Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo 17/6/2016

  • |
T5g.org.vn - Cá nhiễm phenol dưới góc độ khoa học và luật pháp; Hơn 60 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm; Sẽ lập ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM; "Cởi trói" cho Bảo hiểm y tế

Cá nhiễm phenol dưới góc độ khoa học và luật pháp

Sự kiện 30 tấn cá nục đông lạnh ở Quảng Trị nhiễm phenol 0,037mg/kg, dù đã được cơ quan chức năng tiêu hủy, vẫn sôi sục truyền thông, lo ngại cho sức khoẻ người tiêu dùng nguồn thực phẩm cá hải sản từ Biển Đông khi chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh bảo đảm an toàn. Trong khi, có thông tin cho rằng, “cá nục nhiễm phenol không đáng ngại” khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần.

Mâu thuẫn về khoa học và luật pháp

Về mặt khoa học không còn phải bàn cãi, phenol là hoá chất thuộc lĩnh vực công nghiệp. Về mặt luật pháp, cũng chính vì lý do khoa học trên, nên phenol thuộc danh mục chất cấm trong lĩnh vực thực phẩm (còn độc như thế nào cơ chế tác động ra sao không phải nội dung bàn cãi của người mua, bán, sử dụng, mà là công việc của giới nghiên cứu khoa học).

Từ tiền đề khoa học và luật pháp phổ quát trên, thế giới không đưa ra ngưỡng hàm lượng phenol an toàn trong thực phẩm. Điều đó được hiểu nếu phát hiện có dấu hiệu định tính phenol chứ không cần định lượng bao nhiêu là buộc phải hủy do luật pháp chế tài. Trong khi những hoá chất được pháp luật đưa ra ngưỡng giới hạn, thì chỉ bị hủy khi thực phẩm có hàm lượng hoá chất vượt ngưỡng đó.

Thế nhưng, lo ngại là có thông tin trên truyền thông cho rằng phenol vẫn sử dụng được vì luật pháp các nước "không đưa ra ngưỡng". Lập luận này lấy chủ quan làm thước đo, đặc biệt khi đưa ra kết luận mà không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào: “Với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu một gia đình 4 người ăn 1kg thì nồng độ chỉ còn 0,009mg/ngày. Lượng ăn này không nhiều, khi vào cơ thể không đủ tác động ngay, lại bị đào thải một phần nên không đáng ngại”.

Bỏ qua căn cứ khoa học phenol là hoá chất công nghiệp và cơ sở pháp lý cấm dùng trong thực phẩm buộc phải tiêu hủy, việc lấy thước đo “tiền“ ra so sánh “30 tấn cá rất nhiều tiền, có khi cả cơ nghiệp của người dân“, và đưa ra lời khuyên “trường hợp này không nhất thiết phải tiêu huỷ“ là hết sức phản cảm. Trong khi, phát triển kinh tế ở ta cũng như thế giới lấy bảo đảm môi trường, sức khỏe làm thước đo. Nghĩa là môi trường và sức khoẻ được ưu tiên trước kinh tế. Cuộc sống hằng ngày cũng vậy, ở Đức cảnh sát luôn khuyên người dân, khi bị cướp giật trấn lột, không nên chống cự, mà làm theo lệnh của chúng để bảo toàn thân thể, tính mạng. Nghĩa là tiền không là gì so với an toàn thân thể, nhất là tính mạng.

Không tuân thủ quy trình ATVSTP

Nguy hại hơn là có thông tin đưa ra cách để cứu 30 tấn cá nhiễm phenol bằng quy trình tẩy độc, “hợp chất phenol rất dễ hoà tan trong nước, nên có thể xử lý bằng cách rã đông cá tự nhiên. Có thể lấy nước đá lạnh ngâm cá rồi tháo nước đi, làm 2-3 lần sẽ khiến phenol giảm nồng độ. Sau đó kiểm tra lại nồng độ phenol một lần nữa trước khi cấp đông trở lại”. Nếu quả thật luật pháp nước ta cho phép điều đó, thì quy trình vệ sinh thực phẩm ở ta rất lạc hậu, không hoà nhập thế giới. Ở Đức chỉ cần mang thực phẩm đông lạnh ra khỏi tủ lạnh đông tới quầy trả tiền là bắt buộc phải mua không được trả lại hàng (trong khi quần áo mua xong vài ba tháng trả lại là chuyện thường). Lý do thuộc về ngành khoa học hoá vi sinh. Bất cứ thực phẩm đông lạnh nào khi tiếp cận không khí bên ngoài, bề mặt của nó cũng đạt nhiệt độ gọi là nhiệt độ “ơ tắc ti“. Ở nhiệt độ đó, nước cùng lúc ở cả 3 thể nước, rắn, và khí (nhìn tảng nước đá vận chuyển mùa hè, hơi nước bay nghi ngút, bề mặt nước lênh láng chính là ở nhiệt độ ơ tắc ti). Do ở thể khí, nước, nên vi khuẩn dễ xâm nhập và khi bỏ trở lại vào tủ lạnh đông, thực phẩm sẽ chứa luôn vi khuẩn xâm nhập đó dạng ngủ đông. Thời hạn bảo quản ngắn lại, và khi chế biến không bảo đảm an toàn. Nói cách khác, thực phẩm không được phép làm đông lạnh 2 lần, được quy chuẩn trong mọi văn bản luật liên quan ở các nước.

Sự kiện cá hải sản chết bởi nhiễm độc ở ta không phải nằm trong phạm vi hẹp nhỏ, hay chỉ xảy ra trong một vài ngày có thể giải quyết dễ dàng trong phạm vi địa điểm và thời gian đó, mà ở tầm quốc gia, kéo dài 2 tháng nay, nên chỉ có thể giải quyết ở tầm cấp quốc gia, tức tầm cấp ra chủ trương chính sách pháp luật, rất cần được cung cấp đầy đủ căn cứ khoa học luật pháp làm nền tảng trước khi ban hành.

Ở các nước tiên tiến, chừng nào các luật lệ và quy định trên chưa thể ban hành thì chừng đó mọi rủi ro liên quan tới an toàn sức khỏe tính mạng người dân phải được chặn đứng bằng phương pháp khẩn cấp, cấm lưu thông, tiếp xúc, sử dụng (Lao động trang 5).

 

Hơn 60 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

62 công nhân Công ty TNHH dệt len Ecoway - xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy,  tỉnh Tiền Giang đã phải nhập viện vì đau đầu, nôn ói... sau khi dùng cơm trưa tại công ty. Ngày 16-6, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Tiền Giang cho biết đến sáng cùng ngày, 27 công nhân bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại bệnh viện này đã được xuất việm. Theo bệnh viện, từ trưa ngày 15-6 đến tối cùng ngày, bệnh viện đã tiếp nhận 62 ca nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm. Những bệnh nhân đều từ Công ty TNHH dệt len Ecoway. Triệu chứng chung của các công nhân khi nhập viện là nôn ói, chóng mặt, đau bụng, nhức đầu...

Theo các công nhân, trưa 15-6 sau khi ăn cơm (thịt heo kho, đậu bún xào, canh khoai lang, mắm kho chay, tương hột...) thì họ bắt đầu bị các triệu chứng như trên.

Đến khoảng 19g cùng ngày, 35 công nhân cơ bản đã ổn định sức khỏe và được cho xuất viện. Còn 27 công nhân vẫn tiếp tục điều trị qua đêm. Bác sĩ Võ Phúc Hậu - chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Tiền Giang cho biết trưa 15-6, trong số 922 công nhân của Công ty TNHH dệt len Ecoway ăn cơm trưa tại bếp ăn của công ty thì 62 người đã phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 15-6 bếp ăn cung cấp 922 phần ăn cho công nhân đang làm việc tại công ty TNHH dệt len Ecoway (trong đó có 110 suất ăn chay, 812 suất ăn mặn). Thức ăn được công ty hợp đồng với một công ty cung cấp suất ăn công nghiệp tại TP Bến Tre đảm trách. Hiện cơ quan chức năng đang lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc (Tuổi trẻ online, Lao động trang 5).

 

Sẽ lập ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM

Sở Nội vụ TP.HCM đã trình UBND TP.HCM đề án về việc thành lập ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Đây là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP để chịu trách nhiệm chính về ATTP tại TP. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Lâm- phó giám đốc Sở Nội vụ TP- cho rằng một TP muốn phát triển vững mạnh thì người dân phải có sức khỏe, ăn sạch, uống sạch, an toàn. Do đó cần thiết thành lập sớm ban quản lý ATTP để nhanh chóng ngăn chặn, giải quyết căn cơ tình trạng không đảm bảo ATTP trên địa bàn TP (Tuổi trẻ trang 5).

"Cởi trói" cho Bảo hiểm y tế

Tỷ lệ người dân sử dụng Bảo hiểm y tế (BHYT) của TP Hồ Chí Minh hiện thấp nhất cả nước. Trước thực trạng này, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố đã mạnh dạn điều chỉnh chính sách, ký kết với các đơn vị y tế tư nhân để tạo điều kiện cho người dân được khám chữa bệnh BHYT.

Chi trả phí chữa trị cho bệnh nhân ung thư 

Tính đến thời điểm này, BHXH TP Hồ Chí Minh đã liên kết cùng 50 đơn vị y tế tư nhân, trong đó có 20 bệnh viện và 30 phòng khám đa khoa để tham gia điều trị cho bệnh nhân có BHYT. Trong các gói liên kết, ngành BHXH đã đồng ý chi trả chi phí chữa trị cho bệnh nhân ung thư. Đây là căn bệnh hiểm nghèo, hiện mức chi phí điều trị đứng đầu chi phí khám chữa bệnh ở nước ta. Việc BHXH chấp nhận thanh toán BHYT cho bệnh nhân ung thư điều trị tại bệnh viện tư đã hỗ trợ được nhiều cho người bệnh. Ông Ngô Sở Trị, 47 tuổi, ngụ tại Quận 11, TP Hồ Chí Minh đang điều trị bệnh ung thư phổi tại Bệnh viện Pháp - Việt (FV) đã 6 năm. Từ kinh tế khá giả, đến nay gia đình ông đã rơi vào cảnh kiệt quệ. Nếu không được BHYT thành phố chi trả hơn 70 triệu đồng, ông khó có thể điều trị tiếp. Bà Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết: "Bệnh nhân đến khám chữa bệnh ung thư tại các cơ sở ký kết với BHXH đều được BHXH chi trả tương đương với mức chi trả với bệnh viện công. Đặc biệt, từ ngày 1-3-2016, một số dịch vụ tại bệnh viện tư được chi trả cao hơn bệnh viện công. Nguyên nhân là nhân viên các bệnh viện công đang được Nhà nước trả lương, trong khi bệnh viện tư phải chi trả mọi mặt. Sau một năm thực hiện liên kết cùng BHXH TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện FV đã tham gia điều trị cho 900 lượt bệnh nhân sử dụng BHYT, trong đó có bệnh nhân được BHYT chi trả nhiều nhất là 405 triệu đồng".

Không chỉ Bệnh viện FV, BHXH đã thanh toán cho các bệnh viện tư nhân điều trị cho bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện như: Hoàn Mỹ, Quốc tế City, Tâm Đức... Các bệnh nhân ung thư sẽ được BHYT chi trả chi phí khám bệnh và xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, chi phí hóa trị, trị xạ. Hạng mục được hỗ trợ nhiều nhất là thuốc hóa trị: Tiền chi trả cho thuốc hóa trị được BHYT thanh toán từ 30-90% tùy theo đối tượng theo quy định của Luật BHYT. Ngăn chặn "Hội chứng người thứ 3 trả tiền"

"Hội chứng người thứ 3 trả tiền" tức là bệnh viện lạm dụng các chỉ định xét nghiệm không cần thiết. Hội chứng này không chỉ xảy ra ở các bệnh viện tư nhân, mà cả những bệnh viện công lập khi các bệnh viện này bước vào lộ trình tự thu, tự chi. Thế nên, theo các chuyên gia y tế, ngoài lợi ích mang lại, việc góp mặt của 50 đơn vị y tế tư nhân dễ dẫn tới có lạm dụng chỉ định y khoa trong các khâu chẩn đoán và điều trị bệnh để BHXH nhằm "rút ruột" quỹ BHXH, gây vỡ quỹ BHXH. Để ngăn chặn điều này, bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết, cơ quan BHXH có đội kiểm tra riêng, kiểm duyệt hồ sơ thanh toán BHYT riêng dựa vào quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế. Sử dụng công nghệ thông tin để kiểm tra, so sánh quy trình và phác đồ điều trị giữa cơ sở khám chữa bệnh tư nhân với các bệnh viện công lập. Đơn vị nào có sự lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng¸ cơ quan BHXH sẽ kiểm tra. Thường các bệnh nhân thực hiện xong các xét nghiệm lâm sàng, khi BHXH xét duyệt hồ sơ nhận thấy sự "lãng phí" BHXH sẽ không thanh toán, bệnh viện đó sẽ chịu trách nhiệm.

Nhưng sự kiểm soát gắt gao, rập khuôn này cũng khiến nhiều bệnh nhân gặp khó khăn khi thăm khám bằng thẻBHYT, nhất là các bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Điển hình, bà Thương Thương, bệnh nhân ung thư tại một bệnh viện tư nhân cho biết: "Tôi điều trị ung thư tại bệnh viện tư nhân đã 4 năm. Khi điều trị, một số bộ phận cơ thể như: mắt, tim, phổi và nội tạng bị ảnh hưởng nên cơ thể mắc thêm một số bệnh liên quan". Do vậy, bà mong muốn được thanh toán các căn bệnh đi kèm cho các bệnh nhân ung thư (Hà Nội mới trang 6).

Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy

Tối 16-6, tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý mại dâm; Bộ Công an; Bộ Giáo dục & Đào tạo; Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma tuý, hưởng ứng Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26/6). Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình và Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an. Trong năm 2015, các ngành chức năng đã phát hiện, điều tra 19.517 vụ, bắt 29.963 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.510 kg heroin, hơn 4,5 tấn cần sa các loại. Số nghiện ma túy là 201.180 người có hồ sơ quản lý, giảm 3.193 người so với năm 2014. Năm 2016, Chính phủ đã chọn chủ đề "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm hoạ ma tuý", nhằm nhắc nhở trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và xã hội trong việc giúp đỡ thế hệ trẻ có cuộc sống lành mạnh, không sa vào tệ nạn ma tuý.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, phù hợp với tình hình thực tế; cần tập trung chỉ đạo các lực lượng đấu tranh mạnh với tội phạm ma tuý, ngăn chặn không để hoạt động tội phạm lây lan; triệt xoá các điểm, tụ điểm trong và ngoài nhà trường, bảo đảm môi trường lành mạnh cho các em học tập; cần quản lý chặt chẽ hệ thống Internet, nhất là các trang mạng xấu, lôi kéo thanh niên sử dụng ma tuý. Phó Thủ tướng đề nghị Hội LHPN cần tiếp tục đổi mới và xây dựng các chương trình hướng dẫn sát thực hơn, giúp các chị em hội viên hiểu biết về ma túy và các kỹ năng cần thiết trong quản lý, giáo dục và phòng ngừa tệ nạn ma túy trong gia đình.

Phó Thủ tướng cũng nhắn nhủ tới các bạn thanh niên, sinh viên, xác định đúng động cơ học tập, hăng say nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia các phong trào của Đoàn thanh niên và trau dồi các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, để nhận biết nguy cơ và phòng tránh tệ nạn ma túy. Tương lai của dân tộc phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và hành động đúng đắn của thế hệ trẻ (Hà Nội mới trang 7, Nhân dân trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang