Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 02/5/2017

  • |
T5g.org.vn - Viện phí tăng như thế nào từ ngày 1.6?; Bệnh nhân bị rắn độc cắn xin về nhà chờ chết, bác sĩ kiên quyết từ chối; Đẩy mạnh xử phạt bán thuốc kháng sinh không theo đơn; Tham gia BHYT để giảm áp lực khám chữa bệnh; Vì sao người dân “ngán” khám, chữa bệnh BHYT?; Chuẩn bị lưu hành vắc xin phối hợp sởi-rubella do Việt Nam sản xuất; Tặng máy trợ thính tổng trị giá 10 tỷ đồng cho bệnh nhân nghèo miền trung; 3 chị em và nồi cháo miễn phí trước cổng bệnh viện; Những ân tình không đong đếm được; ...

 

Viện phí tăng như thế nào từ ngày 1.6?

http://laodong.com.vn/suc-khoe/vien-phi-tang-nhu-the-nao-tu-ngay-16-660647.bld

Thông tư mới quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2017. Tuy nhiên, không phải là từ thời điểm này tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này.

Bộ Y tế cho biết Thông tư số 02/2017/TT-BYT là  quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước, theo lộ trình tính giá dịch vụ công quy định tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, áp dụng đối với người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế; dịch vụ ngoài phạm vi thanh toán của BHYT.

Mức giá của các dịch vụ tại Thông tư số 02 là mức giá tối đa; Thông tư 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01.6.2017 nhưng không phải là đến ngày 01.6.2017 tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này mà Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các Bộ, ngành quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các Bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.

Cũng theo Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phải bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương dự kiến mức giá và thời điểm thực hiện (vào một trong các tháng 7,8,10,12 năm 2017) gửi về Bộ Y tế để phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tính toán mức tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh thời điểm thực hiện cho phù hợp với mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng của Chính phủ.

Theo Bộ Y tế, việc ban hành Thông tư 02 là để bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh vì nguyên tắc 2 đối tượng này phải chi trả cho bệnh viện như nhau, chỉ khác nguồn trả là người có thẻ BHYT do BHYT chi trả, người không có thẻ BHYT phải tự chi trả.

Theo Bộ Y tế, Luật BHYT quy định BHYT là bắt buộc, tuy nhiên hiện nay vẫn còn gần 20% dân số chưa tham gia BHYT, trong số này có rất nhiều người cận nghèo, người có thu nhập trung bình nhà nước đã có chính sách hỗ trợ từ 30-70% mức đóng nhưng vẫn chưa tham gia BHYT. Vì vậy, việc thực hiện Thông tư 02 sẽ khuyến khích người chưa có thẻ BHYT tham gia BHYT, thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc thu và quản lý nguồn thu, các bệnh viện có kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vì: Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo, các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và được bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật

Bộ Y tế cho biết hiện Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách cấp tiền lương cho các bệnh viện hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Hiện đối tượng người cận nghèo đang được hỗ trợ từ 70-100% chi phí mua thẻ BHYT. Các địa phương cũng nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để tham gia BHYT (hiện đang hỗ trợ tối thiểu 30%)...

 

Một bệnh nhân tử vong khi đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang

http://bnews.vn/mot-benh-nhan-tu-vong-khi-dang-duoc-dieu-tri-tai-benh-vien-da-khoa-tinh-bac-giang/43046.html

http://www.giadinhvietnam.com/tin-nhanh/tu-vong-sau-khi-tiem-12-xi-lanh-thuoc-d111765.html

Đến khoảng 20 giờ 40 phút, bệnh nhân xuất hiện cơn đau ngực dữ dội, các bác sĩ có chỉ định tiêm thuốc giảm đau cho bệnh nhân.

Ngày 1/5, thông tin về trường hợp bệnh nhân nữ tử vong trong khi được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang vào tối 30/4, đại diện lãnh đạo Bệnh viện này khẳng định, các y bác sĩ đã thực hiện đúng quy trình chuyên môn, tuy nhiên đã xảy ra sự cố y khoa. Nguyên nhân gây tử vong của bệnh nhân này có thể là do bệnh lý.

Khoảng 14 giờ chiều 30/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận bệnh nhân tên là Nguyễn Thị S., sinh năm 1954, ở xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang với chẩn đoán ban đầu là cơn đau thắt ngực và được theo dõi điều trị tại Khoa Nội - Tim mạch.

Từ khoảng 14 giờ đến 20 giờ cùng ngày, bệnh nhân có đau ngực nhưng không nặng nề. Đến khoảng 20 giờ 40 phút, bệnh nhân xuất hiện cơn đau ngực dữ dội, các bác sĩ có chỉ định tiêm thuốc giảm đau cho bệnh nhân.

Trong lúc tiêm thuốc, bệnh nhân xuất hiện tím tái, ngừng tuần hoàn. Ngay sau đó, các bác sĩ đã ngừng tiêm thuốc và thực hiện các biện pháp hồi sức cấp cứu tích cực nhưng đến khoảng 23 giờ 30 phút, bệnh nhân đã tử vong. Sau đó, người nhà bệnh nhân đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân.

Sáng 1/5, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đã tiến hành khám nghiệm, giải phẫu tử thi với sự chứng kiến của đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, một số cơ quan chức năng liên quan và người nhà nạn nhân.

Theo kết quả sơ bộ, ở vùng ngực - bụng bệnh nhân, bị rách mặt sau quai động mạch chủ kích thước 1,3x0,6 cm, bờ mép bầm tụ máu, trên diện bầm tụ máu quai động mạch chủ kích thước 4,5x4 cm; xơ vữa quai động mạch chủ, khối phình quai động mạch chủ kích thước 9x3 cm, trong lòng khối phình có khối máu đông kích thước 6,5x2,5x2 cm; chu vi động mạch vành phải là 1,4 cm, vành trái là 0,9 cm, nhiều xơ; thất trái dầy 1,8 cm, van tim xơ vữa...

Hiện nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân Nguyễn Thị S. vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Theo đánh giá của một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y học về tim mạch của Việt Nam, đây là một trường hợp hiếm gặp và khi mắc những triệu chứng bệnh lý trên thì cơ hội sống của bệnh nhân là hầu như không có.

 

Bệnh nhân bị rắn độc cắn xin về nhà chờ chết, bác sĩ kiên quyết từ chối

http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/benh-nhan-bi-ran-doc-can-xin-ve-nha-cho-chet-bac-si-kien-quyet-tu-choi-a188838.html

Do thiếu tiền điều trị, gia đình bệnh nhân 46 chỗ bị rắn độc cắn nhiều lần xin bác sĩ cho về chờ chết. Tuy nhiên, thấy bệnh nhân vẫn có cơ hội sống nên các bác sĩ đã kiên quyết giữ lại điều trị.

Theo tin tức báo Vietnamnet đăng tải, bệnh nhân Lai Văn H. (46 tuổi, Nam Định) được chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng rất nặng do bị rắn cạp nia cắn. Trong suốt 1 tháng điều trị tại đây, gia đình bệnh nhân nhiều lần xin bác sĩ cho về chờ c hết vì người bệnh không có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị tốn kém.

Tuy nhiên, nhận thấy vẫn còn cơ hội cứu sống bệnh nhân, nên các bác sĩ kiên quyết không đồng ý mà giữ bệnh nhân ở lại điều trị, đồng thời nhờ phòng công tác xã hội kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ.

Sau hơn một tháng điều trị tích cực, hiện người bệnh đã tỉnh táo, rút được máy thở và đang tiến triển tốt.

Báo VnExpress đưa tin, Trung tâm Chống độc cũng đang điều trị cho 5 bệnh nhân khác bị rắn độc cắn, một người rất nặng phải thở máy. Đó là bệnh nhân 39 tuổi ở Bắc Giang. Trước đó, trong lúc đi làm đồng, người này bị rắn cạp nia cắn. Tuy nhiên, do chủ quan, anh đã không đến cơ sở y tế chăm sóc. Mãi khi thấy tức ngực, khó thở mới vào viện thì quá muộn. Sau hơn 1 tháng điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân này vẫn rất nặng, não bị tổn thương, nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, khi bị rắn cắn, người bệnh cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề. Không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chi bị cắn bằng nẹp, sau đó nhanh chóng tới bệnh viện để điều trị.

 

Đẩy mạnh xử phạt bán thuốc kháng sinh không theo đơn

http://thanhnien.vn/suc-khoe/day-manh-xu-phat-ban-thuoc-khang-sinh-khong-theo-don-831027.html

Đó là một trong các nội dung trọng tâm trong Chương trình hành động phòng, chống kháng thuốc từ nay đến năm 2020 của ngành y tế TP.HCM.

Trước tình trạng đề kháng kháng sinh tràn lan như hiện nay, Sở Y tế TP.HCM sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bán thuốc kháng sinh tại cơ sở bán lẻ và xử phạt vi phạm bán thuốc không theo đơn.

Sở Y tế TP.HCM cũng sẽ thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống kháng thuốc; tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến thông tin, kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và cộng đồng về vấn đề kháng thuốc. Ngoài ra, Sở Y tế TP yêu cầu các bệnh viện báo cáo số liệu xét nghiệm vi sinh, tình hình sử dụng kháng sinh và kháng thuốc hằng năm.

 

Tham gia BHYT để giảm áp lực khám chữa bệnh

http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/32756402-tham-gia-bhyt-de-giam-ap-luc-kham-chua-benh.html

Từ ngày 1-6-2017, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới bao gồm hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Có những dịch vụ y tế lên tới hơn 20 triệu đồng sẽ là áp lực rất lớn với người không có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh...

Áp lực cho người chưa tham gia BHYT

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1-6-2017, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT, và một số dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí ba yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng gấp hai đến ba lần so với giá cũ và sẽ do người bệnh trả hoàn toàn. Có ba nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, gồm: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện (BV). Trong số này, hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp hai đến bốn lần so với giá hiện tại. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp bốn lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng hai lần ở BV hạng 1 và hạng 2. Theo quy định mới, tiền khám tối đa ở BV hạng đặc biệt và BV hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và BV hạng 4/PKÐK khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt. Tương tự, giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng đặc biệt cũng tăng gấp hai lần lên 677.100 đồng; BV hạng 1 là 632.200 đồng; BV hạng 2 là 568.900 đồng. Ðối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc, các mức tương ứng là: 362.800 đồng/ngày, 335.900 đồng/ngày, 279.100 đồng/ngày; tại BV hạng 3 là 245.700 đồng/ngày và BV hạng 4 là 226.000 đồng/ngày...

Mức tăng này sẽ khiến cho chi phí mà người bệnh phải chi trả tương đối cao khi phải điều trị nội trú, dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày. Số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao. Như, chụp X quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng, nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng...

Theo Thông tư 02, chỉ có nhóm giá khám bệnh, ngày giường điều trị là khác nhau theo hạng BV, còn lại các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm đều thực hiện thống nhất một mức giá tại tất cả các BV trên toàn quốc. Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc cũng đang thực hiện theo nguyên tắc này.

Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết, điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT đã được quỹ BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí KCB. Như vậy khoản tiền người KCB không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, thí dụ như chụp PET/CT chi phí tối đa lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng...

Công bằng trong giá dịch vụ y tế

Thực tế, lộ trình tăng giá này đã có độ "trễ" rất nhiều theo Luật BHYT, bởi sau một năm giá dịch vụ y tế dành cho khoảng gần 20% dân số chưa có thẻ BHYT này mới đuổi kịp giá của những người đang KCB BHYT. Hiện nay, người chưa tham gia BHYT khi đi KCB vẫn đang trả mức giá thấp hơn nhóm dân số có thẻ BHYT, bởi giá dịch vụ y tế dành cho người chưa có thẻ BHYT chỉ mới kết cấu ba yếu tố chi phí trực tiếp: Chi phí thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế phục vụ KCB; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ. Chưa kể, giá các dịch vụ y tế này vẫn đang được quy định tại các Thông tư có mức giá khá "lạc hậu" so với thời giá hiện nay như Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLÐTB&XH ban hành từ năm 2006, Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC năm 2012. Trong khi đó, năm 2016, quỹ BHYT đã chi trả phần lớn chi phí thay cho những người KCB BHYT mức giá dịch vụ y tế kết cấu cả tiền lương, phụ cấp theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc.

Giải thích việc tại sao lại có độ trễ về thời gian cho nhóm đối tượng chưa tham gia BHYT, Phó trưởng ban Lê Văn Phúc cho biết, đó là vì Chính phủ muốn tạo thời gian chuyển tiếp cần thiết cho những người chưa tham gia BHYT thực hiện trách nhiệm của mình trong chủ trương BHYT toàn dân. Giá dịch vụ y tế hiện nay dù được điều chỉnh thì cũng mới kết cấu bốn trong số bảy yếu tố chi phí. Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn đang được thực hiện, giá dịch vụ y tế sẽ còn tiếp tục tăng theo lộ trình. Song song với việc thay đổi cơ chế tài chính y tế, Chính phủ sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp cho người dân thông qua hỗ trợ tham gia BHYT thay vì rót ngân sách vào các BV. Ðể bảo đảm quyền lợi về tài chính của mình trong chăm sóc sức khỏe, người dân cần và nên tham gia BHYT.

Việc tăng giá theo Thông tư 02 sẽ tạo sự công bằng hơn trong thực hiện chính sách chung khi giá dịch vụ y tế cung cấp cho cả người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT tương đương nhau. Việc tăng giá chắc chắn sẽ tác động đến ý thức tham gia BHYT của người dân, càng rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của BHYT. Hiện nay, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 81% dân số, gần 20% dân số còn lại chưa tham gia BHYT, phần lớn là những người có mức sống trung bình trở lên, cho nên việc điều chỉnh sẽ giúp người dân thấy lợi ích của BHYT để tham gia.

Theo thống kê của BHXH các tỉnh, thành phố, hiện nay tỷ lệ người có thẻ BHYT đi KCB tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện chiếm tới 95%. Ðiều đó có nghĩa là kể cả với mức giá cũ, nhóm người không có thẻ BHYT cũng chủ yếu đi KCB tại các BV tuyến tỉnh trở lên, trong trường hợp có nhu cầu KCB thật sự. Có thể thấy, hiện nay, chế tài về giá vẫn chưa đủ mạnh để tạo bước "đột biến" trong tỷ lệ tham gia BHYT, mà phải có những giải pháp khác như tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, hỗ trợ người dân mua BHYT, nâng cao chất lượng KCB, cung cấp dịch vụ y tế…

 

Những "kỷ lục" buồn

http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/32756302-nhung-ky-luc-buon.html

Mới đây, thông qua hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế (BHYT), cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Ðà Nẵng đã xác định được hơn 10 cá nhân sử dụng thẻ BHYT đi khám bệnh tới hơn 100 lần chỉ trong vòng một năm (năm 2016). Trong đó, "kỷ lục" thuộc về một nam giới với 334 lần khám. Hai tháng đầu năm nay, "kỷ lục gia" này tiếp tục đi khám bệnh 21 lần; trong đó có ngày đi khám tới ba lần tại hai cơ sở khám chữa bệnh khác nhau.

Có lẽ, không chỉ riêng những người làm nghề y, mà bất cứ ai cũng thấy rõ sự vô lý từ việc đi khám bệnh hằng ngày, thậm chí hằng buổi, kể cả với những người mang trong mình nhiều chứng bệnh cùng lúc. Nhìn vào con số hơn 53 triệu đồng mà người này đã nhận sau cả trăm lần khám nêu trên, không thể cho rằng đây là việc làm đúng đắn!

Ðiều đáng nói, những trường hợp nêu trên lại không phải là cá biệt và cũng không chỉ giới hạn ở một vài địa phương. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, trong vòng tám tháng (từ tháng 7-2016 đến tháng 2-2017), trên cả nước có tới hơn 1,2 triệu người sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh từ hai lần trở lên mỗi tháng. Trong số này cũng có đến 12 trường hợp đi khám lấy thuốc hơn 100 lần! Số tiền mà quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân này cao nhất là gần 74 triệu đồng, thấp nhất là 13,5 triệu đồng. Trong đó, một trường hợp "điển hình" không kém "kỷ lục gia" tại Ðà Nẵng là một người tại TP Hồ Chí Minh trong vòng tám tháng đã sử dụng thẻ BHYT đến 308 lần (trung bình 38,5 lần khám mỗi tháng) với tổng số tiền BHYT thanh toán là hơn 51 triệu đồng. Hay một trường hợp khác được cấp thẻ BHYT ở Lâm Ðồng nhưng trong vòng ba tháng đã đi khám chữa bệnh hơn 100 lần tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tại TP Hồ Chí Minh để được cấp hơn 10.000 viên, lọ, chai, vỉ thuốc!

Những con số phi lý nêu trên cho thấy rằng, quỹ BHYT đang bị trục lợi. Hành vi đó gây thiệt hại trực tiếp đến quỹ BHYT - nguồn tài chính được tạo nên từ sự đóng góp của cộng đồng có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho chính cộng đồng; ảnh hưởng đến ý nghĩa cộng đồng chia sẻ của chính sách BHYT. Ngoài ra, hành vi này cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh; làm lãng phí thời gian, công sức của cán bộ y tế và có thể tước đi cơ hội được khám chữa bệnh kịp thời của những người thật sự đang gặp nguy cơ về sức khỏe…

Việc ngăn chặn những hành vi lạm dụng theo phương thức này là cấp thiết. Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH để kịp thời phát hiện, cần phải có chế tài xử lý cụ thể và nghiêm khắc đối với những cá nhân vi phạm pháp luật về BHYT. Các bệnh viện cũng như ngành BHXH có thể áp dụng biện pháp quản lý bằng công nghệ đối với những trường hợp lạm dụng để kịp thời có giải pháp ngăn chặn. Ngoài ra, có thể xem xét công khai những trường hợp cố tình vi phạm.

 

Vì sao người dân “ngán” khám, chữa bệnh BHYT?

http://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-nguoi-dan-ngan-kham-chua-benh-bhyt-618682.vov

Khám, chữa bệnh BHYT tự nguyện còn nhiều bất cập, yếu kém, chưa đảm bảo được quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách xã hội quan trọng hàng đầu của Nhà nước, giúp người dân chia sẻ gánh nặng về tài chính khi phải chi trả các khoản chi phí khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc khám, chữa bệnh thẻ BHYT ở nước ta còn tồn tại rất nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân trong khi khám, chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, đến nay đã có hơn 75 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 81,3% dấn số, gần 20% dẫn số còn lại chưa tham gia BHYT. Nhưng trong 10 người mua BHYT thì chỉ có khoảng 4 người sử dụng. Khi được hỏi về vấn đề này, một số người dân phản ánh thủ tục thanh toán khám, chữa bệnh BHYT phức tạp và bất hợp lý.

Cụ thể, người dân khi đi khám phải mang quá nhiều loại giấy tờ như giấy tờ tuỳ thân, giấy chuyển viện, giấy xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan công an,…

Trò chuyện với phóng viên VOV, bác Thuỷ - một người dân ở Sơn Tây (Hà Nội) cho biết trước đây bác có mua BHYT nhưng từ năm 2014 đã không mua nữa, vì thấy BHYT không có tác dụng gì: “Năm 2014, tôi bị tai nạn giao thông, nhưng khi đi khám bác vẫn mất tiền và không được hưởng một đồng bảo hiểm nào. Bệnh viện trả lời rằng phải có giấy xác nhận của công an về vụ tai nạn thì mới được hưởng bảo hiểm. Nhưng khi tai nạn xảy ra hai bên đã thoả thuận không có kiện cáo gì, nhưng đến khi đi viện thì lại phải có giấy, lúc ấy sự việc đã xảy ra quá lâu và phiền hà nên bác không làm. Từ ngày đấy tôi không mua bảo hiểm nữa”.

Khi được hỏi nếu không tham gia BHYT, nếu mắc bệnh nặng thì chi phí phải trả sẽ rất lớn, bác Thuỷ nói: “Tôi nghĩ đơn giản nhất là vụ tai nạn, đúng tuyến mà không chi trả cho tôi thì những bệnh nan y, bệnh nặng cũng không chi trả, nếu có thì thuốc cũng không tốt”.

Không chỉ là câu chuyện thanh toán bảo hiểm, BHYT đối với người có công cũng là một vấn đề gây bức xúc. Một thính giả trên sóng VOV1 – Đài tiếng nói Việt Nam cho biết sau khi tham gia kháng chiến, bác được nhà nước trao tặng sổ BHYT, tuy nhiên cuốn sổ lại không đem lại những lợi ích mong muốn.

“Sau khi đất nước thống nhất, những người cầm súng như chúng tôi được nhà nước cho sổ BHYT không mất tiền. Tính nhân văn thì hay như thế, nhưng mà thực tế ra chúng tôi đi viện, như tôi bị phì đại tuyến tiền liệt nhưng chưa bao giờ được thuốc chữa bệnh mà phải đi mua” – vị thính giả nói.

Cũng giống như vị thính giả trên, bác Nguyễn Xuân Hường ở Đại Lâm, Lạng Giang, Bắc Giang, cho biết đã tham gia BHYT được mấy chục năm, nhưng khám, chữa bệnh không đạt yêu cầu, điều trị vòng vèo, thuốc BHYT cho thì nhẹ, rẻ tiền điều trị rất lâu mà hiệu quả không được như mong muốn.

Ngoài những bất cập trên, người dân còn lo ngại về chất lượng của dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Một người lao động ở Phú Yên cho biết bản thân chị bị đau lưng nên đi khám, bệnh viện cho thuốc uống nhưng không đỡ và phải tự đi khám bên ngoài, không theo bảo hiểm. “Đi khám ở trên huyện thì người ta nói là bị gai cột sống, xuống bệnh viện tỉnh thì người ta nói là bị thoái hoá cột sống. Uống thuốc 10 ngày, không thấy đỡ, cho thuốc lại uống mà cũng không đỡ, muốn nhập viện thì người ta nói bệnh đơn giản, không cần nhập. Tự đi vào bệnh viện Chợ Rẫy khám thì ra là bị viêm dây thần kinh liên sườn. Từ đấy tự mua thuốc uống mới đỡ hơn”.

Việc các cơ sở y tế địa phương chẩn đoán sai hoặc không tìm ra nguyên nhân và chữa trị dứt điểm cũng đã làm mất niềm tin của người dân.

Hiện nay, Chính phủ và Bộ Y tế đang thực hiện lộ trình bao phủ BHYT toàn dân, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có tối thiểu 90,7% dân số tham gia BHYT. Để đạt được mục tiêu này, ngành BHXH cũng như Bộ Y tế cần phải xây dựng chính sách bảo hiểm cân đối, công bằng giữa các nhóm đối tượng, nâng cao chất lượng của các tuyến y tế cơ sở, giảm bớt các thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

 

Chuẩn bị lưu hành vắc xin phối hợp sởi-rubella do Việt Nam sản xuất

http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/chuan-bi-luu-hanh-vac-xin-phoi-hop-soi-rubella-do-viet-nam-san-xuat-d111773.html

Việc sản xuất được loại vắc xin phối hợp sởi-rubella sẽ giúp ngành y tế chủ động nguồn vắc xin phòng chống dịch bệnh sởi-rubella hiệu quả hơn.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Đăng Hiền cho biết, Bộ vừa cấp giấy phép lưu hành vắc xin phối hợp sởi-rubella, do Trung tâm sản xuất.

Theo ông Nguyễn Đăng Hiền, vắc xin phối hợp sởi – rubella là vắc xin thứ hai của Việt Nam sản xuất theo công nghệ phối hợp hai thành phần trong một sản phẩm vắc xin, trong khi các vắc xin còn lại đều là vắc xin một thành phần. Sử dụng vắc xin sẽ phòng được hai bệnh sởi và rubella cùng một lúc.

“Đây là thành công lớn của đơn vị nói riêng và ngành sản xuất vắc xin của Việt Nam nói chung. Việt Nam là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất được loại vắc xin này. Từ nay, Việt Nam chủ động được nguồn vắc xin phòng chống dịch bệnh sởi-rubella, tránh nguy cơ thiếu hụt vắc xin do thủ tục nhập khẩu hoặc khan hiếm từ nhà sản xuất.

Việc sản xuất được vắc xin phối hợp sởi – rubella cũng góp phần giảm ngân sách Nhà nước khi mua vắc xin nước ngoài vì giá vắc xin sản xuất trong nước rẻ hơn”, ông Nguyễn Đăng Hiền cho hay.

Cũng theo ông Hiền, việc làm chủ được công nghệ mới trong sản xuất vắc xin phối hợp vừa qua sẽ là cơ hội để Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế tiếp tục nghiên cứu các vắc xin phối hợp nhiều thành phần hơn trong tương lai.

Theo kế hoạch, tháng 6/2017, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế  sẽ cung cấp khoảng 2,5 triệu liều vắc xin đầu tiên cho chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ, thay thế vắc xin nhập khẩu của Ấn Độ đang sử dụng hiện nay.

Bên cạnh đó, vắc xin mới này phù hợp tiêm phòng cho đối tượng bà mẹ đang mang thai để phòng tránh những nguy cơ bị tật cho trẻ khi sinh ra. Trên thị trường, giá của vắc xin chỉ bằng một nửa so với vắc xin nhập ngoại.

Được biết, Bộ Y tế giao cho Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế nghiên cứu sản xuất vắc xin phối hợp sởi-rubella được vào năm 2013. Bệnh rubella thường xuyên xảy ra tại Vệt Nam, nguy cơ nhiễm bệnh này là các bà mẹ mang thai. Khi bị nhiễm rubella có thể gây dị tật bẩm sinh cho trẻ như bệnh tim, điếc, não úng thủy hoặc thai bị chết lưu…

 

Người đàn ông bị xương cá đâm thủng ruột non

http://cand.com.vn/doi-song/Nguoi-dan-ong-bi-xuong-ca-tai-tuong-dam-thung-ruot-non-439245/

http://dantri.com.vn/suc-khoe/muc-so-thi-qua-trinh-lay-xuong-ca-dai-4cm-dam-thung-ruot-non-20170501180959055.htm

Người đàn ông 48 tuổi quê ở Vĩnh Long, sau khi ăn canh chua nấu cá tai tượng, đã bị xương cá đâm thủng ruột non, vừa được các bác sĩ (BS) Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ nội soi lấy ra.

Chiều 1-5, BS La Văn Phú - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cho biết, ngày 26-4, bện nhân N.B.T (48 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng đau bụng cấp.

Theo bệnh nhân, trước khi nhập viện 3 ngày có ăn canh chua nấu với cá tai tượng, không ăn thức ăn lạ. Sau khi ăn cơm bệnh nhân bị đau bụng, người nhà có mua thuốc giảm đau để uống nhưng vẫn không hết mà ngày càng đau nặng hơn.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được thăm khám, siêu âm, các BS chẩn đoán bệnh nhân T. bị viêm phúc mạc nghi do viêm ruột thừa vỡ. Tuy nhiên, khi nội soi vào ổ bụng thì thấy ổ bụng có mủ và giả mạc; ruột thừa bị viêm thứ phát, đoạn cuối ruột non bị xương cá đâm thủng; một phần xương cá nằm trong ổ bụng, một phần nằm trong lòng ruột. Các BS tiến hành nội soi lấy xương cá có kích thước 0,3x4cm, đồng thời khâu lại lỗ thủng ruột non. 

Theo BS La Văn Phú, trước đây, trường hợp như thế này phải mổ hở lấy xương và khâu ruột. Bây giờ nhờ ứng dụng phẫu thuật nội soi nên bệnh nhân tránh được mổ hở đường dài. Sau mổ ít đau, ít biến chứng nhiễm trùng vết mổ và mau hồi phục.

Hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn, ăn cháo và đi lại được, mai mốt có thể xuất viện.

 

Đừng cố “giải nhiệt” bằng mọi cách

http://dantri.com.vn/suc-khoe/dung-co-giai-nhiet-bang-moi-cach-20170428054639066.htm

Dùng quá nhiều các thức uống có tác dụng “hạ hỏa” có thể gây ra một số trục trặc về sức khỏe, thậm chí nguy hiểm nếu đang bệnh

Nhiệt độ cao ở TP HCM những ngày qua khiến không ít người cảm thấy khó chịu. Với chị Ng.C.A (29 tuổi, nhân viên văn phòng), mùa nóng còn khiến da mặt chị nổi khá nhiều mụn. Chị cùng vài người bạn “cùng cảnh ngộ” đã tìm lời hướng dẫn của một hội trên mạng rồi ra chợ mua ít hoa cúc và vài loại lá khác về nấu một loại trà “thanh lọc cơ thể” để uống. Mụn chưa kịp lặn, cả nhóm lại nháo nhào vì ngay chiều hôm đó, chị A. bất ngờ… xỉu.

Đề phòng tụt huyết áp

Chị A. được các bạn đưa đến Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 (TP HCM) để kiểm tra và chọn một vị bác sĩ (BS) có phòng mạch gần nhà chị khám giúp. Vị BS cho biết chị A. vốn có huyết áp khá thấp, chỉ khoảng 10/7 và đã nhiều lần bị tụt huyết áp đột ngột. Loại nước uống “thanh lọc, giải nhiệt” mà chị và các bạn xem trên mạng rồi pha chế theo lại có tác dụng… giảm huyết áp rất tốt. Vì vậy, khi uống cả bình lớn với hy vọng mau hết mụn, chị đã bị tụt huyết áp, gây ngất. Lúc đó, vài người trong nhóm bạn chị A. cũng thừa nhận cảm thấy hơi mệt mỏi sau khi uống khá nhiều nước này.

Ông Ng.V.M (47 tuổi, một giáo viên) cũng gặp tình huống dở khóc dở cười. Nghe lời mách nước của bạn bè, ông pha chế một loại nước uống “thanh lọc cơ thể” có tác dụng mát gan, lợi tiểu và uống thay nước bình thường. Trong chuyến du lịch cùng gia đình cuối tuần qua, những bình nước “thanh lọc” khiến ông mệt mỏi vì… phải đi tìm nhà vệ sinh liên tục, đồng thời lúc nào cũng có cảm giác khát nước, choáng váng dù đã uống khá nhiều.

“Chúng tôi đi viếng chùa ở Tây Ninh, lên vài cây số bậc thang thôi nhưng đây là lần đầu tôi thấy mình xuống sức đến vậy. Đến lưng chừng, vợ con vẫn đi một cách bình thản còn tôi thì đã cảm thấy cổ họng khô rát và mệt đứt hơi” - ông M. nhớ lại.

Có bệnh, coi chừng

BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất (TP HCM), khuyên trong mùa nóng, ai cũng muốn tìm cách gì đó để cơ thể cảm thấy thoải mái hơn nhưng hãy cẩn trọng, đặc biệt là khi có ý định sử dụng nhiều loại thức ăn, đồ uống, thuốc bổ, thực phẩm chức năng… nào đó mà chưa hiểu cặn kẽ về công dụng của chúng.

Ví dụ, người lớn tuổi hay bị cao huyết áp nhưng một số người không bị, thậm chí huyết áp lại thấp. Nếu dùng nhiều một loại thực phẩm nào đó khiến huyết áp bị tụt sẽ cảm thấy choáng váng, mệt mỏi; nặng hơn là gây thiếu máu não, nhồi máu não và đột quỵ, nguy hiểm không thua gì cơn tăng huyết áp. Nên lưu ý rằng không chỉ người có huyết áp thấp mà người bị cao huyết áp nếu sử dụng quá liều cũng có thể gây tụt huyết áp bất ngờ. Còn nếu lạm dụng thuốc, đồ uống gây lợi tiểu thì có thể dẫn đến rối loạn tuần hoàn, thiếu hụt một số chất điện giải…

Tốt nhất, người đang có bệnh lý nội khoa nên tuân thủ những thứ thuốc đã được BS kê toa. Đó mới là cách hữu hiệu nhất để đối phó nguy cơ bệnh chuyển biến xấu do thời tiết chứ không nên lạm dụng thuốc bổ, thực phẩm chức năng hay các loại nước uống pha chế từ các vị thuốc đông y mà không có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Tốt nhất vẫn là… nước

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, khuyên rằng để thực sự giải nhiệt cho cơ thể, việc chọn loại nước phù hợp là rất quan trọng. Dùng các loại nước lợi tiểu (như rễ tranh, mã đề…) nhiều là không nên, nhất là nếu dùng thay nước lọc có thể khiến cơ thể thêm mất nước, sẽ rất bất lợi khi thời tiết nắng nóng như hiện nay. Một số loại thức uống khác cũng có tác dụng làm mát cơ thể như rau má, atisô… nhưng không gây lợi tiểu sẽ là lựa chọn tốt hơn. Tuy nhiên, những người có cơ địa huyết áp thấp không nên dùng những thức uống này vì chúng đồng thời làm giảm huyết áp.

Lương y Đinh Công Bảy và BS Trương Quang Anh Vũ cùng khẳng định: Loại nước uống giúp giải nhiệt mùa hè tốt nhất vẫn là nước lọc, nước đun sôi để nguội. Chỉ cần uống nhiều nước để bù lại việc mất nước do thời tiết, đổ nhiều mồ hôi, cơ thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời tăng sức chống chọi với các nguy cơ bệnh tật. Ngoài ra, thỉnh thoảng uống thêm nước trái cây cũng là lựa chọn hợp lý, đồng thời giúp cơ thể bổ sung các vitamin, tăng sức đề kháng.

 

Gắp đỉa sống dài hơn 5 cm trong thanh, khí quản bệnh nhi 13 tuổi

http://thanhnien.vn/suc-khoe/gap-dia-song-dai-hon-5-cm-trong-thanh-khi-quan-benh-nhi-13-tuoi-831112.html

Các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã gắp một con đỉa sống dài hơn 5 cm ký sinh nhiều ngày trong thanh, khí quản của bệnh nhi 13 tuổi.

Chiều 1.5, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, cho biết qua nội soi đã gắp thành công con đỉa sống trong lòng thanh, khí quản của một bệnh nhi.

Theo người nhà bệnh nhi, trước khi nhập viện cháu Bríu K. M. (13 tuổi, dân tộc Cơtu ,trú xã Axan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đi theo cha mẹ lên rẫy và có uống nước suối. Những ngày sau, cháu M. có biểu hiện ho, khạc ra máu, khàn giọng và khó thở từng cơn.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã tiến hành khám nội soi thì phát hiện có một con đỉa còn sống nằm trong thanh, khí quản của bệnh nhi.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp ra con đỉa no máu, dài hơn 5 cm ở trong lòng khí quản của cháu M. Hiện sức khỏe cháu M. tiến triển tốt.

Một con sán xơ mít dài hơn 8 mét kí sinh trong một người đàn ông ở Quảng Nam gần 2 năm nay vừa được các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) gắp ra.

 

Tặng máy trợ thính tổng trị giá 10 tỷ đồng cho bệnh nhân nghèo miền trung

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/32758802-tang-may-tro-thinh-tong-tri-gia-10-ty-dong-cho-benh-nhan-ngheo-mien-trung.html

Nhằm hỗ trợ cho các bệnh nhân khiếm thính có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại khu vực miền trung, trong hai ngày 1và 2-5 tại Làng Hy vọng Đà Nẵng, Quỹ VinaCapital phối hợp với Tổ chức Starkey Hearing Foundation (Hoa Kỳ) và CLB Tình nguyện Đà Nẵng tổ chức chương trình thăm khám, trao tặng máy trợ thính miễn phí cho một nghìn bệnh nhân khiếm thính khu vực miền trung với tổng trị giá 10 tỷ đồng.

Đây là món quà cuộc sống ý nghĩa đối với các bệnh nhân, giúp họ mang lại tiếng cười, sự sẻ chia và cuộc sống thêm ý nghĩa.

42 bác sĩ, kỹ thuật viên của quỹ Quỹ VinaCapital, Tổ chức Starkey Hearing Foundation cùng với nhiều bác sĩ của bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã khám, đo mức độ khiếm thính trên từng bệnh nhân. Trong hai ngày, chương trình sẽ gắn máy trợ thính cho 600 bệnh nhân đã được khám sàng lọc trước đó, và tiếp tục khám, cấp máy trợ thính cho 400 bệnh nhân mới. Tất cả các bệnh nhân đến từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai.

Các bệnh nhân cũng sẽ được khám và cấp phát thuốc điều trị các bệnh lý về tai như nấm, nhiễm trùng tai. Tại chương trình, các bệnh nhân cũng được trao đổi các thông tin liên quan đến bệnh khiếm thính cũng như cách phòng tránh, chăm sóc bệnh nhân.

Theo bà Megan Baiocchi, Giám đốc phát triển quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đại diện Quỹ Starkey Hearing Foundation: Máy trợ thính có giá từ 5-10 triệu đồng một bên tai tùy thuộc vào độ điếc. Chi phí cho việc lấy khuôn, pin và chăm sóc sau nhận máy khoảng 5 triệu đồng/bệnh nhân. Chi phí trao tặng máy trợ thính, chăm sóc sau nhận máy và khám bệnh cho 1.000 bệnh nhân tại khu vực miền trung là 10 tỷ đồng. Trong năm 2017, chương trình dự sẽ tiếp tục được trao tặng thêm 900 máy trợ thính cho người dân nghèo tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nâng tổng số máy trợ thính được trao tặng trong năm 2017 là 1500 máy, tổng trị giá là 15 tỷ đồng/1.500 bệnh nhân.

Được biết, hiện nay, khoảng 360 triệu người bị giảm thính lực, phần lớn đang sinh sống tại các nước đang phát triển (theo WTO). Ít nhất 3% trong số những người mắc bệnh này không có đủ khả năng mua máy trợ thính cũng như tiếp cận được với các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết.

Nguyên nhân gây khiếm thính có thể do bẩm sinh, tiếng ồn, di truyền hoặc tuổi tác. Bệnh nhân khiếm thính nếu không được giúp đỡ phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống gia đình và xã hội. Việc giúp đỡ khắc phục những tổn thương về thính giác cho các bệnh nhân khiếm thính chính là trao những món quà ý nghĩa trong cuộc đời.

 

Phẫu thuật thành công u nang buồng trứng xoắn đã hoại tử cho cụ bà 92 tuổi

http://laodong.com.vn/suc-khoe/phau-thuat-thanh-cong-u-nang-buong-trung-xoan-da-hoai-tu-cho-cu-ba-92-tuoi-660651.bld

Cụ bà H.T. Q (92 tuổi) ở Hà Nội vừa được các bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị cứu sống nhờ phẫu thuật thành công khối u nang buồng trứng xoắn đã hoại tử, nguy cơ tử vong cao.

Ngày 29.4, TS.BS Hoàng Việt Dũng, Phó trưởng Khoa ngoại, cũng là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, cho biết, cụ bà H.T.Q nhập viện ngày 27.4, trong tình trạng đau bụng dữ dội, do bị khối u chèn ép nên bệnh nhân bị bí đại tiểu tiện, vô cùng khó chịu. Sau khi thăm khám, chụp CTScan ổ bụng, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị u nang buồng trứng xoắn.

TS.BS Hoàng Việt Dũng cho biết các bác sỹ đã rất đắn đo vì đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được phẫu thuật tại bệnh viện từ trước đến nay. Trước đó, bệnh nhân từng bị tai biến mạch máu não, lao phổi, hiện vẫn điều trị tiểu đường. "Nhưng trước bệnh cảnh của cụ bà, chúng tôi đã quyết định cần mổ sớm để tránh gây đau, sốc, nhiễm độc, nguy cơ tử vong cao", BS nói.

Theo các bác sĩ, sau khi gia đình đồng ý mổ, ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ (12 giờ đêm). Kíp gây mê do PGS.TS Công Quyết Thắng, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Chủ tịch Hội gây mê hồi sức Việt Nam, làm kíp trưởng, đã quyết định gây tê tủy sống kết hợp với giảm đau ngoài màng cứng cho bệnh nhân. Mục đích nhằm giảm đau cho bệnh nhân liên tục nhưng hạn chế được tác dụng phụ của thuốc (giảm huyết áp) mà vẫn kéo dài cuộc mổ, giúp bệnh nhân tỉnh táo nhanh sau mổ.

Tuy nhiên, việc gây tê tủy sống thấp có nhược điểm là phẫu thuật viên rất khó phẫu tích để kiểm soát khối u. Trong khi đó khối u to, đường kính gần 20 x 30 cm choán hết cả đường mổ. Và đúng như chẩn đoán trước mổ, khối u đã bị xoắn vặn, đã xuất hiện hoại tử thâm đen vừa gây chảy máu vừa gây đau đớn cho người bệnh...

"Đặc biệt, trong khối u to lại có 1 u nhỏ. Và do chiếc u lớn, gây tắc ruột thấp và ruột cao nên bệnh nhân buồn nôn, bí trung đại tiện. Chỉ chậm vài tiếng nữa là tình hình bệnh nhân sẽ khó tiên lượng vì khối u xoắn sẽ gây đau, gây sốc cho bệnh hơn. Bên cạnh đó, tình trạng hoại tử cũng diễn ra trầm trọng, gây chảy máu nhiều hơn... mà bệnh nhân là người cao tuổi trên nền nhiều bệnh nên sẽ rất nguy hiểm", TS Hoàng Việt Dũng chia sẻ. Sau 1 tiếng phẫu thuật, với sự cố gắng của kíp phẫu thuật và kíp gây mê, các y, bác sĩ đã phẫu thuật khối u thành công cho cụ bà H.T.Q. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu ngh đánh giá, đây thực sự là một ca bệnh hy hữu vì bệnh nhân đã rất cao tuổi; trong khi u nang buồng trứng rất to, xoắn vặn, nếu không mổ nhanh thì nguy cơ tử vong cao. Dự kiến 7 ngày sau mổ là cụ bà H.T. Q sẽ bình phục và có thể xuất viện.

 

Bác sĩ 18 năm đi tìm lời giải cho “án tử” ung thư

http://laodong.com.vn/suc-khoe/bac-si-18-nam-di-tim-loi-giai-cho-an-tu-ung-thu-659922.bld

Ra đời đúng vào năm đặc biệt 1975, đậu thủ khoa khi thi tuyển vào Đại học Y dược và là 1 trong 4 bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi năm 1999, bác sĩ Lê Tuấn Anh đã đến với chuyên ngành ung thư như một cơ duyên. Mặc dù “bị chọn” vào một chuyên ngành được ví là “bức tranh u ám”, nhưng 18 năm qua, chưa một ngày nào anh cảm thấy thiếu động lực trên hành trình đi tìm lời giải cho căn bệnh nan y này.

Học cho bác sĩ, học cho bệnh nhân

Trong căn phòng làm việc giản dị của Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TS-BS Lê Tuấn Anh vẫn dành một góc trang trọng để trưng bày những món quà mà bệnh nhân ung thư gửi tặng mình. Đó là một bức tranh, bức thư pháp, bức thư cảm ơn hay một món đồ lưu niệm bệnh nhân tự tay làm. Nói về những món quà đó, BS Tuấn Anh khiêm tốn: “Cảm thấy có động lực hơn trong công việc và thấy mình… có ích”.

Vào năm 1999, khi anh vừa nhận tấm bằng tốt nghiệp y khoa loại giỏi cũng là lúc Bệnh viện Chợ Rẫy tuyển một số bác sĩ đi học chuyên ngành ung thư để phát triển chuyên ngành này ở bệnh viện. BS Tuấn Anh là một trong số những bác sĩ trẻ nhất được chọn. Nhóm bác sĩ trẻ được định hướng học chuyên về xạ trị máy gia tốc - một kỹ thuật hiện đại nhất trong chữa ung thư khi ấy. Họ được cử đi học ở Bệnh viện K Hà Nội - nơi trang bị máy gia tốc đầu tiên ở Việt Nam rồi sang Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, Bệnh viện Melbourne (Australia).

Lúc anh trở về nước, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy ra đời. BS Lê Tuấn Anh được bổ nhiệm phó khoa ở tuổi 27. Năm 2002, anh cùng 3 bác sĩ khác trở thành “cánh chim đầu đàn” trong điều trị ung thư bằng máy gia tốc đầu tiên ở miền Nam. Sau đó 1 năm, năm 2003, một bệnh nhân bị u não đầu tiên được điều trị bằng phương pháp xạ phẫu nhằm làm tiêu biến khối u tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Mặc dù có các chuyên gia người Đức làm cùng nhưng BS Tuấn Anh là người tính toán liều để bắn tia và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. “Sau khi được điều trị bắn tia khoảng 30 phút, bệnh nhân ngồi dậy cười. Cảm giác như nghẹn lại, mình làm được cái gì đó đột phá...”. BS Tuấn Anh chia sẻ.

Với anh, những bệnh nhân đầu tiên luôn để lại những ký ức khó quên. Đó là một y sĩ ở Cần Giuộc, Long An đến bệnh viện khi phát hiện ung thư vòm họng giai đoạn 3 - một loại ung thư khó điều trị vào thời điểm đó. Bệnh nhân vô cùng suy sụp và luôn cho rằng có “án tử treo lơ lửng” trước mặt. Các bác sĩ cùng hội chẩn và thuyết phục bệnh nhân điều trị theo phác đồ mới, phối hợp đồng thời giữa hóa trị và xạ trị. Phương pháp này được Singapore nghiên cứu và áp dụng chưa lâu. “Đây là một trong những ca đầu tiên chúng tôi áp dụng phương pháp này nên cũng hồi hộp, lo lắng. Nhưng rồi, thấy khối u ngày một nhỏ lại và biến mất, bệnh nhân khỏe mạnh, anh em xúc động và hạnh phúc lắm”. Đến bây giờ, bệnh nhân vẫn thỉnh thoảng ghé thăm bác sĩ.

Vào năm 2004, khi bệnh ung thư thanh quản gần như phải điều trị bằng cách cắt bỏ thanh quản thì BS Tuấn Anh đã quyết định điều trị bảo tồn thanh quản cho một bệnh nhân làm công tác dân vận. Với bệnh nhân này, cắt bỏ thanh quản đồng nghĩa với việc ông không thể tiếp tục công việc mà mình tâm huyết. Phác đồ do các bác sĩ đưa ra đã đem lại kết quả ngoạn mục, bệnh nhân khỏi bệnh, giữ được giọng nói và đến giờ vẫn khỏe mạnh. Sau bệnh nhân này, rất nhiều người bị ung thư thanh quản, bàng quang, vú… được điều trị bảo tồn thành công và có được chất lượng sống tốt.

“Những ca bệnh này gieo vào trong đầu một bác sĩ trẻ rằng ung thư sẽ không là án tử nếu như bác sĩ không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức kỹ thuật mới. Bác sĩ không chỉ học cho chính mình, giúp mình trưởng thành trong nghề mà còn học cho bệnh nhân. Bệnh nhân phải được hưởng lợi từ những điều mình học được” - BS Tuấn Anh bộc bạch.

“Chia sẻ sự xấu hổ”

Không như bác sĩ sản, ngoại, tim mạch…, bác sĩ ung thư không có được niềm vui nhìn thấy ngay thành quả của mình. Bác sĩ đưa ra phương án, phác đồ điều trị cho một bệnh nhân thì phải 6 tháng sau mới thấy được tính kết quả. Ngày xưa, anh từng không có ý định chọn chuyên ngành ung thư để theo đuổi cũng vì lý do đó. Thế nhưng, khi thành duyên nợ, BS Tuấn Anh đã tìm ra lý do khiến anh quyết tâm cùng bệnh nhân đi tìm “tia sáng cuối đường hầm”. “Một bệnh nhân ung thư mất nhiều cái lắm, mất sức khỏe, tiền bạc, đôi khi mất bạn bè người thân, mất tự tin bản thân, niềm tin tôn giáo…Họ nhạy cảm và dễ tổn thương. Nghĩ vậy nên tôi tự nhủ, chính bác sĩ phải là người mạnh mẽ, có niềm tin vào công việc, trở thành điểm tựa cho họ và người thân trong suốt một hành trình dài chống lại ung thư”.

Trước đây, ung thư gần như được điều trị theo hướng tuần tự là bệnh nhân đến gặp từng bác sĩ một. Đầu tiên, bệnh nhân đến gặp bác sĩ ngoại khoa để xem có thể cắt bỏ khối u hay không. Sau đó họ mới đến gặp bác sĩ hóa trị hoặc xạ trị. Tuy nhiên, BS Tuấn Anh phản đối cách điều trị này, thay vào đó, với những gì học được từ nước ngoài, anh cho rằng ung thư phải được điều trị phối hợp đa mô thức. Bệnh nhân phải được hội chẩn của nhiều bác sĩ ngay từ đầu và đưa ra kế hoạch điều trị: “Điều này không chỉ giúp kiểm soát khối u tốt hơn mà còn giúp rất nhiều cho tâm lý bệnh nhân. Bệnh nhân ung thư thường cảm thấy cô đơn, khi họ được sự quan tâm của một tập thể bác sĩ ngay từ đầu sẽ thấy được an ủi và tin tưởng rất nhiều. Ở góc độ bác sĩ thì việc không điều trị một mình là…chia sẻ sự xấu hổ. Với những ca khó thì khó khăn, thách thức cũng được chia sẻ cho nhau” - BS Tuấn Anh giải thích.

18 năm trong ngành ung thư, BS Tuấn Anh cùng đồng nghiệp đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn và cả hạnh phúc. Cách đây 10 năm, một bệnh nhân 57 tuổi nhập viện với chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 3. Bệnh nhân tuyệt vọng vì ai mắc ung thư phổi gần như nắm chắc cái chết. Các bác sĩ đã bàn luận với nhau rất nhiều và điều chỉnh phác đồ hóa xạ phù hợp cho bệnh nhân. Bệnh ung thư được kiểm soát tốt và bệnh nhân sống đến bây giờ. Ông vẫn thường xuyên đến thăm những bác sĩ điều trị cho mình: “Hồi đó, bác sĩ còn trẻ măng à”. Ông nhắc lại kỷ niệm với bác sĩ và nhớ đặc điểm vóc dáng từng người.

“Tiếng lành đồn xa”, sau những thành công đầu tiên, bệnh nhân tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị ngày một đông. Hiện, mỗi năm, bệnh viện khám và điều trị cho khoảng hơn 45.000 bệnh nhân. Khoa Ung bướu từ 4 bác sĩ ngày một lớn mạnh và cũng phát triển thành Trung tâm Ung bướu với hơn 70 bác sĩ, nhân viên y tế. Tuy vậy, bước vào tuổi 42 và cũng là bậc đàn anh, BS Tuấn Anh vẫn luôn trăn trở vì ung thư là một trong 2 căn bệnh (ung thư và tim mạch) mà người Việt Nam phải bỏ tiền đi ra nước ngoài điều trị nhiều nhất. Anh hy vọng thế hệ bác sĩ trẻ sẽ quyết tâm phát triển các kỹ thuật hiện đại và phác đồ tốt cho bệnh nhân ung thư, kéo gần khoảng cách với các nước có nền y học phát triển.

 

3 chị em và nồi cháo miễn phí trước cổng bệnh viện

http://plo.vn/xa-hoi/guong-sang/3-chi-em-va-noi-chao-mien-phi-truoc-cong-benh-vien-698691.html

Hơn một năm nay, cứ khoảng 6 giờ sáng, hình ảnh ba người phụ nữ đứng cạnh nồi cháo to nghi ngút khói, tay thoăn thoắt múc cháo phát cho người nghèo, bệnh nhân khó khăn trước cổng BV 115 (quận 10, TP.HCM) đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

Vừa nhanh tay múc cháo vào chiếc tô nhựa cho một bệnh nhân, chị Trần Thị Lan (54 tuổi) vừa kể: Hơn một năm trước đây, em gái của chị là chị Trần Thị Hậu (42 tuổi) gợi ý ba chị em nên góp sức nấu nồi cháo thịt bằm miễn phí để giúp đỡ những người khó khăn, bệnh nhân nghèo có thêm bữa ăn ngon, đảm bảo vệ sinh. Thế là nồi cháo thịt bằm miễn phí được ra đời.

Còn chị Lê Thị Lạc (41 tuổi) tâm sự lúc đầu ba chị nấu cháo thịt bằm miễn phí dành cho bệnh nhân và người nghèo một tuần hai lần vào sáng thứ Hai và thứ Sáu. Sau đó do không có nhiều thời gian nên các chị quyết định chỉ nấu vào thứ Sáu mỗi tuần.

Để có được nồi cháo thịt bằm miễn phí thơm ngon và bổ dưỡng dành cho người nghèo, bệnh nhân nghèo trước cổng bệnh viện, ba chị cùng người thân trong gia đình phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị nguyên liệu, nấu cháo... rồi chở đến trước cổng bệnh viện kịp phát vào bữa sáng. "Cháo nấu xong xuôi đâu đó là khoảng  5 giờ sáng. Mọi người trong gia đình cũng khiêng nồi cháo lên xe ba gác, chở từ nhà ở quận Bình Tân tới bệnh viện để phát cho kịp giờ" - chị Lan cho biết thêm.

Cô Nguyễn Thị Hà (bệnh nhân đang điều trị tại khoa nội) từ miền Tây lên bệnh viện điều trị được hơn tháng nay, chia sẻ sáng thứ Sáu nào cô cũng canh giờ ra trước cổng bệnh viện chờ nồi cháo thịt bằm của cô Lan, cô Lạc, cô Hậu. "Cháo thịt bằm các cô ấy nấu tuy phát miễn phí nhưng rất thơm ngon, đầy đủ dưỡng chất. Nhờ có được suất cháo miễn phí này mỗi tuần mà tôi và người nhà đỡ được tiền mua cháo hay xôi ở ngoài" - cô Hà nói.

Để có được nồi cháo thịt bằm hơn 1.000 suất ăn, chị Lan cho hay ba chị em chị mỗi người đóng góp một phần. Nhưng người góp tiền, góp sức nhiều nhất vẫn là chị Hậu. Nhiều bữa mới hơn 7 giờ sáng mà cháo đã hết trong khi còn rất nhiều người xếp hàng các chị thấy áy náy lắm, chỉ biết dặn người ta lần sau nhớ tranh thủ ra sớm hơn.

"Thời gian tới, nếu sắp xếp được thời gian, chị em tôi sẽ nấu tuần hai bữa cháo như trước đây để bà con nghèo, khó khăn có thêm suất cháo, ấm lòng mỗi sáng. Mình còn khỏe, có điều kiện thì ráng làm việc tốt giúp cho mọi người, coi như giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống" - chị Lan tâm sự.

 

Những ân tình không đong đếm được

http://phunuonline.com.vn/thoi-su/nhung-an-tinh-khong-dong-dem-duoc-99059/

Bác sĩ Nguyễn Việt Quang - Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện (BV) Phụ sản TP.Cần Thơ còn nhớ 18 năm trước, mới ra trường là được nhận về BV Đa khoa Cần Thơ;

Người thì chưa có kinh nghiệm, trang thiết bị lại thiếu thốn nhưng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất cao. Thời ấy, muốn lên TP.HCM chữa bệnh, bệnh nhân (BN) phải qua hai chuyến phà, vượt gần 200km trong điều kiện đường sá, xe cộ khó khăn.

Rồi Quang cùng một đồng nghiệp là BS Huỳnh Thanh Liêm được Ban giám đốc BV cử đi học chuyên sâu về hiếm muộn. Trước khi đi, hai anh được BS Lê Thành Lập, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ lúc bấy giờ gọi lên dặn dò: “Đây là thành ý của BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Giám đốc BV Từ Dũ (lúc ấy) dành cho ngành y Cần Thơ, các em phải cố gắng nắm được các kỹ thuật để về phục vụ người dân xứ mình”.

Lên Sài Gòn, dù trước mắt là muôn vàn khó khăn về chỗ ở, tiền bạc, điều kiện đi lại, học hành, nhưng hai BS trẻ vẫn ấm lòng khi nghe BS Phượng dặn dò nhân viên của mình: “Hai đứa còn trẻ, mình phải coi như con cháu trong nhà, truyền hết những gì mình biết để các em có thể làm việc được như mình”.  Rồi BS Phượng sắp xếp cho hai người ở tại BV, giới thiệu với các khoa phòng để thuận tiện tìm hiểu tất cả những vấn đề phát sinh từ thực tế trong lĩnh vực sản khoa.

BS Quang kể: “Lúc ấy mình đi học chưa được cấp lương, chỉ có hỗ trợ kinh phí học tập. Cô Phượng thấy thương nên bàn với BV chia ½ tiền ABC hàng tháng của nhân viên BV cho mình và Liêm. Ân tình đó, cứ nhớ đến là mình như có thêm động lực để làm việc”.

Sự nhiệt tình, tinh thần sẵn sàng truyền lửa cho những địa phương còn khó khăn của đội ngũ y tế TP.HCM từ đó cứ tiếp tục nối dài. Hàng chục lớp BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên… theo nhau được đưa đi đào tạo. Từ lúc BV Đa khoa Cần Thơ thành lập Khoa Hiếm muộn (năm 2010), bằng các biện pháp thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị vô sinh, đến nay đã có 82 em bé chào đời, tỷ lệ điều trị thành công đến 40%, mang lại hạnh phúc vô bờ cho hàng trăm gia đình.

Trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc và cơ sở vật chất dần được nâng lên, đến năm 2014 thì BV Phụ sản TP.Cần Thơ được thành lập, nhiều gói điều trị kỹ thuật cao được triển khai như sàng lọc trước sinh, điều trị bệnh cho trẻ sơ sinh…

BS Trịnh Thị Bích Liên, Phó giám đốc BV Phụ sản TP.Cần Thơ cho biết: “Với sự hỗ trợ của BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, đến nay BV Phụ sản TP.Cần Thơ đã có thể điều trị được những trường hợp khó, các khoa phòng phát triển đồng bộ như siêu âm hình thái thai, tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phương pháp hiện đại nhất, trở thành trung tâm sàng lọc trước sinh thứ tư của cả nước, điều trị dọa sinh non, áp dụng biện pháp kanguru, da kề da, nuôi thành công nhiều bé sinh non chỉ 800-900g. Nếu không được sự hỗ trợ của đội ngũ y tế TP.HCM, chúng tôi khó có được thành quả hôm nay”. 

Nhắc đến sự hỗ trợ của TP.HCM cho TP.Cần Thơ trong lĩnh vực y tế, bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ gói gọn trong tám chữ: “Tuyệt vời, thiết thực, nhiệt tình, tâm huyết”. Điều đó thể hiện rõ qua việc hỗ trợ của các BV trong đề án 4 BV vệ tinh giai đoạn 2013-2017, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn trong lĩnh vực khám chữa bệnh cho các BV địa phương, rút ngắn khoảng cách chất lượng dịch vụ y tế giữa trung ương với địa phương, giúp người dân được khám chữa bệnh chất lượng cao tại các BV vệ tinh, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên.

Nằm trong chương trình này, bốn BV ở TP.Cần Thơ được chọn làm BV vệ tinh là BV Nhi, Ung Bướu, Tim mạch và Huyết học - truyền máu.

Đến nay, BS Nguyễn Trọng Nghĩa, một BS trẻ mới có hơn bốn năm tuổi nghề thuộc Khoa Hồi sức tích cực, BV Nhi Đồng TP.Cần Thơ, vẫn vẹn nguyên cảm giác hạnh phúc mỗi khi bé Nguyễn Phú Hoàng (Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) ghé thăm.

Khoảng ba năm trước, bé Hoàng, khi đó mới 18 tháng tuổi, bị tay-chân-miệng độ 3, đe dọa đến tính mạng; BS Nghĩa thì vừa đi học về lọc máu ở BV Nhi Đồng 1, TP.HCM về.

Được nhờ hỗ trợ xử lý ca của bé Hoàng, BS Nguyễn Văn Bằng, BV Nhi Đồng 1 đã nhanh chóng có mặt  tại Cần Thơ phối hợp với kíp trực và BN đã được cứu sống trong gang tấc. BS Nghĩa cho biết: “Khoảng thời gian được các BS BV Nhi Đồng 1 cầm tay chỉ việc là hết sức quý giá đối với tôi. Không chỉ thị phạm, hướng dẫn tôi cùng làm mà mọi người còn khích lệ đúng lúc, như những người anh chị thân thuộc của mình. Đến giờ, bất cứ lúc nào chúng tôi cần hỗ trợ, các anh chị cũng sẵn sàng có mặt”.

Theo BS Trần Văn Dễ, BV Nhi Đồng TP.Cần Thơ là BV vệ tinh của BV Nhi Đồng 1, TP.HCM, đã tiếp nhận tám gói kỹ thuật: rắn cắn, lọc máu liên tục, gây mê hồi sức, Hirschprung, nắn xương dưới màng chắn sáng (C-arm), phẫu thuật lỗ tiểu thấp, quản lý bệnh tim mạn tính và ngoại nhi sơ sinh. BV đã điều trị hàng trăm ca bệnh ngặt nghèo, nhất là những trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Hiện BV đã có thể tiếp nhận các ca bệnh lý sốt xuất huyết và tay-chân-miệng nặng có chỉ định lọc máu, gây mê hồi sức và ngoại nhi sơ sinh, nắn xương dưới màng chắn sáng...

BS Dễ nói: “Cách đây hai năm, ngoại khoa gần như là con số 0 ở BV Nhi Đồng TP.Cần Thơ, nhưng nay chúng tôi đã điều trị được nhiều ca bệnh phức tạp như phẫu thuật nội soi tắc ruột sơ sinh, phẫu thuật lỗ tiểu thấp…".

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở BV Ung Bướu TP.Cần Thơ, từ năm 2013, Ban giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM đã liên tục đón hàng chục lượt ê-kíp BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên từ Cần Thơ lên để cầm tay chỉ việc. Trong hơn ba năm, từ một BV chỉ có 15/40 BS có trình độ định hướng và sau đại học về ung bướu, đến năm 2016 BV đã có 46/63 BS có trình độ định hướng và sau đại học về ung bướu; 28 BS được đào tạo nâng cao về hóa trị, y học hạt nhân.

BV cũng được nâng lên hạng I với 350 giường, có thể tiến hành phẫu thuật nội soi ổ bụng, tuyến giáp, phụ khoa, vú, xạ trị áp sát, phẫu thuật thanh quản, phẫu thuật đoạn nhũ tiết kiệm da tái tạo tức thì. Theo BS Nguyễn Minh Thiện, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Ung Bướu TP.Cần Thơ, từ khi được đào tạo nâng cao tay nghề và trang bị thêm các thiết bị hiện đại, BN ung thư đến với BV mỗi năm tăng trung bình 24%, tình hình chuyển tuyến lên BV Ung Bướu TP.HCM giảm 27,3%; các loại phẫu thuật loại I và đặc biệt tăng từ 28,2 lên 33,6%.

Bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ nhấn mạnh: “Có thể nói, những năm gần đây, ngành y tế Cần Thơ đã mang một diện mạo mới, các BV chuyên khoa từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xứng đáng với vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Uy tín, niềm tin của BN dành cho chúng tôi, tôi xin được chia sẻ cùng các đồng nghiệp ở TP.HCM, bởi sự hỗ trợ nhiệt tình, chu đáo và đầy trách nhiệm của các đồng nghiệp thật sự là những ân tình không thể đong đếm được”.

 

Kiểm soát tiểu đường bằng smartphone

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/kiem-soat-tieu-duong-bang-smartphone-699066.html

Các nhà khoa học đang thử nghiệm sử dụng smartphone để kiểm soát lượng đường có trong máu chuột, BBC cho biết.

Sáng kiến này được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine. Các nhà khoa học tin rằng liệu pháp này cũng có thể được áp dụng để cai nghiện ma túy và mở ra một kỷ nguyên mới trong y học: Số hóa y tế.

Liệu pháp có tên optogenetics. Các nhà khoa học sẽ biến các tế bào thông thường thành tế bào thông minh, thành các “nhà máy” có thể chẩn đoán tiểu đường. Nghĩa là các tế bào này sẽ bị đột biến để sản xuất thuốc kiểm soát insulin. Sau đó, người ta sẽ gắn vào cơ thể một đèn LED không dây cùng với ứng dụng kèm theo trên smartphone.

Trong một cuộc thử nghiệm gần đây thực hiện tại ĐH Sư phạm miền Đông Trung Quốc, các nhà khoa học đã cấy ghép thành công hệ thống trên và kiểm soát được lượng đường của chuột.

Tuy nhiên, họ vẫn cần phải nghiên cứu sâu hơn để biết lượng đường có trong một thể tích máu của từng người là bao nhiêu. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một hệ thống hoàn toàn tự động mà cả bác sĩ và smartphone đều có thể phát hiện ra lượng đường trong máu rồi đưa ra cách điều trị phù hợp.

Theo GS Mark Gomelsky, nhà sinh vật học phân tử tại ĐH Wyoming (Mỹ), tuy chỉ là bước đầu nhưng đây có vẻ là một “thành tựu thú vị”. Ông cũng đặt ra câu hỏi: “Bao lâu nữa thì những người đi đường đeo vòng đeo tay LED thời trang có thể sử dụng nó dưới sự kiểm soát của smartphone để chiếu sáng các tế bào cấy ghép, tìm ra bệnh và có phương pháp điều trị hợp lý”.

Một ngày không xa thôi, chúng ta sẽ có cơ hội chữa bệnh bằng các tế bào thông minh!

 

Bất chấp bác sĩ khuyên bỏ thai, người mẹ vẫn quyết sinh hai bé chỉ có 2 chân

http://phunuonline.com.vn/suc-khoe/bat-chap-bac-si-khuyen-bo-thai-nguoi-me-van-quyet-sinh-hai-be-chi-co-2-chan-99311/

Bất chấp bác sĩ khuyên bỏ thai, người mẹ trẻ vẫn quyết sinh hai bé sinh đôi dính liền nhau. Hai bé sinh ra khi thai được 37 tuần.

Chị Torres (22 tuổi, ở Mỹ) đã hạ sinh hai bé sinh đôi dính liền nhau bằng phương pháp đẻ mổ. Chị đặt tên cho hai con là bé Callie và Carter. Hai bé chào đời khi thai được 37 tuần.

Trước đó, bác sĩ đã khuyên chị Torres nên chấm dứt thai kỳ vì cặp song sinh bị dính liền, dự đoán cả hai sẽ không sống được qua tuần thứ 11 của thai kỳ.

Bất chấp lời khuyên của bác sĩ, vợ chồng chị Torres vẫn quyết tâm sinh con. May mắn, cặp song sinh dính liền đã ra đời khỏe mạnh, mỗi bé nặng khoảng 2kg.

Chị Torres phát hiện mình đang mang thai một cặp song sinh dính liền từ khi thai được 3 tuần. Dù được biết cơ hội sống sót của các con rất thấp, vợ chồng chị vẫn quyết định tiếp tục thai kỳ.

Theo số liệu từ Đại học Maryland, có 40 - 60% các cặp song sinh dính liền tử vong sớm, và hơn 1/3 trường hợp sống không được đến 1 ngày.

Callie và Carter là cặp song sinh dính liền dạng omphalo-ischiopagus, có chưa đến 5% các trường hợp song sinh dính liền thuộc trường hợp này.

Khi thai kỳ mắc dạng này, hai bé sẽ có hai chân và một xương chậu chung, nhưng hai phần thân thể tách biệt và đối mặt với nhau. Ngoài ra cả hai bé không có chung bất cứ bộ phận quan trọng nào.

Sau khi sinh con, vợ chồng chị Torres đã tìm đến những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất nước Mỹ để thực hiện tách rời hai bé.

Nhưng các bác sĩ đều cho rằng tình trạng của hai bé không nên tách rời.

Tách rời các cặp song sinh dính liền là một loại phẫu thuật nguy hiểm thường dẫn đến cái chết của ít nhất một trong hai bé.

Các biến chứng tiềm ẩn bao gồm: máu đông, nhiễm trùng và các vấn đề về tim mạch. Các bác sĩ chỉ sẵn sàng thực hiện phẫu thuật khi tình trạng của cặp song sinh là quá tệ.

Chị Torres chia sẻ, thời gian qua hai vợ chồng chị đã phải điều chỉnh nhiều thứ trong nhà, chẳng hạn như may quần áo dính lại với nhau và chỉnh lại ghế xe hơi để phù hợp với các con.

 

Dầu dừa: "Anh hùng" hay "tội đồ"?

http://dantri.com.vn/suc-khoe/dau-dua-anh-hung-hay-toi-do-20170501070321867.htm

Xu hướng thực phẩm như những con sóng, đến rồi đi nhưng với dầu dừa có vẻ như là ngoại lệ. Ở các nước phát triển, dầu dừa đang được đưa vào mọi món ăn, từ món rán đến món nướng, từ ly cà phê đến chăm sóc tóc và da. Câu hỏi đặt ra là siêu thực phẩm này có đang bị cường điệu hóa?

McKel Hill, nhà phát hiện và là tác giả cuốn “Bóc trần dinh dưỡng” cho biết: “Giống như tất cả các thực phẩm khác, dầu dừa không phải là thực phẩm thần kỳ mà bạn có thể kết hợp nó một cách thoải mái trong cuộc sống với mong muốn thay đổi hoàn toàn sức khỏe”.

Thứ dầu này vốn nổi tiếng này có lượng chất béo no (chất béo bão hòa) chiếm tới hơn 90%. Tức là nếu 1 thìa dầu dừa có 13 g chất béo các loại thì 11 g trong đó là chất béo bão hòa. Trong khi đó, cùng 1 thìa dầu ôliu, chỉ có 2 g chất béo no và chủ yếu là chất béo không bão hòa đơn, vốn rất tốt cho não và sức khỏe tim.

Hiện hướng dẫn về lượng chất béo nạp vào cơ thể chưa có gì thay đổi. Theo khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nếu lượng calo trung bình cơ thể nạp vào là 2.000 calo/người/ngày thì lượng chất béo no không được nhiều hơn 13 g.

Chuyên gia dinh dưỡng Penny Kris-Etherton của PennState cảnh báo: “Nếu dầu dừa là một phần của chế độ dinh dưỡng, bạn nên cẩn thận bởi chỉ 1 thìa là đã gần đủ lượng chất béo no cả ngày”.

Thêm vào đó, có những lo lắng đặc biệt đối với việc nạp dầu dừa và các bệnh tật. “Dầu dừa rất giàu chất béo no, vốn liên quan với nồng độ cholesterol LDL tăng cao và khiến tình trạng kháng insulin thêm trầm trọng, một vấn đề của hàng triệu người mắc đái tháo đường typ 2 và tiền đái tháo đường", chuyên gia Jill Weisenberger , tác giả cuốn Hướng dẫn dinh dưỡng tốt hơn dành cho cá nhân làm việc quá sức, cho biết.

Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây trên tạp chí American College of Cardiology đã giải quyết những “vấn đề dinh dưỡng gây tranh cãi” và một trong số đó là dầu dừa.

Sau khi xem xét các nghiên cứu, các nhà khoa học đều khuyến nghị nên tránh dùng dầu dừa do lượng chất béo bão hòa cao có thể ảnh hưởng đến tim. "Chất béo no làm tăng cholesterol LDL, một yếu tố nguy cơ làm tăng bệnh tim”, Kris-Etherton, đồng tác giả nghiên cứu nói.

Tuy nhiên, nói như vậy nhưng không phải ai cũng tránh xa dầu dừa. Nhiều chuyên gia sức khỏe luôn có sẵn loại dầu mềm như sáp này trong tủ lạnh. Bởi có một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy dầu dừa hỗ trợ giảm cân, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và có tác dụng chống vi khuẩn. Nhiều nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng cho thấy chất béo no trong dầu dừa liên quan với nguy cơ mắc bệnh tim. Còn một nghiên cứu gầy đây khẳng định trong chế độ ăn uống lành mạnh, không chế biến sẵn, lượng chất béo bão hòa không làm tăng nguy cơ bệnh tim.

Một số nhà khoa học khác cho rằng chất béo no trong dầu dừa là một chất béo no ngoại lệ vì thành phần chính của nó là axit lauric - 1 chuỗi axit béo trung bình và axit myristic - chuỗi axit béo ngắn (MCTs), vốn cơ thể hấp thụ nhanh hơn.

Tuy nhiên, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nutrition Reviews cho thấy quan điểm khác, rằng axit lauric là 1 chuỗi axit béo dài và làm tăng cholesterol LDL “xấu”. Vì vậy, trong chế độ ăn kiểu phương Tây (nhiều thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh), dầu dừa không tốt cho sức khỏe.

Vậy trong khi chờ các bằng chứng cụ thể hơn về lợi ích sức khỏe của dầu dừa, bạn nên tuân thủ 4 nguyên tắc sử dụng dầu thông minh đã được công nhận sau:

Chọn loại dầu không đông: Chuyên gia dinh dưỡng Weisenberger khuyến cáo nên dùng các loại dầu không đông để nấu ăn hằng ngày. Bởi dầu không đông sẽ chứa nhiều chất béo không bão hòa và dù gì thì chất béo không bão hòa vẫn luôn tốt hơn và các loại dầu không đông sẽ giúp kiểm soát lượng chất béo no nạp vào cơ thể hiệu quả hơn.

Luôn kiểm soát lượng dầu cho vào món ăn. Chỉ cần nhớ rằng 1 thìa dầu dừa chứa 120 calo và 11 g chất béo no, và bạn cần kết hợp với các loại chất béo có trong dầu ôliu, bơ và trứng… là đảm bảo lượng chất béo lành mạnh cho cơ thể trong cả ngày.

Chỉ thêm dầu dừa vào món tráng miệng. Bởi chúng ta luôn sử dụng hơn 1 thìa dầu khi xào, nấu do đó với dầu dừa, do chứa nhiều chất béo no nên rất dễ đông (tương tự như bơ, mỡ…), sẽ rất phù hợp với món tráng miệng. Bởi với đồ ngọt, bạn sẽ luôn cảnh giác và chỉ ăn ở mức vừa phải. Hơn thế, dầu dừa sẽ đông lại khi để lạnh và vẫn duy trì được trạng thái này khi để ở nhiệt độ phòng nên sẽ là chất kết dính tuyệt vời trong món tráng miệng.

Làm đẹp. Nghiên cứu chỉ ra rằng axit lauric trong dầu dừa giúp làm mềm, nuôi dưỡng và tang cường sức khỏe cho tóc. Dầu dừa cũng giúp cải thiện tình trạng khử nước trên da do tia cực tím.

Cuối cùng, chỉ nên sử dụng một chút dầu dừa trong chế độ ăn thay vì dùng nó như một siêu thực phẩm!

 

Dạ con nhân tạo

http://thanhnien.vn/suc-khoe/da-con-nhan-tao-830938.html

Các nhà khoa học Mỹ đã phát minh phiên bản đời đầu của “dạ con nhân tạo”, với hy vọng một ngày không xa có thể cứu sống trẻ sinh thiếu tháng nghiêm trọng.

Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 30.000 trẻ sinh ra khi chưa đến tuần thứ 26 trong bụng mẹ, và bị xếp vào dạng “sinh non nghiêm trọng”. Hậu quả là trẻ gặp rất nhiều thách thức về sức khỏe thể chất lẫn tâm thần. Phân nửa số này không qua khỏi, và những trẻ còn sống phải đối mặt với nguy cơ cao đến 90% bị mắc những vấn đề về mặt sức khỏe trong dài hạn.

“Thách thức đầu tiên đối với trẻ đặc biệt thiếu tháng là phải làm sao sống sót”, tờ The Washington Post dẫn lời Kevin Dysart, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia. Sống sót rồi mới tính đến những khía cạnh khác như đi đứng, nói chuyện, nghe nhìn. Nói cách khác, trẻ hoàn toàn chưa được chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc sống và y học hiện đại vẫn chưa có cách xử lý tốt cho những trường hợp này.

Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong thập niên tới. Theo cuộc nghiên cứu tiền lâm sàng được công bố trên chuyên san Nature Communications, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia đã “trình làng” dạ con nhân tạo cho những trẻ đặc biệt thiếu tháng, cho phép đối tượng tiếp tục phát triển tự nhiên bên ngoài tử cung của người mẹ. Hiện trẻ rơi vào tình trạng như vậy được đặt vào lồng ấp, với dưỡng chất và oxygen được cung cấp đầy đủ, nhưng vẫn không thể bắt chước môi trường tự nhiên như trong bụng mẹ. Trong tử cung, người mẹ truyền oxygen thông qua máu truyền qua dây rốn. Nếu rời khỏi dạ con, sự phát triển của phổi trẻ sẽ bị rối loạn và đình trệ. Vì vậy, vấn đề cấp bách ở đây là làm sao tạo được môi trường hỗ trợ các cơ quan tiếp tục được phát triển trong cơ thể trẻ bị thiếu tháng, theo hướng truyền oxygen thông qua cuống rốn chứ không phải ống thở.

Cận thị, cũng như các tật khúc xạ (viễn thị, loạn thị) có thể được phẫu thuật mà không cần phải động chạm vào mắt, tạo vạt giác mạc. Phương pháp này vừa được Bệnh viện Mắt TP.HCM áp dụng đầu tiên tại Việt Nam.

Các chuyên gia Mỹ đã nghĩ ra phương án dùng túi nhựa polyethylene chứa đầy dịch ối nhân tạo, có thể ngay lập tức tiếp nhận những trẻ sơ sinh phải rời bụng mẹ sớm. Một thiết bị đóng vai trò như hệ thống tuần hoàn, gồm 2 ống được kết nối thông qua cuống rốn. Một ống truyền máu từ cơ thể sang máy tạo oxygen, và ống còn lại đưa máu chứa dưỡng khí vào bào thai. Thiết bị sử dụng năng lượng từ nhịp tim của thai nhi. Theo báo cáo, đội ngũ nghiên cứu đã thử nghiệm thành công dạ con nhân tạo đối với 8 bào thai cừu, từ 105 đến 115 ngày tuổi, tương tự quá trình phát triển của thai nhi người 23 tuần tuổi.

“Chúng tôi đã hoàn toàn thành công khi nuôi bào thai cừu trong dạ con nhân tạo”, theo trưởng nhóm Alan Flake. Ông cho hay trong quá trình nuôi dưỡng, bào thai động vật thể hiện sự tăng trưởng bình thường, và quan trọng hơn nữa là quá trình trưởng thành của phổi cũng được tiếp diễn.

Mục tiêu của đội ngũ khoa học gia là có thể thử nghiệm thiết bị này ở trẻ đặc biệt sinh thiếu tháng trong vòng từ 3 đến 5 năm nữa. Tuy nhiên, không ít các nhà khoa học bày tỏ quan ngại về khía cạnh đạo đức khi dùng thiết bị thay thế dạ con ở người.

Sự sống người nhân tạo có thể sớm được nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm, sau khi giới khoa học đã thành công trong việc tạo phôi thai động vật có vú từ tế bào gốc.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang