Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Bộ Y tế dự thảo đề xuất mở rộng địa điểm cấm hút thuốc lá

  • |
T5g.org.vn - Sáng ngày 27/12/2024, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo góp ý về mở rộng địa điểm cấm hút thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh và xác định thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện gây tác hại cho sức khỏe con người đưa vào hàng cấm theo Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội. Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chủ trì, với sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và đại diện các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế.
Toàn cảnh Hội thảo

            Một số kết quả thực thi Nghị định 77/2013/NĐ - CP 

Tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Thu Hương, chuyên viên Vụ Pháp chế đã có báo cáo tổng kết về kết quả thi hành một số điều của Nghị định số 77/2013/NĐ-CP và định hướng sửa đổi Nghị định số 77/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

             Theo đó, sau 10 năm thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc, đã giúp giảm tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm công cộng, nơi tập trung đông người. Cụ thể: giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc (năm 2023 so với năm 2010) tại nơi làm việc từ 55,9%  xuống 23%; tại cơ sở y tế giảm 2,3% (từ 23,6% xuống 21,3%); tại trường trung cấp, cao đẳng và đại học giảm 23,6% (từ 54,3% xuống 30,7%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15,4% (từ 34,4% xuống 19%); tại nhà hàng, quán ăn giảm 16,3% (từ 84,9% xuống 68,6%); và tại gia đình giảm 27,5% (từ 73,1% xuống 45,6%). Kết quả thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá có nơi dành riêng cho người hút thuốc theo quy định tại Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho thấy việc các địa điểm này không thực hiện đúng quy định của Luật là khá phổ biến: Nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê cho khách hàng hút thuốc lá tại chỗ hoặc bố trí khu vực bên ngoài có mái che cho khách hút thuốc, chưa bảo đảm riêng biệt trong khi theo quy định của Luật là cấm hoàn toàn trong nhà; Quán bar, karaoke, vũ trường cho hút thuốc tại chỗ hoặc có bố trí phòng riêng nhưng không bảo đảm điều kiện thông khí.

           Báo cáo cũng cho thấy một số bất cập trong quá trình thực thi Nghị định 77/2013/NĐ-CP. Trong đó, có việc thực hiện quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá: Hầu hết các địa điểm cấm hút thuốc lá đã có nội quy, treo biển cấm hút thuốc. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát, một số địa điểm có số lượng biển cấm ít, vị trí đặt biển, kích thước biển còn chưa phù hợp và khó quan sát. Một số địa điểm tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc còn phổ biến như: khách sạn, nhà hàng, quán ăn, quán cafe, quán bar, karaoke... Việc nhắc nhở người vi phạm còn chưa thường xuyên, việc xử lý người vi phạm còn ít. Việc thực hiện quy định cấm hút thuốc trên phương tiện công cộng được thực hiện tốt nhưng địa điểm công cộng như bến tàu, nhà ga vẫn còn tình trạng vi phạm do lực lượng giám sát không đủ, không thực hiện được giám sát 24/24h và cũng không có thẩm quyền xử phạt. Việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại địa điểm cấm chưa được thực hiện nghiêm, vẫn còn tình trạng vi phạm phổ biến ở khu vực sảnh, hành lang tòa nhà dẫn đến ô nhiễm khói thuốc ở các phòng làm việc. Ngoài ra, việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định diện tích in cảnh báo là 50% đã thực hiện được 10 năm. Hiện nay tỷ lệ này là thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tác dụng cảnh báo sức khỏe thấp. Bên cạnh đó, hình ảnh và thông điệp về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người in trên bao bì các sản phẩm thuốc lá ở Việt Nam đã thực hiện 10 năm nhưng chưa có thay đổi về diện tích, hình ảnh và nội dung nên gây nhàm chán, mất tác dụng cảnh báo. Số lượng mẫu cảnh báo ít dẫn đến việc luân phiên được lặp đi lặp lại. Theo một nghiên cứu gần đây, hiệu quả cảnh báo và tác động cảnh báo của cả 6 mẫu cảnh báo sức khỏe hiện đang áp dụng tại Việt Nam đều giảm rõ rệt so với thời điểm năm 2013 là thời điểm bắt đầu in cảnh báo sức khỏe.

Định hướng kiến nghị sửa đổi Nghị định 77/2013/NĐ-CP

Căn cứ thực trạng và các văn bản pháp lý như: Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá: Tại Khoản 4 Điều 12 và Khoản 7 Điều 15 giao Chính phủ quy định chuyển địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn và Chính phủ quy định cụ thể mức tăng diện tích in cảnh báo sức khoẻ phù hợp với từng thời kỳ; Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đưa ra nhiệm vụ, giải pháp, gồm tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở rộng các khu vực cấm hút thuốc lá hoàn toàn; nghiên cứu biện pháp xử phạt phù hợp đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm; và quy định lộ trình tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe; đổi mới hình ảnh cảnh báo sức khỏe; quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá và bao bì sản phẩm thuốc lá; nghiên cứu, xây dựng lộ trình giảm nồng độ chất tar và nicotine trong sản phẩm thuốc lá. Kết hợp với tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới và trong khu vực, trong 10 năm qua, các nước trên thế giới và trong khu vực đã có nhiều thay đổi tiến bộ trong hoạt động kiểm soát thuốc lá, giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá...vụ Pháp chế, Bộ Y tế có đề xuất, kiến nghị sửa đổi Nghị định 77/2013/NĐ-CP. Nguyên tắc, mục tiêu sửa đổi Nghị định nhằm giảm tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá, giảm ô nhiễm môi trường không khí bằng cách hạn chế tối đa nhiễm khói thuốc lá tại tất cả các khu vực trong nhà, không phân biệt địa điểm công cộng hay riêng biệt, phù hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe bằng cách tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe, thay đổi thường xuyên hình ảnh in cảnh báo, nhằm giảm tiếp cận và sử dụng sử dụng thuốc lá, phù hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tăng cường trách nhiệm thực thi của các bộ, ngành, địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp trong tổ chức triển khai Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nội dung đề xuất sửa đổi gồm các nội dung sau:

Một là, chuyển dần các địa điểm cho phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc trong nhà sang cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và thí điểm tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá ngoài trời. Cụ thể: Đối với khu vực cách ly tại sân bay sẽ có 2 phương án. Phương án 1 là khu vực cách ly tại sân bay quốc nội và quốc tế được xác định từ sau điểm kiểm tra an ninh hàng không đối với hành khách, hành lý xách tay của nhà ga đến cửa khởi hành đều là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Phương án 2 là toàn bộ khu vực trong nhà của sân bay quốc nội và quốc tế đều là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn; Đối với phương tiện giao thông là tàu hỏa, tàu thủy, sẽ cấm hút thuốc lá hoàn toàn đối với tàu hỏa, tàu thủy nội địa có hành trình dưới 5 giờ. Với tàu hỏa, tàu thuyền, tàu biển, phương tiện thủy nội địa có hành trình trên 5 giờ thì chủ tàu phải bố trí nơi hút thuốc riêng ở cuối tàu bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ; Đối với khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch sẽ có 2 trường hợp. Trường hợp khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch khác không có khuôn viên ngoài trời thì chuyển thành nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà. Trường hợp khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch khác có khuôn viên ngoài trời thì chủ khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch khác phải bố trí nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại khuôn viên ngoài trời đó bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ; có thông khí và không ảnh hưởng đến các khu vực trong nhà; Đối với quán bar, karaoke, vũ trường, phải bố trí nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ; có hệ thống thông khí riêng. Nếu không bố trí được nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ; có hệ thống thông khí riêng thì chuyển thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.

Hai là, tăng diện tích in cảnh báo trên bao bì thuốc lá. Bộ Y tế đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là tăng diện tích in cảnh báo lên 75% diện tích mặt chính trước và sau bao thuốc lá sau 01 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Phương án 2 là tăng có lộ trình diện tích in cảnh báo. Cụ thể, giai đoạn 1, sẽ tăng diện tích in cảnh báo lên 75% diện tích mặt chính trước và sau bao thuốc lá sau 01 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Giai đoạn 2, tiếp tục tăng diện tích in cảnh báo lên 85% diện tích mặt chính trước và sau bao thuốc lá sau 3 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Ba là, quy định mẫu in cảnh báo sức khỏe được luân phiên 02 năm/01 lần đối với mỗi nhãn hiệu thuốc lá).

Hội thảo đã lắng nghe, ghi nhận ý kiến đóng góp của đại diện một số bộ, ngành về các nội dung đề xuất chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 77/2013/NĐ-CP. Trên cơ sở này, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo.

Minh Phú

 

 

M.P

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang