Sau phần chia sẻ của Bộ Ngoại giao Việt Nam về các Ưu tiên của APEC năm 2017, Cuộc họp đã được nghe và thảo luận các báo cáo và cập nhật của Ban thư ký APEC quốc tế và các Hội đồng của APEC trong đó có Hội đồng Chỉ đạo Nghiên cứu phát triển, Hội đồng Kinh tế, Hội đồng Thương mại và Đầu tư, Hội đồng Chỉ đạo Hài hòa quy chuẩn. Tiếp theo là phần chia sẻ các Sáng kiến và đề xuất chính sách y tế và cuối cùng là phần trình bày các đề xuất dự án của các nền kinh tế thành viên.
Trong phần trình bày của Hội đồng Chỉ đạo Nghiên cứu và Phát triển (RDSC), đại diện cho Diễn đàn LSIF đã trình bày Tiến độ xây dựng Khung APEC về ứng dụng số liệu quy mô lớn vào trong nghiên cứu y học. Đây là dự án hợp tác chung của Diễn đàn Sáng kiến Khoa học đời sống với Nhóm Chỉ đạo về Thương mại điện tử (ECSG). Đáng chú ý trong đề xuất này là việc thành lập Nhóm Công tác Virtual Working Group với đại diện của các nền kinh tế thành viên, đại diện các tổ chức bảo vệ quyền riêng tư và các chuyên gia trong khối tư nhân.
Đối với nội dung thuộc Hội đồng Chỉ đạo về Hài hòa quy chuẩn, Đại diện Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam đã trình bày đề xuất tổ chức Hội nghị cấp cao APEC LSIF về Hài hòa quy chuẩn, Cuộc họp này dự kiến được tổ chức vào 18/8/2017 và sẽ do Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Bên cạnh đó, đối với các sáng kiến về Chính sách y tế, Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính cũng trình bày đề xuất đối với việc tổ chức Hội nghị Cấp cao lần thứ 7 về Kinh tế và Y tế dự kiến vào tháng 10/2017 cũng do Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì.
Hai phần còn lại của Bộ Y tế Việt Nam do Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trình bày là “Cập nhật mạng lưới hợp tác đào tạo dây chuyền cung cấp máu” và “Quản lý Thalassemia”. Bên cạnh các nội dung đáng chú ý trên, các phần trình bày khác cũng được các đại biểu quan tâm là “Nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung”, “Phòng chống và kiểm soát nhiễm khuẩn” và “Đối phó với tình hình Kháng thuốc” đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ kháng thuốc đang gia tăng, tiếp theo là các nội dung về việc việc xây dựng Trung tâm nguồn nhân lực cho các bệnh nhiệt đới, “Sức khỏe tâm thần” và “Các bệnh hiếm gặp”.
Cũng tại cuộc họp này, Ban thư ký APEC cũng khuyến khích các nền kinh tế thành viên đưa thêm các đề xuất đối với các sáng kiến về khoa học đời sống cũng như các nội dung khác. Trong năm 2016 vừa qua, ban thư ký đã nhận được 103 đề xuất là đã thông qua hỗ trợ cho 51 dự án.
Diễn đàn Khoa học và Đời sống APEC có liên quan chặt chẽ và đóng góp rất nhiều cho các nội dung công tác quan trọng khác của APEC chẳng hạn như Tăng trưởng Chất lượng, Tăng cường kết nối, Giảm trừ nguy cơ thảm họa, Tăng cường việc trao quyền cho Phụ nữ, Đô thị hóa.
Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương