Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo 6.10.2015

  • |
T5g.org.vn - BV Nhi đồng 1 TP.HCM kê thêm giường để đón bệnh nhi; Hy vọng có vắc-xin SXH trong năm 2016; Không chỉ một lời nói là đủ; Giải Nobel Y khoa:Tôn vinh người tiên phong điều trị bệnh ký sinh

BV Nhi đồng 1 TP.HCM kê thêm giường để đón bệnh nhi

ThS-BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết như trên vào sáng 5-10. “Bệnh viện (BV) đang trong tình trạng quá tải cả bệnh sốt xuất huyết (SXH) lẫn bệnh tay-chân-miệng (TCM) và một số bệnh khác. BV đã có 1.400 giường, nay bố trí thêm 150 giường và tận dụng thêm hành lang để cho trẻ nằm điều trị” - BS Liên nói. Cũng theo BS Liên, việc quá tải BV cũng một phần do tâm lý người dân nhưng bệnh SXH, TCM ở nhiều tuyến dưới có thể làm tốt. Thống kê của BV Nhi đồng 1 cho thấy có 65% bệnh nhân từ tỉnh lên khám và điều trị. Để giảm tải, BV đã nâng cao chất lượng điều trị, điều trị trong ngày về, rút ngắn thời gian nằm viện.

Theo BS Ngô Ngọc Quang Minh - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi đồng 1 thì vào tháng 8, trung bình có 40 bệnh nhi nhập viện/tuần vì SXH, qua tháng 9 là 70 ca/tuần và hiện tại là 110 ca/tuần.

“SXH tiếp tục có chiều hướng gia tăng, lan rộng. Đến thời điểm này BV ghi nhận có ba ca tử vong” - BS Minh cảnh báo. Với bệnh TCM, tháng 8 BV có 75 ca nhập viện/tuần, sang tháng 9 có 15 ca/tuần và hiện tại đã có 300 ca/tuần. Theo BS Bích Liên, trong năm 2015, dịch bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp vì rơi vào chu kỳ dịch 3-5 năm/lần. Dịch bệnh TCM cũng đang vào mùa và số ca nhập viện nhiều (Phapluattp.vn, Thanh niên trang 4).

Hy vọng có vắc-xin SXH trong năm 2016

  Sau nhiều năm nghiên cứu về vắc - xin phòng SXH, bà Võ Thị Hồng Phượng - Trưởng văn phòng đại diện Công ty Sanofi Pasteur tại Việt Nam xác nhận đơn vị đã thực hiện thống kê sơ bộ những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin phòng chống SXH tại khu vực châu Á.

Kết quả thử nghiệm bước đầu đã giảm được 56% số ca mắc sau khi tiêm ngừa vắc-xin”- bà Phượng thông tin. Theo đại diện của đơn vị này vắc- xin SXH vẫn đang phân tích số liệu chi tiết và tiếp tục nghiên cứu ở khu vực châu Mỹ La tinh, nếu mọi việc thuận lợi, dự kiến vào năm 2016 Việt Nam và các nước trên thế giới sẽ có vắc- xin phòng SXH.

PGS-TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM  cho biết hiện nay, vắc- xin SXH vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu. “Việt Nam là một trong các quốc gia được chọn tham gia giai đoạn III vì lưu hành SXH cao và Viện Pasteur TPHCM phối hợp với Công ty Sanofi Pasteur thử nghiệm lâm sàng vắc- xin này”- ông Lân nói và cho biết hiện tại, đã có tổng cộng 6 nghiên cứu giai đoạn III được triển khai cùng lúc trên 12 quốc gia lưu hành SXH của châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả nghiên cứu đã đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phòng chống SXH dengue trên thế giới vì lần đầu tiên nhân loại đã phát minh ra vắc- xin ngừa được căn bệnh này.

Theo phân tích của PGS Phan Trọng Lân, kết quả nghiên cứu giai đoạn III ở châu Á và châu Mỹ La tinh cho thấy hiệu quả vắc- xin SXH ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca SXH nhập viện và 93% ca SXH nặng. Đối với nhóm trẻ dưới 9 tuổi, hiệu quả thấp hơn, đạt 44%, ngừa được 56% ca SXH nhập viện và 67% ca SXH nặng. Kết quả của nhóm 9 tuổi trở xuống còn cần phải theo dõi hết thời gian nghiên cứu - 5 năm sau khi tiêm vắc- xin để có kết quả đánh giá hoàn chỉnh sau cùng nhằm đảm bảo đánh giá được một vắc- xin thực sự hiệu quả và an toàn cao. Các phản ứng sau tiêm chủng của vắc- xin SXH là tương đương hoặc thấp hơn so với các vắc- xin đang lưu hành.  “Dựa vào kết quả này, nhà sản xuất đang tiến hành đăng ký lưu hành sản phẩm sử dụng cho người từ 9 tuổi trở lên để ngừa bệnh SXH, trước hết là tại các quốc gia đã tiến hành nghiên cứu giai đoạn III, trong đó có Việt Nam”- ông Phan Trọng Lân cho hay (Tiền phong trang 6). 

