Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 06/5/2017

  • |
T5g.org.vn - Mỗi năm có khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư; Đề nghị cấm bán thực phẩm chức năng đa cấp; Nhiều bệnh nhân bị suy thận cấp, ngộ độc chì do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc; Lưu ý phòng chống dịch sốt xuất huyết và zika vào mùa mưa; 20 bệnh nhân đầu tiên được đặt stent tĩnh mạch thông qua một vết đâm kim; Cứu chân trái dập nát của bé trai 5 tuổi sau tai nạn; FDA vạch chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng “chữa ung thư”; ...

 

Mỗi năm có khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư

http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/moi-nam-co-khoang-120000-ca-mac-moi-ung-thu_t114c9n118582

Đây là thông tin được chia sẻ tại buổi Tọa đàm Việt Nam - Đan Mạch về chủ đề bệnh không lây nhiễm do Trường Đại học Y tế Công Cộng và Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp tổ chức ngày 5/5, tại Hà Nội.

Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, Việt Nam hiện đang ở giai đoạn chuyển đổi giữa dân số và dịch tễ học, với sự gia tăng tuổi thọ và tỷ lệ hiện mắc của bệnh không lây nhiễm (NCDs). Các bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Những bệnh này chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và 73% các trường hợp tử vong hằng năm. Ước tính nước ta có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mặc bệnh tim phổi mạn tính và mỗi năm có khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư. Chỉ trong 3 thập kỷ từ khi đổi mới 1986 đến nay, mô hình bệnh tật của Việt Nam hoàn toàn trái ngược. Vào những năm 1990, 2/3 số ca nhập viện là do bệnh lây nhiễm.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Cường, mặc dù rất nguy hiểm nhưng các bệnh này có thể phòng chống hiệu quả bằng cách phòng tránh các hành vi ngiu cơ như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều muối, nhiều chất béo bão hòa, ăn ít rau/trái cây và thiếu vận động thể lực. Các hành vi nguy cơ này sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu, mỡ máu và các bệnh không lây nhiễm khác.

Cùng với những nỗ lực trên toàn cầu, công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm của Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư thông qua các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia như phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 77/2002/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phòng chống một số bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2002-2010. Đây là minh chứng cho nhận thức rõ ràng của hệ thống y tế, chính phủ và người dân về ưu tiên trong việc ứng phó khẩn cấp nhằm ngăn chặn và kiểm soát NCDs. Năm 2015, Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có nhiều hành động mạnh mẽ như Luật Phòng chống tác hại hại thuốc lá vào năm 2002, Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại rượu bia đang được dự thảo để trình Quốc hội, Luật Bảo vệ môi trường và Luật An toàn thực phẩm.

Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phòng chống bệnh không lây nhiễm trong 20 năm qua. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Quang Cường, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước nhằm kiểm soát bệnh không lây nhiễm.

 

Đề nghị cấm bán thực phẩm chức năng đa cấp

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170505/de-nghi-cam-ban-thuc-pham-chuc-nang-da-cap/1309542.html

Tại tọa đàm trực tuyến về xây dựng khung pháp lý quản lý thực phẩm chức năng tổ chức ngày 5-5, ông Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng VN, cho biết Bộ Y tế đã đề xuất Bộ Công thương cấm bán thực phẩm chức năng theo hình thức đa cấp.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Nguyễn Huy Quang cho rằng hiện thực phẩm chức năng đang được xếp vào nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nhưng các mạng kinh doanh đa cấp thường quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng thần kỳ, như thần dược, đẩy giá sản phẩm lên cao hơn nhiều so với giá trị.

“Đây cũng là biến tướng của kinh doanh thực phẩm chức năng, làm nhiều người tin mua và thậm chí bị lừa do chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, trong khi giá quá cao.

Hiện Hiệp hội và các cơ quan chức năng đang cùng bàn về các quy định quản lý thực phẩm chức năng mới và phù hợp hơn.

Cũng từng có đề xuất cho phép bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng, nhưng khắp thế giới bác sĩ chỉ kê đơn thuốc, không bác sĩ nào kê đơn thực phẩm chức năng”- ông Quang cho hay.

 

Nhiều bệnh nhân bị suy thận cấp, ngộ độc chì do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/868201/nhieu-benh-nhan-bi-suy-than-cap-ngo-doc-chi-do-su-dung-thuoc-dong-y-khong-ro-nguon-goc

Chiều 5-5, theo tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai, tại đây vừa tiếp nhận trường hợp ông L.V.Đ. (63 tuổi ở Lạng Sơn) được chuyển đến từ BV tỉnh trong tình trạng bị suy thận cấp do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Theo gia đình bệnh nhân, sau khi được chẩn đoán mắc sỏi thận, ông Đ. đã mua thuốc nam từ thầy “lang vườn” ở gần nhà. Tuy nhiên, mới uống được 1 thang, ông Đ. bị nôn nhiều, đau bụng và bí tiểu. Sau đó, gia đình đưa ông vào BV tỉnh. Tại đây, các bác sĩ cho biết, ông Đ. bị suy thận cấp. Sau hai ngày điều trị, ông Đ. được chuyển lên BV Bạch Mai. Bác sĩ Nghiêm Trung Dũng, Khoa Thận tiết niệu (BV Bạch Mai) - người trực tiếp điều trị cho ông Đ. cho biết, sau hai ngày điều trị, tình trạng của ông Đ. vẫn chưa hồi phục với các triệu chứng như: Bụng chướng to, chân tay phù nề, vô niệu… Bệnh nhân vẫn trong tình trạng thừa dịch, các chất độc do hậu quả của suy thận cấp vẫn tăng khi bệnh nhân dừng lọc máu.

Cũng theo bác sĩ Nghiêm Trung Dũng, trung bình mỗi tháng, Khoa Thận Tiết niệu tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhân bị suy thận cấp do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Với những bệnh nhân bị nhiễm độc nhẹ, được thải độc hoàn toàn, hết suy thận. Tuy nhiên, với những trường hợp nặng bị suy đa tạng, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, nếu cứu được cũng bị di chứng rất nặng, nhất là có thể bị suy thận mạn tính…

Trước đó, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cũng tiếp nhận điều trị cho một nữ bệnh nhân 30 tuổi (ở Chương Mỹ, Hà Nội) bị ngộ độc chì và liệt do uống thuốc nam không rõ nguồn gốc trong 2 tháng để chữa bệnh đau khớp gối. Bệnh nhân được điều trị thải độc chì cùng những chế độ chăm sóc đặc biệt. Sau gần ba tuần điều trị, bệnh nhân đã có những tiến triển đáng kể, có thể đứng lên và tự đi lại được. Tuy nhiên, việc thải độc chì cần điều trị lâu dài kết hợp với tập luyện phục hồi chức năng.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc đông y tùy tiện đang diễn ra rất phổ biến. Bởi vì, nhiều người vẫn cho rằng thuốc đông y “lành tính” và vô hại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã phải nhập viện do hậu quả của việc tự ý sử dụng thuốc đông y. Nguyên nhân do chất lượng thuốc đông y trên thị trường bị thả nổi, các hóa chất dùng để bảo quản, chế biến thuốc, chống ẩm mốc như: Lưu huỳnh, phốt pho, thủy ngân... không được kiểm soát chặt chẽ.

Vì vậy, người bệnh khi sử dụng thuốc đông y phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam mua của những ông lang, bà mế bán ở chợ, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh, không xác định được thành phần, hoạt chất trong thuốc. Nếu khi sử dụng có những biểu hiện bất thường như: Sụt cân, thiếu máu, buồn nôn, bí tiểu, suy nhược cơ bắp, co giật.... nên đưa người bệnh đi khám để được các bác sĩ xác định và điều trị kịp thời.

 

Lưu ý phòng chống dịch sốt xuất huyết và zika vào mùa mưa

http://dantri.com.vn/suc-khoe/luu-y-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet-va-zika-vao-mua-mua-20170505140543938.htm

Mùa mưa đang đến, môi trường ẩm ướt tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi nảy nở. Đây chính là thời điểm dịch sốt xuất huyết tăng cao nhất, kéo theo các bệnh do muỗi vằn gây ra như sốt rét, Zika,….

