Đề xuất bãi trông giữ xe tạm thời cho bệnh viện Bạch Mai
Đại diện bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau nhiều cuộc họp, cơ quan liên ngành gồm Sở GTVT, Công ty Khai thác điểm đỗ và các đơn vị liên quan cùng thống nhất đề xuất lấy diện tích gầm cầu vượt ngã tư Vọng làm điểm trông giữ xe tạm thời phục vụ người dân trong thời gian bệnh viện Bạch Mai xây mới, sửa chữa.
Hiện văn bản đề xuất của cơ quan liên ngành đã được báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt. Để đảm bảo tiến độ nâng cấp và sửa chữa Viện sức khoẻ tâm thần, trong thời gian chờ UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điểm trông giữ phương tiện tạm thời, bệnh viện Bạch Mai vẫn triển khai hạng mục nâng tầng Viện sức khỏe tâm thần từ ngày 4/11 (Tiền phong, trang 6).
Hơn 90% số xã tại Nghệ An có người nhiễm HIV
Báo cáo Cục thống kê Nghệ An cho thấy, toàn tỉnh này có gần 10.700 người nhiễm HIV, trong đó có gần 8.500 người trong tỉnh. Căn bệnh HIV được ghi nhận tại 440 trên tổng số 480 xã/phường/thị trấn của 21 huyện/thành phố/thị xã trong tỉnh.
So với cùng kỳ năm 2015, số người nhiễm HIV ở Nghệ An tăng 566 người (5,6%). Những địa phương có số người nhiễm HIV cao như TP Vinh với hơn 2.000 người, tiếp đó là huyện miền núi Quế Phong, Tương Dương, Quỳ Châu; các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Thái Hòa, Diễn Châu, Đô Lương có từ gần 300- hơn 400 người nhiễm HIV… Thời điểm hiện tại có gần 6.500 người (tăng con số lên 524 so với cùng kỳ năm 2015) chuyển sang giai đoạn AIDS và trên 3.500 trường hợp đã tử vong (tăng 137 người) (Tiền phong, trang 6).
Dấu hiệu tích cực từ mô hình bệnh viện vệ tinh
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội thảo đánh giá việc triển khai xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh tại các quận, huyện nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh tuyến dưới. Bước đầu mô hình này đã góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải cho các bệnh viện lớn và giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Niềm tin người dân tăng dần
TP Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của khu vực phía Nam. Mặc dù có 24 hệ thống bệnh viện tuyến huyện, nhưng trước đây người dân thành phố thường đến thẳng các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối thay vì chấp nhận điều trị tại hệ thống y tế quận, huyện.
Điển hình có Bệnh viện huyện Củ Chi được xây dựng hoàn tất đầu năm 2016 nhưng rất ít bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Để giúp bệnh viện có thể hoạt động, tạo niềm tin cho người dân sử dụng dịch vụ, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo 11 bệnh viện tuyến thành phố như Mắt, Tai - Mũi - Họng, Gia Định, Từ Dũ, Bình Dân, Da liễu, Răng - Hàm - Mặt, Nhi đồng 1... về hỗ trợ các chuyên khoa của Bệnh viện Củ Chi như ngoại khoa, nhi khoa, da liễu, tai - mũi - họng, mắt, sản khoa, răng - hàm - mặt. Nhờ đó, bệnh viện đã điều trị được các ca bệnh khó như ngưng tim, ngưng thở, bệnh mạch vành, mổ bắt con.
Gần đây nhất, Bệnh viện Củ Chi đã cứu sống một sản phụ bị vỡ thai ngoài tử cung. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu khi xuất huyết ồ ạt, nhưng không thể chuyển về bệnh viện chuyên khoa vì sốc mất máu. Các bác sĩ Bệnh viện huyện Củ Chi với sự hợp tác của Khoa Vệ tinh Bệnh viện Từ Dũ bắt tay vào phẫu thuật can thiệp khẩn cấp, cứu được sinh mệnh thai phụ. Sau 6 tháng thực hiện mô hình bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện huyện Củ Chi đã có sự thay đổi tích cực. Thống kê vào tháng 4-2016, tại bệnh viện chỉ có khoảng 5.600 lượt bệnh nhân thì đến nay, sau khi triển khai, bệnh viện huyện đã thu hút được hơn 56.500 lượt bệnh nhân ngoại trú.
Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi cho biết: “Số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh tăng, chứng tỏ người dân đã đặt niềm tin vào hệ thống y tế quận, huyện. Đồng thời đây là quyết tâm của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện huyện Củ Chi cùng sự giúp đỡ từ các bác sĩ, chuyên gia đến từ 11 bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của thành phố”.
Vẫn còn nhiều việc cần làm
Theo các đại biểu dự hội thảo, mô hình triển khai bệnh viện vệ tinh đã nâng cao năng lực tuyến quận, huyện như Củ Chi, quận Thủ Đức, quận 1, Bình Thạnh. Sự thành công lớn của các bệnh viện nêu trên sẽ là bài học, mô hình nhân rộng cho các bệnh viện tuyến quận, huyện khác của thành phố. Tuy nhiên, một khó khăn Ngành Y tế thành phố đang gặp phải chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Tình trạng khan hiếm bác sĩ đều xảy ra ở cả 24 bệnh viện tuyến quận, huyện. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: “Sở Y tế đã đưa ra nhiều phương án thu hút bác sĩ về tuyến huyện công tác. Một trong những phương án cụ thể là đưa sinh viên y khoa về các quận, huyện để làm việc. Sở Y tế sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện tuyến cơ sở. Với môi trường làm việc tốt, chắc chắn sẽ có nhiều sinh viên y khoa, bác sĩ giỏi về làm việc tại bệnh viện tuyến quận, huyện”.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đã trình UBND TP Hồ Chí Minh phương án tăng phụ cấp cho bác sĩ khi về làm việc cho bệnh viện tuyến quận, huyện. Thời gian tới, UBND TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng lại các bệnh viện tuyến quận, huyện với hạ tầng, trang thiết bị hiện đại. Hiện nay, đã có một số bệnh viện được xây mới hoàn toàn như: Bệnh viện quận Gò Vấp, Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện quận 11 với cơ sở vật chất khang trang, máy móc thiết bị đầy đủ giúp người dân tin tưởng khi lựa chọn khám chữa bệnh tại tuyến quận, huyện (Hà Nội mới, trang 6).
Thu hồi quyết định bổ nhiệm lại Giám đốc BVĐK Phú Quốc
Ngày 31-10, ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, Sở Y tế đang thực hiện một số thủ tục để thu hồi quyết định bổ nhiệm lại chức danh Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Phú Quốc đối với ông Nguyễn Đức Phát theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang. Theo ông Lê Hoàng Anh, nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi quyết định này là vì trước đó có đơn khiếu nại của 1 bác sĩ (BS) về việc không được đi học sau đại học.
Ngoài ra, một số cán bộ, nhân viên ở bệnh viện cho rằng việc lấy phiếm tín nhiệm đối với ông Phát thiếu khách quan vì ngay lúc đó BS Ngô Minh Mẫn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, bị đột quỵ. Do vào thời điểm đó khó tìm người để đảm nhiệm chức vụ Giám đốc bệnh viện nên Huyện ủy, UBND huyện Phú Quốc đã thống nhất với Sở Y tế Kiên Giang bổ nhiệm lại ông Phát.
Ông Lê Hoàng Anh, khẳng định: “Thanh tra tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc bổ nhiệm lại đối với BS Phát vào đúng thời điểm bệnh viện này bị thanh, kiểm tra là không đúng. Tôi cũng sẽ tự kiểm điểm nghiêm túc về vấn đề này tại đơn vị theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Chúng tôi sẽ liên hệ làm việc với lãnh đạo huyện Phú Quốc để tìm người thay thế BS Phát. Riêng đối với BS Phát thì sẽ được bố trí công việc khác phù hợp theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang”.
Như đã đưa tin, Sở Y tế Kiên Giang đã ban hành quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách đối với ông Phát vì để xảy ra một số sai phạm tại bệnh viện này. Trong đó, có việc lãnh đạo bệnh viện này cải hoán xe cứu thương thành xe 7 chỗ để đi công tác, học tập.
Từ năm 2013 đến tháng 6-2015, ông Phát đã thanh toán khống hơn 1.000 lít xăng vì có thời gian đi công tác trùng với thời gian ông này đi học lớp Cao cấp lý luận chính trị. Cũng trong khoảng thời gian này, tại BVĐK Phú Quốc xảy ra một số sai phạm trong việc mua vật tư, hóa chất xét nghiệm với tổng số tiền gần 4,5 tỉ đồng cùng với gói thầu cung cấp phần mềm quản lý và trang bị máy tính tại các khoa với tổng số tiền 400 triệu đồng. Chỉ riêng về vấn đề này, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Phú Quốc đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với ông Phát và cá nhân thành viên Ban Giám đốc bệnh viện cũng như các cán bộ chuyên môn phụ trách lĩnh vực đã được phân công. Được biết sau khi có kết luận kiểm tra, ông Phát đã trả lại chiếc xe theo hiện trạng ban đầu bằng cách lắp lại băng ca cứu thương và nhận quyết định bị kỷ luật với hình thức khiển trách về mặt Đảng và chính quyền nhưng vẫn giữ chức Giám đốc bệnh viện này (Công an nhân dân, trang 7).
TP.HCM: Thêm 12 trường hợp mắc virus Zika
Qua hệ thống dịch bệnh do Sở Y tế TP.HCM triển khai, chiều 31-10, Sở Y tế TP.HCM xác nhận TP đã ghi nhận thêm 12 trường hợp dương tính với virus Zika. Hiện tại TP.HCM là địa phương có số người mắc Zika nhiều nhất với 17 trường hợp, có cả nam và nữ, nâng số người mắc Zika toàn miền Nam lên 20 người và cả nước ghi nhận 23 trường hợp. Sáng cùng ngày Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã làm việc với Sở Y tế TPHCM, Viện Pastuer TPHCM nhằm khẩn trương triển khai các giải pháp hạn chế sự phát triển của Zika. Đồng thời truyền thông đúng cách và hiệu quả nhất để người dân hiểu và không gây hoang mang trong cộng đồng (Pháp luật TP.HCM, trang 2, ngày, 1/11).