Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress như: Hoảng sợ, ám ảnh, rối loạn sang chấn và lo âu. Điều này đem đến những gánh nặng về mặt xã hội, kinh tế và cho chính bệnh nhân. Cụ thể, có khoảng 350 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới phải chịu đựng trầm cảm, 5% phải chịu đựng lo âu và chi phí y tế cho rối loạn lo âu cũng vô cùng lớn gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. Ngoài ra, có hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần đủ tiêu chuẩn chẩn đoán.
TS.BS. Dương Minh Tâm, Trưởng Phòng điều trị rối loạn liên quan, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hiện nay rất nhiều người bị mắc stress do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội…, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân. Các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể; các rối loạn lo âu, ám ảnh, sợ, các rối loạn lo âu khác. Điều đáng nói, đa số bệnh nhân bị stress đều đi khám các chuyên khoa trước khi đi khám tâm thần. Dẫn chứng về trường hợp này, TS. Tâm cho biết, mới đây các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần đã khám cho một bệnh nhân nữ 38 tuổi, thường xuyên đau đầu, tính cách hay lo nghĩ, cầu toàn. Bệnh nhân này làm kế toán nhưng đã nghỉ 1 năm nay. Cách đây 4 năm, bệnh nhân xây dựng gia đình và tích lũy được một khoản tiền để xây nhà. Do lo lắng vì việc xây nhà và các khoản nợ đang gánh đã khiến bệnh nhân căng thẳng, vã mồ hôi, trào ngược dạ dày, kém ngủ… Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi nhưng không đỡ. Chi phí đi khám bệnh thậm chí còn cao hơn tiền nợ xây nhà. Khi đến Viện tâm thần khám, với các triệu chứng trên, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn lo âu...
Các chuyên gia tâm thần học cho biết, để điều trị stress, người bệnh cần điều chỉnh lối sống, nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng hài hòa giữa lao động và nghỉ ngơi, thư giãn để tăng cường sức đề kháng với stress, ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục để giữ cơ thể khỏe mạnh, không để tăng cân hay xuống cân quá nhanh, quản lý tốt thời gian. Đặc biệt phải thực hiện liệu pháp thư giãn, có tác dụng làm giảm nhịp tim, nhịp thở để đối kháng lại phản ứng stress.
Tuấn Minh