Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 01/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Phó Thủ tướng nói về cuộc cọ sát lợi ích rất lớn trong ngành dược; Bộ Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan với dịch sốt xuất huyết; Bệnh SXH vẫn ghi nhận nhiều ca mắc ở miền Nam, Trung; Cứu sống bệnh nhi bị mảnh kính vỡ tại trường học đâm xuyên ngực trái; ...

 

Phó Thủ tướng nói về cuộc cọ sát lợi ích rất lớn trong ngành dược

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/pho-thu-tuong-noi-ve-cuoc-co-sat-loi-ich-lon-trong-nganh-duoc-414095.html

Đấu thầu thuốc tập trung là cuộc cọ sát rất lớn về lợi ích, rất nhiều nơi không hài lòng nhưng thực tế giá thuốc mỗi năm giảm hơn 10%.

Thông tin được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt NQ TƯ 6 sáng nay khi phân tích 2 NQ trong lĩnh vực y tế.

Giá thuốc VN thấp hơn nhiều nước

Phó Thủ tướng cho biết, trong y tế, lĩnh vực dược là vấn đề rất lớn. Thị trường dược VN có quy mô tới 4,2 tỉ USD/năm, chi BHYT gần 40.000 tỉ đồng, chiếm 41% chi BHYT và 49,7% tổng chi y tế.

Theo Phó Thủ tướng, đây là mặt hàng không mặc cả, nên giờ chỉ cần tổ chức lại, tiết kiệm 10% là có 400 triệu đô.

Để ổn định giá thuốc, 5 năm qua, VN đã kiên trì đấu thầu thuốc tập trung.

“Đây là cuộc cọ sát rất lớn về lợi ích. Trước đây cho đấu thầu từng BV, sau đó Bộ Y tế yêu cầu đấu thầu tập trung ở các tỉnh. Rất nhiều nơi không hài lòng, nhưng bằng số liệu cho thấy trung bình mỗi năm giảm hơn 10%, 3 năm qua trị giá tiền mua thuốc đã giảm 35%”, ông Đam nêu.

Ngay năm 2017, mới đấu thầu đợt 1 với 21 loại thuốc dùng nhiều nhất đã giúp giảm hơn 16,4% giá thuốc.

Phó Thủ tướng phân tích thêm, từ khi có cơ chế đấu thầu, tỉ lệ thuốc nội vào các BV tăng mạnh. Năm 2013 chỉ có 15%, thì đến 2016 tăng lên 27,1% và 2017 là gần 29%.

“Trước đây dồn hết vào 1 gói như đấu võ không phân biệt hạng cân nên phần lớn thuốc Ấn Độ, Pakistan trúng thầu. Trong khi thuốc Ấn Độ tiêm 10 ống không khỏi, Pháp 3 ống khỏi”, Phó Thủ tướng nói.

Riêng với mặt hàng biệt dược, Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua đã điều chỉnh, bổ sung quy định, yêu cầu đấu thầu các thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền có từ 2 số đăng ký trở lên. Điều này có thể giúp tiết kiệm 3.000 tỉ đồng/năm.

Sắp tới, sẽ tiếp tục thí điểm đàm phán giá đối với 139 danh mục biệt dược gốc đã có nhiều thuốc generic thay thế.

So với mức trung bình của 6 nước trong khu vực, Phó Thủ tướng nhấn mạnh giá thuốc generic của VN thấp hơn tới 33%. Trong khi tại Indonesia, Philipines cao hơn từ 20 – 70%; Thái Lan cao hơn 4% và Singapore cao hơn 19%.

Ngoại trừ thuốc ung thư của VN (chiếm hơn 10%) đang cao hơn khoảng 3%, do nhiều loại thuốc chưa được BHYT chi trả.

Phó Thủ tướng cho biết, giải pháp lâu dài với thị trường dược là khuyến khích sử dụng sản phẩm trong nước; tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc; quản lý chặt nhập khẩu; củng cố hệ thống phân phối thuốc; ứng dụng CNTT, kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc.

Lo thiếu phụ nữ như TQ

Liên quan đến NQ về công tác dân số trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từng có thời gian dân số VN tăng quá nhanh, nên bằng nhiều biện pháp quyết liệt, 170.000 cộng tác viên thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đã giúp VN đạt mức sinh thay thế 2,1 con vào năm 2006.

Tuy nhiên, thực tế mới chỉ chú ý đến giảm sinh còn các yếu tố phân bổ dân số, đô thị hoá, chất lượng dân số... chưa được quan tâm, trong khi thế giới đã đưa ra khái niệm dân số phát triển từ rất lâu, gắn dân số trong mối phát triển qua lại với phát triển kinh tế xã hội.

Mất cân bằng giới tính khi sinh cũng ngày càng nghiêm trọng. Mức bình thường ở ngưỡng 103-107 bé trai/100 bé gái nhưng tại VN đã lên tới 112 bé trai/100 bé gái.

“Nếu giữ mức này, đến 2050 chúng ta sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ. Tình trạng TQ báo chí nói rất nhiều, mình cũng sẽ thế nếu không có điều chỉnh”, Phó Thủ tướng lo lắng.

Đáng lưu ý, sau 10 năm, một số khu vực đang bắt đầu giảm sinh. Tại ĐBSCL chỉ còn 1,5-1,6 con, riêng TP.HCM còn 1,45 con, thấp nhất cả nước.

“Trên thế giới, chưa có nước thành công trong việc đưa tỉ lệ sinh xuống quá ngưỡng tăng trở lại. Bài học từ Châu Âu, nhiều nước cho tiền, bao cấp rất nhiều nhưng cũng không vực lên được”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.

VN đạt đỉnh cao dân số vàng giai đoạn 2000-2007 nhưng đến 2011 đã bước vào già hoá dân số và hiện thuộc 5 nước có tốc độ già hoá dân số cao nhất thế giới. Với tốc độ này, đến 2045 VN sẽ trở thành nước có dân số già điển hình thế giới (trên 20% người 60 tuổi trở lên).

“Các nước trên thế giới chuyển sang dân số già mất 70-100 năm nhưng VN chỉ mất 18 năm”, Phó Thủ tướng nói.

Do đó, NQ về công tác dân số trong tình hình mới sẽ chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng và đặt trong mối quan hệ mật thiết với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Tập trung duy trì mức sinh thay thế 2,1 con, khuyến khích đẻ thêm tại những nơi có mức sinh thấp, vận động sinh ít tại những đẻ nhiều, đảm bảo quy mô dân số 104 triệu vào 2030.

 

Bộ Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/bo-y-te-khuyen-cao-nguoi-dan-khong-chu-quan-voi-dich-sot-xuat-huyet-20171130104740875.htm

Miền Bắc đang bước vào mùa đông nên dịch sốt xuất huyết có xu hướng giảm. Tuy nhiên, thời điểm này đang là cao điểm về sốt xuất huyết ở khu vực miền Nam và miền Trung.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, trong tháng 11/2017, cả nước ghi nhận 15.207 trường hợp mắc mới bệnh sốt xuất huyết; đặc biệt không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận tổng số hơn 163.600 trường hợp mắc bệnh (trong đó có 138.327 trường hợp nhập viện), 30 trường hợp tử vong.

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, khu vực miền Bắc đang bước vào mùa lạnh nên thời gian tới dịch có xu hướng giảm. Tuy vậy, thời điểm này đang là đợt cao điểm về sốt xuất huyết ở khu vực miền Nam, miền Trung. Chính vì vậy, cộng đồng không chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống dịch, cần tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống bệnh đã thực hiện trong thời gian qua để ngăn ngừa nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

 Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng, bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.

Các gia đình nên loại bỏ vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên không để muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà...

 

Các biện pháp thuận tiện cho việc chẩn đoán nhiễm HIV

http://www.nguoiduatin.vn/cac-bien-phap-thuan-tien-cho-viec-chan-doan-nhiem-hiv-a349288.html

Để thuận tiện cho việc chẩn đoán nhiễm HIV, chúng ta đang tăng cường xây dựng các phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện cho các tỉnh trọng điểm.

BS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS (bộ Y tế) cho hay: Tính đến cuối tháng 9/2017, cả nước có 208.371 người nhiễm HIV hiện còn sống. Số liệu này so với ước tính người nhiễm HIV trong cộng đồng chiếm 75%. Như vậy, để đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Hiện nay, toàn quốc có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, có 128 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh, thành phố và 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV ở 100% số huyện trên toàn quốc.

“Để thuận tiện cho việc chẩn đoán nhiễm HIV, chúng ta đang tăng cường xây dựng các phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện cho các tỉnh trọng điểm bao gồm: TP.Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai”, BS. Hoàng Đình Cảnh trao đổi.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng tư vấn, xét nghiệm HIV ở cộng đồng tại 15 tỉnh, thành phố. Chúng ta triển khai thí điểm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt thông qua các tổ chức cộng đồng.

Việc triển khai thí điểm xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã tạo điều kiện mở rộng và đa dạng hóa mô hình xét nghiệm HIV, người có nguy cơ lây nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV. Hoạt động này cũng huy động các tổ chức cộng đồng tham gia vào quá trình giám sát phát hiện thêm người nhiễm HIV, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV sớm.

Cũng theo ông Cảnh, số liệu thống kê của tổ chức Y tế thế giới cho thấy, đến cuối năm 2016, toàn cầu hiện có 36,7 triệu người sống chung với HIV, trong đó 19,5 triệu người được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV), tương đương với 53,13% số người được điều trị ARV.

Tại Việt Nam đến hết tháng 8/2017, đã có 121.399 người đang điều trị ARV trên tổng số khoảng 209.000 người sống chung với HIV (chiếm 58,1%). Như vậy, Việt Nam có tỉ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV cao hơn tỉ lệ chung toàn thế giới.

Song song với việc tăng nhanh độ bao phủ số người nhiễm HIV được điều trị, Việt Nam nằm trong tốp đầu các quốc gia áp dụng các khuyến cáo mới của tổ chức Y tế thế giới.

Tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ART: Việt Nam đã áp dụng điều trị ngay ART không phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng và số lượng tế bào TCD4. Nhóm này gồm 34 quốc gia, trong đó có: Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Đức...

Áp dụng phác đồ B+ cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV: Tức là điều trị bằng ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV ngay sau khi phát hiện nhiễm, không phụ thuộc vào tuổi thai, số tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng. Thế giới có 87 quốc gia áp dụng phác đồ này.

Điều trị ART ngay cho cặp bạn tình dị nhiễm: 76 quốc gia đang triển khai hoạt động này.

Thực hiện đo tải lượng virus thường quy: Hiện có 46 quốc gia đang áp dụng.

Như vậy, mặc dù Việt Nam là nước có mức thu nhập trung bình thấp nhưng Chính phủ đã rất quan tâm đến việc chăm sóc, điều trị HIV ở điều kiện tốt nhất theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới.

 

Bệnh nhân đầu tiên tử vong do mắc sốt rét ở Bình Phước

https://news.zing.vn/benh-nhan-dau-tien-tu-vong-do-mac-sot-ret-o-binh-phuoc-post800298.html

 Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do mắc sốt rét kể từ đầu năm 2017.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận 978 ca mắc sốt rét và một ca tử vong. Dịch sốt rét tập trung ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Trong đó, huyện Bù Gia Mập là địa phương có số ca mắc cao nhất với 500 ca, nhiều nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa như Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Đắk Nhau.

Hiện, ngành y tế Bình Phước triển khai phun thuốc diệt muỗi tại các điểm có nguy cơ bùng phát sốt rét và phác đồ điều trị cho các đối tượng nguy cơ mắc bệnh tại hai xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập.

Thời tiết mưa nhiều, kéo dài nên dịch sốt rét đang bùng phát nhanh tại tỉnh Bình Phước và có nguy cơ lan rộng thành dịch. Chính vì thế, tỉnh Bình Phước đề nghị Bộ Y tế thành lập đoàn công tác giám sát diễn biến sốt rét để tránh dịch bệnh lan rộng.

Trước đó, hai bệnh viện Nhi đồng 2 và Nhi đồng 1 đã tiếp nhận bốn trẻ mắc sốt rét đến từ Bình Phước, Đắk Nông, trong tình trạng sốt kéo dài, tiêu chảy, thiếu máu, da xanh xao, lạnh run. Qua xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện các bé mắc sốt rét trong khi trước đó tại địa phương bác sĩ chẩn đoán bé sốt siêu vi.

Bác sĩ Lê Hải Lợi, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết giai đoạn đầu sốt rét dễ nhầm với cảm sốt thông thường và chỉ có phết máu ngoại biên, soi dưới kính hiển vi mới tìm được ký sinh trùng. Bệnh kéo dài có thể dẫn đến tử vong do thiếu máu nặng bởi ký sinh trùng sốt rét gây tán huyết.

Bác sĩ khuyến cáo người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành khi có biểu hiện sốt kéo dài cần nghĩ đến bệnh lý này và đi khám kết hợp xét nghiệm máu để được điều trị kịp thời.

 

Điện Biên thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an ninh bệnh viện

https://baotintuc.vn/an-ninh-trat-tu/dien-bien-thuc-hien-nhieu-giai-phap-dam-bao-an-ninh-benh-vien-20171130131826057.htm

Thời gian qua, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã xảy ra các vụ đe dọa nhân viên y tế, gây rối tại bệnh viện, kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản của nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, gây mất an toàn, an ninh bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã chủ động ký Quy chế phối hợp với Phòng PC45 Công an tỉnh Điện Biên về việc đảm bảo an ninh trật tự tại Bệnh viện; thống nhất thiết lập đường dây nóng để kịp thời thông báo, xử lý các tình huống đột xuất, đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện.

Giám đốc Phạm Văn Mẫn cho biết, ngày 16/10 vừa qua, tại bệnh viện đã xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, cán bộ mất máy tính, điện thoại, bệnh nhân và người nhà mất tiền, điện thoại di động..., do kẻ gian giả làm sinh viên Trường cao đẳng Y tế Điện Biên đột nhập. Đặc biệt là trường hợp người nhà bệnh nhân đe dọa nhân viên trực tại khoa Sản và khoa Gây mê phẫu thuật... Bệnh viện đa khoa tỉnh đã mời lãnh đạo Công an thành phố Điện Biên Phủ (trực tiếp là đồng chí Phó Giám đốc Công an thành phố và tập thể lãnh đạo công an phường Noong Bua) đến làm việc để giúp Bệnh viện xây dựng các phương án phối hợp bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế và an ninh trật tự tại bệnh viện.

Ngay sau buổi làm việc, bệnh viện đã phối hợp cùng với UBND và Công an phường Noong Bua, Công an thành phố Điện Biên Phủ và lực lượng Cảnh sát 113 ký kết biên bản phối hợp, thiết lập đường dây liên lạc, sẵn sàng bố trí lực lượng hỗ trợ kịp thời khi có các tình huống gây rối xảy ra, đồng thời giải quyết triệt để các hoạt động kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự khu vực xung quanh Bệnh viện.

Công an thành phố đã tổ chức lớp tập huấn cho đội ngũ nhân viên bảo vệ của bệnh viện, tư vấn cho Bệnh viện các vị trí lắp đặt camera bảo vệ phù hợp... Bên cạnh đó, bệnh viện cũng xây dựng kế hoạch đề ra các phương án, giải pháp để đảm bảo an ninh trật tự cho người bệnh, người nhà người bệnh và cho cán bộ y tế. Bệnh viện thường xuyên tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật cho cán bộ, viên chức của đơn vị, cho bệnh nhân và người nhà.

Bệnh viện phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, những kiến thức, kỹ năng phát hiện và xử lý tình huống gây rối trật tự, đề cao cảnh giác đề phòng trộm cắp tài sản, các đối tượng cò mồi, môi giới khám chữa bệnh và đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cổng ra, vào bệnh viện. Bệnh viện trang bị cổng ra vào có khóa ở các vị trí có nguy cơ mất an ninh, bố trí đội ngũ bảo vệ trực 24/24 giờ, 7 ngày trong tuần, thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào bệnh viện, đặc biệt là khu vực điều trị nội trú; lắp đặt hệ thống camera giám sát ở các vị trí trọng yếu; có hòm thư tố giác tội phạm để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất an ninh trật tự trong đơn vị.

“Nhờ có các giải pháp đồng bộ, trong thời gian vừa qua tại bệnh viện có một số tình huống người nhà bệnh nhân do uống rượu say, bị tai nạn giao thông vào gây rối tại bệnh viện nhưng lực lượng bảo vệ đã phối hợp với Công an phường kịp thời xử lý. Lực lượng bảo vệ phát hiện, tố giác và phối hợp với lực lượng công an xử lý một số đối tượng trộm cắp tài sản của người bệnh”, Giám đốc Phạm Văn Mẫn cho biết.

Đánh giá về công tác đảm bảo an ninh bệnh viện và an toàn cho người bệnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) trong đợt khảo sát mới đây tại bệnh viện cho rằng, để đảm bảo an ninh bệnh viện và an toàn cho người bệnh, đội ngũ bảo vệ cần phát huy vai trò của mình, không được khoanh tay đứng nhìn khi xảy ra các vụ tấn công bác sỹ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Lực lượng bảo vệ phải được tăng cường tại các khoa Khám bệnh, Cấp cứu, Hồi sức tích cực…

Bênh cạnh đó, giải pháp quan trọng hàng đầu trong đảm bảo an ninh bệnh viện và an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế là bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát huy hiệu quả công tác chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, tăng cường hiệu quả công tác điều trị, đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế, xây dựng bệnh viện xanh- sạch – đẹp và cải tiến chất lượng hàng ngày.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên Phạm Văn Mẫn, mỗi năm trung bình bệnh viện tổ chức khám, chữa bệnh, kê đơn điều trị từ 100 đến 120 nghìn lượt người bệnh, số người bệnh điều trị nội trú từ 28 đến 30 nghìn lượt. Trong 9 tháng năm 2017, tổng số lần khám bệnh là 77.682 lượt người, trong đó khám chữa bệnh ngoại trú 1.594 lượt người, khám chữa bệnh nội trú 23.492 lượt người.

 

Khám bệnh “liên hoàn” ở BVĐK tỉnh Điện Biên

http://suckhoedoisong.vn/kham-benh-lien-hoan-o-bvdk-tinh-dien-bien-n138999.html

Trước đây, tại Khoa Khám bệnh của BVĐK tỉnh Điện Biên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc nhưng từ khi thực hiện Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện, tình trạng này đã không còn.

Với việc cải tiến Khoa Khám bệnh, bệnh nhân được khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, lấy máu, siêu âm và  trả kết quả tại buồng khám…

Rút ngắn thời gian khám bệnh

Có mặt tại Khoa Khám bệnh của BVĐK tỉnh Điện Biên từ 7h00 đến 9h30, anh Đinh Văn Tần (51 tuổi, ở phường Nậm Bua, TP. Điện Biên) đã thực hiện xong hết các quy trình khám bệnh. Anh Tần cho biết, so với trước đây, thời gian khám bệnh và chờ đợi đã được rút ngắn đi rất nhiều.

Hơn nữa, theo anh Tần, BV thực hiện khu khám bệnh liên hoàn trong cùng một tòa nhà đã giúp việc khám bệnh thuận lợi hơn rất nhiều từ việc lấy số khám bệnh đến các thủ tục thanh toán đều thực hiện trong một tòa nhà có người hướng dẫn và biển chỉ dẫn rõ ràng. “Sau khi lấy số khám, được nhân viên hướng dẫn vào phòng khám bệnh. Nếu có chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng như lấy máu, lấy nước tiểu, siêu âm sẽ được nhân viên mang đến tận các phòng đó, mình chỉ việc ngồi chờ gọi tên ở các cửa phòng. Sau khi làm xong các xét nghiệm sẽ được hẹn giờ trả tất cả các xét nghiệm tại phòng khám và được bác sĩ tư vấn kê đơn. Mọi thủ tục làm rất nhanh gọn, vì thế tôi rất hài lòng!”, anh Tần tâm sự.

Không chỉ anh Tần, nhiều bệnh nhân đến khám tại BVĐK tỉnh Điện Biên cũng cho biết, việc lấy bệnh phẩm tại khu khám bệnh, trả kết quả xét nghiệm tại các buồng khám bệnh cũng đã góp phần giúp người bệnh giảm phiền hà, được phục vụ nhanh chóng, thuận lợi, qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh.

Vì sự hài lòng của người bệnh

BSCKII Phạm Văn Mẫn - Giám đốc BVĐK tỉnh Điện Biên cho biết, thực hiện Quyết định số 1313/QĐ- BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của Bệnh viện, Bệnh viện luôn hướng đến mục tiêu cải tiến vì sự hài lòng của người bệnh. Bệnh viện đã sửa chữa, nâng cấp mở rộng khu khám bệnh với tổng diện tích khu vực khám bệnh và khu vực chờ của người bệnh được mở rộng thêm hơn 300m2 gồm 10 buồng khám và buồng thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng.

Người bệnh đến khám, thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh và nhập viện điều trị đã được chỉ dẫn, hướng dẫn rõ ràng có không gian, buồng bệnh thông thoáng có đủ ghế ngồi chờ và được bố trí màn hình trình chiếu các kênh thông tin phục vụ người bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã thành lập các tổ hỗ trợ người bệnh, đã thực hiện chủ động đón người bệnh, hướng dẫn, hỗ trợ cho người bệnh trong quá trình làm thủ tục ra vào viện và thực hiện các dịch vụ khám chữa bệnh. Hay việc lắp đặt sơ đồ, biển chỉ dẫn vạch màu chỉ dẫn người bệnh các hướng đi đến các khoa, phòng nơi thực hiện các thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh, cấp phát thuốc và các thủ tục hành chính khác cũng được cải tiến theo hướng tinh gọn... Do đó, không còn hiện tượng ùn tắc người bệnh đến khám chữa bệnh tại khu khám bệnh.

Cùng với đó, bệnh viện bố trí, sắp xếp lại các buồng khám bệnh, bố trí các bác sĩ trưởng phó khoa hoặc bác sĩ có trình độ tương đương trực tiếp ra khám bệnh. Đây là điểm mới của BV so với trước đây nhằm đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh nâng lên. Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý các hoạt động bệnh viện cũng đã được BV thực hiện rất tích cực, việc triển khai phân hệ phần mềm lấy số khám bệnh, phân buồng khám tự động, niêm yết quy trình khám chữa bệnh, quy định thời gian nhận và trả kết quả xét nghiệm… được thực hiện linh hoạt và hiệu quả.

Bên cạnh việc cải tiến quy trình khám chữa bệnh, một trong những yếu tố mà bệnh viện cũng rất quan tâm đó là việc “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, hàng năm, bệnh viện đều tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ nhân viên về kỹ năng ứng xử, giao tiếp, quản lý nhằm thay đổi phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế với người bệnh…

Người bệnh hài lòng nên việc phản ánh những thắc mắc của người bệnh, gia đình người bệnh đã giảm nhiều so với trước đây.

 

Bệnh SXH vẫn ghi nhận nhiều ca mắc ở miền Nam, Trung

http://baochinhphu.vn/suc-khoe/benh-sxh-van-ghi-nhan-nhieu-ca-mac-o-mien-nam-trung/323457.vgp

Trong tháng 11, cả nước ghi nhận 15.207 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp tử vong. Các chuyên gia y tế cảnh báo, khu vực miền Nam, miền Trung vẫn là nơi cao điểm về sốt xuất huyết.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận tổng số hơn 163.600 trường hợp mắc bệnh (trong đó có hơn 138.300 trường hợp nhập viện), 30 trường hợp tử vong. Riêng trong 11 này, toàn quốc ghi nhận 15.207 trường hợp mắc mới bệnh. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 34%, số trường hợp tử vong tăng 5 trường hợp.

Hiện nay, thời tiết miền Bắc đang bước vào mùa lạnh nên dịch bệnh có thể có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ở khu vực miền Nam, miền Trung vẫn đang trong thời điểm mà những năm trước vẫn là tháng cao điểm về sốt xuất huyết.

Chính vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là phòng chống dịch. Người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường tại nơi ở, nơi làm việc..., nâng cao ý thức thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải…

Riêng tại Hà Nội, trong tuần từ 20-26/11, toàn thành phố đã ghi nhận 353 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 95 trường hợp so với tuần trước đó, trong đó 4 quận, huyện không ghi nhận bệnh nhân mắc mới, 20/30 quận, huyện có số ca mắc sốt xuất huyết giảm.

Hiện, toàn thành phố còn 97 ổ bệnh sốt xuất huyết đang hoạt động và vẫn còn 395 bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị tại các bệnh viện.

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 37.146 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số bệnh nhân đã khỏi là 36.751 (chiếm 99%).

Để khống chế bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh tại những khu vực phát sinh ca bệnh và ổ bệnh mới theo quy định để hạn chế số ca mắc mới.

 

Trên 2.700 bệnh nhân can thiệp mạch vành tại BVĐK Trung ương Cần Thơ

http://nld.com.vn/suc-khoe/tren-2700-benh-nhan-can-thiep-mach-vanh-tai-bvdk-trung-uong-can-tho-2017113014402297.ht

Hầu hết bệnh nhân tim mạch được tài trợ kinh phí điều trị từ Hội Hỗ trợ người nghèo Tây Nam Bộ, các mạnh thường quân và Chi hội Hỗ trợ người nghèo của BVĐK Trung ương Cần Thơ.

Ngày 30-11, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ tổ chức hội nghị khoa học công nghệ mở rộng năm 2017 với sự tham dự của hơn 450 đại diện đến từ các bệnh viện, trường đại học, cao đẳng trong khu vực ĐBSCL và gần 60 đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến của bác sĩ, điều dưỡng thuộc tất cả các chuyên khoa, đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ BVĐK Trung ương Cần Thơ nghiệm thu từ năm 2015-2017; cùng một số đề tài cấp thành phố, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, tại hội nghị, nhiều bài báo cáo được chia sẻ từ các giáo sư, tiến sĩ đến từ Bộ Y tế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim TP HCM...

Bs. CKII. Nguyễn Minh Nghiêm – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, người phát ngôn của BVĐK Trung ương Cần Thơ – cho biết vì là BV hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế nên BVĐK Trung ương Cần Thơ có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực ĐBSCL, thậm chí có bệnh nhân đến từ Campuchia. Hàng năm, BV luôn chú trọng triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao hiện đại để áp dụng khám chữa bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, BV cũng xác định nghiên cứu khoa học là một trong 7 chức năng nhiệm vụ của BV theo quyết định của Bộ Y tế về quy chế hoạt động của BV.

Theo đó, trong 3 năm, từ 2015-2017, BV đã thông qua 107 đề cương, trong đó đã nghiệm thu 76 đề tài. Có 47 sáng kiến cải tiến và 43 kỹ thuật mới được áp dụng tại BV. Các nghiên cứu khoa học bao gồm nhiều lĩnh vực, như: Nội tim mạch, can thiệp mạch vành, phẫu thuật tim, nội tiêu hóa, hô hấp, hồi sức, gây mê… Đặc biệt, trong hội nghị khoa học công nghệ lần này, BV đã báo cáo tổng kết kỹ thuật can thiệp mạch vành trong 3 năm cho trên 2.700 bệnh nhân trong số bệnh nhân được can thiệp nong mạch vành và đặt stent. Bên cạnh đó, kỹ thuật mổ tim hở cũng đã mổ cho trên 100 ca, với kết quả điều trị rất tốt và hầu hết bệnh nhân được tài trợ kinh phí điều trị từ Hội Hỗ trợ người nghèo Tây Nam Bộ, các mạnh thường quân và Chi hội Hỗ trợ người nghèo của BVĐK Trung ương Cần Thơ.

 

An toàn người bệnh: Ngăn ngừa té ngã trong bệnh viện

https://thanhnien.vn/doi-song/an-toan-nguoi-benh-ngan-ngua-te-nga-trong-benh-vien-905172.html

Thạc sĩ Nguyễn Thành Luận (công tác tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM) đã chia sẻ về vấn đề này tại hội nghị về An toàn người bệnh được Bộ Y tế tổ chức hồi đầu tháng 11 vừa qua.

Tại Việt Nam, hiện chưa có con số thống kê chính thức, nhưng số người bị té ngã ước khoảng 2.000.000 người trên 65 tuổi. Ghi nhận tại BV Đại học Y Dược TP.HCM, một số yếu tố có thể gây té ngã, trong đó có yếu tố về cơ sỏ vật chất như: Giường bệnh cao, song chắn giường thấp, nhà vệ sinh trơn trượt, hành lang ẩm ướt; Về phía bác sĩ, điều dưỡng: cách thức hướng dẫn của điều dưỡng tới người bệnh, người nhà bệnh nhân chưa hiệu quả; điều dưỡng đánh giá nguy cơ té ngã chưa đúng; ngay cả bác sĩ cũng chưa thông báo đầy đủ về nguy cơ té ngã do bệnh lý, do thuốc; phối hợp giữa bác sĩ, điều dưỡng trong phòng ngừa té ngã cho người bệnh. Về phía bệnh nhân và người nhà nhận thức té ngã còn hạn chế, còn tình trạng đi vệ sinh một mình…

Té ngã do thuốc

Một trong ngững nguyên nhân có thể khiến bệnh nhân té ngã liên là vấn đề sức khỏe người bệnh, trong đó một số bệnh kinh niên là những nguyên nhân gây chóng mặt, mất thăng bằng dẫn đến té ngã: tai biến, Parkinson, kinh phong, phong thấp, tim mạch, thần kinh. Cần lưu ý thêm giảm thị lực cũng là nguyên nhân cần lưu tâm. Thị lực có vai trò quan trọng trong sự thăng bằng, nếu không nhìn rõ đường đi và đồ vật xung quanh hoặc do môi trường quá tối đều có thể dẫn đến té ngã.

Ngoài ra, tác dụng của một số thuốc khi bệnh nhân sử dụng (một số thuốc mang đến cảm giác lâng lâng, ngây ngất hoặc đôi khi bứt rứt, khó chịu) khiến người bệnh có thể đi đứng không vững. Ví dụ: thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc tim mạch, huyết áp, thần kinh hoặc do phối hợp nhiều loại.

Cũng cần lưu ý thế, tình trạng giảm sức lực và chức năng vận động thường gặp ở người cao tuổi hoặc người có khuyết tật về vận động (ví dụ như: rối loạn cảm giác ngoài da, cứng khớp xương, teo yếu cơ bắp) cũng dễ gây té ngã. Cùng với đó, yếu tố tâm lý của người bệnh như: buồn phiền, mất định hướng, không tập trung, chậm phản ứng hoặc hấp tấp vội vàng; hoặc tâm lý e ngại khi được đề nghị hỗ trợ các vấn đề vệ sinh cá nhân (từ người thân và điều dưỡng)… cũng là có thể dẫn đến té ngã. Một số yếu tố khác như: tình trạng dinh dưỡng (suy dinh dưỡng hay thừa cân béo phì đều có nguy cơ té ngã như nhau; dinh dưỡng tiết chế không hợp lý dễ đưa tới tình trạng suy nhược chung của cơ thể) hoặc kiến thức - hành vi của người bệnh về phòng ngừa té ngã còn hạn chế… cần được khắc phục để tránh té ngã.

Giường bệnh chưa an toàn

Tại các cơ sở điều trị, nếu điều kiện chăm sóc không tốt như: điều dưỡng quá tải, không đủ thời gian quan tâm, sàn nhà (sàn toilet) được thiết kế “chuẩn khách sạn” trơn trượt; thảm chống trơn trượt không đảm bảo vệ sinh; quần áo người bệnh quá rộng không vừa vặn; xe đẩy, giường bệnh còn khe hở để người bệnh lọt ra ngoài; trong bệnh phòng thiếu dép chống trơn trượt; khu vực vệ sinh bị thiếu dụng cụ hỗ trợ như tay vịn là nguy cơ gây té ngã.

Phòng té ngã, tự tử cho người bệnh

Qua những yếu tố nêu trên, để phòng té ngã cho bệnh nhân, các BV cần đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, giường bệnh, cáng, xe đẩy thiết kế chiều cao phù hợp, có thanh chắn an toàn; sàn khu vệ sinh cần chống trơn trượt, có các thanh vịn hỗ trợ; đặt biển cảnh báo tại các vị trí có thể gây trơn trượt, té ngã; nên thực hiện “chấm điểm” nhận biết nguy cơ té ngã” với các bệnh nhân, tùy mức độ, nhân viên y tế sẽ có các biện pháp ngăn ngừa té ngã hiệu quả cho bệnh nhân; đồng thời bác sĩ, điều dưỡng chú trọng nâng cao ý thức phòng ngừa té ngã cho bệnh nhân và người nhà.

Ngoài ra, cần nhận biết các yếu tố nguy cơ tự tử ở người bệnh để chủ động hỗ trợ và ngăn ngừa. Tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM đã có Phòng khám tâm ký và Khoa Thần kinh để khám, phát hiện hỗ trợ cho bệnh nhân.

Liên Châu (ghi)

 

Bệnh nhân ung thư đang tăng ở “cấp số nhân”

http://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-nhan-ung-thu-dang-tang-o-cap-so-nhan-20171201064332351.htm

Trung bình mỗi năm, số bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện Ung Bướu, TPHCM tăng khoảng 10%. Mặc dù ngành y tế đã có nhiều tiến bộ giúp phát hiện, điều trị sớm, nhưng ung thư hiện đang trở thành gánh nặng của cả xã hội.

Thông tin về số bệnh nhân tăng ở mức “giật mình” trên được TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM cho biết trong Hội thảo phòng chống ung thư (từ 29/11 đến 2/12/2017 tại TPHCM).

Tổng quan về các loại bệnh ung thư tại Việt Nam từ năm 2000 đến nay cho thấy, số ca bệnh đang tăng “chóng mặt”. Nếu năm 2000 cả nước chỉ có khoảng 68.000 người mắc ung thư được ghi nhận thì đến năm 2010 số ca bệnh ung thư đã lên tới 126.000 người. Dự báo tới năm 2020 số người mắc ung thư tại Việt Nam sẽ lên tới 200.000 người.

Ngoài các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền trong cơ thể mỗi người thì sự gia tăng của căn bệnh ung thư là tổng hòa của các yếu tố do điều kiện ngoại cảnh tác động liên quan đến môi trường ô nhiễm, thực phẩm nhiễm nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng... hoặc chính con người tự mang họa đến cho mình bởi lối sống thiếu khoa học với các thói quen, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không an toàn, hợp lý, quan hệ tình dục không an toàn...

Kết quả thống kê trên 120.000 người mắc ung thư tại TPHCM cho thấy, độ tuổi trung bình của người bệnh mắc ung thư là 55, trẻ hơn nhiều so với các nước phát triển (khoảng 60 tuổi). Các ung thư hàng đầu thường gặp ở nam giới là phổi, gan, đại trực tràng, miệng - hầu, dạ dày; ở nữ là ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng.

Mức độ ung thư tại TPHCM trong khoảng 5 năm trở lại đây tăng từ 8,8% đến 9,9% so với 5% của những năm trước đó. Với số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị gia tăng 10% mỗi năm dù Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM đã thực hiện các giải pháp xây dựng khoa bệnh vệ tinh, phối hợp công tư nhưng cơ sở chính tại quận Bình Thạnh vẫn rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Gần 2 thập niên đầu của thế kỷ XXI, lĩnh vực y học đã có nhiều tiến bộ trong việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư nhưng số ca bệnh được phát hiện điều trị sớm chưa theo kịp sự gia tăng của căn bệnh này (vẫn còn 40% bệnh nhân nhập viện khi đã ở giai đoạn muộn).

Ung thư hiện đang là “bóng ma” ám ảnh cả cộng đồng, với những khoản chi phí điều trị rất tốn kém do thuốc đặc trị đắt tiền, nhiều loại thuốc nằm ngoài danh mục bảo hiểm nên phần lớn người mắc bệnh ung thư bất kể già trẻ gia đình đều rơi vào cảnh khánh kiệt.

Ăn cho lành, uống cho sạch

Khẳng định 40% ca bệnh ung thư có thể phòng ngừa, GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khuyến cáo cộng đồng cần chủ động bảo vệ bản thân bằng chế độ “ăn cho lành, uống cho sạch”.

Cụ thể, trong ăn uống cần ưu tiên cho dinh dưỡng thực vật gồm các loại rau, trái tươi, hột, củ, đậu nguyên trạng. Thực vật nên chiếm phân nửa hoặc hai phần ba bữa ăn bởi thực phẩm này chứa ít chất béo nhiều chất xơ và nhiều chất kháng ung thư. Phần còn lại dành cho cá, thịt, trứng và thức ăn từ sữa. Rau trái có màu đậm, sáng, tỏi, gừng, bột cà ri là các gia vị tốt là các thức ăn kháng oxi hóa phòng tránh ung thư tốt.

Uống nước cho đủ, bởi nước kích hoạt miễn dịch, đưa chất dinh dưỡng khắp cơ thể, rửa sạch chất độc, tránh các loại giải khát có đường. Thịt rất cần cho cơ thể nhưng dùng nhiều thịt không phải ăn lành bởi thịt chứa nhiều chất béo gây ung, chế biến sai như quá nóng, quá cháy khét còn mang thêm các chất sinh ung.

Nên dùng cá, thịt gà nhiều hơn các loại thịt đỏ như bò, heo, cừu. Chọn chất béo lành, tránh mỡ trong thịt đỏ; dùng dầu thực vật, bớt ăn các thức ăn như hun khói, muối mặn, làm dưa. Không thuốc lá, hạn chế rượu bia, ít sử dụng thức ăn chứa nhiều chất béo; chú ý ngủ sớm, ngủ đủ giấc, tăng cường vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc ung thư cho cơ thể.

 

Một người bệnh được BHYT chi trả 4,5 tỉ đồng

http://dantri.com.vn/suc-khoe/mot-nguoi-benh-duoc-bhyt-chi-tra-45-ti-dong-2017113006090235.htm

Từ đầu năm đến nay đã có hơn 41.300 người được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả phí khám chữa bệnh từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng và 27 người được trả từ 1-4,5 tỉ đồng, trong đó có 1 bệnh nhân được chi trả 4,5 tỉ đồng.

Chiều 29/11, tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành chia sẻ thông tin với báo chí về công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết người được nhận mức chi trả BHYT đến 4,5 tỉ đồng từ đầu năm đến 29/11 là một bệnh nhân nam. Người này sinh năm 1984 ở tỉnh Vĩnh Long, mắc bệnh Hemophilia (máu khó đông).

Bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả số tiền cao như vậy bởi người này phải truyền máu liên tục và điều trị bằng các thuốc cầm máu hỗ trợ. 2 bệnh nhân khác sinh năm 2003 ở Thái Bình và 1983 ở Đồng Tháp, cũng được BHYT chi trả số tiền lớn là 2,2 tỉ đồng cũng mắc bệnh về máu.

Theo ông Sơn, trong 11 tháng đầu năm 2017, hệ thống giám định BHYT ghi nhận có trên 41.300 người được quỹ BHYT trả chi phí khám chữa bệnh từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng và 27 người được trả 1-4,5 tỉ đồng.

"Bệnh nhân và bảo hiểm chẳng ai mong được chi tới tiền tỉ khi khám chữa bệnh nhưng bản chất BHYT là chia sẻ rủi ro, giảm gánh nặng chi trả từ tiền của người bệnh nên BHXH không ngại chuyện chi trả số tiền này. Nhưng rõ ràng đây là bẫy nghèo y tế mà nếu người bệnh không có BHYT chắc chắc sẽ không chịu nổi" - ông Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hệ thống giám định bảo hiểm ghi nhận hơn 5.400 người khám từ 50 lần trở lên. Đáng chú ý, bệnh nhân M.B.N. ở TP HCM đã đi khám 256 lượt ở nhiều cơ sở y tế với số tiền được quỹ BHYT chi trả 143 triệu đồng và bệnh nhân D.V.C, khám tới 201 lượt và được thanh toán 57 triệu đồng.

"Không phải tất cả những người có số lần khám bệnh cao đều "có vấn đề" nhưng đây là những con số đáng suy nghĩ. Với 2 trường hợp này, BHXH TP HCM đã đến làm việc. Thậm chí, có những bệnh viện sẵn sàng với việc quỹ BHYT từ chối thanh toán những trường hợp này nhưng vẫn phải khám bệnh, cấp thuốc cho bệnh nhân, bởi nếu không bệnh nhân có thể gây mất trật tự hoặc dùng những lời lẽ thiếu tế nhị với nhân viên y tế" - ông Sơn cho hay.

 

Phẫu thuật tim thành công, cứu sống bệnh nhân người nước ngoài

http://vov.vn/xa-hoi/phau-thuat-tim-thanh-cong-cuu-song-benh-nhan-nguoi-nuoc-ngoai-701985.vov

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật tim thành công cho bệnh nhân người Campuchia do bị hẹp van hai lá.

Đây là lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật tim chương trình cho bệnh nhân nước ngoài. Theo đó bệnh nhân chủ động đến bệnh viện khám, tầm soát, phát hiện bệnh và tiến hành mổ chủ động.

Trao đổi với VOV, Thạc sĩ, bác sĩ Lâm Việt Triều – Trưởng Khoa Phẫu thuật tim, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh nhân là ông Vang Veasna (36 tuổi, là kỹ sư người Campuchia sống ở tỉnh Kampot. Sau khi làm các thủ tục nhập cảnh, ông được người nhà đưa vào nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở và đau nặng ngực trái.

Trước khi nhập viện 1 tuần, bệnh nhân cảm thấy mệt và khó thở khi làm việc nhẹ, ho khạc đàm và ho nhiều về đêm không thuyên giảm nên được người nhà đưa sang bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nhập viện và điều trị.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hẹp van hai lá khít hậu thấp. Sau vài ngày điều trị nội khoa tích cực, tình trạng bệnh nhân ổn định, ê kíp phẫu thuật tim tiến hành mổ thay van 2 lá cơ học và điều trị rung nhĩ bằng sóng cao tần cho bệnh nhân.

Sau 3 ngày phẫu thuật, đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục, tay chân có thể cử động được. Dự kiến, trong vài ngày tới bệnh nhân sẽ được xuất viện trở về Campuchia.

Bác sĩ Lâm Việt Triều nhận định, nếu bệnh nhân không được điều trị và phẫu thuật kịp thời, thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

“Lâu dài bệnh nhân sẽ chết vì suy tim, vì 2 biến chứng. Thứ nhất là biến chứng tái phát, bởi bệnh nhân đã bị tai biến rồi. Do hẹp van hai lá gây ra tạo thành cục máu đông nếu mình không điều trị hoặc là điều trị không tốt, không mổ thì bệnh nhân sẽ chết do tai biến tái phát. Cuối cùng bệnh nhân sẽ chết trong bệnh cảnh suy tim, là do van bị hẹp lâu dài cơ tim nó bị giãn ra không tống máu đi được”./.

 

Cứu sống bệnh nhi bị mảnh kính vỡ tại trường học đâm xuyên ngực trái

https://thanhnien.vn/doi-song/cuu-song-benh-nhi-bi-manh-kinh-vo-tai-truong-hoc-dam-xuyen-nguc-trai-904974.html

Bệnh nhi Nguyễn Đăng Phương U. (11 tuổi) được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) trong tình trạng mất máu nặng do mảnh kính vỡ đâm xuyên ngực.

Theo thông tin ban đầu, sự việc xảy ra vào sáng 27.11, khi bé gái này đang ở trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội. Một bạn trong lúc đùa nghịch đã đập nhẹ cửa kính làm vỡ kính, mảnh kính vỡ đâm vào ngực bé U. Nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn lúc 18 giờ 15 ngày 27.11, sau khi được sơ cứu tại bệnh viện tuyến dưới.

Các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mất máu nặng, đau ngực, khó thở, sốt cao. Các thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng cho thấy, bệnh nhi có tình trạng tràn máu màng phổi nặng do vết thương thấu ngực trái, gây suy hô hấp và mất máu, có chỉ định mổ cấp cứu.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Duy Hùng, trưởng kíp phẫu thuật, cho biết sau khi dẫn lưu khoang màng phổi trái hút ra 650 ml máu đọng, kíp phẫu thuật quyết định mở ngực qua vết thương để xác định nguyên nhân chảy máu và tiến hành cầm máu.

Qua đường mở ngực đã xác định được nguồn chảy máu từ động mạch ngực trong bên trái bị đứt rời do mảnh kính cứa khi đâm thủng ngực. Máu từ động mạch đứt chảy liên tục vào khoang màng phổi trái với số lượng lớn gây mất máu và đè ép vào phổi. Hai đầu động mạch đứt nhanh chóng được thắt lại. Ca mổ kết thúc sau khoảng 1 giờ. Bệnh nhân được truyền máu hồi sức, chăm sóc đặc biệt. Sau mổ tình trạng bệnh nhân sớm ổn định.

Bác sĩ Đoàn Duy Hùng cho biết, động mạch ngực trong là động mạch xuất phát từ một động mạch lớn, khi bị đứt sẽ gây chảy máu ồ ạt không tự cầm được, đặc biệt là lại chảy máu vào khoang kín là khoang màng phổi nên khó phát hiện. Nếu không can thiệp kịp thời, có thể dẫn đến diễn biến xấu, thậm chí tử vong.

Hiện bệnh nhi U., đã có thể nói chuyện, ăn uống, tình trạng mất máu và suy hô hấp không còn, dự kiến sẽ sớm được xuất viện.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang