Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Cuộc họp nhóm đối tác y tế quốc tế (HPG) Quý I/2016

  • |
T5g.org.vn - Ngày 17/3/2016, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp nhóm đối tác y tế (HPG) Quý I/2016. Tham dự Cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; lãnh đạo một số vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế; nhóm đối tác y tế quốc tế, bao gồm: Liên minh Châu Âu, Liên Hiệp Quốc; Ngân hàng Thế Giới...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Cuộc họp

Cuộc họp sẽ đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế 5 năm, giai đoạn 2011-2015, đồng thời, bàn luận về định hướng và các lĩnh vực cụ thể cần ưu tiên của ngành Y tế giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu tại Cuộc họp Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, ngành Y tế đã từng bước triển khai các hành động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành Y tế đã tập trung giải quyết 07 mục tiêu trọng tâm và đã đạt được những kết quả tích cực, giảm quá tải các bệnh viện với số giường/1vạn dân tăng từ 21.5 lên 24.0 từ 2011-2015, thực kê khoảng 30,5 giường/1 vạn dân, bệnh viện tuyến trung ương kê thêm 4800 giường. Một số bệnh viện tuyến trung ương, thành phố, chuyên khoa Ung thư, Nhi, Tim mạch đã giảm quá tải từ 60-70% xuống còn 6-7% số giường phải nằm ghép; tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 60.9% năm 2010 lên 75.3% năm 2015, quyền lợi người có BHYT cũng tăng lên. UBND của 39/63 tỉnh cũng đã dành ngân sách địa phương hỗ trợ BHYT cho người thuộc diện cận nghèo; mạng lưới y tế cơ sở hiện bao phủ toàn quốc với 100% số xã, phường, thị trấn; 78% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, 96% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; khoảng 50% số trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình từ năm 2013, sau 2 năm có 240 phòng khám bác sỹ gia đình được thành lập. Số bác sỹ trên 1 vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên 8 bác sỹ năm 2015; số dược sỹ đại học trên vạn dân tăng từ 1,76 năm 2010 lên 2,2 năm 2015. Hiện nay, một số bệnh viện không riêng chỉ ở tuyến trung ương đã phát triển, ứng dụng kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, đặc biệt là ghép tạng. Việc thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh đã bổ sung thêm được các bệnh viện tuyến cuối có khả năng thực hiện các thủ thuật y khoa cao, khó, đủ năng lực làm bệnh viện hạt nhân. Song song với lĩnh vực khám, chữa bệnh, công tác thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe được chú trọng, nâng cao hiệu quả bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ban Chủ tọa Cuộc họp gồm lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam và các đối tác HPG

Nhóm đối tác y tế quốc tế đánh giá cao thành công của ngành Y tế đạt được trong lĩnh vực bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó có các đối tượng người nghèo và các nhóm dân số dễ bị tổn thương khác. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới nhấn mạnh: 76% dân số Việt Nam được tham gia hệ thống bảo hiểm y tế là vô cùng ấn tượng, cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và bảo vệ sức khỏe cho người dân, cũng như tránh tình trạng nghèo hóa do chi phí y tế. Một điều đáng ghi nhận khác là Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới chứng nhận đủ năng lực sản xuất vaccine tiêm chủng - điều đó cho thấy những tiến bộ kỹ thuật vượt bậc của ngành y tế Việt Nam.

Đánh giá việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho biết, Việt Nam được coi là một trong 10 nước nhanh chóng đạt được các MDGs liên quan đến y tế, thành công trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em và đạt được các chỉ tiêu về kiểm soát bệnh sốt rét, lao và phòng chống HIV/AIDS.

Nhóm đối tác y tế quốc tế đánh giá, năm 2016 sẽ là năm quan trọng đối với y tế Việt Nam, khi Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt Kế hoạch Chiến lược Quốc gia về phát triển y tế cho giai đoạn 5 năm tới. Giai đoạn 2016-2020 sẽ đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Nhóm đối tác y tế quốc tế cam kết sẽ hết sức hỗ trợ cho y tế Việt Nam trong giai đoạn tới: Ngân hàng thế giới cam kết sẽ liên tục hỗ trợ ngành y tế Việt Nam thông qua các hoạt động nghiên cứu phân tích, tư vấn chính sách và tài trợ vốn vay; Liên minh Châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ 114 triệu euro cho y tế Việt Nam cho đến năm 2017; Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng với các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc về y tế sẽ kết hợp chuyên môn của từng cơ quan, qua đó, xây dựng kế hoạch thực hiện đáp ứng những nhu cầu của Việt Nam trong y tế.

Tin, ảnh: Như Hiển

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang