Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bệnh do vi rút Ebola và hoạt động phòng chống tại Việt Nam

  • |
T5g.org.vn - Bệnh do vi rút Ebola (bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (bệnh truyền nhiễm nhóm A) có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90%)
 Bệnh do vi rút Ebola (bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (bệnh truyền nhiễm nhóm A) có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90%). Người bệnh có triệu chứng sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (dấu hiệu dây thắt, ban xuất huyết hoặc dát sần, chảy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, ỉa ra máu…). Thể nặng điển hình thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não, có thể biến chứng suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh. 
Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến 26/11/2014, thế giới đã ghi nhận trên 16.001 trường hợp mắc, trong đó 5.738 trường hợp tử vong; ghi nhận 600 cán bộ y tế nhiễm vi rút Ebola, trong đó 348 trường hợp tử vong. Các trường hợp nhiễm, tử vong do vi rút Ebola chủ yếu xảy ra tại các nước châu Phi. 
Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola. Việt Nam luôn chủ động triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch và hỗ trợ tích cực của các Tổ chức quốc tế; sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, đoàn thể, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào công tác phòng chống dịch từ trung ương đến địa phương; chủ động cung cấp thông tin cho các đơn vị thông tấn, báo chí để định hướng thông tin và tuyên truyền cho người dân áp dụng các biện pháp phù hợp; từ công tác phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối, tập trung các nguồn lực không để tử vong ngay từ ca bệnh đầu tiên đến công tác xét nghiệm được chuẩn bị đảm bảo an toàn sinh học. 
Khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam 
Ngành Y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn giám sát, thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại địa phương; kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan vào Việt Nam, áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế đối với hành khách nhập cảnh từ cùng dịch bệnh; chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm y tế để xét nghiệm chẩn đoán vi rút Ebola; tổ chức tập huấn cho các cán bộ tham gia công tác phòng chống dịch; thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp, kiện toàn các đội chống dịch cơ động. Các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế, khu vực cách ly, giường bệnh, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện; kiện toàn đội cấp cứu lưu động. 
Các thông điệp, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh được truyền tải tới các đoàn du lịch, người lao động đến từ các vùng có dịch vi rút Ebola, đặc biệt tại vùng Tây Phi; Dán Poster, phát tờ rơi được thực hiện tại các cửa khẩu quốc tế. Các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang, lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Bộ Y tế chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra; phối hợp chặt chẽ với tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các tổ chức quốc tế để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đồng thời hỗ trợ các nguồn lực trong phòng chống dịch bệnh. 
Khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam 
Bộ Y tế tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc vi rút Ebola có yếu tố dịch tễ liên quan, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 21 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối; thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách tại cửa khẩu; lấy mẫu bệnh phẩm nghi ngờ mắc vi rút Ebola tại các bệnh viện để xét nghiệm để xác định sự lưu hành, biến đổi, mức độ lây lan bệnh do vi rút Ebola, đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác tác nhân gây bệnh; mặt khác đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện các kênh báo chí để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế, các đội chống dịch cơ động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch kịp thời. Bộ Y tế thực hiện tiếp nhận bệnh nhân theo phân tuyến điều trị, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong; thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly đối với bệnh nhân nhóm A, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ, tránh lây nhiễm cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; tổ chức cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương. 
Công tác truyền thông được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên cập nhật thông tin, thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp, đặc biệt tại các cửa khẩu. Công tác hợp tác quốc tế được trú trọng trong việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để nắm bắt và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đồng thời hỗ trợ các nguồn lực trong phòng chống dịch bệnh. 
Khi dịch lây lan trong cộng đồng 
Bộ Y tế báo cáo hàng ngày tình hình diễn biến của dịch thường xuyên và tham mưu cho Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ các biện pháp phòng chống dịch để nhận được chỉ đạo kịp thời. Ban chỉ đạo phòng chống dịch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đánh giá tình hình dịch tại các địa phương. Giám sát các chùm ca bệnh do vi rút Ebola tại cộng đồng được tăng cường, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc giám sát bệnh do vi rút Ebola, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng; giám sát chặt chẽ, kiểm tra sàng lọc hành khách tại cửa khẩu và khu vực biên giới; thường xuyên phối hợp với WHO cập nhật và phổ biến kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán xác dịch bệnh; đánh giá rút ra kinh nghiệm để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế, các đội chống dịch cơ động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch…
 
Bài: Nam Nguyên

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang