Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Nhằm thực hiện Đề án Giảm tải Bệnh viện, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2020 (tại Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/03/2013 của Bộ Y tế ban hành Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020). Mục tiêu của Đề án là: Nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho cho các bệnh viện vệ tinh; thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất; nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên; trước mắt tập trung ưu tiên 5chuyên khoa: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Tiếp sau đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định Số 1303/QĐ-BYT ngày 8/4/2016 phê duyệt bổ sung thêm chuyên khoa ưu tiên trong thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016 - 2020 là Nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
Đề án Bệnh viện vệ tinh nhằm mục tiêu nâng cao năng lực y tế tuyến dưới về khám bệnh, chữa bệnh thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao được thuận lợi và góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Theo đó, sẽ hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh gồm một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh, thành trực thuộc Trung ương về các chuyên khoa hiện đang quá tải trầm trọng. Đồng thời, Đề án sẽ nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh của nhân viên y tế tại các bệnh viện vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (telemedicine).... Giai đoạn 2013-2015: Ưu tiên đầu tư 48 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân (08 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 06 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh). Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục duy trì kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2015, đồng thời căn cứ vào thực trạng quá tải bệnh viện, điều kiện kinh tế xã hội để mở rộng Đề án.
Đến nay, sau 5 năm thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2018 đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. 10 chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
Mô hình bệnh viện vệ tinh cũng phát triển và có nhiều hình thức phù hợp cho từng địa phương. Bệnh viện vệ tinh phát triển rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, không chỉ dừng lại phát triển ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện như BV ĐK huyện Mộc Châu, BV ĐK huyện Mường Khương, Lào Cai; Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường…Bệnh viện vệ tinh không chỉ là những bệnh viện công lập mà còn ở các bệnh viện ngoài công lập. Tại TP. Hồ Chí Minh xuất hiện Phòng khám bệnh viện vệ tinh thu hút đông bệnh nhân đến khám và điều trị.
Tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Những kết quả của Đề án Bệnh viện vệ tinh đã từng bước giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân với bệnh viện vệ tinh, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải tại bệnh viện hạt nhân ở tuyến trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế.
Hoàng Hiền