Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 20/10/2016

  • |
T5g.org.vn - Nước mắm chứa asen có gây hại cho sức khỏe?; Thêm 2 trẻ bị chứng đầu nhỏ bẩm sinh tại Đắc Lắk; Tuyệt đối không dùng tay trần giết kiến ba khoang; Phát hiện 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với virus zika

PHÁT HIỆN 56 CÁ THỂ MUỖI VẰN TỰ NHIÊN DƯƠNG TÍNH VỚI VIRUS ZIKA

Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam” vừa phát hiện 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với virus Zika tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Tuy vậy, so với số lượng mẫu muỗi vằn (cái) mà dự án đã thu thập và lưu trữ, virus Zika đã có mặt trong quần thể muỗi vằn tự nhiên ở Nha Trang có tỉ lệ thấp. Theo đó, trong hoạt động nghiên cứu giám sát SXH Dengue tại TP. Nha Trang để chuẩn bị cho việc mở rộng nghiên cứu ứng dụng pương pháp Wolbachia trên đất liền trong những năm tới, dự án này đã thu thập và lưu trữ 23.682 mẫu muỗi vằn (cái) tự nhiên ở TP. Nha Trang trong thời gian từ tháng 3.2015 - 5.2016. Tại Việt Nam, khi bắt đầu ghi nhận ca nhiễm Zika trên người từ tháng 4.2016, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã tiến hành xét nghiệm các cá thể muỗi vằn tự nhiên này để xác định khả năng muỗi có nhiễm virus Zika, Dengue hoặc Chikungunya.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với Zika (0,24%), 29 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với virus Dengue (0,12%) và không có cá thể nào dương tính với virus Chikungunya. Đến nay, Việt Nam đã có 9 trường hợp nhiễm Zika trên người được ghi nhận tại Việt Nam (TPHCM: 4 người, trong đó có 2 người nước ngoài); Nha Trang: 1; Phú Yên: 1: Bình Thuận: 1; Bình Dương: 1 và 1 người nước ngoài đến thăm người thân ở Trà Vinh (Lao động trang 3).

THÊM 2 TRẺ BỊ CHỨNG ĐẦU NHỎ BẨM SINH TẠI ĐẮK LẮK

Ngày 19-10, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắc Lắk cho biết, địa phương vừa phát hiện thêm 2 trường hợp bị chứng đầu nhỏ từ lúc mới sinh. Đó là các bé Giàng Thị Tuyết (7 tuổi) và Giàng A Đông (4 tuổi). Hai bé là anh em ruột, quê ở xã Ea Dăh (huyện Krông Năng). Qua khai thác tiền sử, gia đình cho biết, trong thời kỳ mang thai, mẹ các bé bị sốt nhiều lần nhưng không đi khám. Sau sinh, các bác sĩ thấy vòng đầu của hai bé nhỏ hơn trung bình của những trẻ bình thường. Cũng theo bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, do trường hợp này đã sinh từ lâu nên khó xác định là do nhiễm virus Zika. Sở Y tế Đắc Lắk đã lấy mẫu của gia đình gửi Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm, nhằm tìm nguyên nhân gây chứng đầu nhỏ. Trước đó, ngày 14-10, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế ghi nhận trường hợp một em bé 4 tháng tuổi ở huyện Krông Buk (tỉnh Đắc Lắk) có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi chứng đầu nhỏ. Đến ngày 19-10, bệnh nhi đã được khẳng định mắc di chứng đầu nhỏ, song nguyên nhân dẫn đến di chứng này có phải do virus Zika hay không thì cần phải nghiên cứu thêm.

Hiện Cục Y tế dự phòng phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bệnh viện Sản tuyến Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cùng điều tra, xem xét, khám lâm sàng cho cả bé và mẹ. Các cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu gửi phòng xét nghiệm Đại học Nagasaki Nhật Bản để kiểm tra sự hiện diện virus Zika.

Được biết, chiều 18-10, tại buổi làm việc với Sở Y tế Đắk Lắk, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị tỉnh này cần tăng cường giám sát phòng chống sốt xuất huyết, Zika theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng. Hiện bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát tại Đắc Lắk với khoảng 1.000 ca mắc, trong đó đã có 2 ca tử vong (An ninh thủ đô trang 7, Sài gòn giải phóng trang 7).

TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG TAY TRẦN GIẾT KIẾN BA KHOANG

Chiều 19-10, theo tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), những ngày gần đây, Trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt. Đa số các bệnh nhân cư trú tại các khu chung cư, khu đô thị trên địa bàn Hà Nội. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nếu nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ đạc trong nhà, người dân tuyệt đối không nên dùng tay trần để giết mà nên thổi chúng ra xa, sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này. Nếu đập hoặc chà xát kiến thì phải nhanh chóng rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với côn trùng để hạn chế chất độc. Bởi dịch cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, khi bị kiến ba khoang đốt, cần ngay lập tức tiến hành sơ cứu bằng cách rửa vết đốt bằng cồn 70 độ, 90 độ. Trong trường hợp không có cồn thì rửa bằng xà phòng 3 lần rồi xịt nước hoa vào vùng da bị đốt. Sau đó, có thể sử dụng thuốc điều trị kiến ba khoang đốt như: Milian; Hồ nước; Fobancort; Castellani; Betadine theo hướng dẫn của thầy thuốc. Còn theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), để hạn chế kiến ba khoang, người dân nên đóng cửa, kéo rèm, ngủ trong màn và hạn chế bật đèn, không nên dùng đèn neon, đèn led... Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà để hạn chế nơi trú ẩn của loài côn trùng này (Hà Nội mới trang 1).

NƯỚC MẮM CHỨA ASEN CÓ GÂY HẠI CHO SỨC KHỎE?

Như Báo Hànộimới đã đưa tin về kết quả khảo sát nước mắm trên thị trường do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) công bố mới đây, theo đó hơn 67% mẫu nước mắm được khảo sát chứa thạch tín (asen) vượt mức cho phép. 
 Điều đáng nói là thông tin nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng thạch tín càng lớn khiến người tiêu dùng hoang mang. Tuy nhiên, giới chuyên gia, nhà khoa học cho biết, asen vô cơ mới gây độc, còn asen hữu cơ không gây độc và việc công bố thông tin của Vinastas là vội vàng, mập mờ khiến dư luận hoang mang, lo lắng.
Thạch tín hữu cơ không gây độc 

Chỉ hai ngày sau công bố của Vinastas về chất lượng nước mắm, ngày 19-10, khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại một số chợ và siêu thị, người tiêu dùng tỏ ra lo lắng khi chọn mua nước mắm. Chủ một cửa hàng bán đồ khô tại chợ Dốc Cẩm (Long Biên) cho biết, bình thường, khách hàng vẫn chọn mua các loại nước mắm có độ đạm cao. Tuy nhiên, sau khi có thông tin nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng thạch tín càng lớn khiến tâm lý khách hàng thay đổi. 

Vì vậy, những loại mắm có độ đạm cao đã ế khách. Bác Đặng Thị Mẫn, nguyên giáo viên giảng dạy môn hóa học, Trường THCS Ngọc Lâm cho biết, asen là chất cực độc, có khả năng gây ung thư. Đây là kim loại không màu, không mùi, gây ngộ độc gấp 4 lần thủy ngân. "Khi thông tin nước mắm có hàm lượng asen vượt ngưỡng được công bố khiến tôi thực sự lo lắng. Vì vậy, tôi mong muốn cơ quan chức năng phải vào cuộc làm rõ nước mắm nào nhiễm asen vượt ngưỡng, asen tồn tại ở dạng nào, công bố tên sản phẩm đơn vị kinh doanh", bác Đặng Thị Mẫn đề nghị. Đề cập đến vấn đề hàm lượng asen có trong nước mắm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, asen tồn tại ở 2 dạng. Một là asen vô cơ (tức là thạch tín nguyên chất), ở trạng thái nguyên tử hoặc phân tử chưa kết hợp với chất nào khác, rất độc hại. Loại thứ hai là asen đã tham gia quá trình phản ứng hóa học và tạo thành asen có hóa trị. Khi nó kết hợp với một chất nào đó tạo thành một hợp chất ở trạng thái hữu cơ. Loại asen hữu cơ không độc. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nước mắm được chế biến bằng 3 nguyên liệu chính gồm: Nước, cá và muối. Thực tế, trong nước biển luôn có asen hữu cơ. Cá biển vì thế cũng bị nhiễm asen hữu cơ một cách tự nhiên nhưng không độc hại. Cá chỉ bị nhiễm asen vô cơ khi môi trường biển ô nhiễm do các nhà máy thải hóa chất. 

Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, về mặt chuyên môn, nói đến asen, người ta nghĩ ngay đến chất vô cơ gây độc. Năm 2011, Bộ Y tế ban hành QCVN 8-2:2011/BYT là quy định chuẩn quốc gia về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm. Theo đó, hàm lượng asen đã được Bộ Y tế ghi chú rõ chỉ tính trên asen vô cơ và hàm lượng ăn vào hằng tuần có thể chấp nhận được tạm thời là 0,015mg/kg. Riêng với nước chấm, Bộ Y tế có giới hạn chung là 1,0mg/l. Do đó, khảo sát kết luận của Vinastas là vội vàng, dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Thông tin mập mờ, dư luận hoang mang

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng cho rằng, cần phải xem xét asen dưới góc độ khoa học. Nếu là asen hữu cơ tự sản sinh trong quá trình sản xuất ủ men nước mắm thì không đáng lo ngại. Còn nếu là asen được nhà sản xuất đưa vào trong quá trình sản xuất sản phẩm thì mới thực sự nguy hiểm. Do vậy, việc thông tin về chất lượng nước mắm, cũng như các chất ở trong đó cần rõ ràng dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng và tránh mập mờ.

Về vấn đề này, ngày 19-10, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, công bố của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) về các loại mẫu nước mắm nhiễm asen là quá vội vàng. Các thông tin công bố của Vinastas sơ sài, không đáp ứng được các tiêu chí như: Số lượng mẫu có đủ đại diện sản phẩm nước mắm của các cơ sở sản xuất trong nước; phương pháp lấy mẫu; kiểm nghiệm; xử lý số liệu sau kiểm nghiệm...  Hiện cả nước có 2.900 hộ sản xuất nước mắm truyền thống với 10.500 lao động, 140 doanh nghiệp sản xuất nước mắm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát chiếm đại đa số. Mỗi năm cả nước tiêu thụ 200 triệu lít nước mắm, trong đó 75% là nước mắm công nghiệp. Mặc dù, các cơ sở sản xuất nước mắm còn nhỏ lẻ, công tác bảo quản sơ sài, nhưng từ những năm 1970, Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm. Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối cho rằng, để xác định nước mắm có bảo đảm hay không cần phải lập Hội đồng khoa học phân tích, đánh giá, công bố rộng rãi cho người tiêu dùng biết, nếu chỉ theo kết quả của Vinastas sẽ ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống có uy tín trên thị trường...

Trước câu hỏi, vì sao Vinastas công bố về hàm lượng asen, không nêu rõ asen hữu cơ, vô cơ khác nhau, gây độc hại như thế nào cho người tiêu dùng (?), ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Vinastas cho biết: Sau khi phát hiện 101/150 mẫu nước mắm (chiếm 67,33%) có asen tổng vượt ngưỡng, chúng tôi đã lấy ra 20 mẫu có asen vượt ngưỡng đó để xét nghiệm tìm xem có asen vô cơ không và kết quả không tìm thấy. Như vậy, có thể khẳng định 101 mẫu có asen vượt ngưỡng kia hoàn toàn là asen hữu cơ (Hà Nội mới trang 7).

THÀNH PHỐ SỐNG TỐT PHẢI KHÔNG CÓ DỊCH BỆNH

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh do virus Zika, chiều 19-10, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Viện Pasteur TPHCM và các sở ngành liên quan nhằm đánh giá tình hình và triển khai những biện pháp phòng chống dịch.

TPHCM “nhạy cảm” với dịch bệnh

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho biết thành phố vừa phát hiện thêm một ca bệnh mắc virus Zika tại quận 5, nâng tổng số ca bệnh do virus Zika tại TPHCM lên 5 ca (2 trường hợp tại quận 2, 1 trường hợp tại quận 9, 1 trường hợp tại quận 12, 1 trường hợp tại quận 5). Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện Pasteur TPHCM đã kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới cũng như nhanh chóng xét nghiệm hơn 800 mẫu bệnh phẩm mà các đơn vị y tế của Sở Y tế TPHCM cũng như các địa phương gửi đến. Về chuyên môn giám sát, điều tra dịch tễ đối với dịch do virus Zika, ông cũng cho biết đã triển khai tập huấn cho các đơn vị và y tế dự phòng các địa phương… Tuy nhiên, hiện hệ thống máy móc xét nghiệm khá cũ kỹ, cơ sở chật hẹp nên cần được quan tâm đầu tư thêm… 

Báo cáo về công tác phòng chống dịch do virus Zika, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết ngoài việc thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, ngành y tế đã triển khai xác định và can thiệp vùng nguy cơ dựa trên chỉ số lăng quăng, chỉ số muỗi và phân loại thành các vùng nguy cơ cao, nguy cơ vừa và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống thích hợp. Kết quả ghi nhận tại 8 quận, huyện trọng điểm cho thấy: vùng nguy cơ cao tập trung tại Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn; vùng nguy cơ vừa tập trung tại Tân Phú, quận 8, Tân Bình… Trên vai trò lãnh đạo của ngành y tế, PGS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, nói dịch do virus Zika không nằm ngoài tiên đoán của bộ. “Diễn biến dịch Zika tiếp tục phức tạp, khả năng xuất hiện nhiều ca mắc virus Zika và dị tật bẩm sinh ở trẻ do mắc virus Zika là khó tránh khỏi”, ông Nguyễn Thanh Long quan ngại. Ông nhìn nhận chủng virus Zika nghi gây tật đầu nhỏ cho một trẻ ở Đắk Lắk là cùng chủng với virus Zika lưu hành tại TPHCM, nên nếu không ngăn chặn tốt thì khả năng TPHCM sẽ có ca trẻ sơ sinh dị tật tương tự. Ông đề nghị TPHCM chỉ đạo các quận, huyện triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, đầu tư cho các cơ sở y tế dự phòng để đủ năng lực phòng chống. “TPHCM rất nhạy cảm với dịch bệnh. Cứ có dịch bệnh gì là TPHCM có trước và hiện dịch bệnh tại TPHCM cũng chiếm tới 15% dịch bệnh của cả nước”, PGS-TS Nguyễn Thanh Long băn khoăn.

“Đầu tàu” về dịch bệnh thì… gay go!

Cũng trong chiều 19-10, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành và các bệnh viện trọng điểm về triển khai phòng chống dịch bệnh do virus Zika. Theo Sở Y tế TPHCM, hiện đã triển khai tầm soát ca bệnh nghi mắc Zika tại 30 bệnh viện trên địa bàn toàn phố và thực hiện công tác giám sát các điểm nguy cơ được thực hiện tại 24/24 quận, huyện. Bên cạnh đó, nhằm phòng chống di chứng tật đầu nhỏ, ngành y tế tập trung phát hiện thai phụ có triệu chứng Zika để quản lý, theo dõi thai nhi và trẻ sơ sinh; tăng cường tầm soát phát hiện sớm để tránh dị tật đầu nhỏ khi sinh ra; phát hiện và điều tra ca tật đầu nhỏ ở trẻ mới sinh và những ca chết thai nhi, não thai bẩm sinh bất thường trong thời gian mang thai hoặc sau khi sinh… 

Nhằm nâng cao hơn nữa công tác phòng ngừa, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu yêu cầu các quận, huyện phải tăng cường vệ sinh môi trường; cho test nhanh những ca bệnh nghi ngờ ngay tại các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện để giảm tải tuyến trên; không công bố rộng rãi thông tin người mắc bệnh do virus Zika để tránh kỳ thị của xã hội… “Quan trọng nhất vẫn là tập trung vệ sinh môi trường sống, làm việc, nâng cao ý thức và trách nhiệm của hộ gia đình, khu phố, tổ dân phố, không để phát sinh các ổ lăng quăng, muỗi gây bệnh”, đồng chí Nguyễn Thị Thu chỉ đạo.

Hoan nghênh sự chủ động và phối hợp của ngành y tế thành phố cũng như Bộ Y tế trong phòng chống dịch do virus Zika, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh phải xử lý nhanh chóng, có hiệu quả hơn nữa đối với dịch bệnh nguy hiểm này. “Thấy dịch bệnh như thế tôi rất sốt ruột. TPHCM đang xây dựng là thành phố có chất lượng sống tốt, đáng sống mà dịch bệnh luôn đứng đầu thì gay go”, đồng chí Đinh La Thăng quan ngại. Vì vậy, đồng chí Đinh La Thăng chỉ đạo quyết liệt vào cuộc phòng chống dịch do virus Zika ngay bằng các biện pháp cụ thể, đó là: UBND TP phải chỉ đạo quyết liệt các quận, huyện huy động các lực lượng, hệ thống chính trị khẩn trương vào cuộc phòng chống dịch; tổng huy động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, làm thường xuyên, liên tục diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi; có nội dung tuyên truyền cụ thể để người dân hiểu nguy hại của dịch bệnh nhưng không hoang mang, kỳ thị; nâng cao năng lực phòng chống dịch cho các đơn vị y tế dự phòng; ngành y tế thành phố phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế như Viện Pasteur để phòng chống dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất… “Mục tiêu của thành phố là chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân thành phố, du khách. Du khách đến thành phố là yên tâm về sức khỏe. Thành phố đang phấn đấu đầu tàu về kinh tế, giáo dục, chứ đầu tàu về dịch bệnh thì gay go”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chia sẻ (Sài gòn giải phóng trang 7).

ÁP DỤNG THÀNH CÔNG PHƯƠNG PHÁP LẤY SỎI THẬN QUA DA

Tin từ BV ĐH Y Dược TP.HCM ngày 18-10 được TTXVN dẫn cho biết bệnh viện đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi lấy sỏi thận qua da. Đây là phương pháp kỹ thuật cao, ít sang chấn thay thế cho phương pháp mổ hở truyền thống.

Bệnh nhân là một phụ nữ 59 tuổi, nhập viện vì đau hông trái kéo dài nhiều năm, đã đi khám ở các bệnh viện khác và đều được chỉ định mổ hở lấy sỏi, thậm chí có nơi còn yêu cầu cắt bỏ thận có sỏi. Sau khi thăm khám và chụp CT-scan, các bác sĩ khoa Tiết niệu BV ĐH Y Dược TP.HCM phát hiện người bệnh bị sỏi san hô kích thước 74 x 48 mm, chiếm hết toàn bộ thận và các đài thận. Đây là trường hợp sỏi thận phức tạp, hiếm gặp. Trải qua bốn lần nội soi gắp sỏi, hiện người bệnh đã sạch gần 98% sỏi. Vụn sỏi còn lại sẽ tiếp tục được tán sỏi ngoài cơ thể cho sạch hết. Trường hợp này không cần truyền máu, người bệnh xuất viện khỏe mạnh (Pháp luật TPHCM trang 2 ngày 19.10, Tuổi trẻ trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang