
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 62.000 ca mắc sốt xuất huyết, lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố (56 tỉnh, thành phố). Đáng lo ngại là virus sốt xuất huyết đã lưu hành ở nhiều týp nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau nặng hơn lần trước. Bệnh Tay chân miệng ghi nhận khoảng 50.000 trường hợp mắc tại 62 tỉnh, thành phố.
Bệnh sởi, Rublla chỉ có một số trường hợp mắc rải rác trong nước, đây là kết quả phòng bệnh cộng đồng đạt được sau chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella trên cả nước thành công.
Trong thời gian tới thời tiết chuyển mùa đông, nhiệt độ giảm mạnh làm nguy cơ tăng cao bệnh cúm mùa, bệnh cúm gia cầm lây truyền sang người (cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), cúm gia cầm H5N6). Đặc biệt trong thời gian Tết và lễ hội nhu cầu đi lại, tập trung đông người, nhu cầu sử dụng gia cầm lớn do vậy cần phải tăng cường công tác truyền thông các biện pháp phòng chống dịch bệnh tới người dân và cộng đồng.
Theo TS Trương Đình Bắc, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của El Nino sẽ tác động đến tình hình dịch bệnh của Việt Nam. Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển lạnh tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn có thể xảy ra nếu các biện pháp phòng bệnh không được thực hiện đầy đủ, triệt để, đồng bộ và chủ động.
Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân khi bị sốt xuất huyết không nên tự ý truyền dịch, chỉ truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ và có sự giám sát của nhân viên y tế; mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các thành viên trong gia đình; các bà mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các bệnh có thể phòng được bằng vắc xin; thực hiện thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín; giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, tăng cường các chất dinh dưỡng, đủ khoáng chất và vitamin để tăng sức đề kháng cơ thể.
Tin, ảnh: Lan Anh T4G TP.HCM