Không chỉ một lời nói là đủ

Cách đây ít năm, khi Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư công bố có đến 20% số mẫu thuốc đông y bị trộn lẫn cả cát, ximăng… một giám đốc - lương y đã “ví dụ” về thỏ ty tử, một vị thuốc nam chỉ từ cây dây leo tơ hồng cũng bị làm giả theo cách trộn bột ximăng… cho nó nặng.

Ông nói hai điều thấm thía. Thuốc Việt, người ta bảo chỉ… cỏ lá, cũng đâu có sai. Trong khi các nhà thuốc, các DN dược không thể tự bảo vệ, không có ai bảo vệ khi Nhà nước có mối bận tâm khác là đi… nhăm nhăm rút phép.

Nỗi khổ ở chỗ bị làm giả thương hiệu mà cấm có ai dám kêu, vì sợ rằng trong nỗi hoang mang “cỏ lá giả”, người dân “thấy mặt nhớ tên ông nào là tẩy chay phắt luôn ông ấy… cho tiện”.

Tôi nhớ lại lời than và nỗi khổ ấy khi đọc những chi tiết về cuộc đàm phán TPP hôm qua.

Trong khi Mỹ muốn thời hạn bảo hộ thuốc sinh học 12 hay ít nhất là 8 năm thì Australia muốn chỉ 5 năm, với cái lý: Bảo hộ độc quyền quá lâu chỉ khiến DN dược Mỹ duy trì thế độc quyền, cản trở sản xuất thuốc phiên bản giá rẻ hơn cho bệnh nhân các nước nghèo. Thời hạn bảo hộ dài liên quan đến các hãng dược - nơi tạo lập sản phẩm bằng nghiên cứu và sáng tạo. Ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động, ví dụ tại “biểu tượng của ngành dược Mỹ” Pfizer, chỉ tính riêng đội ngũ các nhà khoa học đã lên tới 13.000 người. Và tất nhiên, liên quan đến “quyền lợi” của các “bệnh nhân người Mỹ”.

Đàm phán nào, thỏa thuận nào thì đầu tiên và trước hết phải vì quyền lợi của DN, của người dân. Bởi nào có quyền lợi quốc gia nào độc lập với quyền lợi DN, quyền lợi người dân? Bởi suy cho cùng, Nhà nước, Chính phủ đúng ra phải chỉ là một bệ đỡ cho DN phát triển.

Cái vai trò ấy ở Việt Nam hôm qua cũng được đương kim Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rất hay, rằng: Nhà nước cần trở thành “bà đỡ” của sự sáng tạo, đầu tư vào sáng tạo của DN để đưa nó vào cuộc sống. Ông cũng nói, chính quyền phải thay đổi, trở thành “chính quyền phục vụ”, chứ không phải đóng vai người hành hạ để doanh nghiệp chết dần.

Những điều Bộ trưởng Vinh nói đúng về lý thuyết, y như những gì vị lương y kêu trong thực tế. Mới nói tư duy “chính quyền phục vụ” ấy, không phải chỉ ở một bộ trưởng là đủ, không phải chỉ một lời nói ra là đủ (Lao động trang 1).

Giải Nobel Y khoa:Tôn vinh người tiên phong điều trị bệnh ký sinh

Hai khám phá phương pháp trị sự lây nhiễm giun tròn và khám phá phương pháp điều trị sốt rét vừa đoạt giải Nobel Y khoa "giúp con người có giải pháp mạnh mẽ và đột phá chống lại những căn bệnh".Tại buổi công bố giải Nobel y khoa 2015 vào 4g30 chiều 5-10 (giờ Việt Nam), hội đồng trao giải Viện Karolinska của Thụy Điển chia đều giải thưởng cho hai khám phá phương pháp trị sự lây nhiễm giun tròn và khám phá phương pháp điều trị sốt rét.

“Hai khám phá trên giúp con người có được giải pháp mạnh mẽ và đột phá chống lại những căn bệnh đang ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người mỗi năm - hội đồng trao giải nhận định - Những người đoạt giải Nobel năm nay đã cách mạng hóa phương pháp điều trị một số trong những căn bệnh ký sinh tàn khốc nhất”. Giải thưởng dành cho những người đoạt giải là khoảng 960.000 USD.

Không thể đo đếm được

“Các bệnh gây ra do các loài ký sinh là tai họa của loài người trong hàng ngàn năm qua và vẫn đang là một vấn đề lớn của y khoa toàn cầu” - tuyên bố của hội đồng khi trao một nửa giải thưởng cho hai nhà khoa học William C. Campbell and Satoshi Omura. Từ nghiên cứu vi khuẩn đất trồng, nhà khoa học Ireland Campbell và nhà khoa học Nhật Bản Omura đã sáng chế loại thuốc mới là Avermectin giúp trị hiệu quả bệnh mù sông do giun chỉ và bệnh giun chỉ bạch huyết, còn gọi là bệnh phù chân voi, cũng như các bệnh ký sinh khác.

Trước đó, thuốc trị các loại bệnh ký sinh thường có tác dụng phụ nguy hiểm nhưng không mấy hiệu quả. Nữ khoa học gia Trung Quốc Tu Youyou nhận một nửa giải thưởng còn lại nhờ công trình nghiên cứu thảo dược truyền thống để trị bệnh sốt rét. Bà Tu là người khám phá Artemisinin, loại thuốc giúp giảm tỉ lệ tử vong ở những người mắc bệnh sốt rét, một căn bệnh gây ra do ký sinh trùng.

Trước đó, bất chấp các tiến bộ trong việc điều trị bệnh sốt rét, hơn nửa triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em ở những khu vực kém phát triển của châu Phi. 3,4 tỉ người, tương đương một nửa dân số Trái đất, có nguy cơ bị sốt rét.

“Bây giờ chúng ta đã có các loại thuốc tiêu diệt những ký sinh này từ rất sớm trong vòng đời của chúng - Reuters dẫn lời bà Juleen Zierath, chủ tịch hội đồng trao giải Nobel năm nay, nói - Chúng không chỉ diệt ký sinh mà còn ngăn chúng lây lan”. Hội đồng cho rằng tác động của những khám phá này trong việc cải thiện sức khỏe con người là “không thể đo đếm được”.

Y học cổ truyền và phụ nữ

Khám phá của nữ khoa học gia Trung Quốc thu hút nhiều sự chú ý khi tập trung vào các loại dược thảo truyền thống để điều trị bệnh sốt rét. Theo tuyên bố của hội đồng trao giải, bà Tu nhận thấy chiết xuất từ cây Artemisia annua, cây thanh hao hoa vàng, có khả năng chống sốt rét nhưng không ổn định. Bà tiếp tục nghiên cứu, tham khảo các văn học cổ và khám phá phương pháp chiết xuất được thành phần chống sốt rét hiệu quả từ loại cây này. Thành phần được gọi là Artemisinin này có khả năng tiêu diệt ký sinh trùng gây bệnh sốt rét ngay từ giai đoạn đầu.

“Artemisinin là một loại thuốc mới nhưng cũng đã có từ lâu, từ một loại cây chủ yếu trong y học cổ truyền Trung Quốc. Nhưng nó đã thay đổi cách điều trị sốt rét” - tờ Guardian nhận định. Bà Tu là người Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel y khoa.

Tờ Dagens Nyheter của Thụy Điển dự báo các nhà trao giải Nobel năm nay sẽ cân nhắc sự chênh lệch giới tính của những nhà khoa học đoạt giải, do những năm qua đa số người đoạt giải là nam giới. “Hội đồng Nobel năm nay do phụ nữ đứng đầu và số nữ ứng viên được dự đoán đoạt giải cũng cao bất thường” - tờ báo nhận định.

Tờ Dagens Nyheter cũng dự đoán nhà khoa học nữ người Mỹ Deborah Jin sẽ được trao giải Nobel vật lý nhờ công trình nghiên cứu ứng dụng những loại khí siêu lạnh. Đài phát thanh Thụy Điển dự đoán nhà thiên văn học Mỹ Vera Rubin, người tiên phong trong nghiên cứu tỉ lệ vòng xoay Ngân hà, sẽ giành giải này. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng được dự đoán là ứng viên sáng giá cho giải Nobel hòa bình năm nay (Tuổi trẻ trang 20, Thanh niên trang 19, Tiền phong trang 12).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang