Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/9/2016

  • |
T5g.org.vn - Từ 1.1.2017, tăng viện phí với người không có bảo hiểm y tế; Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp với nguy cơ cao; Tám hình thức lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế…

Từ 1.1.2017, tăng viện phí với người không có bảo hiểm y tế

Ngày 27.9, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã xây dựng Dự thảo Thông tư điều chỉnh viện phí đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo ông Liên, từ tháng 3 đến nay, viện phí đã có 2 lần điều chỉnh đối với nhóm có thẻ BHYT sau khi cộng thêm tiền phụ cấp ngày trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật và tiền lương vào viện phí.

Theo dự thảo, từ 1.1.2017, viện phí của người không có BHYT sẽ cộng thêm chi phí phụ cấp ngày trực, phẫu thuật thủ thuật và đến 1.7.2017 sẽ thêm chi phí tiền lương. Có không ít dịch vụ tăng gấp 2 lần. Cụ thể, tiền khám bệnh trong tháng 3 ở BV hạng 1 vẫn là 20.000 đồng/lượt khám; BV hạng 2 là 15.000 đồng, BV hạng 3 là 10.000 đồng, BV hạng 4 là 7.000 đồng. Đến tháng 7, tiền khám sẽ tăng lên tương đương các hạng BV là 39.000 đồng; 35.000 đồng, 31.000 đồng và 29.000 đồng. Còn từ 1.3, tiền giường điều trị hồi sức tích cực ở BV hạng đặc biệt tăng từ 335.000 lên 354.000 đồng, còn tháng 7 tăng lên 677.000 đồng/người.

Như vậy, từ 1.7.2017, người có BHYT và người không có BHYT sẽ hưởng cùng mức giá viện phí. Tuy nhiên, người bệnh không có BHYT sẽ phải thanh toán 100%. Đây là chi phí lớn, nếu như các ca bệnh đắt tiền, chi phí lên đến vài chục, vài trăm triệu đồng. “Hiện nay đã có gần 80% dân số có thẻ BHYT, chỉ còn 20% chưa tham gia, trong đó phần lớn là người có mức sống trung bình trở lên. Do đó, nếu không tham gia BHYT thì lúc bệnh tật sẽ chịu gánh nặng lớn” – ông Liên nhận định.

Theo ông Liên, để hỗ trợ người dân, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách đang cấp tiền lương cho các bệnh viện hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT, nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiên có mức sống trung bình để họ tham gia BHYT (hiện nay đang hỗ trợ tối thiểu 30%).

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các tỉnh phải bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo của tỉnh, chỉ đạo các bệnh viện sử dụng một phần chênh lệch thu chi để lập Quỹ Hỗ trợ khám chữa bệnh, để hỗ trợ các trường hợp có khó khăn trong chi trả viện phí.( Nông thôn ngày nay trang 3)

Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp với nguy cơ cao

Trước những diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh những ngày qua, chiều 27-9, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mùa thu đông tại 4 điểm cầu trên cả nước, nhằm đánh giá đầy đủ về dịch bệnh ở các địa phương để đưa ra các giải pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), nước ta đã phát hiện 3 trường hợp mắc bệnh do virus Zika và 2 trường hợp phát hiện ở nước ngoài có liên quan đến Việt Nam;  từ đầu năm đến nay cả nước đã có 72.372 trường hợp bệnh sốt huyết (SXH) ở 53 tỉnh/thành phố, tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 3 người tử vong.

Hiện số người mắc zika ở Thái Lan và Singapore đang tăng nhanh, dự kiến cũng sẽ tăng trong thời gian tới ở Việt Nam.  Ngoài ra, các bệnh cúm gia cầm, cúm mùa, sốt rét, bạch hầu cũng diễn biến phức tạp. Đáng lo khi cúm A H7N9 vẫn còn lưu hành trên đàn gia cầm ở nước ta.

Đặc biệt, năm nay xuất hiện các trường hợp mắc bệnh sốt rét kháng thuốc ở một số nơi, đây cũng là thách thức mới đặt ra trong thời gian tới. Những địa phương có số người sốt rét cao nhất là Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa vv…. Bình Phước cũng là nơi vừa có ổ dịch bạch hầu. PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý khi những bệnh nhân sốt rét là những người đi lao động, sinh sống ở nước ngoài về, nhất là từ Lào, Campuchia, châu Phi và đây cũng là nguy cơ làm cho số người mắc tăng thời gian tới.

Sau khi nghe các địa phương báo cáo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Nhiều dịch bệnh mới nổi đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh do virus zika khiến nhiều nước lo lắng và tích cực đối phó. Chúng ta không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào khi thời tiết giao mùa dễ bùng phát nhiều dịch bệnh.( Công an nhân dân trang 2, Thanh niên trang 2, An ninh thủ đô trang 2, Lao động trang 2, Tiền phong trang 2, Sức khỏe & đời sống trang 3)

Tám hình thức lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hiện nay có 8 hình thức lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong quá trình khám, chữa bệnh BHYT.

Cụ thể là: Việc sử dụng một số thuốc, vật tư y tế giá cao không hợp lý; chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh; áp giá thanh toán không đúng quy định; thống kê thanh toán không đúng quy định; thực hiện dịch vụ kỹ thuật không đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế hoặc người thực hiện không đủ điều kiện để thực hiện; lắp đặt máy móc xã hội hóa không đúng với quy định; nhân viên bệnh viện có tần suất đi khám, chữa bệnh cao; có bệnh án nội trú nhưng vẫn chấm công đi làm là những nguyên nhân dẫn đến thâm hụt quỹ BHXH thời gian qua.

Để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các phác đồ chuẩn để cơ sở khám chữa bệnh thực hiện, đồng thời làm căn cứ để BHXH giám định, đánh giá tính hợp lý của chỉ định điều trị bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh; ban hành các quy định nhằm hạn chế chỉ định chẩn đoán và điều trị không cần thiết từ các máy xã hội hóa; từng bước đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo phí dịch vụ bằng phương thức chi trả theo chẩn đoán (ca bệnh) và theo định suất... Các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cần gắn trách nhiệm của bác sĩ với việc chống lạm dụng, gây lãng phí cho bệnh nhân và Quỹ BHYT; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phân tích số liệu thống kê...( Hà Nội mới trang 5)

Cần tăng cường kiểm soát lây nhiễm bệnh lao

Lao là căn bệnh lây nhiễm lớn trên thế giới và gây tử vong cao. Tại Việt Nam, năm 2015, đã có 17.000 người chết vì bệnh lao, gần như gấp đôi số người chết do tai nạn giao thông, mỗi năm hiện có 1,5% số dân mắc mới căn bệnh này. Đó là con số được đưa ra tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai chiến lược FASST (phát hiện chủ động, cách ly và điều trị lao) diễn ra ngày 27-28.9 nhằm tăng cường thực hành kiểm soát sự lây nhiễm căn bệnh này…( Lao động trang 3)

Khó thi như bác sĩ nội trú

Mỗi sinh viên y khoa chỉ có một lần duy nhất trong đời được thi. Không những thế, điều kiện còn là vừa tốt nghiệp và phải được đào tạo chính quy. Đó là nét đặc biệt của kỳ thi Bác sĩ nội trú. Đó vừa là niềm tự hào nhưng cũng là áp lực, là sự khốc liệt của kỳ thi đặc biệt này.

Đọc sách tính theo cân

Khi tôi ngỏ ý muốn viết về kỳ thi Bác sĩ nội trú (BSNT) của sinh viên y khoa, thầy Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội đã phủ đầu: “Viết làm gì. Viết những vất vả của ngành y để không thí sinh nào dám học nữa à”.  Nhưng rồi thầy cũng “nhượng bộ” cung cấp cho tôi hai số điện thoại để liên hệ với hai cô sinh viên vừa thi đỗ vào chuyên ngành gây mê hồi sức hệ BSNT của trường. Gây mê hồi sức chính là ngành của thầy Tú và thầy cũng đã trưởng thành từ chính hệ BSNT của trường ĐH Y Hà Nội này.

Nhưng quả thật, nếu ai chưa trải qua, chưa thể biết được kỳ thi BSNT nó khốc liệt thế nào. Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thu Huyền là hai cô sinh viên mà thầy Tú đã giới thiệu cho tôi để tìm hiểu những thực hư, những “tin đồn” về kỳ thi BSNT.

Tôi bắt đầu câu chuyện với câu hỏi cảm giác biết đã đỗ vào BSNT thế nào, hai cô sinh viên đồng thanh: vui, hạnh phúc! Hạnh phúc này khác hoàn toàn cảm giác cách đây 6 năm biết đỗ vào ĐH Y Hà Nội. Vì ngày đó, thi xong, đã có thể biết được cơ hội của mình. Nếu không đỗ có thể lựa chọn trường khác. Nhưng với kỳ thi này, thi xong, không biết thế nào, không đỗ, coi như cánh cửa BSNT đóng lại vĩnh viễn. Không đỗ coi như 2 tháng ôn tập vừa qua công cốc trong khi thời gian đó có những bạn đã tìm được việc làm.

Không những thế, Huyền và Thu cho hay, kỳ thi là một trải nghiệm thú vị và có lẽ không một người bác sĩ nào từng tham gia có thể quên được trong đời. Huyền và Thu cùng học ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội nhưng khác lớp. Từ năm thứ nhất, khi vào trường, khi được nghe các thầy cô nói về BSNT, hai cô tân sinh viên đã thấy mê tít. Bởi những giáo sư, bác sĩ nổi tiếng tại Việt Nam đều học từ hệ này. Tuy nhiên, niềm đam mê đó được củng cố khi vào năm thứ 3, các sinh viên của ngành y được học lâm sàng (thực tập tại các bệnh viện). “Có nhiều bạn lúc đầu cũng thích BSNT, nhưng sau một thời gian, mục tiêu của các bạn ấy đã thay đổi” - Thu cho hay. Để có thể “chạm tay” được vào giấc mơ, ngay từ năm thứ nhất, các sinh viên y khoa đã phải đặt ra mục tiêu học và lộ trình ôn thi. Nhưng có lẽ, thời gian ôn thi gấp rút nhất là khoảng từ năm thứ 5, tức là thường phải ôn thi “chuyên nghiệp” trong hai năm.

“Chúng em là khóa đầu tiên trường đổi mới phương thức thi hệ BSNT. Từ đầu năm thứ 6, các thầy cô vẫn nói chúng em thi như các anh chị khóa trước. Nhưng giữa năm thứ 6 thì nhà trường thông báo lại: chúng em sẽ thi tất cả 9 môn thay vì 4 môn như trước và thi hoàn toàn bằng trắc nghiệm” - Huyền cho hay. Sau khi nhận được thông báo, nhiều sinh viên có hơi “choáng”  vì trước đó chỉ tập trung vào 4 môn sẽ thi. Huyền với Thu cũng thế.

“9 môn thi, không có giới hạn, không có định hướng. Tất cả phải học từ đầu đến cuối. Không những phải đọc giáo trình, sách tham khảo trong nước mà có những môn phải đọc sách tham khảo của nước ngoài. Chúng em đọc sách tính theo cân chứ không còn tính theo quyển nữa” - Huyền chia sẻ.

Nhưng có lẽ, thời gian ôn thi “khủng” nhất là trong hai tháng từ tháng 6 (thi xong tốt nghiệp ĐH) đến tháng 8 (kỳ thi bắt đầu). Rất nhiều bác sĩ trải qua kỳ thi này đều gọi hai tháng trước kỳ thi là hai tháng “luyện đơn trong lò bát quái”. “Mọi sinh hoạt cá nhân đều được tối giản đến mức có thể. Chúng em phải “căn” ăn bao nhiêu phút, tắm giặt bao nhiêu phút, ngủ bao nhiêu giờ. Toàn bộ thời gian còn lại để học. Nấu cơm em cũng phải nhờ trợ giúp của cô em gái ở cùng. Bố mẹ em ở quê  thì gọi điện lên học vừa thôi, học thế ốm thì chết” - Thu cười nói. Còn Huyền thì chia sẻ thêm: “Em ở KTX, khi ôn thi bọn em tập hợp học theo nhóm. Và quan trọng nhất lúc nào cũng phải giữ cho cái đầu tỉnh táo. Vì học tới 9 môn, ôn tới môn thứ 9 thì quên hết kiến thức môn thứ nhất. Có bạn đã bỏ cuộc trong thời gian ôn thi này vì không chịu được áp lực. Trong năm thứ 5 hoặc năm thứ 6, để ôn một môn có thể tính theo tháng. Nhưng vào 2 tháng cuối, ôn xong một môn sẽ tính theo từng ngày. Chính vì vậy, lúc nào căng thẳng quá, bọn em lại ngồi “chém gió” với nhau năm, bảy phút”.

Không chỉ lúc ôn, lúc thi cũng là thời gian thử thách. “Hãy tưởng tượng, 9 môn trong 4 bài thi. Mỗi bài thi 90 phút từ 160 - 180 câu hỏi. Để kiến thức không nhầm môn nọ với môn kia, đáp án nọ không nhầm với đáp án kia cũng là cả một vấn đề” - Huyền cho hay.

Mới chỉ là tấm vé đầu tiên

Ngày 9/9 vừa qua, hơn 600 sinh viên y khoa đến từ các trường ĐH Y của cả nước đã có mặt tại ĐH Y Hà Nội để xem “số phận” của mình. Huyền và Thu đã trúng tuyển vào chuyên ngành Gây mê hồi sức.

Chia sẻ với Tiền Phong về hệ BSNT, có lần thầy Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết sinh viên hệ BSNT chính là “lớp váng” tinh túy nhất của những người học ngành y. 3 năm học là 3 năm họ được các giáo sư, bác sĩ đầu ngành tại các bệnh viện lớn cầm tay chỉ việc. Họ học 24/24 tại các bệnh viện. Không những học tại một bệnh viện mà là tại tất cả các bệnh viện lớn của Hà Nội.

Còn với Huyền và Thu, hai bạn coi đây mới chỉ là tấm vé đầu tiên để phấn đấu. “3 năm tới sẽ còn nhiều kỳ thi nữa. Nếu chúng em không vượt qua, có nghĩa là sau 3 năm, chúng em không phải là BSNT” - Huyền nói.( Tiền phong trang 6)

TP.HCM: Phát hiện nhiều vi phạm tại các cơ sở thẩm mỹ

Ngày 27/9, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt với số tiền 30 triệu đồng đối bà Lương Ngọc Phương Trinh do có vi phạm tại Công ty TNHH Bệnh viện thẩm mỹ Hàn Quốc (trụ sở tại số 31 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1). Cụ thể bà Trinh bị xử phạt vì hành nghề nhưng không có chứng chỉ hành nghề. 

Thẩm mỹ viện Bảo Châu (trụ sở tại số 160 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1) phải đóng 10 triệu đồng tiền phạt vi phạm hành chính vì quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Cũng với hành vi vi phạm tương tự, Thẩm mỹ viện Việt – Hàn có trụ sở tại số 5 Bình Thới, phường 11, quận 11 bị xử phạt với số tiền 15 triệu đồng.( Sức khỏe & đời sống trang 2)

Quy định chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ chi trả

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 32/2016/TT-BYT quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Thông tư số 32/2016/TT-BYT quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc trách nhiệm của bên nhờ mang thai hộ cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phát sinh trong các trường hợp sau đây: Giai đoạn chuẩn bị mang thai; Quá trình áp dụng kỹ thuật chuyển phôi cho người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Các kỹ thuật, thăm khám, sàng lọc, điều trị và xử trí các bất thường, dị tật của bào thai (nếu có) và theo dõi, chăm sóc thai nhi; Quá trình sinh đẻ và chăm sóc trong vòng 42 ngày sau sinh cho người mang thai hộ hoặc cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; Khám sức khỏe tổng quát cho người mang thai hộ sau khi sinh; Khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe trong trường hợp người mang thai hộ có biến chứng sau sinh liên quan đến sức khỏe sinh sản…( Sức khỏe & đời sống trang 2)

Cứu sống bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở

Ngày 27.9, bác sĩ Nguyễn Ích Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu, cho biết bệnh viện đã kịp thời cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim rất nguy kịch đến tính mạng và hiếm gặp từ trước đến nay ở địa phương.

Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Hận (45 tuổi, ngụ ấp 17, xã Phong Tân, TX.Gía Rai) nhập viện khoảng hơn 9 giờ ngày 26.9, trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, cơ thể tím tái toàn thân.

Sau khi hội chẩn nhanh, các bác sĩ xác định bệnh nhân ngưng hô hấp tuần hoàn do nhồi máu cơ tim cấp, vùng trước rộng. Trước tiên lượng xấu, khoa Cấp cứu triển khai nhanh phác đồ điều trị kịp thời, tích cực, hồi sức tim, phổi, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết Alteplase và kèm theo những điều trị khác. Sau gần 7 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân Hận đã được cứu sống, sức khỏe dần ổn định. Rạng sáng 27.9, bệnh nhân được gia đình xin chuyển lên một bệnh viện ở TP.HCM để được điều trị tốt hơn.( Thanh niên trang 16)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang