Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 07/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP.HCM; Bệnh tay chân miệng gia tăng đột biến tại TP. Hồ Chí Minh; Quá tải trầm trọng tại các bệnh viện nhi TP.HCM…

Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP.HCM

http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-y-te-kiem-tra-cong-tac-phong-chong-sot-xuat-huyet-tai-tp-hcm.aspx

 (HQ Online)- Ngày 6-10, đoàn công tác của Bộ Y tế do Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu chủ trì kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường Phú Thạnh (quận Tân Phú)- một trong những phường có tỉ lệ người mắc sốt xuất cao và Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Trạm trưởng Trạm y tế phường Phú Thạnh Nguyễn Thị Duyến cho biết, trong 9 tháng năm 2015 tình hình dịch bệnh trên địa bàn phường diễn biến phức tạp, đặc biệt là sốt xuất huyết tăng cao với 22 ca tăng 37,5% so với cùng kì năm 2014.

Nguyên nhân là do phát sinh nhiều điểm nguy cơ xảy ra bệnh sốt xuất huyết chưa được xử lí dứt điểm làm xuất hiện các ổ dịch kéo dài; các công trình xây dựng lớn xây dựng hệ thống hầm thang máy, hầm tự hoại ứ đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Trong khi đó, việc xử lí lăng quăng gặp nhiều khó khăn do không gặp chủ nhà hoặc chủ thầu, nhân viên trạm y tế yêu cầu hút nước nhưng chủ thầu không hợp tác, chưa xử phạt được. Ý thức của một số ít người dân và khu nhà trọ chưa cao, không chủ động phòng bệnh cho người thân, gia đình và cộng đồng.

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 6.629 trường hợp bệnh nhi mắc sốt xuất huyết khám ngoại trú và điều trị 2.832 ca sốt xuất huyết nội trú, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại bệnh viện và 2 bệnh nhi bị nặng xin về.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, bệnh viện Nhi đồng 2 đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị và phòng chống bệnh cho tất cả các khoa, trong đó trọng tâm là khoa Khám bệnh và khoa Nhiễm. Tất các các bác sĩ tham gia công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện đều phải được tập huấn xử lý, phát hiện phân loại kịp thời và điều trị đúng phác đồ cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết, giảm số bệnh nhi lây nhiễm chéo và giảm số ca bệnh sốt xuất huyết nặng.

Tuy nhiên, hiện Bệnh viện Nhi đồng 2 đang gặp khó khăn do quá tải. Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết, không chỉ bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao mà hiện nay một số bệnh như thủy đậu, hô hấp, tiêu chảy cũng có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê, ngày 5-10, bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận 7.899 lượt bệnh nhi đến khám, trong khi những ngày trước đó chỉ khoảng 6.000 lượt bệnh nhi đến khám. Tại các khoa nội trú, số lượng bệnh nhi cũng tăng cao 1.950 nhập viện điều trị ngày 5-10, trong khi thực tế  bệnh viện chỉ có 1.700 giường.

Nguyên nhân là do tình hình dịch sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng tăng cao cùng lúc dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện Nhi đồng 2 là bệnh viện tuyến cuối về chuyên khoa nhi nên đa số các ca sốt xuất huyết nặng từ tuyến dưới như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu… chuyển đến bệnh viện, nên tỉ lệ tử  vong tại bệnh viên cao (4/5 ca tử vong tại bệnh viện nhi đồng 2 có chuyển viện từ tuyến trước).

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu ghi nhận những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM nói chung và bệnh viện Nhi đồng 2 nói riêng. Trong đó, công tác điều trị tốt đã giảm được tỉ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết gây ra.

Ông Phu cũng nhấn mạnh, trong thời điểm hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bệnh viện cần xem xét lại những vấn đề về tình hình bệnh nhân nặng nhẹ, chuyển biến như thế nào để phân loại kịp thời. Những ca nhẹ có thể điều trị tuyến dưới để hạn chế bệnh nhi ùn về bệnh viện gây quá tải, phải nằm ngoài hành lang và lây nhiễm chéo.

Ngoài ra, bệnh viện cần tập huấn cho tuyến dưới để cho bệnh nhân yên tâm điều trị. Đầu tư thêm trang thiết bị như: máy thở, lọc máu, truyền dịch... để kịp thời điều trị, giảm tỉ lệ tử vong. Tuyên truyền cho người dân hiểu để chủ động phòng chống dịch cho người thân, gia đình và cộng đồng./.

Thu Dịu

 

Bệnh tay chân miệng gia tăng đột biến tại TP. Hồ Chí Minh

http://afamily.vn/suc-khoe/benh-tay-chan-mieng-gia-tang-dot-bien-tai-tp-ho-chi-minh-20151006103322128.chn

Không chỉ có sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn biến khá phức tạp. Vì thế mọi người cần chủ động phòng chống bệnh cho chính gia đình mình.

TP Hồ Chí Minh  ghi  nhận nhiều trường hợp mắc tay chân miệng

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, tính từ đầu năm đến nay, thành phố có gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2014. Số ca mắc tay, chân, miệng toàn thành phố là 5.400 trường hợp. Đáng lưu ý là từ tháng 9 đến tháng 11 là cao điểm thứ 2 trong năm của bệnh tay chân miệng.

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ đối mặt với dịch sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong 2 tuần cuối tháng 9 mà bệnh tay, chân, miệng cũng gia tăng đột biến trong thời gian này.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi tuần của tháng 8 có 75 ca tay, chân, miệng nhập viện thì sang đầu tháng 9, tăng lên 150 ca. Đến cuối tháng 9, mỗi tuần ghi nhận đến 300 ca nhập viện vì tay, chân, miệng, tức là tăng trên 3 lần so với một tuần của tháng 8. Tính chung trong cả tháng 9, số ca tay, chân, miệng nhập viện lên đến 860 trường hợp, trong đó có 10 trường hợp nặng.

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ trong vòng 2 tuần qua, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện đã tăng gấp đôi. Bệnh tay chân miệng có 2 mùa dịch. Đợt 1 vào tháng 4, 5, 6 và đợt 2 vào tháng 9, 10, kéo dài tới đỉnh dịch là tháng 11, tháng 12. 

Triệu chứng của bệnh tay chân miệng như sốt nhẹ 2 ngày, sau hết sốt thì bỏng miệng, có trẻ bị bỏ ăn, sau đó nổi mẩn, phỏng nước hoặc sốt cao khó hạ, nôn ói nhiều, ngủ giật mình chới với... Ngoài ra một số bé bị run tay, run chân, nổi bong, nổi vân, tay chân lạnh  thì là dấu hiệu tay chân miệng quá nặng, có biến chứng. Nếu không được điều trị kịp thời, tay chân miệng biến chứng thường để lại di chứng rất nặng nề như viêm não hay chậm phát triển trí tuệ…

Cần phát hiện sớm bệnh

BS Khanh lưu ý, loại vi rút này tương đối bền, có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Do đó, trong trường học nếu xảy ra các ca nhiễm tay chân miệng thì trẻ bệnh phải được nghỉ học, cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày, trong trường phải phòng ngừa ngay bằng cách vệ sinh khử khuẩn bằng Cloramin B và phải làm thường xuyên.

Đáng lưu ý tay chân miệng là bệnh lây lan nhưng không liên quan tới vấn đề vệ sinh mà bệnh lây qua vi rút đường tiêu hóa, từ người mang vi rút sang người lành, nhất là trong khâu trực tiếp chăm sóc trẻ. 

Vì vậy không cho trẻ tiếp xúc với trẻ mắc bệnh vì khi trẻ ngồi chơi với nhau, lây qua nước miếng do văng, bắn vào nhau. 

Khi thấy trẻ có biểu hiện vết lở miệng, sốt khóc quấy rất dễ nhận biết bệnh tay chân miệng nhưng có bé bị bệnh này lại có biểu hiện rất “kín đáo” như chỉ nổi vài mụn nước nhỏ xíu ở lòng bàn tay, chân. Nếu trẻ sốt cao theo cơn kèm bỏ ăn, lập tức phải nghĩ đến ngay bệnh tay chân miệng. Kể cả trước đó đã làm xét nghiệm máu hay khám rồi, vì đôi khi phải sốt sau 72 tiếng xét nghiệm Ev71 mới chuẩn.Do vậy, việc quan trọng nhất là cần phát hiện sớm trẻ mắc bệnh và đưa đến cơ sở y tế, BS Khanh nhấn mạnh.

Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu hóa. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.

Đặc biệt không được mớm cơm cho con nít là nguyên nhân gây lây bệnh từ người lớn sang trẻ em  cần được loại bỏ

Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được.

Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.

 

Quá tải trầm trọng tại các bệnh viện nhi TP.HCM

http://vtv.vn/xa-hoi/qua-tai-tram-trong-tai-cac-benh-vien-nhi-tp-hcm-20151006061921165.htm

VTV.vn - Dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết và các bệnh về hô hấp, sơ sinh đang vào mùa, khiến tình trạng quá tải ở hai bệnh viện nhi của TP.HCM ngày càng trầm trọng.

Chỉ tính riêng những ngày cuối tháng 9, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận đến 6.200 bệnh nhi. Hơn 10 năm qua, bệnh viện này chưa bao giờ xảy ra tình trạng bệnh nội trú tăng trên 2.000 ca. Trong khi đó, trong tháng 8 - 9 năm nay, bệnh viện đã có trên 2.100 ca điều trị nội trú.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi ngày cũng có trên 7.000 bệnh nhi đến khám. Các ca bệnh nhập viện điều trị chủ yếu là sốt xuất huyết, tay chân miệng. Bên cạnh đó, các bệnh lý về đường hô hấp, bệnh ở trẻ sơ sinh cũng tăng cao trong hai tháng gần đây.

Theo thống kê, hiện có tới 60 - 65% các ca bệnh nhập viện được chuyển từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh chỉ cần đưa trẻ đến khám và điều trị ở bệnh viện tuyến dưới đối với những bệnh đơn giản. Điều này không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn tránh tình trạng lây nhiễm chéo ở các bệnh viện tuyến trên.

Sốt xuất huyết sẽ giảm khi miền Bắc trở lạnh, miền Nam qua mùa mưa

http://baotintuc.vn/suc-khoe/sot-xuat-huyet-se-giam-khi-mien-bac-tro-lanh-mien-nam-qua-mua-mua-20151005224742335.htm

 Tình hình bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp với số lượng mắc cao, có nhiều trường hợp tử vong khiến người dân và cộng đồng lo lắng. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu

* Xin ông cho biết về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay trên cả nước? Vì sao dịch lại xuất hiện tại nhiều địa phương, thưa ông?

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết xảy ra ở 53/63 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam với số lượng bệnh nhân lớn. Bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1959. Ở miền Bắc, bệnh thường phát triển từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm; ở miền Nam có quanh năm và nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 11. Bệnh sốt xuất huyết không chỉ có ở Việt Nam mà ở khoảng 100 quốc gia trên thế giới. Thống kê những năm gần đây cho thấy, vùng lưu hành của sốt xuất huyết ngày càng mở rộng khi đô thị hóa tăng lên.

Ở Việt Nam, năm nay số người mắc sốt xuất huyết có cao hơn năm 2014, nhưng số người tử vong lại thấp hơn rất nhiều so với từ năm 2013 trở về trước. Năm 2014 là năm chu kỳ xuống thấp nhất, trước kia chu kỳ dịch 2 - 3 năm, nhưng do Việt Nam làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh nên chu kỳ dịch đã kéo dài hơn, khoảng 4 - 5 năm/lần. Số ca sốt xuất huyết ở Việt Nam là khoảng 50.000 - 100.000 trường hợp/năm. Năm nay, cả nước đã ghi nhận trên 40.000 trường hợp mắc và 25 trường hợp tử vong.

Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, liên quan đến nhiệt độ và nước trong các dụng cụ chứa nước, tập quán trữ nước của người dân ở các địa phương. Từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ dao động từ 25-30 độ C, thuận lợi cho muỗi phát triển và cũng là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Ở miền Bắc, khi thời tiết lạnh sẽ hết dịch, còn ở miền Nam qua mùa mưa thì dịch sẽ giảm sau 1, 2 tháng.

* Bộ Y tế đã triển khai những biện pháp như thế nào để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, thưa ông?

Ngay từ tháng 5/2015, Bộ Y tế đã phát động mạnh mẽ chiến dịch, ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chống sốt xuất huyết. Đồng thời, Bộ Y tế đã thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường phòng chống dịch bệnh. Để phòng chống bệnh hiệu quả, việc phát hiện và xử lý ổ dịch rất quan trọng. Khi phát hiện ổ dịch, ngành y tế sẽ tiến hành xử lý, phun hóa chất ngay để diệt toàn bộ đàn muỗi gây bệnh, khống chế, không để dịch lan rộng ra khu vực khác. Việc xử lý ổ dịch đã tiến hành ở tất cả các địa phương. Bộ Y tế không để thiếu hóa chất và các phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch.

Hiện nay, không thể khẳng định rằng có thể thanh toán và loại trừ sốt xuất huyết vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đặc biệt là chưa có vắcxin phòng bệnh. Bên cạnh đó, người dân chưa có thói quen loại bỏ phế thải, dụng cụ mà muỗi có thể vào đẻ trứng. Một số nơi trữ nước trong mùa khô và tình hình biến đổi khí hậu… cũng là nguyên nhân khiến bệnh lây lan diện rộng, tăng số bệnh nhân mắc.
Được biết, việc nghiên cứu vắcxin phòng bệnh sốt xuất huyết đang được tiến hành, vậy ông có thể chia sẻ kết quả nghiên cứu này? Cách phòng bệnh tốt nhất, phòng chống bệnh lây lan trong cộng đồng là gì thưa ông?

Sanofi Pasteur của Pháp, một trong những đơn vị sản xuất vắcxin hàng đầu thế giới đã đầu tư rất lớn để nghiên cứu sản xuất vắcxin phòng sốt xuất huyết. Họ đã nghiên cứu ở Thái Lan và thử nghiệm tại miền Nam nước ta, nhưng vẫn chưa thành công.

Sản xuất vắcxin chống sốt xuất huyết là vấn đề nóng của thế giới nhưng hiện vẫn chưa được nghiên cứu và thử nghiệm thành công. Việt Nam hiện cũng đã tham gia vào nghiên cứu sản xuất vắcxin này.

Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Người dân phải ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị sốt kéo dài, xuất huyết... người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; không được tự ý điều trị tại nhà..

*Xin cảm ơn ông!

Thu Phương ( thực hiện)

 

Hà Nội: Sẽ phạt người dân không hợp tác phòng chống sốt xuất huyết

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-se-phat-nguoi-dan-khong-hop-tac-phong-chong-sot-xuat-huyet-20151006110547731.htm

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP Hà Nội, đã đề xuất sẽ phạt hành chính người dân không hợp tác trong phòng chống sốt xuất huyết (SXH).

Theo đó, chiều 5/10, khi đi thực địa tại điểm nóng về SXH tại quận Hoàng Mai, kiểm tra công tác phòng chống dịch địa phương này, ông Sửu đã đưa ra đề xuất trên.

Nếu gia đình nào không hợp tác trong công tác phòng dịch SXH có thể bị xử phạt hành chính nhằm hạn chế ca mắc mới, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân.

Về dịch SXH, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội đang là đỉnh của dịch bệnh này. Để kiềm chế số ca mắc gia tăng trong tháng 10, phấn đấu giảm hẳn trong tháng 11, thành phố đang phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên hơn 30% số hộ gia đình trên địa bàn vẫn từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế hoặc vắng nhà liên tục.

“Người dân không hợp tác để phòng chống dịch, như: khi đi tuyên truyền, phun thuốc muỗi một số hộ gia đình, người dân không mở cửa cho CBYT vào nhà kiểm tra VSMT diệt bọ gậy hoặc phun hoá chất diệt muỗi; không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi bị bệnh; không chủ động và thực hiện thường xuyên việc diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình; chỉ cho phun hóa chất diệt muỗi ở tầng 1 mà không cho phun ở tầng 2 vì nghĩ tầng cao không có muỗi... Bên cạnh đó, kiến thức về bệnh của người dân vẫn còn hạn chế, ví dụ: Nghĩ nhà sạch là sẽ không có muỗi; nghĩ việc phòng bệnh chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, coi nhẹ việc VSMT, diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình.

Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, số ca mắc không ngừng tăng ông Sửu cũng yêu cầu sáng thứ bảy hằng tuần toàn thành phố cần thực hiện tổng vệ sinh môi trường.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hiện cả nước đã ghi nhận hơn 43.000 trường hợp mắc SXH. Trong đó Hà Nội đã ghi nhận gần 3.300 ca SXH tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn. Hiện Hà Nội vẫn còn gần 200 người bệnh SXH đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Tú Anh

 

TP.HCM gia tăng đột biến bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng

http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/tphcm-gia-tang-dot-bien-benh-sot-xuat-huyet-va-tay-chan-mieng

Nhiều bệnh viện đang quá hoạt động hết công suất khi sốt xuất huyết bùng phát tại TP.HCM. Cùng với đó, bệnh tay chân miệng cũng đang gia tăng đột biến tại thành phố này.

Sốt xuất huyết đang vào đỉnh dịch khi có khoảng hơn 25 người thiệt mạng trên cả nước. Trong đó, TP.HCM đang dẫn đầu cả nước về số ca mắc bệnh.

 Theo Trumg tâm Y tế dự phòng TP.HCM, kể từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 10 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng tháng 9, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 400 trường hợp sốt xuất huyết. Trong đó, 120 trường hợp nặng và ba trường hợp đã tử vong. Tương tự: tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca sốt xuất huyết nặng khoảng 10 trường hợp/ngày. Mỗi tuần trung bình có trên 60 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện điều trị.

 Không chỉ sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong hai tuần cuối tháng 9, TP.HCM đang phải đối mặt với bệnh tay, chân, miệng có dấu hiệu gia tăng đột biến. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi tuần của tháng 8 có 75 ca, thì sang đầu tháng 9 tăng gấp đôi với 150 ca. Đến cuối tháng 9, mỗi tuần lại ghi nhận 300 ca nhập viện. Tính chung trong tháng 9 đã có 860 trường hợp nhập viện vì bệnh này, trong đó có 10 trường hợp nặng.

Theo quy luật, tháng 9-11 là cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng. Vì thế, số ca mắc bệnh có thể còn tăng nhanh trong thời gian tới.

 Hải Băng

Theo VOV

 

Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

http://vov.vn/xa-hoi/bo-y-te-khuyen-cao-phong-chong-dich-benh-sot-xuat-huyet-437948.vov

VOV.VN - Dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh, với số mắc lên tới 43.000 trường hợp, 28 bệnh nhân đã tử vong, tính từ đầu năm đến nay.

Trước tình hình này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện 6 biện pháp chính để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.

Văn Hải/VOV- Trung tâm Tin

 

Sốt xuất huyết tấn công mạnh cả người lớn lẫn trẻ em

http://motthegioi.vn/tieu-diem/sot-xuat-huyet-tan-cong-manh-ca-nguoi-lon-lan-tre-em-240286.html

Dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, số ca mắc sốt xuất huyết và tử vong tăng lên hằng ngày. Điều đáng nói, số người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh, có nơi số lượng người lớn mắc sốt xuất huyết ngang với trẻ em, thậm chí bệnh nặng hơn so với trẻ em. 

Người lớn bệnh nặng nhiều hơn so với trẻ em

Theo Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 9.2015, cả nước có đến 40.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 ca tử vong.

Số ca mắc sốt xuất huyết tập trung ở các tỉnh phía nam, chủ yếu là các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó TP.HCM đang dẫn đầu cả nước với hơn 9.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Theo phân tích của PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, sở dĩ khu vực các tỉnh phía nam mắc sốt xuất huyết cao do sự biến động dân cư, nhất là các tỉnh thành TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương có số ca mắc sốt xuất huyết cao bởi đây là những địa phương ngoài sự biến động về dân cư còn có khá nhiều những khu nhà trọ cho công nhân.

“Ở những địa phương này có rất nhiều người từ các nơi khác về, trong đó nhiều người mang theo những mầm bệnh, có bệnh sốt xuất huyết, rất dễ lây lan cho cộng đồng. Đó là yếu tố nguy cơ làm gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết”, ông Lân lý giải.

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay không chỉ diễn biến phức tạp vì số lượng tăng cao một cách bất ngờ mà tỷ lệ người lớn mắc sốt xuất huyết cũng tăng lên đột biến.

Các năm trước, người mắc sốt xuất huyết phần đông tâp trung ở trẻ em, lên đến 70 - 80% số ca mắc, năm nay số người lớn mắc sốt xuất huyết gần xấp xỉ số trẻ em, thậm chí có địa phương số ca người lớn mắc sốt xuất huyết còn cao hơn cả trẻ em.

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, trong số hơn 100 trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết đang điều trị nội trú tại đây, số trẻ mắc rải đều ở các lứa tuổi từ dưới 1 tuổi đến 15 tuổi. Tại tỉnh Đồng Nai, theo Sở Y tế tỉnh, hiện trong số hơn 5.000 ca mắc sốt xuất huyết ở địa phương này, có đến phân nửa là người lớn, thậm chí tỷ lệ người lớn mắc sốt xuất nặng còn cao hơn so với trẻ.

Điều này theo PGS-TS Phan Trọng Lân, có thể do người lớn đã từng mắc sốt xuất huyết nên khi mắc lại bệnh nặng hơn. Sốt xuất huyết có 4 típ huyết thanh (D1, D2, D3 và D4), người mắc típ nào sẽ được miễn dịch với típ huyết thanh đó, nhưng vẫn có thể mắc típ khác. Và khi đã mắc lại, lần sau sẽ nặng hơn lần trước.

“Nhiều người lớn từng mắc số xuất huyết nhưng lúc đó nhẹ, bệnh tự khỏi nên người không biết mình mắc sốt xuất huyết. Giờ bị nặng, cứ tưởng mình lần đầu mắc sốt xuất huyết, chứ thật ra phần lớn người mắc sốt xuất huyết bị nặng đều đã từng mắc sốt xuất huyết. Trong khi đó, hiện nay trẻ em đã được các bậc phụ huynh quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng hơn nên số lượng trẻ mắc bệnh ít hơn so với trước đây, phần lớn trẻ mắc bệnh lần đầu nên bệnh thường nhẹ hơn”, ông Lân chia sẻ.

Cũng theo ông Lân, hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy người mắc sốt xuất huyết típ D2 bị bệnh nặng hơn so với các típ khác. Thật ra, ở Việt Nam đang lưu hành típ D2 là chủ yếu, nên phần lớn bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là mắc típ D2. Điều này khiến nhiều người nghĩ típ D2 có độc lực mạnh, bệnh nặng nhưng thực tế không phải vậy. Ở một số nước trên thế giới, sốt xuất huyết lưu hành típ huyết thanh khác, số lượng người mắc típ đó nhiều và bị bệnh cũng nặng hơn.

Nên tổng diệt lăng quăng 2 ngày/tuần

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và tăng nhanh cả về số lượng mắc bệnh và tử vong, liên tục trong tháng 9 vừa qua, Chính phủ và Bộ Y tế cũng như các địa phương có những động thái quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh này.

Ngay từ đầu tháng 9, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện 1632/CĐ-TTg ngày 11.9 về tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết nhằm khống chế dịch bùng phát và kéo dài; tiếp đến cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Y tế đã có công văn số 7178/BYT-DP gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra phòng chống dịch, trong đó tập trung vào các tỉnh, thành có nhiều nguy cơ sốt xuất huyết

Riêng tại TP.HCM, nơi có số lượng ca mắc sốt xuất huyết cao nhất nước cũng đã thành lập 5 đoàn công tác kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh tại 24 quận huyện.

Đặc biệt, để giúp người dân hiểu hơn về cách phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế dự phòng TP.HCM không chỉ tuyên truyền bằng panô, áp phích, xe phát thanh lưu động, phát tờ rơi đến các hộ dân…, các tuyên truyền viên còn trực tiếp đến nhiều trường học để tuyên truyền bằng hình thức hỏi đáp. Với hình thức tương tác này, các em học sinh đã biết thêm được nhiều thông tin về sốt xuất huyết và cách phòng bệnh có lợi cho các em và người thân trong gia đình. 

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết trong thời gian qua đơn vị này đã thành lập 4 đoàn giám sát công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Hiện tại mỗi tuần 2 ngày (thứ 7 và chủ nhật), toàn TP tổ chức diệt lăng quăng và tổng vệ sinh môi trường; tổ chức phun hóa chất trên diện rộng ở những ổ dịch bệnh kéo dài trên 1 tháng; kiểm soát tình hình muỗi và lăng quăng ở những nơi có nguy cơ tập trung đông người…

“Để khống chế không cho dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng và kéo dài, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ca bệnh, ổ dịch và xác định nguồn lây chính để có những điều chỉnh kịp thời về phạm vi ổ dịch cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Dũng cho biết.

Hồ Quang 

 

Liên kết bệnh viện công - tư: Ưu đãi vốn và “biếu không”… y hiệu

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/10/398422/

Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từ nhiều năm qua, Chính phủ đã chủ trương cho xã hội hóa y tế. Đến nay cả nước đã có 170 bệnh viện (BV) tư, chưa kể hàng ngàn phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Tuy nhiên, với áp lực giảm tải cho BV công, Bộ Y tế đang chủ trương tăng cường liên kết BV công và tư, thậm chí BV tư được làm vệ tinh. Điều này liệu có nảy sinh những bất hợp lý?

Từ hỗ trợ vốn vay

Để hỗ trợ các dự án y tế phát triển, mới đây Bộ Y tế và VietinBank đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển hạ tầng và trang thiết bị y tế. VietinBank cam kết dành nguồn tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng, trong đó 8.000 tỷ đồng dành cho tổ chức kinh tế là chủ đầu tư của các dự án thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu của TPHCM. Chương trình này áp dụng vay vốn có hoàn trả với lãi suất cho vay ưu đãi hợp lý, thời gian vay dài (tối đa lên đến 20 năm) để cho vay đồng loạt các dự án đầu tư phát triển y tế, hỗ trợ các BV vay vốn với mục đích đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ khám chữa bệnh; đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở hạ tầng BV; các dự án đầu tư, mua sắm khác phục vụ y tế… Trước đó, triển khai Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế; Quyết định số 92/QĐ- TTg ngày 09-01-2013 về việc phê duyệt Đề án giảm tải BV giai đoạn 2013-2020, Ngân hàng BIDV đã công bố chương trình hỗ trợ tín dụng giảm tải, phát triển các BV và cũng ký kết thoản thuận hợp tác với Bộ Y tế. Ngân hàng BIDV ưu tiên các dự án đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đầu tư mới, cải tạo, mở rộng hiện đại hóa cơ sở khám chữa bệnh của các BV, trong đó có cả các BV tư nhân…

Không phải đến năm 2015, các chương trình hỗ trợ vốn của những ngân hàng trên mới khởi động để góp phần phát triển y tế mà ngay tại TPHCM, hơn 10 năm qua đã triển khai vốn vay kích cầu cho y tế. Qua đó đã giải ngân hàng ngàn tỷ đồng cho các BV công lập đầu tư mua sắm máy móc, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Ngay cả một số BV tư nhân cũng đã được vay vốn kích cầu theo chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu Bộ Y tế và các cơ quan liên quan có giám sát được việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả? Thực tế trong những năm qua tại TPHCM đã cho thấy một số BV lạm dụng, sử dụng sai mục đích vốn vay kích cầu!

Cần xác định giá trị y hiệu

Mới đây, BV Bạch Mai (Hà Nội) đã ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật giai đoạn 2015-2020 với BV Đa khoa quốc tế Vinmec (một BV tư nhân). Với thỏa thuận này, Vinmec trở thành BV vệ tinh đầu tiên của BV Bạch Mai thuộc khối ngoài công lập. “Ngoài việc hợp tác chuyên môn ra thì liệu y hiệu của BV Bạch Mai có được tính đến không? Vì khi bệnh nhân đến BV Vinmec, nghe có bác sĩ BV Bạch Mai hỗ trợ thì sẽ tin tưởng hơn”, một chuyên gia y tế thắc mắc. Chính vì điều này mà thời gian qua, không ít BV công đã lưỡng lự khi nhận được đề xuất của các BV tư nhân xin làm BV vệ tinh hoặc chí ít cũng thành lập khoa vệ tinh. Theo một lãnh đạo BV Chợ Rẫy TPHCM, việc hỗ trợ chuyên môn bằng những kỹ thuật, trường hợp bệnh cụ thể thì được, nhưng để hợp tác cho các BV tư nhân làm vệ tinh thì cần xem lại. “BV tư chỉ cần gắn cái bảng lên là BV vệ tinh, khoa vệ tinh của một BV công sẽ tạo uy tín với người bệnh. Nhưng chưa thể tính toán được giá trị y hiệu đó”, một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhìn nhận.

Chưa hết, thực tế cho thấy hầu hết việc liên doanh liên kết trong xã hội hóa y tế đều chưa tính đến y hiệu của đơn vị y tế công. Thanh tra TPHCM đã từng xác định hàng loạt BV như BV Mắt TPHCM, BV Bình Dân… vi phạm trong liên doanh liên kết, nhất là việc đặt máy móc thiết bị y tế, làm lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích. Khoản lợi nhuận ăn chia bất cập đến mức chỉ 30% thuộc về BV công, còn 70% dành cho… đối tác, thậm chí có BV chỉ nhận về 20% lợi nhuận. Việc “lấy công làm tư”, hướng mục đích chính vào thu lợi nhuận, không chỉ làm tăng chi phí cho người bệnh, mà còn “xài chùa” y hiệu của cơ sở y tế công. 

Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 170 BV tư nhân. Hầu hết các BV này có cơ sở vật chất, trang thiết bị khá tốt; đội ngũ y bác sĩ tận tình, chu đáo... Tuy nhiên, chưa có nhiều BV tư nhân có “thương hiệu”, khiến tỷ lệ khám chữa bệnh của khối này vẫn rất thấp, chỉ chiếm gần 7% điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú; 56,9% số BV có công suất sử dụng giường bệnh dưới 60%. Đặc biệt, BV tư nhân chỉ phục vụ khoảng dưới 4% lượt khám bảo hiểm y tế... Chính vì vậy, các BV tư nhân rất muốn phối hợp y tế công để chạy hết công suất.

Tại một hội nghị về tăng cường phối hợp y tế công - tư mới đây, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho rằng BV nhà nước cần phối hợp với các BV tư nhân sử dụng, khai thác thiết bị kỹ thuật cao; công nhận kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng; hợp tác nâng cao năng lực chuyên môn cho BV tư; xem xét phối hợp chuyển bệnh nhân đến điều trị tại các BV tư nhân có đủ điều kiện chuyên môn và cơ sở vật chất để phục vụ người bệnh tốt hơn. “Cái thiếu của hệ thống BV tư nhân là uy tín, thương hiệu. Do đó, nếu gắn thêm y hiệu của các BV công thì khác ngay”, một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh phân tích. Đồng thời, Bộ Y tế đang khuyến khích cơ chế kết hợp công tư (PPP) trong đầu tư xây dựng BV mới. Tuy nhiên, y hiệu BV công là một tài sản vô hình mà nếu không tính toán sẽ trở thành “biếu không” cho y tế tư nhân.

TƯỜNG LÂM

 

Bệnh viện quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết

http://daidoanket.vn/khoa-giao/benh-vien-qua-tai-benh-nhan-sot-xuat-huyet/69319

Ngày 6/10, đoàn công tác của Bộ Y tế do Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu chủ trì kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) tại TP HCM. Tại đây, lãnh đạo một bệnh viện (BV) cho biết, tình hình dịch bệnh SXH đang tăng cao nên nhiều BV rơi vào tình trạng quá tải.

SXH tăng cao

Tại BV Nhi đồng 2, BS Trịnh Hữu Tùng - Phó Giám đốc BV cho biết, bệnh SXH khám và nhập viện và số ca bị nặng cũng cao hơn so với năm 2014. Riêng trong tháng 10 này số ca tăng 100% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay có 6.629 trường hợp khám ngoại trú mắc SX, trong đó có 2.832 ca điều trị nội trú. BV ghi nhận 5 trường hợp tử vong và 2 bệnh nhi bị nặng xin về.

Hiện tại, Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 có 103 bệnh nhi bị SXH đang điều trị nội trú với 7 ca nặng có dấu hiệu cảnh báo phải điều trị tích cực. Với mong muốn chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch SXH, BV Nhi đồng 2 đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị và phòng chống bệnh cho tất cả các khoa, trọng tâm vẫn là khoa Khám bệnh và khoa Nhiễm. 

Tương tự, tại BV Nhi đồng 1, trong tháng 8 trung bình mỗi tuần chỉ có 40 bệnh nhân nhập viện. Nhưng vào đầu tháng 9 trung bình mỗi tuần có 150 bệnh nhân nhập viện. Đến nay, số ca mắc bệnh đã tăng gấp đôi, nghĩa là có khoảng 300 bệnh nhân nhập viện/ tuần. Đến thời điểm này BV đã ghi nhận 3 ca tử vong do SXH. 

Nói về số ca SXH ở người lớn, bác sĩ Châu, BV Nhiệt Đới khẳng định, số ca bệnh SXH người lớn đang tăng trên SXH trẻ em gần 50%. Người lớn sốc ít nhưng chảy máu nhiều, có nhiều trường hợp suy gan và suy tim.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, trong thời gian gần đây số ca mắc SXH liên tục tăng và lan rộng ra các quận huyện. Tính đến ngày 1/10 toàn thành phố có số ca mắc nhập viện cộng dồn 10.624 ca, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014. Từ đầu năm đến nay toàn thành phố ghi nhận 5 ca tử vong (2 trẻ em, 3 người lớn). Trong đó có 13/24 quận huyện có số ca mắc cao hơn tỷ lệ chung của thành phố.

“Số ca nhập viện bắt đầu tăng từ tuần 27 và duy trì 600 ca/tuần ở tuần 40 và có xu hướng tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Số ca mắc SXH tập trung nhiều ở quận huyện Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Q.8... Hiện dịch đang ở mức cảnh báo nhưng chưa qua được ngưỡng báo động dịch”, BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM thông tin. 

Quá tải vì SXH

Chính vì số ca SXH tăng cao cùng các bệnh khác nên một số BV rơi vào tình trạng quá tải nặng. BS Lê Thị Bích Liên - Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết: “Trong năm 2015, dịch bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp vì rơi vào chu kỳ 3 tới 5 năm/ lần. Ai cũng có thể bị SXH không riêng gì trẻ em mà người lớn cũng có nguy cơ. Hiện nay bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, BV đã bố trí thêm 150 giường và tận dụng thêm hành lang để cho trẻ nằm điều trị”.

Theo BS Liên, BV quá tải một phần là do tâm lý người nhà muốn đưa con lên tuyến trên để an tâm điều trị. Số bệnh nhân điều trị tại BV chiếm 65% là bệnh nhân từ tỉnh lên. Thực tế có nhiều BV tuyến dưới có thể điều trị tốt. 

Bàn về biện pháp quá tải khi tình hình dịch bệnh gia tăng cao, bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 băn khoăn, làm sao đó có thể lọc bệnh ở phòng khám tránh tình trạng nhiễm chéo. Đồng thời, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ về bệnh để tránh đưa bệnh nhân đến quá sớm gây tình  trạng quá tải cho BV. Bệnh SXH có thể điều trị ở tất cả các tuyến. Khi nào quá khả năng BV tuyến dưới sẽ chỉ định chuyển lên BV tuyến trên. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu ghi nhận những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn TP HCM nói chung và các BV nói riêng. Trong đó, công tác điều trị tốt đã giảm được tỉ lệ tử vong do bệnh SXH gây ra. Song, theo ông Phu, các BV cần tập trung điều trị tốt sẽ giảm được tử vong cho bệnh nhân. Muốn vậy, đòi hỏi phải xem lại tình hình bệnh nhân nặng – nhẹ chuyển biến như thế nào để rút kinh nghiệm.

“Về vấn đề quá tải trong mùa dịch bệnh này, mặc dù BV đã tăng thêm giường ở ngoài hành lang nhưng cần có biện pháp hữu hiệu giảm tình trạng lây nhiễm chéo. Những ca nhẹ có thể điều trị ở tuyến dưới. Đặc biệt, cần tập huấn cho tuyến dưới để cho bệnh nhân yên tâm điều trị. Đầu tư thêm trang thiết bị như: máy thở, lọc máu, truyền dịch... để kịp thời điều trị, giảm tỉ lệ tử vong”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo ông Trần Đắc Phu, đến thời điểm này trên cả nước có 40.000 mắc SXH, trong đó có 28 trường hợp tử vong thấp hơn so với năm 2013 (42 tử vong/ 66.000 ca mắc). Dự báo về tình hình dịch bệnh ông Phu khẳng định, dịch đang diễn biến phức tạp, kéo dài trong thời gian tới. Dịch không bùng phát nhưng lại mở rộng vùng dịch. Nếu không làm tốt công tác phòng chống thì dịch có thể tiếp tục gia tăng.    

Tâm Luân

 

Trẻ em Việt Nam đang "vuông"

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tre-em-viet-nam-dang-vuong-20151005230428517.htm

 Cũng như ở người lớn, trẻ em Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng tỷ lệ thừa cân, béo phì. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2013, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì cả nước là 6,5%, trong đó Hà Nội và thành phố HCM cao đến 15,76%. Đặc biệt, ở lứa tuổi tiểu học tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều.

Béo phì là nguy cơ lớn

Hiện nay, khi mức sống tăng lên, khi thực phẩm quá dồi dào; béo phì thật sự là mối nguy cơ, lo lắng lớn đối với sức khỏe. Trong y tế có câu ví von " vòng bụng càng to thì vòng đời càng ngắn" (longer the belt, shorter the life). Như vậy: "béo là xấu" và "mập không là mạnh". Để chỉ những hệ lụy do béo phì, dân gian lại ví “Ngày xưa to bụng là sang. Ngày nay to bụng mỡ gan, đái đường”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), béo phì được coi là một bệnh mãn tính, nó không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thừa cân như yếu tố môi trường, xã hội và cả yếu tố di truyền, nhưng đa phần là do mất cân bằng giữa ăn vào và tiêu hao nôm na là thừa ăn.

Béo phì nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn sẽ có nhiều biến chứng như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, suy nhược sinh dục...

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia hiện nay cho thấy tỷ lệ béo phì đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương tỷ lệ cao gần 30%.

Chiều cao người Việt còn hạn chế

Theo công bố mới nhất của Viện Dinh dưỡng Việt Nam tháng 6/2013, chiều cao của người Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp. Trong khi trung bình của thế giới: nam 18 tuổi là 176,8cm và nữ là 163,7cm, thì chiều cao thanh niên Việt Nam nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn chuẩn 13,1cm và nữ chỉ đạt 153cm, kém hơn chuẩn là 10,7cm. So với thanh niên các nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thân thể của thanh niên nước ta đều thấp hơn từ 6 đến 10cm.

Các yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao: chế độ dinh dưỡng 32%, vận động thể dục thể thao 20%, môi trường tâm lý và xã hội 16% và yếu tố chủng tộc di truyền 23%. Như vậy, có đến hơn 3/4 (77%) là những yếu tố “ cải tạo được” (modifiable).

Trẻ em Việt Nam đang “vuông”

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia: “Cơ cấu khẩu phần ăn của trẻ em thay đổi cả về lượng và chất, đã có xu hướng giảm chất bột, tăng chất đạm và chất béo. Điều này, làm tăng nguy cơ thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì bị béo. Cũng theo thống kê của viện, có một điều báo động là có đến 15% bà mẹ không biết con mình thừa cân và 30% biết nhưng không quan tâm đến việc giảm cân cho trẻ.

Như vậy, chế độ dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam hiện nay có hai vấn đề nguy hiểm, cần hết sức lưu tâm là: phát triển chiều cao kém và tỷ lệ béo phì ngày càng tăng dẫn đến nguy cơ sẽ bị “vuông” (larger and shorter), như nhiều nhà dinh dưỡng nhận định.

Hơn 90% trường hợp thừa cân béo phì có nguyên nhân nguyên phát chủ yếu từ môi trường, cách nuôi dưỡng, một số rất ít do các nguyên nhân thứ phát như: di truyền, nội tiết, thần kinh, thuốc...

Những lý do dinh dưỡng làm trẻ thừa cân béo phì: Trẻ bú bình sớm do mẹ đi làm; phụ huynh ép ăn vì sợ bị “suy dinh dưỡng”; tư tưởng “mập mới mạnh”; Công nghệ chế biến và quảng cáo thức ăn nhanh; môi trường sống chật hẹp, hạn chế vui chơi, vận động, nhiều phương tiện giải trí “ít vận động” như game, ti vi, internet... 

Ngạn ngữ Anh có câu: “Con người đào mồ bằng chính bộ răng của mình”. Cải tạo lối sống lành mạnh, chế độ ăn và chế độ vận động, là cách duy nhất để bảo vệ sức khỏe cho con em chúng ta!

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

 

Cứu sống bé sơ sinh bị tim bẩm sinh phức tạp

http://anninhthudo.vn/khoe-dep/cuu-song-be-so-sinh-bi-tim-bam-sinh-phuc-tap/637209.antd

Tiến Hưng

ANTĐ - Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cứu sống một trẻ sơ sinh mắc bệnh lý tim mạch bẩm sinh phức tạp, đây cũng là trường hợp bệnh nhi nhỏ nhất bị loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm được cứu sống bằng công nghệ cao ở Việt Nam.

Bệnh nhi là bé Vũ Chính D. (ở Ngô Quyền, Hải Phòng), được sinh ra đủ tháng với cân nặng 2,6kg và phải mổ đẻ vì suy thai. Bé bị suy hô hấp ngay sau sinh, được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh.
Tại đây, bé được chẩn đoán bệnh tim kết hợp, không những bị thông sàn nhĩ thất toàn bộ có tăng áp động mạch phổi nặng mà còn bị hội chứng Wolff-Parkinson-White (hội chứng rối loạn nhịp nhanh do tồn tại đường dẫn truyền xung điện bất thường bẩm sinh trong tim) có cơn nhịp nhanh nguy kịch, trái tim cấu trúc dị thường.
Trong thời gian điều trị, bé đã nhiều lần lên cơn nhịp nhanh (250 lần/phút), kháng các thuốc điều trị loạn nhịp thông thường, trong cơn nhịp nhanh bé suy thở và suy giảm huyết động nặng, đã phải cấp cứu cắt cơn nhịp nhanh nhiều lần. 
Trước tình trạng nguy kịch của bé D. các bác sĩ quyết định chọn phương pháp đốt điện bằng năng lượng sóng cao tần điều trị cắt cơn nhịp tim nhanh, qua đó đã cứu sống được cháu bé. Được biết, trên thế giới có rất ít trung tâm có thể thực hiện kỹ thuật này ở trẻ nhỏ. 

Bé trai 3 tuổi bị chó cắn nát mặt

http://motthegioi.vn/thoi-su/be-trai-3-tuoi-bi-cho-can-nat-mat-240290.html

Chọc giỡn với chó nhà nuôi, bất ngờ bé trai 3 tuổi bị chó tấn công cắn nát khuôn mặt, khiến cháu bé bị gần 20 vết rách nham nhở. Các bác sĩ đã phải khâu đến khoảng 200 mũi để cứu sống bé. Tuy nhiên, hiện bé đang có nguy cơ đối diện với mất cảm giác một phần vùng mặt.

Bé trai bị tai nạn thương tâm trên là cháu Trần Trường Thịnh (3 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TPHCM)

Ngày 6.10,  Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, bé trai này được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nhiều vết thương chằng chịt nham nhở, tập trung chủ yếu trên vùng mặt trái.

Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện, trên mặc bệnh nhi có đến 19 vết rách, đặc biệt vết thương xuyên thấu ngang mặt đến mang tai. Ngoài ra môi của bé cũng bị chó cắn rách sâu, thêm vào đó là một vết thương gây lộ xương gò má.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đấu, Trưởng khoa Răng hàm mặt, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết,  sau gần 2 giờ phẫu thuật các bác sĩ đã khâu vết thương ở  vùng mặt của bé thành nhiều tầng lớp. Tổng số vết thương phải khâu trên khuôn mặt của bé là khoảng 200 mũi.

 “Dù tình trạng sức khỏe của bé hiện tương đối ổn, nhưng bé có nguy cơ bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh làm mất cảm giác một phần cơ thể. Ngoài ra những vết khâu này sẽ để lại những vết sẹo cho bé sau này”, bác sĩ Đấu cho hay.

Theo người nhà của bé Thịnh, trong lúc cháu đang chờ mẹ đưa đi học, cháu đã  giỡn với con chó nhà nuôi bằng cách dùng cây thước quơ quơ trước mặt, bất ngờ con chó tức giận nhảy chồm lên quật bé xuống cắn tới tấp. Nghe tiếng bé khóc thét, gia đình chạy đến xua con chó đi, lập tức đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi để sơ cứu. Sau đó chuyển cháu đến Viện Pasteur TP.HCM đã chích ngừa dại, uốn ván và đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để chữa trị.

“Con chó này là giống chó Phú Quốc đã được gia đình nuôi 3 năm. Chú chó này cũng đã được chích ngừa, nhưng gia đình lo ngại không biết cháu có bị gì không nên đưa đi chích ngừa cho an tâm. Lúc trước chú chó này cũng đã từng cắn một người đàn ông đến nhà chơi gây trầy xước”, mẹ bé Thịnh cho biết.

Bác sĩ Đấu cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị vật nuôi tấn công. Mới đây nhất cũng là một trường hợp cháu bé bị chó cắn. Cháu bé này khoảng 4 tuổi (ngụ ở Bình Dương) bị một con chó nhà nuôi cắn vào vùng mặt rồi lôi vào gầm xe hơi khiến cháu bé bị vỡ xương hàm, vỡ cả hàm răng.

Trước thực trạng trên, bác sĩ Đấu khuyến cáo, các gia đình có trẻ em, tốt nhất không nuôi những vật nuôi trong nhà, nhất là chó. Nếu có nuôi thì nên xích và cách ly xa trẻ em, chó phải được tiêm ngừa dại và rọ mõm cẩn thận để tránh tấn công người.

Hồ Quang  

 

Sốt xuất huyết: Số ca mắc và tử vong tăng cao

 http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/10/398472/

Số người mắc và tử vong do sốt xuất huyết (SXH) liên tiếp tăng cao khiến nhiều bệnh viện (BV)quá tải, người dân vô cùng lo lắng. Để làm rõ hơn về tình hình dịch SXH, công tác điều trị, đặc biệt là các biện pháp nhằm hạn chế số người tử vong, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), xung quanh vấn đề này.

- PV: Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao số người mắc và tử vong do SXH liên tục tăng cao trong thời gian gần đây?

- PGS-TS LƯƠNG NGỌC KHUÊ: Qua kiểm tra về tình hình dịch bệnh SXH vào tuần qua cho thấy, dịch SXH đang gia tăng số người mắc và tử vong, nhất là khu vực phía Nam, đặc biệt là tại tỉnh Bình Dương (địa phương có số ca tử vong do SXH nhiều nhất). Nguyên nhân khiến cho dịch SXH tăng cao tại khu vực này là đã vào mùa mưa - điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh phát triển. Hơn nữa tại nhiều rừng cao su ở khu vực phía Nam, mỗi cây cao su phía dưới gốc đều có một chiếc bát nhỏ để lấy mủ, khi mùa mưa tới thì đây lại trở thành những ổ lăng quăng sinh ra muỗi truyền SXH, đe dọa sức khỏe của nhiều công nhân. Cùng với đó, số ca tử vong gia tăng là do không ít trường hợp mắc SXH nhưng được đưa tới cơ sở y tế muộn, tự ý sử dụng thuốc điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, việc vận chuyển bệnh nhân SXH trong tình trạng nặng từ tuyến dưới lên tuyến trên điều trị cũng chưa đảm bảo được các yêu cầu đề ra.

- Trước số người mắc SXH đang tăng nhanh, để hạn chế số ca tử vong, các bệnh viện cần phải làm gì?

- Chúng tôi đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác chuyển viện đối với bệnh nhân SXH. Đặc biệt các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị SXH (như: BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Nhi Trung ương, BV Đa khoa Trung ương Huế, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2...) phải tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã được phân công. Tổng hợp các trường hợp tử vong, phân tích nguyên nhân tử vong, tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến kịp thời nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Đồng thời, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc men và trang thiết bị máy móc phục vụ việc chẩn đoán và điều trị SXH. Mặc dù hiện nay, chúng ta chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu SXH nhưng ngành y tế cũng đã chuẩn bị nhiều loại thuốc rất tốt để điều trị cho bệnh nhân SXH và bảo hiểm y tế cũng thanh toán.

- Ngoài ra, ông có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc phòng ngừa dịch bệnh này?

- Trước tiên, người dân cần phải có ý thức chủ động trong việc phòng tránh SXH bằng cách thường xuyên kiểm tra để loại bỏ dụng cụ chứa nước lâu ngày ở trong nhà và xung quanh nhà, vì đây chính là những ổ lăng quăng sinh ra muỗi gây bệnh SXH. Ngoài ra, khi cơ thể  có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, kém ăn, đau cơ, đau khớp, phát ban, xuất huyết dưới da… cần phải tới ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Đặc biệt, tại những địa phương đang là điểm nóng về SXH như Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Khánh Hòa..., khi có sốt cao liên tục, người dân phải nghĩ tới ngay bệnh SXH và phải tới bệnh viện để khám, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay điều trị tại nhà.

- Cảm ơn ông!

 

Cải thiện dinh dưỡng cho hơn 40 triệu phụ nữ và trẻ em

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/10/398442/

 (SGGP).- Đây là thông tin được Bộ Y tế đưa tại hội thảo về xây dựng kế hoạch và triển khai dự án “Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và nhóm có nguy cơ tại Việt Nam” diễn ra ngày 5-10 tại Hà Nội.

Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, dự án trên gồm hai phần: hợp tác an ninh lương thực và dinh dưỡng lồng ghép nhằm mục tiêu hỗ trợ xây dựng, thực hiện các chính sách, hướng dẫn, can thiệp lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực. Việc triển khai dự án sẽ góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là việc đảm bảo duy trì bền vững các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Dự án sẽ tập trung hỗ trợ người dân hai tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao là Lào Cai và Ninh Thuận. Tại đây, các hoạt động sẽ tập trung vào việc tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ; cải thiện việc bổ sung vi chất dinh dưỡng bao gồm vitamin A, iốt và sắt cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi...

NGUYỄN QUỐC

 

Phá thai phải chứng minh bị hiếp dâm?

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/266122/pha-thai-phai-chung-minh-bi-hiep-dam-.html

- Dự thảo luật Dân số đề xuất với những trường hợp phá thai trên 12 tuần phải chứng minh được một trong các điều kiện như nguy hiểm tính mạng, hiếp dâm, loạn luân, chưa thành niên hoặc trẻ sinh ra có dị tật...

Siết chặt để giảm chọn giới tính trước sinh

Điều 19 dự thảo luật Dân số quy định về điều kiện phá thai. Trong đó phương án 1 quy định được phá thai dưới 12 tuần tuổi, trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người phá thai.

Với tuổi thai trên 12 tuần, chỉ được phá khi mang thai gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ, thai nhi; Do thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài; Do loạn luân; Do bị hiếp dâm; Người chưa thành niên, người chưa kết hôn; Có bằng chứng nguy cơ đứa trẻ sinh ra có dị tật hoặc nguy cơ phát triển không bình thường.

 
 

Phương án 2, giữ nguyên như hiện nay, được phá thai, trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi; phá thai gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người được phá thai.

Xung quanh 2 đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DSKHHGĐ cho biết hiện đang có nhiều luồng ý kiến.

Ông Tân phân tích, nếu cho phép phá thai theo nguyện vọng có thể dẫn đến việc lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi nếu buông lỏng quản lý. Với phương án 1 sẽ giúp khắc phục tình trạng trên nhưng lại làm gia tăng tình trạng phá thai không an toàn.

Ông Trần Đình Bách, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục DSKHHGĐ cũng lo lắng: "Các đối tượng có thai trên 12 tuần bị cấm phá thai có thể tìm đến các cơ sở chui. Hậu quả có thể gây viêm nhiễm, vô sinh thậm chí gây thủng tử cung, băng huyết nguy hiểm đến tính mạng".

Nhiều bác sĩ sản khoa cũng lên tiếng, ủng hộ việc siết chặt quy định phá thai nhằm hạn chế những nguy cơ về sức khỏe với thai phụ.

“Phá thai khi tuần tuổi thai lớn sẽ có nhiều nguy cơ xảy ra như tình trạng nhiễm trùng, thủng tử cung vì thai lớn, các bộ phận thai đã hình thành như chân tay, mắt mũi, bác sỹ phải can thiệp nhiều bằng các biện pháp kỹ thuật”, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng Khoa sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà khuyến cáo.

Tuy nhiên ông Tân thừa nhận, nếu siết theo phương án 1 cũng sẽ hạn chế một phần quyền sinh sản của cá nhân, nhất là trường hợp mang thai ngoài ý muốn và có thể tạo sự bất bình đẳng giữa nhóm người có thai dưới 12 tuần tuổi với nhóm người có thai trên 12 tuần tuổi.

Chứng minh hiếp dâm, loạn luân không dễ

Dù đồng tình cần siết chặt điều kiện nạo phá thai, tuy nhiên GS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số, Gia đình và trẻ em cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, cần phải nghiên cứu kỹ, tránh làm khó người dân vì những trường hợp buộc phải phá thai là người phụ nữ đã tới bước đường cùng, không còn lựa chọn.

"Nếu lấy 12 tuần tuổi làm mốc để ban hành luật thì luật rất dễ tụt hậu vì khoa học phát triển, việc xác định giới tính thai nhi sẽ dưới 12 tuần. Nghiên cứu thực tế cũng cho thấy, việc lựa chọn giới tính trước sinh đã được tiến hành ngay từ khi chưa thành thai nhi", GS Cử chỉ ra điểm bất hợp lý.

Về điều kiện phá thai do thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài, GS Cử chỉ rõ số liệu khảo sát năm 2013 cho thấy có tới 50% số ca phá thai sử dụng các biện pháp tránh thai ngắn hạn chứ không phải dài hạn.

Ông cũng bày tỏ băn khoăn về những quy định điều kiện phá thai trên 12 tuần tuổi, đặc biệt phải chứng minh do loạn luân hay hiếp dâm.

"Đây là thủ tục nhạy cảm và chứng minh không hề dễ dàng, sẽ mất nhiều thời gian, khi thủ tục xong có thể thai đã quá lớn", GS Cử nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, với quy định không được phá thai trên 12 tuần tuổi vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi, GS Cử đặt câu hỏi vậy ai sẽ là người chứng minh việc này? Nếu bản thân người phá thai tự khai, có đảm bảo độ tin cậy?

"Rất khó cho cơ quan quản lý khi xác định họ phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính hay không. Do vậy trước khi đưa ra một thay đổi về chính sách, cơ quan quản lý cần nghiên cứu hết sức kỹ càng, tránh gây khó cho người dân và bản thân cơ quan thực hiện", ông Cử nói.

Ông đánh giá, những năm qua, dù luật pháp chưa siết thêm các điều kiện nhưng do nhận thức tăng lên, tỉ lệ phá thai tại Việt Nam trong 20 năm qua đã giảm khoảng 77%.

Năm 1992, số ca phá thai tại Việt Nam là 1,33 triệu, nằm trong top 4 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới, năm 2010 giảm xuống còn 60.000 và đến 2014 chỉ còn 30.000 ca.

Dù vậy theo đánh giá, con số này vẫn còn rất cao.

Minh Anh

 

Phát hiện nhiều mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/10/398446/

 (SGGP).- Ngày 5-10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, qua khảo sát tại nhiều chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều mẫu rau có tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao, vượt ngưỡng cho phép.

Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành lấy nhiều mẫu rau tại các quầy kinh doanh ở nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, qua kiểm nghiệm đã phát hiện 40/120 mẫu rau có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khoảng 10% so với quy định. Trong đó có 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran (thuốc sâu hữu cơ nguy hại cho sức khỏe) vượt giới hạn cho phép; 12/120 mẫu có tồn dư hóa chất Cypermethrin (thuốc trừ sâu diệt ruồi, muỗi, kiến gián, có hại với sức khỏe con người) và có 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên.

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có 14/40 là rau muống, 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi. Trong số 40 mẫu rau có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu sản xuất tại tỉnh khác.

QUỐC LẬP

 

Đối mặt thần chết

http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi-tre/doi-mat-than-chet-617269.html

Ở một bệnh viện cách TP.HCM khoảng 200 km, có hàng chục nhân viên y tế tuổi đời còn rất trẻ bị phơi nhiễm HIV khi ngày ngày chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS.

 
 

Đó là Bệnh viện Nhân Ái (thuộc Sở Y tế TP.HCM) đóng tại xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Nơi đây đang điều trị miễn phí cho gần 300 bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối.

Rủi ro rình rập

Điều dưỡng Lê Anh Tuấn (34 tuổi, quê Hà Nam) là một trong số những người từng hai lần bị phơi nhiễm HIV ở Bệnh viện Nhân Ái. Lần mới nhất xảy ra vào đầu năm 2015, khi can ngăn bệnh nhân đánh nhau thì máu bệnh nhân dính vào vết thương cũ của anh. Lần trước đó, trong lúc đang truyền dịch và bị bệnh nhân vùng vẫy gạt ra, anh đã bị kim tiêm đâm trúng. Sau quá trình điều trị dự phòng lây nhiễm, anh Tuấn mừng rỡ trước các kết quả xét nghiệm âm tính với HIV.

Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi gặp điều dưỡng Lê Văn Thái (23 tuổi, quê Thanh Hóa) khi anh vừa mới giao ca sau buổi trực đêm ở khoa săn sóc đặc biệt. Gương mặt chàng trai này vẫn còn xanh xao. Thái cho biết anh bị sụt mất 2 kg sau đợt uống thuốc phòng chống lây nhiễm HIV. Tai nạn nghề nghiệp đến với anh cách đây hơn 1 tháng. Anh Thái kể: “Lúc đó tôi đang truyền dịch cho một bệnh nhân. Đồng nghiệp tôi thì đang thông tiểu cho bệnh nhân khác. Anh ấy kêu tôi phụ giúp giữ chân người bệnh để đặt ống thông tiểu. Tôi bị dịch âm đạo, nước tiểu bắn vào mắt”.

Giống như nhiều trường hợp phổ biến tại Bệnh viện Nhân Ái, chị Nguyễn Thị Thương (điều dưỡng, 29 tuổi, quê Hưng Yên) cũng bị kim tiêm có dính máu đâm vào tay trong khi đang truyền dịch cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khác với nhiều đồng nghiệp, chị Thương có phần bình tĩnh hơn. Chị báo ngay với lãnh đạo để có hướng dẫn xử trí kịp thời. Chị Thương giải thích: “Khi vào đây làm, tôi đã xác định môi trường này rủi ro cao, có nhiều nguy cơ bị phơi nhiễm HIV nên giữ tinh thần tương đối ổn định”. Có điều, cho đến bây giờ chị Thương vẫn giấu gia đình về tai nạn nghề nghiệp nói trên vì sợ người thân lo lắng.

Gặp ác mộng, phải bỏ thai...

Anh Lê Văn Hảo (33 tuổi, hiện là điều dưỡng trưởng khoa nội tổng hợp) cũng từng bị phơi nhiễm HIV. Anh Hảo cho hay, lúc còn làm ở khoa lao, có lần anh rửa vết thương là ổ nhiễm trùng tái đi tái lại của bệnh nhân và bị dịch bắn vào mắt. “Lúc xảy ra sự việc, tôi rất hoang mang. Trưa hôm đó, tôi không ăn cơm nổi. Khi uống thuốc kháng vi rút HIV, tôi bị vật ghê lắm, trong người cứ bứt rứt, như đi trên mây vì bị ảo giác... May mà kết quả âm tính sau cả 3 lần xét nghiệm”, anh Hảo thở phào.

Trong khi đó, vào năm 2014, lúc đang lấy ống máu bệnh nhân AIDS ra khỏi máy xét nghiệm sinh hóa, chị Hồ Chúc Phương (kỹ thuật viên, 31 tuổi, quê Trà Vinh) đã bị huyết thanh bắn vào mắt.

“Trong thời kỳ phơi nhiễm, do tác dụng phụ của thuốc cộng với tâm lý nặng nề, tôi mất ăn mất ngủ và hay gặp ác mộng, trong đêm cứ bật dậy khóc - cười. Tôi giấu tất cả người thân của mình, ngoại trừ ông xã tôi. Đến khi có kết quả chắc chắn không bị nhiễm HIV, tôi mới báo cho gia đình biết”, chị Chúc Phương bộc bạch.

Có điều, việc đối diện và vượt qua cảm xúc hồi hộp, lo lắng tột độ trong những lần đi xét nghiệm HIV quả không hề đơn giản. Chị Chúc Phương thật thà nói: “Lần nào cầm giấy xét nghiệm tôi cũng rất run. Phải mất từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ sau tôi mới dám mở phong bì ra coi kết quả”. Được biết, vợ chồng chị Phương dự định có con trong năm rồi. Nhưng với sự cố trên, anh chị đành phải hoãn lại một thời gian.

Trở lại Bệnh viện Nhân Ái lần này, chúng tôi không còn gặp lại điều dưỡng Ngọc Sao (33 tuổi). Chị Nguyễn Thư Tình, tổ trưởng tổ công tác xã hội cho hay: Dù vẫn rất yêu nghề nhưng do hoàn cảnh gia đình, gần đây điều dưỡng Ngọc Sao đã phải nghỉ làm. Thế nhưng, chúng tôi vẫn còn ám ảnh câu chuyện đau lòng xảy ra với chị Sao. Đó là vào năm 2009, chị bị phơi nhiễm HIV trong lúc truyền dịch cho người bệnh. Trải qua giai đoạn điều trị dự phòng lây nhiễm, tuy kết quả xét nghiệm sau cùng âm tính với HIV, nhưng do sợ thuốc chống phơi nhiễm có ảnh hưởng tới thai nhi nên chị Sao đành đứt ruột bỏ bào thai đứa con đầu lòng của mình...

Đến hôm nay, chúng tôi vẫn còn nhớ những lời nói nhẹ nhàng, vị tha của điều dưỡng Ngọc Sao khi bị phơi nhiễm HIV: “Sau khi vùng vằng khiến cho tôi bị kim đâm, bệnh nhân cũng tỏ ra hối hận lắm. Tôi nghĩ họ không cố ý, chỉ vì bệnh tật nên bức bối thôi”.

Và đó cũng là suy nghĩ giản dị của những nhân viên hết lòng vì người bệnh ở chốn xa xôi hẻo lánh này. (Còn tiếp)

 

Loại bỏ phế thải để dẹp sốt xuất huyết

http://phapluattp.vn/suc-khoe/loai-bo-phe-thai-de-dep-sot-xuat-huyet-583106.html

(PL)- “Thực tế chương trình tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP.HCM bằng tờ rơi, băng rôn đã không còn hiệu quả. 

Chúng ta nên đưa ra và thực hiện một chiến dịch mới hơn, đó là “chiến dịch loại bỏ vật phế thải” - PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhận định tại buổi làm việc của Bộ Y tế với lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM chiều 6-10.

Trong buổi kiểm tra, giám sát tình hình SXH tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã phát hiện rất nhiều lăng quăng tồn tại trong các chất phế thải như lon bia, ủng, chậu cây, các vật phế thải vứt ngoài vườn. Theo đoàn kiểm tra, đây chính là một trong những nguy cơ phát sinh muỗi mà người dân ít khi để ý đến.

Hiện các bệnh viện lớn như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, BV Bệnh nhiệt đới đều rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân, các bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang để chờ điều trị… Tính đến ngày 1-10, số ca mắc SXH nhập viện cộng dồn tại TP.HCM đã lên đến 10.624 ca, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014.

HUY HÀ - HÀ PHƯỢNG

 

Giá vắc xin cúm tại Nhật Bản tăng gần gấp đôi trong năm nay

http://dantri.com.vn/suc-khoe/gia-vac-xin-cum-tai-nhat-ban-tang-gan-gap-doi-trong-nam-nay-20151006145600071.htm

Giá vắc xin cúm của bốn nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu tại Nhật Bản đồng loạt tăng gần gấp đôi trong mùa Thu năm nay.

Các nhà sản xuất vắc xin biện hộ rằng việc vắc xin tăng giá là do chi phí sản xuất tăng, bắt nguồn từ việc số kháng nguyên trong vắc xin tăng từ ba lên bốn loại, theo quy định của Bộ Y tế nước này hồi tháng Năm.

Các công ty sản xuất từ chối công bố giá song các cơ sở y tế cho biết các nhà phân phối đang yêu cầu mức giá 1.500 yen (khoảng 12,35 USD) cho một liều vắc xin dành cho người lớn, tăng so với mức 1.000 yen (khoảng 8,23 USD) của năm trước.

Đa số người tiêu dùng Nhật Bản tỏ ra nghi ngờ về việc bốn nhà sản xuất tăng giá bán lẻ vắc xin cúm cùng một lúc không phải là một cuộc cạnh tranh tự do thương mại.

Tại Nhật Bản, vắc xin cúm được phân phối đến các cơ sở y tế và những nơi khác theo hệ thống bán sỉ. Trong khi giá của nhiều loại dược phẩm do chính phủ ấn định, các nhà sản xuất vắc xin lại được tự do định giá cho sản phẩm của mình vì các loại vắc xin cúm không thuộc thẩm quyền quản lý của chương trình bảo hiểm y tế quốc gia.

Vắc xin cúm tăng giá mạnh khiến cho các cơ sở y tế lo ngại số người đến tiêm vắc xin sẽ giảm trong khi đợt tiêm vắc xin mới bắt đầu từ tháng 10. Nhiều bác sỹ cho biết rất khó để người tiêu dùng chấp nhận mức giá cao như thế.

Tiêm vắc xin cúm là tự nguyện vì vậy những người có nhu cầu sẽ chi trả toàn bộ chi phí, bao gồm cả phí cho bác sỹ. Thậm chí, các bác sỹ đang cân nhắc khả năng sẽ không thu phí bác sỹ để giảm chi phí tiêm vắcxin cho khách hàng.

Theo Vietnamplus/TTXVN

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang