Bộ trưởng Bộ Y tế gửi thư khen các thầy thuốc cứu sống bệnh nhân bị đạn "găm" vào cơ thể
http://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-y-te-gui-thu-khen-cac-thay-thuoc-cuu-song-benh-nhan-bi-dan-gam-vao-co-the-n116070.html
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa gửi lời khen ngợi và biểu dương tới tập thể y, bác sỹ khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã vượt qua khó khăn, khẩn trương triển khai các biện pháp tích cực để cứu sống bệnh nhân bị hơn 20 viên đạn súng hơi "găm" vào cơ thể đang trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có thư khen đến tập thể y bác sĩ tham gia cứu sống bệnh nhân bị hơn 20 viên đạn súng hơi “găm” vào vùng ngực, bụng.
Thư khen của Bộ trưởng nêu rõ: “tôi được biết tập thể y, bác sỹ khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã khẩn trương kịp thời cấp cứu bệnh nhân Đặng Quang C (37 tuổi, trú tại xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa) bị sốc đa chấn thương gây mất máu nhiều, khó thở. Sau 5 giờ đồng hồ thực hiện ca mổ (kéo dài đến 2h sáng ngày 27/4/2016), các bác sỹ đã gắp được hơn 20 viên đạn ra khỏi cơ thể bệnh nhân, khâu lại những vết thương tim, ruột, dẫn lưu màng phổi phải, truyền máu - truyền dịch kịp thời. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch”.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng gửi lời khen ngợi và biểu dương tới tập thể y, bác sỹ khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã vượt qua khó khăn, khẩn trương triển khai các biện pháp tích cực để cứu sống bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
"Kết quả thành công của ca mổ không chỉ là nỗ lực, cố gắng của tập thể y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang mà còn khẳng định được hiệu quả của Đề án 1816 trong việc đưa các bác sỹ tuyến trên về chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới và Đề án bệnh viện vệ tinh của ngành Y tế"- Thư khen của Bộ trưởng nhấn mạnh
Liên quan đến thông tin này, báo Sức khoẻ & Đời sống điện tử (www:suckhoedoisong.vn) đã đưa tin ngày 29/4, thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật kịp thời cứu sống bệnh nhân bị súng hơi bắn trên 20 viên đạn vào vùng ngưc, bụng khiến tính mạng vô cùng nguy kịch
Trước đó vào khoảng 18h chiều ngày 26/4, bệnh nhân Đặng Quang C, 37 tuổi ở xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa bị súng bắn vào ngực bụng. Ngây lập tức bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Chiêm Hóa.
Ở đây bệnh nhân được các bác sỹ sơ cứu ban đầu và chuyển tuyến về Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang ngay sau đó. Qua thăm khám, các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang chẩn đoán bệnh nhân bị sốc đa chấn thương do hỏa khí gây ra mất máu nhiều, khó thở. Bệnh nhân nhanh chóng được chụp xquang, siêu âm, xét nghiệm… Qua đó, phát hiện trên 20 viên đạn đang “găm” trong cơ thể bệnh nhân khiến bệnh nhân bị tràn dịch, tràn khí màng phổi phải, mất máu nặng đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.
Bác sỹ CKI Vương Ngọc Chắt, Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau 5 tiếng đồng hồ thực hiện ca mổ (kéo dài đến 2h sáng gày 27/4), kíp phẫu thuật đã khâu lại những vết thương tim, ruột, dẫn lưu màng phổi phải, truyền máu - truyền dịch kịp thời cho bệnh nhân Đặng Quang C. Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân tạm thời ổn định.
Hà Nội xây dựng trung tâm y tế kỹ thuật cao
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/5/420024/
(SGGPO). - Sáng 4-5, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội đã tổ chức khởi công xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao của bệnh viện với tổng mức đầu từ 150 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây sẽ trung tâm y tế kỹ thuật cao hiện đại đầu tiên của y tế Hà Nội đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng y tế phục vụ người dân.
Tham dự buổi lễ khởi công có ông Nguyễn Đức Chung- Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, thành phố Hà Nội.
Dự án Trung tâm kỹ thuật cao của Bệnh viện Xanh Pôn có tổng mức đầu từ là 150 tỷ đồng, trong đó xây lắp có giá trị 60 tỷ, trang thiết bị 70 tỷ. Trung tâm kỹ thuật cao hình thành trên cơ sở cải tạo tòa nhà A2 của bệnh viện với quy mô 5 tầng trên 3.000m². Khi đi vào hoạt động trung tâm sẽ có 10 phòng khám bệnh, 10 phòng bệnh nội trú, 4 phòng nội soi chẩn đoán, 3 phòng mổ với các trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn 5 sao. Trung tâm sẽ là cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên của thủ đô đạt tiêu chuẩn châu Âu. Dự kiến Trung tâm sẽ khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 12-2016.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đức Chung nêu rõ, Trung tâm kỹ thuật cao của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn sẽ là cơ sở y tế đầu tiên của thủ đô thực hiện được các kỹ thuật cao tương đương các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực ung thư tiêu hóa. Đồng thời đây cũng là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế Hà Nội và các tỉnh khác, cũng như là nơi chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới về với Việt Nam, giúp người bệnh không phải đi ra nước ngoài chữa bệnh.
Nhân dịp này, Bệnh viện Xanh Pôn đã tổ chức khai giảng Khóa đào tạo phẫu thuật nội soi thực nghiệm, chuyên đề phẫu thuật nội soi đại trực tràng do GS.TS Leroy Joelp là chuyên gia phẫu thuật nội soi hàng đầu thế giới trực tiếp đào tạo cho các y bác sĩ của Việt Nam.
Virus Zika: Việt Nam chưa có thêm ca mắc, thế giới vẫn lo
http://www.kinhtedothi.vn/xa-hoi/y-te/2016/05/81033ba4/virus-zika-viet-nam-chua-co-them-ca-mac-the-gioi-van-lo/
Kinhtedothi - Tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cục đã họp Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) nhằm tăng cường việc chia sẻ thông tin và đánh giá nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam trong thời gian tới.
Cụ thể, ngày 22/4, UBND TP Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa đều đã công bố hết dịch do virus Zika quy mô xã, phường tại Phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, TP Hồ Chí Minh và phường Phước Hòa, TP Nha Trang sau 24 ngày thực hiện quyết liệt việc khoanh vùng, xử lý ổ dịch triển khai các biện pháp phòng bệnh tại các địa phương trên địa bàn tỉnh/thành phố. Như vậy, sau khi ghi nhận hai trường hợp nhiễm virus Zika tại hai địa bàn kể trên, nước ta chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới kể từ ngày 4/4.
Nhằm đánh giá thực trạng cũng như nguy cơ dịch bệnh do virus Zika lây lan tại cộng đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika phù hợp với tình hình dịch, ngày 28/4, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã họp Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) nhằm tăng cường việc chia sẻ thông tin và đánh giá nguy cơ dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam trong thời gian tới của các chuyên gia đến từ Cục Y tế dự phòng, Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội, và đại diện từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa kỳ (CDC).
Tại cuộc họp, đại diện WHO thông báo đến ngày 28/4, đã ghi nhận 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền virus Zika, trong đó có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục ghi nhận có sự lây truyền của virus Zika do muỗi truyền. Tại Việt Nam, theo báo cáo từ các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur, các địa phương, kết quả giám sát trọng điểm và tại cộng đồng chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus Zika.
Tuy nhiên, sau khi phân tích các thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc điểm sự phân bố, lưu hành muỗi Aedes, một loại muỗi vừa truyền bệnh sốt xuất huyết, vừa truyền bệnh do virus Zika, các chuyên gia nhận định có thể do đặc điểm virus Zika tại Việt Nam thuộc phân típ khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân típ virus Zika khu vực châu Mỹ La tinh nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh song trong thời gian tới hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần.
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng mức độ cảnh báo ở mức độ hai theo Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, không chủ quan trước tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra bất kỳ thời điểm nào, cuộc họp kiến nghị các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế tiếp tục đặt ở mức cảnh giác cao với dịch bệnh do virus Zika, tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định virus Zika để phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch; thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động truyền thông cho cộng đồng, thực hiện các chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy) để phòng bệnh; đặc biệt đối với phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai thực hiện các biện pháp tránh bị muỗi đốt chủ động theo dõi sức khỏe, khám thai định kỳ, nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ở quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị kịp thời, không nên tự ý đi xét nghiệm xác định khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO và các tổ chức quốc tế để tiếp tục hoàn thiện, cập nhật các tài liệu hướng dẫn chuyên môn trong giám sát, phòng chống, đáp ứng với dịch bệnh do virus Zika, đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để phổ biến tới các cán bộ y tế, người dân để chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng
http://tuoitre.vn/tin/can-biet/suc-khoe-doi-song/20160504/bo-y-te-khuyen-cao-phong-chong-dich-benh-mua-nang-nong/1095148.html
Môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu…
Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; đồng thời nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây bị nhiễm lạnh; việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp.
Ngoài ra môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu…
Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
BV Chợ Rẫy: Nhập viện vì TNGT tăng mạnh dịp nghỉ lễ
http://plo.vn/suc-khoe/bv-cho-ray-nhap-vien-vi-tngt-tang-manh-dip-nghi-le-627013.html
(PLO)- Sáng 4-5, BV Chợ Rẫy cho biết trong bốn ngày nghỉ lễ từ 30-4 đến 3-5 bệnh viện đã tiếp nhận 297 bệnh nhân vào cấp cứu do TNGT, tăng 106,5% so với năm 2015.
Cụ thể trong bốn ngày từ 30-4 đến 3-5, khoa Cấp cứu của bệnh viện (BV) tiếp nhận 1.113 bệnh nhân tăng 116,9% so với năm 2015, trong đó có 297 ca do TNGT, 26 ca do đả thương, đâm chém.
Đáng chú ý, số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm tăng 200% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra số ca cấp cứu do rắn rít, côn trùng cắn cũng tăng so với năm ngoái. Không có trường hợp nào cấp cứu do tự tử trong khi bốn ngày lễ năm 2015 BV Chợ Rẫy tiếp nhận tới bảy ca cấp cứu do tự tử.
Số lượng người nhập viện cấp cứu do TNGT giảm dần trong bốn ngày lễ, từ 87 ca ngày 30-4 xuống 82 ca ngày 1-5, 78 ca ngày 2-5 và đến ngày 3-5 số bệnh nhân nhập viện do TNGT chỉ còn 50 ca.
Vì số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao kéo theo số lượng máu sử dụng cấp cứu cũng được sử dụng khá nhiều. Nếu như bốn ngày lễ năm 2015 chỉ sử dụng 309 đơn vị máu (loại 350 ml) thì năm nay BV sử dụng đến 342 đơn vị máu cùng loại.
Cô gái mắc căn bệnh 100 năm mới gặp
http://dantri.com.vn/suc-khoe/co-gai-mac-can-benh-100-nam-moi-gap-20160504074736774.htm
Một cô gái trẻ mắc căn bệnh nến xương rất hiếm gặp đã được nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Một ca bệnh loại này từng được ghi nhận cách đây 100 năm.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM ngày 2/5 cho biết nơi đây đã tiếp nhận điều trị một trường hợp bị bệnh nến xương rất hiếm gặp. Đó là một cô gái trẻ 26 tuổi, ngụ TPHCM. Trước đó, bệnh nhân đến khám trong tình trạng chân phải sưng, đau. Khám tổng quát không ghi nhận bất thường.
Khám về vận động, các bác sĩ ghi nhận mặt trước chân phải có một khối dưới da ở xương chày kích thước 4x6x1cm cứng, không di động, ấn đau; không biến dạng chân cũng như không bị giới hạn vận động khớp gối, cổ chân phải.
Qua chụp X-quang chân, các bác sĩ phát hiện vùng thân xương và đầu trên xương chày có tổn thương cản quang ở vỏ xương, hình ảnh giống giọt nến đèn cầy, không thấy tổn thương mô mềm kết hợp. Vì bệnh cảnh mới biểu hiện ở triệu chứng đau, chưa gây biến dạng chi, không co rút xương khớp nên việc điều trị theo triệu chứng là chủ yếu, chưa cần cang thiệp phẫu thuật. Bệnh nhân đáp ứng thuốc giảm đau thông thường.
Bệnh nhân cho hay cách đây 4 tháng, chị nhập viện vì thấy đau âm ỉ ở mặt trước cẳng chân phải và tự uống thuốc giảm đau. Gần đây, cảm giác đau ở cẳng chân càng tăng kèm sưng gồ trước mặt, chị đã đi khám và điều trị chuyên khoa xương khớp trước khi phát hiện ra bệnh.
Theo TS-BS Ngô Quốc Đạt (Bộ môn Giải phẫu bệnh-Đại học Y Dược), bệnh nến xương là bệnh hiếm gặp với xuất độ mắc phải là 0,9/1 triệu dân. Nguyên nhân bệnh hiện chưa được biết rõ. Ca đầu tiên xuất hiện cách nay gần 100 năm. Đây là bệnh lành tính gây đau và biến dạng chi, có thể làm giảm chức năng chi và giảm chất lượng cuộc sống. Phẫu thuật là phương pháp lựa chọn trong các trường hợp bệnh tiến triển.
Xương cá đâm thủng ruột mà không biết
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160504/xuong-ca-dam-thung-ruot-ma-khong-biet/1095310.html
TTO - Ngày 4-5, một tuần sau ca mổ nội soi lấy xương cá đâm thủng thành ruột, gây nhiễm trùng ổ bụng, viêm phúc mạc, sức khỏe ông T.P.H. (71 tuổi, ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long) đã hồi phục, chuẩn bị được xuất viện.
Trước đó, ông H. nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ trong tình trạng đau bụng vùng hố chậu phải, đau ngày càng tăng. Qua thăm khám, xét nghiệm và siêu âm bụng cho ông H., ban đầu bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm phúc mạc nghi do ruột thừa vỡ.
Tuy nhiên qua nội soi ổ bụng, thấy có nhiều dịch tiêu hóa và mủ, sau khi hút mủ và dịch, các bác sĩ phát hiện có mảnh xương cá (dài khoảng 3 cm) đâm xuyên qua thành ruột (manh tràng, ở phần đầu ruột già) nên đã gắp xương cá ra.
Theo bác sĩ La Văn Phú – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - tình trạng ông H. bị nhiễm trùng viêm phúc mạc khá nặng do đến bệnh viện trễ. Nếu để trễ hơn nữa, ông H. có thể tử vong do nhiễm trùng nhiễm độc.
Ông H. kể ông không nhớ mình ăn cá và bị mắc xương khi nào, vì có khi ăn kèm với rau, hay kèm với gỏi cuốn nên xương chui tọt xuống, không mắc ở cổ họng nên ông không biết. Cho đến khi bị đau bụng, đến bệnh viện các bác sĩ gắp ra xương trong ruột ra mới hoảng hồn, sau này ăn cá có xương to sẽ chú ý hơn.
Kiểm soát đặc biệt chất cấm Salbutamol, Clenbuterol
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/5/419983/
Như tin đã đưa, sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhằm tạo chuyển biến thực sự trong lĩnh vực này.
Chỉ thị ra đời được kỳ vọng là cú hích để nâng cao trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong vấn đề bảo đảm ATTP. Vì thực tế hiện nay, tình trạng vi phạm về vệ sinh ATTP vẫn vô cùng phức tạp. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, số liệu báo cáo từ các cơ quan thuộc bộ và 42/63 tỉnh, thành phố về kết quả giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên rau và chất cấm, kháng sinh trong thịt, thủy sản trong đợt cao điểm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 10-2015 đến thời điểm hết tháng 2-2016 cho thấy, qua phân tích 7.593 mẫu rau, phát hiện 393 mẫu nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt giới hạn cho phép (chiếm 5,17% so với năm 2014 là 5,43%, 9 tháng đầu năm 2015 là 10,3%). Phân tích 5.450 mẫu thịt, phát hiện 104 mẫu vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn cho phép (chiếm 1,91% so với năm 2014 là 6,84%, 9 tháng đầu năm 2015 là 4%); phân tích 5.433 mẫu thịt, phát hiện 834 mẫu vi phạm chỉ tiêu Salmonella (vi sinh vật gây bệnh - chiếm 15,4% so với 9 tháng đầu năm là 16%); phân tích 4.963 mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản, phát hiện 361 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép (chiếm 7,27% so với năm 2014 là 1,21%, 9 tháng đầu năm 2015 là 1,01%). Bộ NN-PTNT thừa nhận, kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ vi phạm có giảm nhưng còn ở mức cao, thậm chí một số địa phương có tỷ lệ vi phạm rất cao.
Đặc biệt, trước tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn biến phức tạp, vấn đề nổi cộm gây hoang mang trong dư luận xã hội và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng, Bộ NN-PTNT đã triển khai đợt cao điểm kiểm soát chất cấm 2015. Hiện tại, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu các đơn vị tạm dừng nhập khẩu Salbutamol. Trong thời gian thực hiện cao điểm, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) đã phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT tiến hành kiểm tra 17 công ty, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, đã phát hiện 5 đơn vị (Công ty hóa dược Minh Anh ở Bình Dương, Công ty TNHH thuốc thú y Khoa Nguyên ở TPHCM, Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông ở Hà Nội, Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú ở Hải Dương, Công ty TNHH thủy sản Seabird ở TPHCM)… có hành vi kinh doanh, sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi.
Ngoài ra, nhiều tỉnh cũng đã thành lập các đoàn thanh tra do Thanh tra Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với Cảnh sát kinh tế (PC46), Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49); phối hợp với chi cục thú y và các cơ quan, đơn vị chức năng của các tỉnh, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Theo báo cáo, các tỉnh, thành phố đã tổ chức kiểm tra 1.129 cơ sở, phát hiện 24 cơ sở vi phạm (chiếm 2,2%); phát hiện 12/649 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với Salbutamol; 69/1.026 mẫu nước tiểu (chiếm 6,7%), 1/172 mẫu thịt (chiếm 0,6%) có sử dụng chất cấm Salbutamol. Sau đợt cao điểm, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi về cơ bản đã được khống chế. Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất Salbutamol của các công ty dược đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt; các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không còn sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn. Hiện nay, chỉ còn các trang trại sử dụng chất Salbutamol thông qua các thương lái và nhân viên tiếp thị cám của một số công ty cung cấp trực tiếp. Đến thời điểm hiện tại, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể theo số liệu giám sát của ngành thú y (tháng 1-2016 là 9,8%; tháng 2-2016 là 1,46%; tháng 3-2016 là 0,66%).
Tuy vậy, có thực tế là tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, chất cải tạo xử lý môi trường, chất bảo quản nhuộm màu trong sơ chế, chế biến, sau thu hoạch nông sản ngày càng phức tạp và khó lường (đặc biệt như vàng ô là loại hóa chất sử dụng trong nhuộm màu công nghiệp nhưng bị lạm dụng trộn vào thức ăn để tạo màu vàng đánh lừa thị hiếu của người chăn nuôi hoặc sử dụng để nhuộm, tạo màu vàng cho măng, dưa cải…). Trong khi đó, các phòng kiểm nghiệm chưa phát triển phương pháp theo kịp nhu cầu kiểm nghiệm phát sinh (như vàng ô trong măng, chất nhuộm màu ruốc…). Hoạt động giám sát mới tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu thuốc BVTV, chất cấm, kháng sinh bị lạm dụng trong khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản). Chưa giám sát đầy đủ các chỉ tiêu ATTP như các chỉ tiêu vi sinh, chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến. Bên cạnh đó, rau quả, thịt, thủy sản là thực phẩm tươi sống nên phần lớn chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm đã gặp rất nhiều khó khăn trong truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý vi phạm.
Vì vậy, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh việc đánh giá, công nhận các dụng cụ, kit thử nhanh tại hiện trường để tạo thuận lợi cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt các kit thử tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả; chất cấm, hóa chất, kháng sinh trong thịt. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ tăng cường kiểm soát sau nhập khẩu, đưa Salbutamol, Clenbuterol và các chất kháng sinh đang được cùng sử dụng trong y tế và nông nghiệp vào danh mục kiểm soát đặc biệt nhằm ngăn chặn việc sử dụng sai mục đích.
Bé sơ sinh 'suýt bị chôn sống' đang nguy kịch, tiên lượng xấu
http://danviet.vn/tin-tuc/be-so-sinh-suyt-bi-chon-song-dang-nguy-kich-tien-luong-xau-678041.html
Sau khi được chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa về Bệnh viện Nhi vào ngày 26.4, đến nay cháu bé sơ sinh “suýt bị chôn sống” đang trong tình trạng nguy kịch.
Chiều nay (4.5), trao đổi với Dân Việt, ông Lê Văn Tráng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết: Hiện tại, tiên lượng về cháu bé rất xấu và đang được các bác sĩ của bệnh viện chăm sóc trong phòng điều trị đặc biệt.
Được biết, khi cháu bé được chuyển từ gia đình vào Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa ngày 26.4 vừa qua, trong tình trạng thiếu cân, lá phổi non, suy hô hấp và có biểu hiện nhiễm trùng huyết. Khi được chuyển qua Bệnh viện Nhi, các bác sĩ đã đưa bé vào điều trị trong phòng đặc biệt, cách ly trong lồng kính tại khoa Điều trị tích cực sơ sinh. Tuy nhiên, cháu bé đang bị suy hô hấp độ 3, suy đa phủ tạng, nhẹ cân vì sinh non tháng. Tiên lượng về cháu bé là rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, vào ngày 26.4, sản phụ Phạm Thị Hương Ly (17 tuổi), trú tại xã Hà Sơn, (Hà Trung, Thanh Hóa) được người nhà đưa vào viện. Chị Ly nhập viện trong tình trạng mang thai ở tuần thứ 28, nhưng bị đau bụng, ra nước ở âm đạo. Sau khi các bác sĩ ở khoa Sản của bệnh viện hội chẩn, thì phát hiện tình trạng thai nhi của bệnh nhân bị ngôi ngang sa tay và suy thai.
Các y bác sĩ đã thông báo cho gia đình chị Ly biết, chị Ly bị đẻ non, thai nhi thiếu tháng, nên dẫn đến suy thai, vỡ ối…Tiên lượng của trẻ sơ sinh là rất nặng, sẽ rất khó sống. Đến 14h cùng ngày, các bác sĩ đã tiến hành xử lý cho cháu bé ra ngoài, đồng thời cấp cứu cháu bé, nhưng bé vẫn không thở và càng tím tái hơn. Vì vậy, các bác sĩ đã giải thích cho gia đình lo hậu sự cho bé.
Đến 15h30 cùng ngày, gia đình chị Ly gọi điện báo cho bác sĩ biết là cháu bé vẫn còn thở. Các bác sĩ đã yêu cầu gia đình đưa chị Ly trở lại bệnh viện, nhưng gia đình cho biết đang chuyển cháu vào Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Sau đó, gia đình yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Hà Trung giải thích việc “vì nghe lời bác sĩ, suýt nữa cháu bé đã bị chôn sống”.
Theo Sở Y tế Thanh Hóa, Hội đồng chuyên môn, cho thấy quy trình đón tiếp cũng như theo dõi và chăm sóc bệnh nhân của bệnh viện đa khoa Hà Trung là đúng. Các y bác sĩ cũng đã giải thích rõ với gia đình bệnh nhân về sự việc này. Khi trẻ được sinh ra, các y bác sĩ đã tích cực cấp cứu cho cháu bé. Tuy nhiên, cháu bé bị ngừng thở, ngừng tim và có dấu hiệu chết lâm sàng.
“Đây là trường hợp đầu tiên xảy ra trong ngành y tế Thanh Hóa. Bệnh viện Đa khoa Hà Trung cũng là đơn vị đầu tiên gặp trường hợp trẻ sơ sinh bị chết lâm sàng. Trong khi đó, các bác sĩ ở đây chưa có kinh nghiệm, nên chưa tiên lượng hết sự việc này. Hiện nay, Sở Y tế Thanh Hóa đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục kiểm tra, làm rõ. Đồng thời, yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Hà Trung họp hội đồng chuyên môn, rút kinh nghiệm sâu sắc và tiến hành xử lý nghiêm những người liên quan, nếu có sai phạm.’’- người phát ngôn Sở Y tế Thanh Hóa Lê Hữu Uyển cho biết.
Nghệ An: Hàng nghìn trẻ em, người già nhập viện lúc giao mùa
http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201605/nghe-an-hang-nghin-tre-em-nguoi-gia-nhap-vien-luc-giao-mua-2690858/
Trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 trẻ em, người già ở Nghệ An nhập viện vì các bệnh đường hô hấp, viêm da dị ứng, tiêu hóa ...
Tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, những ngày này, số lượng trẻ mắc bệnh đến khám rất đông, gia tăng đột biến. Ước tính mỗi ngày, các bác sĩ ở đây thực hiện khám và điều trị cho 900-1.200 trẻ. Rất nhiều trẻ có các triệu chứng liên quan đến bệnh dịch mùa hè chuyển thời tiết từ viêm da cho đến ho, sốt, tiêu chảy.
Chị Nguyễn Thị Hoa (ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai) đưa con là cháu Trần Tuấn Sang, 7 tháng tuổi đến khám, chị lo lắng bày tỏ: "Dù đã chăm sóc con rất kỹ, kiêng gió, kiêng nước nhưng không hiểu vì sao cháu lại sốt phát ban..."
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết: Sốt phát ban là bệnh rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ thuộc nhóm tuổi từ 6 - 36 tháng tuổi. Đây là giai đoạn trẻ có sức đề kháng rất kém vì lượng kháng thể tự nhiên của mẹ truyền cho trẻ đã giảm xuống đáng kể, trong khi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Bệnh còn rất dễ lây nhiễm, nhất là trong môi trường có tính tập thể, các mẹ cần tránh cho bé không tới chỗ đông người.
Hiện tại, hầu hết các trẻ mắc bệnh giao mùa, như sốt phát ban, sốt vi rút, rối loạn đường tiêu hóa, bệnh về đường hô hấp… ; còn số lượng trẻ mắc tay chân miệng, thủy đậu là không nhiều. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu của mùa nắng, khi các đợt nóng gay gắt xuất hiện, kéo dài thì dịch bệnh mùa hè nhất là ở trẻ em và người già mới bùng phát.
Không riêng gì ở trẻ mà nhiều người già cũng mắc các chứng bệnh giao mùa, chuyển thời tiết. Mỗi ngày phòng khám Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thường tiếp nhận từ 1.000- 1.100 lượt khám, trong đó có khoảng 200 - 350 bệnh nhân nhập viện, số bệnh nhân điều trị nội trú ở đây thường xuyên duy trì từ 1.500 – 1.700 bệnh nhân. Các bệnh hay gặp vẫn là bệnh về đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, da liễu, sốt xuất huyết ...
Một trong những nguyên nhân dẫn tới các bệnh về đường hô hấp nói trên là do việc mặc áo quần mỏng, sử dụng điều hòa nhiệt độ quá sớm. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà lý giải: Cơ quan cảm thụ của bộ máy hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết lạnh. Khi ta hít thở không khí lạnh, niêm mạc hô hấp phản ứng lại bằng sự sung huyết, phù nề và tăng tiết dịch. Phản ứng còn xảy ra khi bị nhiễm lạnh ở những vùng ngoài bộ máy hô hấp như cổ, ngực, vùng lưng, bàn chân, đặc biệt là gan bàn chân.
Ham mùi thơm, coi chừng ôm bệnh
http://dantri.com.vn/suc-khoe/ham-mui-thom-coi-chung-om-benh-20160504160151998.htm
Trong khi các cơ quan quản lý còn chậm chân thì người tiêu dùng chỉ biết đặt niềm tin vào những sản phẩm tạo mùi thơm mà họ cho là “có uy tín”
Các sản phẩm khử mùi thường gây ngộ nhận cho người tiêu dùng nhiều nhất. Những ngộ nhận này có thể là do tin đồn hoặc do nhà sản xuất cố tình thông tin mập mờ nhằm bán được nhiều sản phẩm.
Các sản phẩm lăn nách, khử mùi chứa rất nhiều hợp chất hóa học vốn gây hại cho sức khỏe. Trong đó, nhôm hoặc các muối nhôm là một hóa chất mà các nhà y học tỏ ra quan tâm nhất. Ngoài ra, các sản phẩm lăn nách, khử mùi còn chứa nhiều chất có thể gây hại khác như propylene glycol, triclosan, TEA, DEA, phẩm màu FD&C, Talc...
Nhôm
Các hợp chất nhôm và muối nhôm là thành phần chính trong những sản phẩm khử mùi. Nhôm có tác dụng “hãm tài” tuyến mồ hôi, ngăn cản việc tiết mồ hôi qua da. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi tiếp xúc với da, các hợp chất nhôm sẽ thấm qua và làm thay đổi những thụ thể (receptor) của estrogen trong tế bào nhũ hoa.
Vì lẽ estrogen có thể kích thích sự tăng trưởng của những tế bào ung thư và không ung thư ở nhũ hoa, các nhà khoa học cho rằng nếu sử dụng sản phẩm khử mùi có nhiều hợp chất nhôm sẽ làm tăng tần suất rủi ro mắc bệnh ung thư nhũ hoa. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có sự liên quan giữa nhôm và bệnh lão suy Alzheimer, nghĩa là càng sử dụng nhiều sản phẩm khử mùi có chứa nhôm thì khả năng mắc bệnh Alzheimer càng cao. Giải phẫu não của những bệnh nhân Alzheimer, các nhà khoa học phát hiện hàm lượng nhôm cao bất thường. Khi chích muối nhôm vào não của thú vật thí nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy chúng có những biểu hiện về thần kinh học tương tự người mắc bệnh Alzheimer.
Propylene glycol
Đặc tính của propylene glycol là có khả năng giữ ẩm, giúp các loại mỹ phẩm không bị khô. Gần đây, người ta cho rằng propylene glycol là một độc tố thần kinh, gây viêm da tiếp xúc, suy thận, tổn thương gan.
TEA và DEA
TEA và DEA (Triethanolamine và Diethanolamine) điều chỉnh độ pH, được sử dụng với axít béo để chuyển đổi axít thành dạng muối. Cả hai đều có thể độc hại nếu cơ thể hấp thụ trong một thời gian dài.
DEA có thể gây hại cho gan và thận, còn TEA gây ra phản ứng dị ứng. Những hóa chất này đã bị giới hạn ở châu Âu do bị cho là có khả năng gây ung thư.
Triclosan
Triclosan là một hóa chất kháng khuẩn nhân tạo, được sử dụng để diệt vi khuẩn trên da. Triclosan là chất gây kích ứng da và có thể gây ra viêm da tiếp xúc. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hóa chất này có thể phá vỡ chức năng tuyến giáp và làm thay đổi hệ thống nội tiết.
Hiệp hội Y khoa Mỹ khuyến cáo triclosan không được sử dụng trong nhà vì chúng có thể gia tăng sự đề kháng của vi khuẩn với các kháng sinh.
Phẩm màu FD&C
FD&C là màu nhân tạo được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp nhận cho dùng trong dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm. Một số FD&C được bào chế từ nhựa than có khả năng gây ung thư và dị ứng da.
Talc
Bột talc cũng được cho là một chất sinh ung thư. Talc được sử dụng trong mỹ phẩm như một chất hấp phụ. Nếu nhà sản xuất “ém” thông tin trên nhãn hàng thì rất khó để biết sản phẩm có chứa bột talc hay không.
Ngộ độc thực phẩm tăng 200% dịp nghỉ lễ
http://plo.vn/suc-khoe/ngo-doc-thuc-pham-tang-200-dip-nghi-le-627112.html
Sáng 4-5, BV Chợ Rẫy cho biết trong bốn ngày nghỉ lễ, từ 30-4 đến 3-5, khoa Cấp cứu của BV tiếp nhận 1.113 bệnh nhân, tăng 116,9% so với năm 2015.
Trong đó có 297 ca do TNGT, tăng 106,5% so với năm 2015; 26 ca do đả thương, đâm chém.
Đáng chú ý, số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm tăng 200% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, số ca cấp cứu do rắn rít, côn trùng cắn cũng tăng so với năm ngoái. Cũng do số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao nên số lượng máu sử dụng cấp cứu tăng khá nhiều. Nếu như bốn ngày lễ năm 2015 chỉ sử dụng 309 đơn vị máu (loại 350 ml) thì năm nay BV phải sử dụng đến 342 đơn vị máu cùng loại.
Đà Nẵng: Lập ban chỉ đạo 'tuyên chiến' với thực phẩm bẩn
http://plo.vn/suc-khoe/da-nang-lap-ban-chi-dao-tuyen-chien-voi-thuc-pham-ban-627047.html
(PLO)- Ngày 4-5, UBND TP Đà Nẵng cho hay đã chính thức thành lập Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.
Ban chỉ đạo sẽ bao gồm trưởng ban là ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP); phó trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng và các thành viên Ban Chỉ đạo là giám đốc Sở Y tế, các thành viên là đại diện các sở ngành liên quan làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với UBND TP về những chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách trong quản lý nhà nước về VSATTP trên địa bàn.
Ban chỉ đạo liên ngành này có chức năng giúp ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) chỉ đạo và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc xử lý những vấn đề liên ngành về VSATTP. Trong trường hợp có diễn biến phức tạp về VSATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân TP thì ban chỉ đạo này phải kịp thời kiến nghị Chủ tịch UBND TP các biện pháp xử lý.
Trước đó, năm 2015, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định giải thể và hợp nhất 81 tổ chức phối hợp liên ngành trên địa bàn TP, thường gọi là ban chỉ đạo, hội đồng, ban quản lý, ban điều hành, tổ công tác và các tổ giúp việc. Hiện TP cũng chỉ giữ lại 46 ban chỉ đạo và hội đồng.
Lý giải về việc “giải tán” một loạt ban chỉ đạo vào thời điểm đó, UBND TP Đà Nẵng cho hay việc có quá nhiều ban chỉ đạo, hội đồng… dẫn đến chiếm hết quỹ thời gian làm việc của các lãnh đạo. Họ không còn thời gian nghiên cứu tài liệu, kiểm tra thực tế, tiếp xúc và giải quyết công việc cho người dân. Ngoài ra, hằng năm TP còn phải cấp kinh phí hoạt động cho các ban chỉ đạo nữa nhưng hiệu quả khó xác định. Vì vậy, TP quyết định giải thể và hợp nhất các ban chỉ đạo, hội đồng và các tổ chức không cần thiết.
Bắt gần 10 tấn nguyên liệu thuốc bắc nhập lậu
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/y-hoc-co-truyen/302783/bat-gan-10-tan-nguyen-lieu-thuoc-bac-nhap-lau.html
Gần 10 tấn nguyên liệu thuốc bắc nhập lậu gồm táo tàu, thục địa, cam thảo, hoài sơn, đương quy, đỗ trọng... được đựng trong các bao tải và thùng carton bên ngoài in chữ Trung Quốc vừa bị công an Hưng Yên bắt giữ.
Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46 - Công an tỉnh Hưng Yên) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh vừa phát hiện và bắt giữ gần 10 tấn nguyên liệu không rõ nguồn gốc dùng để bào chế thuốc cắc.
Cụ thể, tại xóm 4, thôn Điện Biên, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, cơ quan chức năng phát hiện ô tô tải BKS 89C-04340 do lái xe tên Hưng (sinh năm 1976, quê xã Trung Dũng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) đang dừng đỗ, bốc xếp hàng hóa.
Kiểm tra trên xe và tại kho chứa, lực lượng chức năng phát hiện nhiều nguyên liệu dùng để bào chế thuốc Bắc gồm táo tàu, thục địa, cam thảo, hoài sơn, đương quy, đỗ trọng...
Các nguyên liệu này được đựng trong các bao tải và thùng carton bên ngoài in chữ Trung Quốc. Toàn bộ số hàng có tổng trọng lượng 9,7 tấn.
Chủ hàng là bà Nguyễn Thị Thắm khai nhận đã mua lô hàng trên của 2 phụ nữ không rõ địa chỉ; đồng thời, không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Tuy các nguyên liệu là vị thuốc bắc, nhưng chủ hàng khai nhận là dùng để bào chế thuốc nam.
Hiện, cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ số hàng trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thời gian gần đây, tình trạng buôn bán, vận chuyển nguyên liệu chế biến thuốc bắc lậu, kém chất lượng từ biên giới Việt-Trung có xu hướng tăng mạnh với số lượng lớn.
Theo cơ quan chức năng, các chủ hàng thường mua nguyên liệu thuốc không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, rồi nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, sau đó tập kết ở Lạng Sơn và đưa về Hà Nội cũng như các tỉnh phía nam tiêu thụ. Việc buôn bán, vận chuyển các nguyên liệu bào chế thuốc lậu nguy hiểm ở chỗ, nếu các nguyên liệu này được bào chế thành thuốc thành phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng.
Trước đó, vào cuối tháng 4, các cơ quan chức năng ở Hà Nội cũng đã bắt giữ xe tải vận chuyển khoảng 6 tấn rễ, vỏ cây nghi là nguyên, dược liệu để làm thuốc bắc.
Chủ hàng khai nhận đã mua số rễ, vỏ cây này với giá 5.000-6.000 đồng/kg với ý định đem xuống Hà Nội bán kiếm lời. Toàn bộ số hàng trên có xuất xứ từ Trung Quốc và khi mua bán không hề có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.