Virus Zika hoành hành ở Singapore, Bộ Y tế họp bàn ứng phó
http://www.vietnamplus.vn/virus-zika-hoanh-hanh-o-singapore-bo-y-te-hop-ban-ung-pho/404103.vnp
http://doanhnghiepvn.vn/virus-zika-hoanh-hanh-o-singapore-bo-y-te-hop-ban-cach-ung-pho-d78764.html
http://news.skydoor.net/link/1822144
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến tại 4 điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và Khánh Hòa nhằm tăng cường giám sát phát hiện sớm trường hợp nhiễm virus Zika tại các điểm có nguy cơ cao.
Tính đến ngày 31/8, tại Singapore đã có 115 trường hợp nhiễm virus Zika. Kể từ ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện tại quốc gia này được công bố hôm 27/8, các ca nhiễm mới liên tục được ghi nhận
Hiện nay trên thế giới đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lây truyền của virus Zika do muỗi truyền, 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định việc lây truyền của virus Zika mặc dù có chiều hướng chậm lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt ở những nơi có véctơ truyền bệnh.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Trước tình hình đó, để tăng cường giám sát bệnh do virus Zika, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: virus Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya. Test Trioplex được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) hỗ trợ.
Tại buổi họp trực tuyến, các đại biểu tại 4 điểm cầu đã tập trung thảo luận, thống nhất cần tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ Zika, đưa ra các tiêu chí lấy mẫu xét nghiệm để tránh bỏ sót nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm Zika nếu có; sử dụng kỹ thuật xét nghiệm mới cùng lúc phát hiện 3 tác nhân gây bệnh để có thể tổ chức phòng chống bệnh kịp thời.
Các đại biểu cùng thống nhất về tiêu chí chọn mẫu, địa điểm triển khai giám sát trọng điểm căn cứ trên tình hình thực tiễn của các địa phương. Kế hoạch triển khai giám sát sẽ mở rộng ra các phòng khám ngoại trú, nơi bệnh nhân thường có biểu hiện các triệu chứng nhẹ tới khám để lấy được đúng đối tượng giám sát, hạn chế việc bỏ sót đối tượng.
Quy trình chọn mẫu, thu thập, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm... được thực hiện theo quyết định của Bộ Y tế về “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do virus Zika.”
Đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) đánh giá cao sự đáp ứng nhanh nhạy của Việt Nam trước nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh do virus Zika và nỗ lực giảm sự lây lan của dịch sốt xuất huyết, phòng chống sốt Chikungunya. Việc sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, lường trước các tình huống khẩn cấp, đề rõ các tiêu chí giám sát hiệu quả một cách cụ thể là cách tốt nhất để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh.
Trung tâm sẵn sàng hỗ trợ hệ thống giám sát của Việt Nam, cung cấp test kit, sinh phẩm, dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm... cho các điểm giám sát thông qua hệ thống các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur tại Việt Nam.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện cần xây dựng kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex chi tiết để triển khai sớm ngay đầu tháng 9/2016. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế nhằm thống nhất quy trình xét nghiệm, chọn mẫu giám sát trên toàn quốc./.
Bệnh sốt xuất huyết gia tăng, diễn biến phức tạp tại Phú Quốc
http://www.vietnamplus.vn/benh-sot-xuat-huyet-gia-tang-dien-bien-phuc-tap-tai-phu-quoc/404105.vnp
http://news.skydoor.net/link/1822145
Thời tiết diễn biến thất thường làm cho muỗi truyền bệnh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có điều kiện phát triển mạnh. Hiện tại ở hai huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), các ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Tại huyện Phú Quốc, trong 8 tháng qua có 89 trường hợp mắc sốt xuất huyết xuất hiện rải rác trên toàn đảo; số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2015, vượt quá ngưỡng trung bình 5 năm.
Xã Gành Dầu có số ca mắc sốt huyết cao nhất là 40 ca, chiếm gần 50% số ca sốt xuất huyết toàn đảo. Trung tâm y tế huyện đã phát hiện hai ổ bệnh ở ấp Chuồng Vích và Gành Dầu.
Theo bác sỹ Nguyễn Minh Lương - Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm y tế huyện Phú Quốc, nếu những năm trước bệnh sốt xuất huyết thường xuất hiện ở những trẻ nhỏ thì năm nay tỷ lệ người lớn mắc bệnh tăng cao.
Tại huyện đảo Phú Quốc, bệnh sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp do hiện đang vào cao điểm của mùa mưa, trong khi người dân chưa chủ động các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.
Theo khảo sát ở một số địa phương trong huyện, nhất là ở ấp Gành Dầu, Chuồng Vích, xã Gành Dầu - nơi có tỷ lệ người bệnh sốt xuất huyết cao nhất, muỗi và lăng quăng xuất hiện khá nhiều với mức độ cao gấp hai lần so với ngưỡng cho phép. Do vậy, bệnh sốt xuất huyết còn gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Trung tâm y tế huyện Phú Quốc thành lập đội giám sát để xuống địa phương kiểm tra công tác vệ sinh môi trường và tuyên truyền người dân tham gia phòng chống.
Còn tại huyện đảo Kiên Hải, trong 8 tháng năm 2016, toàn huyện có 60 ca sốt xuất huyết nằm rải rác ở các xã Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du, An Sơn. Tại xã An Sơn ghi nhận có 5 ổ bệnh nhỏ, trong khi đó cả năm 2015 toàn huyện Kiên Hải chỉ có 11 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết.
Theo bác sỹ Lê Thị Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Kiên Hải, do điều kiện đi lại khó khăn, cơ sở của ngành y tế cũng chưa đảm bảo nên hầu hết các ca bệnh hoặc nghi ngờ mắc sốt huyết đều được Trung tâm y tế huyện chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang điều trị nhằm hạn chế trường hợp tử vong do thiếu cơ sở vật chất, kỹ thuật.
Để chủ động ngăn ngừa, không để bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng, Trung tâm y tế huyện Kiên Hải tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh bằng nhiều hình thức như tiến hành phun hóa chất và ra quân diệt lăng quăng; giám sát chặt chẽ các trường hợp phát bệnh hoặc nghi mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trung tâm y tế huyện Kiên Hải tham mưu với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cùng với Khoa kiểm soát dịch bệnh của huyện triển khai chiến dịch diệt lăng quăng trên toàn địa bàn huyện. Bên cạnh đó, vận dộng người dân thực hiện vệ sinh trong gia đình; hướng dẫn bà con ngủ trong màn kể cả ban ngày; xúc rửa lu; phát hoang bụi rậm; xử lý vật dụng chứa nước thải xung quanh nhà.
Ngành y tế khuyến cáo người dân khi phát hiện có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời theo đúng phát đồ, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh sốt xuất huyết gây ra./.
Trắng đêm cấp cứu người bị nạn những ngày nghỉ lễ
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/trang-dem-cap-cuu-nguoi-bi-nan-nhung-ngay-nghi-le-3462439.html
http://diemtinnong.net/suc-khoe/trang-dem-cap-cuu-nguoi-bi-nan-nhung-ngay-nghi-le.html#.V8tAvluLTIU
http://news.zing.vn/trang-dem-cuu-nguoi-bi-tai-nan-tai-hien-truong-post678588.html
Tối 1/9 điện thoại tổng đài cấp cứu 115 TP HCM reo liên tục, một người gặp tai nạn giao thông tại đại lộ Võ Văn Kiệt, ê kíp y bác sĩ trực cấp cứu đã sẵn sàng.
Vội lùa hộp cơm cho đầy bụng, kíp trực gồm một bác sĩ, 2 điều dưỡng vội vàng xách hai va li thuốc, dụng cụ y tế, máy sốc điện trong vòng 3 phút sau khi nhận cuộc gọi đã xuất bến. Chiếc xe 115 hú còi liên tục băng qua những tuyến đường, chen chúc giữa dòng xe đông nghịt của buổi chiều nhiều người vội về quê nghỉ lễ, 15 phút sau có mặt tại hiện trường tai nạn. Nạn nhân là một thanh niên 28 tuổi, tự gây tai nạn trong trạng thái say xỉn bị rách mũi, chấn thương vùng đầu, trạng thái không tỉnh táo. Ngay lập tức nhân viên y tế kiểm tra tình trạng nạn nhân, dùng thuốc sát trùng vết thương, băng bó, đồng thời hỏi địa chỉ nhà nạn nhân liên hệ người thân. Chẩn đoán lâm sàng, vết thương, mức độ nhận biết nạn nhân, ê kíp cấp cứu đưa người bị nạn về Bệnh viện 115 bàn giao cho bệnh viện.
Cứ ngỡ chiếc xe vừa trở về trung tâm mọi người sẽ được nghỉ xả hơi trong khi cả 3 kíp trực khác đã rời bến đi làm nhiệm vụ, thì nhận tiếp một cuộc điện thoại cấp cứu nên lại vội lên đường. Lần này một ca khác liên quan đến tai nạn giao thông. Đồng hồ điểm ở 23h45, chiếc xe rời bến sau 15 phút có mặt tại hiện trường tai nạn (Hương Lộ 3, quận Bình Tân, TP HCM) cách trung tâm khoảng 17 km. Giữa màn đêm tiếng còi hú như xé toang cả sự tĩnh lặng, đánh thức các tuyến phố. Trên khuôn mặt các nhân viên lộ vẻ mệt nhoài, sắc mặt nhợt nhạt vì thiếu ngủ, đôi mắt thâm quầng. Từ sáng đến chiều 1/9 họ đã trải qua 19 ca cấp cứu, chạy lòng vòng khắp Sài Gòn.
Tiếp cận hiện trường, một thanh niên khoảng 18 tuổi bị tai nạn trong trạng thái đau đớn kêu la quằn quại. Cô điều dưỡng bình tĩnh động viên: “Anh đừng la nữa mất sức, nằm im em sẽ cấp cứu không đau đâu”. Cô thao tác nhanh, đo huyết áp, đánh giá tình hình bệnh lý, các nhân viên giữ chặt nạn nhân tìm ven trong đêm tối để truyền dịch. Chưa đầy 2 phút sau chàng thanh niên nằm im trên băng ca chuyển về bệnh viện.
Bàn giao bệnh nhân cho bệnh viện xong thì đồng hồ đã 1h sáng 2/9. Kíp trực ai cũng mệt nhoài. Họ được nghỉ ngơi chợp mắt, một đội khác lên đường làm nhiệm vụ trực chiến cho nhiệm vụ bắn pháo hoa dịp lễ đến sáng mới trở về Trung tâm cấp cứu 115.
Nói là nghỉ ngơi, hơn chục nhân viên chỉ ngủ “nửa con mắt”, đặt lưng xuống chỉ để ngay lưng hồi sức cho những cuộc chạy đua khác. Bộ phận trực tổng đài viên thì phải thức 24/24. Trung tâm cấp cứu 115 có thể nói là “đầu não” chỉ huy toàn bộ lực lượng cấp cứu toàn thành phố. Trung tâm có nhiệm vụ nhận tin cấp cứu, phân loại bệnh, chia khu vực cho các trạm vệ tinh cấp cứu nhịp nhàng.
3h sáng, cuộc gọi từ một gia đình khẩn thiết nhờ trung tâm cấp cứu cho cụ bà 98 tuổi. Tiếng chuông reng ở “bộ chỉ huy” như đánh thức tất cả. Bác sĩ chỉ kịp ngáp ngắn ngáp dài vài cái rồi mặc áo và lên đường. Đến nơi bác sĩ bình tĩnh xử lý, đo điện tim cho cụ bà 98 tuổi bị tai biến. Nhìn con cháu cụ đang hy vọng từ ánh mắt, bác sĩ biết bà cụ không qua khỏi vì đã ngưng tim ngưng thở từ rất lâu song vẫn phải làm nhiệm vụ khám chữa của mình để người thân cụ toại nguyện.
Máy đo điện tim vẫn khởi động tìm mạch bà cụ dù chỉ là một tia hy vọng. Tờ giấy kết quả điện tim báo hiệu một đường thẳng. Bác sĩ an ủi: “Thật sự bà đã đi cách đây một tiếng đồng hồ, rất tiếc. Người nhà hãy để cụ nằm thẳng đầu lại để cụ ra đi nhẹ nhàng”.
Chào tạm biệt gia đình bà cụ, bác sĩ lộ rõ sự tiếc nuối, dường như có những giới hạn quy luật sinh, lão, bệnh, tử, không thể cưỡng lại. Tuy nhiên, làm nghề giành giật sự sống với tử thần, cả ê kíp vẫn có chút gì đó gợn trong lòng.
Chiếc xe cấp cứu không còn hú còi, lặng lẽ trở về trung tâm. Lúc này trời bắt đầu sáng, đồng hồ điểm 4h. Trong căn phòng trực ánh đèn vẫn sáng, hai nhân viên tổng đài vẫn miệt mài trực. Họ chuẩn bị giao ca cho một ê kíp khác trực cấp cứu cho ngày mới. Đoàn xe trực chiến cấp cứu cho sự kiện bắn pháo hoa kỷ niệm ngày thống nhất 2/9, từ hầm Thủ Thiêm cũng kịp trở về.
Cứ như vậy những đêm trắng xoay vòng liên tục ở trung tâm cấp cứu ngoại viện 115 TP HCM.
Số người nhiễm viêm gan A tăng cao, diễn biến phức tạp
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/so-nguoi-nhiem-viem-gan-a-tang-cao-dien-bien-phuc-tap-650458.html
(PLO)- Trong thời gian qua, tình trạng dịch bệnh viêm gan A tại hai xã của huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) đang diễn biến hết sức phức tạp.
Qua trao đổi, ông Dương Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, xác nhận tình trạng dịch bệnh viêm gan A tại xã Linh Thượng của huyện có nguy cơ lây lan cao.
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn xã Linh Thượng và Vĩnh Trường đã có 43 ca nhiễm virus viêm gan A. Riêng tại xã Linh Thượng bệnh bùng phát tại 5/7 thôn, tập trung ở hai thôn là Ba De, Cu Đinh. Đa số bệnh nhân là người đồng bào dân tộc Vân kiều.
Ông Hồ Xuân Hải, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Linh Thượng, cho biết đến thời điểm hiện tại dịch bệnh vẫn tiếp tục xảy ra. Mới đây nhất vào ngày 31-8 trạm y tế xã ghi nhận thêm một ca mới nhiễm bệnh.
“Phần lớn nam giới là đối tượng nhiễm bệnh nhiều nhất, bởi họ thường xuyên tụ tập nhậu nhẹt, tập trung ăn chung, uống chung chén bát nên mầm bệnh lây lan rất nhanh. Cộng thêm một phần người dân không có ý thức, không chủ động cách ly để phòng tránh mầm bệnh, không thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh chân tay bằng xà phòng… nên tỉ lệ lây bệnh là rất cao”, ông Hải nói.
Để ngăn chặn bệnh lây lan, ngành y tế Quảng Trị đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, sử dụng vôi bột để khử trùng…
Các trường hợp mắc bệnh được hướng dẫn về bệnh viện đa khoa huyện để điều trị cách ly tránh trường hợp bệnh lây lan.
Sau khi xảy ra dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Gio Linh, Trạm Y tế xã Linh Thượng tổ chức xử lý ổ dịch ra làm bốn đợt. Cùng với đó, UBND huyện Gio Linh đã chỉ đạo các bộ phận nhanh chóng vào cuộc cùng phối hợp để dập dịch.
Nữ y tá 35 năm “lập chốt” cứu người gặp nạn trên xa lộ
http://dantri.com.vn/suc-khoe/nu-y-ta-35-nam-lap-chot-cuu-nguoi-gap-nan-tren-xa-lo-20160903080828369.htm
Mặc dù công việc không có lương thưởng, bản thân phải tự bỏ tiền mua các dụng cụ y tế, nhưng nữ y tá Đào Thị Liên vẫn miệt mài với công việc cứu người gặp nạn suốt 35 năm qua. Bà chia sẻ: Đó là mối lương duyên, trách nhiệm với nghề Y chứ không phải sự cầu lợi cho bản thân.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ cứu người để được hậu tạ... ”
Hơn 35 năm qua, bà Liên vẫn miệt mài làm công việc “lập chốt” cứu người bị tai nạn. Ảnh: Đức Tùy
Phải mất ba lần tìm đến nhà, chúng tôi mới gặp được bà Đào Thị Liên (sinh năm 1949, ở thôn Dưỡng Thái Trung, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Không phải bà ngại gặp chúng tôi mà do có nhiều người bệnh nhờ bà tiêm thuốc và tư vấn sức khỏe. Tiếp chúng tôi giữa buổi trưa muộn trong căn nhà cạnh quốc lộ 5, bà Liên cho biết: “Cứ thấy ai không may gặp tai nạn trên tuyến đường này là tôi cứu. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình cứu người để được họ cảm ơn”.
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Hà Bắc (cũ) năm 1971, bà Liên được phân công về Bệnh viện tỉnh Hải Dương, nhưng bà đã từ chối mà xin về Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành để được gần nhà và phục vụ bà con địa phương. Đến lúc được cơ quan phân đất ở, bà cũng không nhận mảnh đất trong trung tâm thị trấn mà xin ra khu vực ven đường quốc lộ 5 dù hồi đó khu vực này còn rất thưa thớt, vắng vẻ.
Bà Liên kể, tại khu vực bà sinh sống có đường tàu chạy qua, có 3 trường học và lối rẽ sang huyện Kinh Môn. Khu vực này lúc nào cũng đông người và phương tiện qua lại. Đó chính là nguyên nhân ở đây thường xuyên xảy ra tai nạn. Nhiều lần chứng kiến người gặp nạn, bà Liên thấy xót xa cho những nạn nhân, trong khi bản thân làm nghề y mà không giúp được gì cho họ. Điều này khiến bà luôn trăn trở!
Xuất phát từ cái tâm với nghề y và lòng trắc ẩn, từ năm 1980, bà Liên bắt đầu công việc giúp đỡ người bị nạn. Sau đó bà đã dành một phòng riêng trong ngôi nhà cấp bốn của mình để dựng “chốt cấp cứu”. Thời gian đầu, bà đã nhận không ít lời gièm pha, thiếu thiện chí. Thậm chí có người còn tỏ sự ngờ vực về lòng tốt của bà, cho rằng bà đang lợi dụng để trục lợi (?!). “Nghe vậy, tôi buồn lắm, nhưng mình làm xuất phát từ cái tâm, không điều gì sai trái thì không có gì phải nghi ngại. Bản thân đang làm nghề y là để cứu người, thấy người bị nạn mà chỉ đứng nhìn thì sao xứng với nghề?”, bà Liên chia sẻ.
Năm 2006, Hội Liên hiệp Đoàn Y tế quốc tế phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và tỉnh Hải Dương đã chọn nhà bà làm địa điểm thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực hệ thống sơ cấp cứu tai nạn giao thông quốc lộ 5”. Bà Liên là người đầu tiên của tỉnh Hải Dương được tham gia dự án, được tập huấn bài bản và được trang bị một số dụng cụ sơ cứu. Tuy nhiên, đến năm 2009 thì dự án này kết thúc. Bà lại một mình "tự xoay" vì không còn được trợ cấp dụng cụ y tế nữa.
"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng..."
Trong cuốn sổ ghi chép từ năm 2006 mà bà Liên lưu lại, đã có gần 400 trường hợp được bà Liên và gia đình cấp cứu. Mỗi trường hợp, mỗi nạn nhân là những câu chuyện khác nhau. Có những trường hợp chỉ cần nhắc đến tên bà lại rơm rớm nước mắt.
Năm 2006, anh Nguyễn Khắc H (37 tuổi, ở thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành) bị tai nạn gãy chân tại ngã tư Phúc Thành. Khi đưa vào bệnh viện xét nghiệm, phát hiện anh đã bị nhiễm HIV. Hồi đó nhiều người vẫn chưa hiểu về căn bệnh này và tỏ ý xa lánh. Anh H đã xin về nhà và đến nhờ bà Liên giúp đỡ. Không ngần ngại, bà đã điều trị vết thương cho anh trong hai tháng, đến khi chân anh khỏi hẳn. Cảm động trước tấm lòng của bà, anh H bật khóc và gọi bà Liên bằng mẹ. Bà không chỉ băng bó, giúp đôi chân anh lành lặn mà còn cứu vớt tâm hồn của một người đang mặc cảm về bệnh tật và bị xã hội kì thị.
Một ngày năm 2010, lúc đó khoảng 8h sáng, bà Liên nhận được thông tin có hai người phụ nữ ở Hải Phòng bị nạn, một người bị gãy chân, người còn lại nằm trong gầm xe tải bất tỉnh. Bà lập tức đến hiện trường ngay, nhờ người lấy gạch chặn bánh xe lại và cùng mọi người chui xuống gầm xe, đưa người phụ nữ ra ngoài.
Bà Liên bộc bạch: “Khi ấy, tôi nghe trực tiếp nhịp tim bằng tai và thấy tim nạn nhân vẫn còn đập. Tôi tiến hành hô hấp nhân tạo tại chỗ đến khi bệnh nhân tỉnh lại. Gia đình tôi đưa hai nạn nhân vào nhà, băng bó vết thương. Sau đó, gọi xe cấp cứu đưa họ lên Bệnh viện Bạch Mai. Khi ra viện, hai người đã tìm đến nhà và hậu tạ. Họ đưa cho tôi một phong bì tiền nhưng tôi đã từ chối. Từ đó, chúng tôi xem nhau như người thân trong gia đình”.
Những "tai nạn" nhớ đời
Hướng ánh mắt lên bàn thờ của người chồng quá cố, bà Liên cho biết, năm 1967, bà thuộc cán bộ nguồn của địa phương và được cử đi học ngành Y. Trước ngày nhập học cũng là lúc bà nhận lời yêu ông Đoàn Như Gia, lúc đó đang là bộ đội. Vì nhiệm vụ chung nên lễ cưới hoãn lại đến năm 1969. Cưới xong, chồng bà tiếp tục vào chiến trường, còn bà ở nhà công tác tại bệnh viện huyện. Do bị thương, năm 1973 ông Gia được phục viên. Lúc này, hai vợ chồng mới được ở gần nhau để lo cho con cái, nuôi dạy các con trưởng thành. Tuy nhiên, thời gian này, vết thương chiến tranh tái phát khiến cho chồng bà đau ốm liên miên. Ông mất năm 1998.
Dẫn chúng tôi đi thăm "chốt cấp cứu", là căn nhà cấp bốn mới được khánh thành cuối tháng 8/2016, bà Liên tâm sự: “Chốt cấp cứu này xây dựng trên đất của gia đình tôi, nhưng kinh phí được nhiều nơi hỗ trợ, trong đó có phần đóng góp của những nạn nhân được tôi cứu sống và chương trình "Vì bạn xứng đáng" của Đài Truyền hình Việt Nam. Còn dụng cụ y tế, bông băng, tôi trích một phần từ tiền lương hàng tháng của mình”.
Tưởng rằng làm việc thiện cứu người gặp nạn thì sẽ được may mắn, nhưng có những trường hợp, gia đình bà lại gặp không ít phiền toái. Bà kể, vào dịp Tết năm 2012, một thanh niên ở xã Kim Lương (huyện Kim Thành) bị tai nạn xe máy bất tỉnh. Thấy vậy, bà cùng con trai chạy ra đưa nạn nhân vào nhà cấp cứu, sau đó đưa nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành. Khi tỉnh lại, nạn nhân phát hiện 20 triệu đồng trong cốp xe bị mất nên nghi ngờ cho con trai của bà. Lúc này, Công an vào cuộc điều tra, may sao có người đứng ra làm chứng giúp hai mẹ con bà được minh oan. Sau việc ấy, nhiều người đã hiểu, ủng hộ việc làm của bà. Các con, cháu đều tích cực giúp bà mỗi khi có tai nạn xảy ra.
Suốt hơn 35 năm qua, bà Liên chưa một lời than vãn, kể khổ về công việc “vác tù hàng tổng” của mình. Với sự hi sinh thầm lặng và đóng góp to lớn ấy, bà Liên đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Nhà nước và tỉnh Hải Dương trao tặng, được trao danh hiệu “Anh hùng xa lộ”.
Bà Liên cho biết: “Nếu sau này tôi không còn sức khỏe, không làm được nữa thì tôi đã có cháu gái đang học năm cuối trường Y, sẽ thay tôi làm công việc cứu giúp người bị nạn trên quốc lộ 5”. Bà Liên luôn tâm niệm một điều: Đã theo nghề y thì nên làm đúng lương tâm của người thầy thuốc, bà mong được một tổ chức hay các nhà hảo tâm hỗ trợ một số dụng cụ cấp cứu để công việc thuận lợi hơn.
Thầy thuốc đã ‘gần’ hơn trong mắt bệnh nhân
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/thay-thuoc-da-gan-hon-trong-mat-benh-nhan-650353.html
http://luathoc.cafeluat.com/threads/thay-thuoc-da-gan-hon-trong-mat-benh-nhan.798894/
(PL)- Đi xe đêm từ Cà Mau lên TP.HCM, gia đình anh Dương Tấn Đình đến Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy từ sáng sớm để bốc số, chờ đến lượt khám bệnh cho vợ bị động kinh.
Đến 9 giờ 30 sáng hai vợ chồng vào phòng khám. Cô con gái Dương Thị Trâm Anh, 12 tuổi, ngồi bên ngoài hành lang đợi cha mẹ loay hoay với cuốn truyện tranh. Hỏi ra mới biết em được cô hướng dẫn cho mượn quyển truyện đọc cho vui trong suốt thời gian đợi cha mẹ. “Con bé phải đợi ngoài này cùng chúng tôi mấy giờ đồng hồ, có lúc phải ngồi một mình. Chỉ sợ con buồn, con mệt rồi lại lo lắng nhưng may có các cô hướng dẫn cho mượn cuốn truyện” - anh Đình nói.
Theo anh Đình, mỗi lần quay lại BV Chợ Rẫy, bản thân anh đã cảm nhận được rất nhiều sự thay đổi, cố gắng từ người điều dưỡng cho đến bảo vệ. Họ chăm chút từng bảng hướng dẫn, có khi dắt đi đến phòng khám tận tình trong khi bệnh nhân lúc nào cũng rất đông. “Do ở đây bệnh nhân đến khám đông quá nên việc xếp hàng dài chờ đợi là bình thường. Thế nhưng nếu trong lúc áp lực chờ đợi ấy, người bệnh còn phải nghe các nhân viên la mắng, cáu gắt nữa thì càng mệt mỏi” - anh Đình chia sẻ thêm.
Nhân viên y tế đang tư vấn cho người bệnh tại BV Chợ Rẫy. “Đến BV ĐH Y Dược khám bệnh, tôi không nghĩ là mình là người đang có bệnh tật. Xuống xe, vào cổng đã được đón tiếp tận tình, bệnh viện còn trải cả thảm đỏ long trọng, đúng kiểu như mình được phục vụ. Qua BV Ung bướu TP.HCM cũng vậy, lượng bệnh nhân vẫn không giảm nhưng không khí lại nhẹ nhàng hơn nhiều, mấy đứa sinh viên tiếp sức người bệnh chạy tới chạy lui. Lấy cơm ở đâu, buổi tối nằm nghỉ chỗ nào không ướt mưa, đỡ lạnh cũng được chỉ dẫn. Tôi thấy mình được đồng cảm” - bà Mai Thị Lan, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết.
ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy, bộc bạch thực tế tinh thần và thái độ phục vụ của BV một thời gian dài bị than phiền rất nhiều. Do vậy, gần đây nhiều BV triển khai các cải tiến phục vụ như cho nhân viên hướng dẫn nam hỗ trợ đưa bệnh nhân từ taxi xuống, đẩy xe lăn; tổ chức khám bệnh từ lúc 5-6 giờ sáng; rút ngắn thời gian khám chữa bệnh; cung cấp các tiện ích miễn phí như nước uống, WiFi, hệ thống nhân viên hướng dẫn từ nơi khám cho đến nơi lãnh thuốc; cải tạo và xây thêm nhà vệ sinh...
Đối với nhiều người bệnh trên cả nước, Thông tư 43 của Bộ Y tế và Quyết định 2151 về “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh” dường như đã tạo nên một luồng gió mới, một tấm áo mới cho các BV. Tuy chỉ là bước đầu thực hiện nhưng thực tế cho thấy những nỗ lực rất lớn của ngành y. Người dân khi đi khám chữa bệnh cũng đã cảm nhận được sự thay đổi, thấy mình đã “gần” hơn đội ngũ y, bác sĩ.
Ghi nhanh ở phòng cấp cứu, tối 1-9
http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/ghi-nhanh-o-phong-cap-cuu-toi-19-650335.html
Tối 1-9, chúng tôi theo chân tổ cấp cứu ngoại viện của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM khi tổ đi xử lý các ca bị tai nạn giao thông. Tai nạn đã lấy mất của các nạn nhân những bộ phận trên cơ thể vốn dĩ lành lặn khi mới sinh ra.
“Lỗ mũi con sao vậy?”
Xe cấp cứu hú còi lao nhanh và thắng kịt gần đám đông trên đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 5, TP.HCM). Y sĩ Võ Văn Sậm cùng hai điều dưỡng Trịnh Hoàng Phương và Nguyễn An Tùng xách túi cứu thương xuống xe và tới thẳng người bị nạn. Một thanh niên độ 26 tuổi nồng nặc mùi rượu nằm sóng soài, gương mặt trầy trụa đầy máu. Cạnh anh này là chiếc xe máy bể nát phần đầu, đôi giày văng ra giữa đường. Nhìn kỹ, mọi người nhận ra lỗ mũi anh gần đứt lìa. “Tôi đang chạy ở làn đường dành cho xe hai bánh thì bất ngờ nghe tiếng rú ga. Tôi dạt vô lề, cùng lúc chiếc xe do anh này (người bị nạn - PV) điều khiển vượt lên với tốc độ nhanh. Bất ngờ anh loạng choạng rồi đâm xe vào dải phân cách, “bay” qua phần đường dành cho xe hai bánh, mặt đập mạnh dưới đất rồi bất tỉnh. Tôi gọi cấp cứu 115 rồi dùng điện thoại báo người nhà anh ấy biết” - ông Trường, một người đi đường tốt bụng, kể.
Nhân viên cấp cứu nhanh chóng đỡ bệnh nhân ngồi, sát khuẩn vết thương để băng bó. Một phụ nữ tầm 50 tuổi hớt hải chạy tới, rờ nắn khắp người anh ta rồi mếu máo: “Con có sao không? Lỗ mũi con sao vậy? Trời ơi, mẹ sinh con ra lành lặn, giờ con lại ra nông nỗi này”.
Bệnh nhân nhanh chóng được đưa lên xe cấp cứu. Trên đường chuyển tới bệnh viện, nhân viên y tế tiếp tục truyền dịch. Y sĩ Sậm lắc đầu: “Lỗ mũi sắp đứt lìa của anh ta sẽ được khâu lại. Tuy nhiên, sau khi lành sẽ mang vết thẹo trên gương mặt suối đời”.
Đôi chân sẽ không bao giờ lành lặn
Điện thoại Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM reo vang, đầu dây báo có một bệnh nhân nói năng vô thức do tai nạn giao thông đang nằm oằn oại trên đường thuộc địa bàn quận Bình Tân (TP.HCM). Tổ cấp cứu nhanh chóng lên xe.
Xe cấp cứu vừa tới, đám đông dạt ra. Một thanh niên trẻ măng độ 18 tuổi nồng mùi rượu nằm sóng soài, nói năng lảm nhảm. Nhiều vệt máu loang lổ trên mặt đường và quanh anh ta. “Tôi đang đứng hóng gió trước cửa nhà bỗng nghe cái rầm. Tôi thấy hai xe máy tông nhau, cậu này (người bị nạn - PV) đập mặt xuống đường bất tỉnh. Người kia loạng choạng đứng dậy rồi vọt xe bỏ chạy” - ông Trần Văn Bảo thuật lại.
Trong lúc hai điều dưỡng đo huyết áp, rửa sạch máu dính trên mặt bệnh nhân, BS Nguyễn Thắng Nhật Tuệ xem xét các vết thương khắp người anh. Khi BS Tuệ bóp nhẹ chân phải, bệnh nhân than đau. Nhận định người bị nạn bị gãy xương kín, BS Tuệ nhanh chóng dùng nẹp cố định. Lúc này cha của bệnh nhân cũng vừa tới. Biết được bệnh tình của con, ông thở dài: “Sau này chân con không được bình thường nữa rồi”.
“Bác sĩ sẽ phẫu thuật chân gãy cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau này bước đi của anh không như trước đây” - BS Tuệ nói trên đường chuyển bệnh nhân tới bệnh viện.
Những ca cấp cứu tai nạn giao thông mà bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu cao thì việc chẩn đoán càng khó khăn hơn. Nhiều trường hợp bác sĩ không biết đó là hôn mê do cồn hay hôn mê do chấn thương.
Một điều dưỡng tâm sự những tua trực của một đêm không bình thường như dịp cận lễ, số bệnh nhân vào bệnh viện do tai nạn giao thông rất nhiều. “Chúng tôi vừa tiễn một bệnh nhân bị chết não, mất cả tai, mắt do tai nạn giao thông” - chị nói. Lễ lạt, nhậu say, chạy xe nhanh, nhiều người gây tai nạn khủng khiếp cho người khác lẫn chính mình.
Mỗi ca tai nạn giao thông đều để lại vết thương khác nhau trên người bệnh nhân. Có người mất tai, mất mũi, bể hàm mặt; cũng có người gãy tay, chân hoặc chấn thương sọ não, chấn thương cột sống… Cho dù vết thương sau này lành lặn nhưng di chứng của nó còn mãi. Cha mẹ vui mừng khi đứa con sinh ra đủ tay đủ chân, không khiếm khuyết hình hài. Mỗi lần con đứt tay, té trầy chân là cha mẹ xót cả ruột. Cha mẹ cố gắng nâng niu, giữ gìn hình hài của con ngày này qua ngày khác. Thế rồi khi có chút men trong người, lại muốn chứng tỏ bản thân, con cái tự gây ra tai nạn khiến hình hài bị khiếm khuyết chỉ trong tích tắc. Trong tình cảnh này chẳng khác nào con cái đã chối bỏ hình hài lành lặn mà cha mẹ đã ban cho.
Bệnh ung thư phổi nghệ sĩ Hán Văn Tình mắc phải nguy hiểm thế nào
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/benh-ung-thu-phoi-nghe-si-han-van-tinh-mac-phai-nguy-hiem-the-nao-3462387.html
Ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu, gặp phổ biến ở độ tuổi từ 45 đến 70.
Kỳ tích bác sĩ sống sót sau 5 năm bị ung thư phổi di căn / Dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị ung thư phổi
Nghệ sĩ Hán Văn Tình được chẩn đoán ung thư phổi cách đây một năm rưỡi. Hiện khối u đã di căn lên nách khiến ông hôn mê phải vào viện cấp cứu với tiên lượng xấu.
Theo bác sĩ Lim Hong Liang, chuyên gia về ung thư phổi và vùng đầu mặt cổ thuộc Trung tâm ung thư Parkway Singapore (PCC), ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ giới. Bệnh xảy ra phổ biến nhất trong độ tuổi từ 45 đến 70.
Ung thư phổi có 2 loại chính. Thứ nhất là ung thư phổi tế bào không nhỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 85 đến 87% tổng số ca. Với đặc điểm phát triển chậm hơn so loại còn lại nên có đến 40% trường hợp được chẩn đoán phát hiện bệnh thì ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Thứ hai là ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 13% đến 15% tổng số ca. Ung thư này hoạt động rất mạnh và lan truyền nhanh, hầu hết các trường hợp được chẩn đoán đều đã ở giải đoạn nặng, khối u di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Các nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư phổi. Triệu chứng thường gặp là ho dai dẳng. Chụp X-quang ngực có thể phát hiện, nhưng cần phải làm thêm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết để kiểm chứng. Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị đều có thể được sử dụng để điều trị ung thư phổi.
Nhiều người nghĩ rằng nguyên nhân chính khiến ung thư phổi ngày càng gia tăng là do ô nhiễm môi trường song thực tế không hẳn vậy. Theo bác sĩ Lim, môi trường có liên quan đến bệnh này nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp. Ví dụ, những người sống trong môi trường ô nhiễm có tỷ lệ mắc ung thư phổi chỉ cao hơn 5% lần so với người còn lại. Cụ thể các kết quả nghiên cứu cho thấy, người sống trong môi trường ô nhiễm như cạnh nhà máy, nơi có nhiều ô tô thải ra khí độc chỉ gấp 1,5 lần so với người không bị. Trong khi người hút thuốc có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 50 lần bình thường.
Hầu hết chuyên gia ung thư khẳng định thuốc lá là nguyên nhân chính gây nên bệnh này. Ở Mỹ, ung thư phổi đứng hàng đầu vì số lượng người hút thuốc lá chiểm tỷ lệ cao. Những nước có số người hút thuốc ít hơn đồng nghĩa người mắc ung thư phổi cũng giảm. "Trên thế giới có 80% bệnh nhân ung thư phổi là những người hút thuốc. Điều này có thể hiểu là 80% người hút thuốc bị ung thư phổi", bác sĩ Lim nhấn mạnh.
Điều trị ung thư phổi tại các bệnh viện hiện nay áp dụng theo phác đồ tiêu chuẩn trên toàn thế giới. Cụ thể, bệnh nhân giai đoạn một và hai phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Giai đoạn 3 cần xạ trị. Giai đoạn 4 sẽ dùng thuốc để kiểm soát. Tuy nhiên một số người bệnh ở giai đoạn một hoặc hai đã điều trị bằng phẫu thuật mà vẫn bị tái phát, bác sĩ thường chỉ định bổ sung thêm hóa chất để giảm nguy cơ.
Đối với bệnh nhân giai đoạn 3 có khối u ở phổi và xuất hiện hạch, phương pháp điều trị chính là xạ trị nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 5 đến 8%. Vì thế, các bác sĩ thường chỉ định truyền thêm hóa chất để tăng thêm hiệu quả lên khoảng 20%. Bệnh nhân giai đoạn 4, khi ung thư di căn, việc điều trị chỉ dừng lại ở mục tiêu kiểm soát bệnh nhằm kéo dài thời gian sống càng lâu càng tốt. Hiện có nhiều loại thuốc điều trị trúng đích thế hệ mới đã được kiểm chứng giúp gia tăng thời lượng sống cho người bệnh.
Theo ghi nhận của bác sĩ Lim, khoảng 10 năm trước, người ta coi bệnh ung thư phổi là loại bệnh nên dùng chung một loại thuốc, cùng một cách điều trị. Vì thế dẫn đến hệ lụy có người đáp ứng thuốc, người không. Sau khi nghiên cứu kỹ, các chuyên gia chia ung thư theo các lớp nhỏ dần. Đầu tiên là ung thư phổi tế bào nhỏ và tế bào không nhỏ. Tế bào nhỏ lại chia nhỏ hơn nữa gồm ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy và tế bào lớn không đặc hiệu. Sau đó lại tiếp tục chia nhỏ ung thư biểu mô để làm xét nghiệm đột biến gene. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với loại nào sẽ có thuốc đặc hiệu cho loại gene đó. Tất cả thuốc đều là dạng uống. Vì vậy việc xét nghiệm đột biến gene để dùng thuốc điều trị đích đang được xem là giải pháp tối ưu nhằm kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư phổi.
Cứu sống 9.000 bệnh nhân nguy kịch nhờ lọc máu hiện đại
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/9/432382/
(SGGP). - Đây là thông tin được GS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện (BV) Bạch Mai, cho biết về công trình Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm được triển khai và thực hiện thành công tại nhiều BV.
Theo đó, GS-TS Nguyễn Gia Bình (người chủ trì nghiên cứu công trình) nêu rõ, các biện pháp lọc máu hiện đại ngoài hiệu quả điều trị thay thế thận đơn thuần còn có khả năng loại thải chất độc mà bình thường gan, thận và cơ thể người bệnh khó có thể thải trừ như: các chất độc, các phức hợp kháng nguyên, kháng thể.
Theo GS-TS Nguyễn Gia Bình, đến nay, qua việc ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại đã góp phần cứu sống được khoảng 9.000 bệnh nhân bị suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp nặng..., giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, cũng như giảm chi phí điều trị. Hơn nữa, kết quả của đề tài nghiên cứu này còn là cơ sở khoa học mở rộng ứng dụng cho các bệnh lý nặng tiếp theo trong cấp cứu điều trị nhiều bệnh dịch nguy hiểm, như sốt xuất huyết nặng có biến chứng suy đa tạng, sởi có biến chứng suy hô hấp nặng. Đồng thời, mở ra triển vọng và hỗ trợ thúc đẩy phát triển lĩnh vực ghép tạng trong nước, cũng như phẫu thuật tim mạch và gan mật.
Được biết, công trình Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm đã được ứng dụng cụ thể tại nhiều BV lớn như: Bạch Mai, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103, Việt Tiệp Hải Phòng, Đà Nẵng, Chợ Rẫy... Đặc biệt, đây cũng là công trình duy nhất trong lĩnh vực y, dược đoạt Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2016.
Hàng nghìn bệnh nhân được “cải tử hồi sinh”
http://danviet.vn/y-te/hang-nghin-benh-nhan-duoc-cai-tu-hoi-sinh-705788.html
(Dân Việt) Hơn 9.000 bệnh nhân cận kề cai chết được sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) trong đó có hàng nghìn bệnh nhân đã được “hồi sinh”. Nếu điều trị bằng phương pháp cũ thì tỷ lệ sống sót rất nhỏ.
Ngày 1.9, GS.TS Nguyễn Gia Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, BV vừa cứu một bệnh nhân người Manta thoát khỏi lưỡi hái tử thần. 20 ngày trước, bệnh nhân này đã sang Việt Nam để du lịch, sau đó anh ta bị cúm B và viêm phổi do tụ cầu vàng. “Đây là vi khuẩn hết sức nguy hiểm, khiến bệnh nhân này bị suy hô hấp nặng, phim chụp phổi đã trắng xóa, chức năng hô hấp gần như không còn.
Bệnh nhân này đã được đưa vào BV Việt Pháp, tuy nhiên việc cấp cứu không thành công, bệnh ngày càng nặng, tiêu liệu xấu. Do đó, bạn anh ta đã chuyển bệnh nhân sang Khoa Hồi sức tích cực (BV Mạch Mai). Ngay lập tức, GS Bình đã chỉ đạo sử dụng phương pháp điều trị hồi sức tiên tiến nhất là ECMO, lọc máu liên tục. “Sau hơn 10 ngày điều trị hiện sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục. Cả quá trình điều trị hết hơn 350 triệu đồng” – GS Bình cho biết.
Theo ông Bình, công trình nghiên cứu “Ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng” đã được manh nha từ năm 2004. Thời điểm đó, Việt Nam xuất hiện nhiều bệnh nhân bị suy hô hấp nặng từ dịch SAR, dịch H1N1, cúm H5N1…
Các bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, diễn biến bệnh rất nhanh, phổi hoàn toàn bị “úng nước” nên các phương pháp hồi sức cấp cứu như dùng máy thở, thuốc đều bị vô hiệu quá. Phổi không thể thu nhận oxy. Do đó tỷ lệ tử vong rất lớn. Trong khi đó, trên thế giới đã xuất hiện máy ECMO, có thể “thở hộ” cho những bệnh nhân bị mất chức năng hô hấp. “ECMO nói đơn giản là rút máu từ trong cơ thể ra ngoài, bơm oxy rồi lại truyền vào cơ thể” – GS Bình giải thích.
Đau đáu với nỗi niềm cứu sống bệnh nhân, GS Bình đã đề xuất lên BV, lên Bộ Y tế để đưa công nghệ ECMO về Việt Nam. “Cuối cùng chúng tôi cũng được phê duyệt đề tài nghiên cứu. Với 3,8 tỷ được cấp, chúng tôi đã dùng tới 3,2 tỷ mua máy móc, cố gắng đưa nhiều kỹ thuật tiên tiến nhất về Việt Nam. Riêng máy ECMO đã trị giá hơn 2 tỷ đồng” – GS Bình cho biết.
Theo GS Bình, đến nay, kỹ thuật lọc máu bằng ECMO đã được chuyển giao tới 6 BV lớn trên toàn quốc và hơn 9.000 bệnh nhân nặng đã sử dụng cách điều trị này. “Không phải tất cả đều được cứu sống nhưng tỷ lệ tử vong giảm đi rõ rệt. Đơn cử như bệnh nhân viêm tụy cấp trước đây tỷ lệ tử vong là 50% thì nay chỉ còn 10%; bệnh suy gan cấp trước tỷ lệ tử vong là 90%, nếu dùng ECMO thì chỉ còn 50%... Các ca suy hô hấp nặng do cúm, tỷ lệ tử vong cũng giảm vài chục phần trăm. Đối với mỗi ca bệnh thập tử nhất sinh được cứu sống, chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc, vui mừng ” – GS Bình chia sẻ. Hiện mỗi ca ECMO có giá trung bình 3-400 triệu đồng, trong đó có nhiều chi phí Bảo hiểm y tế đã chi trả.
Theo GS Bình, công trình “ECMO” ở Việt Nam có rất nhiều sự sáng tạo kiểu “con nhà nghèo”. Nếu như theo tiêu chuẩn quốc tế thời gian “sống” của màng lọc máu là 18h thì các bác sĩ Việt Nam đã cố gắng kéo dài lên đến 25-26h, tiết kiệm được hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi ca chạy ECMO.
Báo động bệnh suy thận mạn
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/9/432380/
Tính từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công tổng cộng hơn 1.200 ca ghép thận cho những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nhiên, con số đó chỉ là “muối bỏ bể” so với nhu cầu hiện nay. Ước tính, theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng gần 15.000 trường hợp suy thận cần được ghép. Tuy nhiên, nguồn thận ở đâu? Do vậy, điều cần làm trên hết là chủ động các biện pháp phòng ngừa.
Đua nhau mở khoa chạy thận nhân tạo
Là một trong những bệnh viện (BV) “sinh sau” nhưng trong hai năm qua, BV Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (quận 12, TPHCM) đã lấy chạy thận nhân tạo làm… chiến lược. Ngay mặt tiền BV, lãnh đạo đơn vị này đã cho treo băng rôn quảng bá rằng là đơn vị chạy thận nhân tạo uy tín. Hiện BV này có hàng chục máy chạy thận nhân tạo…
Cách đây chưa lâu, BV Quốc tế Phúc An Khang (quận 2, TPHCM) cũng đã đưa vào hoạt động đơn vị chạy thận nhân tạo hiện đại với hơn 10 máy chạy hết công suất. Đáng quan tâm hơn là ngày 12-8 vừa qua, BV Nguyễn Tri Phương TPHCM đã khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Lọc máu kỹ thuật cao công nghệ Nhật Bản. Trung tâm có quy mô 20 máy lọc máu với công suất phục vụ 50 - 60 bệnh nhân/ngày. Với công nghệ tiên tiến, trung tâm đem lại những hiệu quả cao nhất trong liệu trình lọc máu, giúp đạt hiệu quả điều trị cao, nhất là trong chạy thận nhân tạo.
Trước đó, năm 2010, BV Nguyễn Tri Phương cũng đã thành lập đơn vị lọc máu với quy mô 2 máy chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, do nhu cầu bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngày càng đông nên đến năm 2015, đơn vị được nâng cấp thành Khoa Lọc máu với gần 30 máy chạy thận nhân tạo. Thời gian qua, khoa phục vụ hơn 150 bệnh nhân/ngày, vượt quá khả năng thu nhận thêm bệnh nhân, dù các máy hoạt động hết công suất. “BV cũng liên tục mở các lớp đào tạo về thận học - lọc máu cho bác sĩ, điều dưỡng của các đơn vị trong và ngoài thành phố”, bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho biết.
Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2, dù mới triển khai khoa chạy thận nhân tạo được 2 năm nay với 15 máy nhưng đã quá tải, có khi phải chạy 3 ca/ngày mới giải quyết hết bệnh nhân.
Tại BV Quốc tế Phúc An Khang, lượng bệnh nhân đăng ký chạy thận nhân tạo cũng tăng dần. Thậm chí, cả bệnh nhân Việt kiều cũng tìm đến để điều trị. Th.S Mai Tiến Dũng, Giám đốc BV, cho biết đơn vị chạy thận nhân tạo cũng bắt đầu… ca 3. Để thuận tiện cho người bệnh, BV còn đảm nhiệm đưa - đón bệnh nhân tận nhà nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe.
Trong khi đó, với thâm niên hình thành nhiều năm qua, đơn vị thận nhân tạo của BV Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định hay BV Chợ Rẫy đã quá tải nghiêm trọng và đã gia tăng số lượng máy từ vài chục máy của những năm 2000 lên con số hàng ngàn máy.
Bệnh nhân trẻ hóa
Nhà báo Hữu Bằng (Báo Long An) vừa được ghép thận là một ví dụ. Đang độ tuổi 30 nhưng mỗi ngày sức khỏe càng sa sút và sau một lần khám sức khỏe, nhà báo Hữu Bằng được chẩn đoán suy thận mạn và được đưa vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy đầu tháng 3-2016, phải chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết số bệnh nhân suy thận được khám và điều trị tại BV cũng không ngừng tăng lên trong các năm qua. Theo số liệu từ Khoa Tiết niệu của BV Chợ Rẫy, ngoài số bệnh nhân suy thận thể nhẹ điều trị ngoại trú, hiện trong khoa chạy thận nhân tạo và các cơ sở liên quan khác của BV phục vụ cho hơn 10.000 bệnh nhân bị suy thận nặng, giai đoạn cuối.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thận - niệu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận nhưng các trường hợp phổ biến là mắc bệnh lý về viêm cầu thận. Hiện ngoài số bệnh nhân thường trú tại TPHCM, các BV Bình Dân, Nhân dân 115, Chợ Rẫy còn tiếp nhận một lượng không nhỏ bệnh nhân từ các tỉnh, thành khác.
Tại BV Nhân dân Gia Định, khoa Thận - tiết niệu luôn đầy ắp bệnh nhân liên quan đến suy thận, trong đó đa số bệnh nhân bị bệnh cầu thận kèm theo các bệnh lý khác như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường. Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, Hội Niệu - thận học TPHCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận và nếu không có những biện pháp điều trị kịp thời, có thể bị suy thận mạn giai đoạn cuối, trong đó cao huyết áp, tiểu đường và các bệnh lý về cầu thận vẫn là những nguy cơ chính.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thận - niệu, suy thận được chia làm 4 giai đoạn và khi chuyển sang giai đoạn cuối (chức năng lọc và thải chất độc của thận không còn hoạt động) thì chỉ còn cách áp dụng các biện pháp thay thế hỗ trợ tích cực khác, chủ yếu chạy thận nhân tạo. Đây được xem là biện pháp tích cực và áp dụng phổ biến hiện nay. Bên cạnh chạy thận nhân tạo, hiện một số BV cũng đã áp dụng phương pháp thẩm phân phúc mạc (mổ ổ bụng và đặt ống dẫn giữa lá tạng và lá thành của màng bụng để đưa dịch vào trao đổi điện giải, lọc bỏ chất độc) trong điều trị suy thận mạn…
Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế nhìn nhận công tác dự phòng có vai trò quan trọng để giảm tỷ lệ người mắc suy thận mạn cũng như kéo dài sự sống khi mắc phải. Trước hết, cần xác định các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ như có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường (tuýp 1 hoặc tuýp 2), cao huyết áp, viêm bể thận.
Ngoài ra, bệnh thận đa nang (nhiều u nang trong thận); rối loạn tự miễn như hệ thống lupus đỏ; xơ cứng động mạch; tắc nghẽn đường tiết niệu hay sử dụng quá nhiều thuốc được chuyển hóa qua thận… cũng dẫn đến suy thận mạn. Các chuyên gia thận - niệu khuyến cáo một số dấu hiệu của suy thận mạn là: Tăng tiểu tiện (đặc biệt vào ban đêm); giảm đi tiểu; xuất hiện máu trong nước tiểu (hiếm gặp); nước tiểu đục hoặc màu trà…
Phụ nữ trẻ chửa ngoài tử cung do quan hệ tình dục không an toàn
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/phu-nu-tre-chua-ngoai-tu-cung-do-quan-he-tinh-duc-khong-an-toan-3462298.html
Thống kê gần đây tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho thấy tình trạng thai ngoài tử cung tăng ở nhóm phụ nữ trẻ chưa muốn có con mà quan hệ tình dục không an toàn và ngừa thai sai cách.
Nữ sinh 19 tuổi nhập viện do mang thai ngoài tử cung / Sản phụ nguy kịch do tai biến hiếm gặp
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Viết Hậu, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, giải thích thai ngoài tử cung là tình trạng trứng thụ tinh làm tổ bên ngoài buồng tử cung, chẳng hạn như tại vòi trứng hay trong ổ bụng. Theo thống kê sơ bộ cứ 1.000 trường hợp mang thai nhập viện thì có khoảng 10 đến 12 ca mang thai ngoài tử cung.
Thông thường thai ngoài tử cung xảy ra khi có sự cản trở trứng thụ tinh từ vòi trứng vào buồng tử cung làm tổ. Tình trạng này thường do viêm nhiễm vòi trứng, viêm nhiễm vùng chậu, khối u chèn ép vòi trứng ngay cả nạo phá thai nhiều lần hay thường xuyên dùng các loại viên tránh thai khẩn cấp cũng là những lý do góp phần bệnh này dễ xuất hiện hơn.
Về cơ bản, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều có nguy cơ bị thai ngoài tử cung. Song những thống kê gần đây cho thấy tình trạng này gia tăng ở nhóm phụ nữ trẻ chưa muốn có con mà quan hệ tình dục không an toàn và ngừa thai không đúng cách.
Theo diễn biến sinh lý tự nhiên của một ca mang thai bình thường, thai phát triển làm tăng lượng máu nuôi đến vùng chậu giúp khối thai phát triển tốt. Nếu thai nằm ngoài buồng tử cung, sự phát triển của mạch máu gặp bất lợi, khi khối thai vỡ ra sẽ gây mất máu nhanh chóng, tụt huyết áp trầm trọng, choáng váng, ngất xỉu. Nếu không cứu chữa kịp thời bằng phẫu thuật cầm máu (đôi khi vừa truyền máu vừa phẫu thuật), người bệnh rơi vào hôn mê, suy chức năng tất cả cơ quan trong cơ thể và tử vong.
Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược tiếp nhận và điều trị một thai phụ 32 tuổi được đưa vào viện cấp cứu khi trên đường đến công ty làm việc. Bệnh nhân than tiểu gắt và nặng tức vùng bụng dưới từ ngày hôm trước, đến hôm sau triệu chứng không thuyên giảm mà nặng thêm dẫn đến choáng váng, muốn xỉu. Chị cho biết: “Tôi đang trong chu kỳ kinh. Từ hôm qua đến nay thấy tiểu khó, cứ mắc tiểu nên phải đi liên tục”. Chị tự mua thuốc trị nhiễm trùng tiểu uống nhưng triệu chứng không thuyên giảm mà càng trầm trọng hơn.
Bác sĩ cấp cứu nghi ngờ bệnh nhân bị thai ngoài tử cung, có khả năng đã vỡ khối thai vào trong ổ bụng làm máu ứ đọng, kích thích đường tiểu, gây các triệu chứng giống nhiễm trùng đường tiểu. Đồng thời máu vào ổ bụng cũng gây tụt huyết áp, thiếu máu lên não khiến người bệnh choáng váng và muốn xỉu.
Ê kíp bác sĩ tiến hành truyền dịch đồng thời thực hiện xét nghiệm máu và siêu âm cấp cứu tại giường bệnh để xác định chẩn đoán. Chưa được 20 phút sau thai phụ được chuyển lên phòng mổ với chẩn đoán thai ngoài tử cung đã vỡ. Người bệnh được phẫu thuật nội soi cầm máu kịp thời và qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Hậu cho biết trung bình mỗi tháng Khoa Cấp cứu tiếp nhận và phẫu thuật khoảng 8 đến 10 trường hợp tương tự như trên. Nhờ sử dụng các phương tiện hiện đại tại chỗ cho phép siêu âm cấp cứu tại giường giúp cho việc chẩn đoán nhanh chóng và chính xác các bệnh lý cần phẫu thuật khẩn cấp của ngoại khoa và sản phụ khoa. Nhờ đó giảm thiểu các biến chứng do phẫu thuật chậm trễ gây ra, nâng cao khả năng cứu sống và chữa lành, ngay cả với các bệnh lý hiểm nghèo.
Theo ghi nhận của bác sĩ Hậu, nhiều bệnh nhân thường nhầm lẫn giữa việc ra huyết chu kỳ kinh với tình trạng xuất huyết do thai ngoài tử cung gây ra. Đây thường là triệu chứng dễ gây nhầm lẫn nhất khiến bệnh nhân mất cảnh giác nên chậm trễ đến khám và nhập viện. Theo khuyến cáo chung, thai ngoài tử cung thường gây tam chứng kinh điển (3 triệu chứng đồng thời) là trễ kinh, đau bụng và ra huyết, tuy nhiên không phải lúc nào cũng biểu hiện đầy đủ và rõ ràng.
Trong một số trường hợp khác, thai ngoài tử cung chỉ biểu hiện triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đi ngoài ra phân nước, uống thuốc không thuyên giảm. Bác sĩ Hậu từng điều trị cấp cứu cho một nữ sinh viên năm hai tại TP HCM bị đau bụng kèm đi ngoài phân nước nhiều lần. Bệnh nhân uống thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa nhưng không thuyên giảm. Cô gái cho biết thường xuyên uống thuốc ngừa thai khẩn cấp.
Kết quả siêu âm cho thấy nữ sinh mang thai ngoài tử cung. May mắn là khối thai chưa vỡ và còn nhỏ nên bệnh nhân được nhập viện và điều trị nội khoa bằng thuốc mà không cần phải phẫu thuật. Theo phó giáo sư tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Kim Phụng, Phụ trách phòng khám khoa Sản phụ khoa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, những trường hợp thai ngoài tử cung nhập viện sớm, khối thai chưa vỡ, kích thước còn nhỏ đều có thể điều trị nội khoa bằng thuốc. Phương pháp này giúp người bệnh tránh phải mổ và các biến chứng phẫu thuật đồng thời bảo tồn được vòi trứng cho khả năng sinh sản về sau.
Bộ phận chứa nhiều chất độc hại nhất của lợn cần hạn chế ăn
http://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/bo-phan-chua-nhieu-chat-doc-hai-nhat-cua-lon-can-han-che-an-c62a815725.html
Lâu nay những món ăn từ các bộ phận này của lợn là thứ khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, các bộ phận này lại chứa nhiều chất độc hại nhất mà bạn cần phải bỏ ngay.
Gan lợn, óc lợn hay phổi lợn là những thứ thường có trong món lòng lợn, thậm chí nhiều người còn mua từng bộ phận này về chế biến để ăn. Tuy nhiên, ít người biết rằng, đây là những bộ phận chứa nhiều chất độc hại nhất của lợn.
Gan lợn
Gan lợn là bộ phận chứa nhiều cholesterol và các kim loại nặng. Nhu cầu mỗi người chỉ được phép dung nạp khoảng 300mg cholesterol/ngày. Trong khi đó, cholesterol trong gan lợn rất lớn, nếu chỉ ăn 100g gan, sẽ dung nạp trên 400mg cholesterol.
Tất cả các thức ăn khi lợn ăn vào đều phải đi qua gan để giải độc, quá trình thải độc đó nếu không thực hiện tốt vô tình giữ lại rất nhiều tồn dư chất độc hại, bao gồm chất tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi và rất nhiều hợp chất và kim loại nặng.
Vì thế, bạn nên cân nhắc việc ăn gan lợn và số lượng phù hợp để không bị dư thừa cholesterol, chất độc, kim loại nặng, gây tổn hại cho sức khỏe.
Một số sai lầm thường gặp trong cách chế biến gan lợn khiến độc tố trong gan không được loại bỏ:
- Chọn phải gan của con lợn có bệnh:
Gan của những con lợn có bệnh thường không có màu đỏ tươi, bề mặt gan có nốt sần. Khi ấn tay vào không có độ đàn hồi mà cảm giác nhẽo, chảy nước.
Gan lợn bệnh có thể phân biệt được ở những nốt sần, màu vàng hoặc tím sẫm, mùi hôi. Loại gan này cực kỳ độc hại, không nên mua về ăn.
- Chế biến gan chưa chín hẳn:
Trong gan có thể chứa nhiều ký sinh trùng như sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, hoặc có chứa virus gây bệnh. Nếu gan không được nấu chín hẳn, còn tái sẽ không diệt hết được các loại virus, ký sinh trùng này.
Nếu ăn loại gan này tức là bạn đã đem mầm bệnh nguy hiểm vào người.
- Trước khi chế biến không bóc lớp màng trên bề mặt, bóp hết máu đọng trong miếng gan lợn:
Lượng máu đọng trong gan chứa rất nhiều độc tố mà gan chưa kịp đào thải, vì vậy trước khi chế biến bạn cần bóp hết lượng máu đọng này. Đồng thời, hãy bóc bỏ lớp màng mỏng trên bề mặt gan để việc vệ sinh gan được triệt để.
Óc lợn
Dù óc lợn được xem là món ăn bổ dưỡng vì chứa canxi, phốt pho, sắt và một số thành phần khác nhưng lại chứa cholesterol Trinidad và Tobago rất cao.
Trong 100g óc lợn có tới 2.195 mg cholesterol là chất dễ gây xơ vữa động mạch ở người lớn. Nhu cầu cholesterol hàng ngày chỉ cần dưới 300 mg. Nếu ăn 100 g óc lợn thì lượng cholesterol đã cao gấp 7 lần nhu cầu hàng ngày. Điều đó cho thấy óc không phải là thức ăn bổ dưỡng như nhiều người lầm tưởng, nếu ăn quá nhiều thì còn có hại.
Phổi lợn
Phổi là cơ quan hô hấp, có rất nhiều phế nang, đây được xem là nơi dễ dàng nhất để tích tụ và lắng đọng nhiều bụi trong màng phổi. Vì vậy, phổi lợn là bộ phận tích tụ nhiều độc tố nhất trên cơ thể lợn.
Lợn thường hay hít đất, nguyên nhân khiến một lượng bụi cùng với các kim loại nặng sẽ bị hít sâu vào trong phổi và nằm yên ở đó. Khi con người ăn vào, sẽ vô tình mang theo bụi, kim loại nặng vào theo, thậm chí có cả virus gây bệnh, gây hại rất lớn cho cơ thể.
Theo kết quả kiểm nghiệm, nếu lợn được nuôi bằng thức ăn chứa hóa chất, trong phổi lợn chứa một lượng độc tố chất tạo nạc và những thành phần tăng trọng trong thức ăn chăn nuôi, chiếm tỷ lệ 60% trong toàn bộ thịt lợn. Ăn phổi lợn nếu không xử lý, sơ chế đúng cách có thể bị ngộ độc.
Lợn có thói quen nằm nhiều hơn di chuyển, mọi khí bẩn và ô nhiễm trong chuồng lợn đều bị hít vào phổi và rất khó để đào thải, thanh lọc hết những chất độc này.
Cập nhật liên tục tin tức Việt Nam mới nhất 24h trong ngày . Những bí quyết giữ Sức Khỏe Gia Đình hiệu quả bằng những bài thuốc dân gian đơn giản. Diễn biến mới tình hình Virus Zika ăn não người ở Việt Nam .
Người bị lao phổi có nên quan hệ tình dục?
http://vov.vn/suc-khoe/nguoi-bi-lao-phoi-co-nen-quan-he-tinh-duc-546424.vov
VOV.VN -Người bị lao phổi nên hạn chế quan hệ tình dục, đặc biệt trong những tháng đầu điều trị lao.
Hỏi: Chồng em đang điều trị lao phổi gần được 1 tháng rồi. Vậy vợ chồng có được quan hệ tình dục được không, vì em nghe nói là “quan hệ” mất sức khỏe và bệnh thêm. Vậy đúng không, có bị lây không bác sĩ?
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương (Alobacsi.com): Chào em. Người bệnh lao phổi mang vi khuẩn lao trong dịch tiết đường hô hấp - đờm, do đó có khả năng lây cho người khác khi ho, hắt hơi, nhảy mũi, nói chuyện hay khạc nhổ, người bệnh sẽ thải vào không khí các hạt nhỏ li ti từ chất tiết của đường hô hấp. Vi khuẩn lao nằm trong dịch tiết, đờm, nhớt này chính là nguồn lây bệnh lao cho người khác, chứ không phải chỉ có ho đờm thì mới lây cho người khác.
Giai đoạn đầu điều trị thì nguy cơ lây bệnh cao hơn giai đoạn sau. Khi nào còn vi khuẩn lao trong đàm (AFB dương tính) thì trong dịch tiết đường hô hấp có nhiều vi khuẩn lao, khả năng lây nhiễm lao cao hơn người đã hết vi khuẩn lao trong đàm (AFB âm tính).
Khi quan hệ tình dục, phát sinh những hành vi như hôn sâu, hôn có trao đổi nước bọt thì cũng có thể làm lây bệnh cho người bạn tình. Nó lây ở đường đấy, chứ không phải lây ở đường quan hệ tình dục.
Dù đã được điều trị 1 tháng nhưng nếu trong đờm của chồng em vẫn còn vi khuẩn lao (BK+) thì khả năng lây bệnh cho vợ con rất lớn. Tuy trẻ sơ sinh ra đời được tiêm phòng lao ngay, nhưng cũng khó tránh được bị sơ nhiễm lao vì có nguồn lây nhiễm thường xuyên và gần gũi.
Thuốc lao cũng ảnh hưởng đến chất lượng của tinh trùng, nhưng chưa có ghi nhận là gây quái thai cho nên không có chống chỉ định mang thai. Ngoài ra, người bị lao và đang điều trị lao thì sức khỏe cũng bị hao mòn, việc quan hệ tình dục có thể làm đuối sức.
Do vậy, người bị lao phổi nên hạn chế quan hệ tình dục, đặc biệt trong những tháng đầu điều trị lao./.
6 bài thuốc trị ho có tác dụng với tất cả mọi người
http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/6-bai-thuoc-tri-ho-co-tac-dung-voi-tat-ca-moi-nguoi-2249934-l.html
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà chúng ta dễ bị ho nhất. Những cơn ho kéo dài, khiến cho chúng ta vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Hãy thử áp dụng các bài thuốc dân gian rất hiệu quả và dễ làm.
1. Chanh đào ngâm mật ong.
Theo kinh nghiệm từ xa xưa, thì chanh đào mật ong có tác dụng rất hữu hiệu trong việc chữa ho. Tuy nhiên bài thuốc trị ho này không nên áp dụng cho trẻ dưới 3 tuổi bởi mật ong có thể ảnh hưởng tới hệ hô hấp và tiêu hóa của trẻ. Mỗi ngày bạn có thể dùng 2-3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê.
Cách ngâm chanh đào mật ong được các bà nội trợ thường áp dụng như sau: Tỷ lệ chanh đào, mật ong và đường phèn là 1:1:0,5; cứ 1kg chanh thì dùng 1 lít mật ong và 0,5 kg đường phèn. Chú ý chúng ta nên dùng mật ong rừng không nên dùng mật ong được nuôi công nghiệp.
Cách làm: Chanh đào mua về thì ngâm với nước muối khoảng 30 phút, sau đó bỏ cuống cắt thành lát mỏng. Dùng 1 lọ thủy tinh để ngâm, cứ 1 lớp chanh đào thì rắc 1 lớp đường phèn, cuối cùng thì đổ mật ong lên hỗn hợp chanh đường phèn. Dùng vỉ nén chặt lên trên bề mặt để tránh không cho chanh nổi lên, đậy nắp thủy tinh lại. Bảo quản nơi thoáng mát tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
Chanh đào mật ong rất dễ bảo quản và bảo quản được lâu, do đó đến mùa chanh đào các mẹ nên làm sẵn dự trữ 1 bình cho gia đình mình khi cần để sử dụng.
2. Chữa ho bằng lá xương sông.
Bài thuốc này cũng được dân gian sử dụng nhiều. Tuy nhiên nó có vị đắng hơi khó uống, vì vậy không nên cho trẻ nhỏ sử dụng bởi thường trẻ sẽ sợ và uống vào hay bị nôn trớ. Xương sông trong Đông y gọi là hoạt lộc thảo nó vừa là cây gia vị trong các món ăn vừa dùng làm bài thuốc chữa ho rất hiệu quả.
Cách làm: ngắt những búp non của xương sông hấp cách thủy hoặc có thể kết hợp xương sông với lá hẹ rửa sạch, thái nhỏ trộn với đường hấp cách thủy. Uống ngày 3 lần, mỗi ngày uống khoảng 1 chén 100ml.
3. Mật ong hấp gừng.
Bài thuốc này là sự kết hợp giữa gừng, mật ong có thể kết hợp thêm vỏ quýt, vỏ chanh hoặc cam.
Cách thứ nhất: bạn có thể dùng 5 đến 10g mỗi loại vỏ quýt, vỏ gừng, vỏ chanh hoặc cam cùng với 3g quả ô mai và 30g mật ong, hấp cách thủy sau đó lấy nước uống trong ngày.
Cách thứ 2: cách này đơn giản và vẫn được dân gian thường xuyên sử dụng và cho kết quả hữu hiệu. Đó là dùng củ gừng nhỏ, nướng cho cháy sém, để nguội lột vỏ, giã nhỏ cho ra nước sau đó trộn với 1 ít mật ong. Dùng nước mật ong khi còn nóng còn gừng thì ngậm như ngậm mứt. Với trẻ em không ngậm được gừng thì nên giã nhỏ gừng rồi chế thêm 1 ít nước sôi vào để cho gừng tan ra, sau đó bỏ bã hòa với 1 chút mật ong rồi cho trẻ uống.
4. Chữa ho với quả quất.
Đây là bài thuốc chữa ho khá phổ biến được nhiều người biết đến. Chỉ đơn giản bằng cách cắt đôi quả quất chín, rồi rắc một ít đường phèn lên hấp cách thủy, sau đó uống nước và ăn nguyên quả. Hoặc bạn có thể thay thế đường phèn bằng mật ong cũng phát huy hiệu quả không kém. Mỗi ngày nên kiên trì uống từ 2-3 lần, mỗi lần 1-2 thìa cà phê.
5. Mật ong hấp tỏi.
Cách làm: Chuẩn bị 4 đến 5 nhánh tỏi, đập dập, trộn đều mật ong, đem hấp cách thủy tới khi ngửi thấy mùi tỏi hăng hắc là được. Để nguội, uống từ 2 đến 3 lần/ngày, mỗi lần 1 – 2 thìa cà phê. Mật ong khi hấp cùng với tỏi làm tăng tính kháng sinh tự nhiên, giảm viêm họng, tăng sức đề kháng.
Có thể làm tương tự cách trên với các nguyên liệu khác như: cánh hoa hồng, rễ chanh, lá húng chanh, quả phật thủ, hoa khế, hoa đu đủ đực, lá tía tô, hành hoa… Tùy theo những nguyên liệu có sẵn trong mỗi gia đình mà sử dụng để chế biến.
Trường hợp không có các nguyên liệu phối hợp, có thể dùng mật ong nguyên chất. Khi dùng cho trẻ dưới 1 tuổi, nên hấp mật ong trước khi dùng.
6. Bài thuốc trị ho bằng rau diếp cá.
Rau diếp cá là loại rau được sử dụng nhiều trong các món ăn. Ngoài ra theo Đông y thì rau diếp cá có tính mát vị cay, tanh có tác dụng làm thuốc chữa bệnh như chữa chốc đầu, ghẻ lở, đau răng và đặc biệt có tác dụng rất tốt trong vấn đề trị gió, ho khan có đờm.
Cách chữa ho bằng rau diếp cá được dân gian lưu truyền như sau: Rau diếp cá rửa sạch, cho vào cối giã thật nhuyễn, sau đó, đun sôi và giảm nhỏ lửa. Tiếp tục đun trong khoảng 20 – 30 phút, thỉnh thoảng đảo cho rau nhừ đều. Bắc ra, để nguội, lọc lấy nước cho bé uống. Có thể cho thêm chút đường vào để bé dễ uống. Mỗi ngày uống từ 2 – 3 lần, uống sau bữa ăn khoảng một giờ đồng hồ.
Nhiều nước khuyến cáo công dân không tới Singapore vì Zika
http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/nhieu-nuoc-khuyen-cao-cong-dan-khong-toi-singapore-vi-zika-2251183-l.html
Chính quyền nhiều nơi - trong đó có Mỹ, Australia, Hàn Quốc - đã khuyến cáo công dân cẩn thận khi du lịch đến Singapore trước tình trạng nhiễm virus Zika đang tăng nhanh ở đây.
Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) ngày 2/9 xếp Singapore vào loại "điểm đến có tiềm ẩn nguy hiểm" và khuyến cáo người dân cẩn thận khi du lịch đến nước này, theo South China Morning Post.
Hong Kong là nơi mới nhất cảnh báo người dân có ý định du lịch đến Singapore, sau Mỹ, Australia, Hàn Quốc và đảo Đài Loan (Trung Quốc)...
Y tá dùng màn chống muỗi tại một bệnh tại Singapore để ngăn chặn virus lây lan. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, giới chức Singapore cho biết số ca nhiễm Zika ở nước này, tính đến trưa ngày 2/9 là 189 người, theo Straits Times. Trong số này có 2 phụ nữ mang thai.
Dù vậy, người phát ngôn của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa ra khuyến cáo hạn chế du lịch với nước này, và Singapore vẫn là điểm đến an toàn.
WHO hôm 3/9 khen ngợi Singapore là quốc gia mẫu mực trong công tác đối phó dịch Zika và đề cao sự minh bạch thông tin của chính quyền ở đây.
Virus Zika lây truyền qua đường muỗi chích. Thai phụ nhiễm Zika có thể sinh ra trẻ bị hội chứng đầu nhỏ, não chậm phát triển. Các triệu chứng của người nhiễm Zika bao gồm sốt nhẹ, phát ban trên da, đau cơ và khớp...
Trước khi lây lan đến châu Á, virus Zika đã hoành hành tại châu Mỹ Latin, đặc biệt là Brazil. Giới chức Brazil ghi nhận 91.387 ca nhiễm Zika trong nước này từ tháng 2 đến ngày 2/4 năm nay, theo Reuters.
Các nước khác cũng phát hiện người nhiễm Zika tại châu Mỹ Latin gồm Venezuela, Colombia, Paraguay, Peru... Ngoài lây lan qua đường muỗi chích, các nhà khoa học cũng phát hiện một số ca nhiễm Zika qua đường tình dục.