Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/9/2016

  • |
Quá tải bệnh viện- "bệnh" cũ tái phát; Thêm bệnh viện tư ở Hà Nội; Khi bác sĩ... học võ; Nhiều bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp do thời tiết thay đổi

Quá tải bệnh viện- "bệnh" cũ tái phát

Vài năm gần đây, Bộ Y tế thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc giảm tải bệnh viện, mà đỉnh điểm là quyết sách vận động các bệnh viện trên toàn quốc ký cam kết không để bệnh nhân phải nằm ghép quá 48 giờ sau khi nhập viện, thế nhưng đến nay rất nhiều bệnh viện lớn tuyến cuối vẫn e dè không dám ký cam kết. Ngay tại những bệnh viện đã ký cam kết, thực tế vẫn cứ loay hoay chống quá tải.

Giảm nằm ghép xuống 2 đã là mừng

Những ngày qua, câu chuyện quá tải trầm trọng khiến bệnh nhân phải nằm ghép 3, ghép 4 người/giường bệnh, thậm chí nằm cả ở lối đi tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai được hâm nóng trên hầu hết các phương tiện báo chí truyền thông và bản thân những người bệnh cũng bày tỏ bức xúc.

Hiện toàn Bệnh viện Bạch Mai có 2.300 giường bệnh thực kê nhưng thường xuyên có 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 6.000 bệnh nhân khám ngoại trú/ngày nên quá tải là điều khó tránh, nặng nề nhất là 3 đơn vị: Viện Tim mạch, Khoa Thần kinh, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân.

Trong đó, tại Viện Tim mạch Quốc gia, số bệnh nhân điều trị nội trú luôn gấp đôi số giường thực kê (525 bệnh nhân/278 giường), nghĩa là hầu như giường bệnh nào cũng phải nằm ghép. Còn tại Khoa Thần kinh, TS Võ Hồng Khôi, Phó Trưởng khoa cho biết: “Toàn khoa có 200 giường thực kê, trước đây thường xuyên có tới 400 bệnh nhân nằm điều trị, nay đã giảm mạnh song ngay ngày thấp điểm cũng vẫn có 264 bệnh nhân/200 giường bệnh”…

Chia sẻ với phóng viên ANTĐ về câu chuyện này, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thực tế với những bệnh viện như Bạch Mai, nếu trước đây bệnh nhân thường xuyên phải nằm ghép 3, thậm chí ghép 4-5 người/giường bệnh thì nay giảm được xuống nằm ghép 2 đã là mừng. Nếu như trước đây thời điểm nào, khoa nào cũng quá tải, thì nay giảm xuống còn quá tải cục bộ (tại một số khoa, một số thời điểm…) như thế cũng đã là cải thiện rất lớn rồi”.

Cho rằng việc bệnh nhân nằm ghép chỉ là quá tải bề nổi, TS Dương Đức Hùng phân tích thêm, ngoài quá tải bệnh viện nhìn thấy được như bệnh nhân nằm ghép thì còn quá tải không nhìn thấy được. Đó là bệnh nhân tăng nhưng quân số nhân viên y tế không tăng.

“Chẳng hạn, theo quy định 1 điều dưỡng phụ trách 5 bệnh nhân, nay bệnh nhân tăng nhưng nhân viên không tăng nên 1 điều dưỡng phụ trách tới 10-20 bệnh nhân, quá tải này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng khám chữa bệnh, đến quyền lợi của người bệnh”, TS Dương Đức Hùng dẫn chứng.

Không riêng Bệnh viện Bạch Mai, theo khảo sát của chúng tôi tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, tình trạng quá tải cũng diễn ra khá trầm trọng ở các bệnh viện như Phụ sản Trung ương, K Trung ương… Đặc biệt tại Bệnh viện K Trung ương cơ sở 1, tình trạng nằm ghép 2-3 bệnh nhân/giường bệnh vẫn phổ biến ở hầu hết các khoa điều trị, xạ trị.

Đây cũng chính là lý do khiến các bệnh viện này hiện vẫn chưa dám ký kết không để bệnh nhân nằm ghép với Bộ Y tế. Hay ngay như Bệnh viện Nhi Trung ương - một trong khoảng 40 bệnh viện Trung ương đã tham gia ký kết không để bệnh nhân nằm ghép song hiện đơn vị này cũng chỉ dám ký kết không nằm ghép, tại một số khoa nhất định.

Tại khu vực TP.HCM, tình trạng quá tải tại một số bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Ung bướu, Nhi đồng 1… còn diễn ra trầm trọng hơn. Cũng vì thế, vào tháng 4-5 vừa qua, sau một số lần thị sát tại các bệnh viện tuyến Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải lắc đầu thừa nhận rằng tại một số bệnh viện lớn, việc giảm tải chưa có nhiều chuyển biến.

Loay hoay chống quá tải

Rõ ràng, quá tải bệnh viện vẫn đang là “căn bệnh trầm kha” quá khó giải với ngành Y tế. Có thể nhận thấy các giải pháp “hạ hỏa” mà Bộ Y tế đang triển khai như xây dựng bệnh viện vệ tinh; luân chuyển cán bộ về tuyến y tế cơ sở; xây mới, mở rộng bệnh viện... chưa giải quyết được tình trạng quá tải bởi trong thực tế, nhiều bệnh viện được xây mới khang trang nhưng người bệnh không tìm đến, nhiều bệnh viện vệ tinh đã được chuyển giao kỹ thuật nhưng người bệnh ở địa phương vẫn vượt tuyến.

Sâu xa cũng bởi người dân chưa thật tin vào y tế tuyến dưới. Việc vận động, yêu cầu các bệnh viện ký cam kết, không nằm ghép quá 48 giờ, hiện đã có hàng trăm bệnh viện ký song người bệnh chưa thực sự vui mừng bởi rốt cuộc đâu lại vào đấy.

Hay như câu chuyện tại Bệnh viện Bạch Mai, theo chia sẻ của GS.TS Đỗ Doãn Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, vài năm trước, để hạn chế số người nhà bệnh nhân có mặt rất đông trong bệnh phòng khiến buồng bệnh vốn quá tải càng thêm quá tải, bệnh viện đã kiên quyết không cho người nhà vào bệnh phòng.

Thế rồi nhận thấy người nhà bệnh nhân không có chỗ ở, mưa nắng vẫn “cắm trại” la liệt khắp khuôn viên sân, vườn của bệnh viện nên bệnh viện lại quyết định cho họ vào bệnh phòng, vừa trông bệnh nhân, vừa có chỗ ở qua đêm. Thế là “bệnh cũ” lại tái diễn.

Vậy phải chăng ngành Y tế đang bất lực? Trả lời câu hỏi này, TS Dương Đức Hùng cho rằng, chỉ khi hiểu được đầy đủ các lý do khiến quá tải bệnh viện còn tồn tại thì mới chống quá tải được.

TS Dương Đức Hùng phân tích, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường chỉ đạo tuyến, rút ngắn thời gian điều trị, rồi kêu gọi nhân dân mắc bệnh nhẹ nên khám chữa ở tuyến dưới, hay hạn chế bệnh nhân vượt tuyến bằng cách đánh vào quyền lợi của họ (bệnh nhân trái tuyến chỉ được hưởng bảo hiểm y tế nếu điều trị nội trú, ngoại trú không được hưởng bảo hiểm như trước)…, song thực tế có những đặc thù riêng.

Chẳng hạn có những chuyên khoa như ung bướu, tim mạch, tâm thần, tuyến dưới không điều trị được hoặc chất lượng còn rất yếu nên các bệnh viện tuyến trên không thể chuyển bệnh nhân xuống tuyến dưới, càng không có quyền từ chối tiếp nhận bệnh nhân.

“Đơn cử, tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi buổi tối tiếp nhận từ 30-40 bệnh nhân cấp cứu. Vì đây là tuyến cuối cùng về tai biến thần kinh, các tuyến dưới lại chưa có khoa chuyên biệt nên rất khó để liên hệ chuyển bệnh nhân nhằm giảm tải. Muốn “giải phóng” bệnh nhân, liên hệ để chuyển cũng chỉ được 10-15 bệnh nhân về các bệnh viện tuyến dưới ngay tại Hà Nội như Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn hay Đống Đa…” - TS Dương Đức Hùng dẫn chứng.

Rồi bệnh nhân vượt tuyến nếu nội trú mới được hưởng bảo hiểm nên số người xin điều trị nội trú tất yếu tăng lên và tất yếu quá tải hơn.

Cũng theo TS Dương Đức Hùng, các giải pháp chống quá tải bệnh viện mà Bộ Y tế đang chỉ đạo triển khai cơ bản đúng hướng nhưng không thể đòi hỏi hiệu quả ngay trong một sớm một chiều. Điều quan trọng nhất vẫn là phải tăng thêm số giường bệnh, sau đó kết hợp với các giải pháp khác mới giải quyết đồng bộ được.

Ngoài ra, theo lãnh đạo một số bệnh viện, để giải quyết quá tải, không thể chỉ có một lời cam kết mà Bộ Y tế cần đưa ra những biện pháp quyết liệt, đồng bộ hơn, trong đó phải phát triển chất lượng y tế tuyến dưới để làm sao thực sự tạo được niềm tin với người bệnh (An ninh thủ đô trang 4).

Thêm bệnh viện tư ở Hà Nội

Sáng 24.9, tại Hà Nội, thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cắt băng khánh thành Bệnh viện (BV) đa khoa Tâm Anh.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế), đây là một trong số ít BV ngoài công lập tại VN áp dụng quy trình khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện; BV được trang bị hệ thống máy móc hiện đại (ảnh). BV có 100 giường bệnh với các chuyên khoa sản, nhi, tiết niệu - nam học, điều trị hiếm muộn, nội tổng hợp...

Phát biểu tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong bối cảnh ngành y đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, việc các cơ sở y tế tư nhân đầu tư cơ sở vật chất bài bản, hiện đại với đội ngũ giáo sư, bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dân về dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao và toàn diện. BV Tâm Anh cũng là BV vệ tinh của BV Phụ sản T.Ư, giúp giảm quá tải cho BV tuyến T.Ư.

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có gần 200 BV tư nhân, quy mô tương đương 7% tổng số giường bệnh của các BV cả nước (Thanh niên trang 7).

Khi bác sĩ... học võ

Khoảng hơn một năm rưỡi qua, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã hình thành câu lạc bộ vovinam dành cho y, bác sĩ, điều dưỡng, bảo vệ. Gõ cụm từ “hành hung nhân viên y tế”, Google cho ra hơn 1,7 triệu kết quả. Hành hung nhân viên y tế hiện nay là vấn đề trăn trở của các bệnh viện (BV) và lãnh đạo ngành y. Câu hỏi là làm thế nào để tránh sự hành hung của bệnh nhân và thân nhân? Đó là chăm sóc bệnh nhân thật tốt, trong tình huống “kẹt” quá thì biết cách phòng thân và... bỏ chạy. Vì vậy, câu lạc bộ (CLB) võ thuật của BV Chợ Rẫy, TP.HCM ra đời cũng nhằm mục đích vừa rèn luyện sức khỏe nhân viên, vừa có thể đối phó với những tình huống khẩn cấp.

“Mình phải rất thông cảm cho người bệnh và thân nhân vì thủ tục hành chính khiến họ chờ lâu và còn nhiều thủ tục khác như bệnh nhân tử vong thì phải chuyển nhà lạnh mà người thân thì muốn đưa thẳng về nhà... Chính vì thế họ trút giận lên nhân viên y tế. An toàn người bệnh rất quan trọng nhưng an toàn cho nhân viên y tế cũng quan trọng không kém. Do đó nhân viên y tế cũng phải biết cách tự bảo vệ mình, bên cạnh trau dồi kỹ năng giao tiếp thì đó là… học võ”, một điều dưỡng ở BV Chợ Rẫy chia sẻ.

Người cầm kim tiêm học cách khóa tay

Tại BV Chợ Rẫy, CLB vovinam do nam điều dưỡng khoa can thiệp tim mạch của BV làm huấn luyện viên (HLV). Anh em trong CLB hay nói đùa với nhau đây là CLB rất tài tử, bởi học viên bận trực thì phải nghỉ, HLV bận trực cũng nghỉ và học bù bữa khác. Thế mà đã có 4 - 5 người đã thi thố và đạt trình độ đai xanh đậm rất oách.

Sáng 22.9, sau ca trực ban đêm, CLB chỉ quy tụ vỏn vẹn được nhóm 4 người, trong đó có 3 học viên và 1 HLV. Hành lang lầu 10 tòa nhà khu trung tâm ung bướu của BV Chợ Rẫy được chọn làm sân tập. Buổi tập không có thảm, không dụng cụ bảo hộ vì hôm nay chỉ luyện nhẹ nhàng. Lớp học với tâm niệm là để khỏe nên ưu tiên không qua đối kháng.

HLV Nguyễn Thanh Phương cùng 3 học viên bắt đầu buổi luyện tập bằng màn khởi động làm nóng đầu cổ, tay chân, xoay lưng hông... Ngay sau đó, tiếng vị HLV to, rõ, dứt khoát khi chỉ đạo các động tác xuống tấn; mở khóa tay, mở khóa ôm và luyện các đòn tấn công. Trong đó đáng chú ý nhất là bài tập té ngã để không đau, không gây chấn thương cho mình, đó cũng là bài tập để phòng khi bị người nhà bệnh nhân xô đẩy, hành hung (nếu có). Ít ai biết rằng, những người điều dưỡng tay yếu, chân mềm “trói gà không chặt” suốt ngày chỉ cầm bơm kim tiêm, băng thun... lại có những cú ra đòn nhanh, khỏe khoắn đầy uy lực như vậy.

Lau vội mồ hôi đổ trên trán sau hơn 15 phút tập luyện được nghỉ xả hơi, cô điều dưỡng Đào Thị Lệ, khoa nội thận, cười tươi rói, đùa: “Hết ổ bánh mì hồi sáng rồi!”. Chị Lệ cho biết mình mê học võ từ khi còn bé nhưng không có điều kiện. Khi Đoàn thanh niên BV thông báo mở lớp học võ trong BV thì chị nhanh chân chạy đến đăng ký ngay. Sau 1 năm chị đã lấy được đai xanh đậm, tức đã qua được lớp tự vệ nhập môn.

Người nhỏ nhắn, xinh xinh nhưng chị Lệ lại ra đòn rất “rát”. Chị bảo “thấy đánh thì ghê vậy chớ người hiền queo à!”. “Trước đây mình gọi một bệnh nhân trong khoa lên tiêm thuốc, khi bệnh nhân này vừa đến thì một bệnh nhân khác bị chảy máu nên mình chạy đến băng bó. Xong quay lại thì bệnh nhân chờ tiêm thuốc nổi cáu vì cho rằng điều dưỡng bắt chờ đợi. Bệnh nhân hỏi tên mình để méc cấp trên. Lúc đó mình cũng nổi cáu giơ cái bảng tên lên thách thức. Thế là sau đó mình bị cấp trên kêu lên “tuyên huấn” cho một trận. Hồi trước mình thấy đúng là nói, chẳng biết kiềm chế. Còn bây giờ sau khi học võ thấy mình khỏe khoắn hơn, khi vào khoa thì tâm tính rất dịu dàng. Bệnh nhân nói gì thì nói, mình với nhiệm vụ thì phải giải thích nhẹ nhàng và làm việc của mình!”, cô điều dưỡng nhỏ nhắn bộc bạch.

Trong buổi học còn có cô điều dưỡng nhỏ nhắn nhẹ cân khác là Trần Thanh Huyền, khoa hồi sức ngoại thần kinh, cũng là cán bộ Đoàn thanh niên của BV. Chị Huyền cũng theo CLB được một năm rưỡi rồi và rất “máu” với môn vovinam này.

“Vovinam là môn võ cổ truyền VN, nó không quá mạnh mẽ, không phải qua đối kháng, phù hợp với những người như chị em mình”, chị Huyền chia sẻ và bộc bạch: “Mình có thân hình mảnh mai nên cần học võ, trong tình thế cần thiết thì có thể đỡ - né đòn và… chạy hơn là tìm cách phản đòn”.

Trước đây trong khoa của chị Huyền có trường hợp một bệnh nhân sảng rượu cầm kềm (y tế) rượt điều dưỡng; có bệnh nhân khác thì cầm cây truyền dịch “dọa” điều dưỡng. Những lúc như thế chị em chỉ biết co giò bỏ chạy chứ không kiềm chế nổi bệnh nhân, có khi phải cầu cứu nam đồng nghiệp hoặc bảo vệ BV. Còn bây giờ, sau khi học võ, chị Huyền có thể biết được thế khống chế bệnh nhân một cách dễ dàng và rất nhẹ nhàng. Nhưng điều quan trọng là giữ được bệnh nhân và không làm bệnh nhân bị tổn thương.

Các chị điều dưỡng cho hay học võ có nhiều cái lợi lắm, đó là rèn luyện sức khỏe, xả stress sau giờ làm việc và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cũng như cuộc sống với điều dưỡng, bác sĩ các khoa khác. Nhưng nhờ có sức khỏe tốt nên công việc chăm sóc bệnh nhân trở nên dẻo dai, bền bỉ hơn. Kết thúc buổi tập, ai cũng mồ hôi ướt đẫm nhưng vui và ra về với tâm trạng rất thoải mái, hứa hẹn cho ngày hôm sau vào BV làm việc hăng say và tràn đầy yêu thương.

Điều dưỡng là võ sư

Khuôn mặt rất hiền của HLV Nguyễn Thanh Phương lúc nào cũng nở nụ cười trên môi trong suốt buổi luyện võ. Vừa chỉ giáo cho đồng nghiệp cũng chính là học trò, anh vừa thực hành luôn để học trò làm theo. Phút nghỉ giải lao, vị HLV cho biết từ 20 năm trước chân ướt, chân ráo rời Vĩnh Long lên TP.HCM học điều dưỡng, khi đi ngang qua Hội Vovinam thể thao đại học, anh thấy có lớp dạy võ. Thế là anh xin học môn vovinam với mục đích thủ thân nơi đất khách quê người. Vừa học điều dưỡng, vừa học võ và đi giao lưu với các hội, võ đường khác, chỉ qua 5 năm anh đã có trong tay danh hiệu Hoàng đai tam cấp - 4 đẳng quốc tế và trở thành HLV dạy vovinam. Khi Đoàn thanh niên BV Chợ Rẫy có ý định mở CLB dạy võ và ngỏ lời mời anh góp sức thì anh đồng ý ngay.

“Công việc, gia đình, đưa đón con cái bận lắm nhưng mình cố gắng để giúp cho BV, giúp anh chị em rèn luyện sức khỏe là chính, sau đó là phòng thân và chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Học võ không phải để đánh nhau mà giúp con người khiêm tốn hơn, biết tôn trọng người khác, có tính kỷ luật và có trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm. Võ thuật là hàng rào cuối cùng để nhân viên y tế tự vệ khi bệnh nhân hay thân nhân đi quá giới hạn. Cái cốt của việc dạy và học võ là làm cho môi trường BV bình yên, đó chính là y đức”, HLV Phương tâm sự.

Tuy môn võ có ích như vậy nhưng hiện CLB chỉ tập hợp được 20 y, bác sĩ, điều dưỡng. HLV Nguyễn Thanh Phương cho rằng có lẽ thông tin từ Đoàn thanh niên về chi đoàn chưa được thông nên còn nhiều anh chị em chưa biết đến. Mặt khác, đặc thù của ngành y là anh em phải trực, nên quy tụ đông đủ cũng khó. Đặc biệt là với bác sĩ thì càng khó hơn, vì bác sĩ sau giờ hành chính còn làm ở phòng mạch. Nhiều anh chị em còn con cái, gia đình cơm nước… phải lo toan.

Tuy nhiên, HLV Phương lạc quan vì các anh chị em chưa hiểu và chưa thấy được hiệu quả của người luyện võ sau này. Thời gian tới BV sẽ đẩy mạnh phong trào này thì anh chị em sẽ đến nhiều hơn; CLB cũng sẽ tổ chức cho anh chị em tập khí công vovinam.

Một CLB võ thuật vovinam đã và đang hình thành trong BV Chợ Rẫy và mô hình này hứa hẹn sẽ lan tỏa sang các BV khác, để nhân viên y tế vừa giỏi nghề, vừa đủ sức khỏe và an tâm khi gặp tình huống ngoài ý muốn! (Thanh niên trang 12).

Nhiều bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp do thời tiết thay đổi

TS-BS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết những ngày gần đây BV này tiếp nhận trung bình 3.000 bệnh nhi/ngày. Số lượng này không tăng nhưng các bé đến khám do mắc bệnh về hô hấp (viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi) tăng từ 10% lên 15% trong tổng số đến khám.

Đáng lưu ý, trẻ bệnh nặng do mắc bệnh đường hô hấp phải nhập viện, thở ô xy tăng rõ rệt (khoảng 20% so với các tháng trước).

Tại BV hiện thường xuyên có 60 - 70 bệnh nhi phải thở ô xy, chiếm khoảng 40 - 50% các trường hợp mắc bệnh hô hấp điều trị nội trú. Bệnh nhi dưới 6 tháng chiếm số đông, trong đó nhiều bé dưới 2 - 3 tuần tuổi cũng bị viêm phế quản, viêm phổi nặng. BV vừa thành lập thêm khu hồi sức hô hấp 24 giường bệnh để thêm điều kiện tiếp nhận, điều trị. Một số trường hợp phải ở tại khoa truyền nhiễm do viêm đường hô hấp có nguyên nhân nhiễm vi rút cúm. Tại khoa này hiện có 7 bệnh nhi đang phải thở ô xy.

Bác sĩ Trần Minh Điển lưu ý, nguyên nhân gia tăng bệnh đường hô hấp do thời điểm hiện tại, các tác nhân gây bệnh (vi rút cúm, Adeno vi rút) phát triển mạnh; nhiệt độ chênh lệch lớn trong ngày khiến trẻ khó thích nghi, ảnh hưởng đến khả năng chống đỡ với các tác nhân gây bệnh.

Vi khuẩn thường có trong hầu họng, khi trẻ bị vi rút tấn công gây giảm miễn dịch là cơ hội cho vi khuẩn bội nhiễm gây viêm họng và các bệnh đường hô hấp. Khi bé bị ho, hắt hơi, sổ mũi nên cho bé đến cơ sở y tế sớm để khám, hướng dẫn chăm sóc, theo dõi sức khỏe. Khi trẻ khó thở, bú kém là đã diễn biến nặng (Thanh niên trang 13).

Kiên Giang: 117 người mắc cúm A H1N1

Ngày 24-9, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, đã có kết luận từ Viện Pasteur TPHCM khẳng định những công nhân trong Nhà máy may Vinatex Kiên Giang bị dương tính với cúm A H1N1.

Từ ngày 20 đến 22-9, tại Nhà máy may Vinatex Kiên Giang (ngã ba Lộ Quẹo, ấp An Hòa, xã Định An, huyện Gò Quao), đã phát hiện 117 trường hợp bệnh nhân nghi ngờ mắc cúm. Các bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, đau họng, trong đó có 34 ca phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Gò Quao (Sài gòn giải phóng trang 7).

Tuyên Quang phát huy vai trò y tế thôn bản

Tỉnh Tuyên Quang có hơn 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, do vậy công tác khám, chữa bệnh, tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân gặp không ít khó khăn. Vì thế, phát huy vai trò của đội ngũ y tế thôn bản là một giải pháp giúp tỉnh chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho người dân.

Thầy thuốc Nhân dân Đào Duy Quyết, Giám đốc Sở Y tế Tuyên Quang cho biết: "Y tế thôn bản có vai trò rất quan trọng trong phòng tránh bệnh bước đầu ngay từ hộ gia đình, thôn xóm. Đây là những trạm y tế di động đến tận hộ gia đình, góp phần rất lớn trong công tác duy trì phòng tránh bệnh, phát hiện dịch bệnh sớm, đồng thời có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, HIV… Do vậy, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn, kết quả đó có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ cán bộ y tế thôn bản".

Là tỉnh miền núi, Tuyên Quang có 141 xã, phường, thị trấn với gần 2.100 thôn, bản, tổ dân phố. Trong đó, đồng bào DTTS sống tập trung chủ yếu tại các thôn, bản của các xã vùng sâu, vùng xa. Các xã này bị chia cắt bởi đồi núi, sông, suối, cho nên việc đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa lũ. Với phương châm phòng bệnh là chính, nhiều năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng củng cố đội ngũ cán bộ y tế ở 100% số thôn, bản để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và tuyên truyền kiến thức phòng, chống dịch bệnh, xây dựng môi trường sống hợp vệ sinh. Từ năm 2014 đến nay, ngành y tế tỉnh đã tổ chức đào tạo, đào tạo lại từ sáu đến chín tháng cho tất cả cán bộ y tế thôn, bản chưa bảo đảm trình độ; đồng thời cấp phát túi y tế thôn, bản.

Yên Sơn là một huyện vùng núi của tỉnh Tuyên Quang, nơi tập trung sinh sống của 22 dân tộc anh em tại 474 thôn, bản. Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh nhất là tại các vùng DTTS được địa phương coi là nhiệm vụ quan trọng. Với hơn 460 cán bộ, cộng tác viên y tế thôn, bản, họ được coi như những cánh tay nối dài của tuyến y tế cơ sở, bởi tại các vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn; công tác khám, chữa bệnh ban đầu hay việc sơ cứu đối với các trường hợp bị cấp cứu là yếu tố quyết định đến thành công của việc điều trị sau này. Bên cạnh đó, đội ngũ y tế thôn, bản thường là người DTTS ngay trong thôn, họ biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục địa phương, vì thế việc tiếp cận và tuyên truyền tới đồng bào sẽ cho hiệu quả cao hơn. Chị La Thị Nhất, cán bộ y tế thôn Yến Khánh, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn cho biết, chị thường xuyên tuyên truyền cho bà con vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đường làng ngõ xóm để phòng tránh các dịch bệnh có thể xảy ra, tuyên truyền về các biện pháp tránh thai, các vắc-xin phòng uốn ván. Việc tuyên truyền được thực hiện lồng ghép với các buổi sinh hoạt thôn hoặc sinh hoạt của các chi hội cho nên hiệu quả tuyên truyền cao.

Lâm Bình là huyện vùng cao và khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang với hơn 30 nghìn người, trong đó 90% số dân là người DTTS, gồm: Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn… Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình Ngô Văn Chiến cho biết: "Tất cả 76/76 thôn, bản trên địa bàn huyện đã có nhân viên y tế thôn, bản. Đội ngũ này đều đã qua đào tạo từ ba tháng đến chín tháng, vì thế từng bước đáp ứng được yêu cầu công việc. Đây là những “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã thực hiện nhiệm vụ giám sát dịch bệnh ở cơ sở, kiêm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, vận động đưa trẻ đi tiêm chủng…".

Hết năm 2015, tỉnh Tuyên Quang đã có 83/141 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 127 xã, phường (hơn 90%) đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 100% số trạm y tế được đầu tư trang thiết bị thiết yếu. Các trạm y tế thực hiện được hơn 70% các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến. Thực hiện mục tiêu này và để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm chi phí, từ nay đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang sẽ đầu tư hơn 228 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống y tế xã, phường. Trong đó, tỉnh dành 198 tỷ đồng đầu tư xây mới 56 trạm y tế, hơn 30 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và duy tu bảo dưỡng gần 40 trạm y tế. Tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đầu tư phát triển hệ thống y tế, nhất là đầu tư xây dựng mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế tại các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản có vai trò quyết định trong công tác tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là giúp tuyến y tế cơ sở, góp phần duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện công tác phòng ngừa và giúp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa (Nhân dân trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang