Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 19/1/2022

  • |
T5g.org.vn - Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid 19; Bộ Y tế: Đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán 2022; Bộ Y tế chấn chỉnh cơ sở y tế từ chối sản phụ mắc COVID-19 khám bệnh, sinh con; Bác sĩ Nhi khoa lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà…

 

Bộ Y tế: Đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán 2022

Trong công tác truyền thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cần tập trung đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch COVID-19, dịch bệnh mùa Đông-Xuân; vận động người dân thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, không lạm dụng rượu bia...
Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố; Các đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác truyền thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 12/01/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022, trong đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trong dịp Tết, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố; Các đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe đến người dân, cộng đồng trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Bộ Y tế lưu ý các hoạt động truyền thông cần đảm bảo hiệu quả, đa dạng về nội dung, thông điệp, phong phú về hình thức thể hiện, phù hợp với đặc điểm văn hóa vùng miền, ngôn ngữ và các nhóm đối tượng hướng đích.

Chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan báo chí tại địa phương xây dựng tuyến tin, bài, ảnh, phóng sự, tọa đàm, giao lưu trực tuyến,… để kịp thời thông tin về công tác y tế trong dịp Tết trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Trong công tác truyền thông chú trọng đến các nội dung truyền thông về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phòng, chống dịch COVID-19, dịch bệnh mùa Đông-Xuân; tiêm mũi bổ sung và mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19; tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện biện pháp 5K trong phòng, chống dịch COVID-19.

Triển khai các chương trình truyền thông về đón Tết an toàn, tiết kiệm; thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, không lạm dụng rượu bia; thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm khơi dậy phong trào, động viên các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế hăng hái, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tổ chức vận động hiến máu tình nguyện, không để thiếu cơ số máu dự trữ trong dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố; Các đơn vị trực thuộc Bộ theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội, những vấn đề nổi cộm được đề cập trên báo chí, lan truyền mạng xã hội để phản ánh, tham mưu cho cấp có thẩm quyền và đơn vị liên quan để kịp thời xử lý thông tin.

Phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý thông tin giả, tin sai lệch sự thật để nhanh chóng cải chính thông tin thuộc thẩm quyền của đơn vị... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bộ Y tế chấn chỉnh cơ sở y tế từ chối sản phụ mắc COVID-19 khám bệnh, sinh con

Ngày 18/1, Bộ Y tế đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng một số cơ sở y tế từ chối phụ nữ có thai đến khám và sinh con khi mắc COVID-19.
Trong văn bản về việc chấn chỉnh công tác chăm sóc phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước; Các bệnh viện trực thuộc Bộ; Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an; Y tế các bộ, ngành, Bộ Y tế cho biết, năm 2021 với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều phụ nữ mang thai, sản phụ đã bị mắc COVID-19 trong đại dịch, thậm chí tử vong. Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và chỉ đạo tăng cường chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ có thai trong bối cảnh dịch bệnh, cũng như ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú.

Các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực, nỗ lực cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tuy nhiên, gần đây, một số cơ sở y tế từ chối phụ nữ có thai đến khám và sinh con khi có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh trong bối cảnh "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" tại Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có cung cấp dịch vụ khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh và các bộ, ban ngành liên quan đảm bảo cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sản khoa, trẻ sơ sinh an toàn, liên tục, tránh đứt gãy cung ứng dịch vụ.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh có cung cấp dịch vụ sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh thực hiện tuân thủ hướng dẫn tạm thời dự phòng và xử trí COVID-19 ở phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở y tế.

Trong đó, chú trọng tất cả các cơ sở có cung cấp dịch vụ quản lý thai, khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh đảm bảo phân luồng, có khu khám, chăm sóc và điều trị riêng cho phụ nữ mang thai dương tính với COVID-19. Tuyệt đối không đùn đẩy, từ chối khám, chăm sóc cho phụ nữ có thai mắc COVID-19.

Trong trường hợp cấp thiết, cần tư vấn rõ ràng, phối hợp chuyển thai phụ tới cơ sở điều trị COVID-19 của địa phương, hoặc liên hệ với bệnh viện được Bộ Y tế phân công để được hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện được Bộ phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa thành lập, duy trì kíp gồm đầy đủ các chuyên khoa: sản khoa, sơ sinh, gây mê - hồi sức để sẵn sàng hỗ trợ cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện tuyến dưới khi cần thiết.

Trước đó trên phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, sản phụ H.T.H (sinh năm 1993) đã đặt cọc chờ sinh tại Bệnh viện Quốc tế Green, TP Hải Phòng. Đến gần ngày sinh, chị nhập viện và có kết quả dương tính với SARS-CoV -2.

Lúc này, nhân viên y tế của Bệnh viện Quốc tế Green từ chối cho sản phụ nhập viện; đồng thời đề nghị gia đình đưa sản phụ sang bệnh viện khác trên cùng địa bàn để chờ sinh, điều trị.

Sản phụ được gia đình chuyển đến Bệnh viện Phụ sản và sinh con theo phương pháp mổ đẻ vào lúc 11h trưa ngày 6/1. Sự việc trên gây bức xúc dư luận. Ngày 7/1, Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Bệnh viện Quốc tế Green.

Các hành vi vi phạm của Bệnh viện Quốc tế Green gồm: Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Sở Y tế xử phạt đơn vị trên 14 triệu đồng vì hành vi này.

Ngoài ra, bệnh viện còn bị xử phạt 20 triệu đồng vì hành vi: Không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm khi để bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19 tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bác sĩ Nhi khoa lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và gia tăng số lượng người mắc trong đó có nhiều trẻ em. BS. Đào Trường Giang, chuyên khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội tư vấn những điểm cần lưu ý khi chăm sóc trẻ nhỏ mắc COVID-19.

Thời điểm này, dịch COVID-19 đã lan rộng ra tất cả các tỉnh trong cả nước và được dự đoán là đã, đang và sẽ rất phức tạp. Đối với việc chăm sóc trẻ nhỏ mắc COVID-19, cha mẹ, người thân cần chú ý những điều sau đây.

1. Làm sao biết trẻ mắc COVID-19?

- Khi trẻ mắc COVID-19, dấu hiệu hay gặp là sốt, ho. Ít gặp hơn là chảy mũi, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, nôn, ăn kém… Tuy nhiên, nhiều trẻ mắc bệnh mà không hề có biểu hiện gì.

Do đó, với các bé mà nghi ngờ mắc COVID-19, gia đình cần báo với y tế phường để được hướng dẫn xét nghiệm. Cũng có thể mua que test nhanh tự làm tại nhà nhưng cần đảm bảo làm đúng cách và báo lại y tế phường nếu dương tính để được hướng dẫn cách ly, theo dõi.

- Ngoài các trung tâm y tế phường, còn có rất nhiều các tổ chức tham gia đồng hành để theo dõi cùng các bệnh nhân mắc bệnh. Có thể tham khảo số hotline 0241022 nhánh số 3 của mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tại Hà Nội, các ứng dụng, các group zalo, facebook tư vấn sức khỏe miễn phí đáng tin cậy của các thầy thuốc...

- Nếu trẻ không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng nhẹ: Không có triệu chứng của viêm phổi (nhịp thở bình thường, không có biểu hiện của thiếu oxy, đo SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời), trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, bú mẹ/ăn/uống bình thường đồng thời không mắc các bệnh lý nền, bệnh lý bẩm sinh thì có thể theo dõi tại nhà.

2. Khi chăm sóc, điều trị tại nhà cho trẻ mắc COVID-19 cần lưu ý

Những việc nên làm:

- Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không được kiêng nước.

- Theo dõi sát sao nhiệt độ, đo chỉ số SpO2 ít nhất 2 lần/ngày

- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt. Có thể dùng Paracetamol (Hapacol, Efferalgan, Doliprane, Tylenol…) với liều 10 -15mg/kg cân nặng/lần, 2 lần cách nhau ít nhất 4 tiếng.

- Vệ sinh mũi nếu trẻ chảy nhiều nước mũi hoặc nước mũi đặc quánh. Nếu chảy mũi ít và trẻ không khó chịu chỉ cần lau bằng khăn mềm sạch là đủ.

- Nếu trẻ ho, có thể dùng thuốc ho nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

- Nếu bất kỳ khi nào trẻ có các biểu hiện sau thì cần phải báo với phường hoặc liên hệ 115 để đưa trẻ nhập viện:

Thở nhanh

Khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực

Li bì

Lờ đờ

Bỏ bú/ăn uống

Tím tái môi, đầu ngón tay, chân

SpO2 < 95%

Những việc không nên làm:

- Đừng nên tự ý sử dụng 2 loại thuốc ho cùng lúc hoặc các loại thuốc ho có thành phần chống dị ứng, giảm ho.

- Đừng nên lạm dụng các vitamin kể cả vitamin C hay multivitamin. Sức đề kháng của trẻ không thể tăng lên ngay lập tức chỉ với 1 vài loại vitamin.

- Đừng cho trẻ xông lá lẩu, tinh dầu... vì không có tác dụng điều trị bệnh đồng thời có thể làm trẻ tăng sự khó chịu và có nguy cơ khiến trẻ bị bỏng.

- Tuyệt đối không tự dùng các thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc diệt virus... Tuyệt đối không dùng các đơn thuốc trên mạng và cũng đừng chia sẻ đơn thuốc của trẻ. Điều này vô tình làm hại nhiều trẻ khác.

3. Lời khuyên của thầy thuốc

Nên nhớ rằng, đã có rất nhiều trẻ tự khỏi bệnh mà không cần phải dùng thuốc. Quan trọng nhất là chăm sóc và theo dõi, phát hiện dấu hiệu nặng để đưa trẻ đi khám kịp thời. Đừng vì lo lắng mà lạm dụng thuốc để rồi tình hình thêm phức tạp. Ngoài ra, bố mẹ, người lớn cần bình tĩnh, chăm sóc bản thân, thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, để có đủ sức khỏe chăm sóc trẻ.

Những việc cha mẹ cần làm để hỗ trợ, chăm sóc con bị nhiễm COVID-19:

- Tâm sự, trấn an con về dịch COVID-19.

- Giải đáp thắc mắc và chia sẻ thông tin thực tế về dịch COVID-19. Trẻ có thể hiểu sai thông tin và có thể hoảng sợ.

- Hạn chế gia đình tiếp xúc và nói chuyện về tin tức, sự kiện về COVID-19 có thể gây hoang mang, sợ hãi.

- Cố gắng duy trì những thói quen bình thường, sinh hoạt khoa học. Lập thời gian biểu cho các hoạt động học tập và nghỉ ngơi hoặc các hoạt động giải trí.

- Hướng dẫn trẻ các hành động hàng ngày để giảm sự lây lan của mầm bệnh như: rửa tay thường xuyên; sử dụng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy vào thùng đựng chất thải.

- Tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động giải trí trong phòng cách ly phù hợp như các trò chơi online hay cùng chơi với bố, mẹ…

(Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế)  (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Lo F0 nặng, nguy kịch tăng nhanh, Hà Nội đôn đốc tiêm vaccine COVID-19

Hiện có 600 bệnh nhân COVID-19 điều trị ở Hà Nội trong tình trạng nặng, nguy kịch. Hà Nội đang đẩy mạnh tiêm vaccine, tuy nhiên những ngày gần đây số lượng mũi tiêm có xu hướng giảm sâu.

Sở Y tế Hà Nội ngày 17/1 cho biết, đến nay, tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 là hơn 13,73 triệu mũi. Có gần 256.000 người tiêm mũi bổ sung và hơn 1,43 triệu người đã tiêm mũi nhắc lại.

Cùng với các đơn vị tiêm chủng của thành phố, các bệnh viện trung ương và bộ ngành trên địa bàn tiêm gần 16.800 mũi nhắc lại.

Như vậy, đã có khoảng 1,7 triệu người ở Hà Nội đã tiêm mũi 3 vaccine COVID-19.

Theo Bộ Y tế, Hà Nội là một trong 39 tỉnh, thành phố bao phủ hai mũi vaccine cho hơn 90% dân số từ 18 tuổi trở lên. Cụ thể, gần 100% người trên 18 tuổi ở Thủ đô đã tiêm đủ 2 mũi; riêng nhóm trên 50 tuổi là 97,8% đủ 2 mũi; Trên 97% trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi.

Về tiến độ tiêm vaccine, trong 3 ngày gần đây, số lượng mũi tiêm trong ngày ở Hà Nội giảm liên tục. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Y tế TP, hôm qua 16/1, toàn TP chỉ tiêm được gần 29.500 mũi vaccine, bằng 30% số liều ngày 15/1. Trong khi đó ngày 14/1, TP tiêm được hơn 139.000 liều...

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 mới đây của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng đánh giá hiện nay tiến độ tiêm vaccine COVID-19 ở Hà Nội còn chậm. Ông yêu cầu Sở Y tế báo cáo hằng ngày tiến độ từng địa phương; đôn đốc hằng ngày việc tiêm vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên có bệnh nền… Các đơn vị cần rà soát sẵn sàng chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi.

Tại một số địa phương của Hà Nội như Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín..., vẫn còn số người cao tuổi có bệnh lý nền không đi đến điểm tiêm chủng lưu động. Lãnh đạo các địa phương cho biết tăng cường các tổ đến tận từng nhà dân vận động tiêm vaccine cho các đối tượng nguy cơ cao này.

Việc Hà Nội đẩy mạnh tiêm vaccine mũi nhắc lại và bổ sung, đặc biệt rà soát tiêm cho đối tượng 50 tuổi trở lên có bệnh nền là có cơ sở. Theo Bộ Y tế, hiện có tới 600 bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội trong tình trạng nặng, nguy kịch, tăng gần 20% so với trung bình 7 ngày trước.

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục ghi nhận từ 12-18 ca tử vong mỗi ngày. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng tiêm phủ vaccine, trong đó có mũi bổ sung và nhắc lại, để giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong.

Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 về số lượng vaccine tiêm nhắc lại và tiêm bổ sung cho người dân, chỉ xếp sau TP HCM với hơn 3,8 triệu liều (trong đó có hơn 3,2 triệu mũi nhắc lại), tính đến hết ngày 15/1. Trên cả nước, hơn 15,7 triệu liều vaccine mũi 3 (gồm mũi bổ sung và mũi nhắc lại) đã được tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tại 61 tỉnh/thành.

Trong đó, có hơn 10,7 triệu người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại, đạt 15,3%. Ngoài TP HCM và Hà Nội, các tỉnh/thành tiêm mũi nhắc lại nhiều gồm Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Dương... đều từ 200.000- 500.000 liều.

Ngoài ra, 55 tỉnh/thành cũng đang tiêm liều bổ sung cho người dân, với tổng số hơn 5 triệu liều.

Bộ Y tế cho phép tiêm nhắc lại với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc. Khoảng cách tiêm liều nhắc lại sau 3 tháng kể từ mũi cuối cùng của liều cơ bản (mũi hai), thay vì 6 tháng như trước đây. Liều bổ sung tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19; nhân viên y tế... (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

TP.HCM sẵn sàng tái kích hoạt bệnh viện dã chiến để ứng phó biến thể Omicron

Chiều 17/1, thông tin về công tác ứng phó với COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Sở Y tế TP.HCM cho biết thành phố đã có kế hoạch ứng phó với biến chủng Omicron.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện thành phố có kế hoạch cho tạm ngưng 4 BV dã chiến nhưng sẽ tái kích hoạt ngay trong 24 giờ nếu cần thiết.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), TP.HCM đang giám sát chặt chẽ về kiểm soát dịch, nhất là biến chủng Omicron như kiểm soát người nhập cảnh, tăng cường ở các cửa khẩu. Đến nay chưa có ca Omicron nào lây lan trong cộng đồng.

Còn trong khu nội địa, HCDC sẽ tiến hành tầm soát ca mắc biến chủng Omicron ở khu có nhiều người nhập cảnh hoặc số ca tăng bất thường. Quy trình này đã khá chặt chẽ và trong dịp Tết sắp tới, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện:

"Tất cả các khách nhập cảnh thì 72 tiếng trước khi nhập cảnh phải có xét nghiệm PCR âm tính, đó là điều kiện đầu tiên. Trước khi bước vào máy bay ở đầu bên kia thì phải được test nhanh 1 lần, sau đó xuống sân bay thì phải test nhanh thêm lần nữa. Quy trình khá chặt chẽ. Qua những công đoạn đó chúng tôi phát hiện thêm các ca mang biến thể Omicron", ông Tâm cho hay.

Hiện TP.HCM đang điều trị trên 3.600 bệnh nhân, trong đó có 75 trẻ em dưới 16 tuổi, 270 bệnh nhân nặng đang thở máy, 17 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 16/1, TP.HCM có 123 bệnh nhân nhập viện, 211 bệnh nhân xuất viện, 12 trường hợp tử vong trong ngày. Tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 20.240.

Theo Sở Y tế TP.HCM, số bệnh nhân tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn hiện chiếm 10-30% công suất hoạt động.

Để lực lượng y tế có thời gian hồi phục lại sức khỏe, 4 bệnh viện dã chiến tạm ngưng, bác sĩ tại đây được rút về. Tuy nhiên, trong trường hợp đối phó biến chủng Omicron, Sở Y tế  sẽ kích hoạt lại các bệnh viện dã chiến trong vòng 24 giờ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Bệnh viện Chợ Rẫy khai trương phòng khám di chứng Covid-19

Ngày 18-1, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức khai trương Phòng khám di chứng Covid-19 tại Khu Phòng khám Chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy (201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TPHCM). Phòng khám di chứng Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy ra đời với mong muốn là nơi thăm khám và điều trị chuyên sâu dành cho người bệnh sau mắc Covid-19. Phòng khám được đảm trách bởi các chuyên gia về Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy và về các bệnh lý liên quan, về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và dinh dưỡng.

Đây đều là các bác sĩ có kinh nghiệm chuyên sâu, đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức Covid-19, tại các bệnh viện khác tại TPHCM cũng như chi viện cho các tỉnh thành trong cả nước.

Phòng khám di chứng Covid-19 là nơi khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh, đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mắc Covid-19, nhất là những người từng bị Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khỏe sau khi khỏi bệnh.

Theo các bác sĩ, từ cuối tháng 4-2021, TPHCM bước vào làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 với mức độ nghiêm trọng chưa từng có. Và theo các số liệu thống kê tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có khoảng trên 300.000 người từng nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh được xuất viện.

Điểm đặc biệt là hai phần ba số người mắc Covid-19 nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài, như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, giảm sự tập trung, bị huyết khối, xơ phổi…

Các bất thường này không chỉ liên quan đến hệ hô hấp mà còn ảnh hưởng lên hệ tim mạch, huyết học, thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, rối loạn tâm lý, rối loạn giấc ngủ, suy giảm nhận thức...

*Lao động (trang 1): Nâng cao chất lượng y tế cơ sở: Không để tuyến trên quá tải, tuyến dưới bỏ không

Dịch COVID -19 vừa qua đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống y tế cơ sở của Việt Nam. Hệ thống y tế cơ sở gồm tuyến huyện và tuyến xã đã “bị động” trước dịch bệnh, quá mỏng manh trước sức tấn công “vũ bão” của một đại dịch COVID -19… (Chi tiết xem báo Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid 19

Ngày 18/1, Thanh tra Chính phủ cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có Văn bản số 71 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; hướng dẫn các bộ, ngành và UBND 61 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương giao Thanh tra bộ, ngành, tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch  Covid 19 và báo cáo kết quả thanh tra về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra chính phủ nêu rõ: Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao cho Thanh tra chính phủ và ngành thanh tra. 

Do đó, để thực hiện thanh tra đầy đủ nội dung, kịp thời, đúng pháp luật, thống nhất về thời gian, thời điểm thanh tra trên phạm vi cả nước, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch  Covid 19. 

Khẩn trương nắm tình hình, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, ra quyết định thanh tra, phê duyệt kế hoạch và triển khai thanh tra ngay trong tháng 1/2022;  tùy theo quy mô, tính chất phức tạp, các bộ ngành địa phương có thể thành lập 1 hoặc nhiều đoàn thanh tra.

Thanh tra Chính phủ đề nghị: Kết thúc thanh tra, kịp thời ban hành kết luận thanh tra, trong đó, phải kết luận rõ vi phạm pháp luật, dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng (nếu có), nguyên nhân. trách nhiệm và biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra gửi Thanh tra Chính phủ trước ngày 15/3/2022 để tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra trên phạm vi cả nước để trình Thủ tướng Chính phủ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác đôn đốc, tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19. 

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm: Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 cho các vụ, cục thuộc Thanh tra Chính phủ và Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh theo đề cương hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc hoạt động thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra theo đúng mục đích, yêu cầu, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ đề ra; chỉ đạo việc tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả thanh tra trên phạm vi toàn quốc trình Tổng Thanh tra Chính phủ; giúp Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Tổ Công tác có nhiệm vụ tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trên; giúp Ban Chỉ đạo tổng hợp và xây dựng báo cáo kết quả thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc để báo cáo Ban Chỉ đạo và giúp Ban Chỉ đạo xây dựng báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ. (Nhân dân, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang