Phó Thủ tướng chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh do virus Zika
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus Zika gây nên.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phòng chống dịch bệnh Zika.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh do virus Zika gây nên có thể xâm nhập Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý dịch theo quy định; thực hiện chế độ giám sát, báo cáo dịch theo thẩm quyền; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung danh mục dịch bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm bổ sung kịp thời kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus Zika gây nên trong trường hợp dịch lan rộng.
http://vov.vn/suc-khoe/pho-thu-tuong-chi-dao-ve-phong-chong-dich-benh-do-virus-zika-481809.vov
Tăng viện phí, lợi cho người có BHYT
Từ ngày 1/3, mức thu viện phí mới sẽ tăng khoảng 30% và từ 1/7, khi tính tiền lương vào, thì giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay. Bên cạnh nỗi lo về viện phí tăng, nhiều người dân vẫn băn khoăn liệu động thái này có đi đôi với việc cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
“Với những người bị bệnh mạn tính, tim mạch, huyết áp, thường xuyên đến bệnh viện như tôi, thì việc tăng viện phí là là một mối lo ngại lớn vì nó ảnh hưởng đến thu nhập chung của gia đình. Lần nào tăng viện phí, cán bộ cũng giải thích, người bệnh có thẻ BHYT sẽ lợi vì sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn; nhưng thời gian qua, tôi thấy chất lượng dịch vụ, chất lượng khám chữa bệnh không tăng là mấy”, bà Nguyễn Thị Hiền, Vĩnh Tuy, Hà Nội chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền, có thẻ BHYT tại Bệnh viện Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, nhưng lâu nay bà rất ngại đi khám bệnh. Bởi mỗi lần khám là mỗi lần phải làm cả lô xét nghiệm, rồi chiếu chụp… Điều đáng nói, bệnh tình thuyên giảm chậm, dù đã nằm viện theo chỉ định của bác sĩ.
“Mấy lần ốm quá, tôi phải đến thẳng Bệnh viện Bạch Mai để khám, điều trị. Vượt tuyến như vậy là tôi không được BHYT chi trả, phải tự bỏ tiền túi 100% chi phí điều trị, nhưng thế còn hơn là trông chờ vào việc khám bệnh tại đơn vị mà tôi buộc đăng ký thẻ BHYT”, bà Hiền cho biết.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh Thủy, Khu tập thể 8/3 (Hà Nội) cho rằng: “Đồng ý là cần tăng viện phí cho phù hợp với giá cả hiện tại, nhưng từ phía người dân, tôi thấy rằng sự thay đổi về chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế sau nhiều lần điều chỉnh là chưa nhiều. Vừa qua, tại một số bệnh viện, mới chỉ cải thiện đôi chút về nơi tiếp đón bệnh nhân, còn chất lượng phục vụ, chất lượng khám chữa bệnh vẫn như trước”.
Trước những băn khoăn của người dân, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế khẳng định: “Giá dịch vụ y tế là một loại giá đặc biệt, là cơ sở để cơ quan BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, nên chính là mức "bồi hoàn" của quỹ BHYT cho người có thẻ BHYT khi đi khám bệnh. Vì vậy, nếu giá viện phí càng cao, thì người bệnh càng được "bồi hoàn" nhiều hơn”.
Cũng theo ông Nam Liên, sau 3 năm điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60 - 95% khung giá của 3 yếu tố, nhưng các bệnh viện sử dụng 15% tiền khám bệnh, ngày giường để mua thêm giường, ghế, cải tạo, sửa chữa phòng khám khang trang hơn, các buồng bệnh đã có sự thay đổi cơ bản phần nào đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Không chỉ vậy, nhiều bệnh viện khi có nguồn thu đã chủ động sử dụng nguồn của bệnh viện, nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để bổ sung đầu tư khu vực phòng khám cũng như khu điều trị.
Đại diện Bộ Y tế cũng khẳng định, tăng viện phí khoảng 23,7 triệu người, là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là có lợi. Bởi lẽ. người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, người sinh sống ở vùng KTXH đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng… khi đi KCB được BHYT thanh toán 100% (trước đây chỉ được thanh toán 95%, đồng chi trả 5%, trừ trẻ em dưới 6 tuổi đã được thanh toán 100%) nên toàn bộ phần tăng thêm đã được BHYT thanh toán cho bệnh viện; không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Bên cạnh đó, giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và được BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Đối với người cận nghèo, hiện đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT; Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo, phấn đấu đạt 100% số người cận nghèo tham gia BHYT... Khi đi khám chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%), nên mức độ tác động không nhiều.
Với những đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT, thì thực tế có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều, vì trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm. Mặt khác, từ 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.
http://baotintuc.vn/xa-hoi/tang-vien-phi-loi-cho-nguoi-co-bhyt-20160222215629791.htm
Tri ân những người cống hiến cho ngành y tế
Chiều 22-2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đến thăm và chúc sức khỏe GS Trần Đông A (Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, TP.HCM), nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, 27-2.
Bí thư Thành ủy chúc giáo sư hạnh phúc và tiếp tục sự nghiệp phục vụ nhân dân, đặc biệt là công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP.
Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ mong muốn được lắng nghe những ý kiến đóng góp về y tế cũng như sự phát triển của TP từ giáo sư bằng cách trực tiếp hoặc điện thoại.
GS Trần Đông A cho biết mặc dù về hưu đã lâu nhưng hằng tuần ông vẫn vào BV Nhi đồng 2 để dạy, truyền kinh nghiệm cho các bác sĩ trẻ. Tại buổi gặp, giáo sư cũng nêu hai kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng ngành y tế, trong đó có việc hạn chế lạm dụng thuốc kháng sinh.
Cùng ngày, ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, cùng Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu đến thăm gia đình cố Viện sĩ, TS-BS Dương Quang Trung (Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM). Tại đây, ông Hải bày tỏ sự biết ơn sâu sắc về những công lao, cống hiến to lớn cho ngành y tế TP của viện sĩ. Ông Hải cũng đến thăm gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế…
http://plo.vn/thoi-su/tri-an-nhung-nguoi-cong-hien-cho-nganh-y-te-613261.html
Lãnh đao TP.HCM chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2
Chiều 22-2, lãnh đạo Thành phố đã đến thăm một số Y, Bác sĩ, chuyên gia y học hàng đầu của thành phố nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.
Góp ý với Bí thư Thành ủy, Giáo sư Trần Đông A mong muốn TP tập trung đào tạo ngày càng nhiều những bác sĩ thực hành và phải nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình, đây là mô hình mà các nước tiên tiến đã áp dụng. Giúp từng công dân được theo dõi sức khỏe từ khi mới chào đời.
Thay mặt lãnh đạo TP, Bí thư Đinh La Thăng đã cảm ơn, đánh giá cao sự đóng góp của Giáo sư Trần Đông A với nền y học nước nhà.
Cùng ngày, ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã đến thăm và tặng quà chúc mừng gia đình cố Viện sĩ, Tiến sĩ, Bác sĩ Dương Quang Trung, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2,
Trước vợ và con gái cố viện sĩ Dương Quang Trung, ông Lê Thanh Hải đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc về những cống hiến to lớn của cố viện sĩ cho ngành y tế TP như việc thành lập Viện Tim TP, Trung tâm Đào tạo Cán bộ Y tế TP (nay là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch). Cố viện sĩ Dương Quang Trung luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, bác sĩ ngành y tế TP noi theo.
Cùng ngày, ông Lê Thanh Hải và bà Nguyễn Thị Thu cũng đến thăm và tặng quà cho gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, mất năm 2014. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cũng đã đến thăm hỏi, tặng quà PGS - Bác sĩ Nguyễn Thế Hiệp (nguyên giám đốc Bệnh viện nhân dân Gia Định).
Bà Thu cho biết lãnh đạo TP luôn ghi nhớ, tri ân những đóng góp của thế hệ y - bác sĩ trước trong công tác chăm lo sức khỏe người dân TP cũng như sự phát triển của ngành y tế, công tác đào tạo thế hệ trẻ. Bà Thu chúc PGS - Bác sĩ Hiệp nhiều sức khỏe, sống vui vầy với gia đình con cháu.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160222/lanh-dao-tphcm-chuc-mung-ngay-thay-thuoc-viet-nam-272/1055557.html
Nhiều bệnh viện kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa có báo cáo kết quả kiểm tra công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý môi trường y tế tại 103 bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM năm 2015.
Nội dung kiểm tra bao gồm vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh tay, vệ sinh buồng bệnh, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh nhà giặt và quản lý đồ vải, vệ sinh nhà đại thể, quản lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải…
Kết quả BV huyện Củ Chi xếp loại kém, BV Tâm thần và BV Á Âu xếp loại trung bình. Ngoài ra, 49 BV xếp loại khá, 28 BV xếp loại tốt và 23 BV xếp loại xuất sắc.
TS-BS Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong BV không tốt dễ có nguy cơ lây nhiễm bệnh chéo giữa các bệnh nhân.
http://plo.vn/suc-khoe/nhieu-benh-vien-kiem-soat-nhiem-khuan-chua-tot-613240.html
BV Củ Chi xếp loại kém trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM chính thức có báo cáo kết quả kiểm tra công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý môi trường y tế tại 103 BV trên địa bàn TP.HCM năm 2015.
Nội dung kiểm tra bao gồm vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh tay, vệ sinh buồng bệnh, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh nhà giặt và quản lý đồ vải, vệ sinh nhà đại thể, quản lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải…
Kết quả BV huyện Củ Chi xếp loại kém, BV Tâm thần và BV Á Âu xếp loại trung bình. Ngoài ra 49 BV xếp loại khá, 28 BV xếp loại tốt và 23 BV xếp loại xuất sắc.
TS-BS Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong BV không tốt dễ có nguy cơ lây nhiễm bệnh chéo giữa các bệnh nhân.
“Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đề nghị một số BV trang bị thêm thùng chứa chất thải rắn có nắp đậy đặt ở hành lang, nơi ngồi đợi của bệnh nhân. Hằng năm, BV phải xây dựng kế hoạch thực hiện “BV vệ sinh” và phát động chiến dịch “vệ sinh tay” trong BV. Ngoài ra, BV cần có kế hoạch nâng cấp buồng bệnh, tăng độ thông thoáng, chống thấm dột. Đồ vải dính máu, dịch tiết… phải được thu gom bằng bao riêng, vận chuyển an toàn và xử lý riêng…” - TS-BS Nhân cho biết thêm.
http://plo.vn/suc-khoe/bv-cu-chi-xep-loai-kem-trong-cong-tac-kiem-soat-nhiem-khuan-613035.html
TP.HCM huy động 200.000 lượt người hiến máu trong năm 2016
Nhằm đảm bảo đủ máu an toàn cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại TP trong năm 2016, UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ thị các ban ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện và các đơn vị đóng trên địa bàn tăng cường công tác vận động hiến máu tình nguyện.
Theo đó, TP phấn đấu đạt trên 200.000 lượt người hiến máu, tương đương 230.000 đơn vị máu. Trong đó, có 65% là túi máu loại 350-450 ml, chất lượng máu sạch, tốt đạt trên 94%.
Trung tâm Hiến máu nhân đạo thuộc Hội Chữ thập đỏ TP và ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các địa phương có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Tăng cường vận động phát triển lực lượng hiến máu dự bị để sẵn sàng cung cấp máu khi có yêu cầu. UBND TP cũng yêu cầu Hội Chữ thập đỏ TP có kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ tiếp nhận máu, đồng thời phối hợp Ban Thi đua khen thưởng kịp thời đề xuất tôn vinh khen thưởng những cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu tình nguyện.
http://plo.vn/suc-khoe/tphcm-huy-dong-200000-luot-nguoi-hien-mau-trong-nam-2016-613241.html
Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại Tây Nguyên
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, từ đầu năm 2016 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có gần 900 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng trên 20 lần so với cùng thời gian này năm ngoái.
Trong đó, số người mắc tập trung nhiều nhất là ở tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Nguyên nhân khiến bệnh SXH tăng cao là do thời tiết biến đổi bất thường, khí hậu thích hợp cho muỗi mang mầm bệnh SXH phát triển. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên kiến nghị các tỉnh Tây Nguyên cần nhanh chóng khoanh vùng ở những khu dân cư có nhiều trường hợp mắc SXH để phun thuốc diệt trừ muỗi nhằm hạn chế tình trạng lây lan.
Được biết các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh của các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tăng cường thêm các trang thiết bị, tổ chức tập huấn kỹ thuật khám, điều trị cho cán bộ y tế ở tuyến cơ sở nhằm sẵn sàng khám, điều trị kịp thời cho đồng bào các dân tộc mỗi khi bị SXH.
http://plo.vn/suc-khoe/nguy-co-bung-phat-dich-sot-xuat-huyet-tai-tay-nguyen-613269.html
Bộ Y tế yêu cầu thống kê nhu cầu văcxin dịch vụ
TT - Theo thông tin từ các đơn vị cung cấp văcxin, dự kiến trong tháng 3 tới đây sẽ có thêm một đợt văcxin 5 trong 1 dịch vụ (Pentaxim) về VN và chuyển cho các tỉnh khu vực phía Bắc.
Ông Trương Quốc Cường, cục trưởng Cục Quản lý dược, vừa có văn bản gửi s
Theo thông tin từ các đơn vị cung cấp văcxin, dự kiến trong tháng 3 tới đây sẽ có thêm một đợt văcxin 5 trong 1 dịch vụ (Pentaxim) về VN và chuyển cho các tỉnh khu vực phía Bắc.
Ông Trương Quốc Cường, cục trưởng Cục Quản lý dược, vừa có văn bản gửi sở y tế các tỉnh thành, đề nghị khẩn trương tổng hợp nhu cầu văcxin dịch vụ gửi về Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý dược trước ngày 29-2 để hai cơ quan này tổng hợp, tổ chức các đơn vị cung ứng có nguồn cung ổn định trong năm 2016.
Theo thông tin từ các đơn vị cung cấp văcxin, dự kiến trong tháng 3 tới đây sẽ có thêm một đợt văcxin 5 trong 1 dịch vụ (Pentaxim) về VN và chuyển cho các tỉnh khu vực phía Bắc.
Đợt văcxin này khoảng 30.000 liều, trong thời gian từ tháng 12-2015 tới nay toàn quốc nhận trên 160.000 liều Pentaxim và dự kiến năm 2016 có ít nhất trên 200.000 liều văcxin loại này được nhập khẩu, gấp nhiều lần số lượng nhập trong năm 2015.
Tuy nhiên tại thời điểm này, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đang hết một số loại văcxin có thành phần ngừa bệnh quai bị, thủy đậu, 4 trong 1, 5 trong 1, viêm gan A, văcxin phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn...
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160222/bo-y-te-yeu-cau-thong-ke-nhu-cau-vacxin-dich-vu/1055035.html
Đừng làm người bệnh, bác sĩ thêm rối
Câu chuyện về tờ giấy hẹn tái khám (Tuổi Trẻ ngày 17-2) lẽ ra là điều hết sức bình thường lại trở thành nỗi phiền phức cho cả bệnh nhân, bác sĩ và bệnh viện.
Không phải chỉ có tờ giấy hẹn mà còn nhiều loại giấy tờ khác khiến bệnh nhân, bác sĩ và bệnh viện phải “sôi sùng sục” lên với bảo hiểm y tế.
Ai cũng biết hoạt động của bệnh viện lấy bệnh nhân làm trung tâm. Mọi phương pháp điều trị, các phác đồ, các hoạt động hội chẩn... đều có mục tiêu là điều trị hết bệnh hoặc làm giảm nhẹ bệnh cho bệnh nhân.
Để điều trị thật tốt cho bệnh nhân, vai trò của người bác sĩ hết sức quan trọng. Những hoạt động của các phòng ban trong bệnh viện phải tạo thuận lợi tối đa để bác sĩ tập trung điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ và hội đồng khoa học của bệnh viện là người tối cao trong việc quyết định các thuốc, các phương pháp điều trị. Chính bác sĩ bằng việc nghiên cứu của mình hay của đồng nghiệp sẽ đưa ra quyết định dùng loại thuốc nào, cách mổ nào hay dụng cụ nào cần thiết cho bệnh nhân.
Bệnh viện với cơ sở vật chất, trang thiết bị là nơi bác sĩ thực hiện việc điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Và vì bệnh viện không miễn phí nên có thêm hoạt động tài chính để đảm bảo sự hoạt động. Dài dòng như vậy cho thấy không ai có thể thay bác sĩ hay bệnh viện trong việc điều trị cho bệnh nhân dù là người có tiền hay có quyền.
Những người trả tiền có thể chọn bệnh viện tốt nhất. Bảo hiểm y tế được hiểu như người được nhân dân ủy quyền sử dụng tiền bảo hiểm mà người dân đóng trả cho những người không may bị bệnh tật khi họ tham gia bảo hiểm.
Và nếu hiểu như vậy thì cơ quan bảo hiểm có quyền chọn bệnh viện tốt nhất, hiệu quả nhất cho người dân nhưng không thể quyết định thay bác sĩ trong việc quyết định dùng thuốc, dụng cụ hay phương pháp điều trị cho bệnh nhân.
Hoạt động điều trị bệnh nhân có thể xem như hoạt động kinh doanh của bệnh viện, do vậy khi khách hàng chọn dịch vụ của bệnh viện thì bắt buộc trả tiền, không có chuyện thích thì trả, không thích thì không trả. Và như vậy một khi bảo hiểm y tế ký hợp đồng điều trị cho bệnh nhân với bệnh viện thì phải trả tiền viện phí.
Vậy để khỏi gỡ rối cho bệnh nhân và bệnh viện thật đơn giản. Các bác sĩ và bệnh viện sẽ xây dựng quy trình điều trị chuẩn cho bệnh nhân, những ca nào khó điều trị ngoài chuẩn sẽ có hội chẩn hay có ý kiến chuyên gia hoặc hội đồng khoa học.
Bệnh viện nào làm tốt sẽ có nhiều bệnh nhân hơn. Những bệnh viện nào kém cỏi thì người đứng đầu được nghỉ sớm. Cần chấm dứt khái niệm tuyến hành chính như hiện nay. Xây dựng tiêu chuẩn hạng cho bệnh viện thật tốt và để tự người bệnh quyết định nơi điều trị.
Đối với bảo hiểm y tế chỉ nên xem xét phương án chi trả thế nào cho phù hợp với quỹ mà mình đang quản lý. Bảo hiểm y tế không nên can thiệp vào công tác chuyên môn của bác sĩ và bệnh viện.
Nếu thấy bệnh viện nào làm tốt có thể chuyển thẻ về bệnh viện đó nhiều hơn, bệnh viện nào làm kém có thể cắt hoặc ngưng ký hợp đồng. Nhà nước cần chấm dứt quyền xuất toán của bảo hiểm y tế vì điều này hết sức vô lý.
Bộ Y tế cần xem xét thêm nhân sự thư ký y khoa để hỗ trợ cho bác sĩ trong việc hành chính. Thời gian của bác sĩ là điều trị cho bệnh nhân chứ không phải làm hồ sơ sổ sách.
Hiện thời gian làm hồ sơ sổ sách cho bệnh nhân chiếm khoảng 30 - 40% thời gian của bác sĩ và có nguy cơ tăng thêm nếu bảo hiểm y tế hay các cơ quan chủ quản lại "đẻ" ra các thủ tục hành chính mà thực tế không hẳn vì quyền lợi cho bệnh nhân!
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160222/dung-lam-nguoi-benh-bac-si-them-roi/1055026.html
Nữ bác sỹ vùng cao tận tâm với nghề
Tâm niệm lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”, "Thầy thuốc như mẹ hiền", nên hơn 25 năm qua, bác sỹ Bùi Thị Hoàn - Trạm trưởng Trạm y tế xã Năng Khả, huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang luôn bám bản, bám làng vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Sáng cuối tuần, tại Trạm y tế xã Năng Khả, bác sỹ Bùi Thị Hoàn cùng đội ngũ cán bộ của trạm đang tất bật với công việc khám, cấp thuốc và tư vấn sức khỏe cho người bệnh... Tiếp chúng tôi với nụ cười hiền hậu, bác sỹ Hoàn cho biết, ở vùng cao vào mùa lạnh có nhiều người bị mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp, cán bộ Trạm lúc nào cũng phải túc trực, thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Tuy là Trạm y tế xã, nhưng mỗi ngày có từ 20 - 30 lượt người đến khám, chữa bệnh. Trung bình mỗi năm, Trạm thực hiện khám cho hơn 7.000 lượt người dân.
Dân số ở xã Năng Khả chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp. Bao đời nay, nơi đây vẫn duy trì thói quen thay vì đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, người dân lại mời thầy cúng về nhà cúng ma trừ bệnh khiến nhiều người “tiền mất, tật mang”. Trước thực trạng trên, mỗi khi xuống thôn, bản khám bệnh cho người dân, bác sỹ Hoàn lại tranh thủ tuyên truyền giáo dục sức khỏe để người dân dần từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu.
Với sự cố gắng không mệt mỏi, những việc làm cụ thể trong khám, chữa bệnh cứu người của bác sỹ Hoàn, đến nay những quan niệm, hủ tục ở Khả Năng đã thay đổi. Mỗi khi ốm đau, đồng bào đều đến các cơ sở y tế, bệnh viện để khám chữa bệnh.
Bà Triệu Thị Lưu, dân tộc Dao, thôn Phiêng Quân, xã Năng Khả cho biết: “Trước đây mỗi khi ốm, đau người dân thường mời thầy mo về để cúng cho khỏi bệnh, có nhiều trường hợp cúng 2 ngày, 2 đêm mà người bệnh vẫn không qua khỏi. Sau khi nghe bác sỹ Hoàn tuyên truyền, mỗi khi có bệnh, chúng tôi đều đến Trạm y tế xã để khám, chữa bệnh, không mời thầy cúng về nhà như trước nữa”.
Qua nhiều năm gắn bó với vùng cao, với đồng bào dân tộc, bác sỹ Hoàn đã xây dựng được một số đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến sức khoẻ của người dân vùng cao và được đồng nghiệp đánh giá cao. Những đề tài đều đi vào thực tế, giúp cho việc phòng, điều trị và quản lý một số bệnh đạt hiệu quả, tiêu biểu như đề tài: “Thực trạng bệnh tăng huyết áp ở người cao tuổi dân tộc Tày ở xã Năng Khả và các yếu tố liên quan”; "Thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm của một số cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn tại 2 xã, thị trấn, Thanh Tương thuộc huyện Na Hang"; “Thực trạng công tác quản lý và tuân thủ điều trị của bệnh nhân tăng huyết áp tại một số xã của huyện Na Hang”.
Với những đóng góp tích cực trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân, Thầy thuốc, bác sĩ Bùi Thị Hoàn đã được nhận nhiều danh hiệu cao quý của huyện, tỉnh, ngành y tế. Đặc biệt, tháng 9/2015, chị vinh dự được tham dự Đại hội thi đua yêu nước Bộ Y tế và được Bộ Y tế tặng bằng khen.
http://baotintuc.vn/dan-toc/nu-bac-sy-vung-cao-tan-tam-voi-nghe-20160222205115478.htm
Tiếp tục chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh cho tỉnh Phú Thọ
Ngày 22/2, tại Phú Thọ, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp giai đoạn I và ra quân chuyển giao kỹ thuật giai đoạn II cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Sau hơn hai năm triển khai chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp giai đoạn I, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả, làm tiền đề chắc chắn để ra quân chuyển giao kỹ thuật giai đoạn II. Bệnh viện đã thành lập Trung tâm tim mạch cùng với chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên sâu quan trọng từ các bệnh viện: Viện Tim mạch (Bạch Mai), Việt Đức, K Trung ương...
Sau chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp giai đoạn I, trình độ chuyên môn của các bác sĩ được nâng cao. Nhiều kỹ thuật cao chuyên ngành tim mạch được triển khai thành công, số người bệnh phải chuyển tuyến trên giảm đáng kể, đến nay tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn 0,6%.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bệnh viện đa khoa tỉnh định hướng phát triển mô hình bệnh viện đa trung tâm, trong đó tập trung phát triển chuyên sâu về một số lĩnh vực hiện đang là vệ tinh của các bệnh viện Trung ương như ung bướu, tim mạch, sản khoa, nhi khoa, ghép tạng, đột quỵ, chấn thương chỉnh hình..., phấn đấu đạt đủ tiêu chuẩn của Bệnh viện hạng đặc biệt vào cuối năm 2018, trở thành bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong thực hiện chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp giai đoạn I theo Đề án Bệnh viện vệ tinh.
Tuy nhiên, Bệnh viện đa khoa tỉnh cần rút kinh nghiệm từ các bệnh viện vệ tinh khác nhằm giảm những chi phí không cần thiết, tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm.
Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ nhân lực và đề xuất chuyển giao kỹ thuật tương xứng với trình độ năng lực thực tế của đội ngũ cán bộ, bác sĩ của bệnh viện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện và phấn đấu là bệnh viện hạt nhân của khu vực miền núi phía Bắc trong tương lai.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và đoàn công tác đã đi thăm, tặng quà cho các bệnh nhân nặng đang điều trị tại Khoa hồi sức tích cực chống độc.
http://www.vietnamplus.vn/tiep-tuc-chuyen-giao-ky-thuat-kham-chua-benh-cho-tinh-phu-tho/372328.vnp
Hà Nội yêu cầu niêm yết công khai giá dịch vụ y tế
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, Sở này đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc khi bắt đầu thực hiện giá viện phí mới từ 1/3 sẽ kèm theo việc niêm yết công khai giá dịch vụ y tế.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/3/2016, giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYTbao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó có các cơ sở y tế của Hà Nội; từ 1/7/2016 mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương. Riêng các đơn vị tự chủ như Bệnh viện Tim Hà Nội, đa khoa Hòe Nhai, Trung tâm Bác sĩ gia đình được thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1/3.
Sở Y tế yêu cầu, trong quá trình tổ chức triển thực hiện các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đến người bệnh và cán bộ y tế. Tại các đơn vị yêu cầu cán bộ liên quan thực hiện việc tính đúng và thu đúng theo giá dịch vụ đã được ban hành, không thu thêm của người bệnh chi phí đã tính trong giá, trừ các chi phí vật tư, hóa chất chưa tính vào giá, phần đồng chi trả theo quy định của người bệnh có thẻ BHYT hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám bệnh theo yêu cầu.
Song song với việc triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân, các đơn vị cần chú ý niêm yết công khai giá dịch vụ y tế, đặc biệt là mức thu khám bệnh, ngày giường điều trị để người bệnh biết. Các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm lập danh mục các kỹ thuật đang thực hiện tại đơn vị, gồm danh mục, mức giá của từng dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Thông tư 37, bao gồm cả phẫu thuật, thủ thuật được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí, kể cả các phẫu thuật, thủ thuật chưa được quy định giá cụ thể hoặc chưa được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí để gửi cơ quan BHXH làm cơ sở thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị ưu tiên sử dụng nguồn thu để nâng cấp phòng khám và buồng bệnh để đảm bảo các điều kiện về khám chữa bệnh và giường điều trị cho bệnh nhân. Cụ thể, dành tối thiểu 5% số thu dịch vụ khám bệnh (3% với bệnh viện hạng III, IV), 5% thu từ ngày giường điều trị (3% với bệnh viện hạng III, IV) hàng năm để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế và các trang thiết bị khác phục vụ người bệnh.
TS Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, những người bệnh có đợt điều trị bắt đầu trước và kết thúc sau ngày thực hiện mức giá quy định tại Thông tư 37 thì áp dụng mức giá thanh toán BHYT theo Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của HĐND TP ban hành quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và Quyết định 30/2014/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 của UBND TP về điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ y tế đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú
http://doanhnghiepvn.vn/ha-noi-yeu-cau-niem-yet-cong-khai-gia-dich-vu-y-te-d64364.html
Phát hiện khối u khổng lồ gần 1kg trong ngực nam sinh viên
Mới đây, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công khối u tế bào mầm khổng lồ trong lồng ngực nam sinh gây chèn ép tim, đường thở và mạch máu.
Ngày 21/2, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, Trung tâm tim mạch của Bệnh viện vừa phẫu thuật cắt bỏ thành công một trường hợp có khối u khổng lồ ở lồng ngực hết sức hy hữu.
Bệnh nhân là nam sinh viên 23 tuổi, nhập viện tháng 11/2015 trong tình trạng ho ra máu. Khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện trong lồng ngực, vị trí trung thất trước có khối u tế bào mầm rất lớn.
Để tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân đã được hóa trị trước để thu nhỏ một phần thể tích khối u nhưng khi cưa mở toàn bộ xương ức, mở rộng lồng ngực, các bác sĩ cũng bất ngờ bởi kích thước của khối u này. Không những thế khối u có mật độ chắc, phát triển lan tỏa ra xung quanh vào khoang màng phổi 2 bên, chèn ép đẩy lệch khí quản, tim, phổi và mạch máu, u bọc quanh các dây thần kinh.
Đến ngày 18/2 vừa qua, các bác sĩ tiến hành cưa mở toàn bộ xương ức, mở rộng lồng ngực để lấy khối u.
Ca phẫu thuật thành công lấy được toàn bộ khối u (nặng khoảng 700g) và các tổ chức thâm nhiễm xung quanh, bảo tồn được nguyên vẹn các cấu trúc thần kinh, mạch máu; may mắn khi khối u chưa xâm lấn phá hủy các cấu trúc đó. Bệnh nhân đã tỉnh táo, tự thở sau 6 giờ hậu phẫu.
“Trong cuộc đời đã 30 năm cầm dao mổ, ông phẫu thuật rất nhiều loại u này, đây là trường hợp may mắn cho người bệnh khi khối u khá lớn nhưng đã phẫu thuật lấy được toàn bộ nguyên khối u và lấy bỏ được rộng rãi các tổ chức thâm nhiễm xung quanh mà vẫn bảo tồn được nguyên vẹn các cấu trúc thần kinh mạch máu; may mắn khi khối u chưa xâm lấn phá hủy các cấu trúc đó. Nhiều trường hợp chỉ lấy được một phần u để giải phóng chèn ép. Những trường hợp u xâm lấn vào mạch máu có thể phải cắt nối bằng mạch nhân tạo thay thế, chuẩn bị sẵn máy tim phổi nhân tạo trong trường hợp cần thiết”- GS Thành chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống.
http://doanhnghiepvn.vn/phat-hien-khoi-u-khong-lo-gan-1kg-trong-nguc-nam-sinh-vien-d64331.html
Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng: Không chờ dịch đến mới chống
Trong năm 2015 tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, dự đoán trong năm 2016, tình trạng này còn tái diễn với mức độ trầm trọng hơn. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế- Bộ Y tế (ảnh) đã trả lời phỏng vấn của một số cơ quan thông tấn báo chí.
Năm 2015 Việt Nam phải chiến đấu chống lại nhiều dịch bệnh nguy hiểm trong nước và dịch mới nổi của thế giới có nguy cơ xâm nhập, ông nhận định như thế nào về diễn biến tình hình dịch bệnh trong năm 2016?
Theo tôi, tình hình dịch bệnh sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường, đó là sự bùng phát và lan truyền của các bệnh mới nổi mà ngay cả các quốc gia phát triển cũng khó có thể ngăn chặn được một cách triệt để.
Sở dĩ như vậy là do khi dịch bệnh xảy ra, nếu phát hiện sớm và khống chế kịp thời, chúng ta chỉ có thể đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát mạnh, chưa khẳng định được sẽ dập được dịch một cách hoàn toàn.
Vậy trong năm nay, trong phòng chống dịch bệnh, Việt Nam sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức nào?
Thời gian qua, dịch bệnh chưa bùng phát mạnh do chúng ta đang được hưởng thành quả duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt tỷ lệ cao trong nhiều năm. Nhưng nếu thời gian tới nếu tỷ lệ tiêm chủng giảm, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng xuống thấp, thì lúc đó bất kỳ ai trong mỗi chúng ta đều có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa được tiêm chủng hoặc chưa có miễn dịch tự nhiên.
Bên cạnh đó, một số dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người cũng cần cảnh báo do sự tiếp xúc giữa người với động vật ngày càng gần hơn khi mà con người phát triển chăn nuôi, đi vào rừng sâu nhiều hơn…
Ngoài ra, các bệnh có véc tơ như sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch cũng có nguy cơ lan rộng do biến đổi khí hậu, tập quán di cư, thói quen, lối sống của người dân đặc biệt thói quen trong ăn uống không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường...
Trong các yếu tố trên thì việc giao lưu đi lại của người dân đóng vai trò rất quan trọng, dịch bệnh từ quốc gia xa xôi nhất có thể lây lan sang Việt Nam trong vòng 24 giờ, và giữa các khu vực trong nước chỉ là vài giờ do xu thế toàn cầu hóa ngày nay.
Trong năm 2016 vấn đề gì là trọng điểm đối với công tác phòng chống dịch, thưa ông?
Trước hết, phòng chống dịch phải chủ động, kịp thời, kiên quyết để đạt được hiệu quả cao. Chủ động là thể hiện dự phòng một cách tích cực, không chờ dịch xảy ra rồi mới chống.
Đồng thời phải giám sát phát hiện ca bệnh sớm để tổ chức bao vây dập dịch một cách nhanh gọn không để dịch lây lan. Ngoài ra phải giám sát ngay tại cửa khẩu kể cả khi dịch chưa xâm nhập vào nước ta.
Sau cùng tôi muốn nhấn mạnh rằng công tác y tế dự phòng nói chung và công tác phòng chống dịch nói riêng là vô cùng quan trọng, đóng vai trò là phòng tuyến vững chãi bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả với các quốc gia phát triển. Vấn đề là chúng ta nắm bắt được thông tin, giám sát phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kiên quyết, kịp thời, hiệu quả để phòng tránh dịch bệnh lây lan.
Do vậy công tác phòng bệnh phải đặt lên hàng đầu, trong đó, phải xây dựng từ ý thức của mỗi người dân cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể dưới sự tham mưu có hiệu quả của ngành Y tế.
Đặc biệt, việc ưu tiên đầu tư cho công tác phòng bệnh cần được thực hiện ngay từ đầu năm. Chính vì vậy công tác tuyên truyền cần phải được chú trọng hơn nữa để mỗi người đều chủ động phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, bắt đầu từ việc cụ thể mà ý nghĩa như chủ động đi tiêm chủng phòng bệnh.
Xin cảm ơn ông!
http://www.baohaiquan.vn/pages/khong-cho-dich-den-moi-chong.aspx
Mức giá dịch vụ khám bệnh theo quy định mới
Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 824/BYT-KH-TC hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, thực hiện từ ngày 1/3/2016.
Liên Bộ Y tế - Tài chính đã quy định mức giá cụ thể của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nên các đơn vị, địa phương không phải xây dựng cơ cấu giá, không phải ban hành mức giá mà được áp dụng mức giá của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng theo hạng bệnh viện đã quy định tại Thông tư 37 để thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, đối với người bệnh không có thẻ BHYT thì vẫn thực hiện khung giá cũ cho đến khi có thông tư thay thế.
Thẩm quyền quy định mức giá đối với các dịch vụ không thanh toán từ quỹ BHYT, đối với người bệnh không có BHYT tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành.
Trong đó, giá dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường bệnh được tính cụ thể như sau:
Đối với dịch vụ khám bệnh
Mức giá dịch vụ khám bệnh được xác định theo hạng bệnh viện và được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư 37.
Việc xác định và tính chi phí khám bệnh để thanh toán chi phí khám bệnh với người bệnh và cơ quan BHYT trong một số trường hợp cụ thể áp dụng như sau:
Trường hợp trong cùng một ngày, tại cùng một cơ sở y tế, người bệnh có thẻ BHYT sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 trở đi chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh nhưng mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh một ngày không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh.
Ví dụ, ngày 01/3/2016 người bệnh đến khám bệnh tại Bệnh viện A (là bệnh viện hạng 1), sau khi khám tại phòng khám đa khoa, giả sử người bệnh được chỉ định khám thêm chuyên khoa da liễu thì tiền khám bệnh làm cơ sở thanh toán BHYT đối với trường hợp này là: 20.000 đồng (lần 1) + 30% x 20.000 đồng (lần 2) = 26.000 đồng.
Giả sử sau khi khám da liễu, người bệnh lại được chỉ định khám tiếp chuyên khoa Nội tiết thì tiền khám bệnh làm cơ sở thanh toán bảo hiểm y tế đối với trường hợp này là: 20.000 đồng (lần 1) + 30% x 20.000 đồng (lần 2) + 30% x 20.000 đồng (lần 3) = 32.000 đồng.
Sau đó người bệnh lại tiếp tục được chỉ định khám thêm 2 chuyên khoa nữa (tổng cộng cả lần khám đầu tiên là 5 lần khám bệnh trong cùng một lần đến Bệnh viện A) thì tiền khám bệnh lúc này cũng chỉ được thu tối đa là 40.000 đồng.
Trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh sau đó được chuyển vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn thì được thanh toán là một lần khám bệnh.
Xác định mức giá dịch vụ ngày giường bệnh
Mức giá ngày điều trị hồi sức tích cực (ICU) quy định tại Phụ lục II của Thông tư 37 được áp dụng đối với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I hoặc hạng II đã thành lập Khoa Điều trị tích cực, Khoa Chống độc, các khoa này nếu có đầy đủ các điều kiện để hoạt động theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc.
Trường hợp đơn vị chưa thành lập Khoa Điều trị tích cực nhưng Khoa Hồi sức cấp cứu có một số giường được sử dụng để điều trị tích cực, một số giường bệnh sau hậu phẫu của các phẫu thuật nặng như tim mạch, ung thư, nhi, bỏng nếu các giường bệnh này đáp ứng được yêu cầu về trang bị cho giường điều trị tích cực quy định tại Quyết định số 01/2008/QĐ-BYT ngày 21/01/2008 nêu trên.
Chỉ thanh toán chi phí ngày điều trị hồi sức tích cực (ICU) khi người bệnh nằm tại các giường này với các bệnh lý cần được chăm sóc, điều trị và theo dõi theo quy chế hồi sức tích cực/hồi sức cấp cứu.
Các trường hợp còn lại chỉ được áp dụng mức giá ngày điều trị hồi sức cấp cứu quy định tại dịch vụ số 2 Phụ lục số 2 của Thông tư 37.
Mức giá ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu được áp dụng đối với các khoa điều trị lâm sàng có giường hồi sức cấp cứu trong khoa (ví dụ trong Khoa Nhi có giường hồi sức cấp cứu nhi, các khoa sơ sinh/chăm sóc đặc biệt đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng) thì được áp dụng giá ngày giường hồi sức cấp cứu quy định tại dịch vụ số 2 Phụ lục số II của Thông tư 37.
Trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giao thì được thanh toán theo mức giá ngày giường bệnh đã được quy định tại Thông tư 37.
Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp, tạm thời áp dụng mức giá ngày giường bệnh nằm ghép 02 người theo từng loại chuyên khoa đã quy định tại Thông tư 37.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải dần khắc phục tình trạng này, không để người bệnh điều trị nội trú phải nằm điều trị trên băng ca, giường gấp.
Đối với ngày giường bệnh ban ngày, thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về danh mục bệnh và danh mục dịch vụ kỹ thuật điều trị ban ngày, áp dụng mức giá bằng 0,3 giá ngày giường của các khoa tương ứng.
Ví dụ, Bệnh viện A là bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội được xếp hạng I, giá giường bệnh theo thông tư 37 là từ ngày 01/3/2016 là 89.000 đồng, từ ngày 01/7/2016 là 192.300 đồng.
Người bệnh B có thẻ BHYT, điều trị bệnh C thuộc danh mục bệnh điều trị ban ngày. Mức giá ngày giường điều trị ban ngày thực hiện từ 01/3/2016 là 0,3 x 89.000 đồng = 26.700 đồng, từ ngày 01/7/2016 là 0,3 x 192.300 đồng = 57.690 đồng.
http://www.phapluatplus.vn/muc-gia-dich-vu-kham-benh-theo-quy-dinh-moi-d6787.html