Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/5/2022

  • |
T5g.org.vn - Tăng cường giám sát chặt bệnh đậu mùa khỉ trên người; Cảnh báo trẻ bị stress sau sang chấn tâm lí

 

Tăng cường giám sát chặt bệnh đậu mùa khỉ trên người

Ngày 23-5, theo tin từ Bộ Y tế, thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tính đến ngày 21-5 đã ghi nhận 92 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở 12 quốc gia trên thế giới, trong đó có Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Canada, Bỉ, Đức, Australia, Mỹ... Đây là những quốc gia vốn không phải là nơi lưu hành của vi rút gây bệnh.

Còn tại Việt Nam, các viện: Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng đang tăng cường giám sát chặt chẽ căn bệnh này. Riêng các tỉnh có cửa khẩu biên giới, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác giám sát nhằm phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp. Trong trường hợp phát hiện các ca nghi ngờ, đề nghị Sở Y tế báo cáo ngay cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur trên địa bàn để thống nhất việc lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân khi cần thiết. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với WHO để kịp thời cập nhật thông tin về căn bệnh này và các biện pháp ứng phó.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện chưa xác định được căn nguyên chính gây chứng bệnh đậu mùa khỉ nhưng đường lây gây e ngại nhất là lây qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh đậu mùa khỉ có liên quan tới bệnh đậu mùa vốn đã được xóa sổ vào năm 1980. Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, triệu chứng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với đậu mùa. Đối với bệnh đậu mùa khỉ, thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi có triệu chứng thường là 7-14 ngày nhưng có thể 5-21 ngày. Các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Bệnh thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không. (Hà Nội mới, trang 1; Nhân dân, trang 5; Tiền phong, trang 6; Công an nhân dân, trang 1).


Cảnh báo trẻ bị stress sau sang chấn tâm lí

Thời gian qua Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận những trường hợp trẻ hội chứng stress sau sang chấn tâm lí. Nếu để tình trạng này kéo dài, bên cạnh việc hạn chế ngôn ngữ còn có thể gây ra các xung đột quá mức khiến trẻ lầm lì, thậm chí cục cằn trong ứng xử cùng các hệ lụy khác ảnh hưởng đến cuộc sống.

Bác sĩ chuyên khoa II Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết đang điều trị cho bệnh nhi N.M.H. (4 tuổi, ở Hà Nội). Bé bị sốc tâm lí sau khi ông nội mất.

Gia đình cho biết từ nhỏ bé đã được ông nội chăm sóc, yêu thương. Ông nội mất là cú sốc quá lớn với bé. Từ đứa trẻ vui vẻ, hoạt bát, thuộc hàng chục bài hát, bài thơ và thường xuyên biểu diễn cho người thân trong gia đình, sau tang lễ của ông, cậu bé đã thay đổi. Bé thường đi tìm ông, nhưng sau khi được giải thích là ông đã mất thì lại quay sang ngồi hàng tiếng trước bàn thờ ông.

Cậu bé gần như không giao tiếp với ai, có chăng chỉ là một vài tiếng dạ vâng hoặc những cái gật, lắc đầu. Có đêm, bố mẹ hoảng hốt khi thức giấc mà không thấy con trai đâu, đi tìm mới thấy cậu bé đang ngắm ảnh của ông trên bàn thờ.

Quá lo lắng, gia đình đã đưa H. tới Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám. Tại đây, cậu bé được chẩn đoán rối loạn stress sau sang chấn.

Đây không phải trường hợp duy nhất trẻ gặp phải rối loạn stress sau sang chấn khiến ảnh hưởng tới giao tiếp cũng như cử chỉ. Khoa Tâm thần cũng từng tiếp nhận một bệnh nhi nam 8 tuổi (Hà Nội) được đưa tới thăm khám sau khi bố mẹ xảy ra cãi vã. Thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ bất hòa, bệnh nhi bỗng trở nên lầm lì, ít nói, gần như không giao tiếp với mọi người.

Bác sĩ Minh cho biết: “Thông thường, trẻ giao tiếp bằng cả lời nói và cử chỉ. Tuy nhiên, sau khi gặp phải các sang chấn, trẻ có thể bị rối loạn tâm lí, từ đó không giao tiếp bằng cả hai. Một số trường hợp khác, trẻ chỉ giao tiếp bằng các ám hiệu.

Trước hết, với những trường hợp này, cần phải loại trừ bệnh lí thần kinh, các tổn thương não cấp tính gây ra tình trạng “thất ngôn” ở trẻ. Sau đó, trẻ được khai thác tiền sử để tìm nguyên nhân, từ đó có biện pháp điều trị, trị liệu phù hợp”.

Không nên để rối loạn stress kéo dài

Hầu hết trẻ em gặp rối loạn stress sau sang chấn sẽ có biểu hiện nhẹ hơn, thời gian để chữa lành cũng nhanh hơn so với người lớn. Nguyên nhân là do phát triển thần kinh ở trẻ có tính linh hoạt.

Tuy nhiên, nếu để tình trạng này kéo dài, bên cạnh việc hạn chế ngôn ngữ còn có thể gây ra các xung đột quá mức khiến trẻ lầm lì, thậm chí cục cằn trong ứng xử.

“Rối loạn ngôn ngữ có thể tạo ra rối loạn tâm lí, từ đó trở thành các bệnh lí, khiến trẻ nghiện game, trầm cảm”, bác sĩ Minh cảnh báo.

Triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn thường bắt đầu trong vòng ba tháng của sự kiện. Mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài khác nhau tùy mỗi bệnh nhân.

Một số trường hợp hồi phục trong vòng 6 tháng, trong khi những người khác bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Bác sĩ Thành Ngọc Minh nhấn mạnh vai trò gia đình trong quá trình điều trị.

“Họ là những người cùng với chuyên gia giúp con trải qua các buổi trị liệu tâm lí, tháo gỡ những vướng mắc để giúp trẻ dần cởi mở”, bác sĩ Minh nói. (Tiền phong, trang 6).

 

WHO cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm giữa người với người tiếp xúc trực tiếp

Theo WHO, các bằng chứng hiện tại cho thấy có sự lây truyền từ người sang người ở những người tiếp xúc gần về thể chất với các trường hợp có triệu chứng bệnh.
Trong thông báo ngày 21/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ dự đoán sẽ xác định được nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn vì đã mở rộng giám sát ở các quốc gia vốn không phải là nơi bệnh thường xảy ra.

WHO cũng cho biết sẽ cung cấp thêm hướng dẫn và khuyến nghị trong những ngày tới cho các quốc gia về cách giảm thiểu sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8; Tuổi trẻ, trang 5).

 

Đề nghị tiếp tục thanh toán BHYT các dịch vụ thực hiện bằng máy mượn, máy đặt

Ngày 23-5, liên quan tới việc thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do đơn vị trúng thầu hoá chất, vật tư cho mượn hoặc đặt máy, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam.

Trong công văn, Bộ Y tế nêu rõ, đối với việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật y tế bằng máy do đơn vị trúng thầu hoá chất, vật tư cho mượn hoặc đặt máy, trong khi chờ Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đánh giá tổng thể và ban hành hướng dẫn về vấn đề này, để bảo đảm quyền lợi cho người than gia BHYT, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam có văn bản hướng dẫn tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy do đơn vị trúng thầu vật tư, hoá chất cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu. Thời hạn thực hiện theo đúng thời hạn của hợp đồng mua sắm vật tư, hoá chất.

Bộ Y tế bãi bỏ nội dung “sau khi hết hợp đồng nếu tiếp tục thực hiện thì phải quy định rõ trong hồ sơ mời thầu đơn vị trúng thầu chịu trách nhiệm cung cấp máy” tại khoản 3 công văn số 2009/BYT-KH-TC ngày 12-4-2018 gửi BHXH Việt Nam về việc thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hoá chất đặt. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Vụ bệnh nhi tử vong do rắn cắn: Vì sao bệnh viện không có huyết thanh?

Chiều 23-5, gia đình bé S.T.N.N. (4 tuổi, ở thôn Ma Y, xã Phước Tân, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) và người thân, xóm giềng đã làm lễ an táng cho bé trong xót xa, thương tiếc.
Không từ ngữ nào tả hết được nỗi buồn của anh Ra Lan Oát và chị Sô Thị Tú, cha mẹ bé N., trước sự ra đi quá bất ngờ của đứa con gái đầu lòng cũng là duy nhất của anh chị sau khi bé bị rắn cạp nia cắn.

Bất lực nhìn con chết

"Tôi đã biết con bị rắn độc cắn, cấp tốc đưa con đi cấp cứu ngay trong đêm, đã đến bệnh viện lớn của tỉnh rồi mà cuối cùng vẫn bất lực không cứu được con" - chị Tú nức nở.

Ông Sô Minh Chiến - chủ tịch UBND xã Phước Tân - cho biết vợ chồng anh Oát, chị Tú mới ra dựng nhà sàn ở riêng, xung quanh thoáng đãng nhưng không hiểu sao rắn độc cạp nia lại lên được nhà lúc đêm tối và cắn bé N. đang ngủ. Khoảng hơn 0h ngày 16-5, chị Tú dậy đi vệ sinh thì thấy bé N. ói mửa, lơ mơ. Khi kéo chiếc màn thì thấy con rắn cạp nia đang ở ngay dưới chân con gái nên anh chị đánh chết rắn, đồng thời chụp lại ảnh con rắn để đưa cho bệnh viện biết.

"Biết đây là loại rắn độc, vợ chồng Oát thuê ôtô ở gần nhà chở ngay đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa cấp cứu. Ngay trong đêm, cháu N. được chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên để cấp cứu và điều trị. Nhưng cuối cùng cháu không qua khỏi" - ông Chiến xót xa.

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên, bé N. được chuyển đến bệnh viện này lúc 2h30 ngày 16-5 trong tình trạng lơ mơ, khó thở, chừng 10 phút sau đó thì ngưng thở nên bệnh viện phải đặt nội khí quản ngay cho bé. Do không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên chuyển bé N. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, tuy nhiên bệnh viện này cũng không có huyết thanh nên trưa 16-5 bé được chuyển lại Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên để tiếp tục điều trị.

"Chúng tôi có liên hệ với Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 để chuyển tuyến cho bé, nhưng hai bệnh viện trên cũng cho biết là không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Vì vậy, chúng tôi cố gắng hết sức để điều trị cho bé theo phác đồ của Bộ Y tế trong trường hợp không có huyết thanh kháng nọc rắn" - bác sĩ Phạm Văn Minh, giám đốc Bệnh viện Sản - nhi Phú Yên, cho hay.

Đến tối 21-5, sau 5 ngày nằm viện, tình trạng của bé N. rất xấu khi suy gan, thận, sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Thấy con khó qua khỏi, gia đình xin bệnh viện được đưa bé về nhà. Đến trưa 22-5, bé N. qua đời.

Huyết thanh không đắt tiền nhưng vẫn thiếu

Một lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) cho biết hiện bệnh viện đang thiếu huyết thanh cạp nia và huyết thanh kháng nọc rắn hổ mèo.

Vì sao nhiều bệnh viện tuyến trên lại thiếu những loại huyết thanh này? Vị này cho hay do những loại huyết thanh này rất ít khi được sử dụng đến nên công ty nhập loại huyết thanh này thường ít nhập về.

Tại bệnh viện, có năm tiếp nhận điều trị 1 ca bị rắn cạp nia hay rắn hổ mèo cắn nhưng có năm không có bệnh nhi nào. Khi bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhi này mà hết huyết thanh thì sẽ hỏi mượn huyết thanh từ những bệnh viện khác như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2. Còn khi ngay cả hai bệnh viện này cũng hết huyết thanh thì bệnh viện cũng đành chịu.

Theo bác sĩ này, các loại huyết thanh đang thiếu này có giá thành rẻ như một loại thuốc thông thường. Nhưng do các bệnh viện không có nhu cầu lớn nên các công ty không muốn nhập về.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết hiện bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong và cạp nia, nhưng vẫn có các loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, rắn lục đen, rắn chàm quạp... Tình trạng thiếu hai loại huyết thanh kháng nọc rắn trên xảy ra từ lâu.

Theo bác sĩ Phương, khi bị rắn cạp nong hoặc cạp nia cắn có thể điều trị theo triệu chứng, bệnh nhân sẽ được thở máy khoảng tầm hai tuần, tiên lượng sống của bệnh nhân cao.

"Nguyên nhân của việc không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong, cạp nia chủ yếu là do rất ít trường hợp bị rắn cắn, loại rắn này có thể điều trị thay thế bằng phương pháp hỗ trợ hô hấp", bác sĩ Phương nói.

TS.BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cũng cho biết bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia từ một năm nay. Loại huyết thanh này được nhập từ nước ngoài, cụ thể là Thái Lan. Hiện tại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyết thanh kháng cạp nia chưa được sản xuất, Việt Nam chưa thể nhập được, do vậy không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân.

Cũng theo TS Hùng, hiện nay bệnh viện thiếu cả huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa do chưa được nhập về.

Trước tình trạng nhiều bệnh viện thiếu các loại huyết thanh, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP đề xuất Bộ Y tế phải đứng ra lo vì đây là những loại thuốc "cấp cứu" bệnh nhân. Còn sở y tế các tỉnh thành nên là đầu mối để các bệnh viện hết huyết thanh đều có thể gọi đến để lấy. "Chứ bệnh viện mượn huyết thanh của nhau nhưng lúc tất cả các bệnh viện đều hết thì cũng không có huyết thanh điều trị cho bệnh nhân" - vị này nói thêm. (Tuổi trẻ, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang