Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 18/10/2016

  • |
T5g.org.vn - Cải tiến toàn diện quy trình khám, chữa bệnh; Ghi nhận một trẻ bốn tháng tuổi nghi mắc chứng đầu nhỏ; Vingroup trao tặng thành phố Hà Nội 3 xe kiểm nghiệm thực phẩm; 'Thần y' rởm ngang nhiên chữa bệnh tại nhà...

Cải tiến toàn diện quy trình khám, chữa bệnh

Cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành y tế Hà Nội hướng tới. Nhiều bệnh viện (BV) của Hà Nội đã đổi mới toàn diện quy trình khám, chữa bệnh, bước đầu mang lại niềm tin, sự hài lòng cho người bệnh.

Nếu như trước đây, đến khám tại BV Ung bướu Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hoa (xã Tứ Hiệp, huyện Gia Lâm) phải chờ đợi khá lâu do bệnh nhân đông và quy trình khám bệnh chưa hợp lý, thì nay, khi đến khám lại, bà Hoa đã thấy những đổi thay bất ngờ. “Do phát số thứ tự điện tử, cho nên không có tình trạng bệnh nhân chen ngang, quy trình khám khép kín, từ việc khám, làm các xét nghiệm, thanh toán viện phí… khiến chúng tôi rất hài lòng”, bà Hoa cho biết.

Theo Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội Trần Đăng Khoa, do số bệnh nhân tăng, BV đã mở thêm các bàn khám bệnh, mở thêm các ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh, có các bàn hướng dẫn người bệnh làm các thủ tục khám, chữa bệnh và nhập viện để người bệnh không mất nhiều thời gian đi lại. BV đã bố trí khu vực ngồi chờ tiện nghi, có đầy đủ ghế ngồi, bảo đảm an ninh, trật tự tại khoa khám bệnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin đã giúp cho công tác khám, chữa bệnh, thanh toán viện phí và nhận thuốc ở kho dược nhanh chóng, tiện cho việc theo dõi bệnh và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ngoài ra, để đáp ứng tốt trong khám, chữa bệnh cho người dân, BV đã ứng dụng kỹ thuật cao, hiện đại như: kỹ thuật xạ trị điều biến liều (IMRT) trong điều trị bệnh ung thư vòm họng, phổi, thực quản, tiền liệt tuyến, mô mềm… Đây là kỹ thuật tiên tiến nâng cao liều tia xạ tại khối u và giảm liều chiếu tới các cơ quan lành, từ đó giúp tăng khả năng kiểm soát khối u, làm giảm tác dụng phụ của xạ trị trên các cơ quan lành.

Tại BV Mắt Hà Đông, tưởng phải chờ đợi lâu, bác Trần Văn Giang đã có mặt tại BV từ sáng sớm để lấy số khám bệnh. Nhưng tại đây, mọi thủ tục đều nhanh gọn, nhân viên y tế niềm nở, bác sĩ nhiệt tình khiến bác Giang vô cùng phấn khởi. “Tôi đã đi khám nhiều nơi, nhưng ở đâu cũng phải chờ đợi lâu, nhiều khi còn bị y tá cáu gắt. Nhưng khi đến đây, tôi làm thủ tục khám rất nhanh gọn, vào phòng mổ chỉ mất 15 phút thay thủy tinh thể, trước khi ra viện, bác sĩ dặn dò rất chu đáo”, bác Giang bày tỏ.

Do đặc thù là BV chuyên khoa mắt, người bệnh đến khám bệnh phần lớn gặp khó khăn trong việc nhìn và đi lại, cho nên BV niêm yết sơ đồ, bảng quy trình thu tiền viện phí, quy định đối tượng ưu tiên khi khám bệnh, giờ khám, lịch khám, công khai số điện thoại đường dây nóng, hòm thư góp ý ngay tại cửa tiếp đón người bệnh. Trên trang web của BV còn công khai số điện thoại của bác sĩ tư vấn đối với từng loại bệnh về mắt, từng loại phẫu thuật mắt, các kiến thức nhãn khoa chuyên sâu để người bệnh và người dân tham khảo trước khi có nhu cầu đến khám, chữa bệnh tại BV. Về mặt tổ chức, BV sắp xếp tuần tự hệ thống từ khâu lấy số khám đến phòng khám bệnh, phòng phẫu thuật, phòng theo dõi sau phẫu thuật, phòng phát thuốc bảo đảm cho người bệnh không phải chờ đợi lâu cũng như không phải đi lại nhiều lần.

Riêng tại BV Đa khoa Đức Giang, bác sĩ Nguyễn Khuyến - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp cho biết, với khoảng 1.200 bệnh nhân đến khám mỗi ngày, BV đã thành lập tổ tiếp đón hướng dẫn ngay từ cửa ra vào. 42 bàn khám bệnh luôn được hoạt động hết công suất. Bên cạnh đó, BV áp dụng sơn vạch chỉ đường cho người bệnh trên sàn nhà theo dấu hiệu, mầu đỏ là lối đi đến khu vực xét nghiệm máu, mầu vàng chỉ lối đến khu chụp XQ, mầu xanh chỉ lối đến phòng thăm dò chức năng. Quy trình khám, chữa bệnh theo năm bước được công khai ngay từ khu vực tiếp đón nên bệnh nhân đến khám đều được phục vụ theo tiêu chí “nhanh gọn, chính xác, thân thiện”. Là BV đầu tiên trong ngành áp dụng đưa thẻ từ thông minh vào BV, cách làm này của BV Đức Giang được rất nhiều người bệnh ủng hộ. Chỉ mất phí 30.000 đồng/thẻ/năm, bà Phan Thị Bích (phường Sài Đồng, quận Long Biên) đã sở hữu một tấm thẻ thông minh quản lý chi tiết thông tin các lần khám bệnh của bà tại BV. Không phải xếp hàng chờ đợi lấy số đến phòng khám, chỉ mất một phút quẹt thẻ, lựa chọn phòng khám, số thứ tự của bà Bích đã có trên bảng thông báo số tại phòng khám. Không những vậy, những người có thẻ còn có thể đăng ký khám tại nhà thông qua tổng đài 19006888.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên, việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế Hà Nội. Để làm cải thiện hình ảnh của các cơ sở y tế, thời gian qua, các BV đã chú trọng cải cách hành chính, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Dù còn nhiều khó khăn thách thức về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng ngành luôn nỗ lực đổi thay để hướng tới sự hài lòng của người bệnh. (* Nhân dân (trang Hà Nội))

Ghi nhận một trẻ bốn tháng tuổi nghi mắc chứng đầu nhỏ

Ngày 17-10, Bộ Y tế cho biết: Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận một trường hợp trẻ bốn tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búc (tỉnh Đác Lắc) có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra, lấy mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để xét nghiệm vi-rút Zika. Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang phối hợp phòng xét nghiệm của Trường đại học Nagasaki (Nhật Bản) tiến hành các xét nghiệm vi-rút học… Ngày 17-10, Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) tổ chức cuộc họp khẩn dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Tại cuộc họp, EOC đã nâng mức cảnh báo và đáp ứng hoạt động của Văn phòng EOC.

Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thật sự cần thiết. Phụ nữ mang thai, nhất là có thai trong ba tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn… (* Nhân dân (trang 8))

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 7: “Việt Nam ghi nhận ca bệnh đầu nhỏ nghi do vi rút Zika”; Báo Công an Nhân dân trang 1: “Phát hiện một cháu bé nghi măc chứng đầu nhỏ ở Đăk Lăk”; Báo Tiền phong trang 6: “Phát hiện trẻ ghi mắc chứng đầu nhỏ tại Việt Nam”; Báo An ninh Thủ đô trang 2: “Phát hiện cháu bé đầu tiên tại Việt Nam ghi mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika”

Vingroup trao tặng thành phố Hà Nội 3 xe kiểm nghiệm thực phẩm

Tập đoàn Vingroup vừa trao tặng đợt đầu - 3 xe chuyên dụng phục vụ công tác kiểm tra an toàn thực phẩm cho thành phố Hà Nội. Đây là dòng xe lưu động được trang bị hiện đại, có khả năng kiểm tra nhanh, sàng lọc, lấy mẫu tại chỗ; hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng phản ứng nhanh trong công tác thanh, kiểm tra, đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thủ đô.

Hưởng ứng Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về an toàn thực phẩm (ATTP); đồng thời thực hiện cam kết từ tháng 6/2016 về việc tài trợ 5 xe chuyên dụng phục vụ công tác kiểm tra ATTP cho thành phố - ngày 8/10/2016, Tập đoàn Vingroup đã trao tặng đợt đầu 3 xe.

Sau khi tiếp nhận, số xe trên sẽ được thành phố đưa vào sử dụng nhằm hỗ trợ công tác thanh tra, an toàn thực phẩm; kiểm soát an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; giúp người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn. 

Các xe trên thuộc dòng xe chuyên dụng kiểm nghiệm vệ sinh ATTP lưu động, vừa được sản xuất trong năm 2016. Xe trang bị đầy đủ và đồng bộ các thiết trang bị chuyên biệt, đảm bảo kiểm tra nhanh những yếu tố quyết định chất lượng thực phẩm như: tủ mát đựng mẫu và test thử, máy xay mẫu thực phẩm, máy lắc, máy ly tâm, bể điều nhiệt, thiết bị kiểm tra vệ sinh công nghiệp, kit thử độc tố, vi khuẩn, virus…

Sau khi kiểm tra nhanh các thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, cá…nếu có vấn đề, mẫu nghi ngờ sẽ được đưa tới các phòng kiểm định chuyên sâu để tiếp tục làm rõ và xử lý.

Việc sử dụng xe kiểm nghiệm ATTP là một trong các giải pháp tích cực của thành phố Hà Nội được Thủ tướng biểu dương. Là địa phương đi đầu cả nước trong công tác kiểm soát ATTP, từ đầu năm 2016, thành phố đã triển khai chương trình “Kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm bằng phương pháp kiểm tra nhanh tại các chợ đầu mối” tại 9 chợ đầu mối Yên Sở, Long Biên, Liên Phương, Vân Trì, Minh Khai, Tân Triều, Bắc Thăng Long, Hà Vỹ, chợ đầu mối phía Nam. Với sự hỗ trợ của xe chuyên dụng, chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn nạn vi phạm ATTP hiện nay.

Phát biểu tại lễ bàn giao xe, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: “Hưởng ứng nỗ lực kiểm soát vệ sinh ATTP của thành phố, Vingroup xin góp phần để các cơ quan chức năng có thêm phương tiện hiện đại và hữu ích, sử dụng trong công tác kiểm tra, thanh tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau 3 xe này, 2 xe còn lại sẽ được Tập đoàn Vingroup sẽ trao tặng cho thành phố vào tháng 9/2017”. (* Sài Gòn giải phóng (Chuyên trang Doanh nghiệp và Kinh doanh))

Nhiều mẫu nước mắm chứa chất gây ung thư

Kết quả khảo sát nước mắm trên thị trường cả nước được công bố chiều 17-10 đã bổ sung thêm minh chứng về thực trạng nước mắm không đảm bảo chất lượng mà lâu nay người tiêu dùng luôn nghi ngờ hoặc không hay biết gì với 95,65% mẫu từ 40 độ đạm trở lên có hàm lượng arsen (thạch tín) vượt ngưỡng quy định, khiến nhiều người thật sự bàng hoàng.

Mỗi năm tung ra hơn 200 triệu lít nước mắm

Chiều 17-10 tại Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát thực trạng chất lượng nước mắm và nước chấm trên toàn quốc. Sự kiện này được công bố đúng thời điểm mà dư luận liên tục xôn xao về một số hãng nước mắm vốn nổi tiếng lâu nay trên thị trường Việt Nam nhưng bị hồ nghi là không đảm bảo an toàn thực phẩm, thành phần nước mắm có chứa các chất gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.

Theo ông Vũ Xuân Diện, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tổ chức đại diện cho tiếng nói và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cả nước, cho biết từ lâu nước mắm là loại gia vị không thể thiếu đối với các gia đình Việt Nam và trong tương lai vẫn tiếp tục mở ra nhiều triển vọng trên thị trường thực phẩm. Trước đây, phương thức sản xuất chủ yếu là thủ công truyền thống: nước mắm được làm từ cá và muối. Nhưng trong xã hội hiện đại, nhu cầu tăng cao thì ngành sản xuất nước mắm theo quy mô công nghiệp ra đời. Theo ước tính, hiện cả nước đang có tới 2.300 cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm tại tất cả 63 tỉnh, thành phố, mỗi năm tung ra thị trường hơn 200 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên gần đây, chất lượng và độ an toàn có nhiều biểu hiện đáng ngờ và không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu rõ về thành phần dinh dưỡng, độ an toàn cần có của nước mắm. Tệ hơn là người tiêu dùng hoàn toàn không có nhiều thông tin để lựa chọn khi mua, ngoại trừ các thông tin mà nhà sản xuất ghi trên sản phẩm.

Báo động về kim loại nặng, thạch tín vượt ngưỡng

Theo kết quả khảo sát mới nhất về độ an toàn và chất lượng thật dựa trên 150 mẫu nước mắm được Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thu thập tại 19 tỉnh, thành phố và gửi đi kiểm tra tại hai trung tâm kiểm định chất lượng uy tín tại Hà Nội và TPHCM cho thấy có những vấn đề đáng báo động về nước mắm gồm cả chất lượng thật sự so với thông tin ghi trên nhãn mác và độ an toàn (có chứa kim loại nặng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng).

Cụ thể, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định, có tới 67% mẫu nước mắm được khảo sát không đạt chỉ tiêu arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế đưa ra. Theo quy định tại TCVN 8-2:2011/BYT thì hàm lượng arsen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0mg/l nhưng kết quả thử nghiệm arsen tổng cho thấy có tới 101/150 mẫu (chiếm 67,33%) không đạt quy định của QCVN năm 2011. Trong đó hàm lượng arsen tổng của các mẫu không đạt dao động từ 1,0mg/l đến 5mg/l. Đáng chú ý, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì tỷ lệ các mẫu có arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là có tới 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Nước mắm có độc và không an toàn đã đành, nhưng tệ hơn là các nhà sản xuất lại đang “ăn gian” chất lượng của người tiêu dùng so với những gì được niêm công khai trên nhãn mác. Qua phân tích cho kết quả, các chỉ tiêu bị ăn gian chủ yếu là độ đạm trong nước mắm, như nitơ toàn phần, nitơ ammoniac, nitơ acid amin… Trong số 51% số mẫu có lượng nitơ toàn phần thấp hơn con số nhà sản xuất công bố trên nhãn hàng hóa thì gần 15% mẫu có độ “vênh” với số liệu trên nhãn mác hơn 40%.

Theo ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, để trả lại quyền lợi cho người tiêu dùng, các cơ quan của Chính phủ cần tăng cường kiểm tra chất lượng nước mắm, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn có đúng thực tế và cần công bố kết quả kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trước khi cơ quan chức năng vào cuộc và đòi hỏi doanh nghiệp có lương tâm với sản phẩm của mình, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức để sử dụng các loại nước mắm thực sự an toàn và chất lượng, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, nói không với nước mắm bẩn và gian lận. (* Sài Gòn giải phóng (trang 4))

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 6: “Khảo sát tại 19 tỉnh/thành: Gần 70% nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng”; Báo An ninh Thủ đô trang 15: “67% mẫu nước mắm đóng chai chứa asen vượt ngưỡng”; Báo Lao động Trang 3: “Gần 70% nước mắm nhiễm thạch tín vượt ngưỡng”

Rộ chữa ung thư theo đơn thuốc thầy lang

Bệnh viện K đang điều trị cho nhiều bệnh nhân thân tàn ma dại vì mù quáng tin theo lời thầy lang, nhịn ăn, thải độc (detox)... với niềm tin sẽ chữa khỏi bệnh ung thư. Có những bệnh nhân ung thư mới 4 tuổi cũng suýt chết vì cha mẹ không tin bác sĩ.

Nhịn ăn chữa ung thư

Hình ảnh người phụ nữ chỉ còn da bọc xương, nằm lọt thỏm trên giường bệnh, đôi mắt thất thần, giọng nói phều phào khiến ai trông thấy cũng phải ái ngại thương xót. Khoảng 1 năm trước, sau khi cai sữa cho con nhỏ, chị P.T.H. (35 tuổi, giáo viên Toán trường THPT Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) thấy ngực nổi hạch nên đi khám.

Bác sĩ Bệnh viện K (Hà Nội) kết luận chị bị ung thư vú và khuyên nên phẫu thuật cắt bỏ khối u để kéo dài cuộc sống thêm khoảng 15 năm nữa. Nhưng sau đó nghe lời bạn bè nói có nhiều người bị ung thư đã vào 1 cơ sở trong TPHCM chữa khỏi nên chị H. quyết định không phẫu thuật, không điều trị gì theo bác sĩ chỉ định. Lúc ấy cơ thể vẫn khỏe mạnh, một mình chị khăn gói vào TPHCM tìm đến địa chỉ mà người quen nói là chữa được bệnh ung thư với niềm tin bệnh sẽ hết.

Tại đây hằng ngày chị được người của công ty cho uống thuốc, ăn gạo lứt và đặc biệt phải ăn thật ít để cơ thể không có dinh dưỡng nuôi khối u. Tin vào lời quảng cáo sẽ chữa khỏi bệnh bằng phương pháp thực dưỡng đó, chị H. cần mẫn thực hiện chỉ dẫn của nhân viên công ty. Mỗi tháng số tiền bỏ ra chừng 20 triệu. Được vài tháng bám trụ tại TPHCM, H. trở lại quê nhà vì con còn nhỏ.

Những ngày sau đó, công ty gửi thuốc ra cho chị uống và dặn dò không được ăn, thậm chí nhịn ăn để khối u không lớn thêm. Anh và em trai chị H. khuyên nhủ thế nào chị cũng dứt khoát nhất nhất tuân thủ chế độ ăn uống kham khổ đó mà không chịu đi bệnh viện điều trị. Cơ thể chị H. mỗi ngày một suy kiệt, cân nặng sụt giảm nhanh chóng, còn chưa đến 30 cân. Thấy tình trạng quá nặng nên người nhà đưa chị H. ra Bệnh viện K điều trị.

Bác sĩ Lê Văn Hiệp, Khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện K), người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân H. cho biết, do không tuân thủ điều trị theo chỉ lệnh của bác sĩ mà tự ý uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc nên khối u đã phát triển nhanh chóng. Hiện bệnh nhân đã bị ung thư vú giai đoạn cuối, di căn đa ổ xương, gan, ổ bụng, hạch nách, hạch trung thất. Người nhà đang xin bác sĩ cho bệnh nhân về quê điều trị những ngày cuối đời cho gần gia đình và tiện chăm sóc.

Cũng tại Khoa Nhi (Bệnh viện K), mới đây một bệnh nhân 4 tuổi cũng vì gia đình không tin lời bác sĩ nên cho trẻ đi điều trị bằng thuốc nam tại quê. Kết quả khối u 8cm đã phát triển nhanh chóng chiếm toàn bộ ổ bụng của cậu bé này.

TS. Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi cho biết, bệnh nhi mắc u nguyên bào thần kinh đã được bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư chẩn đoán cụ thể và chỉ định điều trị thì bà nội cháu bé lại quyết định cho cháu về, chữa theo các bài thuốc nam ở quê với lý do truyền hóa chất sẽ đau đớn.

Hai tháng uống thuốc nam, hậu quả là khối u quá to, vượt quá đầu dò siêu âm, không đo được kích thước. Cậu bé 4 tuổi chỉ còn da bọc xương vì suy kiệt thể trạng, nguy cơ tử vong cao. Người nhà đưa bệnh nhi đến Bệnh viện K khi bệnh đã trầm trọng, các bác sĩ phải dốc sức để điều trị cho bé với hy vọng còn nước còn tát.

Ngày 17/10, bác sĩ Hương cho biết, bệnh nhi đáp ứng điều trị tốt, hết phù, tim phổi ổn định, giảm vàng da, men gan vẫn tăng nhưng có giảm, điện giải ổn định, bụng xẹp xuống, u nhỏ lại rõ rệt, hạch thượng đòn trái di căn đã tan hết. Bé đã hoàn thành hoá trị đợt I và đã qua cơn nguy kịch.

Ngộ nhận về chữa ung thư: hết sức nguy hiểm

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới. Hiện có rất ít bệnh nhân ung thư được chẩn đoán sớm và điều trị sớm, hầu hết ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng. Do đó việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chi phí điều trị tăng cao.

Bác sĩ Lê Văn Hiệp cho biết, ở Bệnh viện K năm nào cũng có rất nhiều bệnh nhân như chị H và cậu bé 4 tuổi kia, tin thầy lang hơn bác sĩ để rồi nhận hậu quả đáng tiếc. Nhiều bệnh nhân đang tuân thủ liệu trình bác sĩ chỉ định, bỗng dưng bỏ ngang để theo các bài thuốc truyền miệng. Sau một thời gian bệnh quá nặng mới quay lại bệnh viện thì tình trạng đã “ngàn cân treo sợi tóc”.

Nhịn ăn để chữa ung thư cũng là một sai lầm nghiêm  trọng, nó khiến bệnh nhân nhanh chóng suy kiệt bởi khối u vẫn phát triển và lấy dưỡng chất của cơ thể dù người bệnh có ăn hay không. Bác sĩ Hương cho hay, không chỉ những người nông dân vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết, mù quáng tin vào thầy lang, mà nhiều bệnh nhân ở ngay trung tâm thành phố, có kinh tế, có trình độ, nhưng họ cũng theo lang vườn để rồi tiền mất, tật mang. (* Tiền phong (trang 6))

TP.HCM tái gia tăng trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ

Chỉ trong tháng 9, khoa Nhiễm-Thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) đãtiếp nhận bốn trẻ nhiễm HIV từ các bệnh viện chuyển đến.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa, cho biết những năm trước, mỗi năm đơn vị chỉ tiếp nhận 1-2 trường hợp trẻ nhiễm mới. Tuy nhiên, chín tháng năm nay số trẻ nhiễm mới mà khoa tiếp nhận đã lên đến con số 14.

Chín tháng đầu năm, BV Nhân dân Gia Định có sáu trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ. Con số này tại BV Hùng Vương là ba ca. Báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM, tám tháng của năm 2016 có 22 trẻ nhiễm HIV từ mẹ, tăng bốn ca so với năm 2015, trong đó 15 trường hợp đến từ các tỉnh khác. Đặc biệt, trong năm 2016 số trẻ tử vong vì nhiễm HIV gia tăng đột biến, có đến 11 trẻ tử vong.

Trong sáu tháng đầu năm 2016, TP đã xét nghiệm cho 618.500 thai phụ, phát hiện 563 thai phụ nhiễm HIV. Theo BS Trần Thị Đoan Trang, cán bộ phụ trách Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP đang khẩn trương rà soát lại hệ thống dự phòng lây truyền từ mẹ sang con nhằm hạn chế tình trạng gia tăng này. (* Pháp luật TPHCM (trang 4))

Bé gái 3 tuổi tử vong do nuốt trái mận

“BV Đa khoa Bình Dương vừa ghi nhận một bé gái ba tuổi tử vong do nuốt trái mận tròn”.

Tin liên quan.

BS Lê Xuân Toán, trưởng ca trực cấp cứu BV Đa khoa Bình Dương đêm 15-10, cho Pháp Luật TP.HCM biết thông tin trên.

Trước đó, bé NTTL (Bình Dương) được người nhà đưa tới BV Đa khoa Bình Dương trong tình trạng trợn mắt, không khóc, không ho, người tím tái. Tuy nhiên, bé đã tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện. Kết quả chẩn đoán ghi nhận một trái mận tròn đã làm tắc đường thở của bé.

Người nhà cho biết đã đưa cho bé L. một trái mận tròn. Trong lúc chơi đùa, bé L. ngậm trái mận và đã nuốt vô trong. Người nhà cố gắng dùng ngón tay móc trái mận ra nhưng không được nên vội vàng đưa tới bệnh viện nhưng đã quá trễ.

BS Toán cho biết dấu hiệu nhận biết trẻ bị dị vật đường thở bao gồm ho sặc sụa khi đang ăn, đang chơi. Sau đó mặt trẻ tím tái, khó thở, dễ có nguy cơ ngưng thở nếu để lâu. Khi trẻ bị nghẹt thở, phụ huynh phải thật bình tĩnh xử lý và nhanh chóng đưa tới bệnh viện. Tuyệt đối không dùng tay móc họng để tránh nguy cơ dị vật vào sâu hơn. (* Pháp luật TPHCM (trang 13))

'Thần y' rởm ngang nhiên chữa bệnh tại nhà

Mặc dù không có trình độ nhưng bà Nguyễn Thị Duyên (ngụ ở nhà số 10, ngõ 36, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) luôn tự nhận mình là “thần y” và ngang nhiên mở dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà.

Mang tật nguyền vì tin vào “thần y”

Theo phản ánh của chị Trần Thanh Thủy (quê ở tỉnh Bình Phước), con chị là cháu Nguyễn Thủy Tiên (10 tuổi) mắc bệnh bại não khiến 2 chân yếu, việc đi lại khó khăn. Vì nóng lòng muốn con sớm đi lại như bao đứa trẻ bình thường khác, giữa tháng 5.2016, sau khi được người quen giới thiệu, chị Thủy đã không quản ngại đường xa, lặn lội đưa con gái đến nhà “thần y” Duyên để chữa bệnh. Sau khi nắn, bóp và nghe người nhà thuật lại tình trạng bệnh tật, bà Duyên “phán” trong vòng 100 ngày, cháu Thủy Tiên có thể đi lại bình thường. Rồi bà Duyên xoa bóp, bấm huyệt kết hợp châm cứu, đắp thuốc...

Sau 2 tuần điều trị, chị Thủy thấy trên cơ thể con gái xuất hiện những vết thâm tím, nên muốn đưa con đi chụp, chiếu, nhưng bị “thần y” chặn lại. “Thầy nói, nếu tôi đưa con đi chỗ khác chữa trị thì thầy không tiếp tục chữa bệnh nữa, có chuyện gì thầy không chịu trách nhiệm”, chị Thủy kể lại. Mặc dù lo lắng, nhưng chị Thủy vẫn hy vọng “thần y” Duyên có thể cứu giúp con gái mình. Việc điều trị kéo dài đến tháng thứ 2 thì “thần y” Duyên lại nói, con chị phải điều trị 6 tháng... rồi lần cuối cùng thầy lang rởm này nói con chị phải điều trị ít nhất 2 năm.

Cảm giác như bị lừa, chị Thủy quyết định thanh toán tiền thuốc cho thầy lang Duyên tổng cộng hơn 60 triệu đồng rồi đưa con đến các bệnh viện lớn tại Hà Nội để khám. Kết quả sau 2 tháng rưỡi điều trị tại nhà “thần y” Duyên, các bác sĩ nói con chị đã bị bóp nát xương. Xương cũng bị vôi hóa không thể bó bột được. Cháu vĩnh viễn tật nguyền, không có cơ hội chữa trị nữa. Đau đớn, thất vọng, chị Thủy liền phản ánh trường hợp của con gái mình đến cơ quan chức năng.

Dùng thuốc không rõ nguồn gốc

Theo ghi nhận của P.V Thanh Niên tại nhà “thần y” Duyên luôn có khoảng 20 - 40 người đang chờ được trị bệnh. Ngôi nhà chỉ có diện tích khoảng 40m2, nên người nào bệnh nặng được ưu tiên nằm dưới sàn, người nào bệnh nhẹ ngồi ghế hoặc về phòng trọ nằm, đến giờ chữa bệnh mới ra. Ngoài bà Duyên, có 2 người phụ nữ khác khoảng 40 tuổi phụ giúp việc chữa bệnh. Bà Duyên và 2 người phụ nữ này thường đắp vào người bệnh nhân một loại thuốc không rõ nguồn gốc, có màu xanh. Ngoài ra, bà Duyên còn dùng một số loại thuốc dạng nước để bôi và thuốc dạng kem có in chữ Trung Quốc. Cùng với đắp, bôi thuốc, bà Duyên còn dùng máy châm cứu cho bệnh nhân và kết hợp tẩm quất, massage. Người nào đau nhiều thì bà Duyên tiêm hoặc cho uống loại thuốc gì đó không rõ nhãn hiệu.

Theo nhiều bệnh nhân chữa trị tại nhà “thầy lang” Duyên thì họ đã phải bỏ ra số tiền rất lớn. Mặc dù bà Duyên nói không lấy tiền công, nhưng lại thu tiền thuốc rất đắt. Một số trường hợp mất cả trăm triệu đồng, đó là chưa tính đến chi phi ăn uống, thuê trọ... (* Thanh niên (trang 13))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang