Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 10/7/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế 'lên tiếng' trước thông tin cấm gây mê tủy sống sản phụ mổ đẻ; Số ca sốt xuất huyết tăng vọt; Báo động trẻ mắc viêm não Nhật Bản tăng vọt cả nước, bác sĩ khuyên cha mẹ cần làm ngay điều này; 3 dịch bệnh trở lại Việt Nam do nhiều trẻ không được tiêm văcxin; Bệnh nhân thoát nguy cơ đột tử nhờ thay van tim không cần phẫu thuật; Cứu 2 ca u gan vỡ bằng phương pháp điện quang can thiệp; Nữ diễn viên Đài Loan xấu số hiến tạng cứu sống 8 người sau khi qua đời; ...

 

Bộ Y tế 'lên tiếng' trước thông tin cấm gây mê tủy sống sản phụ mổ đẻ

http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/bo-y-te-len-tieng-truoc-thong-tin-cam-gay-me-tuy-song-san-phu-mo-de-343674.html

Gần đây, mạng xã hội lan truyền chóng mặt thông tin Bộ Y tế cấm gây mê tủy sống khi mổ lấy thai (mổ đẻ) bởi vô vàn hệ lụy nguy hiểm đối với cả sản phụ và trẻ sơ sinh. Liên quan đến vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, nội dung ghi trong công văn này chỉ dành cho các trường hợp sản bệnh lý còn đại đa số các trường hợp bà mẹ bình thường thì gây tê tuỷ sống.

Là người đứng đầu ngành sản phụ khoa, Thứ trưởng Tiến cảm thấy rất đau xót khi có sản phụ tử vong do sự cố y khoa. Chính vì vậy, Thứ trưởng đã phải ký văn bản chỉ đạo các cơ sở sản khoa, trung tâm sản khoa, bệnh viện sản khoa khi mổ lấy thai cho những trường hợp rau tiền đạo, tiền sản giật thì phải gây mê toàn thân để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người mẹ. Việc gây mê toàn thân có thể kiểm soát tốt hơn khi có biến chứng.

Theo Thứ trưởng, những tai biến sản khoa nghiêm trọng trong thời gian gần đây đều rơi vào các trường hợp sản phụ bị rau tiền đạo, rau bong non, sản giật, tiền sản giật… Cho nên, việc ra văn bản không áp dụng gây tê tủy sống với các bà bầu này là rất cần thiết, đây là những trường hợp đặc biệt dễ bị tai biến. Thay vì gây tê tủy sống các trường hợp này sẽ phải gây mê toàn thân mới đảm bảo.

Hiện nay, không phải chỉ riêng Việt Nam, hầu hết các nước trên thế chủ yếu dùng phương pháp gây tê tủy sống với tỷ lệ trên 95%, những trường hợp đặc biệt đã kể trên không thực hiện gây tê tủy sống chỉ chiếm 5%. Nếu những trường hợp đó mà vẫn cố áp dụng gây tê tủy sống thì sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con như gây chảy máu, tụt huyết áp nặng, thậm chí ngừng tuần hoàn, ngừng tim… Nếu chủ quan thì sẽ phải trả giá rất đắt: người mẹ có thể tử vong.

Đồng thời, với các biến chứng khi gây tê tuỷ sống, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết kỹ thuật này hiện nay đã rất tốt, bác sĩ đều áp dụng. Trước đây, gây tê tuỷ sống bằng kim to thường có 1 di chứng, biến chứng là đau đầu, đau gáy nhưng bây giờ bác sĩ dùng kim nhỏ nên di chứng không còn nữa, so với gây mê thì gây tê tuỷ sống an toàn hơn.

Với gây mê nội khí quản khi mổ, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng trong từng trường hợp bác sĩ mới lựa chọn gây tê tuỷ sống hay gây mê nội khí quản. Chọn phương pháp nào do bác sĩ nhưng cũng có trường hợp chống chỉ định tương đối hay tuyệt đối với các phương pháp. 

 

Số ca sốt xuất huyết tăng vọt

http://nld.com.vn/suc-khoe/so-ca-sot-xuat-huyet-tang-vot-20170709205920359.htm

Các chuyên gia y tế nhận định khu vực Nam Bộ đang vào mùa mưa, vì vậy thời gian tới, bệnh sốt xuất huyết sẽ gia tăng

Nhiều địa phương cương quyết xử lý, xử phạt những cá nhân, đơn vị, tập thể không hợp tác trong các chiến dịch vệ sinh môi trường phòng dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH).

TP HCM: Nguy cơ lây lan diện rộng

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, 6 tháng đầu năm 2017, TP đã có hơn 9.100 ca SXH, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 3 trường hợp đã tử vong do SXH và 1 trường hợp tử vong có yếu tố liên quan đến bệnh này. Riêng trong tuần 26, toàn TP ghi nhận 449 trường hợp mắc SXH phải nhập viện điều trị, tăng 57% so với trung bình 4 tuần trước đó.

ThS-BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho biết điều kiện thời tiết ban ngày nắng nóng, chiều tối có mưa như hiện nay là cực kỳ thuận lợi cho muỗi sinh đẻ. Dự báo thời gian tới, SXH sẽ tiếp tục gia tăng nhanh, có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Trong khi đó, PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho rằng SXH đã dịch chuyển đáng kể từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh, thành có kinh tế phát triển nhanh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, số người mắc SXH vào điều trị trong 6 tháng đầu năm nay tăng gấp đôi so với cùng thời gian năm ngoái. Trong đó, số người lớn mắc bệnh có xu hướng tăng. Theo các bác sĩ, lý do là người lớn khi bị sốt thường không theo dõi và xử trí phù hợp, dẫn đến biến chứng nặng. Bệnh nhân thường suy đa tạng, rơi vào sốc, đặc biệt với biến chứng viêm cơ tim, sốc tim có thể tử vong nhanh chóng.

Bà Nguyễn Thị Vy Uyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, cho hay trước tình hình bệnh SXH gia tăng nhanh chóng, trong tháng 7-2017, bên cạnh hoạt động giám sát thường xuyên của các bộ phận chuyên môn, trung tâm sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các quận, huyện trong công tác phòng chống.

Hà Nội: Tăng gấp 4 lần

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội, dù ngành y tế đã có rất nhiều cố gắng nhưng dịch bệnh SXH vẫn tăng mạnh. Đến nay, TP Hà Nội đã ghi nhận gần 3.400 trường hợp mắc bệnh tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 1 trường hợp tử vong. Số người mắc SXH tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 và tập trung nhiều tại các quận nội thành.

Có nhiều nguyên nhân khiến dịch bệnh này gia tăng tại Hà Nội. Trong đó, đáng quan ngại là công tác điều tra, xử lý ổ dịch nhỏ chưa triệt để và chất lượng chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) còn hạn chế. Số hộ gia đình tham gia phun hóa chất chưa đạt tỉ lệ mong muốn. Thậm chí, có tình trạng nhiều hộ dân không hợp tác với cán bộ vệ sinh phòng dịch…

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết dịch bệnh SXH đang có dấu hiệu bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phía Nam và cả phía Bắc, trong đó có Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa. Riêng tại Hà Nội, số ca mắc SXH tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Xử phạt người chống đối

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng hiện khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa mưa nên bệnh SXH có xu hướng gia tăng. Tình trạng mưa sớm, mưa nhiều, sáng nắng chiều mưa tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc và miền Nam hiện nay cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh SXH phát triển.

Trước tình trạng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ông Phu cho biết Bộ Y tế đã quyết định thành lập 9 đoàn kiểm tra về công tác phòng chống SXH và một số dịch bệnh nguy hiểm. "Kinh nghiệm của Bộ Y tế là khi công tác phòng chống dịch triển khai sớm, quyết liệt sẽ hạn chế được số ca mắc bệnh.Một trong những biện pháp quan trọng là xử lý tốt các điểm nguy cơ, kết nối thông tin giữa các tuyến trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, tăng giường bệnh cho bệnh nhân khi cần thiết; tư vấn, chuyển bệnh nhân nhẹ về tuyến dưới điều trị..." - ông Phu lưu ý.

Theo ông Phu, Hà Nội và TP HCM đã triển khai thực hiện Nghị định 76/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, đơn vị, tập thể không hợp tác trong các chiến dịch vệ sinh môi trường phòng dịch bệnh SXH. Tại TP HCM, 46 trường hợp đã bị phạt. Còn tại Hà Nội, Sở Y tế cũng yêu cầu các cấp đẩy mạnh chế tài những trường hợp vi phạm nhằm thay đổi ý thức và hành vi của người dân trong hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Ông Trần Đắc Phu cho biết các nghiên cứu về vắc-xin phòng bệnh SXH đã được triển khai và thử nghiệm ở một số nơi.Tuy nhiên, đến nay, vắc-xin này chưa được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng bởi hiệu quả chưa thuyết phục và giá thành chưa phù hợp. SXH hiện vẫn là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó chủ yếu dựa vào phòng chống, loại bỏ các nguồn lây.

13 người tử vong

Bộ Y tế cho biết trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc SXH trên cả nước và 13 người tử vong. Trung bình mỗi tuần, cả nước có 1.700-1.800 bệnh nhân SXH mới.

Các tỉnh, thành như Hà Nội, Quảng Nam, Cà Mau, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi, TP HCM là những địa phương đang có số người mắc SXH tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Các tỉnh, thành khu vực phía Nam là nơi lưu hành chủ yếu của bệnh SXH với 80% ca mắc và 90% ca tử vong của cả nước.

Trẻ em cần được theo dõi sát sao

SXH bắt đầu gia tăng trong tháng 6-2917 (tăng 10%-15% so với tháng 5) khiến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) phải tổ chức một cuộc họp báo vào cuối tháng vừa qua để cảnh báo về căn bệnh này. Tại thời điểm đó, Khoa SXH có tới 116 bé phải nằm viện, trong đó 9 ca bị sốc. Từ đó cho đến những ngày đầu tháng 7, số trẻ phải điều trị nội trú vẫn vào ra liên tục, trung bình luôn có 80-100 bé nằm điều trị, có ngày lên đến trên 100 em. 60% bệnh nhi điều trị nội trú ở bệnh viện này đến từ các tỉnh, thành khác. Từ đầu năm đến nay, tại bệnh viện này đã có 2 ca tử vong do SXH. Cả 2 là bệnh nhi ở tỉnh chuyển đến và tử vong do bệnh diễn tiến quá nặng.

TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết vào các năm trước, bệnh SXH bắt đầu gặp nhiều hơn vào khoảng giữa tháng 6 và cao điểm thường vào tháng 8-9.

Đa phần trẻ SXH có thể được điều trị ngoại trú nhưng phụ huynh cần theo dõi thật sát sao. Thông thường, những ngày đầu bị bệnh, bệnh nhân sốt rất cao, khó hạ.Đến ngày thứ 4-5, cơn sốt sẽ bắt đầu dịu đi, bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn.Tuy nhiên, nếu hạ sốt mà cảm giác mệt mỏi tăng lên thì rất nguy hiểm, có thể chính là dấu hiệu của một cơn sốc - mối nguy lớn nhất đối với bệnh nhân SXH. TS-BS Nguyễn Minh Tuấn cảnh báo phụ huynh hãy đưa trẻ vào bệnh viện ngay nếu bé hạ sốt nhưng các triệu chứng bệnh không đỡ như bỏ ăn, bỏ bú, không chơi đùa, quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, đi tiêu ra máu, tiêu phân đen…

 

Báo động trẻ mắc viêm não Nhật Bản tăng vọt cả nước, bác sĩ khuyên cha mẹ cần làm ngay điều này

http://khampha.vn/suc-khoe/bao-dong-viem-nao-nhat-ban-tang-vot-ca-nuoc-bac-si-khuyen-cha-me-can-lam-ngay-dieu-nay-c11a545664.html

Mới vào mùa viêm não Nhật Bản, tình trạng trẻ mắc bệnh đến cấp cứu, điều trị tại bệnh viên đã tăng ở mức đáng báo động.

Sáng sớm, khu vực khoa Nhiễm – Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã có nhiều phụ huynh đưa con đến khám bệnh. Cha mẹ đưa con đi khám đứng, ngồi la liệt ngoài hành lang cộng với tiếng khóc của những đứa trẻ khiến không gian trở lên ồn ào, ngột ngạt.

Phía trong phòng cấp cứu, nhiều bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản đang nằm điều trị, thậm chí có bé nằm bất động phải thở bằng máy.

Báo động trẻ mắc viêm não Nhật Bản tăng vọt cả nước, bác sĩ khuyên cha mẹ cần làm ngay điều này - 1

"Con trai tôi nằm viện đã 10 tháng và không biết ngày nào mới được ra viện"

Chị Nguyễn Thị N. cho hay, con gái chị lên cơn sốt gần 2 ngày. Sau đó, bé có triệu chứng mê sảng và sốt cao. Khi nhập viện, bé vẫn ý thức được mọi chuyện xung quanh nhưng giờ hôn mê, phải thở bằng máy. Hằng ngày, chị nhìn còn nằm trong phòng bệnh mà bất lực.

Tương tự, chị Y.N (quê Bến Tre) xót xa cho biết, cậu con trai 10 tuổi của chị đã điều trị viêm não tại khoa Nhiễm hơn 10 tháng trời. Đến nay, bé vẫn thở bằng máy và ăn uống qua đường tĩnh mạch.

"Cháu đang khỏe mạnh bỗng dưng bị sốt và ói. Vợ chồng tôi đưa cháu đến bệnh viện địa phương khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán thằng bé sốt siêu vi và kê thuốc uống.

Nhưng về nhà, cháu uống thuốc không khỏi sốt và có dấu hiệu co giật.Hoảng sợ, gia đình đã đưa bé lên bệnh viện Nhi Đồng 1 kiểm tra", chị N. nhớ lại.

Sau khi tiến hành xét nghiệm dịch não tủy, bác sĩ xác định con trai chị N. mắc viêm não Nhật Bản. Lúc này, chị mới tá hỏa.

"Bác sĩ nói con tôi sẽ không mắc bệnh này nếu đã chích ngừa vắc xin viêm não Nhật Bản. Nhưng tôi không nhớ rõ cháu đã được chích ngừa hay chưa?

Ở quê, vợ chồng tôi mải làm ăn nên ít quan tâm đến chuyện tiêm phòng hay chích ngừa vắc xin lắm. Giờ, tôi cũng không rõ bao giờ con được xuất viện", chị N. nghẹn ngào.Các trường hợp viêm não nằm tại khoa không được tiêm ngừa vắc xin hoặc tiêm không đủ mũi chiếm khoảng 80%. Lý do phụ huynh đưa ra luôn là không biết, không hiểu về mức độ nguy hiểm của viêm não Nhật Bản.

Báo động trẻ mắc viêm não Nhật Bản tăng vọt cả nước, bác sĩ khuyên cha mẹ cần làm ngay điều này - 2

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi đồng 1 cho biết, hiện nay viêm não Nhật Bản đang vào mùa  nên số ca bệnh nhiều hơn tháng trước và kéo dài đến tận tháng 10

Trẻ mắc viêm não khi chưa chích ngừa vắc xin hoặc tiêm không đủ mũi sẽ để lại những biến chứng rất nặng nề, có thể phải thở bằng máy, mê sảng lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm mô, bội nhiễm phổi kéo dài khiến tử vong.

“Tỉ lệ tử vong khi trẻ mắc viêm não Nhật Bản là 10% (cứ 10 trẻ sẽ có 1 trẻ tử vong); tỉ lệ di chứng có thể lên đến 30%. Có những bé di chứng ở mức thành người thực vật, trí tuệ chậm phát triển,…Trường hợp trẻ tiêm đủ mũi thì bệnh rất nhẹ, không để lại di chứng”, Bs. Khanh cho biết.

Tại miền Bắc, tình hình trẻ mắc viêm não trong 6 tháng đầu năm có diễn biến phức tạp. Tính riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương có 24 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Trong đó, tháng 6 có tới 21 trẻ nhập viện vì căn bệnh này.

Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, từ đầu năm đến nay toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 9 trường hợp viêm não Nhật Bản. Đặc biệt, trường hợp mắc bệnh gia tăng nhanh trong tháng 6 với 6 ca bệnh.

Trước tình trạng trên, TS Hoàng Đức Hạnh – PGĐ Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng theo phân cấp, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc viêm não Nhật Bản để chủ động triển khai khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.

Đồng thời, ông yêu cầu các đơn vị tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đảm bảo an toàn, chất lượng và đạt tỷ lệ theo quy định; hướng dẫn chuyên môn về giám sát, xử lý bệnh viêm não Nhật Bản cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.

Trào lưu anti vắc xin: Cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả thế hệ trẻ

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều luồng thông tin cho rằng chính việc tiêm vắc xin mới khiến không ít trẻ gặp biến chứng khi bị viêm não.Thậm chí, có phụ huynh còn dịch lại cuốn sách của Tổ chức giải phóng tiêm chủng Hoa Kỳ để tuyên truyền cho những luận điểm này.

Theo Bs. Khanh, suy nghĩ trên cực kỳ sai lầm, có ảnh hưởng to lớn đến cả thế hệ trẻ của dân tộc.

Báo động trẻ mắc viêm não Nhật Bản tăng vọt cả nước, bác sĩ khuyên cha mẹ cần làm ngay điều này - 3

Bs. Khanh cho biết, trào lưu anti - vắc xin xuất hiện từ lâu, ở cả trong và ngoài nước, thường là từ những người khá nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn. Sở dĩ, gần đây tiếp tục rộ lên là do cộng đồng mạng lôi kéo những người đang còn lăn tăn về câu chuyện tai biến và tác dụng phụ của chủng ngừa. Dần dần gây ảnh hưởng đến người chưa bình tĩnh.

“Nhiều gia đình có con bị khiếm khuyết gì đó, thông thường mang tính bẩm sinh. Tuy nhiên do khi còn bé, cái mà cha mẹ trẻ tiếp xúc nhiều nhất là vắc xin nên người ta nghĩ đó là do tiêm ngừa", Bs. Khanh nói.

Ngoài ra, thực trạng có những loại vắc xin được phổ biến vì nhóm lợi ích, được tuyên truyền tiêm quá đáng cũng gây hậu quả không mong muốn.Nếu vịn vào cớ có nhóm lợi ích trong sản xuất vắc xin để kêu gọi chống lại là hoàn toàn sai.

Bs. Khanh cảnh báo: "Những người anti đa phần là người mù quáng, cực đoan do trong gia đình họ có vấn đề. Đây là tình trạng đáng báo động, vì nó làm những người đang dao động bỏ vắc xin, bỏ chích, khiến bệnh quay trở lại.

Cả cộng đồng bỏ chích sẽ gây hậu quả rất lớn.Bệnh quay lại không phải trả giá bình thường mà bằng sinh mạng của hàng loạt trẻ em".

Báo động trẻ mắc viêm não Nhật Bản tăng vọt cả nước, bác sĩ khuyên cha mẹ cần làm ngay điều này - 4

Lý giải về tầm quan trọng của việc tiêm chủng, BS Khanh dẫn chứng, nhiều nước tiên tiến như Mỹ đưa chích ngừa vào yêu cầu bắt buộc, là điều kiện để trẻ được nhận vào trường học.

Hầu như tất cả các nước đều có lịch tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ.Sở dĩ có chuyện này là bởi nhà nước nhận ra rằng, nếu đại dịch xảy ra thì kinh phí khắc phụ hậu quả phải bỏ ra còn lớn hơn rất nhiều lần.

Nhắc đến những phản ứng không mong muốn khi tiêm vắc xin, Bs. Khanh khẳng định, chuyện này mang tính cá thể và cơ địa. Do đó, nhà sản xuất chỉ giảm đến mức thấp nhất tình trạng này chứ không bỏ vắc xin.

Để tránh việc tiêm chủng tràn lan, kém hiệu quả, ảnh huởng đến sức khoẻ con trẻ, Bs. Khanh khuyên các phụ huynh hãy là người tiêu dùng thông minh. Phải tìm hiểu kỹ thông tin để tự mình tự chọn thời điểm ưu tiên của vắc xin để chích ngừa cho con, bởi không phải vắc xin nào cũng cần tiêm ngay lập tức.

 

3 dịch bệnh trở lại Việt Nam do nhiều trẻ không được tiêm văcxin

http://tbdn.com.vn/3-dich-benh-tro-lai-viet-nam-do-nhieu-tre-khong-duoc-tiem-vacxin_n26422.html

Năm 2014 dịch sởi bùng phát ở Việt Nam khiến hàng nghìn em bé mắc bệnh, gần 150 cháu tử vong, trong đó đến 90% trẻ không tiêm văcxin.

Trước năm 2014, tai biến xảy ra với 3 em bé ở Quảng Trị sau khi tiêm văcxin sởi khiến nhiều gia đình hoang mang. Mặc dù đến nay nguyên nhân xảy ra tai biến cho các cháu Quảng Trị là do tiêm nhầm thuốc, song thời điểm đó sự cố này được nhiều người quy kết do văcxin và quyết định không cho con chủng ngừa. Theo Bộ Y tế khi ấy, tỷ lệ trẻ được chủng ngừa văcxin sởi khi ấy rất thấp, thậm chí tại Hà Nội, 90% trẻ mắc bệnh sởi chưa được chích ngừa.

Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, dịch sởi năm 2014 bùng phát mạnh, hàng trăm nghìn em bé mắc bệnh nghi do sởi, hơn 6.000 trẻ được xác định mắc sởi, gần 150 cháu tử vong. Khi đó bố mẹ mới đổ xô cho con đi chích ngừa sởi khiến các điểm tiêm chủng quá tải. Bộ Y tế cũng tổ chức nhiều đợt tiêm ngừa sởi cho trẻ đến 14 tuổi.Nhờ vậy đến năm 2016, các ca bệnh sởi được ghi nhận thấp nhất trong vòng 10 năm qua với chỉ hơn 46 bệnh nhân trên cả nước.

Hai bệnh khác gần đây cũng bùng phát trở lại và cướp đi sinh mạng hàng chục em bé, do không được chích ngừa văcxin là ho gà và viêm gan B. Năm 2016 dịch ho gà trở lại khiến hàng trăm em bé Hà Nội phải nhập viện, nhiều em tử vong.

Theo thống kê của dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 98% vào năm 2016. Tuy nhiên cả nước vẫn còn 550.000 trẻ chưa được tiêm văcxin viêm gan B liều sơ sinh, 62.000 trẻ chưa được tiêm đủ 3 liều văcxin DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván), 79 huyện có tỷ lệ tiêm DPT mũi 3 dưới 90%.

Trong hội thảo mới đây, bác sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết trọng tâm của công tác tiêm chủng thời gian tới đây là Việt Nam cần phải tăng tỷ lệ tiêm văcxin viêm B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ để đạt mục tiêu khống chế bệnh viêm gan B vào năm 2017. Tỷ lệ tiêm văcxin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu năm 2016 đạt 68% nhưng vẫn còn 15 tỉnh có tỷ lệ ở thấp, dưới 50%.

Đánh giá của bác sĩ Hồng, thời gian qua người dân thiếu lòng tin do một số sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm văcxin viêm gan B, dù các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân không phải do văcxin. Do đó nhiều bố mẹ vẫn ngần ngại khi tiêm văcxin cho con.

Gần đây xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm văcxin và dẫn các nghiên cứu từ nước ngoài về tác hại của văcxin. Ví dụ, họ dẫn khảo sát cộng đồng homeschooled tại Mỹ về tiêm chủng cho thấy, so với trẻ không chủng ngừa thì trẻ chích văcxin mắc bệnh mãn tính nhiều hơn gấp 2,4 lần, chàm cao hơn 2,9 lần. Trẻ tiêm chủng bị tự kỷ nhiều hơn 4,2 lần, khuyết tật học tập 5,2 lần, viêm mũi dị ứng nhiều hơn 30 lần so với trẻ không tiêm. Nhiều bà mẹ cũng chia sẻ không cho con tiêm văcxin và "trộm vía rất khỏe mạnh".

Theo Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM, các nghiên cứu tại Mỹ hay Anh cho rằng văcxin gây tự kỷ hay động kinh ở trẻ đều đã được chứng minh là không chính xác. Thực tế các em bé này đều mắc những bệnh khác. Thậm chí có tác giả nghiên cứu này đã bị tòa án tuyên là gian lận số liệu và có xung đột lợi ích cá nhân. Có kết quả nghiên cứu đổ lỗi cho văcxin đã phải buộc rút khỏi một tờ báo dù đăng tải đã 10 năm. "Tỷ lệ tai biến do văcxin rất thấp so với lợi ích to lớn mà nó mang lại cho cộng đồng", phó giáo sư Lân nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng khuyến cáo: "Không cho con chích ngừa văcxin là có tội với đất nước, với một thế hệ". Theo bác sĩ Khanh, nếu con bạn không tiêm văcxin mà vẫn khỏe một phần do may mắn, phần khác do sống trong cộng đồng nguy cơ lây nhiễm thấp. Song nếu con bạn tiếp xúc với vùng có nguy cơ cao thì khả năng nhiễm bệnh cao hơn trẻ được chủng ngừa. 

Theo giáo sư Đặng Đức Anh, tiêm văcxin phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ tự nguyện mà còn bắt buộc theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nếu trẻ không được chích văcxin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh và lây nhiễm trong cộng đồng.

Sau hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, hơn 600 triệu liều văcxin đã được chích miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Nhờ vậy giảm tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có văcxin dự phòng từ hàng trăm đến hàng nghìn lần. Năm 2016 là năm thứ 16 liên tiếp Việt Nam bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 11 cả nước duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Rất nhiều bệnh trên thế giới nhờ văcxin mà hầu như đã tuyệt tích như bệnh đậu mùa.

 

Tác hại khôn lường từ việc không tiêm phòng cho trẻ

http://bnews.vn/tac-hai-khon-luong-tu-viec-khong-tiem-phong-cho-tre/50351.html

Thời gian gần đây hiện tượng "chống" tiêm vắc xin khá rầm rộ trong cộng đồng mạng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, băn khoăn.

Mặc dù được khuyến cáo là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho trẻ nhưng thời gian gần đây hiện tượng "chống" tiêm vắc xin khá rầm rộ trong cộng đồng mạng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, băn khoăn.

Tuy nhiên, các chuyên gia, bác sỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm cho rằng đó là những lý luận vô căn cứ.Nếu không tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe của trẻ nhỏ cũng như của cộng đồng.

 80% trẻ nhập viện do bệnh truyền nhiễm chưa được tiêm vắc xin

Được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 10/2016 nhưng đến tháng 7/2017 bé Thái Quốc Huy, 12 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre, vẫn phải nằm ở phòng cấp cứu đặc biệt của khoa Nhiễm – Thần kinh.

Theo các bác sỹ, bé Huy mắc viêm não Nhật Bản và dù đã được điều trị trong thời gian dài nhưng vẫn chưa thể bỏ được máy thở. “Phụ thuộc vào máy thở kéo dài như thế này, tiên lượng bệnh nhi sẽ bị bội nhiễm và tử vong trong thời gian tới”, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Chị Trần Thị Yến Nga, mẹ của Quốc Huy cho biết bé chưa được tiêm phòng bất cứ loại vắc xin nào và bản thân chị cũng chưa từng nghe nói đến bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là một trong nhiều trường hợp trẻ bị mắc bệnh vì không tiêm phòng vắc xin đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Ngoài viêm não Nhật Bản, các bệnh sởi, thủy đậu, viêm não do não mô cầu, ho gà, uốn ván… là những bệnh truyền nhiễm mà trẻ dễ mắc phải nếu không được tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, khoảng 80% trẻ nhập viện do các bệnh truyền nhiễm, điều trị tại khoa, chưa được tiêm phòng vắc xin trước đó.

Nhiều người hẳn chưa quên dịch sởi xảy ra tại miền Bắc năm 2014 đã khiến hàng ngàn trẻ mắc bệnh và hơn 100 trẻ tử vong.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân sởi được ghi nhận trên toàn quốc thời điểm đó, có đến 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng. Hay mới đây, vào tháng 7/2016, một ổ dịch bạch hầu bùng phát tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, khiến 37 người mắc bệnh và 3 người tử vong. Thực tế ghi nhận, ổ dịch bạch hầu rải qua các độ tuổi từ 4 đến 52.

Theo Phó Giáo sư Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, trong cộng đồng vẫn tồn tại tỷ lệ nhất định những người chưa được tiêm phòng, tích lũy qua các năm, tạo điều kiện cho bệnh bạch hầu tấn công.

Cần tiêm chủng để bảo vệ cho cả cộng đồng

Về lợi ích của vắc xin, bác sỹ Trương Hữu Khanh cho biết, trong hơn 30 năm qua, nhờ thực hiện nhiều chương trình lớn về tiêm chủng mà hằng năm số trẻ mắc lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B, viêm màng não do Hib… tại Việt Nam liên tục giảm, thậm chí có những dịch bệnh đã được thanh toán hoàn toàn.

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ năm 1984 cho đến năm 2014, nhờ chương trình tiêm chủng mà trên cả nước số ca mắc ho gà giảm hơn 900 lần, bạch hầu giảm gần 600 lần, sởi hơn 550 lần, uốn ván giảm gần 60 lần.

Ước tính Việt Nam đã dự phòng cho 6,7 triệu trẻ em khỏi mắc bệnh và 43.000 trẻ tránh khỏi tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi. Chiến dịch tiêm chủng cũng góp phần giảm 2/3 tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015.

Về mặt kinh tế, các chuyên gia cho rằng: Đầu tư tiêm chủng tiết kiệm nhiều chi phí hơn so với điều trị. Chẳng hạn, chi phí tiêm phòng bệnh sởi chỉ mất 1/23 so với chi phí điều trị sởi.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo cần tiêm phòng đầy đủ cho trẻ để có thể phòng ngừa các loại bệnh tật.“Nếu bây giờ phụ huynh không tiếp vắc xin, không tiếp tục chích ngừa cho trẻ thì dịch bệnh chắc chắn sẽ quay lại và cái giá phải trả là sinh mạng của nhiều trẻ.Chống vắc xin là có tội với sức khỏe của cộng đồng, có tội với sức khỏe của nhân dân”, bác sỹ Trương Hữu Khanh khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Phan Trọng Lân cho rằng, khi phụ huynh do dự, không tiêm phòng cho con là bỏ qua mất thời điểm phòng bệnh tốt nhất cho con mình.

Đồng thời, việc chống lại vắc xin, không tiêm vắc xin không những ảnh hưởng đến đứa trẻ đó, gia đình đó mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe cả cộng đồng vì bệnh sẽ lây lan cho cộng đồng.

“Trong nhiều năm qua, hệ thống tiêm chủng của Nhà nước đã rất nỗ lực để đưa tỷ lệ tiêm chủng lên cao không phải nhằm mục đích bảo vệ cho một vài cá thể mà để bảo vệ cho cả cộng đồng”, Phó Giáo sư Phan Trọng Lân phân tích.

Do vậy theo ông Lân, xã hội càng làm tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bao nhiêu thì dịch bệnh càng giảm xuống ở ngưỡng thấp bấy nhiêu. Nếu không thực hiện tiêm chủng thì dịch bệnh sẽ trở lại và bùng phát rất nhanh bởi việc giao lưu, đi lại hiện nay rất phổ biến.

Trước những ý kiến trái chiều về vắc xin, bác sỹ Trương Hữu Khanh cho rằng, trước khi được đưa ra thị trường, tất cả các vắc xin đều trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và được kiểm định rất chặt chẽ bởi Hội đồng khoa học, Hội đồng y đức, do vậy tính an toàn rất cao.

Các loại vắc xin đã sử dụng trong thời gian dài thì độ an toàn càng được kiểm định chắc chắn và cho đến nay trên thế giới chưa ghi nhận những ảnh hưởng của vắc xin đối với trẻ. Tuy nhiên, bác sỹ Khanh cho biết, việc tiêm vắc xin cũng có một số phản ứng không mong muốn mang tính cá thể, tính cơ địa.

“Một vài cá thể, một vài cơ địa có phản ứng không mong muốn với vắc xin nhưng không phổ biến và cũng chưa ghi nhận hậu quả nào nghiêm trọng”, bác sỹ Khanh khẳng định.

Bác sỹ Trương Hữu Khanh khuyên tất cả các phụ huynh hãy là những ông bố, bà mẹ thông thái, cần tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến những bác sỹ có chuyên môn, có tâm huyết trước khi tiêm phòng bởi việc tiêm các loại vắc xin cũng cần thứ tự ưu tiên mới phát huy hiệu quả tốt nhất và tiết kiệm chi phí.

 

Giọt máu nghĩa tình giữa trùng khơi

http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33415502-giot-mau-nghia-tinh-giua-trung-khoi.html

Mưu sinh trên biển, ngư dân thường xuyên phải đối mặt nhiều rủi ro, bất trắc. Vào thời điểm ranh giới giữa sự sống và cái chết, được quân và dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) giúp đỡ, sẻ chia, các ngư dân càng cảm nhận hết sự quý giá của tình quân dân giữa trùng khơi.

Đứng bên giường bệnh của Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, tôi thật sự xúc động khi nghe lời cảm ơn từ đáy lòng của ngư dân Lê Văn Lại, thuyền viên tàu cá BÐ 98128 TS: "Tôi được hồi sinh là nhờ công của người dân và các anh bộ đội. Không thể diễn tả được hết sự biết ơn của tôi đối với mọi người".

Anh Huỳnh Văn Hơn, ngư dân cùng tàu với anh Lại, ngồi bên vừa chăm sóc anh Lại, vừa kể: Anh Lại quê gốc Bình Ðịnh, nhưng gia đình sinh sống ở phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Trước kia, anh Lại làm cho các tàu cá của Khánh Hòa; gần đây, mới về đi biển cho tàu cá Bình Ðịnh. Tàu của chúng tôi có 12 người, khởi hành từ Quy Nhơn ngày 15-6. Sau hơn ba ngày đi theo hải trình, tàu BÐ 98128 TS thả trôi để đánh bắt lưới vây ở khu vực Nhà giàn DK1/21. Thu lưới chưa được bao lâu thì anh Lại kêu đau bụng. Ban đầu, mọi người nghĩ anh đau bụng đơn thuần, nên vẫn duy trì việc đánh bắt. Càng lúc, anh Lại càng đau nhiều hơn, nôn mửa và đi ngoài ra máu. Ðến sáng 22-6, anh Lại yếu đi nhiều, nên thuyền trưởng tàu cá đưa anh vào Nhà giàn DK1/21 nhờ cứu chữa. Song do bệnh tình không thuyên giảm, nên cán bộ, nhân viên Nhà giàn đã cấp thuốc và chuyển anh xuống tàu cá để đưa sang cấp cứu ở đảo Trường Sa.

Năm giờ sáng 23-6, anh Lại được đưa vào Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, với các biểu hiện nguy cấp như: nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa, mạch nhanh, huyết áp thấp, da trắng bệch và không còn khả năng nhận biết. Qua thăm khám, các y, bác sĩ kết luận, anh Lại bị hội chứng mất máu cấp do loét dạ dày, tá tràng nặng. Trung tâm Y tế Trường Sa hội chẩn cùng bác sĩ Bệnh viện 175 và chỉ định bệnh nhân cần truyền máu gấp. Các y, bác sĩ đã kịp thời truyền tới sáu đơn vị máu cho anh Lại - số máu đã được lấy trực tiếp từ cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa. Sau điều trị, sức khỏe của anh Lại dần bình phục, đang chờ tàu cá khác vào đón để về đất liền.

Trung tá Ðỗ Hải Ðăng, Chính trị viên đảo Trường Sa hỏi vui: "Sau chuyến này, bác Lại liệu còn đi biển tiếp không?". Mặc dù người còn mệt, nhưng anh Lại vẫn quả quyết: "Có chớ! Chừng nào còn sức, tôi vẫn đi biển!".

Ðiều khiến tôi thật cảm động, đó là: Xét nghiệm máu cho bệnh nhân Lại xong, các y, bác sĩ Trung tâm Y tế Trường Sa rất lo lắng, bởi anh Lại thuộc nhóm máu AB. Ðây là nhóm máu hiếm. Qua rà soát quân và dân trên đảo, các y, bác sĩ đã tìm được năm quân nhân và một hộ dân cùng nhóm máu với bệnh nhân và mọi người đều tự nguyện hiến máu cứu ngư dân Lại.

"Sống và lao động giữa biển khơi mênh mông, mới thấy hết được giá trị cuộc sống. Quân và dân Trường Sa chúng tôi xích lại gần nhau, gắn bó, yêu thương và coi nhau như người thân trong gia đình. Thấy các ngư dân mình nguy cấp, việc gì làm được tôi sẽ cùng bộ đội và nhân dân trên đảo sẵn sàng giúp đỡ...!" - chị Ðoàn Thị Thịnh, người dân trên đảo tâm sự.

Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Vũ Ðình Hải, điều dưỡng viên của Trung tâm Y tế Trường Sa, vừa là người chăm sóc bệnh nhân hằng ngày, đồng thời cũng góp một đơn vị máu truyền cho anh Lại, tâm sự: "Tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, vì không có máu cấp cứu kịp thời. Chỉ cần hiến một phần máu của mình là có thể cứu sống họ.Thế nên, tôi tự nguyện cho đi giọt máu của mình, góp phần giữ lại sự sống và sức khỏe cho người bệnh".

Câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn, thêm một lần nữa khẳng định về tình đoàn kết quân và dân nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

 

Gia Lai: Nhiều người ngộ độc vì uống rượu ngâm gốc cây rừng

http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/gia-lai-nhieu-nguoi-ngo-doc-vi-uong-ruou-ngam-goc-cay-rung-511926

http://dantri.com.vn/suc-khoe/10-nguoi-ngo-doc-vi-uong-ruou-ngam-cu-la-20170709174321646.htm

Chiều 9-7, bác sĩ Lê Thị Thuý Anh, cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đang cấp cứu 3 nạn nhân nghi biểu hiện ngộ độc do uống rượu ngâm “gốc cây rừng” trong một buổi tiệc.

Các nạn nhân bị ngộ độc đang điều trị tại Trung tâm Y tế thành phố Pleiku, Gia Lai. Thông tin ban đầu, hơn 10 người dân đến từ tỉnh Kon Tum và nhiều huyện, thị của tỉnh Gia Lai tham gia tiệc rượu đều bị ngộ độc và đang điều trị ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Y dược Hoàng Anh Gia Lai và Trung tâm Y tế huyện Mang Yang. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chóng mặt, nôn ói, đi ngoài.

Trước đó, những người này đi ăn tiệc khai trương một cửa hàng tại thành phố Pleiku. Bữa tiệc bày nhiều thức ăn cùng với bia, rượu, trong đó có rượu ngâm từ một loại “gốc cây rừng”. Đa số những người ngộ độc đều uống loại rượu ngâm này. Chỉ sau 30 phút ăn uống, các bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng ngộ độc và nhanh chóng được chuyển đi cấp cứu. 

Trung tâm Y tế Gia Lai đã lấy mẫu rượu mà các nạn nhân uống gửi đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Các bệnh nhân hiện đang được điều trị theo phác đồ điều trị ngộ độc do ăn uống .

 

Gia Lai: Bốn người nhập viện sau tiệc khai trương

http://bhttp://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/ngo-doc-ruou-khi-du-tiec-khai-truong-cua-hang-714091.htmlnews.vn/gia-lai-bon-nguoi-nhap-vien-sau-tiec-khai-truong/50389.html

Ngày 9/7, tại thành phố Pleiku (Gia Lai) đã xảy ra một vụ ngộ độc khiến 4 người phải nhập viện đều là nam giới. Trong đó có 1 nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, 3 người khác được cấp cứu tại Trung tâm Y tế thành phố Pleiku và đều trong tình trạng chóng mặt, nôn ói, đau bụng và đi ngoài.

Sau khi tiếp nhận 3 ca ngộ độc, Trung tâm Y tế thành phố Pleiku đã tiến hành ghi nhận tình trạng ban đầu, lấy các mẫu để kiểm tra. “Hiện tại, chúng tôi chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc rượu và điều trị theo phác đồ điều trị ngộ độc chung.

Sau khi có các kết quả xét nghiệm, chúng tôi mới có thể đưa ra kết luận và tiến hành điều trị cụ thể cho các bệnh nhân này”, bác sỹ Thúy Anh Lê Thị Thúy Anh của Trung tâm cho biết.

Theo anh Nguyễn Văn Út (trú thôn Linh Nham, xã Đăk Di Răng, huyện Mang Yang) là người nhà của các nạn nhân, khoảng 11 giờ trưa 9/7, anh cùng 4 người nêu trên đến tham dự buổi tiệc khai trương tiệm của một người họ hàng tại đường Phan Đình Phùng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Trong bữa tiệc, ngoài các món ăn thông thường do gia đình nấu, còn có bia và rượu. Sau bữa tiệc khoảng gần một giờ, hơn mười người uống rượu bắt đầu có các triệu chứng ngộ độc, trong đó có bốn người có biểu hiện nặng nên được gia đình đưa đi cấp cứu.

“Những người uống bia trong bữa tiệc thì không bị sao, chỉ có những ai uống rượu mới bị ngộ độc. Nhưng trong số những người uống rượu vẫn có người bình thường, nên tôi không dám khẳng định mọi người bị ngộ độc do rượu”, anh Út nhận xét.

 

17 ngày giành giật sự sống cho sản phụ bị bệnh tim

http://infonet.vn/17-ngay-gianh-giat-su-song-cho-san-phu-bi-benh-tim-post231516.info

Sản phụ Nguyễn Thị Ng. 25 tuổi (đã mổ thay van 2 lá cách đây 4 năm) nhập viện với chẩn đoán kẹt van nhân tạo khi đang mang thai 32, các bác sĩ đã có những ngày ''cân não" để cố gắng cứu hai mẹ con chị Ng.

Chị Ng. đã thay van 2 lá từ năm 21 tuổi. Chị quen và yêu một người đàn ông, hai người có con nhưng vì bị bệnh nên càng về sau khi thai to chị Ng càng khó thở. Lúc ấy, người yêu chị cũng bỏ đi để lại chị quay trở về bấu víu với mẹ già đã 72 tuổi.

Khi chị Ng khó thở, gia đình đã đưa chị đến bệnh viện tỉnh khám và bác sĩ đã chuyển chị Ng. ra thẳng Viện Tim mạch Quốc gia.

TS.BS. Phạm Thị Tuyết Nga, Trưởng phòng C2 Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai cho biết chị Ng. nhập viện trong tình trạng thai trên nền bệnh lý thấp tim. Bác sĩ khám và kết quả siêu âm chẩn đoán kẹt van nhân tạo do huyết khối ở tuần thứ 32 của thai kỳ, sản phụ được chuyển đến Viện Tim mạch.

Tuy nhiên tại đây, các bác sĩ nghe thấy tiếng van nhân tạo còn khá rõ, phổi nghe bình thường, không có tiếng ran ẩm, huyết áp không thấp, tình trạng khó thở lúc này vẫn chưa đến mức dữ dội hoặc phù phổi cấp, siêu âm tim thấy mức độ chênh áp qua van nhân tạo không quá cao như các ca bệnh kẹt van tim do huyết khối nặng khác mà cần phải mổ cấp cứu ngay. Mặc dù diễn biến nặng lên nhưng nếu mổ thay van tim cho sản phụ thì cũng có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của thai nhi.

Lúc này, thai nhi cũng còn quả nhỏ nếu bác sĩ mổ lấy thai trước khi mổ thay van tim cho mẹ, có thể thai nhi chưa thực sự trưởng thành. Với những đứa trẻ sơ sinh nếu sinh ở tuần 32 vẫn có thể nuôi được nhưng các bác sĩ vẫn cố gắng giữ cho cháu bé được ổ trong bụng mẹ được được ngày nào hay ngày đó. Trọng lượng thai đo được trên siêu âm thai khoảng 1,5-1,7kg…

Trường hợp của chị Ng., các bác sĩ phải hội chẩn và theo dõi hết sức sát sao. Chị Ng. tiếp tục được điều trị theo phác đồ chống đông máu hiệu quả đối với mẹ. Mục đích không để huyết khối tiếp tục hình thành trên van tim, ít nhất là duy trì tình trạng van tim của mẹ không bị huyết khối bám thêm, huyết khối cũ không gây ra biến cố với mẹ. Tranh thủ thời gian này để thai phát triển và hoàn thiện thêm, sẽ cố gắng mổ lấy thai ở tuần thứ 34 của thai kỳ và sau đó thay van tim cho mẹ.

Trong suốt khoảng thời gian theo dõi và điều trị, tình trạng BN khá ổn định, khó thở vừa phải, chênh áp qua van tim trên siêu âm Doppler tim không quá cao, thai nhi phát triển bình thường và có tăng cân. Sang đến ngày thứ 17 của quá trình theo dõi – cũng là lúc thai nhi bước sang tuần thứ 35 tuần. Bất ngờ sản phụ Ng. đột ngột khó thở nhiều lên, tim đập nhanh và siêu âm tim thấy chênh áp qua van nhân tạo tăng 4-5 lần so với ngày hôm trước.

Các bác sĩ tim mạch và phụ sản của Bệnh viện Bạch Mai đã hội chẩn và mổ lấy thai. Bé gái 2,2 kg chào đời, còn chị Ng. được chuyển sang hồi sức tim mạch và mổ thay van tim nhân tạo bị huyết khối gây kẹt. Sau 1 tuần phẫu thuật, hai mẹ con chị Ng. đã được ra viện.

PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch cho biết, trước đây các bác sĩ Viện Tim mạch quốc gia đã điều trị cho nhiều sản phụ kẹt van tim, tuy nhiên đa số các ca bệnh đều phải phẫu thuật thay van tim sớm chứ không kéo dài được như sản phụ này…

Đây là một trường hợp rất đặc biệt các bác sĩ đã phải lên các phương án khác nhau để phòng tình huống bệnh xấu nhất. Sau 17 ngày cố gắng, hai mẹ con chị Ng đã được cứu sống.

Điều đặc biệt, hoàn cảnh của chị Ng khó khăn nên các bác sĩ của bệnh viện cũng đứng ra kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm cho mẹ con chị Ng.

 

Bệnh nhân thoát nguy cơ đột tử nhờ thay van tim không cần phẫu thuật

http://giaoduc.net.vn/suc-khoe/benh-nhan-thoat-nguy-co-dot-tu-nho-thay-van-tim-khong-can-phau-thuat-post177967.gd

Vinmec phương pháp thay van động mạch chủ qua da (TAVI) - một trong những kỹ thuật thay van tim hiện đại và phức tạp nhất thế giới.

Tháng 4/2016, ông Nguyễn Văn Ngự (77 tuổi, đến từ Việt Trì, Phú Thọ) đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh về van tim song không điều trị.

Cuối tháng 5/2017, ông bị tăng huyết áp, đau ngực, khó thở tăng lên khi gắng sức. Tái khám cho thấy bệnh van tim của ông đã tiến triển thành hẹp van động mạch chủ khít, suy tim.

Nếu không phẫu thuật sẽ ngày càng khó thở, mức độ suy tim tiếp tục tăng lên, bệnh nhân có thể đột tử bất cứ lúc nào.

Ông Ngự được một bệnh viện đầu ngành về tim mạch tại Hà Nội giới thiệu sang Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City để điều trị triệt để. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sỹ quyết định áp dụng kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) - một trong những kỹ thuật thay van tim hiện đại và phức tạp nhất thế giới điều trị cho ông Ngự.

Giải thích về việc áp dụng TAVI đối với ông Ngự, BS Phạm Thành Văn (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City) cho biết: “Bệnh nhân đã lớn tuổi, lại có thêm bệnh rối loạn thông khí tắc nghẽn.

Nếu mổ mở sẽ phải gây mê và chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, nguy cơ cao sẽ tử vong trong lúc mổ. Nhưng với kỹ thuật TAVI - cho phép luồn ống thông qua da từ động mạch đùi đến động mạch chủ để thay van tim - sẽ tăng khả năng thành công, giảm nguy cơ chảy máu, tránh được nhiều biến chứng. Thời gian phục hồi của người bệnh cũng nhanh hơn - chỉ từ 5 đến 7 ngày so với 2 tuần nếu mổ mở”.

Ca can thiệp TAVI đối với ông Ngự diễn ra ngày 10/6, kéo dài 2h, do êkip tim mạch can thiệp dày dạn kinh nghiệm của Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City thực hiện.

Chỉ 2 ngày sau, ông Ngự bắt đầu đi lại được, hết khó thở và đau ngực, ăn uống bình thường. Ông tiếp tục được theo dõi chặt chẽ tại khoa Nội tim mạch và ra viện sau 5 ngày.

Các bác sỹ đánh giá ca can thiệp bằng TAVI có thể duy trì tuổi thọ van tim của ông Ngư từ 15-20 năm (cao hơn nhiều so với mổ mở). Hơn nữa, do cơ thể chưa bị ảnh hưởng nặng của suy tim, lại được can thiệp kịp thời nên người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Đây là ca bệnh đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City thay van tim thành công bằng kỹ thuật TAVI.

Trước đó, vào giữa tháng 3/2017, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đã tiến hành kỹ thuật TAVI và mang lại cuộc sống hoàn toàn mới cho 4 bệnh nhân.

Tuy hiệu quả điều trị vượt trội nhưng tính đến nay Việt Nam mới chỉ có hơn 20 ca thay van tim được thực hiện theo phương pháp này do chi phí cao, đòi hỏi gắt gao về trang thiết bị hiện đại và ekip chuyên môn trình độ cao.

Việc làm chủ một trong những kỹ thuật thay van tim hiện đại và phức tạp của thế giới là bước tiến quan trọng của Hệ thống Y tế Vinmec trong việc chinh phục mục tiêu trở thành Trung tâm tim mạch hàng đầu khu vực.

Ngoài các lĩnh vực ung thư, y học tái tạo, ghép tạng, tim mạch là một trong những chuyên khoa mũi nhọn được tập trung đầu tư và phát triển tại hệ thống các Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên cả nước, giúp người dân yên tâm chữa trị trong nước thay vì phải ra nước ngoài.

 

Thông tin bạch tuộc cắn chết người: Chưa gặp bao giờ

http://cand.com.vn/y-te/may-hom-nay-du-luan-rat-hoang-mang-truoc-thong-tin-mot-nguoi-tu-vong-do-bi-bach-tuoc-can-448816/

Mấy hôm nay, dư luận rất hoang mang trước thông tin một người tử vong do bị bạch tuộc cắn.

Theo đó, vào lúc 2h sáng 7-7, vợ chồng anh Hoàng X. (32 tuổi) và chị Văn Thị T. (ở xã Vinh Hà, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đi đánh bắt hải sản bằng lừ ở khu vực biển Hòn Chảo, đoạn giáp ranh vùng biển Đà Nẵng.

Đến 3h sáng, khi vợ chồng anh X. đứng trên thuyền thì chị T. bất ngờ bị con bạch tuộc cắn ở chân, khiến chị ngất lịm. Anh X. vội cho thuyền chạy vào bờ rồi thuê xe đưa chị T. vào Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng cấp cứu nhưng các bác sĩ cho biết vợ anh đã tử vong.

Chiều 9-7, ông La Đình Tân – Chủ tịch xã Vinh Hà (huyện Phú Vang) cho biết, sau khi xảy ra sự việc cơ quan chức năng đã về địa phương làm việc, thu giữ con mực bạch tuộc (đã chết) cắn chị T. gây tử vong rồi giao lại cho gia đình.

Gia đình chị T không muốn đưa con bạch tuộc đó đi kiểm nghiệm mà chỉ xem là tai nạn. Vì thế, gia đình cam kết không làm các thủ tục gì khác về cái chết của chị T.

Trước sự việc đau lòng này, chúng tôi đã trao đổi một số chuyên gia chống độc của Bệnh viện Bạch Mai.Tuy nhiên, BS. Nguyễn Trung Nguyên –phụ trách Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã từ chối trả lời vì cho rằng, thông tin về vụ việc chỉ là đăng trên mạng mà không có các dữ liệu đầy đủ và cần thiết, cũng như không có hình ảnh cụ thể để xác thực vụ việc, nên không thể trả lời được.

GS.Ngô Đắc Chứng, chuyên gia sinh học – nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế, cũng cho biết bạch tuộc tấn công gây chết người rất hiếm khi xảy ra ở Việt Nam. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng kiểm nghiệm, xác định và công bố thông tin chính thức để người dân biết và phòng tránh.

Chúng tôi cũng đã liên lạc được với một giáo sư đầu ngành về chống độc của Việt Nam, người từng làm Giám đốc Trung tâm chống độc nhiều năm liền và được ông cho biết: Thông tin về việc bạch tuộc cắn chết người là hết sức vô lý. Hơn 30 năm làm nghề, năm nào Trung tâm chống độc nơi ông làm việc và nhiều bệnh viện trên cả nước đã phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bạch tuộc cắn khi đi tắm biển, nhưng chưa có trường hợp nào tử vong, mà đều được điều trị khỏi. Cũng không có trường hợp nào tổn thương nặng nề.

 Xúc tu của con bạch tuộc bám vào người và tiết ra dịch có thể gây hoại tử, nhưng chỉ tổn thương tại chỗ. Để có thể đủ chất độc gây chết người thì phải trên diện rộng, nhưng con bạch tuộc được cho là tấn công khiến chị T. tử vong (theo như ảnh trên báo mạng đưa) lại quá bé để làm được điều đó.

Trước ý kiến cho rằng liệu có phải con bạch tuộc gây tử vong cho chị T. thuộc giống bạch tuộc đốm xanh lớn (tên khoa học Hapalochlaena lunulata), có độc tính mạnh ở tuyến nước bọt mang tên là tetrodotoxin giống như cá nóc, khiến chất độc theo đường máu gây tê liệt hệ thần kinh, sau đó làm trụy tim nên tử vong, vị giáo sư giàu kinh nghiệm về chống độc cho biết:

 Loài bạch tuộc đốm xanh lớn có thể gây chết người, nhưng trong trường hợp ăn nhầm, chứ không phải là bị “cắn”. Thực tế, các chuyên gia dinh dưỡng cũng luôn khuyến cáo tuyệt đối không ăn bạch tuộc đốm xanh. 

Vì thế, các chuyên gia cho rằng, cần phải giám định con bạch tuộc để có kết quả khách quan, chính xác về cái chết của chị T. Bởi thông tin cho rằng chị T. bị con bạch tuộc nhỏ như thế cắn chết là không thuyết phục, có thể có thông tin gì cần giấu phía sau. Mà thông tin không đúng sẽ gây hoang mang cho nhân dân và ảnh hưởng đến du lịch biển.

Còn trong trường hợp ăn nhầm loài bạch tuộc đốm xanh lớn mà có những dấu hiệu ngộ độc như tê môi, tê tay..., TS. dinh dưỡng Nguyễn Hữu Toản khuyến cáo: Cần tiến hành ngay các biện pháp sơ cứu như kích thích gây nôn có thể bằng việc cho uống than hoạt tính, vì than này có tác dụng hấp thu chất độc và hơi độc ở đường tiêu hóa.

Bệnh nhân được uống trong vòng một giờ sau khi ăn, hiệu quả sẽ cao hơn.Nếu nạn nhân bị rối loạn ý thức, thở yếu hoặc ngừng thở, phải khẩn trương làm biện pháp hà hơi thổi ngạt.Trong mọi trường hợp, phải tìm mọi cách nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ tiến hành các biện pháp điều trị tích cực.

 

Cứu 2 ca u gan vỡ bằng phương pháp điện quang can thiệp

http://suckhoedoisong.vn/cuu-2-ca-u-gan-vo-bang-phuong-phap-dien-quang-can-thiep-n133817.html

BVĐK Trung ương Quảng Nam tiếp nhận hai bệnh nhân là ông Đ.X (57 tuổi, ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nhập viện lúc 12 giờ ngày 3/7 và ông P.H.D (76 tuổi, ở huyện Núi Thành), nhập viện lúc 14 giờ cùng ngày đều trong tình trạng tụt huyết áp nghiêm trọng và đau bụng dữ dội.

Ngay lập tức bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết như siêu âm, chụp CTscan ổ bụng, được chẩn đoán khối u gan (chưa rõ bản chất) đã vỡ, gây xuất huyết ào ạt vào ổ bụng.

Khoa học chỉ ra cách đơn giản giúp hết khó ngủ: ai cũng làm được ngay Bí quyết chữa đau lưng, ngăn ngừa tái phát hạn chế lệ thuộc thuốc giảm đau

Xác định tình trạng khẩn cấp và nguy kịch tới tính mạng của bệnh nhân, Khoa Cấp cứu đã nhanh chóng hội chẩn với Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê - Hồi sức và xin ý kiến trực lãnh đạo. Trong vòng chưa đầy 30 phút sau nhập viện từng ca, bệnh nhân được đưa vào Phòng can thiệp mạch (Phòng DSA) để tiến hành nút mạch cầm máu bằng kỹ thuật TACE (TransArteral ChemoEmbolization).

Tính đến 9/7, 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, huyết áp ổn định, có thể xuất viện trong vài ngày tới.Trước đây, các tình trạng bệnh này bắt buộc phải phẫu thuật để cầm máu với tỷ lệ thất bại và tử vong rất cao.

Hệ thống DSA tại BVĐK Trung ương Quảng Nam được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Ngoài việc được sử dụng thường quy cho việc chẩn  đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch, Bệnh viện đã triển khai nhiều ứng dụng khác trong lĩnh vực điện quang can thiệp như chấn thương nặng gãy xương hàm mặt, khung chậu phức tạp không thể phẫu thuật cầm máu; các bệnh nhân ung thư gan, ung thư tử cung; các bệnh lý sỏi mật, sỏi thận gây nhiễm trùng nặng,... đạt được những hiệu quả khả quan.

 

Cậu bé tật nguyền và hy vọng được sống như người bình thường

http://baotintuc.vn/suc-khoe/cau-be-tat-nguyen-va-hy-vong-duoc-song-nhu-nguoi-binh-thuong-20170709160705551.htm

Đã 5 năm nay, bé Hoàng Minh Hiếu, 5 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên đã phải làm bạn với túi đựng nước tiểu đeo ngay cạnh sườn vì bị khuyết tật bộ phận sinh dục và không có hậu môn.

Chỉ biết cười lúc vui và biết khóc những lúc đau đớn, từ khi sinh ra bé Hiếu đã bị câm điếc bẩm sinh. 5 tuổi mới chỉ nặng 12kg, nhìn bé Hiếu gầy guộc vừa chơi đùa bên chiếc cầu trượt nhỏ ở khoa Phẫu thuật nhi, bệnh viện Việt Đức, vừa loay hoay đỡ chiếc túi xông đựng nước tiểu bên người, ai cũng không khỏi xót xa.

Nhìn khuôn mặt ngây ngô của đứa trẻ chưa từng nhớ mình đã trải qua bao nhiêu ca mổ đau đớn hiện lên sự khó nhọc, yếu ớt. Vô tư chơi trong khi chờ khám, cậu bé đâu biết rằng mình lại đang chuẩn bị bước vào cuộc phẫu thuật đầy hy vọng. Hiếu là một trong số các em nhỏ bị khuyết tật bộ phận sinh dục được chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” nhận phẫu thuật vào đợt này.

Bà Đào Thị Hường, bà nội bé Hiếu, rơm rớm nước mắt kể: “Vừa sinh ra, cháu tôi đã phải nằm viện vì bị dương vật phình đại và không có hậu môn. Từ đó đến nay, dù đã trải qua 4 lần phẫu thuật, nhưng vẫn chưa tiến triển nhiều, cháu hết đeo túi đựng phân, giờ lại phải đeo túi đựng nước tiểu trên người”.

Trong một năm đầu đời, Hiếu đã phải trải qua 3 lần mổ hậu môn. Khi vừa được 2 ngày tuồi, bé đã phải chuyển từ viện Phụ sản trung ương sang Bệnh viện Việt Đức mổ đặt hậu môn, cho phân đi qua cạnh sườn. Mấy tháng sau lại phẫu thuật tiếp 2 lần để khâu hậu môn nhân tạo, để phân đi thẳng thẳng xuống hậu môn. Tuy nhiên, trong lần mổ thứ 3, thấy đường tiểu tại dương vật của bé Hiếu bị gấp lại 1 đoạn, bác sĩ đã chỉnh thẳng lại, nhưng sau đó lại bị tắc tiểu.

“Trong ca mổ đó, tình trạng của cháu tôi rất nguy hiểm, các bác sĩ đã dự đoán đến khả năng tử vong. Lập tức, cháu được chuyển về bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu và mổ bàng quang nhưng vẫn không thể đi tiểu được. Cuối cùng các bác sĩ đành luồn ống xông và để như vậy chờ cơ hội điều trị tiếp.Từ đó đến nay cháu cứ phải liên tục đeo ống xông bên người, chỗ hậu môn nhân tạo lại hay bị rỉ máu kéo dài nên cứ phải đóng bỉm suốt ngày”, bà Hường chia sẻ.

Mỗi lần cùng cháu bước vào một cuộc phẫu thuật là một lần bà Hường lại như đứt từng khúc ruột, vì bà lo sợ không biết cháu bà sẽ ra sao. Bao năm nay bà chỉ biết lo cho đứa cháu tội nghiệp từng li từng tí và mong chờ tin vui đến từ sau cánh cửa phòng mổ.

Hỏi ra mới biết, hoàn cảnh gia đình bé Hiếu vô cùng khó khăn. Trong khi cậu bé bị khuyết tật nặng nề, luôn phải lo chữa trị thì bố em cũng đang ốm nặng, mẹ phải đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền lo chạy chữa cho chồng, con. Bố của Hiếu hiện giờ cũng bị bệnh rất nặng, bụng đã trướng lên, phù khắp người, phổi bị tràn dịch đang phải nằm điều trị ở bệnh viện đa khoa Hưng Yên.Người duy nhất có thể chăm sóc cho Hiếu bây giờ là bà nội.

“Bây giờ tôi vừa là bà nội cũng vừa là mẹ của cháu, chữa trị ở đâu cũng chỉ có 2 bà cháu dẫn nhau đi, mấy năm nay tôi luôn phải theo sát cháu từng giây từng phút một vì cháu đã nhiều bệnh lại ko nghe được, nói được; lúc đau đớn, lúc đói, khát cháu đều chỉ biết khóc”, bà Hường tâm sự.

Gia đình khó khăn, nhà lại cách xa bệnh viện nên không thể đi kiểm tra thường xuyên; nhiều lần bé Hiếu mải nghịch bị tuột ống xông, người nhà phải mua về tự thay. Rồi việc chăm sóc hàng ngày cho cậu bé cũng khá vất vả, từ ăn uống đến đi tiểu tiện, đại tiện đều không bình thường.

“Dù đã đặt hậu môn giả nhưng cháu đi đại tiện rất vất vả, nhất là lúc bị táo bón mà không thể thụt được vì vướng ống xông.Có lần bị táo bón nặng, đi đại tiện xong cháu bị chảy máu ròng ròng từ trên xuống hết chân. Nhìn cháu đau đớn, mồ hôi nhễ nhại, cứ nhảy lên khóc mà tôi cũng khóc theo”, bà Hường vừa khóc vừa kể.

Những tưởng như không còn cơ hôi chữa trị, nhưng rất may cho bé Hiếu, tháng 11/2016, khi chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” có đợt khám miễn phí ở bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã gửi gắm trường hợp của Hiếu để các chuyên gia nước ngoài của chương trình thăm khám và đã được nhận phẫu thuật đợt này. Các bác sĩ cũng hứa hẹn đợt phẫu thuật này, Hiếu sẽ được mổ để đưa ruột thừa lùi xuống, đưa ống xông tiểu vào trong ruột thừa để gây to bàng quan lên để chỉnh bàng quang. Với dương vật của cháu không cử động được thì sẽ lấy da chỗ khác vá vào để tái tạo dương vật , giúp dương vật có thể cử động được và đi tiểu được.

"Gia đình tôi chỉ biết hy vọng và trông chờ vào các bác sĩ sẽ chữa trị được cho cháu vì cháu còn cả quãng đời dài phía trước. Chúng tôi cũng rất cảm ơn chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" đã mang đến cho cháu tôi cơ hội để được phát triển như người bình thường, bớt đi những đau đớn, thiệt thòi mà cháu đang phải gánh chịu" bà Hường chia sẻ.

 

Hai trẻ suýt mất mạng vì uống nhầm rượu, dầu hoả

http://laodong.com.vn/suc-khoe/hai-tre-suyt-mat-mang-vi-uong-nham-ruou-dau-hoa-680604.bld

Ngày 9.7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, liên tiếp trong 2 ngày 6-7.7, bệnh viện tiếp nhận 2 ca ngộ độc là trường hợp bé Nguyễn Anh V, 5 tuổi, trú tại Hùng Đức, Hàm Yên, Tuyên Quang bị ngộ độc rượu và Hỏa Minh T, 16 tháng tuổi, trú tại thị trấn Nà Hang, Nà Hang, Tuyên Quang ngộ độc dầu hỏa.

Gia đình bệnh nhi Nguyễn Anh V cho biết: Bé sang nhà hàng xóm chơi, thấy 1 chai C2 để dưới gầm bàn uống nước, trẻ đã uống hết khoảng nửa chai. Ngay sau uống, gia đình phát hiện thấy trẻ mặt đỏ, nôn, người co giật, hơi thở có nhiều mùi rượu, nên đã đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Yên để cấp cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang điều trị.

Gia đình bệnh nhi Hỏa Minh T chia sẻ: bé T chơi trong nhà, thấy chai dầu đốt đèn để dưới gầm bàn thờ đã tự mở nắp và uống (không rõ số lượng), sau uống trẻ ho nhiều, xuất hiện đờm dãi, da mặt tím tái, khó thở nên gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa huyện Nà Hang để cấp cứu và được chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị.

Hai bệnh nhi được điều trị an thần, truyền dịch, dùng kháng sinh, chống viêm, làm các xét nghiệm cần thiết, theo dõi sát thể trạng và tiếp tục được điều trị tích cực tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Các bác sĩ khuyến cáo, gia đình không nên đựng rượu, dầu đốt đèn hoặc các loại hóa chất trong chai, lọ như chai lavie, trà xanh, C2… nếu đựng trong các chai, lọ thì cần để cao, xa tầm tay của trẻ nhỏ để trẻ không bị uống nhầm.

Bác sĩ Phạm Quang Thanh - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang - cho hay, việc uống nhầm rượu có thể gây suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, rối loạn thần kinh, uống số lượng nhiều có thể gây tử vong, nếu trẻ uống nhầm, cần tìm cách để trẻ nôn hết và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), trong tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái để tránh sặc chất nôn. Nếu uống nhầm phải dầu đốt đèn sẽ có tác dụng kích thích tại chỗ tiếp xúc như miệng, lưỡi, thực quản, dạ dày, gây đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó chịu, khi nôn ói bệnh nhi hít luôn dầu hỏa vào phổi có thể gây nên tình trạng suy hô hấp, khó thở rất nặng.

 

Vụ đuối nước ở Hà Nội: Nạn nhân thứ 5 không qua khỏi

http://giadinhphapluat.vn/vu-duoi-nuoc-o-ha-noi-nan-nhan-thu-5-khong-qua-khoi-p51241.html

Ngày 9/7, nguồn tin từ Bệnh viện Bạch Mai xác nhận, cháu Nguyễn Bảo Hưng (13 tuổi) – nạn nhân thứ 5 trong vụ đuối nước thương tâm tại Hà Nội đã không thể qua khỏi dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.

Trước đó, sau tai nạn xảy ra chiều 2/7, bệnh nhi được chuyển tới Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, điềi trị trong tình trạng rất nguy kịch.

Bệnh nhi được chẩn đoán viêm phổi ARDS sau đuối nước và được điều trị, hồi sức tích cực bằng nhiều phương pháp như lọc máu, thở máy, cùng các thuốc hỗ trợ và kháng sinh tốt nhất. Các thầy thuốc đã nỗ lực điều trị với hi vọng cứu cháu bé.

Tuy nhiên, do diễn biến quá nặng, bệnh nhi đã không thể qua khỏi và được gia đình đưa về an táng vào ngày 8/7.

Trước đó, ngày 2/7, 8 học sinh là người của làng Sở Hạ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội ra ao nước nằm cạnh nhà thờ Sở Hạ tắm và tập bơi.

Sau đó một số em chạy lên bờ kêu cứu vì có bạn đuối nước.

Khi phát hiện nhóm trẻ kêu cứu, hai người lớn là anh Đặng Văn Điều (32 tuổi) và Đặng Văn Trình (37 tuổi) đã lao xuống cứu, nhưng bị đuối nước, tử vong tại chỗ.

Ba học sinh còn được người dân đưa lên bờ, đi bệnh viện cấp cứu gồm Nguyễn Bảo Hưng (13 tuổi); Đặng Thế Anh (13 tuổi), Đặng Tuấn Vũ (14 tuổi).Tuy nhiên, ít giờ sau, cháu Đặng Thế Anh và Đặng Tuấn Vũ tử vong ở bệnh viện.

Còn cháu Nguyễn Bảo Hưng cũng không thể qua khỏi do viêm phổi sau đuối nước quá nặng nề.

 

Quảng Nam: Mải vui chơi, bé gái 5 tuổi sơ ý nuốt đồng xu ngậm trong miệng

http://www.phapluatplus.vn/quang-nam-mai-vui-choi-be-gai-5-tuoi-so-y-nuot-dong-xu-ngam-trong-mieng-d47824.html

Trong lúc đùa nghịch với bạn, cháu Ngô Thị Tường Vy (5 tuổi, trú tỉnh Quảng Nam) sơ ý nuốt đồng xu đang ngậm trong miệng vào trong vùng cổ.

Ngày 9/7, Bác sĩ Trần Giám (Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam) xác nhận, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca cấp cứu gắp đồng xu ra khỏi thực quản của một bé gái 5 tuổi.

Thông tin ban đầu, vào khoảng 9h sáng ngày 8/7, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân cháu Ngô Thị Tường Vy (5 tuổi, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) nhập viện, trong tình trạng khó thở, nuốt vướng, nuốt đau, nôn nhiều.

Theo lời thuật lại của anh Ngô Văn Quốc (38 tuổi, ba cháu Vy), trước khi nhập viện, bé gái 5 tuổi có ngậm một đồng xu trong miệng. Trong lúc  chơi đùa với bạn bè, Vy không may nuốt đồng xu.

Sau khi chụp X-Quang, các bác sĩ phát hiện có dị vật cản quang nằm ở vùng cổ bệnh nhân.Ngay lập tức, các bác sĩ chuyển cháu Vy được chuyển lên khoa Gây mê hồi sức để tiến hành soi gắp dị vật.

Bác sĩ Trần Giám đã trực tiếp soi cho cháu bé cho biết sau khi tiến hành soi. Đến khoảng đốt cổ 6, phát hiện thấy dị vật, kíp phẫu thuật đã gắp ra ngoài một đồng xu tiền Việt Nam mệnh giá 500 đồng, đường kính 22 mm.

“Sau khi gắp thành công, hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định, ăn uống tốt và có thể xuất viện trong chiều nay”, bác sĩ Giám nói thêm.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, các bậc  phụ huynh không nên để con mình chơi đùa hoặc ngậm các dị vật nhỏ như đồng xu, đồ chơi nhỏ, các loại hạt…đề phòng trẻ nuốt và rơi vào thực quản, khí quản gây nghẹn, khó thở, rất nguy hiểm đến tính mạng.

 

Quan niệm sai lầm về bệnh sốt xuất huyết

http://anninhthudo.vn/doi-song/quan-niem-sai-lam-ve-benh-sot-xuat-huyet/734006.antd

Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine hay thuốc điều trị đặc chủng nhưng nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người có những nhận thức không đúng về bệnh dịch nguy hiểm này.

Ốm phải dùng thuốc kháng sinh. Sốt xuất huyết là do virus gây ra, mà kháng sinh là thuốc chữa trị bệnh do vi khuẩn gây ra vì thế, phải bỏ ngay  quan điểm phải uống thuốc kháng sinh cho nhanh khỏi. Ngoài ra, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt..., đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Bị một lần sẽ không bị lại. Hiện lưu hành 4  tuýp  virus sốt xuất huyết nên nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người.

Giảm sốt là hết bệnh.Theo quy luật, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, từ ngày thứ tư, bệnh nhân sẽ không còn sốt cao nhưng đó mới là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh do có thể gây biến chứng nặng như tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu; Xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế làm các xét nghiệm cần thiết để bác sỹ cân nhắc phương án điều trị.

Tiếp xúc với người bị sốt xuất huyết sẽ lây bệnh. Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh. Sốt xuất huyết chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Muỗi truyền bệnh chỉ xuất hiện ở những nơi ao tù, nước đọng. Mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Nhưng không phải, muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên ban thờ, nước mưa đọng  trên sân thượng... Vì vậy, cần dọn dẹp, không để nước lưu cữu tạo môi trường cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn.

Phun thuốc muỗi một lần là hàng tháng sau vẫn hết muỗi. Chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ khuếch tán trong không gian và bay đi hết, những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người. Vì vậy, nếu phun thuốc muỗi dập dịch, cần phải phun tổng thể, đồng loạt ở cả cụm dân cư mới có tác dụng triệt để.

 

Tủ sách đầu độc cả gia đình

http://giadinh.net.vn/bon-phuong/tu-sach-dau-doc-ca-gia-dinh-20170708214316178.htm

Gia đình ba người ở Trung Quốc bị nhiễm formaldehyde qua đường hô hấp do tích trữ hàng chục nghìn cuốn sách trong nhà.

Hai vợ chồng cùng một cậu con trai sống tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, bắt đầu bị ho và viêm mũi dị ứng nặng từ cuối năm ngoái. Cả gia đình đã tốn hơn 1.000 USD (gần 30 triệu đồng) đi khám khắp nơi nhưng các bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh.

Một gia đình ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc bị ngộ độc hóa chất formaldehyde vì tích trữ hàng chục nghìn cuốn sách trong nhà.Ảnh minh họa.

Sau khi tìm hiểu, người vợ nghi ngờ không khí trong nhà có vấn đề. Theo yêu cầu của cô, chính quyền đã đến đo nồng độ không khí trong căn hộ và phát hiện hàm lượng formaldehyde ở đây vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nồng độ formaldehyde trong phòng ngủ là 0,1 mgm, vượt quá mức cho phép 0,08 mgm trên một mét vuông diện tích theo quy chuẩn của Bộ Y tế Trung Quốc. Nồng độ hóa chất này trên giá sách còn lên tới 0,26 mgm.

Formaldehyde là một loại khí có mùi hăng mạnh, không màu, thường có trong mực in bìa sách, tạp chí, các loại đồ gia dụng như thảm, đồ nhựa… Khí formaldehyde có thể gây bỏng mũi, bỏng mắt, hệ hô hấp, gây hắt hơi, đau cổ, co rút thanh quản, viêm phế quản và viêm phổi hoặc viêm da và dị ứng da.Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hóa chất này nguy hiểm nhất với con người khi tiếp xúc qua đường hô hấp.

Các thành viên trong gia đình đều là những người yêu thích đọc sách, họ mua sách khoảng 3 lần mỗi tháng. Hiện tại, số sách tích trữ trong căn hộ đã lên tới hàng chục nghìn cuốn.

Sau khi tìm ra nguyên nhân khiến cả gia đình bị bệnh về đường hô hấp, các bác sĩ khuyên họ nên để số sách vào một phòng riêng hoặc loại bớt chúng khỏi nhà.

 

Nữ diễn viên Đài Loan xấu số hiến tạng cứu sống 8 người sau khi qua đời

http://phununews.vn/giai-tri/nu-dien-vien-dai-loan-xau-so-hien-tang-cuu-song-8-nguoi-sau-khi-qua-doi-199142/

Mạnh Đình Lệ qua đời sau cơn đột quỵ trên phim trường vào năm 2016. Gia đình đồng ý hiến tạng sau khi cô qua đời.

Sáng 7/2/2016, sau khi con gái qua đời, bố Mạnh Đình Lệ đã chia sẻ với phóng viên về lý do hiến tạng của con gái: "Mạnh Đình Lệ hôn mê suốt 11 ngày, các bác sĩ tại bệnh viện đã hết lòng chăm sóc nhưng không qua khỏi. Cầu mong sẽ không một ai gặp vào hoàn cảnh khó khăn như thế, vì vậy, chúng tôi hy vọng con gái dù qua đời vẫn có thể giúp được cho những người khác".

Báo chí đưa tin, mới đây các bác sĩ Đài Loan xác nhận có 8 người đã được cứu sống nhờ Mạnh Đình Lệ. Cô không mắc bệnh truyền nhiễm nên nội tạng có thể được cấy ghép cho người khác. Phía gia đình đồng ý hiến năm bộ phận: tim, lá lách, gan, thận và giác mạc. "Chúng tôi đã tiến hành ghép tạng trên cơ thể 8 người bệnh trong thời gian qua.May mắn là các ca phẫu thuật đều thành công, sức khỏe bệnh nhân chuyển biến tốt", đại diện bệnh viện trả lời báo chí.

Câu chuyện về Mạnh Đình Lệ đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa. Trước đó, vào ngày 26/1/2016, nữ diễn viên 50 tuổi bị đột quỵ trên phim trường Cố gắng lên! Mỹ Linh. Nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tim ngừng đập, các bác sĩ bệnh viện Đài Bắc cho biết cô bị chảy máu não. Ngày 6/2, quản lý xác nhận cô qua đời sau khi não hoàn toàn tê liệt.Người thân của Mạnh Đình Lệ cho hay trước khi bị đột quỵ, nữ diễn viên nhiễm cảm lạnh dẫn đến viêm phổi.Cộng thêm quá trình làm việc căng thẳng khiến cô rơi vào tình trạng suy hô hấp trầm trọng, chảy máu não.

Mạnh Đình Lệ là diễn viên nổi tiếng Đài Loan.Cô thường đóng vai phản diện trên màn ảnh. Những bộ phim nổi tiếng gắn với tên tuổi của cô có Nữ nhân hoa, Hương soái truyền kỳ, Gả trang… Năm 2012, cô từng phát hiện mắc bệnh u xơ tử cung và phải cắt bỏ một phần tử cung. Mạnh Đình Lệ tiến hành đông lạnh trứng cùng năm đó với hy vọng có con sau này. Nhiều người xót xa khi nữ diễn viên 50 tuổi vì miệt mài với công việc đã không có một tổ ấm riêng như bao người phụ nữ.

 

Sắp có thuốc điều trị tự kỷ cho trẻ

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/sap-co-thuoc-dieu-tri-tu-ky-cho-tre-381140.html

Trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng nhỏ, các bé trai bị chứng tự kỷ có nhiều dấu hiệu cải thiện về khả năng nói và kỹ năng xã hội khi được sử dụng một loại thuốc có tên suramin.

Hiện nay không có loại thuốc nào được FDA chấp thuận để điều trị các triệu chứng chủ yếu của hội chứng rối loạn tự kỷ (ASD).

Tuy nhiên những phát hiện mới được công bố trên tạp chí Annals of Neurologics Clinical and Translational giúp mở ra cánh cửa để lựa chọn phương pháp điều trị mới cho trẻ bị ASD.

Trong nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1/2 tại Trường Y San Diego (UCSD), các nhà nghiên cứu đã đánh giá tác dụng của một loại thuốc có tên suramin được sử dụng với trẻ em bị ASD.

10 bé trai bị chứng tự kỷ trong độ tuổi từ 5 đến 14 tuổi đã được tham gia nghiên cứu điều trị. Trong đó 5 bé sử dụng suramin và 5 bé còn lại dùng giả dược.

Ghi nhận từ 5 bé sử dụng suramin có những cải thiện đáng kể trong ngôn ngữ và hành vi, không có phản ứng phụ nghiêm trọng báo cáo.

Tiến sĩ Robert Naviaux, tác giả đầu tiên và là giáo sư y khoa, khoa nhi và bệnh học tại UCSD trao đổi với phóng viên tạp chí Healthline: "Chúng tôi không có kỳ vọng rằng sẽ có kết quả thống kê quan trọng trong hành vi chính của cả 5 đứa trẻ. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng trung bình nhóm bé sử dụng suramin có điểm cải thiện 1,6 điểm trong bảng so sánh kết quả chẩn đoán tự kỷ ADOS của chúng sau 6 tuần, trong khi nhóm dùng giả dược không thay đổi "

Ông nói thêm: "Rối loạn phổ tự kỷ được định nghĩa là có một điểm ADOS từ 7 đến 10, với 10 là cao nhất. Các đứa trẻ nghiên cứu có điểm ADOS trung bình là 8,6. Sau 6 tuần, mức trung bình là 7,0 ".

Trong số những trẻ tham gia sử dụng suramin, các tác giả nghiên cứu tìm thấy những thay đổi trong ngôn ngữ, giao tiếp xã hội, hành vi lặp đi lặp lại, kỹ năng đối phó, bình tĩnh và tập trung.

Ví dụ, hai bé trai không dùng lời nói đã được điều trị bằng thuốc nói câu đầy đủ đầu tiên trong cuộc đời mình khoảng một tuần sau khi tiêm. Và những hiệu quả này đã giảm sau vài tuần, điều này cho thấy có thể cần nhiều liều thuốc.

Để những phát hiện này có thể được sao chép một cách an toàn, cần phải có những nghiên cứu theo dõi lớn hơn bởi các chuyên gia cho rằng những dấu hiệu của ASD ở các trẻ là khác nhau và chúng thường bị chồng chéo khiến cho việc xác định nguyên nhân và cách điều trị gặp khó khăn.

Vì thế, để đánh giá tác động của nhiều liều suramin trong một khoảng thời gian dài hơn, Naviaux dự định tiến hành các nghiên cứu tiếp theo lớn hơn.

Ông nói: "Chúng tôi sẽ phải làm bài kiểm tra tiếp theo với 40 đến 60 trẻ em tại một vài địa điểm khác nhau. "Đó sẽ là nghiên cứu an toàn và hiệu quả. Chúng ta sẽ xem xét từ 40 đến 60 trẻ em và đặt câu hỏi, có ba liều thuốc suramin được cho trong vòng 3 tháng một cách an toàn và hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng chính của chứng tự kỷ là gì? "

Về lâu dài, ông hy vọng nghiên cứu này có thể giúp đưa ra các chiến lược điều trị an toàn và hiệu quả, không chỉ đối với chứng tự kỷ mà còn cho nhiều tình trạng sức khoẻ khác.

Ông nói: "Những gì chúng ta học được từ chứng tự kỷ cũng cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc về sinh học sâu và các bệnh mãn tínhv phức tạp, như hội chứng mỏi mãn tính, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn trầm cảm và nhiều hơn nữa.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang