
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trung bình một người già sống tại cộng đồng mắc 3 bệnh mạn tính. Bệnh lý người cao tuổi có những đặc điểm riêng không giống với các lứa tuổi khác. Khi về già, nhiều cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dẫn đến suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng phục hồi sức khỏe kém. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính và thoái hóa như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường… Đa số các bệnh này ít nhiều có liên quan đến lối sống và phải điều trị suốt đời. Do mắc nhiều bệnh cùng một lúc nên triệu chứng không điển hình, chẩn đoán phức tạp, phải dùng nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ tai biến do điều trị vì vậy cách tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị có nhiều điểm khác với các nhóm tuổi trẻ.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Thắng cho biết, người cao tuổi, đặc biệt là những người trên 80 tuổi thường mắc các hội chứng đặc trưng như hội chứng dễ bị tổn thương, lú lẫn, suy giảm nhận thức (bệnh Alzheimer), rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng, trầm cảm… Vì vậy, họ cần phải được chăm sóc một cách đặc biệt. Trong khuân khổ Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2015, Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã tiến hành nhiều hoạt động liên quan đến việc xây dựng và triển khai các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các cơ sở y tế, nhà dưỡng lão và tại cộng đồng. Bên cạnh đó, Bệnh viện đã triển khai đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, khoa Lão Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Dưỡng lão Orihome và huyện Sóc Sơn; các đề xuất xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại bệnh viện, nhà dưỡng lão và tại cộng đồng.
Tin, ảnh: Trung Thành