Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm A/H7N9 là chủng cúm gia cầm mới, có thể lây cho người. Dịch bùng phát khởi đầu ở đại lục Trung Quốc vào tháng 3/2013, sau đó lây lan sang Đài Loan, Hồng Kông với mức độ cảnh báo nguy hiểm do tỷ lệ tử vong/tỷ lệ mắc cao. Theo số liệu thống kê của WHO, tính đến 9/2013, tỷ lệ tử vong/tỷ lệ mắc cúm A/H7N9 là 32,86% (số tử vong/số mắc là 47/143). Vì vậy, việc Trung Quốc điều chế được vắc xin phòng cúm A/H7N9 sẽ có vai trò quan trọng, góp phần giúp kiểm soát và dự phòng căn bệnh nguy hiểm này hiệu quả hơn.
Từ 5/2013, Trung Quốc đã tạm thời khống chế được dịch cúm A/H7N9 nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho các nước láng giềng lân cận trong khu vực và trên thế giới: Thứ nhất, Trung Quốc mới có tái xuất hiện thêm một số trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H7N9 từ 8/2013; thứ hai, theo các nhà khoa học, virus cúm A/H7N9 có hai kiểu đột biến gen nên có thể sẽ làm tăng khả năng lây lan từ người sang người cho dù vẫn chưa có bằng chứng khoa học về điều này nhưng việc virus cúm A/H7N9 lây lan tự do trong môi trường sống trong thời gian càng dài thì nguy cơ lây từ người sang người càng lớn; thứ ba, Trung Quốc là một trong những nước có độ di dân khá cao trên toàn cầu, bao gồm: du lịch, du học, giao thương buôn bán...
Việt Nam, nhờ thực hiện triển khai các chính sách hợp lý và hiệu quả trong việc phòng chống cúm A nói chung và cúm A/H7N9 nói riêng nên tính đến thời điểm này, chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 (theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu, 9/12/2013). Tuy nhiên, Ngành Y tế vẫn phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh chủ quan sao nhãng, duy trì các biện pháp tích cực, tăng cường công tác truyền thông dự phòng để ứng phó kịp thời nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng do ảnh hưởng bất lợi bởi khí hậu biến đổi và đặc thù văn hóa giao thương buôn bán gia cầm ở biên giới Việt - Trung rất phức tạp, khó kiểm soát, nhất là giai đoạn chuẩn bị tết nguyên đán đã cận kề. Thời điểm, buôn bán gia cầm “lậu” ở biên giới có thể sẽ có tần suất cao hơn.