Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 05/9/2016

  • |
T5g.org.vn - Năm 2016 quỹ bảo hiểm y tế bù chi hơn 10.000 tỷ đồng; Rơi từ tầng 8 bệnh viện, nữ bệnh nhân tử vong…

Năm 2016 quỹ bảo hiểm y tế bù chi hơn 10.000 tỷ đồng

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình sử dụng quỹ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) đã chi hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, năm 2016 phải bù chi cho Thông tư 37/TT-BYT/ về “Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, ước khoảng 10.000 tỷ đồng; năm 2017 ước phải bù chi 23.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Nam Liên lý giải, sở dĩ khoản tiền bù chi cho Thông tư 37 cao như vậy là bởi Thông tư này quy định tăng giá hơn 1.800 giá dịch vụ y tế, do vậy sẽ gây chênh lệch chi BHYT. Năm 2017 tiếp tục có nhiều dịch vụ y tế tăng giá, kéo theo quỹ BHYT phải bù chi cao gấp đôi năm 2016.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cuối năm 2016, Bộ Y tế gấp rút hoàn thành việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả và mức chi trả phải phù hợp với mức đóng và điều kiện kinh tế - xã hội.

Song Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn thừa nhận, đây là bài toán khá hóc búa, bởi trong bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay, người dân có thói quen vượt tuyến để khám chữa bệnh, tạo gánh nặng chi phí cho hộ gia đình, khiến hệ thống y tế hoạt động kém hiệu quả, quản lý quỹ quỹ BHYT còn hạn chế, chưa có biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy quản lý theo hướng chi phí hiệu quả, kiểm soát gian lận dịch vụ KCB BHYT.

Trước đó, tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 17-8, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, quỹ BHYT dành cho khám chữa bệnh đã bội chi gần 3.000 tỹ đồng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế do người có thẻ bảo hiểm y tế cũng như các cơ sở khám chữa bệnh gây ra.

Đặc biệt là tình trạng sử dụng thuốc lạ trong BHYT. Theo thống kê 2016 cho thấy còn tới 25 thuốc có hàm lượng lạ, dạng kết hợp lạ, giá cao trúng thầu, với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng. Có một số thuốc sau khi BHYT khảo sát thì chỉ có giá 156 nghìn đồng nhưng lại bị thổi lên đến 254 nghìn đồng, đây là hành vi trục lợi BHYT trên danh mục thuốc.

Đơn cử như thuốc dạng kết hợp Levofloxacin750mg/150 ml có giá cao hơn 2 lần so với hàm lượng phổ thông, nhưng vẫn thu hút rất nhiều bệnh viện mua.

Chi phí do các thuốc hàm lượng lạ riêng tại một bệnh viện được khảo sát đã chênh lệch tới gần 3 tỷ đồng so với hàm lượng thông thường và là một trong những nguyên nhân làm quỹ bảo hiểm y tế của bệnh viện này bội chi.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện mua thuốc với giá cao hơn giá kê khai, sai quy định của Bộ Y tế. Như Bệnh viện đa khoa Quảng Nam mua cao hơn giá kê khai 2 năm 2014-2015 hơn 2 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa Phú Thọ 2 năm 2014-2015 mua thuốc cao hơn giá kê khai hơn 2,4 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu không đấu thầu thuốc năm 2015 và 6 tháng đầu 2016, sử dụng kết quả đấu thầu 2014 đã hết hiệu lực để mua thuốc và giá nhiều thuốc cao hơn so với các tỉnh lân cận…

http://www.baohaiquan.vn/pages/nam-2016-quy-bhyt-bu-chi-hon-10-000-ty-dong.aspx

Rơi từ tầng 8 bệnh viện, nữ bệnh nhân tử vong

Ngày 4/9, lãnh đạo bệnh viện C Đà Nẵng cho biết: Vào khoảng 7h30 ngày 4/9, một nữ bệnh nhân rới từ tầng 8 xuống mái nhà tầng 3 của bệnh viện dẫn đến tử vong.

Theo đó, vào thời gian trên, bà Trương T.T.M. (SN 1961, trú Trưng Nữ Vương, P.Bình Thuận, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) đang chữa trị tại bệnh viện bất ngờ rơi từ tầng 8 xuống tầng 3 của bệnh viện khiến người nhà và bệnh nhân cùng y bác sĩ của bệnh viện nhốn nháo.

Nhận được tin, GĐ bệnh viện đã chỉ đạo cấp cứu nạn nhân, tuy nhiên nạn nhân đã không qua khỏi. Vụ việc lập tức được bệnh viện C Đà Nẵng báo cáo các cơ quan chức năng, để tìm kiếm thân nhân và điều tra vụ việc.

Qua khám nghiệm, cơ quan chức năng xác định nạn nhân tử vong do vỡ hộp sọ, gãy xương hàm trên và dưới, gãy toàn bộ xương lồng ngực, hai tay…

Được biết, bà M. nhập viện vào ngày 30/8, chẩn đoán đái tháo đường type 2, rối loạn lipide máu. Nạn nhân không có chồng con, vừa mới nghỉ hưu. Trước khi tử vong, nạn nhân không có biểu hiện của bệnh trầm cảm.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/roi-tu-tang-8-benh-vien-nu-benh-nhan-tu-vong-1046129.tpo

Lạnh gáy với giá cả và tác dụng thật của An cung ngưu hoàng hoàn

Với cách nghĩ thuốc đắt tiền ắt là thuốc tốt, nhiều người đã coi An cung ngưu hoàng hoàn như một loại thuốc tiên có tác dụng cải tử hoàn sinh. Chính vì lẽ đó mà loại thuốc này được giới kinh doanh thuốc thổi giá lên khủng khiếp mà cơ quan quản lý xem ra vẫn chưa để ý đến…

Được nghe quảng cáo về an cung ngưu hoàng hoàn cùng tâm lý tin tưởng đây là loại thần dược, anh Hoàng Trọng Hùng (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng quyết định đầu tư một hộp An cung ngưu hoàng hoàn với mức giá gần chục triệu đồng (1 hộp/10 viên) để dự trữ trong gia đình.

Khi được hỏi anh Hùng cho hay bởi nghe quảng cáo và thấy bạn bè đồn thổi đây là loại thuốc quý. Nếu trong gia đình có người bị đột quỵ, tai biến, hoặc huyết áp cao thì chỉ cần sử dụng 1 vài viên là có thể ổn định.

Ngoài ra, khi mua thuốc này anh Hùng không hề tham khảo ý kiến của các bác sĩ đông y vì tin rằng nhiều người đã dùng và khen. Bên cạnh đó giá của loại thuốc này rất đắt nên anh chắc chắn là tốt.

Gõ từ khóa “An cung ngưu hoàng hoàn” tìm kiếm trên mạng cho ra tới 276 nghìn kết quả chỉ trong 0.33 giây. Theo nhiều website quảng cáo về loại thuốc này thì đây gần như là loại thuốc có công dụng “cải tử hoàn sinh” nhưng theo lương y Nguyễn Văn Thanh (Hội Đông y Việt Nam), đối với những bệnh nhân cao huyết áp, tai biến... nếu dùng thì phải có chỉ định và theo dõi kiểm tra của các bác sĩ  đông y. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều bệnh nhân tự ý mua và sử dụng lại thuốc này.

Theo lương y Thanh, An cung ngưu hoàng hoàn là một loại thuốc, được dùng cho những trường hợp trị bệnh đàm nhiệt, đàm mê tâm khiếu, hôn mê, thần trí hỗn loạn, bán thân bất toại... Do đó, khi sử dụng phải có sự chỉ định, và giám sát chặt chẽ của các bác sĩ đông y.

Trường hợp bệnh nhân, hoặc người nhà bệnh nhân tự ý mua và sử dụng loại thuốc này là rất nguy hiểm. Bởi loại thuốc này không phải bệnh nhân nào cũng sử dụng được.

Trong thành phần của An cung ngưu hoàng hoàn có những thành phần như xạ hương, ngưu hoàng, sừng trâu... là những thứ cực lạnh, cho nên những người bị bệnh ở thể hư hàn thì tuyệt đối không sử dụng, nếu sử dụng sẽ khiến cho bệnh nặng lên. Còn, những trường hợp ở thể nhiệt thì sử dụng loại thuốc này lại rất tốt.

“An cung ngưu hoàng hoàn sẽ độc hại nếu như nó là hàng rởm, không bào chế đúng quy cách nên hàm lượng các chất độc tố tăng lên. Hoặc người dân tự ý sử dụng với liều lượng quá mức, không đúng chỉ định thì rất có thể thuốc sẽ gây ra những phản ứng phụ…”, lương y Nguyễn Văn Thanh cho hay.

Việc dùng sai sẽ dẫn đến những phản ứng khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Đấy là chưa kể đến chuyện người dân mua phải hàng không chính hãng, hàng nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch, hàng xách tay chưa được kiểm định thì hậu quả cũng rất khó lường.

Trong khi thực hiện bài viết này, PV đã thâm nhập chợ thuốc trên đường Nguyễn Huy Tưởng, tại một quầy thuốc đông y, khi được hỏi thì người bán hàng hết lời ca ngợi loại thuốc an cung ngưu hoàng hoàn và nói nhỏ nếu mua thì chị ta sẽ vào kho lấy vì loại thuốc này chưa được cơ quan quản lý cấp phép?

Vậy nhưng khi chúng tôi hỏi giá thì thực sự “choáng” bởi ở đây có rất nhiều loại thuốc an cung ngưu hoàng hoàn đồng thời cũng có rất nhiều loại giá khác nhau dao động từ 1 triệu đến cả chục triệu đồng/hộp. Chúng tôi thắc mắc thì người bán hàng cho hay đây là hàng xách tay, nhiều loại thuốc, nhiều công dụng khác nhau nên giá cả cũng khác nhau là lẽ đương nhiên…

Qua đó có thể thấy, chính bởi sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng nên “hàng thật, giá đúng” có tới được tay người sử dụng hay không có lẽ phụ thuộc vào sự hên xui!?

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin...

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/lanh-gay-voi-gia-ca-va-tac-dung-that-cua-an-cung-nguu-hoang-hoan-292710.html

Hà Nội: Không đủ điều kiện hoạt động, 2 phòng khám tư nhân bị thu hồi giấy phép

Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định thu chứng chỉ hành nghề của một bác sĩ và giấy phép hoạt động của phòng khám chuyên khoa.

Cụ thể, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã ra quyết định 3443/QĐ-SYT thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 2091/SYT-GPHĐ cấp ngày 26/9/2014 cho Phòng khám chuyên khoa Nội (ở địa chỉ số 93 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) do bác sĩ Nguyễn Thị Học phụ trách chuyên môn.

Nguyên nhân thu hồi này là do phòng khám không đảm bảo điều kiện về nhân sự và bác sĩ phụ trách phòng khám Nguyễn Thị Học không đủ sức khỏe để hành nghề. Do đó, sở Y tế yêu cầu bác sĩ Học phải nộp lại bản gốc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Cùng đó, Sở Y tế cũng đã quyết định thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 2318/SYT-GPHĐ cấp ngày 26/2/2015 của phòng khám chuyên khoa Phụ sản - Kế hoạch hoá gia đình (ở địa chỉ số 93 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Phòng khám này do bác sĩ Trịnh Mai Thanh phụ trách, bị thu hồi giấy phép hoạt động vì cơ sở không đảm bảo các điều kiện quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh; không thực hiện đúng quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám chữa bệnh.

Theo quyết định của Sở Y tế TP Hà Nội, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị thu hồi giấy phép phải ngừng ngay hoạt động khám chữa bệnh trong tháng 8 vừa qua.

http://www.phapluatplus.vn/ha-noi-khong-du-dieu-kien-hoat-dong-2-phong-kham-tu-nhan-bi-thu-hoi-giay-phep-d22221.html

2 ngày nghỉ lễ, 20 người tử vong do tai nạn giao thông

Lực lượng chức năng đã xử lý hơn 16.000 trưởng hợp vi phạm giao thông và phạt hơn 8 tỉ đồng chỉ trong 2 ngày nghỉ lễ.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 2 ngày nghỉ lễ 2 và 3-9, cả nước có 20 người tử vong do TNGT. Lực lượng chức năng đã xử lý hơn 16.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ gần 80 ô tô, 1.462 mô tô, tước hơn 500 giấy phép lái xe; Kho bạc Nhà nước thu hơn 8 tỉ đồng xử phạt.

Ngoài ra, đường giây nóng của Ủy Ban ATGT Quốc gia còn nhận được hàng chục cuộc gọi phản ánh về hoạt động kinh doanh vận tải tại các bến xe, tình trạng nhồi nhét khách, tăng vé, ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường từ Hà Nội về Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình.

Đường dây nóng còn nhận được phản ánh về tình trạng ùn tắc tại các khu vực trên địa bàn TP HCM và thủ đô Hà Nội. Sau khi nhận được phản ánh, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xác minh và xử lý các thông tin này.

Tại khu vực phía Nam, theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), trong 3 ngày từ 2-9 đến trưa 4-9 có 193 nạn nhân nhập viện do TNGT. Trong đó, 127 trường hợp bị chấn thương sọ não do TNGT, 1 người tử vong và 65 người khác bị thương.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/2-ngay-nghi-le-20-nguoi-tu-vong-do-tai-nan-giao-thong-20160904155727305.htm

Quảng Ngãi: 90 tỉ đồng xây nhà máy xử lý chất thải y tế

Dự án do Sở Y tế Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, xây dựng tại khu bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt với diện tích khoảng 8.000m2 đất, công suất xử lý 800kg rác/ngày và xử lý nước rỉ rác là 250m3 ngày/đêm, đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải bãi chôn lấp chất thải rắn. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 90 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2018.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình khu xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung tại bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành).

Dự án do Sở Y tế Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, xây dựng tại khu bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt với diện tích khoảng 8.000m2 đất, công suất xử lý 800kg rác/ngày và xử lý nước rỉ rác là 250m3 ngày/đêm, đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải bãi chôn lấp chất thải rắn. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 90 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2018.

Công trình được thiết kế bao gồm: Khu xử lý tập trung chất thải, thiết bị xử lý chất thải, thiết bị thu gom và vận chuyển chất thải; sẽ xử lý chất thải y tế nguy hại của các bệnh viện; trung tâm y tế; trạm y tế trên địa bàn tỉnh.

Công nghệ được áp dụng là nhiệt hấp, khử tiệt khuẩn chất thải, kết hợp nghiền cắt sau đó chuyển xử lý chôn lấp như chất thải thông thường. Đây là công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường xã hội.

Theo thống kê, lượng rác thải y tế thải ra mỗi ngày tại Quảng Ngãi khoảng 950-1.000 kg từ 24 bệnh viện, 7 trung tâm y tế dự phòng và 183 trạm y tế xã cùng nhiều phòng khám tư nhân. Việc xử lý rác thải y tế được thực hiện theo hai mô hình là xử lý tại chỗ và xử lý tập trung. Hiện toàn tỉnh đã có 10 bệnh viện được trang bị lò đốt tại chỗ. Nhưng nhiều lò đã bị xuống cấp, không đảm bảo yếu tố môi trường khi hoạt động.

Là đơn vị duy nhất có năng lực xử lý rác thải y tế tập trung, công ty Lilama EME cũng mới chỉ liên kết với 12 bệnh viện trong tỉnh để tiến hành thu gom 200kg rác thải y tế/ngày. Như vậy, phần lớn rác thải y tế trong số gần 1.000kg thải ra hằng ngày vẫn còn được xử lý theo kiểu đốt thủ công, chôn lấp… gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Với việc phê duyệt đầu tư dự án này, khi được hoàn thành, Nhà máy sẽ cơ bản giải quyết được số lượng rác thải y tế thải ra tại các cơ sở y tế của Quảng Ngãi thời gian qua.

http://baodautu.vn/quang-ngai-90-ti-dong-xay-nha-may-xu-ly-chat-thai-y-te-d51047.html

Đừng im lặng: Thử chỉ mặt 3 “thủ phạm” khiến dân ta đang bị đầu độc

Mọi người thường nói với nhau: “Không ăn thì chết vì đói. Ăn thì chết vì ung thư”. Thủ phạm gây ra tai họa này là ba kẻ tòng phạm, cần phải chỉ mặt đặt tên.

Thủ phạm thứ nhất là những kẻ sản xuất và buôn bán thực phẩm có chứa chất độc. Không phải ai khác, đó chính là nông dân, nhà buôn và doanh nghiệp làm ra sản phẩm chứa chất độc.

Có những nông dân hoàn toàn không biết là thuốc trừ sâu, phân bón có chứa hóa chất độc hại. Họ chỉ biết thuốc ấy được bán trên thị trường, thậm chí được công nhận sử dụng. Dùng thuốc ấy thấy hiệu quả rau củ phát triển tốt, lợn gà tăng trọng nhanh. Thế là ham.

Nhưng rồi dần dà họ cũng biết tác hại, nhưng vì lòng tham mà bỏ qua. Không hiếm nhà trồng rau biết cách dành riêng cho gia đình mình một khoảnh rau an toàn, còn rau bị phun thuốc thì đem bán.

Trang trại nuôi gia súc cho lợn ăn chất tăng trưởng, tạo nạc, khi bán ra còn cố ý bơm thêm nước cho lợn tăng cân.

Tôm cá có dư lượng chất kháng sinh quá ngưỡng không xuất khẩu được thì tiêu thụ trong nội địa. Chưa kể cá chết vì họa Formosa ai dám khẳng định đã hết độc hại?

Các loại nội tạng và thịt lợn gà nhập về cả năm, đã thiu thối đem rửa qua hóa chất vẫn cung cấp ra thị trường…

Cửa hàng bán hoa quả ngâm tẩm thêm hóa chất để giữ cho quả giữ được lâu khỏi hư hỏng. Quả dưa hấu được tiêm thêm đường hóa học và phẩm màu cho ruột đỏ và ngọt. Quả sầu riêng thu mua khi còn non, đem về ngâm tẩm hóa chất thúc chín nhanh để bán lấy lời.

Bản thân mình không dám ăn những thứ độc hại, mà nhắm mắt bán cho người tiêu dùng để thu tiền bất chính.

Những người đó có phải là thủ phạm không?

Thủ phạm thứ hai là những kẻ sản xuất ra các hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp. Ai cũng biết hầu hết các sản phẩm đó được sản xuất tại Trung Quốc.

Ngay cả đồ chơi trẻ em của Trung Quốc cũng chứa chất độc hại, bị cả thế giới tẩy chay. Dân Trung Quốc cũng bị chính họ đầu độc, như trường hợp sữa cho trẻ em có chứa chất melamine rộ lên mấy năm trước.

Nước ta vốn là xứ sở có nhiều hoa quả, nhưng lại bị hoa quả Trung Quốc đánh bạt trên các quầy sạp khắp trong Nam ngoài Bắc. Và ai cũng biết hoa quả “tươi ngon” của họ đều được bảo quản bằng hóa chất. Nhưng vì rẻ nên vẫn ham mua.

Kẻ thủ phạm này ai cũng biết, nhưng không thể tóm cổ để truy tố được. Chỉ có thể tẩy chay mà thôi.

Thủ phạm thứ ba là những kẻ nhập “thuốc độc” của Trung Quốc vào nước ta.

Theo số liệu thống kê 5 tháng đầu năm nay, nước ta đã chi tới 140 triệu USD (tương đương 3080 tỉ đồng) để nhập thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Tính trung bình mỗi ngày 20,5 tỉ đồng để mua “thuốc độc” về đầu độc dân mình..

Thực ra, số lượng thuốc trừ sâu Trung Quốc nhập vào Việt Nam được biết tới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Các loại thuốc độc hại luồn vào nước ta bằng những con đường khác nhau. Luồn lách qua biên giới trên vai các cửu vạn cũng như hàng hóa nhập lậu và nhập công khai của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các cơ quan chức năng đã tỏ ra bất lực và buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng này. Không khỏi rùng mình khi Bộ Y tế cho phép nhập tới 9 tấn Salbutamol mà chỉ có khoảng 10kg dùng để làm thuốc chữa bênh, còn lại được sử dụng làm chất tăng trưởng trong chăn nuôi…

Không ngăn chặn được thuốc trừ sâu vào nước ta, thậm chí còn làm ngơ trước tình trạng này,  các cơ quan quản lý chẳng lẽ không phải là “tòng phạm” trong việc “đầu độc” dân ta?

***

“Bệnh nhập tòng khẩu” (bệnh tật chui qua mồm). Hậu quả của việc ăn thực phẩm có chứa hóa chất độc xảy ra nhãn tiền qua các vụ ngộ độc thức ăn xảy ra thường thấy trong các bữa ăn tập thể của công nhân, các bữa cỗ bàn ở nhiều nơi và ngay cả bữa ăn trong gia đình. Nhưng thảm trạng còn tiềm ẩn lâu dài hơn nữa. Cùng với môi trường nước và không khí ô nhiễm, cuộc sống của chúng ta không còn an toàn nữa. Nhiều nơi trên đất nước đã xuất hiện những làng ung thư mà báo chí đã nhắc đến.

Phát biểu của ca sĩ Mỹ Linh làm dấy lên những phản ứng không đồng tình. Thực ra đấy cũng là “lối thoát” cho một bộ phận người có điều kiện nhất định và cũng chỉ có thể coi đó là biện pháp ứng phó nhất thời. Song thử hỏi các quan chức lắm tiền nhiều của, các đại gia làm sao có thể tránh khỏi ăn phải thực phẩm không an toàn, một khi những thực phẩm ấy cũng chui cả vào trong siêu thị? Có thể con cái các vị tránh được “dây bẩn”, nhưng các vị có thể sống tách riêng ra khỏi cộng đồng được không? Các vị có thể giữ mình sạch khi bơi trong dòng nước bẩn được không?

Thường xuyên và liên tục quanh năm suốt tháng bị đầu độc, sẽ là thảm họa đối với cả dân tộc. Không trừ một ai.

Chúng ta cần lên tiếng tẩy chay thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn. Tẩy chay hoa quả và thắt chặt việc kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật của Trung Quốc. Nhà nước cần phải thấy được thảm họa cả dân tộc đang bị đầu độc mà cương quyết tìm mọi cách chặn lại, không thể chậm trễ hơn được nữa.

http://laodong.com.vn/dung-im-lang/dung-im-lang-thu-chi-mat-3-thu-pham-khien-dan-ta-dang-bi-dau-doc-589383.bld

Chớ chủ quan với Zika!

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ virus Zika bùng phát trong cộng đồng do loài muỗi truyền bệnh này đang lưu hành rất phổ biến ở Việt Nam

Trước tình trạng dịch Zika hoành hành ở Singapore, cuối tuần qua, Bộ Y tế đã họp với một số địa phương nhằm tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp nhiễm virus này tại các điểm có nguy cơ cao.

Nguy cơ bùng phát rất lớn

Chỉ 8 ngày sau ca bệnh đầu tiên được công bố (hôm 27-8), Singapore đã ghi nhận hơn 200 ca nhiễm virus Zika. Đến nay, thế giới đã có 70 nước ghi nhận ca mắc virus Zika và 11 nước có sự lây truyền bệnh này từ người sang người.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết trong vòng 2 tháng qua, Việt Nam chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, trong bối cảnh virus Zika đã lưu hành tại nhiều nước trên thế giới và tại khu vực châu Á thì Việt Nam cũng không nên chủ quan. “Việt Nam từng có 3 trường hợp nhiễm virus Zika, có nghĩa loại virus này đã lưu hành trong nước. Vì vậy, người dân trong nước có thể mắc bệnh Zika do virus được lây truyền thông qua loại muỗi trung gian truyền bệnh chứ không cứ phải đến các nước đang có ổ dịch trở về mới bị lây” - ông Phu nhấn mạnh.

Hiện tại, Bộ Y tế duy trì cảnh báo, phòng chống dịch do virus Zika ở mức 2 - tức tình huống đã có trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, theo ông Phu, điều lo ngại nhất là loài muỗi truyền bệnh Zika gây bệnh đầu nhỏ này chính là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (Aedes), đang lưu hành rất phổ biến ở Việt Nam. Do đó, nguy cơ virus Zika bùng phát trong cộng đồng, lây nhiễm trên diện rộng là rất lớn.

“Dịch sốt xuất huyết đang xảy ra tại hầu hết các tỉnh, thành và diễn biến phức tạp ở miền Trung và miền Nam. Qua kiểm tra, chúng tôi vẫn nhận thấy có một bộ phận không nhỏ người dân rất chủ quan trong việc diệt lăng quăng (bọ gậy) để ngăn chặn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika đẻ trứng, phát triển. Dù được tuyên truyền rất nhiều và có nhiều chiến dịch diệt mầm bệnh được tiến hành nhưng do tập quán sinh hoạt của người dân cùng với ý thức chưa cao nên chưa giải quyết được” - PGS Phu lo ngại.

Chủ động phát hiện, điều trị sớm

Trước diễn biến phức tạp của bệnh Zika, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) đã hỗ trợ Việt Nam 3.000 Test Trioplex để giám sát một số dịch bệnh do muỗi truyền bệnh. Đây là kỹ thuật xét nghiệm mới “3 trong 1”, cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: virus Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya.

“Triệu chứng ban đầu của 3 căn bệnh do muỗi đốt này đều có xuất huyết, đau cơ và sốt nên việc phát hiện sớm sẽ giúp các thầy thuốc có hướng điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Đến nay, các bệnh này vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phát hiện và điều trị triệu chứng càng sớm càng tốt” - ông Phu khuyến cáo.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi Aedes truyền. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Để chủ động phòng chống, những người đi từ vùng dịch về, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nếu có biểu hiện sốt, phát ban, mệt mỏi, đau đầu thì cần đến ngay các cơ sở y tế.

Hiện nay, cùng với việc giám sát thân nhiệt hành khách tại các cửa khẩu, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các ca nghi ngờ nhiễm virus Zika để phát hiện sớm ca bệnh trong cộng đồng cũng như nguy cơ hội chứng đầu nhỏ ở thai nhi do bà mẹ nhiễm Zika trong thai kỳ. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xét nghiệm tìm virus Zika đối với hơn 2.400 mẫu nghi ngờ và mới phát hiện được 3 trường hợp.

Ông Masaya Kato, điều phối viên nhóm các bệnh truyền nhiễm thuộc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết bệnh nhân nhiễm virus Zika thông thường ở thể nhẹ có thể tự khỏi sau 7 đến 10 ngày. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy virus Zika có khả năng gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ em nhưng không phải tất cả trường hợp nhiễm đều mắc dị tật này. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và phụ nữ có kế hoạch mang thai cần thận trọng trong dự phòng muỗi đốt vì virus này chỉ thực sự nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai dưới 3 tháng.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cho-chu-quan-voi-zika-20160904223231531.htm

Phát hiện cùng lúc ba tác nhân gây bệnh do muỗi đốt

Ngày 3-9, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết hiện thế giới đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lây truyền của virus Zika do muỗi truyền, 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người.

Ông Phu cho biết tháng 9 này Bộ Y tế sẽ sử dụng phương pháp Test Trioplex để giám sát một số dịch bệnh do muỗi truyền bệnh. Đây là kỹ thuật xét nghiệm mới “3 trong 1” cùng lúc có thể phát hiện ba tác nhân gây bệnh gồm virus Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya.

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/phat-hien-cung-luc-ba-tac-nhan-gay-benh-do-muoi-dot-650611.html

Hóa chất kích chín sầu riêng nằm trong danh mục cấm

Liên quan việc nhúng sầu riêng vào hóa chất chứa ethephon, vẫn có nhiều ý kiến rất khác nhau...

Ngày 3-9, ông Lại Thế Hưng - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng - cho biết đã xác định loại phân bón lá HPC-97HXN được dùng thúc chín sầu riêng là hóa chất nằm trong danh mục cấm dùng cho bảo quản nông sản và thực phẩm, chỉ được dùng trong trồng trọt.

Ông Hưng nêu trong HPC-97HXN có những hợp chất có khả năng làm chín trái cây được phép sử dụng.

Tuy nhiên, trong phân bón lá có nhiều chất và kim loại nặng chỉ phù hợp làm lá cây xanh tốt và rất độc khi thấm vào trái cây đã thu hoạch, sau đó vào cơ thể người.

“Do đó, dùng phân bón lá pha loãng kích chín trái cây là sai” - ông Hưng nói.

Ông Hàng Văn Chúc, trưởng Phòng kinh tế - hạ tầng (UBND huyện Di Linh, Lâm Đồng), cho biết mẫu sầu riêng đã được mang đi phân tích mức độ tồn dư kim loại nặng.

Theo ông Chúc, toàn bộ số sầu riêng cơ quan chức năng đang tạm giữ sẽ bị tiêu hủy sau dịp nghỉ lễ.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT - cho biết tại VN chưa có chất làm chín trái cây nào được phép sử dụng, việc lấy phân bón lá để làm chín sầu riêng là sai chức năng của sản phẩm.

Ông cho rằng phân bón có chức năng cung cấp dinh dưỡng và cải tạo đất, trong thành phần có ethephon nhưng không phải cứ có hoạt chất có tác dụng làm chín là có thể sử dụng để làm chín trái cây bởi “sản phẩm phân bón lá còn có các thành phần khác chưa xác định được mức độ tinh khiết”.

Tuy chưa có nghiên cứu, khảo nghiệm xem nó vô hại nhưng vì dùng sai nên theo ông Hồng, có thể xếp vào nhóm có nguy cơ.

Ông Hồng nêu cách đây vài năm, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị các doanh nghiệp tìm và khảo nghiệm các chế phẩm có tác dụng làm chín trái cây, hiện có một số doanh nghiệp đang đăng ký khảo nghiệm.

Bản chất của chất làm chín trái cây là sinh ra khí etylen, nhưng muốn sử dụng an toàn thì phải đúng liều lượng, đúng tác dụng nhà sản xuất đã công bố.

Trước đây người dân dùng đất đèn dấm trái cây, nhưng ông Hồng khẳng định nhiều nước đã cấm đất đèn vì lo ngại dư lượng kim loại nặng.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Văn Phong - trưởng bộ môn sau thu hoạch Viện Nghiên cứu cây ăn quả (NCCAQ) miền Nam, làm chín trái cây bằng phương pháp nhúng với hoạt chất ethephon đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Tuy nhiên, nguồn gốc thuốc phải được nhà cung cấp xác định để đảm bảo an toàn. Hóa chất chứa ethephon cũng được pha chế với nhiều chất khác nhằm các mục đích khác nhau như xử lý kích thích ra mủ trên cây cao su... nhưng chỉ áp dụng trước thu hoạch.

Do đó, “vấn đề ở đây là phải kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc loại hóa chất đó và phải xem kỹ nó có được phép nhúng trực tiếp trái cây sau thu hoạch vào hay không” - TS Phong cho biết.

Theo TS Võ Hữu Thoại - phó viện trưởng Viện NCCAQ miền Nam, phân bón HPC-97HXN (loại 500 ml/chai) mà nhiều người dân sử dụng rõ ràng dùng để bón lá chứ không phải dùng nhúng chín trái cây.

Thế nhưng dung dịch này chẳng qua là hoạt chất ethephon, vẫn được người dân dùng làm chín trái cây từ bao đời.

Vấn đề là các cơ quan chức năng phải kiểm soát, khuyến cáo việc sử dụng nồng độ bao nhiêu và hóa chất ấy có nằm trong danh mục cấm của Bộ NN&PTNT hay không.

Riêng chai thuốc đặc trị nấm Phytophthora được cơ sở mua sầu riêng tại Lâm Đồng sử dụng, theo ông Thoại, rõ ràng là không ổn bởi ngừa nấm thì ngừa trên cây trong vườn, chứ không phải thu hoạch trái xong mới dùng.

Đối với bột nghệ, ThS Nguyễn Thanh Tùng - bộ môn công nghệ sau thu hoạch Viện NCCAQ miền Nam, nói hiện tại chưa thấy công trình nghiên cứu nào công bố áp dụng bột nghệ trong xử lý trên trái cây tươi sau thu hoạch, nhưng việc nhúng bột nghệ có thể chỉ làm vỏ sản phẩm có màu vàng hơn.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160904/hoa-chat-kich-chin-sau-rieng-nam-trong-danh-muc-cam/1165750.html

FDA cấm 19 hoá chất trong xà phòng diệt khuẩn

Tổ chức này mới đây đã tuyên bố các hoá chất trong xà phòng diệt khuẩn, kháng khuẩn không những không mang lại hiệu quả gì hơn so với nước và xà phòng mà còn tiềm ẩn gây hại lâu dài.

Tổ chức Thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm các loại sản phẩm tắm rửa diệt khuẩn, kháng khuẩn không kê đơn với lý do các sản phẩm này không những không hiệu quả hơn so với nước và xà phòng thông thường mà thậm chí còn gây hại lâu dài.

Động thái này ảnh hưởng tới 2.100 sản phẩm, chiếm khoảng 40% thị phần xà phòng kháng khuẩn, BS Theresa Michele, Giám đốc Bộ phận các sản phẩm thuốc không cần kê toa cho biết.

Tuy nhiên, phán quyết này không ảnh hưởng tới các sản phẩm rửa tay có cồn hay các các sản phẩm kháng khuẩn sử dụng trong các bệnh viện và phòng khám.

Tổ chức này cũng cho biết lệnh cấm này có hiệu lực với các sản phẩm chứa 1 trong 19 thành phần chưa được chứng minh an toàn. Ngoài ra, 3 thành phần khác gồm benzalkonium chloride, benzethonium chloride and chloroxylenol (PCMX) cũng sẽ được xem xét về tính an toàn và hiệu quả trong vòng 1 năm tới.

Johnson & Johnson, Procter & Gamble Co and Colgate-Palmolive Co cho biết họ đã và đang điều chỉnh công thức trong các sản phẩm nhằm xoá bỏ toàn toàn 19 thành phần này, bao gồm cả triclosan và triclocarban. Trong đó P&G đã thay thế các chất cấm từ cách đây 1 năm còn Colgate-Palmolive đang điều chỉnh công thức của xà phòng bán tại Puerto Rico.

FDA đã đề xuất lệnh cấm các chất này từ 2013 nếu các công ty không thể chứng minh là chúng an toàn và hiệu quả. Trên thực tế, các dữ liệu về hiệu quả của các chất này đều không đáp ứng được yêu cầu của FDA.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/fda-cam-19-hoa-chat-trong-xa-phong-diet-khuan-20160904013810339.htm

Đã có 242 người ở Singapore nhiễm virus Zika chỉ sau 1 tuần

Ngày 4/9, Singapore ghi nhận thêm 27 trường hợp nhiễm virus Zika, nâng tổng số ca nhiễm loại virus nguy hiểm này lên 242 bệnh nhân sau một tuần dịch bệnh này được phát hiện tại đây.

Cơ quan môi trường quốc gia Singapore (NEA) cho biết 25 trường hợp nhiễm mới có liên quan đến cụm ổ dịch tại Aljunied, Sims Drive, Kallang và Paya Lebar.

Một trường hợp mới phát hiện từ khu vực có nguy cơ bị lây nhiễm cao ở đường Joo Seng, nơi trước đó đã phát hiện một bệnh nhân nhiễm Zika. Ca nhiễm còn lại không có mối liên hệ với các ổ dịch trước đây.

Cũng theo NEA, tính đến ngày 3/9, cơ quan này đã tiến hành tiêu diệt 62 ổ sinh sản muỗi tại khu Aljunied và 39 ổ tại Bedok North. Cơ quan này sẽ tiếp tục kiểm soát các ổ muỗi tại các khu vực nói trên cũng như tại đường Joo Seng.

Trước đó cùng ngày, Quốc Vụ khanh phụ trách các nguồn tài nguyên nước-môi trường và y tế Amy Khor Lean Suan cho biết Bộ này đang cân nhắc khả năng để những bệnh nhân nghi nhiễm Zika điều trị tại nhà trong thời gian xét nghiệm các mẫu thử máu và nước tiểu.

 

Bộ này cũng tính đến khả năng cho các trường hợp đã nhiễm loại virus nguy hiểm này về nhà để phục hồi sức khỏe, song cảnh báo họ phải thận trọng tránh để muỗi đốt. Các biện pháp này phù hợp với việc điều trị bệnh sốt xuất huyết.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/da-co-242-nguoi-o-singapore-nhiem-virus-zika-chi-sau-1-tuan-20160905011559602.htm

Zika ở Singapore là "chủng châu Á"

Các nhà khoa học Singapore xác định virút Zika trên các bệnh nhân ở nước này thuộc chủng châu Á và không phải lây truyền từ Brazil.

Phát hiện được công bố trong bối cảnh số ca nhiễm Zika ở đảo quốc sư tử tiếp tục tăng mạnh. Chính quyền Singapore ngày 3-9 xác nhận thêm 26 ca nhiễm virus Zika mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đảo quốc này lên 215 trường hợp.

AFP dẫn thông báo chung của Bộ Y tế và Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore cho biết trong số 26 trường hợp mới nhiễm, 24 trường hợp có liên quan đến "ổ dịch" ở quận Aljunied, nơi ca nhiễm trong nước đầu tiên được ghi nhận. Chưa xác định được sự liên quan của 2 ca còn lại.

Một tuần kể từ khi ghi nhận ca nhiễm Zika đầu tiên, các nhà khoa học Singapore thông báo đã hoàn thành giải mã gen loại virút Zika đang lây lan ở nước này.

“Phân tích virút cho thấy nó thuộc chủng châu Á và có khả năng đã biến thể từ chủng virút Zika vốn tồn tại ở Đông Nam Á… không phải lây truyền từ Nam Mỹ” - tuyên bố của các nhà khoa học khẳng định.

Trong khi đó tại Malaysia, Bộ Y tế thông báo bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Zika trong nước tử vong do biến chứng bệnh tim. Bệnh nhân này sống ở bang miền đông Sabah và được phát hiện chỉ hai ngày sau khi một phụ nữ nhiễm Zika ở Singapore trở về nước.

Bệnh nhân tử vong vốn đã trong tình trạng sức khỏe yếu do các vấn đề tim mạch, huyết áp cao, bệnh thận… trước khi xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau cơ và tiêu chảy. Giới chức Bộ Y tế Malaysia cho biết đang tiến hành điều tra toàn diện nguyên nhân tử vong của bệnh nhân.

Virút Zika lây sang người chủ yếu khi bị muỗi Aedes aegypti đốt và cũng có thể lây qua đường tình dục. Người nhiễm virút Zika có những triệu chứng phổ biến nhất là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Những triệu chứng này nhẹ hơn so với sốt xuất huyết hoặc sốt phát ban.

Tuy nhiên phụ nữ mang thai nhiễm virút Zika có thể sinh ra con mang dị tật đầu nhỏ - một khiếm khuyết đặc trưng của não nhỏ bất thường và kém phát triển, hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Hiện các nhà khoa học chưa bào chế được vắc-xin phòng chống virút Zika hay thuốc đặc trị.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160904/zika-o-singapore-la-chung-chau-a/1165816.html

Hệ thống giám sát và cảnh báo các vấn đề tim mạch

Hệ thống này là đề tài nghiên cứu trong hai năm của nhóm sinh viên, giảng viên bộ môn kỹ thuật y sinh Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM, vừa được đưa vào Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao để thương mại hóa sản phẩm.

Hệ thống gồm ba phần: thiết bị đo điện tim do nhóm thiết kế, điện thoại thông minh và máy chủ ở bệnh viện.

Theo đó, thiết bị nhỏ, gọn được gắn vào bốn điểm ở ngực, bụng để thu nhận và truyền tín hiệu điện tim đến điện thoại qua sóng bluetooth, theo thời gian thực tế trong suốt một đến hai ngày. Dữ liệu được xử lý trên ứng dụng tại điện thoại và tự động gửi lên máy chủ ở bệnh viện hoặc thiết bị có chức năng hiển thị như máy tính, điện thoại của người thân.

Nhờ hệ thống nói trên bác sĩ có thể theo dõi tình trạng bệnh nhân từ xa, đưa ra những quyết định kịp thời cho người bệnh và gia đình. Hệ thống tự động cảnh báo khi nhận được dấu hiệu sắp lên cơn nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim mà trước giờ vẫn khó lường và xảy ra đột ngột.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160904/he-thong-giam-sat-va-canh-bao-cac-van-de-tim-mach/1165696.html

Hóa trị liệu ung thư sẽ kéo dài cuộc sống bệnh nhân

 “Hóa trị là phương pháp dùng thuốc đặc trị nhằm mục đích tiêu diệt tế bào ung thư. Do thuốc vào máu nên thuốc có thể lưu hành khắp cơ thể và tác dụng trên nhiều cơ quan khác nhau. Ngày càng có nhiều thuốc mới được bổ sung, tăng hiệu quả và giảm tác dụng phụ cho bệnh nhân”.

BS Nguyễn Triệu Vũ, khoa Ung bướu BV quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết thông tin trên vào chiều 4-9.

Trước đó, một bệnh nhân nữ (59 tuổi, TP.HCM) được đưa vào BV quận Thủ Đức trong tình trạng khó thở. Kết quả xét nghiệm và thăm khám cho thấy bệnh nhân bị khối u lớn trong phổi và hạch toàn thân.

Nhận định đây là trường hợp khó thở nặng do ung thư phổi lan tràn, các BS khoa Ung bướu và khoa Hồi sức cùng hội chẩn và thống nhất vừa tiến hành hóa trị vừa hồi sức cho bệnh nhân. Sau năm ngày hóa trị bệnh nhân khỏe nhiều, hết khó thở, hạch nhỏ lại và xuất viện, chuẩn bị cho đợt điều trị tiếp theo.

Chưa hết, một bệnh nhân nam mới 18 tuổi (TP.HCM) bị ung thư bao tử, do BV khác trả về với tiên lượng sống không quá một tháng nên bệnh nhân tìm đến BV quận Thủ Đức.

Tại đây, BS khoa Ung bướu tiến hành hóa trị cấp cứu song song với hồi sức tích cực. BV tiên lượng bệnh nhân sống thêm hơn ba tháng, giảm đau nhiều, ăn uống bình thường và có thể cùng gia đình đi dã ngoại.

Theo BS Vũ, thuốc dùng trong hóa trị ảnh hưởng trên tế bào lành nên gây ra một số tác dụng phụ như rụng tóc, loét miệng, hạ máu (hồng cầu và bạch cầu)… nên nhiều bệnh nhân sợ vô thuốc. Điều này làm giảm chất lượng điều trị.

“Tuy nhiên nếu chọn lựa kỹ thuốc và có chế độ nâng đỡ, cũng như phối hợp với các khoa Hồi sức, Tim mạch, Nội tiết… thì có thể phát hiện và xử lý tốt các tác dụng phụ do thuốc. Từ đó giúp kéo dài và nâng cao chất lượng sống cho nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối” - BS Vũ cho biết thêm.

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/hoa-tri-lieu-ung-thu-se-keo-dai-cuoc-song-benh-nhan-650593.html

Kỳ lạ bài chữa bệnh xương khớp của bà lang y xứ Nghệ

Hơn 40 năm qua, chỉ với phương pháp thoa dầu, bấm huyệt và uống vài viên thuốc, thế mà bà Đàm Thị Kế (sn 1935, tại xóm 2, xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã chữa cho hàng trăm người liên quan đến bệnh xương khớp.

Bà Kế là một người tận tâm với nghề, bởi bà từng là một y tá khi tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Dưới cái nắng của những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm đến nhà bà Đàm Thị Kế, một vị lang y già nức tiếng với các bài thuốc về bong gân, trật khớp, thoát vị đĩa đệm… 

Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Kế kể: “Ngày xưa nhà tôi đông anh em lắm, nên cũng chẳng có ai được học hành đến nơi đến chốn. Năm 18 tuổi tôi tham gia vào đội thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến ác liệt của chiến tranh chống Mỹ.

Hoạt động được một thời gian dài, tôi cùng 3 đồng chí nữa được cử đi học một lớp đào tạo y tá để cứu thương cho các chiến sỹ bị thương trong chiến trận. Khi xuất ngũ về quê, tôi được bà con dân làng tin tưởng nên ai cũng tìm đến chữa bệnh. Cũng từ đó mà cái duyên chữa bệnh xương khớp mới theo tôi đến già”.

Theo lời bà Kế kể, lúc đó bà được theo học 2 khóa y dược cấp tốc ở huyện Thanh Chương và thành phố Vinh (Nghệ An). Thời gia đào tạo về y dược chẳng được là bao, tuy nhiên bà Kế lại học được cách chữa bệnh xương khớp, bấm huyệt từ thầy giáo Bình. Thời gian đó, bà được thầy giáo Bình chỉ cho các bài cơ bản từ cấp độ dễ đến cấp độ khó về nắn xương khớp, ấy vậy nên bà Kế mới nức tiếng ở trong vùng.

Dù đã qua cái ngưỡng tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng các động tác về nắn xương khớp bà Kế vẫn làm chính xác đến từng chi tiết. Hàng ngày, bà Kế dậy từ từ sáng sớm để đón tiếp người bệnh. Bà Kế cười rồi bảo: “Ai rồi cũng đến lúc già yếu, cần phải nghỉ ngơi nhưng riêng tôi thì vẫn phải tận tâm cứu chữa bệnh cho người dân. Việc cứu chữa người bệnh tôi không lấy tiền, đây cũng không phải vì lợi danh gì. Với tôi việc chữa bệnh chính là niềm vui, mình thấy người dân khỏi là mình vui rồi”.

Nguyên tắc chữa bệnh của bà Kế là phải lần lượt từng người, ai đến trước thì sẽ được khám chữa bệnh trước, nếu không thì vẫn phải xếp hàng chờ đợi. Riêng những trường hợp ngoại lệ như những ca trật khớp nặng, cần sơ cứu gấp thì sẽ được ưu tiên để khám trước. Trong số những bệnh nhân đến khám, không ít các trường hợp bị bệnh trẹo chân, trẹo tay, hoặc chữa bệnh lâu ngày ở viện không khỏi…

Anh Tài, một bệnh nhân tâm sự với chúng tôi: “Mấy tháng trước, tôi thấy đau trong đoạn cuối xương sống, đi khám ở bệnh viện thì các bác sỹ kết luận là thoát vị đĩa đệm. Nghe người ta mách cụ Kế đây giỏi về bệnh xương khớp nên tôi mới tìm đến. Tôi đến đây chữa được vài hôm rồi, sau vài lần cụ nắn bóp tôi đã thấy đỡ hẳn”.

Chị Hảo, một người dân cùng xã góp chuyện: “Với cụ Kế, khi đến chữa bệnh cụ không lấy tiền. Cụ cứu người và giúp bệnh nhân là trên hết. Mọi người đến không phân biệt giàu hay nghèo, ai cũng được cụ chữa bệnh tận tình. Cụ năm nay đã qua tuổi tám mươi rồi mà vẫn còn khỏe, làm việc liên tục từ sớm đến chiều tối mới nghỉ”.

Với khả năng chữa bệnh, bà Kế được các bệnh nhân ở đây nể phục,ví như có một đôi “bàn tay vàng”. Ngoài chữa bệnh xương khớp và bong gân, bà còn chữa cho cả người bị teo cơ chân, tay và cũng đã có không ít trường hợp khỏi, đi lại bình thường.

Bà Kế nói: “Tôi làm nghề này cũng đã lâu năm rồi, người này đến chữa xong rồi đi, người khác lại đến. Vào cuối năm ngoái, có một cậu thanh niên người ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) bị ngã. Lúc ấy trời rét lắm, khi đưa cậu thanh niên này đến đây thì đã bị liệt 2/3 người. Vận dụng những phương pháp xoa bóp bấm huyệt mà tôi đã được học, chỉ sau một thời gian ngắn cậu này đã bình phục trở lại. Sau khi bình phục, cậu này còn mang tiền đến để cám ơn nhưng tôi không nhận”.

Nói xong, cụ chỉ tay vào cuốn sổ ghi đầy đủ thứ tự người đến thăm bệnh và khám chữa rồi bảo: “Cháu thấy đó! Ngày mô cũng cả trăm người đến khám như ri thì cụ nhớ răng hết được…”. Không chỉ là một lang y có tâm, có tài mà bà Kế còn là một người luôn sống có trách nhiệm với cộng đồng. Bà luôn tâm niệm: “Làm nghề gì cũng phải có cái tâm, đặc biệt là nghề thuốc vì mình không vụ lợi, phải hết lòng cứu chữa người bệnh”. Với bà, việc chăm sóc, cứu chữa người bệnh mới là điều quan trọng, đó chính là niềm mong mỏi khiến bà Kế sống khỏe, có ích với cộng đồng.

Chia tay bà khi mặt trời đã điểm chính ngọ, nhưng trong sâu thẳm con người bà Kế vẫn toát lên niềm khao khát được cứu chữa cho người bệnh khi về già. Có lẽ với bà Kế, niềm đam mê chữa bệnh cứu người chính là động lực để mình sống có trách nhiệm hơn.

Anh Nguyễn Văn Trung – Công an xã Diễn Nguyên cho biết: “Hiện giờ cụ đã hơn 80 tuổi nhưng bệnh nhân tìm đến rất đông. Trước đây, cụ chẳng lấy một đồng tiền chữa bệnh nào nhưng mấy năm gần đây, do số lượng bệnh nhân đến khám quá đông nên cụ chỉ lấy mỗi người 30 nghìn tiền thuốc. Nhiều bệnh nhân nghèo tìm đến thăm khám, cụ còn điều trị miễn phí. Ai ở xa đến, cụ lo nơi ăn chốn ngủ chu đáo. Việc chữa bệnh này, chúng tôi không chỉ tạo điều kiện cho cụ hành nghề mà còn luôn mong cụ khoẻ mạnh để giúp đỡ nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn”.

http://baophapluat.vn/thuoc/ky-la-bai-chua-benh-xuong-khop-cua-ba-lang-y-xu-nghe-292206.html

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang