Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/12/2023

  • |
T5g.org.vn - Mùa lạnh, phòng biến chứng nguy hiểm khi bị tăng huyết áp; Quý I/2024, ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh gì cho trẻ trên cả nước?; Những đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh từ 1/1/2024 người dân cần biết; Việt Nam đối diện nguy cơ tỷ lệ tăng dân số âm; Cùng cộng đồng quốc tế phòng, chống dịch bệnh.

 

Mùa lạnh, phòng biến chứng nguy hiểm khi bị tăng huyết áp

Do mùa đông nhiệt độ thấp, cơ thể vì muốn duy trì thân nhiệt ổn định, giảm bớt sự toả nhiệt, các mao mạch sẽ co lại khiến lực cản huyết quản điều tiết bên ngoài tăng lên. Đồng thời, nhiệt độ thấp nên ra mồ hôi ít, khiến dung lượng máu tăng lên gây tình trạng tăng huyết áp.
Chính vì vậy, thời tiết lạnh, huyết áp rất khó khống chế.

Bệnh tăng huyết áp là bệnh lý tim mạch có tỷ lệ người mắc tương đối cao và có xu hướng ngày càng tăng, bệnh có diễn biến âm thầm nhưng dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Tăng huyết áp được chẩn đoán là khi đo huyết áp tại phòng khám có huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg. Tại Việt Nam, tăng huyết áp chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc.

Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị. Kiểm soát tăng huyết áp là rất quan trọng vì nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe khác và thậm chí tử vong.

Để kết quả điều trị tăng huyết áp hiệu quả, ngoài việc người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ dùng thuốc huyết áp theo chỉ định của bác sĩ thì việc đo huyết áp tại nhà và kết hợp với thay đổi lối sống lành mạnh là rất quan trọng. (Chi tiết xem báo Sức khoẻ & Đời sống, trang 1).

 

Quý I/2024, ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh gì cho trẻ trên cả nước?

Trong quý I/2024, sẽ ưu tiên cho trẻ ≥ 2 tháng chưa được tiêm mũi 1 vaccine 5 trong 1 bao gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi, trong đó ưu tiên tiêm trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất. Tiêm trả mũi 2, mũi ba cho trẻ chưa được tiêm đủ ba mũi gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi... Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), ngày 15/12/2023, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận 490.600 liều vaccine DPT-VGB-Hib (vaccine phối hợp 5 trong 1) có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viên gan B, viêm phổi do Hib, viên màng não mủ do Hib để triển khai trong tiêm chủng thường xuyên cho các tháng đầu năm 2024.
Theo kế hoạch, trong quý I/2024, sẽ ưu tiên cho trẻ ≥ 2 tháng chưa được tiêm mũi 1 vaccine DPT-VGB-Hib, bao gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi, trong đó ưu tiên tiêm trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất. Tiêm trả mũi 2, mũi ba cho trẻ chưa được tiêm đủ ba mũi vaccine DPT-VGB-Hib gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, trong quý I/2024, Chương trình tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng bù mũi, tiêm vét cho trẻ bảo đảm an toàn tiêm chủng, đặc biệt một số vaccine phòng chống dịch trong mùa đông- xuân như sởi, rubela...; tiếp tục tăng cường giám sát các bệnh tiêm chủng mở rộng như sở, rubela, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, giám sát điểm ca tiêu chảy cấp do virus Rota; chuẩn bị triển khai uống vaccine Rota là một vắc mới trong tiêm chủng mở rộng tại 33 tỉnh, thành phố từ quý II/2024.
Đồng thời, Chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũ cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học cho những trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi, qua đó giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch tại cộng đồng.
"Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cơ quan chuyên môn đã yêu cầu các điểm tiêm chủng trong trường hợp cần thiết có thể tăng số buổi tiêm chủng nhưng không tăng số trẻ trong 1 buổi tiêm chủng, cán bộ y tế phải nắm chắc những thông tin về an toàn tiêm chủng để truyền thông đến các bà mẹ, nhằm giúp cho bà mẹ theo dõi sát trẻ sau tiêm để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh không mong muốn..."- PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
PGS.TS Dương Thị Hồng cũng cho biết, từ năm 1994, Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã được bao phủ 100% xã, phường trên toàn quốc. Đây là điểm sáng của ngành y tế trong việc thực hiện công bằng về chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiêm chủng đã đến được với tất cả trẻ em từ thành thị, nông thôn đến tận biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Nhờ nỗ lực của toàn ngành y tế, Việt Nam đã thanh toán bại liệt từ năm 2000; Việt Nam được quốc tế công nhận loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2002. Việt Nam vẫn đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi trên phạm vi toàn quốc đạt cao hơn 95%, hiện bệnh sởi đã được khống chế và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi thời gian tới...
Đáng chú ý, kết quả tiêm chủng trong 10 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ huyện duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh đạt 100%; tỷ lệ trẻ dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 66,4%; tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh dưới 24 giờ đạt 70,1%; tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine sởi rubela đạt 77,1%; tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đạt 68,3%... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).
Những đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh từ 1/1/2024 người dân cần biết
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ 01/01/2024).
Dưới đây là những đối tượng được ưu tiên khi đi khám, chữa bệnh từ 2024 người dân cần biết để đảm bảo quyền lợi của mình.

Các trường hợp được ưu tiên khám, chữa bệnh từ 1/1/2024
Theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3, Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024) quy định về giải thích từ ngữ như sau:

- Khám bệnh là việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sử dụng kiến thức, phương pháp, kỹ thuật chuyên môn để đánh giá tình trạng sức khỏe, nguy cơ đối với sức khỏe và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh.

- Chữa bệnh là việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sử dụng kiến thức, phương pháp, kỹ thuật chuyên môn để giải quyết tình trạng bệnh, ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của bệnh hoặc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh trên cơ sở kết quả khám bệnh.

- Người bệnh là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Khoản 2, Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:

Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp người bệnh trong tình trạng cấp cứu;
Trẻ em dưới 06 tuổi;
Phụ nữ có thai;
Người khuyết tật đặc biệt nặng;
Người khuyết tật nặng;
Người từ đủ 75 tuổi trở lên;
Người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Như vậy, độ tuổi được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh được quy định như trên.

Ngân sách nhà nước về khám chữa bệnh ưu tiên bố trí cho những hoạt động nào?
Theo Điều 4 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, quy định về ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động sau đây nhằm đảm bảo mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng và đáp ứng nhu cầu y tế đa dạng của người dân:

- Phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc y tế cơ sở, hệ thống cấp cứu ngoại viện: Việc đầu tư và phát triển hệ thống y tế cơ sở và hệ thống cấp cứu ngoại viện là cực kỳ quan trọng để cung cấp dịch vụ y tế hiệu quả và kịp thời cho nhân dân, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp.

- Tập trung đầu tư cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Điều này đảm bảo rằng người dân ở những khu vực khó khăn sẽ có cơ hội truy cập dịch vụ y tế đầy đủ và phù hợp với tình hình địa phương của họ.

- Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động sau đây: Khám bệnh, chữa bệnh đối với người có công với cách mạng; trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; người đang sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người mắc bệnh tâm thần, bệnh phong; người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Nghĩa vụ của bệnh nhân trong khám bệnh, chữa bệnh từ năm 2024
Các Điều 16, 17, 18, Mục 2, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ 1/1/2024) quy định về nghĩa vụ của người bệnh như sau:

Điều 16. Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 17. Nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh:

Cung cấp trung thực và chịu trách nhiệm về thông tin liên quan đến nhân thân, tình trạng sức khỏe của mình, hợp tác đầy đủ với người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề.

Chấp hành và yêu cầu thân nhân, người đến thăm mình chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 18. Nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh:

Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Người bệnh không tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ năm 2024, người bệnh có các nghĩa vụ trên khi khám bệnh, chữa bệnh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Việt Nam đối diện nguy cơ tỷ lệ tăng dân số âm

Thông tin đưa ra tại lễ kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26-12); hội nghị tổng kết công tác dân số 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức ngày 26-12 cho thấy, giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng tốc độ tại Việt Nam “nhanh hơn thế giới” và ngày càng rõ nét. Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế), ước tính, tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ).
Giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng tốc độ ở Việt Nam nhanh hơn thế giới và ngày càng rõ nét. Theo ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số (Bộ Y tế), trong 3 năm qua, mức sinh trung bình của 21 tỉnh/thành phố thuộc vùng mức sinh thấp đã tăng nhẹ. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố có xu hướng tiếp tục giảm sâu như: Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.

