Tại buổi làm việc với UBND TPHCM, theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính đến tuần 30 năm 2017, trên địa bàn thành phố bệnh ghi nhận: 11.195 ca SXH; tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 4 ca tử vong, tăng 3 ca so cùng kỳ năm 2016; Các quận huyện có số ca tăng trên 50% là: Quận 12, Hóc Môn, Cần Giờ và Bình Tân. Hiện nay, dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố trong các hoạt động truyền thông, kiểm tra giám sát, vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, tập huấn cho cán bộ phòng, chống dịch, chăm sóc và điều trị kể cả kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nên tình hình phòng, chống dịch đã có chuyển biến rõ rệt, khống chế các vùng dịch, không để dịch lớn xẩy ra và sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục việc tầm soát để phát hiện các trường hợp mắc mới; Tổ chức kiểm soát và xử lý triệt để các điểm nguy cơ, vùng nguy cơ; Truyền thông vận động người dân, tổ chức, cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham gia thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng và xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước không cần thiết, biến hoạt động này thành những việc làm thường xuyên tại các hộ gia đình và khu dân cư.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực, phối hợp của các sở, ban, ngành trong công tác phòng chống SXH. Tuy nhiên, dịch SXH đang có diễn biến phức tạp và rất đáng lo ngoại. Bộ trưởng yêu cầu các cơ cở y tế cần nỗ lực hơn nữa, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch mà trọng tâm là bệnh SXH và bệnh tay chân miêng. Các quận, huyện cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức đoàn thể, học sinh, sinh viên thực hiện chiến dịch “Diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống SXH”, đây là biện pháp đơn giản, ít tốn kém nhưng hiệu quả nhất hiện nay. Để hạn chế dịch bệnh lây lan, Bộ trưởng chỉ rõ biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt loăng quăng, lật úp các dụng cụ chứa nước, tuyên truyền cho từng người dân. Bên cạnh đó, đối với các ca đã mắc bệnh, các bệnh viện phải kịp thời phát hiện, cứu chữa, hạn chế tử vong. Các cơ sở y tế không được để xảy ra tình trạng quá tải, nằm ghép, bệnh nhân vào viện phải được tiếp đón, chăm sóc chu đáo. Cần phân tuyến và chuyển tuyến để tránh tình trạng bệnh nhân nặng thêm khi chuyển tuyến. Đặc biệt là trong bối cảnh Hội nghị SOM 3 về kinh tế y tế năm 2017 sẽ diễn ra tại TP. HCM từ 18-30/8/2017, công tác phòng chống SXH càng cần được quan tâm hàng đầu.
Trước đó, Bộ trưởng và Đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch SXH tại các hộ dân cư Phường Hiệp Thành, Quận 12 và thăm, kiểm tra công tác thu dung, điều trị tại bệnh viện Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.
Công Chiến