
Tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện ĐT YHDP&YTCC cho biết, mức độ tiêu thụ rươu bia ở nước ta có chiều hướng gia tăng. Một số nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng, tỷ lệ lạm dụng rượu bia trong nhóm có sử dụng đồ uống có cồn khá cao từ 12,5% - 25%, trong khi đó chất lượng một số loại không đảm bảo an toàn. Các nhà khoa học của Viện ĐT YHDP&YTCC đã chọn lựa tỉnh trung du, miền núi Phú Thọ để tiến hành nghiên cứu, đánh giá. Phú Thọ có địa hình đa dạng (cả đồng bằng và miền núi), kinh tế đa dạng (thành thị và nông thôn). Tại Phú Thọ, hiện có 07 doanh nghiệp sản xuất rượu; 2.518 hộ gia đình nấu rượu. Năm 2015, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã cấp cứu, điều trị 08 ca ngộ độc rượu do methanol.
Nghiên cứu cho thấy, các hộ gia đình sản xuất rượu thủ công tại Phú Thọ hầu hết đều chưa được trang bị kiến thức về quy trình nấu rượu an toàn mà chỉ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân; điều kiện vệ sinh của các cơ sở nấu rượu còn nhiều hạn chế; việc dán nhãn, công bố thông tin về sản phẩm theo các quy định của nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ; công tác kiểm nghiệm sản phầm đồ uống có cồn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các số liệu nghiên cứu cũng cho thấy, kiến thức phát hiện, chẩn đoán, điều trị ngộ độc rượu do methanol tại các cơ sở y tế của Phú Thọ còn hạn chế, nguyên nhân là do: các cán bộ y tế chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này; thiếu các máy chuyên dụng hỗ trợ như máy định lượng methanol máu...
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp như: kiện toàn các văn bản quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra quy trình, quy chuẩn sản xuất rượu an toàn; nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế trong phát hiện, chần đoán, điều trị các trường hợp ngộ độc với đồ uống có cồn; truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân về thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất và sử dụng đồ uống có cồn.
Tin, ảnh: Như Hiển