Ngay từ đầu năm, Cục Y tế dự phòng đã cảnh báo các bệnh do muỗi vằn như sốt rét, sốt xuất huyết, virus Zika... có nguy cơ phức tạp nếu không kiểm soát tốt.

Trước mùa mưa đang rất gần, chiến dịch “Vì cộng đồng không còn dịch sốt xuất huyết và vi rút Zika” lần thứ 7 diễn ra tại Quận 7, TP. HCM, do nhãn hàng Remos - Công ty Rohto-Mentholatum (Việt Nam) phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, hỗ trợ cộng đồng phòng chống các dịch bệnh liên quan đến muỗi và côn trùng, tổ chức vào sáng ngày 27/04/2017 đã tập trung vào hai mục tiêu chính:

• Tuyên truyền cho người dân về mối nguy hiểm của muỗi, đặc biệt là vào mùa mưa. Từ đó nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc phòng tránh muỗi đốt.

• Hướng dẫn thực hiện biện pháp phòng tránh muỗi và sốt xuất huyết, virus Zika một cách an toàn, hiệu quả.

Những hoạt động của chương trình như: dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm, khai thông các vũng nước ứ đọng và phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn quận đã được người dân hưởng ứng ngay sau lễ phát động.

Bên cạnh đó, người dân còn được phát và tư vấn sử dụng kem chống muỗi Remos đúng cách.

Mặc dù đây là những công việc đơn giản nhưng cần chú trọng thực hiện đều đặn hàng ngày, hàng tuần bởi hiện tại chưa có thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng ngừa sốt xuất huyết, virus Zika.

Việc phát quang bụi rậm, diệt loăng quăng, muỗi, sử dụng sản phẩm chống muỗi dạng xịt hay thoa là góp phần bảo vệ sức khoẻ của gia đình và cộng đồng.

 

Vụ thiếu niên bị cắt chân sau ngã xe: Bệnh viện huyện xử lí chưa đúng

http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-thieu-nien-bi-cat-chan-sau-nga-xe-benh-vien-huyen-xu-li-chua-dung-20170505081325004.htm

Liên quan vụ việc em Trần Trúc Giang (16 tuổi) bị cắt 1/3 chân sau khi được bác sĩ cho nẹp chân, hôm qua (4/5), Sở y tế Đồng Tháp thông tin chi tiết vụ việc và nhận định bệnh viện đa khoa Tân Hồng xử lí chưa đúng.

Để xác định chính xác bệnh tình của em Giang, ngành y tế đồng Tháp thành lập Hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các bệnh viện đầu ngành về chấn thương chỉnh hình như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Theo kết luận, đây là trường hợp chấn thương trật khớp gối ra trước, ít gặp, có biến chứng tắc mạch khoeo, thường diễn tiến bệnh nặng, phức tạp cần bác sĩ có kiến thức và kinh nghiệm về chấn thương chỉnh hình để xử trí.

Ngoài ra, hội đồng cũng nhận định Bệnh viện đa khoa Tân Hồng do thiếu kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn nên đã xử trí chưa đúng, chưa có chỉ định chế độ theo dõi và phát hiện sớm biến chứng tổn thương mạch máu.

Về phía điều dưỡng còn hạn chế về chuyên môn nên không phát hiện các triệu chứng bất thường, không ghi nhận trong hồ sơ và chưa có giải thích thỏa đáng cho người nhà bệnh nhân.

Ông Tạ Tùng Lâm, phó giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, cho biết thêm việc bệnh viện huyện giữ bệnh nhân qua đêm mà không chuyển lên tuyến trên là chậm. Cụ thể vào tối 11/4, bác sĩ không đánh giá, tiên lượng được biến chứng nên đã không chỉ định chế độ theo dõi, điều dưỡng trực chỉ khám, đo huyết áp mà không theo dõi chặt chẽ triệu chứng bất thường ở chân bệnh nhân. Đến sáng hôm sau khi bác sĩ khám mới phát hiện tắc động mạch khoeo nên tức tốc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

“Trong năm 2016 Bệnh viện đa khoa Tân Hồng tiếp nhận khoảng 1.500 ca chấn thương nhưng chỉ có 43 ca trật khớp gối nên bác sĩ thiếu kinh nghiệm thực tế”, ông Lâm lý giải.

Trong khi đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp chưa có bác sĩ chuyên về phẫu thuật mạch máu, nên không thể can thiệp phẫu thuật phục hồi lưu thông mạch máu sớm, phải chuyển lên tuyến trên.

Từ thực tế hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đều thiếu bác sĩ chuyên khoa, ông Lâm cho biết sắp tới sẽ mời những chuyên gia đầu ngành để tập huấn, cập nhật kiến thức, nhất là những trường hợp cấp cứu để các bệnh viện tuyến huyện nhận định được những ca khó, quá tầm phải chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên.

Trong thời gian em Trần Trúc Giang nằm viện được miễn toàn bộ chi phí điều trị ở cả hai bệnh viện huyện và tỉnh. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Tân Hồng đã kêu gọi đóng góp từ phía bác sĩ, điều dưỡng nhất là ê-kíp trực hỗ trợ gia đình một số tiền đề vượt qua khó khăn.

Như Dân trí thông tin, ngày 11/4, trên đường chạy xe Giang vấp phải ống bơm nước kéo ngang lộ bị ngã. Sau đó, Giang được người dân bên đường đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Hồng điều trị. Tại đây, bác sĩ chỉ định nẹp chân cho Giang. Buổi tối Giang nhiều lần than tê và nhức chân nhưng chỉ được bác sĩ thăm khám qua loa. Đến trưa ngày 12/4, Giang được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp sau đó được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Sau đó, bác sĩ buộc phải cắt 1/3 chân giang vì bàn chân đã hoại tử, đồng thời do tắc động mạch khoeo nên không thể điều trị bảo tồn.

 

Khánh Hòa: Một thai nhi chết bất thường khi đang chờ lịch mổ

http://laodong.com.vn/suc-khoe/khanh-hoa-mot-thai-nhi-chet-bat-thuong-khi-dang-cho-lich-mo-661904.bld

Ngày 5.5, bác sĩ Nguyễn Quang Vinh – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết, đơn vị đã có báo cáo bước đầu gửi Bộ Y tế, Sở Y tế Khánh Hòa liên quan đến trường hợp của sản phụ N.T.A.H (29 tuổi) có thai nhi chết bất thường khi đang chờ hội chẩn lên lịch mổ.

Trước đó, gia đình sản phụ H. đã điện thoại đến đường dây nóng của Bộ Y tế yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong khi mà sáng cùng ngày  chị H. nhập viện trong tình trạng cả mẹ và bé đều bình thường.

Anh  Đinh Tuấn Viên (42 tuổi, trú TP Cam Ranh, Khánh Hòa) chồng sản phụ cho biết “sáng 3.5, tôi đưa vợ  vào bệnh viện thăm khám thai và được các bác sĩ khuyên nên nhập viện để mổ vì thai nhi đã 38 tuần, siêu âm nặng 4,4 kg, nếu chờ sinh thường sẽ nguy hiểm. Kết quả thăm khám đều khẳng định vợ và con tôi khỏe, nói chiều sẽ mổ. Khoảng 10g sáng, gia đình đóng tiền để phẫu thuật nhưng đến 14 giờ thì nói thai nhi đã chết lưu mà không giải thích nguyên nhân”.

Quá bất ngờ và bức xúc, gia đình đã gọi điện đến đường dây nóng của bệnh viện, sở Y tế và Bộ Y tế để tìm nguyên nhân.

Theo bác sĩ Lê Quang Vinh,  sản phụ H., đến khám thai tại bệnh viện vào 8h30 sáng 3.5, qua thăm khám các bác sĩ nhận định sản phụ thai lần 2 được 38 tuần, con to, vết mổ cũ và có tiền sử tiền sản giật nên yêu cầu nhập viện sinh mổ chủ động. Sau khi thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu thuật các biểu hiện của thai nhi và sản phụ bình thường. Lúc 10 giờ, 12 giờ kiểm tra tim thai nhi vẫn bình thường. Nhưng đến 13 giờ 30, khi kiểm tra để các bác sĩ hội chẩn chuẩn bị cho sản phụ mổ vào ngày mai thì phát hiện tim thai đã ngưng hoạt động. “Lúc này tôi trực tiếp xuống thăm khám và xác định tim thai không còn cháu đã tử vong trong bụng mẹ nên đã giải thích về tình trạng thai nhi với chồng và mẹ sản phụ. Và nói rõ phải mổ lấy thai vì có vết mổ cũ và thai nhi lớn, chồng và mẹ sản phụ đã đồng ý để các bác sĩ tập trung cứu mẹ” - Bác sĩ Vinh nói.