“Năm 2023, mức sinh của thành phố Hồ Chí Minh là 1,27 con/phụ nữ, rất thấp; phụ nữ ở tỉnh Hậu Giang cũng chỉ sinh khoảng 1,5 con/phụ nữ”, ông Mai Trung Sơn nói.

Hiện chỉ còn 4 tỉnh, thành phố trong nhóm 9 địa phương đạt mức sinh thay thế trong năm 2020 giữ vững kết quả, gồm: Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Yên và Bình Định.

Đề cập đến nguyên nhân trên, ông Nguyễn Hồng Quân, đại diện Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Số cặp vợ chồng trẻ tuổi có xu hướng chậm sinh con hoặc chỉ sinh một con; xu hướng kết hôn muộn trở nên phổ biến… Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ hai con và các mô hình can thiệp để nâng mức sinh thuộc vùng mức sinh thấp đang trong quá trình xây dựng, đề xuất nên chưa đủ mạnh.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0. Trong khi nếu ở phương án mức sinh thấp, chỉ 35 năm nữa, Việt Nam sẽ đối mặt với thực tế tỷ lệ tăng dân số ở mức âm.

Các chuyên gia dân số cũng cho rằng, nếu để mức sinh “tụt” quá thấp sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển bền vững của đất nước, như: Suy giảm quy mô dân số; thiếu hụt lực lượng lao động; đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số; gia tăng các dòng di cư...

Do đó, theo đại diện Cục Dân số, với vùng mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Đồng thời, từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng... Cùng với đó, hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai và sinh con; hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con…

Ngày 26-12, UBND quận Ba Đình tổ chức kỷ niệm 62 năm Ngày Dân số Việt Nam và tổng kết công tác dân số và phát triển năm 2023, phát động thi đua và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Ba Đình có tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên 1,1%, kiểm soát được quy mô dân số và từ đó đến nay đang duy trì mức sinh thay thế. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Cùng cộng đồng quốc tế phòng, chống dịch bệnh

Ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết A/RES/75/27, lấy ngày 27/12 hằng năm là 'Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh' nhằm tăng cường nhận thức về phòng, chống dịch bệnh, từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.
Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này và là nghị quyết do Việt Nam đề xuất. Đáng chú ý, Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh được thông qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, khi tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả của Covid-19. Với sự nỗ lực của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, thế giới đã có những bước tiến trong việc tìm hiểu về vi-rút gây bệnh; sản xuất, sử dụng vắc-xin phòng bệnh Covid-19 và thuốc kháng vi-rút điều trị bệnh nhân.

Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, phù hợp các giải pháp chống dịch. Dịch Covid-19 đã được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả, góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao. Từ ngày 20/10/2023, Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A được chuyển sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Đáng chú ý, không chỉ thành công trong phòng, chống dịch Covid-19, những năm qua Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống các bệnh mới nổi như: MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9, cúmA/H5N1, cúm A/H5N6... Đặc biệt, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận thanh toán bệnh bại liệt năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2002 và hướng tới loại trừ bệnh sởi thời gian tới.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa... tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan trong nước. Với phương châm phòng bệnh “từ sớm, từ xa”, Bộ Y tế đang tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn như:

Hướng dẫn giám sát Covid-19; hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ; hướng dẫn phân vùng dịch tễ các bệnh do ký sinh trùng thường gặp; hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm. Ngành y tế chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để xử lý kịp thời dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện tại cộng đồng.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023, đồng thời chủ động phòng, chống các dịch đang lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng..., nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản, lao phổi... có nguy cơ lây lan và bùng phát, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo chính quyền bảo đảm kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội trong phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị chuyên môn triển khai các hoạt động phòng chống dịch...

Ngành y tế các địa phương cần theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.

Tổ chức giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện nhằm phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng và tử vong; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur khu vực, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình gen phát hiện sớm các biến thể mới, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp; phối hợp ngành nông nghiệp giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm để xử lý triệt để, kịp thời với mục tiêu không để dịch bệnh lây từ động vật sang người.

Để góp phần hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, từng người dân cần thực hiện nghiêm nội dung khuyến cáo ngành y tế đề ra trong công tác phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có Covid-19 như: đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm... (Nhân dân, trang 1).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang