Thịt bẩn, rau độc “tấn công” bữa cơm công nhân
Thịt lợn được nuôi bằng Salbutamol - chất có khả năng gây ung thư, rau được chăm bón bằng thuốc “kích phọt” cực độc… xuất hiện tràn lan trên thị trường. Ngoài bữa ăn gia đình tự chế biến, “thị trường béo bở” nhất mà gian thương cố gắng tuồn thịt bẩn, rau độc vào là những bếp ăn tập thể của hàng triệu công nhân lao động (CNLĐ), với mỗi suất ăn chỉ hơn 10.000 đồng. Chưa bao giờ, chất lượng bữa ăn của CNLĐ lại đáng báo động như hiện nay.
Nỗi lo mầm bệnh từ bữa ăn ca
B.V.V (26 tuổi, công nhân Cty TNHH TM-DV-SX Chánh Ích, Đồng Nai) vẫn còn ám ảnh bữa cơm bị ngộ độc thực phẩm tại Cty, kể: “Bữa ăn đó, dù cơm có mùi thiu nhưng ai cũng cố gắng ăn để có sức làm việc. Tuy nhiên ăn xong khoảng một tiếng, mọi người bắt đầu cảm thấy nhức đầu, choáng váng, đau bụng rồi lăn ra xỉu”. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện bếp ăn tập thể tại Cty chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngày ăn 1 bữa ở Cty, còn lại là ăn ở nhà, chợ của CNLĐ ở KCN-CX giá phải rẻ, từ rau, đậu phụ đến thịt, cá để đáp ứng được túi tiền của người mua. Nhưng nguồn thực phẩm, rau củ quả lấy từ đâu, nguồn gốc thế nào không mấy ai để ý.
Cuối tháng 11, vụ việc lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện và tiêu hủy gần 5 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối khiến rất nhiều CNLĐ lo lắng bởi không biết có bao nhiêu tấn thịt lợn nhiễn khuẩn, nhiễm độc được tiêu thụ từ trước tới nay. Theo lời khai của chủ lô hàng là Nguyên Văn Cao, số lượng thịt thối này mua từ các lò giết mổ gia súc tại Đồng Nai để đem về Bình Dương tiêu thụ. Số lượng thịt được phát hiện khi đang chuẩn bị tuồn vào khu chợ thực phẩm Đông Đô (khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) dành cho CNLĐ. Đây chỉ là vụ điển hình bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời, còn rất nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, thịt thối khác không bị phát hiện được tuồn vào các chợ gần các KCN-KCX trên các tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam Bộ, để bán cho CNLĐ.
Chưa hết, một khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về khẩu phần ăn dành cho CNLĐ cho thấy bữa cơm CNLĐ chỉ có khoảng 12% protein, 16% chất béo, còn lại 72% là chất bột. Với mức này, năng lượng khẩu phần và các chất dinh dưỡng đều không đảm bảo. Mức độ đạt được so với nhu cầu đề nghị về năng lượng khẩu phần và các chất dinh dưỡng đều chưa đạt chuẩn (là 2.300 Kcal/ngày/người). Và để nạp được mức năng lượng cần thiết ấy, bữa ăn của CNLĐ phải đầy đủ các dưỡng chất như tinh bột, protein, lipid, glucid, axid béo không no, các loại vitamin khoáng chất. Với mức khẩu phần ăn ca được áp dụng trong các doanh nghiệp (DN) như hiện nay, phần lớn CNLĐ chưa có bữa ăn đủ dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe, đáp ứng yêu cầu của công việc hằng ngày. Và quan trọng hơn nữa là cả nước hiện nay có gần 260 KCN-KCX, trong đó có DN có gần 10.000 CNLĐ, chủ yếu là thanh niên - những người đang ở độ tuổi sinh sản. Chất lượng bữa ăn không tốt không những ảnh hưởng đến năng suất lao động, sức khỏe bản thân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất của những thế hệ sau này.
Theo nhận định của một cán bộ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn đông CNLĐ luôn tiềm ẩn nếu không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Bởi mỗi suất ăn của CNLĐ chỉ hơn 10.000 đồng, song hầu hết các DN đều hợp đồng thuê các đơn vị bên ngoài cung cấp. Họ cung cấp các suất ăn đương nhiên phải kiếm lời, do vậy thực chất bữa ăn đó có đúng với số tiền mà DN trả hay không rất khó kiểm soát. “Mỗi suất ăn chỉ hơn 10.000 đồng khó mà đảm bảo chất lượng thực phẩm tươi, sạch được. Để hạn chế ngộ độc xảy ra, mỗi DN nên có bộ phận giám sát, kiểm tra chặt chẽ thức ăn do các nhà thầu cung cấp, tránh khoán trắng cho họ tự biên tự diễn” - vị cán bộ y tế nói.
Chung tay vì bữa cơm ngon - sạch cho công nhân
Trước thực trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn lan thiếu kiểm soát, nhiều DN tự tìm cho mình phương án ứng phó để bảo vệ sức khỏe cho CNLĐ. 4 năm qua CĐ Cty may Việt Thắng tự đứng ra nhận tổ chức nấu ăn cho CNLĐ của 5 đơn vị thành viên với hơn 2.600 CNLĐ và chưa để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bà Đàm Minh Hoa - Chủ tịch CĐ, kiêm phụ trách bếp ăn Cty may Việt Thắng - chia sẻ: “Để làm được điều này, chúng tôi ký hợp đồng mua thịt, cá, trứng, rau, nước mắm, nước tương từ các đơn vị uy tín hay chợ đầu mối. Đặc biệt, chúng tôi còn mua các bộ que thử hàn the về để trực tiếp kiểm tra thực phẩm. Vào 9h mỗi ngày, phòng y tế Cty đều xuống nhà bếp lấy mẫu thức ăn để kiểm tra có chất Ecoli và lưu giữ mẫu thức ăn 24 tiếng theo quy định”.
Tương tự, TCty may Việt Tiến lâu nay cũng tự tổ chức nấu và cung cấp suất ăn giữa NLĐ với khoảng 9.500 suất ăn mỗi ngày và chưa xảy ra vụ ngộ độc nào. Tuy nhiên, ông Ngô Thành Phát - Chủ tịch CĐ TCty may Việt Tiến - cho biết: “Tình trạng thịt lợn, thịt gà nhiễm các chất độc hại Salbutamol, Vàng O được phản ánh gần đây khiến chúng tôi rất lo lắng. Bởi chưa biết sẽ xử lý như thế nào, xét nghiệm những chất này nghe đâu rất tốn kém. Hơn nữa chúng tôi cũng chưa nắm rõ được quy trình lấy mẫu để mang đi xét nghiệm như thế nào. Để bảo vệ CNLĐ, trước mắt chúng tôi cũng chỉ biết khuyến cáo những nhà cung cấp thực phẩm cho bếp ăn của các đơn vị phải đảm bảo nguồn hàng tươi sạch, nếu vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng”. Còn y sĩ Ngô Khước - Trưởng nhóm y tế, Cty CP TM-DV dệt may Thành Công - băn khoăn: “Trước tình trạng thịt lợn, thịt gà bị sử dụng những loại chất cấm cực độc và có thể dẫn đến gây ra bệnh ung thư, thực sự chúng tôi rất lúng túng. Trước mắt cũng chỉ biết dùng mắt thường và kinh nghiệm để quan sát. Còn việc xét nghiệm để tìm ra các loại chất cấm này hiện chúng tôi không thể làm được gì”.
Cần khởi kiện chủ bếp ăn gây ngộ độc cho công nhân
Trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh các ý kiến cho rằng phải khởi kiện chủ sử dụng lao động, các cơ sở chế biến thực phẩm gây ngộ độc cho công nhân, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho rằng: Việc này được pháp luật quy định rõ ràng và là việc hết sức cần thiết. Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, những cơ sở gây ngộ độc phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị, thậm chí là bồi thường cho số ngày nghỉ của công nhân, nếu chứng minh rằng có ảnh hưởng đến sức khoẻ của công nhân phải bồi thường cả sức khoẻ cho công nhân nữa. Thêm nữa, cơ sở đó phải chịu toàn bộ chi phí điều tra xác định nguyên nhân ngộ độc, thu hồi thực phẩm, chi phí tiêu huỷ thực phẩm (nếu có).
Để giải quyết tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể ngày càng gia tăng như hiện nay, việc đầu tiên là phải tăng giá trị khẩu phần ăn cho công nhân, thứ hai là phải tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát, kiên quyết không để các cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh mà vẫn cung cấp thức ăn cho công nhân. Thứ ba, cần tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức CĐ, đặc biệt là vai trò của CĐCS, CĐ của các doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng. Thứ tư, 70% các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do thực phẩm được mua từ nơi khác, thức ăn được chế biến sẵn và vận chuyển khẩu phần ăn từ nơi khác đến. Do quá trình vận chuyển không đảm bảo, thời gian để lâu. Chúng tôi khuyến nghị nên có quy định, khi các tỉnh phê duyệt dự án nhà máy là phải dành ra quỹ đất để xây bếp ăn tập thể ngay tại chỗ (Lao động trang 5).
Buôn bán chất cấm ngày càng tinh vi
Sau khi lực lượng chức năng mạnh tay xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm mà đặc biệt là Salbutamol trong chăn nuôi gia súc, những mánh khóe kinh doanh các loại chất cấm này ngày càng tinh vi hơn.
Mới đây nhất, ngày 8/12, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) tổ chức bắt quả tang Trần Văn Bùi (39 tuổi, quê Sóc Trăng, giám đốc Công ty TNHH Thủy Sản E-Birds trụ sở quận Bình Thạnh, TPHCM) cùng Võ Văn Thanh (26 tuổi, quê Tiền Giang) và Trần Công Đài (40 tuổi, quê Quảng Nam), tang vật là lượng lớn chất cấm Salbutamol.
Để triệt phá được đường dây buôn bán chất Salbutamol tại Công ty E-Birds trụ sở ở đường Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM, các trinh sát thuộc Bộ Công an đã mất gần hai tháng ròng rã lần theo các đối tượng vận chuyển và đón lõng ở các ngả đường mới điều tra ra được địa điểm vì các đối tượng buôn bán chất này rất tinh vi, giao dịch khép kín và chỉ bán cho người quen. Căn nhà Bùi sử dụng chứa chất cấm nằm sâu trong con hẻm nhỏ ngoằn nghèo, “đội ngũ” mua bán chất này sử dụng xe máy chạy với tốc độ cao và thường xuyên vượt đèn đỏ, chạy lòng vòng qua nhiều tuyến đường, hẻm nhỏ trước khi giao hàng hay đến nhà Bùi để nhận hàng nhằm qua mắt, cắt đuôi cơ quan chức năng.
Gần trưa ngày 8/12, trong lúc Thanh đang mua 2kg chất bột màu trắng nghi là Salbutamol của Bùi để chuyển qua quận 5 giao cho khách hàng thì bị lực lượng chức năng ập vào bắt quả tang. Bị bất ngờ, ban đầu Bùi chối cãi và cho rằng chất bột màu trắng trên là vitamin, kháng sinh chứ không phải chất cấm. Lực lượng chức năng nhanh chóng đưa những chất này đi xét nghiệm.
Sau khi có kết quả xét nghiệm chất bột màu trắng Bùi bán cho Thanh là Salbutamol thì Bùi mới cúi đầu thú nhận. Khai với cơ quan chức năng, Bùi cho biết mua thùng 25 kg Salbutamol với giá 5 triệu đồng/kg, đã bán được 7,5 kg với giá 6 triệu đồng/kg.
Qua khai thác Bùi và Thanh, cơ quan chức năng tiếp tục ập vào một địa điểm nằm trong hẻm trên đường Cống Lở thuộc phường 15, quận Tân Bình và phát hiện Trần Công Đài đang bán một gói Salbutamol trọng lượng 0,5 kg cho một thanh niên khác. Đài cũng khai nhận mua chất cấm trên của Bùi.
Trước đó, ngày 19/8, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (C49), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (C46), Bộ Công an cũng đã đột kích bắt quả tang Công ty TNHH sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên nằm ở số 901, đường Âu Cơ, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TPHCM đang sản xuất hàng trăm mặt hàng thuốc kháng sinh cấm sản xuất. Cơ sở này đã ngụy trang, qua mắt các lực lượng chức năng bằng cách sử dụng nhà ở để làm cơ sở sản xuất các mặt hàng thuốc thú y. Ở bên ngoài chỉ treo bảng công ty, tường rào cao, che chắn rất kín kẽ.
Ông Phạm Tiến Dũng, trưởng phòng thanh tra chuyên ngành thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, cơ sở này không có giấy phép sản xuất thuốc thú y do Bộ NN&PTNT cho phép. Theo giấy phép, công ty này hoạt động từ năm 2013, từ đó đến nay thì chưa được cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thanh tra, kiểm tra (Tiền phong trang 5).
Cứu sống bé 1 tuổi sặc viên đá dăm
Trong lúc chơi đùa, bé trai Hoàng Khánh Duy (1 tuổi) ngậm viên đá dăm vào miệng và vô tình bị sặc vào đường thở.
Chiều 8/12, Bệnh viện Hữu nghi đa khoa Nghệ An cho biết, ca bệnh nhân nhi gắp dị vật đường thở phức tạp nói trên được các bác sỹ bệnh viện này thực hiện thành công vừa qua. Theo đó, tối 5/12, bệnh nhi Hoàng Khánh Duy (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhập viện với chẩn đoán bị dị vật đường thở, đã được mở khí quản giờ thứ 5, sốt do viêm phổi nặng, bị co kéo nhẹ cơ hô hấp.
Sau khi vào viện, các bác sĩ chụp phim Xquang. Nhìn qua phim X-Quang, các bác sỹ xác định có hình ảnh dị vật cản quang phế quản gốc phải, mờ đậm phổi phải. Dị vật gây bít tắc 1 bên phổi và phổi bên phải đã bị xẹp hoàn toàn. Bệnh nhân cần được khẩn trương gắp dị vật để hồi phục đường thở.
Với các ca gắp dị vật đường thở khác, có thể sử dụng phương pháp nội soi, đưa kìm y tế vào đường thở để gắp dị vật. Nhưng với bệnh nhi 1 tuổi như bé Khánh Duy, tình hình khó khăn hơn rất nhiều, bởi lòng khí quản bệnh nhi quá nhỏ.
Nếu sử dụng kìm to dễ gây rách phế quản, tràn khí trung thất, gây nguy hiểm cho trẻ. Bên cạnh đó, nếu gắp không cẩn thận, viên đá dăm trơn trượt có thể di chuyển sang bên phế quản trái, bít hoàn toàn tất cả đường hô hấp thì bé sẽ tử vong nhanh chóng.
“Chúng tôi đã cố gắng áp dụng các biện pháp thường quy nhưng vẫn không thể lấy được dị vật. Cuộc hội chẩn liên khoa ngay bên bàn mổ giữa các khoa Tai - Mũi - Họng, gây mê hồi sức, ngoại tiết niệu đã quyết định dùng phương pháp sáng tạo mới. Lúc đó chúng tôi dùng thuốc chống phù nề phế quản cho bệnh nhân, rồi dùng móc tự tạo bằng que kim loại kéo dần viên đá lên. Sau khi viên đá được kéo lên vị trí thuận lợi hơn, bác sỹ Ngoại tiết niệu sử dụng rọ lấy sỏi (thường sử dụng trong các ca phẫu thuật lấy sỏi trong cơ thể) khéo léo lấy viên đá kích thước 0,5x1cm ra ngoài. BS CKII. Tăng Xuân Hải - Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng cho biết.
Sau khi lấy được dị vật, bé được chuyển về khoa hồi sức ngoại khoa để theo dõi chặt chẽ. Chức năng hô hấp của bé được phục hồi nhanh. Bé chỉ phải sử dụng máy thở hỗ trợ hô hấp sau mổ một thời gian ngắn.
Dị vật đã được lấy ra nên thông khí 2 phổi của bé tốt dần, phổi phải bị xẹp đã hồi phục tốt. Ngày thứ 2 sau khi lấy dị vật, bé Khánh Duy tỉnh dần, hết sốt, tự thở và đã có thể ăn cháo.
“Để tránh tình trạng cấp cứu đáng tiếc này, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc giám sát trẻ ngay cả khi ăn uống và lúc vui chơi. Tại địa phương, nếu trẻ bị dị vật đường hô hấp, sau khi cấp cứu tức thì, hãy nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện tuyến trên trong thời gian sớm nhất có thể, để công tác xử lý cấp cứu được kịp thời và ít tai biến, biến chứng” - BS CKII. Tăng Xuân Hải khuyến cáo.
Được biết, Bệnh viện HNĐK Nghệ An thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh lý hóc dị vật như: hạt na, hạt lạc, xương cá,… Các bác sỹ bệnh viện đã tiến hành thường quy kỹ thuật nội soi gắp dị vật. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhi Khánh Duy là ca bệnh lý phức tạp nhất từng gặp, đòi hỏi trình độ tay nghề vững vàng, chuyên môn cao của bác sỹ và sự phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa (Vov.vn, Tiền phong trang 7).
Phát động Giải báo chí toàn quốc về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Chiều 9-12, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động Giải báo chí toàn quốc về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2015-2016. Cuộc thi nhằm góp phần nâng cao số lượng và chất lượng các tác phẩm báo chí tuyên truyền về đề tài BHXH, BHYT; lồng ghép với việc tuyên truyền chủ trương của Đảng cũng như các quy định của pháp luật về chính sách BHXH, BHYT, nâng cao nhận thức của người dân về hệ thống an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT của đất nước nói riêng; góp phần thiết thực cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân và người lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT...
Các tác phẩm báo chí dự thi là những tác phẩm sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày phát động giải đến hết ngày 31-10-2016. Sẽ có 49 giải thưởng với tổng trị giá 365 triệu đồng, trong đó có một giải đặc biệt, trị giá 25 triệu đồng. Tác phẩm dự thi gửi về: Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam. Địa chỉ: 59 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Nhân dân trang 5).