêm nguồn chi cho nhân lực, như vậy chất lượng dịch vụ sẽ tăng!

Dự luật khám chữa bệnh sửa đổi cũng dành riêng một phần đáng kể để nói về viện phí, Bộ Y tế đang tích cực khảo sát để sớm có cơ sở tính giá dịch vụ mới. Giá mới làm sao để bù đắp được chi phí, để bệnh viện đỡ kêu "bệnh viện tự chủ nhưng viện phí lại thu một phần", nhưng cũng phải đảm bảo đỡ gánh nặng cho người nghèo, người cận nghèo và quỹ BHYT.

"Ngoài ra, viện phí mới cũng đảm bảo góp phần nâng được chất lượng dịch vụ mà Bộ Y tế vẫn hứa mỗi lần tăng giá là... sẽ tăng. Bài toán lớn này, Bộ Y tế, Bộ Tài chính phải tính vừa kỹ vừa nhanh. Nếu không, bệnh viện sẽ còn kẹt dài dài vì nước đã đến chân rồi", một chuyên gia khuyến cáo. (Tuổi trẻ, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang