Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/8/2016

  • |
T5g.org.vn - Cần Thơ xây bệnh viện đa khoa 500 giường; Cho nhập lại Salbutamol để làm thuốc chữa bệnh; Gian nan phòng, chống lao ở Bà Rịa – Vũng Tàu…

Cần Thơ xây bệnh viện đa khoa 500 giường

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thành Thống vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vimec Cần Thơ với quy mô 500 giường. Theo đó, dự án có diện tích 18.000m2, được xây dựng tại số 150A, đường 3 tháng 2, quận Ninh Kiều với tổng vốn đầu tư của dự án trên 2.000 tỷ đồng. Dự án khởi công xây dựng vào tháng 9.2016 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 3.2018.( Nông thôn ngày nay trang 5)

 

Cho nhập lại Salbutamol để làm thuốc chữa bệnh

Ngày 24-8, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, sau khi tăng cường công tác hậu kiểm, chấn chỉnh, kiểm soát hoạt động kinh doanh nguyên liệu Salbutamol, Cục Quản lý dược đã cho phép các doanh nghiệp được phép nhập khẩu lại chất Salbutamol để phục vụ việc sản xuất thuốc chữa bệnh.

Trước đó, vào cuối tháng 11-2015, Cục Quản lý dược đã có quyết định tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol và Clenbutarol do việc chất Salbutamol bị lạm dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi để tạo nạc cho thịt gia súc.

Đại diện Cục Quản lý dược cũng cho biết, sau khi tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm soát hoạt động kinh doanh nguyên liệu Salbutamol, hiện nay các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện, cơ bản đáp ứng các quy định về sản xuất, kinh doanh chất Salbutamol. Do đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh cho người, căn cứ nhu cầu nguyên liệu Salbutamol trong nước, Cục Quản lý dược tiếp tục cho phép doanh nghiệp nhập khẩu Salbutamol với số lượng phù hợp nhu cầu để sản xuất thuốc. Trong lĩnh vực y tế, các thuốc chứa chất Salbutamol được sử dụng chủ yếu dùng ở khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính và viêm phế quản mãn tính.( Sài Gòn giải phóng trang 2, Tuổi trẻ trang 2)

 

Gian nan phòng, chống lao ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Nằm trong vùng có dịch tễ bệnh lao cao, hàng năm, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện và điều trị cho khoảng 1.500 người mắc bệnh lao. Trong đó có nhiều trường hợp lao kháng thuốc, đồng nhiễm lao/HIV… điều đó vừa cho thấy những nỗ lực trong công tác phòng, chống lao của địa phương vừa chứng tỏ những khó khăn của địa phương trong việc loại trừ bệnh lao khỏi cộng đồng…( Nhân dân trang 5)

 

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh

Đến Bệnh viện đa khoa Đông Hưng (Thái Bình) ngày cuối tuần, đúng lúc các điều dưỡng đang chia những suất ăn dinh dưỡng cho người bệnh, chúng tôi đã nhận thấy rõ sự hài lòng của người bệnh khi được cung cấp những suất ăn bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh với giá cả hợp lý. Trong rất nhiều ưu tiên để đáp ứng sự hài lòng người bệnh, các cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng đã chọn nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cùng với việc nâng cao thể trạng người bệnh qua những suất ăn dinh dưỡng đúng bệnh lý…( Nhân dân trang 5)

 

Phát hiện tồn dư xyanua trong 'cá biển Formosa'

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia vừa thực hiện xét nghiệm các mẫu cá do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh gửi ra.

Đây là các mẫu cá được lấy tại Gò Cá xã Cẩm Nhượng, biển Kỳ Anh, H.Kỳ Anh (2 mẫu gồm: cá mú, cá đuối); Chợ Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên (6 mẫu gồm: ghẹ 3 mắt, cá nhồng, cá man, cá trạng buồn, cá mỏ neo, cá triềng). Kết quả kiểm nghiệm (ngày 22.8) cho thấy hàm lượng các kim loại nặng như: thủy ngân, crôm, asen, chì, sắt trong các mẫu nằm trong giới hạn cho phép.

Riêng trong mẫu cá trạng buồn có hàm lượng cadimi là 0,079 mg/kg, vượt quá giới hạn cho phép. Ngoài ra, xét nghiệm cũng phát hiện tồn dư xyanua trong 5 mẫu cá: cá đuối (0,8 mg/kg), ghẹ 3 mắt (0,8 mg/kg), cá nhồng (0,6 mg/kg), cá man (0,5 mg/kg) và cá mỏ neo (3,9 mg/kg).

Theo các chuyên gia, xyanua là một chất gây độc cho người. Phần lớn lượng xyanua có trong nước và đều xuất phát từ quá trình công nghiệp (quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hóa chất hữu cơ, những công việc liên quan sắt và thép). Ngoài ra, xét nghiệm cũng xác định phát hiện hàm lượng phenol trong 3 mẫu cá: cá đuối (14 mg/kg), ghẹ 3 mắt (10 mg/kg) và cá man (8,3 mg/kg).( Thanh niên trang 2)

 

9h ngày 26 – 8, tiếp tục mở bán qua mạng 5.000 liều vắc xin Pentaxim

Theo tin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, vào 9h ngày 26-8 sẽ tổ chức đăng ký tiêm vắc xin Pentamxim (5 trong 1) qua mạng tại địa chỉ duy nhất: tiemvacxin.vn.

đối tượng đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim đợt này là những trẻ từ ≥ 2 tháng tuổi đến≤ 24 tháng tuổi - tính đến ngày tiêm (trẻ sinh trong khoảng từ ngày 5/9/2014 đến ngày 7/8/2016 năm dương lịch, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin 5 trong 1). Danh sách các trẻ đăng ký tiêm thành công sẽ được niêm yết công khai tại các địa chỉ website của Viện và Trung tâm trong ngày 26/8/2016.

Việc tiêm vắc xin sẽ được thực hiện từ ngày 5/9 đến hết ngày 7/10/2016 - không bao gồm các ngày thứ bảy, chủ nhật (theo phiếu đăng ký tiêm vắcxin Pentaxim) tại Trung tâm Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật và Y tế Dự phòng - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, địa chỉ số 131 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.( Hà Nội mới trang 7)

 

Kích từ xuyên sọ để điều trị trầm cảm

Khoa cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 đang điều trị cho bệnh nhân P.T.H. (27 tuổi, ngụ Hải Hậu, Nam Định) bị chứng trầm cảm nặng sau sinh. Suốt 5 tháng sau khi sinh em bé thứ hai chị H hầu như không ăn, không ngủ dẫn đến giảm cân nghiêm trọng từ 57kg xuống còn 24kg…

Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 đã ứng dụng phương pháp kích từ xuyên sọ để điều trị trầm cảm từ khoảng 3 năm nay và cho kết quả rất tốt. Phương pháp này có ưu điểm là không có tác dụng phụ giống như việc dùng thuốc.( Tuổi trẻ trang 14)

 

Thêm những mẫu hải sản nhiễm độc

Ngày 24/8, kết quả kiểm nghiệm của các mẫu cá lấy tại 4 tỉnh miền Trung được Cục An toàn thực phẩm (ATTP-Bộ Y tế) công bố cho thấy, mức độ ô nhiễm đã giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, chiều 24/8, trên mạng lan truyền công văn của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (ATVSTPQG) gửi Bộ Y tế cho thấy con số nhiễm độc không khả quan như Cục ATTP công bố trước đó.

Theo kết quả Cục ATTP công bố, tháng 7 có 7/27 mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng (chiếm tỉ lệ 25,9%). Đến ngày 19/8, trước thời điểm Bộ TN&MT công bố nước biển an toàn, kết quả kiểm nghiệm cho thấy chỉ có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng (chiếm 5,5%); Ngày 22/8, Bộ TN&MT đã chính thức công bố nước biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn có thể bơi lội và nuôi trồng thủy sản.

Tại văn bản của Viện Kiểm nghiệm ATVSTPQG cho thấy kết quả kiểm nghiệm 7 mẫu cá, 2 mẫu ghẹ từ Hà Tĩnh chuyển ra ngày 9/8 (được lấy trực tiếp từ Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh) có 1 mẫu cá nhiễm cadimi vượt ngưỡng theo quy chuẩn Việt Nam; 5 mẫu nhiễm cyanua; 3 mẫu phát hiện hàm lượng phenol. Một số mẫu có hàm lượng phenol ở ngưỡng cao như cá man (8,3mg/kg); ghẹ 3 mắt (10mg/kg); cá đuối (14mg/kg) và lượng cyanua ở ngưỡng cao như cá mỏ neo (3,9mg/kg).

Công văn trên được gửi đúng vào ngày 22/8 – thời điểm Bộ TN&MT công bố chính thức nước biển tại 4 tỉnh miền Trung sạch đạt chuẩn để bơi lội, nuôi trồng thủy sản khiến dư luận nghi ngờ có hay không việc Bộ Y tế cố tình giấu kết quả này trước công luận? Trả lời câu hỏi, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP đã phủ nhận những nghi ngờ trên. Bà Nga giải thích, từ ngày 19/8, Bộ Y tế đã chốt kết quả kiểm nghiệm gửi sang Bộ TN&MT để chuẩn bị cho hội nghị sáng 22/8. Do đó công văn Viện Kiểm nghiệm ATVSTPQG gửi Bộ Y tế về 9 mẫu cá, ghẹ nói trên chưa được cập nhật.

Bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTPQG cho biết: “Mọi thông tin về kết quả kiểm nghiệm độ an toàn của hải sản chúng tôi làm đều được gửi theo đường mật tới Bộ Y tế, không hiểu vì sao lại lọt ra ngoài. Chúng tôi không được phép công bố vì Viện là đơn vị làm kiểm nghiệm chứ không phải cơ quan phát ngôn của Bộ Y tế về vấn đề này”.

Về thông tin một số báo có đưa kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm ATVSTPQG ngày 22/8 có một số mẫu cá có chỉ số phenol và cyanua vượt ngưỡng an toàn, bà Nga lý giải: “Tôi xin nhấn mạnh là thông tin mà Bộ Y tế công bố chỉ có 1/18 mẫu cá được xét nghiệm là không đạt về chỉ tiêu kim loại nặng là kết quả xét nghiệm được thực hiện đến ngày 19/8, trước khi Bộ TN&MT công bố thông tin nước biển miền Trung an toàn vào ngày 22/8. Về chỉ số phenol và cyanua hiện không có nước nào trên thế giới có quy định về ngưỡng giới hạn. Hai chỉ số này chỉ là để so sánh với chỉ số ô nhiễm môi trường trong suốt thời gian trong và sau khi xảy ra sự số môi trường Formosa.

Đầu tháng 9 công bố cá ăn được hay chưa

Hiện có một số thông tin cho rằng đang có sự bất nhất về kết quả kiểm nghiệm khi tháng 5/2016, Bộ Y tế từng công bố lấy 140 mẫu nước ăn, rau ăn và hải sản ở vùng biển bị ảnh hưởng. Kết quả xét nghiệm đều nằm trong ngưỡng an toàn. Đến nay lại công bố kết quả trên 420 mẫu hải sản tươi được lấy trong 2 tháng 5, 6, cùng thời gian lấy 140 mẫu kể trên, thì tỷ lệ ô nhiễm kim loại rất cao.

Bà Nga cho biết, 420 mẫu là tổng số mẫu hải sản tươi sống được lấy trong khoảng thời gian từ khi sự cố môi trường xảy ra đến thời điểm công bố (tức là từ cuối tháng 4 đến ngày 19/8/2016). Ngoài các mẫu hải sản tươi sống, Bộ Y tế còn lấy mẫu đối với: hải sản chết, muối biển, nước biển, nước ăn, rau… ở các địa phương xảy ra sự cố. Công bố của Bộ Y tế tháng 5/2016 là kết quả kiểm nghiệm 140 mẫu được lấy và kiểm nghiệm đến thời điểm đó, bao gồm nước ăn, rau ăn và một số hải sản tươi sống tại các vùng bị ảnh hưởng chứ không phải toàn bộ 140 mẫu là hải sản tươi sống nên không có sự bất nhất trong kết quả kiểm nghiệm hải sản ở miền Trung.

Lãnh đạo Cục ATTP nhấn mạnh: Bộ Y tế vẫn tiếp tục hằng ngày giám sát, lấy mẫu với tất cả các loại cá tại các cảng biển và đầm nuôi ở 4 tỉnh miền Trung. Các kết quả kiểm nghiệm sẽ được Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đánh giá và dự kiến sẽ công bố chính thức vào đầu tháng 9/2016.

Chỉ cần có 1 mẫu cá thu thập được kiểm tra mà không an toàn, thì khả năng cá biển ô nhiễm gây hại cho sức khỏe con người vẫn còn. Vì vậy, phải cần có thêm thời gian để giám sát, xét nghiệm các mẫu cá. Hiện những địa điểm Bộ TN&MT công bố có thể nuôi cá lồng bè trở lại, cá sống được trong môi trường nước biển an toàn đó thì có nghĩa là về cơ bản có thể khai thác cá ở những nơi đó.

(Tiền phong trang 3)

Cùng chủ đề bài viết có các tin, bài sau:

Lao động (trang 2): Về câu hỏi “ cá biển 4 tỉnh miền Trung có ăn được?”: Bộ Y tế sẽ công bố chính thức vào cuối tháng 8

An ninh thủ đô (trang 2): Đầu tháng 9 sẽ công bố mức độ an toàn của hải sản miền Trung

 

Nút mạch điều trị bệnh lồi mắt, ù tai

Chiều 23-8, các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đã điều trị có kết quả cho bệnh nhân Tạ Đức (31 tuổi, quê ở Nam Định) bị thông động mạch cảnh xoang hang trái.

Khoảng 1 tháng trước, trong khi tham gia giao thông, anh Đức đã bị tai nạn (2 xe máy va vào nhau). Sau khi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện 103, về nhà bệnh nhân xuất hiện triệu chứng lồi mắt phải, nhức đầu, tai nghe giảm. Bệnh nhân nhập viện tại Khoa Phẫu thuật thần kinh - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn để điều trị.

Khi chụp phim cộng hưởng từ, các bác sĩ kết luận có nốt tổn thương chất trắng thùy trán trái, thông động mạch cảnh xoang hang, viêm đa xoang, viêm tai xương chũm bên phải. Và bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng phương pháp nút thông động mạch cảnh. Kết thúc thủ thuật an toàn sau hơn 1 giờ tiến hành, đến sáng 24-8, bệnh nhân đã hết đau đầu, tai nghe rõ, mắt đỡ lồi, nhìn rõ và ngay trong chiều cùng ngày, bệnh nhân được xuất viện.( An ninh thủ đô trang 4)

 

Cứu sống nạn nhân bị đâm thấu tim

Chiều 24-8, bác sĩ Nguyễn Văn Huấn, trưởng khoa phẫu thuật – gây mê – hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết bệnh nhân Võ Tấn Lợi (18 tuổi, ở P.Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thoát nguy kịch tính mạng.

Trước đó bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng mất máu cấp do bị dao đâm thủng tim, mạch và huyết áp khó đo, suy hô hấp và tuần hoàn nặng… Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật hơn 2 giờ, tiếp 1,5l máu để cứu sống bệnh nhân.

Theo Bs Huấn, việc cứu sống anh Lợi ngoài việc thực hiện ca phẫu thuật ngay lập tức, phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ các khoa  mà còn là kết quả của sự chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim mà Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM hợp tác Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình định thời gian qua.( Tuổi trẻ trang 14)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang