Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bệnh viện Phổi Trung ương hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao năm 2022

  • |
T5g.org.vn - Ngày 24/3/2022, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương đã tổ chức hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao năm 2022 và phát động phong trào “Phụ nữ Việt Nam chiến thắng COVID, chấm dứt bệnh lao” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các điểm cầu phòng chống lao trong cả nước.
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia phát biểu tại chương trình. 

Tham dự buổi Lễ đầu cầu tại Hà Nội có  PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương; đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam; GS.TS Greg Fox đến từ Trường đại học Sydney, Australia cùng đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Đại sứ thiện chí Chương trình chống lao quốc gia Á hậu Thụy Vân; lãnh đạo các khoa, phòng Bệnh viện và khách mời.

Phát biểu khai mạc tại buổi Lễ,  PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết: Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (theo báo cáo năm 2020 của WHO). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc. Đáng chú ý là 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. 

Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người mỗi năm.

và tặng quà cho các bệnh nhân

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Covid-19 và lao là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Đại sứ thiện chí Chương trình chống lao quốc gia Á hậu Thụy Vân tặng quà cho bệnh nhân tại Chương trình 

Hằng năm, ở nước ta phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, tức là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện, hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

Theo báo cáo của WHO, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, nhưng bệnh lao vẫn tiếp tục là một trong các vấn đề sức khoẻ cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược nhiều năm (5-8 năm) tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Các mục tiêu phòng, chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được, mặc dù có một số quốc gia và khu vực vẫn đạt được những thành công nhất định.

Á hậu Thụy Vân kêu gọi nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB

Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 9,9 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020.

Tất cả đại biểu tham dự Chương trình nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh laoPASTB tại buổi Lễ

Việc giảm khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị lao đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao. Ước tính năm 2020 có 1,3 triệu ca tử vong do lao (tăng từ 1,2 triệu vào năm 2019) và có 214.000 ca tử vong ở những người dương tính với HIV. Nghĩa là tổng số ca tử vong do lao và lao/HIV là khoảng trên 1,5 triệu người. Đây là những con số tương đương mức độ tử vong năm 2017. Việc giảm tỉ lệ mắc bệnh lao đạt được trong những năm trước gần như đã dừng lại.

Quang cảnh buổi Lễ

Chính vì vậy, chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao năm nay nhấn mạnh về việc đưa ra nhu cầu cấp thiết là đầu tư, kêu gọi, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, đạt được các cam kết chấm dứt bệnh lao do các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra, và mục tiêu nhân văn nhất là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối bị ảnh hưởng.

Tại Chương trình, Đại sứ thiện chí Chương trình chống lao quốc gia Á hậu Thụy Vân kêu gọi, vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, bằng cách nhắn tin ủng hộ Quỹ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao với cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn). Thời gian bắt đầu từ 0 giờ ngày 22-3-2022 đến 24 giờ ngày 20-5-2022.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có thể tài trợ cho Quỹ trực tiếp hoặc chuyển khoản theo thông tin: Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, tầng 1, Nhà K, Bệnh viện Phổi Trung ương, số 463 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Số tài khoản: 16010000288699 tại Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 3. Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng.

Hoàng Hiền

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang