Hội thi được phát động từ tháng 3/2021 là một hoạt động ý nghĩa nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ cán bộ, viên chức, lao động ngành Y và tôn vinh phụ nữ ngành Y tế.
Phát biểu khai mạc đêm Chung kết Hội thi, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Hội thi cho biết: “Qua 2 năm vất vả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trở về với đời thường, các cán bộ, viên chức, người lao động ngành Y tham gia cuộc thi hôm nay vẫn mặn mà nét đẹp duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Thông qua Hội thi, Công đoàn Y tế Việt Nam muốn truyền tải vẻ đẹp riêng của phụ nữ ngành Y tế, tôn vinh các chị em vừa đẹp người, vừa giỏi chuyên môn và mong muốn xã hội thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những vất vả, hy sinh của những người phụ nữ ngành Y tế; mong người bệnh tin tưởng và phối hợp hơn để chúng tôi thực hiện tốt các quy định tại các cơ sở y tế”.
Bà Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sáng kiến của Công đoàn Y tế Việt Nam và Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ (Bộ Y tế) đã phối hợp tổ chức Hội thi. Hội thi có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của những nữ chiến sĩ áo trắng “vừa hồng vừa chuyên”. Bà Hương nói thêm: “Trong ngành y tế, lao động nữ chiếm tỷ lệ cao, trên 63% tổng số lao động và tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành. Lịch sử và thực tế đã chứng minh vai trò hết sức quan trọng của đội ngũ lao động nữ trên mọi mặt trận công tác, đóng góp to lớn vào thành công của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Chúng ta tự hào về họ, những người mẹ, người vợ, người con của ngành y tế trong 2 năm qua đã gác lại riêng tư, để lại gia đình bao nhiêu lo toan, để lại con thơ thậm chí còn rất nhỏ, sẵn sàng hy sinh cuộc sống bình yên để đi vào tâm dịch… Hội thi cũng là dịp tri ân những hy sinh thầm lặng của các nữ cán bộ, nhân viên y tế và trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát, ngành Y tế đang cùng với cả nước nỗ lực, phấn đấu để phục hồi và phát triển. Hy vọng sau hội thi này, các thí sinh sẽ lan tỏa hơn nữa “Nét đẹp ngành Y” vào trong cuộc sống, trong mỗi việc làm và trong chăm sóc sức khỏe, điều trị cho cộng đồng và người bệnh. Tiếp tục bản lĩnh yêu nghề mà mình đã chọn, tiếp tục tạo dựng niềm tin yêu, hình ảnh đẹp của người thầy thuốc với người dân và xã hội, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Tiến sĩ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp - Trưởng ban Giám khảo cũng chia sẻ tiêu chí chấm của cuộc thi không phải tìm ra ai xinh nhất, cao nhất mà là sự tận tuỵ của họ trong ngành mình đã chọn. “Là người trong ngành nên tôi thấu hiểu sự vất vả của công việc này. Tôi biết cách tìm ra sự duyên dáng của những "bông hồng trắng" nằm ở đâu. Với các thí sinh tham dự, ai mạnh dạn đăng ký tham gia đều rất xứng đáng được ghi nhận”. Bởi vậy, Hội thi không có vương miện như các cuộc thi hoa hậu, người đẹp khác mà theo lời chia sẻ của PGS.TS. Phạm Thanh Bình, đối với phụ nữ ngành Y “vương miện” đã nằm trong trái tim của người thân, gia đình, bạn bè và người bệnh.
Trong đêm Chung kết, các thí sinh đã trải qua hai vòng thi: trình diễn trang phục áo dài của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và trang phục tự chọn. Ban Giám khảo cũng đã lựa chọn Top 6 thí sinh bước vào vòng thi ứng xử.
Kết quả chung cuộc: Giải Đặc Biệt trao cho thí sinh Phạm Thị Chung (Bệnh viện Bạch Mai); giải Nhất trao cho thí sinh Dương Thị Hồng Vân (Bệnh viện Nhi Trung ương). Ban tổ chức cũng đã trao 4 giải Nhì, 9 Giải ba và 11 giải Khuyến Khích.
Ngoài ra, Hội thi cũng đã trao năm Giải ấn tượng giành cho các thí sinh: trình diễn áo dài đẹp nhất; trang phục tự chọn đẹp nhất; trang phục ngành Y đẹp nhất; trả lời ứng xử hay nhất; thí sinh có video clip đẹp nhất.
Hoàng Hiền