Bộ trưởng Bộ y tế thăm bệnh nhân bệnh viện tâm thần Trung ương 2
Ngày 4.1, tại Đồng Nai, Bộ Y tế đã công bố thành lập Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Viện có chức năng thực hiện giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật giám định tư pháp, nghiên cứu khoa học và thực hiện công tác chỉ đạo tuyến về lĩnh vực pháp y tâm thần cho các trung tâm pháp y tâm thần khu vực TPHCM, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; Quản lý điều trị các đối tượng có rối loạn tâm thần theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của cơ quan tiến hành tố tụng.
Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Kết luận pháp y tâm thần được luật tố tụng ghi nhận là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng giúp cơ quan thực thi pháp luật xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật.
Cũng tại buổi lễ, bộ trưởng Bộ y tế đã thăm bệnh nhân tâm thần của bệnh viện tâm thần Trung ương 2 và trồng cây lưu niệm tại bệnh viện. (Báo điện tử Lao động online).
http://laodong.com.vn/suc-khoe/bo-truong-bo-y-te-tham-benh-nhan-benh-vien-tam-than-trung-uong-2-412502.bld
Công bố quyết định thành lập Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa
Ngày 4/1, tại Đồng Nai, Bộ Y tế tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (đặt trụ sở trên địa bàn thành phố Biên Hòa, Đồng Nai).
Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa được thành lập theo quyết định số 1836/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29/10/2015, có chức năng thực hiện công tác giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật giám định tư pháp; nghiên cứu khoa học và thực hiện công tác chỉ đạo tuyến về lĩnh vực pháp y tâm thần cho các trung tâm pháp y khu vực Tây Nguyên và Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ.
Theo quyết định của Thủ tướng, nhiệm vụ hàng đầu của Viện là thực hiện giám định pháp y tâm thần theo các quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp; quản lý điều trị các đối tượng có rối loạn tâm thần theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của các cơ quan tiến hành tố tụng; khám và điều trị các người bệnh tâm thần có nhu cầu; tham gia đào tạo sau đại học về chuyên ngành pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật về giáo dục; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ bác sĩ, giám định viên pháp y tâm thần.
Phát biểu tại lễ công bố Quyết định của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá kết luận giám định pháp y tâm thần được Luật Tố tụng ghi nhận là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng, giúp cơ quan thực thi pháp luật xét xử các vụ án được chính xác, khác quan đúng pháp luật, góp phần quan trọng bảo vệ an toàn trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và của công dân, ổn định kinh tế chính trị của đất nước./.
http://www.vietnamplus.vn/cong-bo-quyet-dinh-thanh-lap-vien-phap-y-tam-than-trung-uong-bien-hoa/364427.vnp
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/1/408203/
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/thanh-lap-vien-phap-y-tam-than-trung-uong-bien-hoa-20160104174546707.htm
Tội phạm liên quan đến bệnh lý tâm thần ngày càng tăng
Không chỉ gia tăng về số lượng các vụ án nghiêm trọng liên quan đến người bệnh tâm thần, nhiều tội phạm núp bóng bệnh tâm thần để trốn tội. Để củng cố chứng cứ quan trọng của các vụ án, Thủ tướng chính phủ đã quyết định thành lập Viện Pháp y Tâm thần Trung Ương Biên Hòa.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Viện pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa (ngày 4/1/2016). Đây là một trong những công trình nằm trong dự án quy hoạch mạng lưới các tổ chức pháp y tâm thần trên cả nước từ năm 2015 đến năm 2020 với 5 Trung tâm Pháp y Tâm thần theo các khu vực từ Bắc tới Nam và Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Kết luận giám định pháp y tâm thần được Luật tố tụng ghi nhận là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Kết luận giám định đúng giúp cơ quan thực thi pháp luật xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và nhân dân.”
Đây là đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo chuyên môn cho Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM, Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nguyên và Trung tâm Pháp y Tâm thần khu cực Tây Nam Bộ. Viện có quy mô 250 giường bệnh với 7 khoa chuyên môn, thực hiện công tác giám định pháp y tâm thần cho 10 tỉnh gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Viện pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa sẽ thực hiện giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật giám định tư pháp; quản lý, điều trị các đối tượng có rối loạn tâm thần thep quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của các cơ quan tố tụng; khám và điều trị người bệnh tâm thần có nhu cầu; tham gia đào tạo sau đại học về chuyên ngành pháp y tâm thần; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho bác sĩ, giám định viên pháp y tâm thần.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực cho chuyên ngành pháp y tâm thần đang diễn ra, Bộ Y tế cho biết, thời gian tới Bộ sẽ thành lập bộ môn tâm thần tại các trường đại học y dược để đào tạo và đào tạo liên tục nhận sự chuyên môn sâu về tâm thần, pháp y tâm thần; phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện miễn học phí cho sinh viên được đào tạo chuyên khoa tâm thần pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh.
Bên cạnh đó, những đơn vị tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân sự trên sẽ có các chế độ phụ cấp, trợ cấp phù hợp với tính chất công việc đặc thù nhằm bù đắp, trả công thỏa đáng cho người làm việc trong lĩnh vực pháp y tâm thần.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/toi-pham-lien-quan-den-benh-ly-tam-than-ngay-cang-tang-20160104170231226.htm
Những vấn đề nổi bật của ngành y tế 2015
Chuyên mục Sức khoẻ
Vắc xin, sốt xuất huyết, ghép tạng…. là những từ khoá xuất hiện với tần suất dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng trong năm 2015.
1. Thực thi nhiều chính sách mới thiết thực
Lần đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân điều trị nội trú được nằm mỗi người một giường
2015 có thể xem là năm ngành y tế có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi toàn diện từ chất lượng đến dịch vụ.
Điển hình nhất là kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” (bao gồm công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc)”; ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép của hơn 40 bệnh viện; thiết lập và kiểm tra liên tục, chặt chẽ hoạt động đường dây nóng tại các bệnh viện.
Đặc biệt, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Dân sự sửa đổi, trong đó cho phép các cá nhân có quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính.
Một chính sách đáng chú ý là Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với nhiều điểm mới trong đó người dân được giảm trừ dần mức đóng; thanh toán 100% khi có thời gian tham gia bảo hiểm 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở… giúp gánh nặng do viện phí tăng theo lộ trình vào năm 2016 sẽ được giảm bớt.
2. Thực hiện thành công ca ghép tạng xuyên Việt
Ghép tạng tại Việt Nam không mới nhưng việc vận chuyển tạng xuyên Việt và ghép thành công cho hai bệnh nhân mắc bệnh tim và gan thực sự là một sự kiện đáng chú ý của ngành y tế năm nay. Nó cho thấy sự phối hợp của các bên liên quan và khả năng thao tác nhanh, chính xác của các bác sĩ Việt trong một ca mổ mà thành công của nó được tính bằng phút.
Đây là ca ghép đặc biệt, bởi thời gian chuẩn bị quá ngắn, chỉ trong vòng 1 ngày. Các bác sĩ cũng phải sáng tạo hơn trong khâu bảo quản quả tim do quãng đường vận chuyển quá dài (gần 7 tiếng). Theo quy chuẩn vận chuyển của Thế giới, cứ 4, 5 tiếng sẽ bơm dung dịch bảo vệ cơ tim một lần. Nhưng với quả tim này thì 2 tiếng đã phải bơm dung dịch một lần vì thời gian vẩn chuyển tiệm cận với thời gian tối đa cho phép của quốc tế.
Với ca ghép tạng đặc biệt có hành trình vận chuyển tạng dài nhất từ trước tới nay này (từ bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM ra bệnh viện Việt Đức – Hà Nội), trình độ ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam được khẳng định ngang tầm thế giới.
3. Những sự cố liên quan đến vắc xin
Trong năm 2015 đã có 11 ca tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem. Mặc dù đa số các ca này được Cơ quan chức năng khẳng định là không liên quan với loại vắc xin này nhưng thực tế, nhiều bậc phụ huynh đã không tin tưởng vào Quinvaxem.
Cùng với đó là tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ suốt trong năm 2015 đã đẩy giá vắc xin dịch vụ lên gấp 6-10 lần so với giá gốc, kéo phong trào đưa con ra nước ngoài tiêm chủng cũng trở nên rầm rộ hơn.
Và cơn khát vắc xin dịch vụ lên đến đỉnh điểm khi vắc xin 5 trong 1 Pentaxim chính thức được nhập về vào cuối tháng 12 khiến các điểm tiêm chủng trở thành điểm nóng. Hàng trăm phụ huynh đã đội mưa, đứng từ chiều tới đêm, từ đêm tới sáng tại cổng các điểm tiêm chủng và rồi phẫn nộ khi điểm tiêm chủng huỷ kế hoạch tiêm chủng.
Các cơ quan chức năng đã phải họp bàn khẩn cấp để tìm phương án đăng ký tiêm chủng công bằng, an toàn. Cho đến nay chưa phương án nào thực sự khả thi khi sự cố nghẽn mạng đang khiến nhiều bậc phụ huynh đăng ký tiêm cho con qua website điện tử (Hà Nội), qua tổng đài 1080 (TPHCM) bức xúc.
4. Dịch sốt xuất huyết diễn biến bất thường
Tính đến tháng 10 năm 2015 (giai đoạn đỉnh dịch) đã có 40.000 người mắc với 25 ca tử vong tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2014 (hơn 9.000 ca mắc, 5 ca tử vong)
Mặc dù Bộ Y tế đã nhận định tình hình sốt xuất huyết năm 2015 sẽ tăng cao do chu kỳ dịch “đến hẹn lại lên” và sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế ngay từ đầu năm nhưng do nhiều yếu tố, từ thời tiết ấm bất thườn, ý thức của người dân chưa cao đã khiến dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở hầu hết khắp các tỉnh thành trên cả nước, từ Bắc vào Nam, hoành hành tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và kéo dài cả trong những thời điểm vốn không phải là điều kiện lý tưởng để muỗi gây sốt xuất huyết có thể phát triển.
5. Sẽ có 10 trẻ chào đời nhờ luật cho phép mang thai hộ
Ngay sau khi sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực vào tháng 3 vừa qua , Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia đã nhận được gần 100 hồ sơ đề nghị được hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp mang thai hộ.
Và theo dự kiến, đến tháng 2/2016,10 trẻ đầu tiên thụ thai nhờ mang thai hộ sẽ chào đời tại Trung tâm này. Đây là 10 trẻ đầu tiên của cả nước ra đời bằng phương thức này sau khi Luật Hôn nhân và Gia đình có hiệu lực.
6. PGS.TS Nguyễn Văn Thạch đoạt giải nhất Nhân tài Đất Việt
Đề tài Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống do Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống bệnh viện hữu nghị Việt Đức làm chủ, đã giành Giải Nhất Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Y dược năm 2015.
Giải thưởng này không chỉ có ý nghĩa với ngành y tế mà còn thắp lên niềm hy vọng cho hàng vạn bệnh nhân mắc chứng thoát vị đĩa đệm. Bởi trước đây, bị thoát vị đĩa đệm, người bệnh ngại đến cơ sở y tế mà thường điều trị “lang vườn”, ngại động vào mổ xẻ vì những lời đồn thổi mổ cột sống tỷ lệ thành công là 50 - 50.
Trăn trở trước những băn khoăn, lo lắng của người bệnh đến mức cắn răng chịu đau đớn (bởi thời điểm cách đây gần 10 năm, các phẫu thuật cột sống còn rất hạn chế) TS Thạch là người tiên phong đi học ở nước ngoài, tổ chức các lớp học trong nước do chuyên gia nước ngoài trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, thực hiện ngay trên bệnh nhân. Nhờ thế, Việt Nam là một trong các quốc gia trong khu vực áp dụng sớm nhất các kỹ thuật mổ cột sống, thoát vị đĩa đệm tiên tiến.
7. Hàng loạt các ca ngộ độc thực phẩm tập thể
Trong 10 tháng năm 2015, cả nước ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.077 người bị ngộ độc, 21 người tử vong. Trong số đó, riêng bếp ăn tập thể có 33 vụ, làm 2.302 người ngộ độc, 2.268 người đi viện. Trong đó, có 70% vụ ngộ độc do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn (đặt dịch vụ) không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản thức ăn và 30% do bếp ăn tại chỗ.
Chỉ tính riêng trong tháng 10 (25/9 - 25/10), cả nước liên tiếp xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 813 người ngộ độc và đi viện. Trong đó có tới 7 vụ ngộ độc tập thể.
Mới nhất là vụ hơn 500 công nhân làm việc tại một khu công nghiệp của Hải Phòng phải nhập viện vào cuối tháng 12.
Trước vụ việc trên và nhiều vụ việc khác đã diễn ra trong năm 2015, Chủ tịch công đoàn, ông Đặng Ngọc Tùng, cho biết sẽ bỏ phiếu thông qua nghị quyết tổ chức công đoàn được quyền khởi kiện doanh nghiệp để xảy ra ngộ độc thực phẩm bắt đầu từ năm 2016.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/nhung-van-de-noi-bat-cua-nganh-y-te-2015-20160104093527807.htm
Bộ trưởng Y tế: Từng bàn thay văcxin Quinvaxem, nhưng...
Chất lượng văcxin Quinvaxem thật sự thế nào? Tại sao người dân phải chầu chực chờ từng suất văcxin dịch vụ cho con em mình? Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích:
- Nếu so sánh Quinvaxem với văcxin dịch vụ 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 về công nghệ sản xuất thì Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào (còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn) gây nhiều phản ứng nhẹ hơn văcxin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn).
Khi dùng văcxin toàn tế bào, trẻ có thể bị phản ứng nhẹ như sốt, đau hơn và bị ho hoặc biểu hiện lặt vặt khác vì cơ thể trẻ rất nhạy cảm, nhưng tác dụng phụ về mặt tai biến tử vong không thể cao hơn văcxin dịch vụ.
Chưa kể, Quinvaxem có ưu điểm là có thành phần ho gà toàn tế bào nên tính kháng nguyên cao hơn văcxin dịch vụ, vì vậy có khả năng bảo vệ cao hơn. Văcxin dịch vụ làm từ công nghệ vô bào nên khả năng bảo vệ yếu hơn do tính miễn dịch suy giảm theo thời gian, phải tiêm nhắc lại. Đây là lý do một số nước quay lại sử dụng văcxin toàn tế bào.
* Nếu như vậy vì sao đa số các nước tiên tiến trên thế giới người ta đều sử dụng văcxin có thành phần vô bào chứ không phải văcxin toàn tế bào như Quinvaxem?
- Bởi vì các nước ấy sản xuất theo công nghệ vô bào ở châu Âu. Khi sản xuất, doanh nghiệp phải tiếp thị và giá văcxin của họ đắt hơn rất nhiều.
Các bạn cứ bảo tại sao Bộ Y tế không quy hoạch, không xây dựng chiến lược cung ứng văcxin dịch vụ. Bộ Y tế chỉ có nhiệm vụ lo cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Còn văcxin dịch vụ là do người dân có nhu cầu, đó là phân khúc thị trường.
Doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối văcxin dịch vụ dựa theo nhu cầu thị trường để nhập về phục vụ cho người dân.
* Bộ trưởng lý giải thế nào về một số trường hợp tai biến nặng, thậm chí tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem vừa qua?
- Nếu không tiêm văcxin Quinvaxem để phòng bệnh thì sẽ có hàng trăm ngàn trẻ em bị mắc bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do Hib. Trong số mắc bệnh đó sẽ có ít nhất hàng trăm trẻ tử vong.
Còn nếu tiêm dù là văcxin nào đi nữa cũng khó tránh khỏi một tỉ lệ rất nhỏ tử vong do phản ứng sau tiêm văcxin (khoảng 1-4 ca tử vong/1 triệu trường hợp tiêm).
Ngay cả khi không tiêm văcxin, mỗi ngày cả nước cũng có 30-50 trẻ tử vong vì nhiều nguyên nhân.
Do vậy, chúng ta vẫn phải chấp nhận để tạo miễn dịch lớn ở một cộng đồng dù biết rằng có tai biến.
Có ba nguyên nhân có thể dẫn đến phản ứng nặng, thậm chí tử vong cho trẻ sau tiêm chủng nói chung và sau tiêm Quinvaxem nói riêng. Một là sốc phản vệ, xác suất sự cố không may này rơi vào ai thì phải chịu. Hai là sốc phản vệ có thể cứu được nhưng mình không thể cứu được do ở vùng sâu vùng xa, điều kiện y tế còn hạn chế. Ba là trẻ đang bị mắc một bệnh trùng lắp nào đó như tim bẩm sinh, rối loạn miễn dịch, bệnh di truyền...
Thế nhưng khi có một ca tai biến, các báo chạy tít ầm ầm và người dân nhiều khi chỉ đọc thấy cái tít chết sau tiêm văcxin là sợ rồi. Người dân nghĩ rằng tiêm Quinvaxem là chết nên quay sang tiêm văcxin dịch vụ.
Tôi rất mong người dân chia sẻ không chỉ văcxin mà kể cả uống thuốc, dù an toàn đến mấy khi sử dụng cũng có khi gây ra tai biến không mong muốn.
* Nhiều nước đưa văcxin có thành phần ho gà vô bào vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia với giá khoảng 7-10 USD/liều. Trong khi đó, giá nhập loại văcxin này vào VN lên đến 27-28 USD/liều. Bộ Y tế có tính đến việc thay Quinvaxem bằng loại văcxin khác?
- Năm 2014, chúng tôi đã bàn đến việc thay Quinvaxem nhưng làm không nổi. Bản thân tôi đã sang Genève (Thụy Sĩ) mấy lần, làm việc với các chuyên gia Viện Nhi nhưng cuối cùng chưa thể thay được vì nhiều lý do.
Các chuyên gia độc lập, chuyên gia của WHO cho rằng nếu thay văcxin dịch vụ (loại 5 trong 1) đối với một đất nước có đông trẻ em như Việt Nam phải cân nhắc. Thay thế văcxin Quinvaxem bằng văcxin dịch vụ rất khó do tiền mua văcxin dịch vụ cao gấp mấy lần Quinvaxem.
Sở dĩ Bộ Y tế không thay văcxin Quinvaxem là do nếu thay bằng văcxin dịch vụ thì dịch ho gà có nguy cơ quay trở lại vì hiệu quả bảo vệ của văcxin vô bào không bằng Quinvaxem.
Ngoài ra, khi tiêm chủng văcxin dịch vụ với số lượng lớn thì nguy cơ tai biến và tử vong sau tiêm cũng sẽ như tiêm Quinvaxem chứ không kém hơn. Khi đó lại đổ cho văcxin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1. Bộ Y tế giải thích thế nào được với dân?
Hơn nữa, chưa chắc khi chuyển sang văcxin vô bào mà nhà sản xuất chịu bán. Bây giờ mua với giá như vậy mà họ còn chưa đủ văcxin để bán.
* Chỉ còn ba năm nữa Tổ chức Liên minh văcxin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) sẽ không hỗ trợ văcxin Quinvaxem cho Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam. Bộ Y tế sẽ sử dụng văcxin nào thay thế?
- Bộ Y tế đã bàn về việc này nhưng không phải dễ. Chúng ta đang cố gắng tìm kiếm công nghệ để sản xuất văcxin thay thế Quinvaxem.
* Ông Nguyễn Văn Tiên (phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội):
Vẫn nên duy trì hai hệ thống tiêm chủng
Trong tương lai gần, tôi cho rằng vẫn nên duy trì hai hệ thống tiêm chủng là mở rộng và dịch vụ, cho đến khi nào chúng ta đủ sức, đủ nguồn tài chính thay thế loại văcxin đang sử dụng trong tiêm chủng mở rộng bằng loại văcxin thế hệ mới hơn.
Cả thế giới chỉ có một số nhà sản xuất có loại văcxin mà Việt Nam đang dùng trong tiêm dịch vụ, vì thế Bộ Y tế phải tìm biện pháp đánh giá sớm được nhu cầu tiêm chủng dịch vụ và đặt hàng các nhà sản xuất từ trước mỗi 1-2 năm, để có đủ văcxin dịch vụ đáp ứng cho 10-15% gia đình có con trong độ tuổi có nhu cầu sử dụng loại văcxin này.
Với phần lớn người dân còn nghèo, họ không thể trả phí nếu tiêm chủng triển khai dịch vụ theo kiểu “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
LAN ANH ghi
* Bác sĩ Trần Tuấn (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng):
Nên có sự đánh giá khoa học, độc lập
- Theo tôi, còn có sự chưa rõ ràng về lý do tử vong ở trẻ sau tiêm văcxin quinvaxem trong dư luận xã hội và đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân quay lưng lại với văcxin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đổ xô sang văcxin dịch vụ, tạo nên tình trạng “khủng hoảng” văcxin gần đây. Vì vậy, cần có sự đánh giá khoa học, độc lập để giải tỏa tâm lý nghi ngờ này.
Cần làm sáng tỏ với công luận là liệu văcxin quinvaxem hoàn toàn vô can trong các trường hợp tử vong sau tiêm văcxin? Nếu đã có đủ cơ sở, đề nghị minh bạch tiến trình thực hiện điều tra đánh giá đó. Trước mắt, nên thiết lập một ủy ban độc lập để xem xét vấn đề này.
* Theo ông, Quinvaxem có thật sự tốt đến mức không thể thay thế hay vì chúng ta không có tiền để giải bài toán tìm một loại văcxin khác trước khi có văcxin trong nước tự sản xuất?
- Thế giới đã tồn tại thị trường văcxin và hàng trăm triệu trẻ em được tiêm chủng hằng năm trên thế giới. Độ an toàn của văcxin chắc chắn đã được kiểm chứng không chỉ ở phòng thí nghiệm mà cả thực tế sử dụng. Loại nào an toàn hơn, loại nào không gây tử vong cho trẻ chắc chắn đã có câu trả lời.
Đó là hãy nhìn các nước đang dùng văcxin gì, tại sao họ lại dùng văcxin đó? Pentaxim hay infarix ở đâu tiêm? Quinvaxem ở đâu tiêm? Trẻ em tử vong liên quan đến loại văcxin nào?...
Về lâu dài, tôi cho rằng cần phải xem lại cách tổ chức loại hình dịch vụ tiêm chủng cơ bản cho trẻ em. Vấn đề có căn nguyên từ việc tổ chức hệ thống tiêm chủng, tồn tại tình trạng lẫn lộn công - tư, đi kèm với hệ thống giám sát đánh giá quản lý chất lượng chưa được tổ chức theo nguyên tắc đảm bảo khách quan, khoa học.
Do đó, cần nghiên cứu đánh giá lại hệ thống, xây dựng lại mô hình cấu trúc và mô hình chức năng thực hiện y tế dự phòng nói chung và tiêm chủng nói riêng.
Điều tiên quyết là hệ thống phải được thiết kế khoa học, xuất phát từ thực tế. Tiếp đến là cơ chế quản lý hệ thống phải theo kịp các nguyên lý quản lý hiện đại, có sự giám sát qua lại giữa các thành phần với chức năng rõ ràng cho mỗi bên, tránh độc quyền.
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160104/bo-truong-bo-y-te-tung-ban-thay-vacxin-quinvaxem-nhung/1032043.html
'Bà trùm' vắc xin dịch vụ: 'Quinvaxem tốt hơn'
- Bà Hồng Thuý cho biết, trong suốt 23 năm phân phối vắc xin dịch vụ, chưa khi nào xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ như vừa qua.
Lần đầu tiên, bà Đặng Hồng Thuý, Giám đốc Công ty Hồng Thuý - đơn vị nhập khẩu, phân phối độc quyền vắc xin dịch vụ toàn miền Bắc có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh câu chuyện khủng hoảng vắc xin thời gian qua.
'Không phải đáp ứng tối đa vắc xin dịch vụ'
- Là đơn vị phân phối vắc xin dịch vụ toàn miền Bắc trong suốt 23 năm qua, theo bà nguyên nhân nào dẫn tới khủng hoảng vắc xin vừa qua?
Tôi khẳng định, trong suốt 23 năm làm phân phối độc quyền cho Sanofi Pasteur, đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố thiếu vắc xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim nghiêm trọng đến vậy.
Có 3 nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Thứ nhất: Tình trạng thiếu hàng toàn cầu do nhu cầu tăng, do nhà máy thay đổi dây chuyền sản xuất. Bình thường Pentaxim chỉ chiếm 30% thị trường, còn lại vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa chiếm 70%. Tuy nhiên do sự cố “đứt hàng” nên lượng thiếu hụt Infanrix đổ dồn sang Pentaxim.
Thứ hai: Việt Nam xảy ra sự cố tiêm chủng vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng, làm gia tăng nhu cầu tiêm Pentaxim.
Thứ ba: Do truyền thông về tai biến sau tiêm Quinvaxem chưa rõ ràng, thiếu minh bạch khiến người dân hiểu lầm rằng vắc xin dịch vụ tốt hơn nên đổ xô chen lấn, tiêm bằng được. Câu chuyện ở Hà Nội vừa là hội chứng đám đông, vừa là áp lực tâm lý.
- Sau các sự cố, nhu cầu vắc xin dịch vụ đã tăng lên như thế nào, thưa bà?
5 năm qua, công ty chúng tôi bán ra 336.931 liều vắc xin Pentaxim. Như vậy trung bình mỗi năm, miền Bắc có khoảng 67.300 liều Pentaxim, ở khu vực miền Nam, nhu cầu sử dụng vắc xin dịch vụ ít hơn. Tính xô bù thì mỗi năm cả nước chỉ cần khoảng 120.000 - 130.000 liều Pentaxim là đủ. Tuy nhiên năm vừa qua, sau những sự cố về tiêm chủng Quinvaxem, chúng tôi ước tính nhu cầu Pentaxim phải lên tới 400.000 - 600.000 liều.
- Như bà nói ở miền Nam nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ thấp hơn, vậy tại sao vừa qua, số lượng Pentaxim về miền Bắc chưa bằng 1/3 miền Nam?
Trước tình trạng khan hiếm Pentaxim, ngay từ tháng 7/2015, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu chúng tôi báo cáo tiến độ hàng. Phía Sanofi cho biết đến hết tháng 12/2015, công ty chúng tôi sẽ nhận đủ 75.300 liều. Tuy nhiên đến 14/12, chúng tôi mới nhận được 15.120 liều và tới ngày 31/12 vừa qua, chúng tôi mới được nhận tiếp 29.000 liều, số 31.000 liều Pentaxim còn lại Sanofi chưa phản hồi có giao tiếp hay không.
Như vậy, theo số liệu Cục Quản lý Dược công bố có 160.000 liều Pentaxim về Việt Nam thì trong miền Nam nhận 117.000 liều, ngoài Bắc nhu cầu lớn hơn nhưng chỉ có 43.000 liều. Sự điều phối không hợp lý này dẫn đến xáo động thị trường, gây ra hiểu lầm không đáng có. Đây là lần đầu tiên có sự phân phối mất cân bằng như vậy. Nếu Bộ Y tế điều phối được cân bằng thì áp lực thị trường sẽ giảm ngay.
- Sao công ty không tìm đến những nhà phân phối vắc xin dịch vụ khác?
Công ty vắc xin GSK cũng có vắc xin 5 trong 1 nhưng thủ tục tại Việt Nam lâu quá, thường phải mất 12 tháng. Sau đó phải thử nghiệm lâm sàng khoảng 2 năm nữa, chưa kể phải qua hội đồng y đức nên họ cũng ngại.
Theo tôi cái tốt nhất của Bộ Y tế lúc này không phải đáp ứng tối đa Pentaxim mà làm dư luận dịu xuống, tin tưởng vào cơ quan quản lý và Quinvaxem hơn.
'Quinvaxem tốt hơn' nhưng 'đừng tiêm lấy được'
- Là một doanh nghiệp kinh doanh vắc xin dịch vụ, tại sao bà lại nói tốt về Quinvaxem?
Theo thông tư 08 của Bộ Y tế, 100% các lô vắc xin nhập khẩu vào Việt Nam đều phải đủ 3 giấy kiểm định chất lượng gồm kiểm định của nhà máy, kiểm định của quốc gia sở tại và khi vào Việt Nam sẽ kiểm định một lần nữa nên về chất lượng Quinvaxem và Pentaxim đều như nhau, không thể nói Pentaxim tốt hơn.
Còn về khả năng đáp ứng miễn dịch, đứng trên góc độ chuyên môn với gần 30 năm giảng dạy tại ĐH Dược và theo đánh giá của các chuyên gia trong, ngoài nước, Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào có hiệu quả điều trị và khả năng miễn dịch tốt hơn ở môi trường Việt Nam.
Vậy tai biến sau tiêm Quinvaxem là do đâu? Cái này phải rạch ròi, nếu nhà quản lý có lỗi cần nhận lỗi, phải công khai, minh bạch về nguyên nhân các trường hợp tử vong. Tại các điểm tiêm phải có bảng so sánh về chất lượng, hiệu quả giữa Quinvaxem và Petaxim để phụ huynh biết rõ.
Cũng phải thấy các điểm tiêm lớn ở Hà Nội chưa có trường hợp tai biến nào, tức họ thực hiện quy trình tiêm chủng rất chuẩn. Bộ Y tế nên kiểm tra lại tất cả các điểm tiêm xem khám sàng lọc thế nào, dây chuyền lạnh bảo quản ra sao, theo dõi sau tiêm chủng có sát sao không?
- Bà có nghĩ chia sẻ này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bà?
Tôi nghĩ là có, nhưng cái này là đạo đức kinh doanh, mình không thể bất chấp bằng mọi cách để có tiền. Tôi là nhà kinh doanh nhưng cạnh tranh phải lành mạnh và công bằng. Cái gì tốt cho người dân thì mình nên làm. Còn kinh doanh nếu hụt chỗ này có thể kinh doanh cái khác để bù vào.
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/282581/ba-tru-m-va-c-xin-di-ch-vu-quinvaxem-to-t-hon.html
Không có chuyện vaccine dịch vụ Pentaxim tốt hơn Quinvaxem
Người dân cần phải biết rằng chất lượng của vaccine dịch vụ và vaccine Quinvaxem được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là tương đương nhau, thành phần cũng gần như nhau trong khi vaccine Quinvaxem lại có khả năng miễn dịch tốt hơn... Đây là ý kiến khách quan và thẳng thắn được bà Đặng Hồng Thúy (ảnh) - Giám đốc Công ty Hồng Thúy - đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền vaccine dịch vụ Pentaxim tại miền Bắc cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP. Bà Đặng Hồng Thúy chia sẻ:
Trong suốt 23 năm, chúng tôi làm việc và hợp tác với hãng Sanofi Pasteur để cung ứng vaccine “5 trong 1” Pentaxim cho Việt Nam thì chưa bao giờ xảy ra sự cố thiếu vaccine như vậy, đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố này. Có các nguyên nhân dẫn tới việc thiếu hụt hay khan hiếm vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim của hãng Sanofi Pasteur và “6 trong 1” Infranrix Hexa của hãng GSK là do nhu cầu sử dụng 2 loại vaccine này trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, gia tăng vượt quá khả năng của nhà sản xuất, dẫn tới “đứt hàng” toàn cầu.
Ngoài ra, đối với Việt Nam, sau một số sự cố về tiêm chủng vaccine Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng làm gia tăng nhu cầu tiêm vaccine dịch vụ Pentaxim. Trong đó nguyên nhân chính của việc này là do công tác truyền thông, thông tin về nguyên nhân các sự cố, tai biến sau tiêm vaccine Quinvaxem của cơ quan quản lý chưa thực sự minh bạch, rõ ràng và thuyết phục nên đã dẫn tới hội chứng đám đông, lo ngại vaccine Quinvaxem dẫn tới việc người dân đổ xô tìm tiêm vaccine dịch vụ cho trẻ nhỏ vì áp lực tâm lý cho rằng vaccine dịch vụ tốt hơn vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
* Phóng viên: Bà có nói tới việc nhu cầu sử dụng vaccine dịch vụ gia tăng sau các sự cố tiêm chủng vaccine Quinvaxem. Vậy bà có thể cho biết số lượng vaccine dịch vụ Pentaxim được sử dụng tại Việt Nam trong thời gian qua?
* Bà ĐẶNG HỒNG THÚY: Theo thống kê trong 5 năm qua, từ năm 2010 tới hết năm 2014, công ty chúng tôi đã bán ra 336.931 liều vaccine Pentaxim như vậy chia trung bình cho 5 năm ở thời điểm đủ vaccine thì chỉ có khoảng 67.000 liều/năm đối với khu vực miền Bắc, còn đối với khu vực miền Nam thì thường sử dụng ít vaccine dịch vụ hơn. Như vậy với cả nước ở thời điểm đủ vaccine dịch vụ, hay không xảy ra các sự cố khan hiếm thì chỉ cần từ 120.000 - 130.000 liều Pentaxim/năm là đủ. Tuy nhiên sau những sự cố về tiêm chủng vaccine Quinvaxem thì nhu cầu vaccine dịch vụ Pentaxim tăng lên tới khoảng 300.000 - 400.000 liều/năm theo ước tính của chúng tôi.
* Vậy tính tới hết năm 2015, công ty bà đã cung ứng bao nhiêu liều vaccine Pentaxim ra thị trường?
* Trước tình trạng thiếu vaccine Pentaxim trên toàn cầu, từ tháng 7-2015, Cục Quản lý dược có yêu cầu chúng tôi báo cáo tiến độ hàng về trên cơ sở thông báo của nhà sản xuất. Theo đó, qua thông báo của Sanofi thì tháng 11-2015, chúng tôi sẽ được cung ứng khoảng 37.650 liều vaccine Pentaxim và tháng 12 cũng số lượng 37.650 liều. Như vậy là tới tháng 12-2015, công ty chúng tôi được Sanofi cung cấp cho 75.300 liều Pentaxim ở miền Bắc. Tuy nhiên tới ngày 14-12, chúng tôi mới chỉ nhận được có 15.000 liều vaccine Pentaxim và số vaccine này đã được công khai minh bạch trên truyền thông và phân phối hết cho các cơ sở tiêm chủng ở khu vực miền Bắc. Tới ngày 31-12, chúng tôi đã nhận được thêm 29.000 liều vaccine Pentaxim trong đó phải bỏ ra 120 liều để tiến hành kiểm định chất lượng, như vậy chỉ còn 28.880 liều cũng sẽ được phân phối hết cho các cơ sở tiêm chủng sau khoảng 2 tuần nữa khi có kết quả kiểm định. Còn số vaccine Pentaxim còn lại khoảng hơn 31.000 liều, Sanofi có giao hàng cho chúng tôi hay không để cung ứng cho miền Bắc trong đầu năm 2016 thì tới giờ chúng tôi cũng chưa nhận được thông báo mới từ phía họ.
Tuy nhiên, theo thông báo của Cục Quản lý dược thì tới tháng 2-2016 sẽ có 200.000 liều Pentaxim về Việt Nam, như vậy cũng sẽ làm giảm áp lực tâm lý của người dân và đáp ứng phần nào nhu cầu của thị trường nếu như chúng ta điều phối tốt. Cùng với đó việc truyền thông tốt về vaccine Quinvaxem cũng sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn và không đổ xô vào vaccine dịch vụ nữa.
* Là nhà phân phối độc quyền về vaccine dịch vụ Pentaxim ở miền Bắc nhưng bà lại đề cập nhiều tới vấn đề truyền thông về vaccine tiêm chủng mở rộng. Vậy bà đánh giá như thế nào về vaccine Quinvaxem?
* Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả 100% lô hàng vaccine nhập khẩu dù là vaccine dịch vụ hay vaccine trong tiêm chủng mở rộng khi nhập về Việt Nam đều phải kiểm định chất lượng, ngoài ra còn phải có kiểm định chất lượng của quốc gia sản xuất vaccine đó. Sau khi có phiếu kiểm định đạt chất lượng mới được phép lưu hành.
Như vậy mặc dù chúng tôi là nhà phân phối vaccine dịch vụ nhưng đứng dưới góc độ của người dân, tôi rất công bằng, nói rằng, chất lượng của vaccine dịch vụ và vaccine Quinvaxem là như nhau. Nói cách khác của một nhà chuyên môn lâu năm trong lĩnh vực vaccine thì không có chuyện chất lượng vaccine dịch vụ tốt hơn vaccine Quinvaxem. Còn về thành phần, vaccine dịch vụ và Quinvaxem là gần như giống nhau chỉ khác là vaccine dịch vụ là vô bào và Quinvaxem là toàn tế bào. Trong khi đó về hiệu quả điều trị và khả năng miễn dịch thì theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định khả năng đáp ứng miễn dịch của vaccine Quinvaxem ở Việt Nam tốt hơn so với Pentaxim, cùng với đó độ an toàn của hai loại vaccine này là tương đương nhau.
Do vậy để người dân tin dùng vacccine Quinvaxem, theo tôi vấn đề quan trọng ở đây là cơ quan quản lý phải công khai minh bạch rõ ràng các trường hợp sự cố sau tiêm vaccine Quinvaxem, cái nào lỗi về mình thì phải thẳng thắn thừa nhận. Đồng thời, phải đẩy mạnh truyền thông về chất lượng và hiệu quả thực chất của Quinvaxem, thậm chí nên làm những bảng so sánh về chất lượng, hiệu quả giữa vaccine dịch vụ và Quinvaxem ngay tại các điểm tiêm chủng để khi người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine được biết rõ.
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/1/408108/
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh do vi-rút ZIKA
Ngày 4-1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh do vi-rút ZIKA. Theo đó, người nhập cảnh từ các quốc gia có vi-rút ZIKA chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Người dân cần thực hiện đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch…
Bệnh do vi-rút ZIKA, do một loại vi-rút được ghi nhận đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng ZIKA của U-gan-đa gây nên. Bệnh thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Phương thức lây truyền chủ yếu của vi-rút ZIKA là qua muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết). Thời gian ủ bệnh từ ba ngày đến 12 ngày. Đáng chú ý, hiện nay vi-rút ZIKA đã ghi nhận tại một số nước trong khu vực Đông - Nam Á, nơi có sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn. Do vậy, nguy cơ vi-rút ZIKA xâm nhập và lan truyền ở Việt Nam là hoàn toàn có khả năng xảy ra.
http://www.nhandan.com.vn/xahoi/suckhoe/item/28441202-thuc-hien-nghiem-cac-bien-phap-phong-benh-do-vi-rut-zika.html
Bác sĩ phẫu thuật nội soi số một thế giới đến Việt Nam
Giáo sư, Tiến sĩ Joel Leroy, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật nội soi sẽ mổ cho một số bệnh nhân mắc các bệnh lý đường tiêu hóa tại Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội).
Giáo sư Joel Leroy là người nâng tầm phẫu thuật nội soi trở thành nghệ thuật biểu diễn y khoa trên thế giới. Ông cùng các đồng nghiệp sẽ làm việc tại Bệnh viện Saint Paul và mổ thị phạm cho đồng nghiệp Việt trong thời gian ngày 15-20/1.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Saint Paul cho biết, một số bệnh nhân mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như dạ dày, ruột non, đại tràng, gan mật, tụy… sẽ được giáo sư Leroy trực tiếp mổ thị phạm.
Diễn biến ca mổ tại Bệnh viện Saint Paul sẽ được truyền hình ảnh trực tiếp đến nhiều hội trường bệnh viện để các bác sĩ trong viện và những cơ sở y tế khác học hỏi kinh nghiệm.
Bệnh viện Saint Paul tổ chức khám sàng lọc để chọn bệnh nhân cho ca mổ của giáo sư Leroy. Thời gian đăng ký khám vào các ngày 4-7/1. Đăng ký qua số điện thoại 0912866831. Chi phí cho ca mổ của giáo sư Leroy tính bằng giá viện phí như các chuyên gia Việt Nam mổ.
Giáo sư Leroy là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật đại trực tràng không để lại vết sẹo trên thành bụng. Ông nổi tiếng thế giới với những công trình sáng tạo mổ nội soi.
Giáo sư được Hiệp hội Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu Mỹ trao tặng giải thưởng “Người mở đường” cho lĩnh vực này. Ông đang giảng dạy tại Bệnh viện Đại học Civil Strasbourg.
Đến Việt Nam cùng giáo sư Leroy còn có các chuyên gia phẫu thuật và nội soi hàng đầu thế giới là giáo sư - tiến sĩ Sarrot Christian (Tổng Giám đốc Viện Montsouris, Paris), giáo sư - tiến sĩ Delvaux Michel (Bệnh viện Đại học Civil Strasbourg), giáo sư - tiến sĩ Bretagnol Frederic (Bệnh viện Đại học Louis Mourier, Paris).
Sự kiện giáo sư Leroy đến Việt Nam thực hiện biểu diễn phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân và thuyết giảng những kỹ năng mổ nội soi đỉnh cao các chuyên gia y tế trong nước đánh giá là sẽ tạo nên những bước đột phá thúc đẩy y tế phát triển.
http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/bac-si-phau-thuat-noi-soi-so-mot-the-gioi-den-viet-nam-1565856-l.html
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/282583/chuyen-gia-mo-no-i-soi-ha-ng-da-u-the-gio-i-de-n-ha-no-i.html
http://laodong.com.vn/y-te/4-giao-su-hang-dau-the-gioi-se-phau-thuat-noi-soi-tai-bvdk-xanh-pon-412439.bld
"Tiếp sức người bệnh" đạt giải Nhất Sáng kiến vì cộng đồng 2015
Sáng 4/1, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" 2015 và phát động Phong trào thi đua sáng tạo.
Qua 2 vòng thẩm định, xét duyệt, Ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn 11 sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu nhất trong số 177 sáng kiến dự thi để trao các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trao giải Nhất cho Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam với sáng kiến "Chương trình tiếp sức người bệnh."
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích cho tác giả, nhóm tác giả có sáng kiến đạt giải.
Trước đó, ngày 22/6/2015, Ban tổ chức đã phát động Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” và bắt đầu tiếp nhận hồ sơ tham dự.
Sau gần 5 tháng triển khai, Ban tổ chức Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” đã nhận được 177 sáng kiến của các cá nhân và tập thể trong toàn quốc.
Các sáng kiến tham dự rất đa dạng về các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, khoa học công nghệ, du lịch, bảo vệ môi trường, nông nghiệp và tình nguyện vì cộng đồng, trong đó, nhóm tác giả trẻ tuổi nhất tham dự ở độ tuổi cấp trung học phổ thông; nhóm tác giả tham dự tích cực nhất là cán bộ, giảng viên trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ) với 37 sáng kiến dự thi.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh "Sáng kiến vì cộng đồng" là một cuộc thi rất có ý nghĩa không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam.
“Chúng ta thực hiện nền kinh tế thị trường, trong đó cạnh tranh là một động lực. Nó phục vụ trực tiếp cho người tham gia cạnh tranh, đó là doanh nghiệp phải làm ăn tốt, hiệu quả. Mà muốn làm ăn tốt phải có sáng kiến, sáng tạo thì mới tăng thu nhập và nộp ngân sách cũng tăng. 177 sản phẩm dự thi không phải bởi bản thân họ, mà vì lợi ích cộng đồng," Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua các tổ chức thành viên (Thanh niên, Phụ nữ, Hội Nông dân...) là nơi tiếp nhận các sáng kiến này, để phát triển các sáng kiến thành nguồn lực bảo đảm cuộc sống của nhân dân tốt hơn.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cam kết phối hợp với Ban tổ chức để kết quả cuộc thi đến với người dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn thời gian tới, Cuộc thi "Sáng kiến vì cộng đồng" sẽ trở thành một giải thưởng mang tên "Sáng kiến vì cộng đồng và sáng tạo vì Tổ quốc Việt Nam" nhằm khen thưởng cả hai đối tượng phục vụ người dân và phục vụ Tổ quốc.
Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” là cơ hội để các tập thể, cá nhân đưa ra những dự án, sáng kiến hỗ trợ cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.
Cuộc thi còn nhằm giáo dục thanh niên tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc, thiết thực hưởng ứng Phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động./.
http://www.vietnamplus.vn/tiep-suc-nguoi-benh-dat-giai-nhat-sang-kien-vi-cong-dong-2015/364358.vnp
Những người được ‘hồi sinh’
Nhiều người đã đăng ký hiến tạng sau khi chết não với hy vọng cứu sống những người khác. Bằng cách đó, sự sống được duy trì trên cơ thể của những người ghép.
Ngỡ như mơ
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Thoan (38 tuổi, TP.HCM) trong buổi tái khám đặc biệt dành cho bệnh nhân ghép thận từ người ngưng tim. Anh Thoan luôn miệng cười và hào hứng chia sẻ về tiến triển sức khỏe của mình với các y, bác sĩ của phòng khám ghép thận.
Anh Thoan kể năm 2005, anh thường xuyên chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn và không thể làm được việc gì nên đi khám. Các bác sĩ thông báo anh bị suy thận và bắt buộc phải chạy thận để duy trì sự sống.
“Nhận kết quả, tay chân tôi rụng rời. Tôi ra Huế và Hà Nội để kiểm tra lại nhưng vẫn chung một kết luận. Về lại TP.HCM, tôi bắt đầu chạy thận tại Bệnh viện nhân dân Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) 3 buổi/tuần”, anh Thoan nhớ lại.
Ròng rã gần 10 năm, sức khỏe chẳng còn như trước, anh Thoan phải chuyển sang buôn bán tại nhà. Anh Thoan chia sẻ: “Thời gian đó, tôi ăn gì cũng thấy mệt, không ăn được nhiều, người cứ uể oải. Sau này nghe nhiều người cũng chạy thận nói ghép thận sẽ khỏe hơn nên tôi đăng ký”.
Trưa 18.6.2015, đang bán sắt tại nhà, anh nhận được điện thoại của bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu (Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người – Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) mời đến xét nghiệm kiểm tra sự hòa hợp với người hiến.
Sáng sớm hôm sau, anh nhận thông báo kết quả xét nghiệm cơ thể của anh phù hợp với người hiến. Ngay sau đó, anh Thoan được đưa vào phòng phẫu thuật để ghép thận.
“Tỉnh dậy nhìn mọi thứ xung quanh mà cứ ngỡ là mơ. Tôi như được sinh ra một lần nữa. Ngay lập tức, tôi muốn chạy đến để cảm ơn gia đình của người hiến tạng quý cho mình, nhưng quy định của bệnh viện là giấu tên người hiến nên tôi chỉ biết cố gắng chăm lo cho sức khỏe của mình thật tốt”.
Anh Thoan cho biết, trong thời gian chăm sóc anh ở phòng hậu phẫu, vợ của anh là chị Trần Thị Tính cũng đã đăng ký hiến tạng với hy vọng sau khi chết đi sẽ cứu giúp được nhiều người như chính người đã mang tới cho anh một cuộc đời khác.
Cuộc sống mới
Cùng những cảm xúc như anh Thoan sau ca phẫu thuật ghép thận, chị Trần Thị Quỳnh Trâm (40 tuổi, TP.HCM) vẫn không thể nào quên được cảm giác khi vừa được người nhà đẩy ra khỏi phòng hậu phẫu.
Chị Trâm nhớ lại: “Ra khỏi phòng hậu phẫu, tôi thấy mình khỏe hẳn lên, khỏe hơn cả lúc chưa bị bệnh”. Vẫn nguyên vẹn cảm xúc khoảnh khắc lịch sử trong đời, chị hào hứng kể khi đó chỉ muốn đi lại và làm việc thay vì nằm dưỡng bệnh.
“Mang trong mình bộ phận cơ thể của người đã khuất làm cho mình sống có trách nhiệm hơn, nhìn nhận cuộc sống cũng khác đi. Bây giờ thấy yêu đời lắm, nhìn đâu cũng thấy những hành động cao đẹp”, chị Trâm chia sẻ.
Cũng như anh Thoan, sau ca phẫu thuật ghép thận thành công, chị Trâm luôn giải thích cho mọi người xung quanh về ý nghĩa của việc hiến tặng tạng quý.
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu cho biết, một người hiến đa tạng sau khi chết não sẽ cứu được 8 - 10 người sống. Ở Việt Nam việc vận động hiến tạng đã được thực hiện trong 20 năm nay. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong năm 2015, có 7 trường hợp hiến đa tạng cứu sống được 22 người.
http://thanhnien.vn/thoi-su/nhung-nguoi-duoc-hoi-sinh-653903.html