Phát biểu khai mạc, Ông Trịnh Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - GDSK TW nhấn mạnh nhằm khai thác tiềm năng lợi thế gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ đã quan tâm và đầu tư phát triển dược liệu thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Thông qua khóa đào tạo này sẽ nâng cao năng lực về truyền thông, vận động và huy động xã hội cho đội ngũ cán bộ tại các tỉnh triển khai dự án, góp phần triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án.
Theo Cục Quản lý Y - Dược Cổ truyền - Bộ Y tế, Việt Nam có 12.000 loài thực vật bậc cao, trong đó có trên 5.100 loài thuộc 1.830 chi, 380 họ của 8 ngành thực vật bậc cao được sử dụng làm thuốc. Tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành y tế nước ta ước tính khoảng 100.000 tấn/năm, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD.
Tại lớp tập huấn, học viên được nghe PGS.TS Nguyễn Duy Thuần – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh và các giảng viên của Trung tâm Truyên thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương giới thiệu hững nội dung chính cần truyền thông về phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời giới thiệu một số hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; hướng dẫn các kỹ năng cơ bản trong truyền thông trực tiếp, kỹ năng vận động và huy động xã hội; Phân tích 6 thành tố trong mô hình truyền thông về phát triển vùng trồng dược liệu quý. Lập kế hoạch vận động tài trợ, huy động nguồn lực xã hội hóa.
Cũng tại khóa học, các học viên sẽ được hướng dẫn tổ chức một khóa tập huấn, giới thiệu một số phương pháp đào tạo tích cực trong công tác truyền thông vận động và huy động xã hội về xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe Trung ương