Bác sĩ Vinh thừa nhận, “các bác sĩ đã không lường được diễn biến tình trạng thai nhi nhanh như vậy. Gia đình bức xúc tại sao không mổ liền nhưng đây là ca phẫu thuật chủ động (không phải cấp cứu), nên phải tiến hành các bước siêu âm, xét nghiệm, lên lịch mới mổ...”.

Tuần tới, bệnh viện sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để “bình bệnh án”, kiểm thảo nguyên nhân dẫn đến thai nhi chết lưu. “Nếu gia đình không đồng ý, có thể khiếu nại và chúng tôi sẽ lập Hội đồng chuyên môn cấp cao hơn để đánh giá tìm nguyên nhân khiến thai nhi tử vong bất thường để có câu trả lời cho gia đình”- bác sĩ Vinh nói.

 

Hải quan thông quan 20.000 viên thuốc ung thư chỉ 1 ngày

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170505/hai-quan-thong-quan-20000-vien-thuoc-ung-thu-chi-1-ngay/1309536.html

Liên quan tới 20.000 viên thuốc ung thư bị tiêu hủy, trong thông cáo báo chí chiều 5-5, Tổng cục Hải quan khẳng định việc lô thuốc có hạn dùng quá ít khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục.

Thực tế, vì lý do nhân đạo, cơ quan hải quan thông quan lô hàng chỉ sau 1 ngày kể từ ngày nhận được tờ khai hải quan.

Thông tin thêm về lô hàng, Tổng cục Hải quan cho biết tên hàng Tasigna (nilotinib) 200mg viên nang cứng, số lượng 309 hộp. Mỗi hộp 112 viên. Hạn dùng 24 tháng, sản xuất tháng 6-2013 và hết hạn tháng 5-2015, do Tổ chức Novatis Pharma AG trao tặng.

Quá trình nhập khẩu lô hàng: ngày 15-7-2013, Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM nhận được thư hiến tặng thuốc từ Công ty Novatis Pharma.

Ngày 28-11-2013, bệnh viện có công văn gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đề nghị được tiếp nhận lô hàng.

Ngày 12-12-2013, Cục Quản lý dược có công văn trả lời không đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô hàng do thiếu văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và một số loại chứng từ khác.

Ngày 10-3-2014, Sở Y tế TP.HCM có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ.

Ngày 24-6-2014, UBND TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt cho Sở Y tế tiếp nhận viện trợ lô hàng thuốc.

Ngày 14-7-2014, Cục Quản lý dược có công văn đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô hàng. Trong đó yêu cầu: hạn dùng còn lại kể từ ngày cập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng.

Theo vận đơn số 740135202-2 và 7401351230, lô hàng được xếp lên máy bay để vận chuyển sang VN ngày 23-7-2014. Như vậy, thời điểm lô hàng cập cảng Việt Nam thì hạn dùng còn lại không còn đủ 12 tháng (vì sản xuất từ tháng 6-2013).

Ngày 1-8-2014, bệnh viện có công văn gửi Cục Hải quan TP. HCM giải trình về lý do hạn dùng lô hàng còn lại dưới 12 tháng và xin được thông quan vì lý do nhân đạo.

Ngày 6-8-2014, Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL - VNPT đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho Bệnh viện truyền máu huyết học TP. HCM, cơ quan hải quan đã tiếp nhận làm thủ tục ngay cho 2 tờ khai hải quan nhập khẩu thuốc viện trợ số 051586/PMD và 051587/PMD. Cả 2 tờ khai đều đã được thông quan ngày 7-8-2014.

Về chính sách quản lý thuốc nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu lô hàng thì thuốc khi nhập khẩu vào VN phải có Giấy đăng ký lưu hành hoặc có Giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực.

Đồng thời thuốc nhập khẩu phải có hạn dùng lớn hơn hoặc bằng 24 tháng, hạn dùng còn lại của thuốc phải còn tối thiểu 12 tháng kể từ ngày đến cảng Việt Nam.

Trường hợp thuốc có hạn dùng dưới 24 tháng thì hạn dùng còn lại kể từ ngày đến cảng Việt Nam tối thiểu phải bằng 1/3 hạn dùng của thuốc.

 

Vụ đổ bỏ 20.000 viên thuốc ung thư vì thủ tục nhập rườm rà, hải quan nói gì?

http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/vu-do-bo-20000-vien-thuoc-ung-thu-vi-thu-tuc-nhap-ruom-ra-hai-quan-noi-gi-661951.bld

Tổng cục Hải quan vừa lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng lô thuốc đặc trị ung thư bị huỷ vì cơ quan hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục.

Theo đơn vị này, lô hàng gồm 309 hộp thuốc Tasigna (nilotinib) 200mg viên nang cứng-112 viên/ hộp với hạn dùng 24 tháng (ngày sản xuất tháng 6.2013- ngày hết hạn tháng 5.2015) do tổ chức Novatis Pharma AG trao tặng.

Liên quan tới quá trình nhập lô hàng, Tổng cục Hải quan cho biết ngày 15.7.2013, nhận được thư hiến tặng thuốc cho bệnh nhân nhưng đến ngày 28.11.2013, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh mới có công văn số 1639/TMHH-KHTH gửi Cục Quản lý dược – Bộ Y tế đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ từ Công ty Novatis Pharma.

Đến ngày 12.12.2013, Cục Quản lý dược có công văn số 20956/QLD-KD trả lời Bệnh viện Truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh, theo đó không đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô hàng do thiếu các văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và một số loại chứng từ khác.

Ngày 10.3.2014, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh có công văn số 1187/SYT-KHTH gửi UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ và đến ngày 24.6.2014, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3126/QĐ-UBND phê duyệt cho Sở Y tế tiếp nhận viện trợ lô hàng thuốc.

Ngày 14.7.2014, Cục Quản lý dược có công văn số 11978/QLD-KD đồng ý để Bệnh viện Truyền máu huyết học tiếp nhận lô hàng nhưng có nêu rõ hạn dùng còn lại kể từ ngày cập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng.

- Theo vận đơn số 740135202-2 và 7401351230 lô hàng được xếp lên phương tiện vận tải (máy bay) để vận chuyển sang Việt Nam ngày 23.7.2014. Như vậy, thời điểm lô hàng cập cảng Việt Nam thì hạn dùng còn lại không còn đủ 12 tháng (sản xuất từ tháng 6.2013).

Ngày 1.8.2014, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP. Hồ Chí Minh có công văn số 1275/TMHH-KHTH gửi Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giải trình về lý do hạn dùng lô hàng còn lại dưới 12 tháng và xin được thông quan vì lý do nhân đạo. Ngày 6.8.2014, Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL- VNPT đại diện làm thủ tục NK cho Bệnh viện truyền máu huyết học TPHCM, cơ quan hải quan đã tiếp nhận làm thủ tục ngay cho 2 tờ khai hải quan nhập khẩu thuốc viện trợ số 051586/PMD và 051587/PMD (kèm theo công văn số 4448/SYT-QLD ngày 6.8.2014 có ý kiến về thời hạn còn lại của thuốc là phù hợp với quy định). Cả 2 tờ khai đều đã được thông quan ngày 7.8.2014.

Tổng Cục Hải quan cho rằng việc lô hàng thuốc còn lại hạn dùng quá ít khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do cơ quan hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục và vì lý do nhân đạo,  cơ quan Hải quan đã nhanh chóng thông quan lô hàng 1 ngày kể từ ngày đăng kí tờ khai hải quan đồng thời cũng đã thực hiện theo quy định và ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành (Cục Quản lý dược – Bộ Y tế) về thời hạn còn lại của thuốc khi đến cảng Việt Nam.

 

Uốn ván tăng vì chủ quan

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170505/uon-van-tang-vi-chu-quan/1309170.html

Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính nghiêm trọng nhưng người dân còn chủ quan, dẫn đến số người mắc ngày càng nhiều và tử vong rất đáng tiếc.

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, năm 2015 bệnh viện này chỉ điều trị cho 278 người bệnh uốn ván, năm 2016 là 321 người (2 ca tử vong, 6 ca bệnh nặng xin về). Nhưng chỉ bốn tháng đầu năm 2017, số người bệnh uốn ván nhập viện đã là 134 người, có ba ca bệnh nặng xin về.

33 ca uốn ván nằm viện

Đó là số người bị uốn ván đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP trong ngày 4-5 mà PV Tuổi Trẻ ghi nhận được. Trong 33 người bệnh này, có 21 người bệnh rất nặng, phải thở máy và theo dõi điều trị đặc biệt tại khoa hồi sức cấp cứu - chống độc người lớn, với chi phí điều trị bình quân 3-5 triệu đồng/người/ngày.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Hảo, trưởng khoa hồi sức cấp cứu - chống độc người lớn, anh K. - một người bệnh nặng nhập viện ngày 11-4 trong tình trạng uốn ván toàn thể giai đoạn toàn phát: co giật, co cứng cơ toàn thân, nuốt sặc.

Trước khi khởi phát bệnh, anh K. bị té xe, có vết thương trầy xước ở cẳng chân trái. Sau tai nạn, anh K. không đến cơ sở y tế chích ngừa uốn ván mà chỉ chăm sóc vết thương tại nhà.

Sau sáu ngày bị thương do té xe, anh K. có triệu chứng mỏi hàm, sau đó bị co giật toàn thân. Do tình trạng anh diễn tiến nặng, Bệnh viện tỉnh Cà Mau chuyển anh lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.

Bệnh nhân uốn ván nhập viện mới nhất là ông T.V.H. (52 tuổi, Bình Dương). Ông H. là nông dân, bị uốn ván do đạp trúng miếng sắt gỉ sét có dính đất. Miếng sắt này gây vết thương ở lòng bàn chân trái của ông, ông không đi chích ngừa uốn ván.

Khi nhập viện, ông H. có biểu hiện mỏi cứng hàm, ăn uống sặc, co cứng cơ toàn thân, đi lại khó khăn. Hiện ông đang phải thở máy, dùng thuốc an thần, giãn cơ, kháng sinh...

Bệnh nặng nguy hiểm

Theo bác sĩ Hảo, uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp do vi khuẩn yếm khí Clostridium tetani gây ra. Vi trùng Clostridium tetani sống trong đất, bùn, cống rãnh, phân động vật...

Người bệnh đa số là người lao động chân tay (nông dân làm vườn, chăn nuôi, công nhân làm việc tiếp xúc với sình đất...), khi làm việc bị các vật sắc nhọn như đinh gỉ, miểng chai, cành cây... dính bùn đất đâm trúng gây ra vết thương ngoài da ở chân, tay.

Vi trùng uốn ván có sẵn trong đất, đồ vật sẽ theo vết thương trầy xước xâm nhập cơ thể, phát triển thành ổ nhiễm trùng và gây bệnh uốn ván.

Cũng có khi người bệnh bị uốn ván do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, gây ra vết thương da tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập.

“Uốn ván là bệnh rất nguy hiểm. Người bệnh uốn ván có thể chết vì suy hô hấp giai đoạn sớm hoặc trụy tim mạch, rối loạn thần kinh tự chủ, biến chứng tim mạch, tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Cách đây nhiều năm tỉ lệ tử vong rất cao (hơn 50%). Hiện nay nhờ những tiến bộ trong hồi sức cấp cứu như thở máy, lọc máu, có nhiều thuốc tốt, can thiệp sớm (mở khí quản cấp cứu khi suy hô hấp) nên người bệnh uốn ván tử vong giảm còn 3-5%” - bác sĩ Hảo nói.

Ngoài bệnh chính do uốn ván gây ra, người bệnh còn có nguy cơ biến chứng viêm phổi do nhiễm trùng bệnh viện vì thở máy lâu (3 tuần), dù bệnh viện đã có nhiều biện pháp hỗ trợ giảm nhiễm trùng bệnh viện nhưng vẫn có trường hợp viêm phổi liên quan đến máy thở.

Người bệnh uốn ván trong giai đoạn điều trị tích cực còn có nguy cơ bị loét tì đè do nằm lâu bất động nên phải điều dưỡng, chăm sóc rất vất vả.

Phòng bệnh rất quan trọng

Theo bác sĩ Hảo, uốn ván hiện còn gặp nhiều ở các nước đang phát triển và xảy ra nhiều ở nông thôn, người lao động chân tay. Đa số người bệnh uốn ván ở độ tuổi lao động, chưa được tiêm ngừa uốn ván, chưa hiểu hết tính chất nguy hiểm của bệnh, còn chủ quan nên khi có vết thương trầy xước ở tay, chân do tai nạn lao động, sinh hoạt, xe cộ cũng không đến cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương đúng cách, được chủng ngừa đầy đủ.

Để phòng ngừa uốn ván, ngoài chương trình tiêm chủng cho trẻ em sau sinh, do uốn ván không tạo miễn dịch bền vững suốt đời nên người dân cần được chích nhắc lại sau 5-10 năm để bảo vệ cơ thể.

Khi chẳng may bị vết thương dính đất, bụi bẩn có nguy cơ bị uốn ván thì người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý vết thương đúng cách và được chủng ngừa theo lịch để phòng ngừa bệnh uốn ván.

1/152 người bệnh có chích ngừa

Nghiên cứu của BS CK2 Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - trên 152 ca bệnh uốn ván người lớn nhập viện điều trị tại bệnh viện này từ tháng 1 đến tháng 6-2016 cho thấy người bệnh có độ tuổi trung bình 51 tuổi, phần lớn là lao động chân tay (gần 66%) và trình độ học vấn dưới cấp II (hơn 84%).

Phần lớn bệnh nhân ở nông thôn. Gần một nửa số người bệnh chưa có bảo hiểm y tế. Tổng chi phí toàn bộ của 152 người bị uốn ván gần 8,5 tỉ đồng.

Hiện nay đa số người bị uốn ván ở các tỉnh, thành phía Nam đều được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Chi phí cho mỗi ca bệnh uốn ván khá cao, là gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội, đặc biệt là đối với những trường hợp có nhiễm trùng bệnh viện.

Nghiên cứu cũng cho thấy chỉ có 1/152 người bệnh có chích ngừa uốn ván. Hầu hết người bệnh không chích ngừa uốn ván sau 16 tuổi. Chỉ có 1 người sau khi có vết thương mới đi chích, chích được 1 mũi, chưa chích mũi thứ hai thì bị uốn ván.

 

20 bệnh nhân đầu tiên được đặt stent tĩnh mạch thông qua một vết đâm kim

http://laodong.com.vn/suc-khoe/20-benh-nhan-dau-tien-duoc-dat-stent-tinh-mach-thong-qua-mot-vet-dam-kim-661538.bld

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, đã áp dụng kỹ thuật  điều trị suy tĩnh mạch do tắc nghẽn bằng can thiệp nội mạch chỉ qua một vết đâm kim ở vùng bẹn đùi. Trước đây, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu được điều trị bằng phẫu thuật với hai đường mổ dài vùng bụng.

Ngày 4.5, ThS BS. Lê Thanh Phong – Khoa Lồng ngực Mạch máu - cho biết, giữa năm 2015, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đăng ký với Bộ Y tế thực hiện kỹ thuật điều trị suy tĩnh mạch do tắc nghẽn bằng can thiệp nội mạch. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam. Đến nay, có khoảng 20 người bệnh đã được điều trị theo phương pháp này cho thấy hiệu quả rõ rệt.

Trong số 20 bệnh nhân này, bà L.T.H. (sinh năm 1956, nhà ở Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng đau và loét chân không lành. Từ 8 năm trước, bà thường xuyên bị phù chân trái khi đứng lâu hay đi lại. Khoảng 2 năm nay, bà bị phù kèm theo nổi các tĩnh mạch ngoài da và đau chân khi đứng lâu hay đi lại. 2 tháng trước nhập viện, một vết loét ở mắt cá trong chân trái xuất hiện, gây chảy dịch và đau đớn.

Các bác sĩ khoa Lồng ngực mạch máu của Bệnh viện chẩn đoán bà bị suy tĩnh mạch giai đoạn cuối do hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu và điều trị sau đó bằng nong bóng và đặt stent tái thông tĩnh mạch chậu thành công. Sau mổ, tình trạng phù chân của bà giảm rõ rệt. Khoảng 10 ngày sau, vết loét lành hoàn toàn và hết đau....

BS Phong cho biết, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu gặp phần lớn ở phái nữ (80%) và các triệu chứng thường khởi phát vào khoảng 20-50 tuổi. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng khởi phát thành bệnh.

Trước đây hội chứng chèn ép tĩnh mạch chậu được điều trị bằng phẫu thuật. Đây là một phẫu thuật lớn, phức tạp, mất nhiều máu và gây đau đớn. Bệnh nhân phải chịu 2 đường mổ dài ở vùng bụng. Ngày nay, với sự phát triển của can thiệp nội mạch, hội chứng này có thể điều trị khỏi bằng cách nong bóng và đặt giá đỡ tĩnh mạch (stent) chỉ qua một vết đâm kim ở vùng bẹn đùi. Qua 1 vết đâm kim vào tĩnh mạch đùi, phần tĩnh mạch bị chèn ép sẽ được nong ra và sau đó được đặt stent vào lòng mạch. Khi dòng máu về tim không còn bị cản trở, các hậu quả do sự chèn ép gây ra sẽ không xuất hiện hoặc cải thiện đáng kể khi đã xảy ra. Sau mổ người bệnh có thể đi lại vài giờ sau mổ và có thể xuất viện cùng ngày.

“Tất cả các bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng phương pháp này đều đã hồi phục và hoàn toàn không có biến chứng, tai biến xảy ra” - BS Lê Thanh Phong khẳng định.

 

3 bệnh nguy hiểm tái xuất ngày hè, nhiều người tử vong

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/3-benh-nguy-hiem-tai-xuat-ngay-he-nhieu-nguoi-tu-vong-371013.html

Cả sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm não mô cầu đều bắt đầu gia tăng số ca mắc, ít nhất 10 người tử vong.

Với sốt xuất huyết, ngay trong tháng 4 cả nước đã ghi nhận gần 7.000 ca, 2 người tử vong. Trong khi trung bình 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận khoảng 4.000 bệnh nhân.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 21.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc giảm 26%, nhưng tử vong tăng 1.

Bệnh tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Sắp tới số lượng bệnh nhân sẽ tăng mạnh hơn nữa do phía Nam bắt đầu mùa mưa, trong khi miền Bắc bước vào nắng nóng.

Đáng lưu ý, có tới 4 type virus sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.

Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virut đó.

Hầu hết những trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đều chủ quan, nhập viện trễ khi đã suy đa phủ tạng.

Do đó bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Khi có các biểu hiện nghi ngờ như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da... thì cần đến ngay cơ sở y tế.

Tương tự, bệnh tay chân miệng cũng gia tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua với hơn 4.500 ca mắc, trong khi tổng 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận hơn 6.200 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng hơn 26%.

Bước vào mùa hè, người dân cũng cần đặc biệt lưu ý đến bệnh viêm não mô cầu. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 11 ca mắc, 2 người tử vong.

Khác với viêm não do virus, bệnh não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây ra, lây lan qua đường hô hấp.

Não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, 2 nhóm tuổi dễ bị nhiễm não mô cầu là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên từ 14 tuổi đến 20 tuổi.

Vi khuẩn này thường gây ra bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết do não mô cầu với các biểu hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C, đau đầu dữ dội, cổ cứng, mệt mỏi.

Việc chẩn đoán não mô cầu ở giai đoạn sớm gặp nhiều khó khăn vì triệu chứng bệnh giống như những triệu chứng viêm màng não siêu vi thông thường khác, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 giờ khởi bệnh.

Viêm não mô cầu có nhiều thể bệnh, trong đó thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp với 80% bệnh nhân tử vong, ở thể viêm màng não mủ có tỉ lệ tử vong từ 30-40%.

Hiện đã có 2 loại vắc xin AC và BC ngừa viêm não mô cầu. Do đó người dân có thể tiêm cả 2 loại vắc xin BC (ngừa type B, C) và AC (ngừa type A, C) để tăng thêm khả năng miễn dịch.

 

Suy thận cấp do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

http://suckhoedoisong.vn/suy-than-cap-do-dung-thuoc-nam-khong-ro-nguon-goc-n131225.html

Mua thuốc nam từ một vị “lang vườn” ở gần nhà về dùng để trị bệnh sỏi thận, nhưng mới uống được 1 thang, ông Đ. đã bị nôn nhiều, đau bụng và bí tiểu. Đến ngày thứ tư, thấy ông Đ quá nặng, gia đình đưa vào viện tỉnh. Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm, các bác sĩ cho biết ông Đ đã bị suy thận cấp.

Được chẩn đoán là sỏi thận, ông L.V.Đ, 63 tuổi ở Lạng Sơn quyết định mua thuốc nam từ một vị “lang vườn” ở gần nhà. Nhưng mới uống được 1 thang, ông Đ bị nôn nhiều, đau bụng và bí tiểu. Đến ngày thứ tư, thấy ông Đ quá nặng, gia đình đưa vào viện tỉnh. Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm, ông Đ được xác định là suy thận cấp.

Sau hai ngày điều trị tại bệnh viện tỉnh, ông Đ. được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai. Ông Đ cho biết: hai tháng trước được xác định bị sỏi thận, chưa cần can thiệp nhưng do lo lắng sỏi thận tiến triển, ảnh hưởng về sau, đồng thời cho rằng uống thuốc nam nếu không hết bệnh sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe nên đã cắt thuốc nam về uống. Và hậu quả thì không thể lường nổi.

BS. Nghiêm Trung Dũng, Khoa Thận tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai) người trực tiếp điều trị cho ông Đ cho biết, nh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận cấp với các biểu hiện: vô niệu, phù toàn thân, dịch cổ chướng, nôn do hội chứng ure máu cao.....

Sau hai ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng của ông Đ. vẫn chưa hồi phục: bụng chướng to, chân tay phù nề, vô niệu, kết quả thăm khám cũng cho thấy bệnh nhân ở trong tình trạng thừa dịch, các chất độc do hậu quả của suy thận cấp vẫn tăng khi bệnh nhân dừng lọc máu.

Theo BS Dũng, chỉ tính riêng Khoa Thận Tiết niệu, trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhân bị suy thận cấp do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Thường những bệnh nhân này tiên lượng rất khó khăn do không biết chính xác độc chất trong các thảo dược không rõ nguồn gốc này hoặc do hóa chất xao tẩm và bảo quản thuốc.. Việc điều trị phụ thuộc vào tình trạng suy thận của người bệnh. Những bệnh nhân bị nhiễm độc nhẹ, được thải độc hoàn toàn, hết suy thận và không ảnh hưởng đến sức khỏe về sau nhưng có những bệnh nhân nhiễm độc nặng bị suy đa tạng, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, nếu cứu được cũng bị di chứng rất nặng nề có thể là suy thận mạn tính…Nhất là những bệnh nhân đã có bệnh lý thận từ trước đó.

Tình trạng sử dụng thuốc nam tùy tiện đang diễn ra rất phổ biến vì quan điểm những loại này là “lành tính” nếu không chữa được bệnh thì cũng không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Người dân thường tự ý sử dụng thuốc đông y, lá cây, con vật có trong tự nhiên… dẫn đến bị ngộ độc, suy thận, suy đa tạng…. Không chỉ riêng Khoa Thận Tiết niệu, mà Trung tâm Chống độc, Khoa Thận Nhân tạo, Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai cũng thường phải điều trị cho những ca bệnh do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc...

Lời khuyên của bác sĩ dành cho bệnh nhân là: Hãy là người bệnh thông thái, khi có bệnh nhất định phải có sự tư vấn của thầy thuốc trong việc lựa chọn những phương pháp điều trị. Còn nếu thật sự muốn điều trị bằng đông y thì nênđến các cơ sở khám chữa bệnh có uy tín, được cấp phép, sử dụng thuốc có nguồn gốc rõ ràng.

 

Cứu chân trái dập nát của bé trai 5 tuổi sau tai nạn

http://dantri.com.vn/suc-khoe/cuu-chan-trai-dap-nat-cua-be-trai-5-tuoi-sau-tai-nan-20170505155723592.htm

Khi bà nội đang chở đi chơi xảy ra va chạm xe, bé N.D.P (5 tuổi, Hà Nội) bị ngã xuống đường, một chiếc ô tô đã cán vào chân trái, khiến phần cơ thể từ mông xuống đùi và cẳng chân bệnh nhi bị dập nát toàn bộ.

Theo lời kể của gia đình bệnh nhi, ngày 15/4 trong lúc chở cháu đi chơi, hai bà cháu bị một chiếc ô tô đâm phải. Sau va chạm, P. bị ngã xuống đường, ô tô đã cán lên phần mạn đùi trái của bé. Sau tai nạn, bệnh nhi được đưa vào BV 198 sơ cứu vết thương, rồi được chuyển đến BV Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch tính mạnh vì sốc, trụy tim mạch, mất nhiều máu. Chưa kể phần cơ thể từ mông xuống đùi và cẳng chân đã dập nát toàn bộ.

Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ cấp cứu, hồi sức tích cực, truyền máu cho bệnh nhi. Sau 3 giờ đồng hồ, bé mới thoát khỏi tình trạng sốc tại các vị trí tổn thương, máu vẫn chảy rất nhiều.

Bác sĩ Phùng Công Sáng, khoa Chỉnh hình nhi (BV Nhi Trung ương) cho biết, trước tình trạng chảy máu nhiều tại các vị trí tổn thương, bệnh nhi có thể tử vong vì mất máu, các bác sĩ quyết định phẫu thuật ngay trong đêm.

“Khi mở vết thương, toàn bộ phần xương chày, xương đùi của bệnh nhi bị gãy, đoạn động mạch, tĩnh mạch và thần kinh vùng khoeo chân của bệnh nhi cũng bị đứt khoảng 5cm. Đây là những tổn thương nghiêm trọng, có khả năng phải cưa cụt bên chân bị tai nạn. Tuy nhiên bệnh nhi quá nhỏ, bé mới 5 tuổi nên các bác sĩ ngay từ đầu cuộc mổ đã đặt quyết tâm, nỗ lực cứu bằng được chân cho cháu”, BS Sáng cho biết.

Là một ca phẫu thuật phức tạp do tổn thương nặng, nhưng các bác sĩ đã tiến hành mổ cố định xương chân, ghép nối động mạch và tĩnh mạch cho cháu bằng cách lấy tĩnh mạch nông tại chân bị tổn thương ghép vào phần động tĩnh mạch bị mất. Tương tự, với phần dây thần kinh, các bác sĩ cũng ghép nối thần kinh tại chỗ bằng cách lấy thần kinh nông tại vùng tổn thương ghép nối vào.

May mắn, 1 ngày sau ca phẫu thuật, bên chân tổn thương đã hồng ấm, cho thấy dấu hiệu sống. Sau 1 tuần điều trị tại Hồi sức ngoại, bệnh nhi được chuyển ra khoa và hiện sức khỏe ổn định.

BS Sáng cho biết, đến thời điểm này, phần xương được cố định của bệnh nhi không có dấu hiệu nhiễm trùng, cơ phần đùi và cẳng chân được nuôi dưỡng tốt. Riêng phần cẳng bàn chân cần được theo dõi và đánh giá lại sau 6 tháng đợi sự phục hồi của đoạn thần kinh ghép nối, vì sau ghép thần kinh ngoại vi sẽ phát triển từ 1-3mm/ ngày.

Tuy nhiên, bệnh nhi sẽ phải trải qua ít nhất 1 – 2 lần phẫu thuật nữa để bác sĩ tiến hành ghép da che phủ diện khuyết da lớn vùng đùi và cẳng chân bị mất sau tai nạn..

 

Rút số đăng ký, đình chỉ lưu hành thuốc Esalep điều trị loét dạ dày, tá tràng

http://tbdn.com.vn/rut-so-dang-ky-dinh-chi-luu-hanh-thuoc-esalep-dieu-tri-loet-da-day-ta-trang_n23170.html

Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế vừa có quyết định số 163/QĐ-QLD thông báo ngừng tiếp nhận, xem xét hồ sơ nhập khẩu, hồ sơ đăng ký thuốc và rút số đăng ký lưu hành thuốc ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký tại Việt Nam.

Theo đó, tại quyết định này, thuốc Esalep, SĐK: VN-12168- 11 do Công ty Reman Drug Laboratories Ltd sản xuất, Công ty Aum Impec (PVT) Ltd đứng tên đăng ký bị Cục Quản lý Dược rút số đăng ký vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định về quản lý chất lượng thuốc của Bộ Y tế, đồng thời thuốc được sản xuất không đúng với hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Cục Quản lý Dược cũng đồng thời đình chỉ lưu hành trên toàn quốc và thu hồi toàn bộ các lô thuốc Esalep, SĐK- 12168-11. Các cơ sở nhập khẩu và ủy thác nhập khẩu nêu trên thực hiện việc thu hồi, báo cáo kết quả thu hồi thuốc theo quy định tại Thông tư số 09/2010-TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý chất lượng thuốc.

Cục Quản lý Dược cũng ngừng tiếp nhận hồ sơ mới đăng ký thuốc và ngừng cấp số lưu hành thuốc đối với các hồ sơ đã nộp do Công ty Reman Drug Laboratories Ltd sản xuất, Công ty Aum Impec (PVT) Ltd sản xuất, đứng tên đăng ký trong thời gian 24 tháng.

Ngừng tiếp nhận, xem xét hồ sơ nhập khẩu đối với các thuốc do Công ty Aum Impec (PVT) Ltd sản xuất, cung cấp vào Việt Nam và các thuốc do Công ty Reman Drug Laboratories Ltd sản xuất trong thời gian 24 tháng.

Thuốc Esalep thuộc nhóm thuốc đường tiêu hóa. Thuốc được sử dụng để điều trị loét dạ dày tá tràng và, viêm thực quản ăn mòn, trào ngược dạ dày và hội chứng Zollinger-Ellison. Thuốc Esalep cũng được sử dụng với các loại thuốc kháng sinh (ví dụ, amoxicillin, clarithromycin) để điều trị loét được gây ra bởi các vi khuẩn H. pylori...

 

Phẫu thuật thành công khối u nhầy buồng trứng nặng gần 2 kg

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/868196/phau-thuat-thanh-cong-khoi-u-nhay-buong-trung-nang-gan-2-kg

Ngày 5-5, các bác sĩ Khoa Phụ sản (Bệnh viện E) đã phẫu thuật thành công khối u nhầy buồng trứng trái có kích thước khổng lồ, đường kính hơn 20cm, nặng 1,8kg cho một bệnh nhân nữ (20 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo người nhà bệnh nhân, cách đây khoảng một năm, khối u phía bụng dưới của bệnh nhân to dần lên. Tuy nhiên, do nghĩ mình bị béo bụng nên bệnh nhân không để ý. Thỉnh thoảng, khối u cũng khiến bệnh nhân bị đau bụng. Dù vậy, bệnh nhân chưa từng đi khám phụ khoa. Cách đây 10 ngày, bệnh nhân bị sốt vi rút và đi khám tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ phát hiện, bệnh nhân có một khối u nằm ở buồng trứng trái chiếm gần hết ổ bụng dưới. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Phụ sản (Bệnh viện E). Qua các xét nghiệm, các bác sĩ xác định, đây là khối u nang nhầy buồng trứng trái.

PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng khoa Phụ sản cùng các đồng nghiệp đã tiến hành ca mổ cắt bóc khối u khổng lồ này. Quá trình phẫu thuật không làm tổ chức nhầy vỡ vào ổ bụng và bảo tồn tối đa phần vòi trứng, nhằm giảm sự ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của bệnh nhân sau này.

PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, ở nữ giới, u nhầy chiếm khoảng 20% các khối u buồng trứng. U nhầy buồng trứng được chia thành u tuyến bọc nhầy lành tính và các u có tiềm năng ác tính thấp và ác tính - carcinoma.

Tuy nhiên, đối với nang nhầy buồng trứng dù là lành tính vẫn có những nguy hiểm. Bởi vì khi vỡ trong ổ bụng, có thể gây viêm phúc mạc nhầy, lâu dài tạo thành các khoang nhầy trong ổ bụng dẫn đến tình trạng suy kiệt của bệnh nhân. Do vậy, khi phát hiện nang buồng trứng nhầy cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Việc chẩn đoán u buồng trứng hiện nay không quá khó với sự trợ giúp của siêu âm, vì vậy, phụ nữ cần có ý thức tuân thủ việc thăm khám sức khoẻ định kỳ.

 

Cứu sống người đàn ông dùng rựa cắt gần đứt lìa khí quản

http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/cuu-song-nguoi-dan-ong-dung-rua-cat-gan-dut-lia-khi-quan-365212

Chiều tối 5/5, bác sĩ Trần Giám, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, vừa cứu thành công bệnh nhân Trần Văn Tuấn (47 tuổi), dân tộc M’Nông, trú xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam dùng rựa cắt cổ tự tử.

Theo bác sĩ Giám, bệnh nhân Tuấn đã tự dùng rựa cắt cổ, gây vết thương dài 15 cm làm khí quản gần đứt lìa và đứt nhiều mạnh máu nhỏ ở vùng cổ họng.

Trước đó, khoảng 13h30, chiều 1/5, bệnh nhân Tuấn được chuyển từ huyện Nam Trà My về cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trong tình trạng phù nề cổ, khó thở độ 2, tràn khí dưới da cổ… và vết thường dài 15 cm sau đó, các y, bác sĩ của khoa trên đã khẩn trương mổ gấp.

Qua hơn 2 giờ phẫu thuật, bệnh nhân Tuấn được nối khí quản và qua cơn nguy hiểm.

Đến ngày 5/5, bệnh nhânTuấn đã tự trò chuyện được và sức khỏe dần hồi phục trở lại.

 

Vụ sinh viên Y khoa bị tát: Sẽ bảo vệ sinh viên của mình đến cùng

http://dantri.com.vn/suc-khoe/vu-sinh-vien-y-khoa-bi-tat-se-bao-ve-sinh-vien-cua-minh-den-cung-20170505080122162.htm

Không chỉ hành hung sinh viên Phạm Lê Tùng, sinh viên Y khoa, năm 3 của trường ĐH Y - Dược Thái Nguyên, người nhà bệnh nhân còn đe dọa khi nhân viên y tế không bế bệnh nhân đi chiếu chụp theo yêu cầu.

Tình huống sinh viên Y khoa bị tát

Trao đổi với phóng viên, Phạm Lê Tùng cho biết, hiện Tùng đang là sinh viên thực tập tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa TƯ Thái Nguyên. Tối 29/4, Tùng trực ca tại Khoa cấp cứu và giúp đỡ bệnh nhân theo lịch phân công của lãnh đạo khoa. Lúc đó, bệnh nhân Bùi Thế Sơn (26 tuổi, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) bị tai nạn và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cấp cứu.

Theo chỉ định, của bác sĩ tại bệnh viện, bệnh nhân được đưa đi chụp chiếu để xác định thương tích. Khi đó, một người đi lấy cáng, còn Tùng đứng đợi để đưa bệnh nhân lên cáng.

Lúc này, một nam thanh niên là bạn của bệnh nhân vẫy Tùng lại bảo: “Mày vào bế thằng bạn tao đi chụp”. Tùng nói người nhà bệnh nhân chờ một chút để cáng tới rồi sẽ bế bệnh nhân lên cáng. Vừa nghe đến đây, thanh niên trên trợn mắt rồi liên tiếp tát và chửi Tùng.

Kèm theo những cái tát là những lời lẽ đe doạ từ nam thanh niên này: “Mày muốn không ra được khỏi cái trường này không”… Lúc này, những nhân viên Y tế khác thấy vậy đã gọi báo bảo vệ đến ngăn chặn hành vi của nam thanh niên này. Ngay sau đó, những nhân viên y tế khác vẫn hỗ trợ để đưa bệnh nhân đi chiếu chụp và cấp cứu cho người bị nạn.

Tùng chia sẻ, “sau khi bị người nhà bệnh nhân tát liên tiếp vào mặt, em rất hoảng loạn và cảm thấy sợ khi đến ca trực. Dù trên trường có tiết học ứng xử với tâm lý bệnh nhân và người nhà nhưng khi vào hoàn cảnh thực tế rất khó phản ứng kịp thời”.

“Sẽ bảo vệ sinh viên Tùng trước những lời đe doạ”

Ngày 4/5, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu làm rõ thông tin nam sinh viên Đại học Y- Dược Thái Nguyên thực tập tại Bệnh viện bị bạn của bệnh nhân tát liên tục vào mặt khi đang chuẩn bị đưa bệnh nhân lên cáng. Trước sự việc này GS. TS Nguyễn Văn Sơn- Bí Thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên khẳng định, “sẽ bảo vệ sinh viên của mình đến cùng trước những lời đe dọa và sẽ phối hợp cơ quan chức năng làm rõ vụ việc”.

Ông Sơn cho biết, “ngay sau khi tiếp nhận thông tin, em Phạm Lê Tùng, sinh viên năm 3, Bộ môn Ngoại, bị bạn của bệnh nhân tát liên tiếp vào mặt trong khi đang thực tập tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Ban lãnh đạo và phòng chức năng của nhà trường đã nhanh chóng an ủi, động viên tinh thần em Tùng.

Em Tùng cũng đã làm đơn giải trình sự việc và đi khám sức khỏe. Chúng tôi cũng đã liên hệ nhóm sinh viên cùng thực tập với em Tùng xác nhận sự việc sinh viên của chúng tôi không làm gì sai với quy tắc của bệnh viện và không có lỗi với người nhà bệnh nhân. Vì thế chúng tôi sẽ bảo vệ sinh viên của mình đồng thời sẽ phối hợp các ban ngành, chức năng có liên quan và cơ quan công an vào cuộc làm rõ.

Chúng tôi không đồng ý hành động của bạn bệnh nhân hành hung sinh viên của mình như thế. Em Tùng mới chỉ bước chân vào con đường y học mà đã phải chứng kiến hành động thiếu lịch sự như thế sẽ ảnh hưởng đến tâm lý sau này.

“Mọi lời đe dọa của người hành hung, chúng tôi sẽ bảo vệ sinh viên của mình bằng mọi biện pháp. Việc ra trường của em Tùng phụ thuộc vào sự nỗ lực trong quá trình học với nhà trường chứ không có quan hệ gì với người đã hành hung em Tùng”, ông Sơn cho biết thêm.

Vụ việc đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ.

 

Bé 20 tháng hôn mê do chụp tay vào đèn ở bàn thờ

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170505/be-20-thang-hon-me-do-chup-tay-vao-den-o-ban-tho/1309470.html

Đó là trường hợp của bé gái Đ.N.T.T, 20 tháng tuổi, ngụ ở Bình Dương.

Bé T. được gia đình đưa đến cấp cứu tại một phòng khám đa khoa, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở.

Bệnh nhi được hồi sức trong vòng 15 phút thì tim đập trở lại và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị vào tối 4-5.

Hiện tại bệnh nhi bị hôn mê sâu, tổn thương đa cơ quan, tiên lượng nặng.

Người nhà nhà bé T. kể: bé T. lấy tay chụp đèn hình quả ớt nhấp nháy ở bàn thờ ông địa nên bị điện giật. Lúc đó, người nhà xuống lấy đồ ở phía sau nhà, lúc quay lên thì thấy vậy nên đưa bé đến cấp cứu tại một phòng khám đa khoa. Nhưng phòng khám này không có trang thiết bị cấp cứu nên chuyển bé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

 

Bắt xe khách vận chuyển số lượng lớn chim bốc mùi?

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bat-xe-khach-van-chuyen-so-luong-lon-chim-boc-mui-20170505121649868.htm

Chiếc xe khách trên đường chở số lượng lớn chim đưa đi tiêu thụ đã bốc mùi (một phần đã bốc mùi) đã bị CSGT CA tỉnh Nghệ An bắt giữ. Điều đáng nói, toàn bộ số hàng nói trên không có giấy tờ kiểm dịch chứng minh nguồn gốc.

Sáng 5/5, Trung tá Cao Viết Tuấn - Trạm phó Trạm CSGT Diễn Châu, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cho PV Dân trí biết, vụ việc được Tổ công tác của trạm thực hiện vào lúc 4h30', ngày 5/5/2017, tại km427, quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Theo đó, Tổ công tác của trạm tiến hành kiểm tra xe ô tô khách BKS 37B - 019.68 do Phạm Xuân Chinh (SN 1988, thường trú xóm 8, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) điều khiển.

Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên xe có vận chuyển 19 khay nhựa trong đó có 500 cá thể chim các loại và 78kg cá thể chim đã qua giết mổ bốc mùi hôi thối. Toàn bộ số chim trên không giấy tờ kiểm dịch chứng minh nguồn gốc. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ và chuyển giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

"Đây là vụ vận chuyển khá nhiều chủng loại chim như cu gáy, chim sẻ... trong đó nhiều nhất là chim sẻ lên đến hàng ngàn con và đã bốc mùi", Trung tá Cao Viết Tuấn cho biết.

Trước đó, vào ngày 2/5/2017, tại km418 quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An - Tổ công tác của trạm CSGT Diễn Châu tiến hành kiểm tra xe ô tô khách mang BKS 38B - 010.49, do Nguyễn Văn Huy, (SN 1963, thường trú Nhân Hiền, Hợp Đức, Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) điều khiển.

Qua kiểm tra phát hiện trên xe chở 220 cá thể chim các loại có trọng lượng 80kg. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất được giấy tờ kiểm dịch chứng minh nguồn gốc. Điều đáng nói, trong số đó có 50 cá thể chim đã qua giết mổ bốc mùi hôi thối và 170 cá thể chim còn sống.

 

FDA vạch chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng “chữa ung thư”

http://dantri.com.vn/suc-khoe/fda-vach-chieu-tro-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-chua-ung-thu-2017050506263747.htm

FDA Hoa Kỳ đã cảnh báo 14 công ty ngừng đưa ra những quảng cáo về các sản phẩm thảo dược và các phương pháp điều trị khác được tiếp thị để điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư.

Lợi dụng nỗi sợ hãi của bệnh nhân

Nicole Kornspan, chuyên gia về an toàn của người tiêu dùng, cho rằng các công ty đang lợi dụng những bệnh nhân ung thư sợ hãi và những người thân của họ. Và việc làm đó đã mang lại bộn tiền. Người Mỹ chi 30 tỷ đô la một năm cho các liệu pháp thay thế.

"Bất cứ ai bị ung thư, hoặc có người thân bị ung thư, đều hiểu nỗi sợ hãi và tuyệt vọng mà bệnh mang lại. "Người ta có thể tìm đến bất kỳ thứ gì có vẻ mang đến cơ hội chữa khỏi bệnh."

Họ đặc biệt lợi dụng xu hướng tin rằng các cách điều trị "tự nhiên" là tốt hơn so với những sản phẩm của các công ty dược phẩm thương mại. Nhưng những sản phẩm đó không chỉ là lãng phí tiền bạc mà còn có thể chứa các thành phần có hại.

Ví dụ: "Everything Herbs" quảng cáo cho hạt mơ, có chứa chất độc cyanid chết người. Hạt mơ đã là nền tảng để phát triển laetrile, một liệu pháp ung thư "thay thế" chưa được chứng minh nhưng được bán trên mạng phổ biến ở các phòng khám ở nước ngoài từ những năm 1970 mặc dù có nhiều bằng chứng là nó vô giá trị.

Trang web "Everything Herbs" tuyên bố: "Nếu ăn 6-12 hạt mơ mỗi ngày, bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về bệnh ung thư. Chứa trong các hạt mơ này là một lượng nhỏ chất nitriloside amygdalin, nó trực tiếp đến tế bào ung thư, chích và tiêu diệt tế bào ung thư”.

Trang web này bị gỡ bỏ với lý do “sửa chữa” khi NBC News điều tra và cuộc gọi đến số điện thoại của công ty nhận được câu trả lời từ hộp thư thoại nói rằng toàn bộ công ty đang đi nghỉ.

Một trang khác, DoctorVicks.com, bán một loạt các loại thảo dược và thực phẩm chức năng, bao gồm Silymarin, còn được gọi là cây kế sữa.

"Silimarin, thành phần chính của cây kế sữa đã được thấy là hỗ trợ gan theo những cách kỳ diệu và có thể giúp sửa chữa tổn thương gan do rượu hoặc Tylenol, và bảo vệ gan khỏi những tổn thương trong tương lai", trang web tuyên bố.

Có một chất có thể giúp khác phục tổn thương do Tylenol gây ra - đó là N-acetylcysteine (NAC) - nhưng thuốc phải được dùng ngay lập tức và theo chỉ định của thầy thuốc. Một số nghiên cứu cho thấy silymarin có thể hữu ích nhưng nó chưa phê chuẩn và liều lượng vẫn chưa được xác định.

Dr. Vicks đã không phản hồi đề nghị bình luận từ NBC News.

Những chiêu quảng cáo tinh vi

Những tuyên bố trên đều không đúng, theo FDA cho biết. Cơ quan này đã cảnh báo 14 công ty ngừng đưa ra những quảng cáo về các sản phẩm thảo dược và các phương pháp điều trị khác được tiếp thị để điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư. Những sản phẩm này không có tác dụng như quảng cáo và một số có thể nguy hiểm.

"Các công ty này đã sử dụng những quảng cáo khôn khéo, video và các kỹ thuật tiếp thị tinh vi khác, bao gồm những bài đánh giá về các kết quả kỳ diệu", các chuyên gia của FDA viết.

"Thường thì một sản phẩm được quảng cáo như cách điều trị hoặc chữa khỏi bệnh cho nhiều bệnh ở người và động vật".

FDA đã liệt kê 14 công ty trên trang web của họ và mô tả chi tiết những quảng cáo sai lệch mà họ đưa ra về sản phẩm, bao gồm các loại thảo mộc, thuốc nước, thực phẩm chức năng, trà và thuốc bôi. Những quảng cáo này đi từ chữa khỏi ung thư đến "giải độc" gan.

Việc đưa ra những tuyên bố như vậy mà không chứng minh được chúng là đúng và không thông qua quy trình xác minh của FDA là vi phạm pháp luật. Việc đặt một hàng chữ nhỏ ở dưới cùng của một quảng cáo nói rằng FDA chưa xác nhận tuyên bố này không làm giảm sự vi phạm.

Để lách luật, một số công ty đã đưa ra những quảng cáo sai và ghi một dòng chữ nhỏ rằng sản phẩm không nhằm để chẩn đoán, điều trị, chữa bệnh hoặc ngăn ngừa bất kỳ bệnh nào.

"Đưa ra những lời lẽ rõ ràng và sau đó nói rằng chúng không phải như vậy có thể là khôn khéo, nhưng việc làm này không tuân thủ các luật liên bang nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng".

FDA đã cho các công ty 15 ngày để đưa ra kế hoạch thực hiện yêu cầu của mình. Cơ quan này có thể truy tố và phạt tiền các công ty và thậm chí là phạt tù.

"Thông điệp cho người tiêu dùng là: Các sản phẩm này chưa được kiểm nghiệm, một số chứa các thành phần có thể gây nguy hiểm trực tiếp cho sức khoẻ của người dùng.

Các thành phần này có thể tương tác nguy hiểm với các phương pháp điều trị chính thống. Chúng không thay thế cho các phương pháp điều trị thích hợp. Việc sử dụng các sản phẩm này có thể lãng phí tiền bạc, và quan trọng hơn là gây nguy hiểm cho sức khoẻ của bạn”, tuyên bố của FDA nêu rõ.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang