PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Chấn thương thể thao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những hệ quả cho người bệnh đó là làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh. Do đó, bác sĩ nhấn mạnh khi người bệnh có những biểu hiện như: Đau, lỏng khớp, hạn chế hoạt động thể thao và sinh hoạt cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị.
Tại buổi khám, đã có nhiều bệnh nhân bị chấn thương thể thao nặng nhưng đến khám muộn, trong tình trạng đau dai dẳng kéo dài. Qua các kênh thông tin, các bệnh nhân đã đến khám tại Phòng khám Y học thể thao Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tại buổi khám, các bác sĩ đã hỏi cặn kẽ tình trạng chấn thương cổ chân của từng bệnh nhân. Xem sổ bệnh án, phim bệnh nhân đã chiếu chụp để chẩn đoán, tư vấn tình trạng chấn thương của từng bệnh nhân để có hướng điều trị tốt nhất.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi bị chấn thương thể thao cổ bàn chân người dân nên đến khám tại các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn để được thăm khám và điều trị kịp thời. Không nên chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng hoặc dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp. Một số trường hợp tìm đến các thầy lang để… kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau.
Việc tổ chức khám, tư vấn miễn phí chấn thương thể thao tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đem lại niềm tin yêu cho người bệnh; đồng thời nhằm trang bị các kiến thức cơ bản cho người bệnh trong việc sơ cứu, điều trị và cách chăm sóc chấn thương cổ bàn chân giúp người bệnh duy trì được chức năng vận động bình thường trong cuộc sống.
Hoàng Hiền