Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế luôn quan tâm tới công tác bình đẳng giới trong ngành Y tế. Hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới phụ nữ tới các đơn vị trong Ngành. Ông Nguyễn Hồng Sơn mong muốn, công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ không chỉ được thực hiện tốt trong ngành Y tế mà còn được lan rộng ra ngoài xã hội. Theo bà Hoàng Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, thời gian qua, ngành Y tế đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong toàn Ngành. Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp phối hợp với tổ chức Công đoàn cùng cấp triển khai tập huấn, tọa đàm về bình đẳng giới, về các nội dung của Quyết định số 343/2010/QĐ-TTg & Quyết định số 704/2010/QĐ-TTg; tổ chức lồng ghép việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới trong Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Y tế; tổ chức Hội thảo triển khai Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 21/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tiếp tục đẩy mạnh công tác bình đẳng giới và về sự tiến bộ phụ nữ trong ngành Y tế, phổ biến Cẩm nang hướng dẫn hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cho 150 công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc Bộ ở khu vực phía Bắc. Xây dựng và phổ biến cuốn Cẩm nang hướng dẫn hoạt động VSTBPN của Ngành, Tài liệu Hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng và triển khai chính sách ngành Y tế cho các đơn vị thuộc Bộ và trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Phối hợp với công đoàn ngành, chỉ đạo công đoàn cơ sở đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, từng bước xóa bỏ bình đẳng giới, giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn... Qua đó, tỷ lệ nhân viên y tế được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình theo các hình thức tuyên truyền: gửi tài liệu bằng văn bản trực tiếp đến các khoa phòng (36,6%), gửi tài liệu qua mạng nội bộ (36,4%), lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đoàn thể (55,9%), lồng ghép trong giao ban (53,2%), tập huấn tọa đàm chuyên đề (44%). Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm: Hàng năm, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ của các đơn vị, các địa phương theo kế hoạch: Trong 26/80 đơn vị trực thuộc Bộ, 50% đơn vị đã được kiểm tra; trong 27/63 cơ quan Sở Y tế: 48% được kiểm tra, 66,6% Ban VSTBPN Ngành y tế tỉnh (27 tỉnh) đã tiến hành kiểm tra các đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Từ 2011 đến nay: trong toàn Ngành không có trường hợp nào khiếu nại, tố cáo và xử lý. Các kết quả đạt được: đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào cương vị lãnh đạo, quản lý; thu hẹp dần khoảng cách giới trong lao động, việc làm của cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng nguồn nữ; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.
Nam Nguyên