Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 11/10/2016

  • |
T5g.org.vn - Hội nghị lần thứ 67 của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương; TP. HCM: Tăng đột biến số ca mắc bệnh tay chân miệng; Nghệ An: Dịch sốt xuất huyết tiếp tục tăng nhanh về số ca mắc bệnh

Hội nghị lần thứ 67 của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương

 
 
 

Ngày 10-10, tại thủ đô Manila, Philippines đã khai mạc Hội nghị lần thứ 67 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương với sự tham dự của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đoàn Việt Nam do GS, TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã tham dự hội nghị.

Tại phiên khai mạc, TS Shin Young-soo, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO đã điểm lại những thành tựu và khó khăn, thách thức của khu vực trong một năm qua. Theo đó, một số tiến bộ về sức khỏe của khu vực đã đạt được gồm: duy trì tốt kết quả thanh toán bại liệt; tiến tới đạt mục tiêu toàn cầu về phòng chống bệnh viêm gan; đạt các kết quả tích cực về tiêm chủng…

Công tác phòng chống sốt rét và sốt xuất huyết trong năm qua được triển khai liên tục theo các kế hoạch. Lĩnh vực ứng phó với các bệnh truyền nhiễm đang nổi, nhất là ứng phó với các dịch bệnh và các vấn đề khẩn cấp có nhiều tiến bộ, với 27 quốc gia trong tổng số 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đạt được các năng lực cốt lõi của Điều lệ Y tế Quốc tế. Vấn đề nước sạch, vệ sinh, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và các nguy cơ sức khỏe từ môi trường cũng được chú trọng nhiều hơn trong năm qua…

Bên cạnh đó, toàn khu vực cũng đang bước vào giai đoạn mới thực hiện các mục tiêu tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Phát biểu tại phiên khai mạc, GS.TS Lê Quang Cường chúc mừng những kết quả về chăm sóc sức khỏe người dân của Khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như đánh giá cao những nỗ lực của các quốc gia và WHO hợp tác đạt các mục tiêu chung.

Nhân dịp này, Trưởng đoàn Việt Nam cũng chia sẻ với toàn khu vực về một số kết quả nổi bật của y tế Việt Nam trong thời gian qua, cũng như một số khó khăn mà Việt Nam đang nỗ lực vượt qua.

Đó là hiện nay, chiến lược bao phủ y tế toàn dân của Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó hơn 75% dân số hiện nay đã có bảo hiểm y tế. Việt Nam cải thiện tốt việc tiếp cận thuốc thiết yếu và vắc-xin thông qua các quy định của Luật Dược và tăng cường năng lực Cơ quan quản lý quốc gia về vắc-xin (National Regulatory Authority-NRA). Công tác phòng chống kháng thuốc, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, ứng phó với dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp của Việt Nam cũng được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường do đô thị hóa và công nghiệp hóa; gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh không lây nhiễm; già hóa dân số; sự gia tăng và khó đoán định của các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp…

Để có thể giải quyết những vấn đề này, Việt Nam đang đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, cải cách đào tạo y và nhân lực y tế, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe người dân…

Nhân dịp này, GS,TS Lê Quang Cường cũng cảm ơn WHO và đối tác phát triển đã có nhiều hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian qua, nhất là sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia quốc tế, WHO khu vực, WHO tại Việt Nam và cá nhân TS Shin-Young soo, Giám đốc WHO Khu vực, người dành nhiều tâm huyết và hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong tư vấn hoạch định chính sách y tế.

Ngay chiều 10-10, đã diễn ra Phiên họp đặc biệt về tình hình dịch bệnh do vi-rút Zika. Đại diện WHO Khu vực đã báo cáo tóm tắt về tình hình dịch bệnh do vi-rút Zika trong khu vực và đề xuất một số biện pháp tăng cường ứng phó với căn bệnh này. Đến nay khu vực Tây Thái Bình dương đã có 19 quốc gia ghi nhận ca bệnh do vi-rút Zika. WHO đề xuất thời gian tới, các quốc gia cần tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát, tăng cường hệ thống chăm sóc y tế cũng như cần xây dựng các chiến lược dài hạn để ứng phó với dịch bệnh này.

Trong các ngày họp tiếp theo (từ 11 đến 14-10), Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các nội dung: Giảm tác động của bệnh sốt xuất huyết (dengue) đối với cộng đồng và các vấn đề kiểm soát muỗi Aedes để phòng ngừa và kiểm soát bệnh do vi-rút Zika và chikungunya. Đưa ra các chiến lược có tính thực tiễn nhằm giúp các quốc gia thúc đẩy các chương trình y tế và môi trường, với việc tăng cường năng lực quản trị, thiết lập mạng lưới, truyền thông và tài chính. Tăng cường giám sát và đáp ứng với bệnh sốt rét, nhằm giảm gánh nặng cho các cộng đồng và người dân nghèo.

Đưa ra các ưu tiên chính sách và chương trình, các lựa chọn triển khai và theo dõi, các năng lực cần thiết của lĩnh vực y tế, nhằm giúp các nước đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals). Chuẩn bị sự sẵn sàng ứng phó với các bệnh mới nổi và các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp. Rà soát những tiến độ đạt được của khu vực và các quốc gia trong việc kiểm soát HIV, tiêm chủng mở rộng, phòng ngừa khuyết tật (bao gồm cả phòng ngừa mù lòa) và phục hồi chức năng, sức khỏe trẻ sơ sinh, kháng kháng sinh và thuốc thiết yếu.

Dự kiến hội nghị sẽ thông qua các nghị quyết về các vấn đề được thảo luận và các chương trình y tế của toàn khu vực, định hướng chính sách, làm cơ sở để WHO và các quốc gia trong khu vực hợp tác triển khai thực hiện các hoạt động trong năm 2016 - 2017 nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân.

 

http://www.nhandan.com.vn/xahoi/suckhoe/item/30933302-hoi-nghi-lan-thu-67-cua-to-chuc-y-te-the-gioi-khu-vuc-tay-thai-binh-duong.html

 

 

Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin nước mắm pha hóa chất

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh về tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang chi phối thị trường, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/10/2016.

Trước đó, sáng 10/10, báo chí có bài “Nước + hóa chất = nước mắm công nghiệp”, phản ánh tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất trong thành phần với hàng trăm nhãn hàng khác nhau, đang chi phối thị trường.

Theo đó, về lâu dài, sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nếu cứ nạp liên tục mỗi ngày, mỗi bữa lượng hóa chất vào người, cho dù là hóa chất được phép dùng trong thực phẩm.

Điều đáng lo ngại, dù nó không có tác hại ngay lập tức, nhưng tích tụ dần sẽ gây nên chứng chóng mặt, đau đầu, suy giảm trí nhớ.  

 http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/thu-tuong-yeu-cau-lam-ro-thong-tin-nuoc-mam-pha-hoa-chat/126888

http://emdep.vn/nhip-song/hoang-mang-tin-17-loai-hoa-chat-gay-benh-trong-nuoc-mam-cong-nghiep-2016101021134066.htm

http://doanhnghiepvn.vn/thu-tuong-yeu-cau-lam-ro-nuoc-mam-cong-nghiep-pha-hoa-chat-d81863.html

 

TP. HCM: Tăng đột biến số ca mắc bệnh tay chân miệng

 

Số lượng bệnh nhi mắc tay chân miệng phải nhập viện tại TP.HCM đang tăng đột biến.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM; chỉ tính riêng tháng 9/2016, trên toàn thành phố có hơn 500 trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị, đã tăng gần 13% so với tháng 8 (Tháng 8 có 458 ca). Trong 9 tháng đầu năm, có gần 4.000 bệnh nhi  tay chân miệng nhập viện. Mới đây, một số ổ bệnh trong các trường học đã xuất hiện tại quận 5, huyện Hóc Môn... 

Còn theo thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chỉ trong tuần đầu tháng 10, bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 1.000 ca điều trị bệnh tay chân miệng. Trong đó, hơn 60% bệnh nhi là từ các tỉnh, địa phương lân cận đổ về TP.HCM nhập viện.

Lượng bệnh nhân tăng đột biến đang khiến tình trạng quá tải xảy ra tại một số bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM đã có những khuyến cáo về khả năng bùng phát dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố.

Trước tình hình trên, trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã có những khuyến cáo về khả năng bùng phát dịch bệnh tay chân miệng, nhất là đối với các trường học cần chủ động cao vì đây là môi trường dễ bùng phát nhanh về số lượng.

http://toquoc.vn/y-te/tp-hcm-tang-dot-bien-so-ca-mac-benh-tay-chan-mieng-214131.html

 

Nghệ An: Dịch sốt xuất huyết tiếp tục tăng nhanh về số ca mắc bệnh

Do thời tiết mưa nắng thất thường, tạo điều kiện cho bệnh lây truyền nên đến nay dịch sốt xuất huyết ở xã Diễn Thịnh, Diễn Châu vẫn không ngừng gia tăng số ca mắc bệnh.

Sau 10 ngày bùng phát, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) tăng từng ngày với tổng số 35 ca ở nhiều lứa tuổi khác nhau từ người già, thanh niên, đến trẻ em. Đã có 7 ca được chữa khỏi, 5 ca đang điều trị tại bệnh viện, số còn lại điều trị tại trạm y tế xã và tại nhà.

Để khống chế dịch, lãnh đạo huyện Diễn Châu trực tiếp đến xã Diễn Thịnh chỉ đạo công tác chống dịch, 2 bác sỹ của bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế huyện đã được điều về trạm y tế xã điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, 12/22 xóm ở Diễn Thịnh đã được phun hóa chất diệt muỗi và trong 2 ngày tới sẽ hoàn thành trong toàn xã.

Ông Cao Hiếu – Phó chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho biết: Sau khi phát hiện dịch với 8 ca mắc ngày 30/9 tại địa bàn xóm 11B thì chúng tôi đã phối hợp với trung tâm y tế thống kê, đưa tất cả các trường hợp có biểu hiện sốt tại địa bàn xóm và các xóm giáp ranh xét nghiệm. Qua đó cùng với điều trị cho các bệnh nhân, đã khoanh vùng dịch, những gia đình có người mắc đều được tiến hành phun hóa chất diệt muỗi. Tuy nhiên do thời tiết nắng mưa thất thường, độ ẩm cao, muỗi vằn phát sinh rất nhanh khiến cho dịch lây lan ra thêm 2 xóm nữa và hiện nay đã tăng lên 35 ca. Sau khi nhận được 160 lít hóa chất diệt muỗi, trong 3 ngày qua đang tiến hành phun trên địa bàn toàn xã. Trong ngày 9/10 chưa phát hiện bệnh nhân mắc bệnh mới.

Cùng với Diễn Thịnh, để tránh bùng phát tại các ổ dịch cũ như Diễn Bích, Diễn Ngọc, các địa phương đã tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy để cắt nguồn lây bệnh. Cán bộ y tế được tăng cường về cơ sở giám sát chặt chẽ việc phòng dịch.

http://baonghean.vn/y-te-suc-khoe/201610/nghe-an-dich-sot-xuat-huyet-tiep-tuc-tang-nhanh-ve-so-ca-mac-benh-2743304/

Điều tra, xử lý ổ dịch Zika tại TP.HCM, Bình Dương

Sáng 10/10, Bộ Y tế có công văn yêu cầu TP. HCM và Bình Dương nhanh chóng điều tra, xử lý ổ dịch Zika.

Không để ổ dịch Zika lây lan rộng trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh và Bình Dương chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn khẩn trương chủ động triển khai các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch bệnh do virus Zika.

Theo đó, các địa phương cần tổ chức điều tra ổ dịch bao gồm cả véc tơ truyền bệnh tại khu vực bệnh nhân sinh sống, làm việc cũng như các khu vực xung quanh để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ để lấy mẫu (bao gồm mẫu huyết thanh và nước tiểu) gửi về Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh chẩn đoán xác định. Đồng thời, triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và các biện pháp phòng bệnh hiệu quả trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tốt chăm sóc và theo dõi thai nghén đối với trường hợp nghi nhiễm virus Zika để có tư vấn, hướng dẫn kịp thời.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo, thực hiện tốt việc truyền thông phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết trên hệ thống phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch người dân tự diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết trên địa bàn...

Trước đó, ngày 8/10, Bộ Y tế công bố việc ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với virus Zika tại Tp. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Cả hai đều là nữ bệnh nhân, trong đó có một người đang mang thai 24 tuần. Các bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng phát ban, sốt, kèm theo đau cơ, đau khớp, nhập viện lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR cho thấy mẫu nước tiểu của bệnh nhân dương tính với virus Zika (mẫu huyết thanh âm tính). Cả hai bệnh nhân đã được điều trị và cách ly kịp thời, đến nay tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và theo dõi tại nhà.

http://www.baogiaothong.vn/dieu-tra-xu-ly-o-dich-zika-tai-tphcm-binh-duong-d171620.html

 

Chồng thai phụ nhiễm virus Zika ở Bình Dương có triệu chứng tương tự

Ngày 10-10, Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết  chồng của thai phụ nhiễm virus Zika có những triệu chứng tương tự, chỉ sau vợ 2 ngày.

Tuy nhiên ngành y tế địa phương chưa thể kiểm tra chính xác do người chồng làm nghề lái xe tải đường dài, ít khi có mặt ở nhà và cũng không nhận được sự hợp tác tích cực từ người bệnh. 

Như báo SGGP đã đưa tin, ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện ở Bình Dương là một phụ nữ 27 tuổi (khu phố Bình Phước A, phường Bình Chuẩn, bán tạp hóa), đang mang thai tuần thứ 24, nhập viện Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM ngày 2-10 trong tình trạng sốt, phát ban, đau cơ, khớp, mỏi mắt. Sau khi phát hiện dương tính với virus Zika ngày 6-10, Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện nhiệt đới, Từ Dũ đã triển khai họp khẩn với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Dương và huyện Thuận An để bàn phương án khoanh vùng, phòng chống dịch trong thời gian tới. Đánh giá ban đầu cho thấy, người bệnh không đi nước ngoài, chỉ ở nhà buôn bán và trước đây sức khỏe bình thường. Hiện sức khỏe người bệnh ổn định và đang được theo dõi sát diễn biến sức khỏe.

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/10/436707/

 

 

Hãy cảnh giác với bệnh hiếm gặp, nguy hiểm Whitmore!

BS. Hoàng Quang Trung – Phó Giám đốc BVĐK Hà Tĩnh cho biết: Chưa đến 1 tháng, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 4 bệnh nhân mắc căn bệnh hiếm gặp Whitmore. Đây là bệnh hết sức nguy hiểm bởi khó phát hiện, tỷ lệ tử vong cao và điều trị kéo dài. Hà Tĩnh là một trong 7 tỉnh có số lượng bệnh nhân bị Whitmore đứng đầu cả nước.

Em Bùi Đức Sáng (6 tuổi, ở Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) bị nổi 2 mụn nhỏ bên mang tai nên được người nhà đưa em đến bác sỹ tư điều trị. Tuy nhiên, sau 2 tuần điều trị vẫn không khỏi nên em được đưa vào điều trị tại Khoa Răng – Hàm – Mặt BVĐK tỉnh. Sau hơn 1 tuần điều trị, em vẫn sốt, tuyến mang tai sưng to, nóng, đỏ, đau có mủ, buộc phải chuyển xuống Khoa Truyền nhiễm và được tiến hành phẫu thuật lấy mủ bên tuyến mang tai.

Các bác sỹ cũng đã lấy mủ, máu, nuôi cấy và phân lập vi khuẩn tìm nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm, em bị mắc bệnh do vi khuẩn Whitmore gây ra và đang được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Chị Dương Thị Thủy (27 tuổi, ở Đồng Xuân, Thạch Xuân, Thạch Hà) cũng là một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm BVĐK tỉnh. Chị cho biết, phát hiện bị bệnh Whitmore từ năm 2015 và đã điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Thủ Đức nhưng do không tuân thủ liệu trình điều trị nên cứ khỏi rồi bị lại. Lần này bị nổi áp xe khắp người, chị đến Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà và được điều trị viêm đa khớp.

Qua 11 ngày không đỡ, chị được chuyển vào BVĐK tỉnh. Sau khi xét nghiệm có kết quả bị bệnh do vi khuẩn Whitmore, chị được điều trị theo phác đồ và đã đỡ hơn nhiều.

BS. Nguyễn Xuân Bảo - Trưởng khoa Truyền nhiễm BVĐK tỉnh cho biết: Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore là từ khoảng 40% - 60%. Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần sau khi phát bệnh. Người bệnh có cơ địa tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc Whitmore. Điều khó khăn hiện nay là bệnh Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân có thể nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như: hô hấp, cơ - xương - khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa, truyền nhiễm... do đó có thể khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như: viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu...

Cách duy nhất phát hiện bệnh là làm xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc mủ của bệnh nhân để phân lập tìm vi khuẩn. Hiện nay, BVĐK tỉnh đã làm khá tốt công tác xét nghiệm này góp phần phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Bác sỹ Bảo cho biết thêm: Phát hiện bệnh khó, quá trình điều trị bệnh Whitmore cũng hết sức khó khăn vì bệnh nhân phải dùng kháng sinh, tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 - 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, dẫn đến người bệnh sức khỏe suy kiệt dần.

Theo bác sỹ Bảo, dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm bệnh Whitmore thường là sốt, viêm phổi và có ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu... Biểu hiện này xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có tiền sử tiểu đường hoặc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp với đất. Do đó, đối với người nhiễm bệnh, nếu có bệnh cảnh và các triệu chứng kể như trên thì phải đến ngay các bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị bệnh.

Hiện bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng ngừa. Vi khuẩn gây bệnh có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn, hoặc mũi hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Cách dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; phòng hộ trong lao động; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất bẩn.

http://baohatinh.vn/y-te/hay-canh-giac-voi-benh-hiem-gap-nguy-hiem-whitmore/122143.htm

 

Bệnh nhân khám tại trạm y tế vệ tinh tăng 10 lần

 “Sau 2 tháng triển khai, phòng khám đa khoa vệ tinh của BV quận Thủ Đức (TP.HCM) đặt tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu đã thu hút nhiều người an tâm đến khám bệnh”.

Chiều 10-10, TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thông tin trên.

Theo ông Thượng, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu BV quận Thủ Đức tiếp tục duy trì mô hình nói trên và sớm hoàn chỉnh các thủ tục để được bảo hiểm xã hội thành phố ký hợp đồng khám bảo hiểm y tế theo quy định.

“Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến khích các bệnh viện quận, huyện khác nghiên cứu, học tập và triển khai mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện đặt tại các trạm y tế trên địa bàn. Đặc biệt ưu tiên những trạm y tế có đông dân cư và xa bệnh viện quận” – ông Thượng cho biết thêm.

Trước đó, ngày 20-7, phòng khám đa khoa vệ tinh của BV quận Thủ Đức đặt tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Trạm y tế này tiếp nhận tất cả trường hợp sơ cứu và cấp cứu. Đồng thời khám và điều trị hầu hết bệnh lý phổ biến như nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, da liễu…

Bên cạnh đó, Trạm Y tế phường Bình Chiểu cũng tổ chức khám sức khoẻ và chứng nhận sức khoẻ, thực hiện việc chăm sóc sức khỏe và sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật. Đặc biệt, trạm y tế này còn thực hiện chạy thận nhân tạo.

Sở Y tế TP.HCM cũng đã tổ chức sơ kết đánh giá hiệu quả hoạt động phòng khám đa khoa vệ tinh của BV quận Thủ Đức đặt tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu.

Kết quả bệnh nhân đến khám và điều trị tại trạm y tế nói trên ngày càng tăng. Số lượt bệnh nhân khám và chữa bệnh trung bình trong tháng 9-2016 tăng 10 lần so với số lượt bệnh nhân đến khám trung bình mỗi tháng trước đây.

Ngoài ra, mỗi ngày có từ 7 đến 8 lượt bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu, góp phần giảm tải đơn vị lọc thận của BV quận Thủ Đức. Điều đáng lưu ý không xảy ra bất kỳ trường hợp sai sót chuyên môn.

Kết quả khảo sát còn ghi nhận 95% bệnh nhân hài lòng với các dịch vụ được cung ứng tại Trạm Y tế phường Bình Chiểu, kể cả hoạt động khám, chữa bệnh của các bác sĩ.

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/benh-nhan-kham-tai-tram-y-te-ve-tinh-tang-10-lan-657615.html

 

Tước giấy phép phòng khám có bác sĩ bị tố “sàm sỡ” 

Phòng khám BSL, P.Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai bị tước chứng chỉ hành nghề 6 tháng và tước giấy phép hoạt động 3 tháng.

Ngày 10-10, bác sĩ Nguyễn Mạnh Dũng - chánh thanh tra Sở Y tế Đồng Nai - cho biết đã chính thức ra quyết định xử phạt hành chính phòng khám BSL (P.Long Bình Tân, TP Biên Hòa) 70 triệu đồng về các vi phạm hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép và vừa khám bệnh vừa bán thuốc. 

Ngoài ra, phòng khám còn bị tước chứng chỉ hành nghề 6 tháng và tước giấy phép hoạt động 3 tháng.

Trước đó, như Tuổi Trẻ đã đưa tin, ngày 27-9, chị T.T.K. (18 tuổi, quê Bạc Liêu) tố bị bác sĩ N.H.L. (52 tuổi, chủ phòng khám BSL) “giở trò” trong lúc khám phụ khoa.

Mặc dù sự việc đang được cơ quan công an điều tra nhưng phía gia đình chị K. vẫn bức xúc với hành vi của bác sĩ L. nên đã kéo đến phòng khám phản đối vào chiều tối 3-10. Sự việc thu hút đông người dân hiếu kỳ đứng theo dõi.

Vụ việc được lực lượng công an phường Long Bình Tân ghi nhận, lập hồ sơ ban đầu và chuyển Công an TP Biên Hòa tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Công an TP Biên Hòa đã mời các bên liên quan tới làm việc, ghi nhận lời khai và đưa nữ bệnh nhân đi giám định để điều tra vụ việc.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ L. cho biết “không làm gì hết” và cho rằng gia đình chị K. kiếm chuyện với ý định tống tiền ông.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20161010/tuoc-giay-phep-phong-kham-co-bac-si-bi-to-sam-so/1185913.html

 

 

Huấn luyện tiền triển khai cho Bệnh viện dã chiến cấp 2

Sáng 10-10, tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Đoàn chuyên gia Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã tổ chức giảnh dạy cho 70 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Khóa học nằm trong chương trình huấn luyện tiền triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về Luật nhân đạo quốc tế, Luật xung đột vũ trang, Luật cưỡng chế hòa bình phù hợp với quy định của Liên hợp quốc, giúp cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 tự tin hoàn thành tốt nhiệm vụ sắp tới.

Trong thời gian 2 ngày, các học viên sẽ được các chuyên gia ICRC giới thiệu khái quát về ICRC, các hoạt động nổi bật của tổ chức này trong thời gian vừa qua; khung pháp lý cho việc sử dụng lực lượng; mức độ xung đột và khả năng áp dụng luật điều chỉnh; cơ sở pháp lý và sự thống nhất phương pháp tiến hành các hoạt động nhân đạo; giới thiệu cuộc diễn tập nhân đạo Mogady....

Ngoài ra, các chuyên gia ICRC cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

http://soha.vn/huan-luyen-tien-trien-khai-cho-benh-vien-da-chien-cap-2-20161010140651881.htm

 

Bác sĩ kiêm nhân viên massage, nhà tâm lý

 

Đã có nhiều bệnh nhân đạt được kỳ tích về sự sống sau một thời gian được kiên trì chăm sóc giảm nhẹ.

Khoa chăm sóc giảm nhẹ tại các bệnh viện (BV) ở Việt Nam mới thành lập vài năm gần đây nhưng đạt được hiệu quả rất lớn. Trong thực tế đã có nhiều bệnh nhân đạt được kỳ tích về sự sống sau một thời gian được kiên trì chăm sóc giảm nhẹ.

Nâng chất lượng sống cho người bệnh

Anh Bùi Lê Thành Vinh, 42 tuổi, ngụ TP.HCM chia sẻ: Nhờ chương trình chăm sóc giảm nhẹ của BV Ung bướu mà đến giờ này anh vẫn còn khỏe mạnh, đi du lịch hằng tuần, vui tươi, lạc quan rất nhiều trong cuộc sống.

Tháng 5-2013, anh Vinh được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối, khi cuộc sống với anh đang vô cùng tươi đẹp, viên mãn với vợ con và vừa mừng nhà mới sau nhiều năm cố gắng làm việc. “Lúc biết bệnh, tôi hoang mang cực độ, không còn tin vào bất cứ thứ gì trong cuộc sống, đâm ra chán nản, bỏ bê. Tôi biết thời gian mình còn sống chỉ là sáu tháng và phải chịu đựng những cơn đau liên tục dày vò” - anh Vinh nói.

Những buổi nói chuyện trấn an tinh thần, lời khuyên từ các bác sĩ, điều dưỡng khoa Chăm sóc giảm nhẹ BV Ung bướu đã giúp anh Vinh cố gắng để sống tốt khi tham gia phác đồ điều trị. “Tinh thần tôi tốt hẳn lên khi được quan tâm, động viên từ mọi người. Tôi bắt đầu làm việc hăng say, đi du lịch thật nhiều với gia đình. Làm tất cả những gì mình thích và kỳ tích đã xuất hiện, tôi vẫn sống và sống khỏe mạnh vượt thời gian hạn định cuộc đời” - anh Vinh kể.

Theo các bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ BV Ung bướu TP.HCM, trường hợp của anh Vinh là trường hợp đặc biệt nhất từ trước đến nay. Khi khoa chăm sóc giảm nhẹ đi vào hoạt động, cuộc sống của bệnh nhân ung thư có nhiều thay đổi. Nhiều bệnh nhân được thực hiện điều trị theo phác đồ sớm, giúp bệnh nhân và người nhà tiếp cận và từng bước lên kế hoạch chăm sóc càng sớm càng tốt.

Có mặt tại BV Ung bướu những ngày mẹ đang chiến đấu với ung thư, chị Trịnh Thị Lan Anh (Tuy Hòa, Phú Yên) cũng không hề hay biết về chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là gì. Với chị, đau bệnh, ung thư là phải được xạ trị, hóa trị, còn không được là hết cách, bỏ cuộc. Thế nhưng khi vào BV Ung bướu TP.HCM, chị mới ngỡ ngàng với khoa chăm sóc giảm nhẹ: “Mẹ tôi, chồng tôi, tôi và cả gia đình thường xuyên được chăm sóc về mặt tâm lý... Bản thân mẹ cứng nhắc vì sợ tốn tiền chữa bệnh, mẹ thương các con nên ban đầu cứ đòi về. Nhưng nhờ các bác sĩ khoa này tôi thấy mẹ đã nghĩ thông hơn, kiên cường hơn” - chị Lan Anh chia sẻ.

Chị Hoàng Thị Thanh Thúy từng giành giật sự sống với căn bệnh ung thư vú quái ác cho biết chị phát hiện mình bị ung thư vú đã di căn xương vào năm 2007. Qua ba lần phẫu thuật, xạ trị tại BV K2, được các bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, sức khỏe chị dần ổn định, tinh thần thoải mái. “Dù còn một giờ, một ngày, một tháng hay một năm, chúng ta hãy tận dụng quãng thời gian đó để sống có ích. Đừng nản chí và bỏ cuộc” - chị Thúy xúc động nói.

Thầy thuốc kiêm nhà tâm lý

BS Đoàn Lữ, Trưởng khoa Chống đau BV Ung bướu Trung ương Cơ sở 2 (BV K2), cho biết ở các nước trên thế giới, các trung tâm chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối rất được coi trọng và phát triển. Tuy nhiên, hiện công tác chống đau, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư ở Việt Nam còn rất mới và ít.

Theo BS Lữ, việc tiến hành điều trị, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nhằm nâng cao chất lượng sống, góp phần kéo dài thời gian sống thêm. “Bệnh càng tiến triển, tiến dần đến giai đoạn cuối thì vai trò của chăm sóc giảm nhẹ ngày càng tăng. Khi không điều trị đặc hiệu nữa thì chỉ còn hoàn toàn chăm sóc giảm nhẹ cho đến lúc bệnh nhân tử vong” - BS Lữ chia sẻ.

BS Lại Phú Thái Sơn, khoa Chống đau BV K2, cho biết những bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư bằng các biện pháp điều trị đặc hiệu như tia xạ, hóa chất, phẫu thuật, nội tiết… rất cần được phối hợp với điều trị chăm sóc giảm nhẹ nhằm khắc phục các biến chứng, hạn chế tác dụng phụ và đảm bảo chất lượng sống cũng như thời gian điều trị được liên tục, đúng phác đồ.

BS Sơn cho biết những chăm sóc giảm nhẹ cần thiết cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối là massage, xoa bóp giảm đau, uống thuốc, chế độ ăn uống, vận động phù hợp, động viên, khuyến khích người bệnh cùng chiến đấu với bệnh tật. BS Sơn chia sẻ tại BV K2 Tam Hiệp, các bác sĩ, nhân viên y tế đều kiêm hết những nhiệm vụ này, có nghĩa là họ vừa là thầy thuốc chữa bệnh vừa là những nhân viên massage. Nhiều bác sĩ kiêm luôn giáo viên hướng dẫn người nhà cách chăm sóc người bệnh, đồng thời cũng là những nhà tâm lý luôn chuyện trò, động viên người bệnh khi họ có những cơn đau về thể chất và nỗi buồn về tinh thần. “Với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, dù không chữa khỏi được thì cũng được chăm sóc giảm đau, khi về nhà thì người nhà cũng biết cách chăm sóc bệnh nhân, để người bệnh nâng cao chất lượng sống. Ít nhất trước khi chết họ không thấy tuyệt vọng” - BS Sơn cho biết.

Chiều 10-10, tại BV K2 (Ung bướu Trung ương Cơ sở 2) Tam Hiệp, Hà Nội, đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Chăm sóc giảm nhẹ thế giới cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối với thông điệp: “Sống và chết trong đau khổ - Không để điều đó xảy ra”. Được biết đây là năm thứ ba khoa Chống đau của BV K2 tổ chức lễ kỷ niệm này.

Tại Việt Nam hiện có bốn BV có khoa chăm sóc giảm nhẹ đang thực hiện rất tốt những chức năng này. Đó là BV K2 Tam Hiệp, BV Ung bướu TP.HCM, BV Ung bướu Đà Nẵng và BV Ung bướu Hà Nội. Riêng BV K2 Tam Hiệp có trung tâm chăm sóc giảm nhẹ với những khoa rất chuyên sâu như khoa chăm sóc cận tử, khoa giảm đau…

 

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/bac-si-kiem-nhan-vien-massage-nha-tam-ly-657680.html

 

 

Mổ thành công nội soi bóc bướu phì tiền liệt tuyến bằng laser

Ngày 10/10, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) thông báo, đơn vị đã thực hiện thành công phương pháp mổ nội soi bóc bướu phì tiền liệt tuyến bằng laser.

Được biết, Hợp Lực là BV tư nhân đầu tiên, đồng thời là BV thứ hai tại Việt Nam, cùng với BV Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh) áp dụng thành công phương pháp này. Hai bệnh nhân đầu tiên phẫu thuật thành công là ông Trương Công Hòa (66 tuổi, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) được chẩn đoán sỏi thận phải, u xơ tiền liệt tuyến và Nguyễn Văn Nghị (81 tuổi, quê Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chẩn đoán u phì đại tiền liệt tuyến.

Theo bác sỹ Nguyễn Bá Hiệp - Chuyên khoa II BVĐK Hợp Lực, quá trình thực hiện cắt bỏ bướu phì đại lành tính tiền liệt tuyến có thể áp dụng 2 phương pháp là mổ hở và mổ nội soi bằng laser. Trong đó, mổ hở là phương pháp cũ, gây nhiều biến chứng và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người bệnh. Còn phương pháp mới áp dụng công nghệ hiện đại, được các nhà chuyên môn đầu ngành đánh giá cao, có thể thay đổi quan điểm về "tiêu chuẩn vàng" trong việc cắt đốt nội soi phì đại lành tính tiền liệt tuyến. phương pháp bóc tiền liệt tuyến bằng laser với sự hỗ trợ của máy xay mô có ưu điểm nổi bật là sau khi mổ, mô bướu hoàn toàn toàn biến mất nên không còn nguy cơ tái phát. Phẫu thuật bằng laser giúp bệnh nhân không bị mất máu quá nhiều, thời gian rút sonde đường tiểu sẽ nhanh hơn, qua đó người bệnh giảm được nguy cơ bị nhiễm trùng, giảm khó chịu do kích thích.

http://nongnghiep.vn/benh-vien-tu-nhan-dau-tien-mo-thanh-cong-noi-soi-boc-buou-phi-tien-liet-tuyen-bang-laser-post177217.html

Bệnh nhi 14 tuổi đau đầu, phát hiện động mạch phình khổng lồ

Đến bệnh viện khám chứng đau đầu, bệnh nhân được bác sĩ phát hiện động mạch cảnh bị phình lớn, dọa vỡ. Bằng phương pháp can thiệp nội mạch, bác sĩ đã giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong vì vỡ mạch máu.

Ngày 9/10, thông tin từ Bệnh viện Bình Dân, TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp thành công cho một bệnh nhi bị túi phình khổng lồ động mạch cảnh sau hiếm gặp. Bệnh nhân là cậu bé N.V.T. (14 tuổi, ngụ tại Gia Lai) đến khám vì triệu chứng đau đầu.

Qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ xác định, cậu bé bị một túi phình rất lớn (đường kính 25cm), nằm ở vùng dưới tai. Khối phình dọa vỡ khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tai biến gây liệt, tử vong bất kỳ lúc nào.

ThS.BS.Dương Duy Trang, Đơn vị Tim mạch Can thiệp cho hay, khối phình động mạch đập theo nhịp tim gồ lên ở vùng phía dưới tai trái của bệnh nhân. Túi phình lớn gấp 5 lần kích thước trung bình của động mạch cảnh, nguy cơ vỡ rất cao. Trước nguy hiểm bệnh nhân phải đối mặt, bệnh viện quyết định can thiệp mạch máu khẩn cấp cho cậu bé.

Qua ống nội soi đi từ động mạch đùi lên tiếp cận vị trí phình động mạch cảnh, bác sĩ đã đặt thành công stent giá đỡ có màng, chặn đường cung cấp máu cho túi phình. Sau phẫu thuật, phim chụp kiểm tra cho thấy không còn hình ảnh túi phình, sức khỏe bệnh nhân trở lại bình thường. Tuy nhiên, cháu sẽ phải tiếp tục sử dụng thuốc kháng tiểu cầu để ngăn chặn hình thành máu đông quanh stent vừa đặt.

Phân tích chuyên môn của BS Duy Trang chỉ ra: “Túi phình động mạch cảnh là bệnh lý nguy hiểm nhưng triệu chứng thường rất mơ hồ với tỷ lệ mắc khoảng 1% đến 2% trong cộng đồng. Khi bệnh nhân thấy đau, choáng váng thì lúc đó túi phình đã rất lớn. Túi phình gây rối loạn dòng chảy và có thể hình thành cục máu đông, nguy cơ trôi lên não, gây tắc mạch não, nhẹ thì gây thiếu máu não thoáng qua, nặng thì có thể gây tai biến dẫn tới tử vong. Do đó, khi gặp những biểu hiện bất thường về sức khỏe, người dân nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời”.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-nhi-14-tuoi-dau-dau-phat-hien-dong-mach-phinh-khong-lo-20161010070956649.htm

 

Bác sĩ nuối tiếc khi không cứu được bệnh nhân cao huyết áp

2 ngày sau khi nam bệnh nhân 58 tuổi qua đời do bị sốc tim, bác sĩ Phạm Mạnh Hùng vẫn còn day dứt tiếc bởi người bệnh đã biết cao huyết áp mà không điều trị.

Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng Tim mạch Quốc gia, Tổng thư ký Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết nam bệnh nhân này vào viện cấp cứu mới 2 ngày trước. Ông mắc bệnh tăng huyết áp nhưng không điều trị. Lần này được đưa vào viện cấp cứu, bác sĩ phát hiện cả 3 nhánh động mạch vành của bệnh nhân đều bị tắc, trong đó có 2 nhánh đã tắc từ trước. Trong khi đó 3 nhánh lớn này đều đóng vai trò chính trong hệ thống động mạch vành làm nhiệm vụ nuôi dưỡng tim. Các bác sĩ đã không thể cứu được bệnh nhân. Ông qua đời ngay trong ngày nhập viện do sốc tim.

“Toàn bộ cơ tim bị chết, không thể làm gì cứu vãn được khiến bác sĩ chúng tôi thấy bất lực, ám ảnh, tiếc nuối vì bệnh nhân chỉ mắc mỗi bệnh tăng huyết áp mà chủ quan không điều trị”, phó giáo sư Hùng nói.

Chia sẻ về ca bệnh này, giáo sư Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cũng cảm thấy tiếc nuối vì “bệnh nhân bị tắc cả 3 nhánh mạch vành, có nhánh tắc từ trước, nếu đi khám thường xuyên biết trước tình trạng này thì bác sĩ can thiệp ngay sẽ cứu được tính mạng”.

Theo giáo sư Việt, các bệnh lý tim mạch có xu hướng tăng lên rõ rệt trong cộng đồng. Ví dụ bệnh tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch phổ biến nhất hiện nay, Việt Nam năm 2000 chỉ có khoảng 16% người lớn mắc bệnh, đến năm 2009 tăng lên hơn 25% và số liệu mới nhất hiện nay là 46%. Đây là mức báo động.

Tỷ lệ người không biết bệnh rất lớn, tỷ lệ điều trị cũng rất thấp. “Ý thức phòng chống bệnh của người dân vẫn còn kém, nhiều bác sĩ cũng không biết huyết áp của mình là bao nhiêu cho đến lúc bỗng dưng bị tai biến. Mỗi người dân cần biết con số huyết áp như con số tuổi của mình”, giáo sư Việt nhấn mạnh.

Tim mạch là bệnh rất nguy hiểm nhưng không thể phòng ngừa, đòi hỏi sự hiểu biết của người dân. Người bệnh cũng có thể yên tâm điều trị, bởi tại Việt Nam đã điều trị tốt bệnh này với hầu hết các kỹ thuật can thiệp điều trị tim mạch thế giới hiện nay.

Thông tin này được các bác sĩ chia sẻ trong hội thảo về bệnh tim mạch diễn ra ở Hà Nội ngày 9-11/10. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần thăm khám định kỳ và điều trị theo phác đồ bác sĩ đưa ra.

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/bac-si-nuoi-tiec-khi-khong-cuu-duoc-benh-nhan-cao-huyet-ap-3480868.html\

 

Căn bệnh đến bác sĩ cũng… không nghĩ đến

Các bác sĩ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương gọi bệnh ký sinh trùng là “căn bệnh bị lãng quên”. Bởi không chỉ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mà ngay đến cả các bác sĩ cũng chủ quan, không nghĩ đến nó. Những tổ sán kín đặc trong não bộ, những tổ sán lá gan âm thầm phá hủy gan của người bệnh… chỉ được nhìn thấy khi được chụp chiếu bằng kỹ thuật hiện đại. Các bệnh nhân thì bàng hoàng khi biết tình trạng của mình. Họ chưa bao giờ nghĩ, chỉ vì thói quen ăn uống mà tính mạng của họ bị những “kẻ thù ký sinh trùng” đe dọa.

Điều trị động kinh 20 năm vì không phát hiện sán làm tổ trong não

Hiện đang nằm điều trị tại Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng TƯ, ông Nguyễn Văn Uyên, SN 1965 (Tân Dân, Yên Dũng, Bắc Giang) mệt mỏi cho biết: “Tôi bị đau đầu cũng phải 6 - 7 năm nay rồi nhưng mới phát hiện ra sán não khoảng 3 năm nay. Tôi đi khám các nơi thì chẩn đoán là bị động kinh, rồi điều trị động kinh mấy năm liền không khỏi. Đến năm 2013 đi chụp cộng hưởng từ mới phát hiện ra sán não”. Mấy năm qua, ông Nguyên lúc nào cũng sống trong mệt mỏi, đau đớn, da tái xanh, đi lại lử đử như người say rượu. Rồi lại thêm những cơn co giật hành hạ khiến ông sùi bọt mép, mắt trợn ngược, ngã vật ra đất. Sau 3 năm điều trị, hiện ông Nguyên đã bớt những cơn co giật, bớt đau đầu. Cứ cách 1 tháng, ông lại phải đến viện điều trị 15 ngày.

Khác với ông Nguyên, anh Hà Văn Dân, SN 1979 (Tân Sơn, Phú Thọ) không hề có bất cứ biểu hiện nào. Anh vẫn khỏe mạnh, đi làm xây dựng công trình. Một hôm anh Dân bị lên cơn co giật suốt một đêm, sau đó anh lì bì, bất tỉnh 3 ngày liền. Bác sĩ kết luận rằng: “Có sán đang hoạt động trong não”. Đọc kết quả xong, vợ anh cứ ngất lên ngất xuống vì quá sợ. Sau khi điều trị 25 ngày, anh về nhà nhưng lại tiếp tục lên cơn co giật. Hóa ra, trong quá trình ở nhà, anh không giữ gìn mà nghĩ là mình đã khỏi, không kiêng bia rượu nên anh bị tái phát. Anh Nguyên vẫn còn chưa hết ám ảnh nhớ lại: “Tôi có cảm giác cứ có thuốc vào thì mới yên. Trước khi về bác sĩ có dặn kiêng rượu bia, chất kích thích, đồ ăn sống, tái… nhưng có lẽ tôi không tuân thủ nên bị nhiễm lại. Giờ tôi sợ lắm rồi”.

Cả gia đình ông Đậu Đức Hựu, SN 1948 (Hoàng Mai, Nghệ An) chưa hết bàng hoàng khi kế lại trường hợp của ông. Ông Hựu bị lên cơn co giật cách đây đã 20 năm, năm đó ông khoảng gần 50 tuổi. Đi khám chỗ nào người ra cũng kết luận là ông bị động kinh. Ông điều trị động kinh đã 20 năm nay không khỏi, hết thuốc động kinh lại tiêm thuốc chống co giật. Cứ thỉnh thoảng, cơn co giật lại khiến ông và gia đình khổ sở, sợ hãi. Gần đây, ông Hựu nôn ra máu đông rồi bất tỉnh nhân sự. Bệnh viện cho rằng ông bị tai biến. Sau khi được chụp cộng hưởng từ tại bệnh viện tuyến tỉnh, các bác sĩ kết luận ông bị sán làm tổ trong não. Lúc này đã là tháng 4. 2016, những tổ sán ken kín trong não, chèn ép gây giãn não thất, ông Hựu phải phẫu thuật, hút dịch trong não rồi mới có thể điều trị tẩy sán được.

Khi ấy, cả gia đình ông bàng hoàng kinh sợ nhớ lại quãng thời gian ông làm chủ trang trại nuôi cua. Món ăn ưa thích của ông Hựu là món tiết canh cua và tiết canh lợn. Với thịt cua, máu cua cộng thêm lạc rang, rau thơm hấp dẫn, món ăn này là khoái khẩu của ông Hựu và nhiều người khác. Nhưng đó cũng chính là nguyên nhân khiến ông Hựu âm thầm bị sán làm tổ trong não 20 năm nay mà không biết. Anh Đậu Đức Tưởng, con trai ông Hựu khẳng định: “Khi bác sĩ phân tích nguyên nhân, chúng tôi mới tá hỏa nghĩ ra món mà bố tôi thích ăn nhất là tiết canh cua và cả tiết canh lợn. Mà theo tôi tìm hiểu được biết thì trong con cua có nhiều sán vô cùng. Nếu ăn phải, chắc chắn là mắc rồi. Giờ cả gia đình tôi đề cao cảnh giác, nói không với tiết canh và đồ sống”.

Theo các bác sĩ tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ, bệnh nhân mắc sán não sẽ bị đau đầu, tê tay, co giật nên một số bác sĩ ở các địa phương, thậm chí ở trung ương họ không nghĩ đến ký sinh trùng. Ths.BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Điều trị, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân đã khám ở ở nhiều nơi rồi. Bệnh nhân bị sán não co giật nhiều, động kinh, đi khám các nơi được chẩn đoán và điều trị triệu chứng động kinh nhưng không thể khỏi được do chưa tìm ra căn nguyên của bệnh. Có rất nhiều bệnh nhân đã từng uống các loại thuốc điều trị động kinh (thuốc hướng thần). Có người uống nhiều đến mức lơ mơ, đi lại giật giờ như người bị tâm thần”.

“Một năm chúng tôi tiếp nhận mấy trăm ca sán não. Đây là căn bệnh hết sức bình thường mà người dân có thể mắc phải. Nó vô cùng nguy hiểm, nhưng người dân lại coi thường, không chú ý giữ gìn”.

Căn bệnh đến bác sĩ cũng… không nghĩ đến

Bệnh ký sinh trùng là căn bệnh âm thầm, chỉ được phát hiện khi vô tình đi khám, chiếu chụp. Bản thân bệnh nhân, gia đình và đến cả các bác sĩ cũng không nghĩ đến bệnh ký sinh trùng. Nhiều câu chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Bà Trần Thị P, SN 1950 (Diễn Châu, Nghệ An) là một trường hợp tiêu biểu, “trở về từ cõi chết” như vậy. Bà P thường xuyên mệt mỏi, ăn uống kém, nôn ngay sau khi ăn, kèm các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đi ngoài, suy nhược cơ thể. Lúc nhập viện, bệnh nhân đã ở tình trạng suy kiệt, da xanh, xuất huyết, điều trị hội chứng trào ngược nhiều tháng trời tại bệnh viện lớn ở Hà Nội nhưng không có biến chuyển. Trước khi quyết định trả bệnh nhân về, các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân đi kiểm tra bệnh ký sinh trùng lần cuối. Kết quả lần kiểm tra này, bệnh nhân bị nhiễm giun lươn ký sinh trong ruột. Chỉ sau 1 ngày điều trị bệnh ký sinh trùng, bệnh nhân đã không còn nôn nữa. Ngày hôm sau, bà P ăn cháo được, rồi ăn cơm và xuất viện “ngoạn mục” sau 10 ngày. Trước khi về, gia đình rất xúc động, bà P rơi nước mắt nói với các bác sĩ: “Các bác sĩ đã tái sinh tôi. Tôi biết ơn vô cùng”.

Trường hợp anh Lê Sơn (Thanh Hóa) chẩn đoán nhầm sán lá gan thành u gan khiến bệnh nhân bị cắt 1/4 lá gan. Sau khi chuyển lên khám tại bệnh viện chuyên về ung bướu, được các bác sĩ chẩn đoán bị u gan bên trái, có vấn đề về tuỵ mật nên anh Sơn quyết định phẫu thuật cắt 1/4 lá gan bị tổn thương vào ngày 8.6. Tuy nhiên sau 5 ngày trải qua ca phẫu thuật quan trọng, anh Sơn được thông báo ‘khối u’ trong gan anh không phải u ác mà là khối tổn thương do sán lá gan làm tổ. Sau đó, anh Sơn được chuyển sang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để điều trị. Ở đây, anh được theo dõi phục hồi gan, sử dụng thuốc diệt sán lá gan lớn. Qua điều trị, các diễn biến lâm sàng của Anh Sơn tiến triển tốt. Về trường hợp này, Ths.BS Trần Huy Thọ cho biết: “Với những bệnh nhân nhiễm sán lá gan thường bị đau hạ sườn phải, đau thượng vị dạ dày vì gan trái gần với dạ dày, nên dễ bị chẩn đoán nhầm thành đau dạ dày. Sán lá gan cũng gây ra những tổn thương gan như những ổ áp xe trong gan, phá hủy tế bào gan nên có thể bị chẩn đoán nhầm thành u gan. Có trường hợp bệnh nhân bị ổ áp xe gan quá lớn bị vỡ, phải mổ. Nếu không cấp cứu kịp có thể bị nhiễm trùng và tử vong”.

“Nếu bệnh nhân được làm các xét nghiệm loại trừ bị sán lá gan thì có thể đã không phải làm một cuộc đại phẫu là cắt một phần lá gan. Qua bệnh nhân này, tôi hy vọng, trước khi đi đến quyết định phẫu thuật cắt bỏ, hãy loại trừ khả năng u trong gan, làm các xét nghiệm để xác định tổn thương gan có phải là do sán lá gan lớn hay không rồi hãy mổ” - BS Thọ chia sẻ.

BS Thọ cùng với các đồng nghiệp ở đây luôn hết sức trăn trở về tình trạng nhiễm các căn bệnh ký sinh trùng hiện nay ở người dân. Theo các bác sĩ, hầu hết, bệnh do ký sinh trùng đều gây ra do thói quen ăn uống của người dân vì bệnh này mắc qua đường tiêu hóa. Nhiều nơi, do phong tục tập quán nên người dân thường sử dụng những món ăn có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán cao như tiết canh, nem chạo, các loại rau thủy sinh như rau cần, rau ngổ… và gỏi cá. Tất nhiên, không phải ai ăn những món này cũng bị bệnh ký sinh trùng mà những người nào ăn phải thực phẩm không tốt, nhiễm ấu trùng sán mới bị.

Đối với các bệnh do ký sinh trùng, bác sĩ Thọ khuyến cáo người dân thấy có biểu hiện bất thường trên cơ thể như nổi u cục nhỏ dưới da, đi ngoài ra đốt sán trắng hay đau đầu thì cần phải đi khám ngay. Nhớ lại nhiều trường hợp đáng tiếc, BS Thọ thở dài tâm sự: “Hiện nay, ý thức về sức khỏe của người dân vẫn còn hạn chế, chỉ khi cảm thấy cơ thể mình ốm yếu rồi mới đến bệnh viện thì đã quá muộn. Có nhiều bệnh nhân đến với chúng tôi sau khi đã có thời gian dài điều trị ở nhà. Do điều trị động kinh bằng thuốc hướng thần nên họ đã bị giảm trí nhớ, liệt, nhìn mờ, co giật… Nếu trước đó phát hiện ra sớm, điều trị sớm thì sẽ đỡ hơn rất nhiều”.

Các chuyên gia cho biết, mỗi bệnh nhân có đáp ứng thuốc khác nhau do tiền sử họ dùng thuốc khác nhau, nếu người nào không bị kháng thuốc thì điều trị tốt hơn. Có nhiều bệnh nhân khỏi hẳn động kinh sau khi điều trị, nhưng có những bệnh nhân thì vẫn bị co giật, do sán não đã để lại di chứng trong não. Chính vì thế, việc phòng chống tại cộng đồng là cực kỳ quan trọng. Bệnh sán não nói riêng và bệnh ký sinh trùng nói chung gây ra những hệ lụy rất lớn đối với cuộc sống. Chẳng may, bệnh nhân lên cơn co giật lúc đang tham gia giao thông hoặc lao động thì cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng. Khi bệnh đã được phát hiện, phải điều trị sớm, điều trị đúng phác đồ và quan trọng hơn nữa là thay đổi tập quán sống. Tuyệt đối không nên ăn đồ sống, uống nước lã, ăn chín uống sôi là an toàn nhất. Tuy nhiên, bệnh ký sinh trùng cũng hồi phục nhanh nếu phát hiện sớm.

Năm 2015, Khoa Điều trị, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tiếp nhận hơn 5.000 ca đến khám và điều trị. Năm 2016, con số đã tăng lên thành 7.000 ca. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, Viện đã tiếp nhận 5.444 ca nhiễm bệnh do ký sinh trùng. Nhiều nhất là bệnh nhân mắc sán não, sán lá gan, giun đũa chó… Báo điện tử Lao động, ngày 10/10/2016 - 7:23: 

http://dantri.com.vn/suc-khoe/can-benh-den-bac-si-cung-khong-nghi-den-20161010072445646.htm

 

 

Bộ Y tế: Tin lời "thầy lang" chỉ “tiền mất tật mang”

Người dân tin vào những bài thuốc dân gian "thầy lang" chưa được kiểm chứng dẫn đến việc chậm điều trị bệnh, tiền mất tật mang. Vừa qua, nhiều "thầy lang" lên mạng internet quảng cáo một số phương pháp gia truyền chữa bách bệnh trong đó chữa cả bệnh ung thư khiến cho nhiều người tin tưởng, bỏ điều trị theo đơn thuốc của các bác sĩ.

Về phía cơ quan quản lý, ngày 10/10, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, một số đối tượng tự ý quảng cáo các phương thuốc chữa bệnh gia truyền mà chưa được cơ quan y tế cấp phép, không có cơ sở khoa học đây là hành vi vi phạm luật khám chữa bệnh và bị xử lý theo quy định. Người dân không nên tin tưởng để “tiền mất tật mang”.

Theo ông Khoa, người dân tin vào những bài thuốc dân gian "thầy lang" chưa được kiểm chứng dẫn đến việc chậm điều trị bệnh, để đến khi bệnh không thể cứu chữa mới tìm tới cơ sở y tế thì đã quá muộn.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng, người dân tin vào "thầy lang" chứng tỏ ý thức bảo vệ sức khỏe vẫn còn nhiều hạn chế. Người dân muốn khỏi bệnh, việc khám chữa bệnh phải đảm bảo quá trình toàn diện từ thăm hỏi, khám lâm sàng để chẩn đoán và chỉ định điều trị cho bệnh nhân.

Ngoài việc, kê đơn còn phải hướng dẫn chi tiết việc dùng thuốc và lưu ý liên quan đến bệnh tật. Việc tự chữa bệnh nghe theo lời đồn thổi sẽ gây những nguy hại tới sức khỏe. Nếu chữa không đúng bệnh, không đúng thuốc sẽ gây những tác hại lớn tới sức khỏe.

Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, việc xử phạt các đối tượng hành nghề y dược, quảng cáo phương pháp chữa bệnh chưa được cấp phép "thầy lang" cao nhất lên tới 40.000.000 đồng.

Để hạn chế việc người dân tin theo phương pháp khám chữa bệnh không có cơ sở qua mạng internet hoặc truyền miệng, thầy lang, ngành Y tế rất mong có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí để tuyên truyền cũng như cảnh báo người dân không nên mù quáng tin tưởng vào những phương pháp phi khoa học, đánh cược sức khỏe bản thân.

Ngoài ra, chính quyền địa phương, cơ quan y tế địa phương cũng phải vào cuộc cùng với Bộ Y tế để cung cấp thông tin, xử lý những đối tượng hành nghề trái phép, giúp người dân nhận ra bản chất vấn đề và có ứng xử phù hợp.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-tin-loi-thay-lang-chi-tien-mat-tat-mang-20161010141640222.htm

Công bố đột phá mới của Khoa học Việt cho bệnh nhân ung thư

Sẽ có 30 cơ hội cho bệnh nhân ung thư trên khắp cả nước được gặp gỡ các chuyên gia y tế hàng đầu tại Việt Nam tại hội thảo: “Công bố kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế tạo phức hệ Nano FGC trong dự phòng và điều trị ung thư” diễn ra vào ngày 11/10.

Ngày 28/09 vừa qua tại Hội chợ Techmart Hà Nội 2016 đã long trọng diễn ra buổi lễ ký kết chuyển giao nguyên liệu Phức hệ Nano FGC dùng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị ung thư giữa Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo TP. Hà Nội.

Tiếp nối sự kiện này, sáng 11/10/2016, tại hội trường lớn Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam sẽ diễn ra Hội thảo khoa học "Công bố kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế tạo phức hệ Nano FGC trong dự phòng và điều trị ung thư" do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.

Tham dự sự kiện có sự góp mặt của các nhà khoa học hàng đầu đến từ Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, các chuyên gia y tế Hội Nội Khoa Việt Nam và Học viện Quân y, các chuyên gia ung bướu, cùng hàng chục cơ quan thông tấn báo chí lớn trên cả nước.

Hội thảo sẽ gồm 3 báo cáo khoa học: "Vai trò của Curcumin, Fucoiddan, Tam thất trên bệnh ung thư" - Báo cáo tổng hợp của GS.TS Đào Văn Phan – Nguyên Trưởng Bộ Môn Dược lý, Đại học Y Hà Nội; "Ứng dụng công nghệ Nano chế tạo Phức hệ Nano FGC" - Báo cáo nghiên cứu của TS Hà Phương Thư – Trưởng phòng Nano Y Sinh - Viện Khoa học Vật Liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ VN; Báo cáo khoa học "Nghiên cứu tác dụng kháng ung thư của sản phẩm CumarGold Kare" – PGS.TS Nguyễn Lĩnh Toàn, Chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý bệnh, Học viện Quân y.

Phân tích về vai trò của 3 hoạt chất Curcumin (Nghệ), Fucoidan (Rong nâu), NotoGinseng (Tam thất), GS.TS Đào Văn Phan chia sẻ:

"Gốc tự do, chất oxi hóa trong cơ thể sẽ phá hoại tế bào, gây đột biến gen và là nguồn gốc phát sinh ung thư. Curcumin, Fucoidan, NotoGinseng đều là những chất chống oxi hóa mạnh, tiêu diệt các gốc tự do để dự phòng Ung thư, đồng thời có tác dụng ngăn ngừa Ung thư phát triển bằng cách ức chế phân bào, ức chế tạo mạch mới, tăng cường miễn dịch.

Ba chất này gần tương tự như nhau, khi dùng trong cùng một phức hệ sẽ hiệp đồng tác dụng, mang lại hiệu quả vượt trội so với việc sử dụng riêng lẻ".

TS Hà Phương Thư cho biết: "Lâu nay việc dùng trực tiếp củ nghệ và tam thất thường không mang lại hiệu quả vì các dược chất Curcumin, NotoGinseng thường khó tan, hấp thu kém.

Do đó, tôi cùng cộng sự đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano nhằm đưa các dược chất từ đặc điểm khó tan thành những chất tan tốt trong nước bằng Phức hệ nano FGC: Nano (Fucoidan-Curcumin-Ginseng) chuyển giao cho công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI chế tạo thành sản phẩm CumarGold Kare dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư".

CumarGold Kare đã được thử nghiệm hoạt tính sinh học chống ung thư tại Học Viện Quân Y, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lĩnh Toàn cho biết:

"Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu tác dụng kháng ung thư của CumarGold Kare trên dòng tế bào ung thư vòm họng, vú, phổi, gan và tuyến tiền liệt người và thử nghiệm trên chuột thiếu hụt miễn dịch (nude mice) mang khối ung thư phổi người.

Kết quả cho thấy, CumarGold Kare có tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư, đặc biệt trên dòng tế bào ung thư phổi A549, ung thư gan Hep-3B, ung thư vòm họng HTB-43. Tế bào ung thư có biểu hiện thưa thớt dần theo thời gian, hình dạng bị biến đổi, thoái hóa.

Trên chuột nude mang khối ung thư phổi người, CumarGold Kare có tác dụng ức chế khối u phát triển, tăng tỉ lệ sống sót so với nhóm chứng.

Đặc biệt nhóm chuột ung thư sử dụng kèm CumarGold Kare với hóa chất kháng ung thư (Doxorubicine) có tỉ lệ tế bào miễn dịch NK và DC cao hơn so với tất cả các nhóm khác, và bao gồm cả nhóm chứng, chứng tỏ CumarGold Kare có khả năng tăng cường đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu".

Công nghệ nano tuy còn khá mới ở Việt Nam, nhưng đã thể hiện vai trò quan trọng trong lĩnh vực y dược học. Điểm đột phá của Phức hệ Nano FGC, được phát triển bởi TS Hà Phương Thư và cộng sự, là sử dụng toàn bộ nguyên liệu là hợp chất từ thiên nhiên, cây cỏ Việt Nam.

Curcumin (Nghệ) được nano hóa thông qua việc sử dụng đồng thời hai loại chất mang có nguồn gốc thiên nhiên là Fucoidan (Rong/Tảo biển nâu) và Saponin Notoginseng (TamThất) giúp tăng độ bền của hệ nano, kiểm soát tốt quá trình giải phóng hoạt chất, giúp curcumin hấp thu tối đa.

Phức hệ Nano FGC có nhiều ưu thế vượt trội so với những hệ dẫn truyền thống do cải thiện độ tan, tối ưu khả năng bao gói, bảo vệ dược chất khỏi những rào cản sinh học, nâng cao thời gian lưu thông của thuốc trong hệ tuần hoàn, tập trung hoạt chất tại vùng khối u thông qua hai cơ chế hướng đích: thụ động và chủ động.

Ban tổ chức sẽ dành 30 vé mời cho các bệnh nhân ung thư may mắn nhất đăng ký tham dự hội thảo: "Công bố kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế tạo phức hệ Nano FGC trong dự phòng và điều trị ung thư" tại link https://goo.gl/forms/GUuGW1c8UwdJmGNg2 hoặc qua tổng đài 18001796.

Hãy nhanh tay đăng ký ngay hôm nay để có cơ hội trao đổi trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành và nhận những phần quà hấp dẫn!

http://soha.vn/cong-bo-dot-pha-moi-cua-khoa-hoc-viet-cho-benh-nhan-ung-thu-20161008114506834.htm

 

BV NHI TRUNG ƯƠNG:

PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, cho biết BV vừa phẫu thuật tim hở thành công cho bé Nguyễn Trần Đăng K., năm tháng tuổi, ở Tuyên Quang.

Đây là trường hợp thứ 300 được chẩn đoán và phẫu thuật thành công bệnh chuyển gốc động mạch, nâng số lượng bệnh nhi được phẫu thuật thành công tại Việt Nam nhiều nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Theo PGS Hải, kỹ thuật này đặc biệt khó, do đường kính của động mạch vành ở trẻ nhỏ chỉ khoảng 1-1,5 mm, không nhìn rõ bằng mắt thường. Các bác sĩ phải dùng kính lúp với độ phóng đại gấp 4-5 lần mới có thể thực hiện được kỹ thuật này, với độ di lệch cho phép 0,2-0,5 mm. Phần lớn các trẻ bị bệnh chuyển gốc động mạch đơn thuần sẽ phải được tiến hành phẫu thuật trong vòng một tháng đầu sau khi sinh. Nếu phẫu thuật được tiến hành thành công, cháu bé sẽ có khả năng sống và phát triển bình thường.

Tại Trung tâm Tim mạch trẻ em - BV Nhi Trung ương, tỉ lệ “sửa chữa” thành công cho bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp này hiện nay đã đạt được trên 93%. Theo thống kê, cứ 10.000 trẻ ra đời thì có khoảng hai trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp này, với 2/3 số trường hợp mắc bệnh là trẻ trai. Khoảng 30% trẻ tử vong ngay trong tuần đầu tiên.

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/phau-thuat-thanh-cong-ca-chuyen-goc-dong-mach-thu-300-657678.html.

http://www.nhandan.com.vn/xahoi/suckhoe/item/30932402-phau-thuat-thanh-cong-ca-chuyen-goc-dong-mach-thu-300.html

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang