Uống nhầm rượu ngâm mã tiền, một người tử vong
http://phununews.vn/tin-tuc/uong-nham-ruou-ngam-ma-tien-mot-nguoi-tu-vong-199772/
Chỉ uống một ngụm rượu, 30 phút sau hai người đàn ông lên cơn co giật, sùi bọt mép. Hai anh em ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, thấy chai rượu dưới gầm ôtô tưởng rượu thuốc nên lấy uống mỗi người khoảng một ngụm. 30 phút sau, cả hai lên cơn co giật, sùi bọt mép. Người nhà đưa vào bệnh viện huyện cấp cứu sau đó chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới chiều 7/7.
Các bác sĩ cho biết hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tím tái toàn thân, mạch không, huyết áp không đo được, ngừng thở, phải tích cực cấp cứu ngừng tuần hoàn. Sau gần một giờ cấp cứu, tim hai bệnh nhân đập trở lại. Tuy nhiên do tình trạng quá nặng, người em 65 tuổi đã tử vong, người anh 70 tuổi vẫn guy kịch.
Theo người nhà, đây là loại rượu ngâm với mã tiền dùng để xoa bóp tay chân hàng ngày và để dưới gầm ôtô. Hai anh em không biết đã lấy uống nhầm.
Cây mã tiền có tên khoa học là Strychnos nux vomica L, thường mọc ở vùng rừng núi. Hạt mã tiền chứa Strychnine là vị thuốc có độc tính cao. Người dân thường ngâm hạt mã tiền với rượu để chữa bệnh tê thấp, đau nhức xương khớp, bệnh ngoài da.
Người uống rượu ngâm hạt mã tiền thường bị đau đầu, ói mửa, co cứng cơ. Trường hợp nặng sẽ ngưng thở dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
TP.HCM: Xuất hiện ca tử vong do cúm B
http://infonet.vn/tphcm-xuat-hien-ca-tu-vong-do-cum-b-post231610.info
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết đã có một trường hợp bệnh nhân nữ viêm hô hấp cấp tính nặng tử vong.
Qua điều tra dịch tễ, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố ghi nhận, chồng và con gái bệnh nhân cũng bị viêm hô hấp nhẹ; cả gia đình đều chưa được tiêm vắc xin ngừa cúm. Các bệnh nhân đều được lấy mẫu và gửi đến Viện Pasteur TP.HCM để làm xét nghiệm.
Thông tin ban đầu, sau một chuyến du lịch trở về, người phụ nữ 38 tuổi có các biểu hiện cúm như sốt, viêm hô hấp. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng phổi mờ hai bên, lượng bạch cầu rất thấp. Ngay sau đó, bệnh nhân đã tử vong.
Chồng và con gái của bệnh nhân cũng bị sốt và ho nhẹ. Các bệnh nhân đều được lấy mẫu và gửi đến Viện Pasteur TPHCM để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân 38 tuổi tử vong do nhiễm virus cúm B. Chồng và con gái bệnh nhân hiện cũng đang có kết quả nhiễm virus tương tự.
Sau khi bệnh nhân 38 tuổi tử vong, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM ngay lập tức đã tiến hành thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gồm: xử lý thi hài, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và thực hiện chế độ kiểm dịch đối với những người tiếp xúc bệnh nhân.
Trung tâm Y tế Dự phòng nhận định đây là một chùm ca bệnh cúm B, trong đó một trường hợp biến chứng nặng xảy ra trên bệnh nhân bị viêm hô hấp trước đó.
Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh mãn tính nên đi tiêm ngừa bệnh cúm để phòng bệnh mỗi năm. Bên cạnh đó, thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như: che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi ho, hắt hơi hoặc sau khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh.
Khi có các triệu chứng sốt, ho, đau họng cần sớm đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Bệnh có thể được dự phòng bằng vắc xin cúm.
Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch tại Cần Thơ
http://cand.com.vn/y-te/sot-xuat-huyet-co-nguy-co-bung-phat-thanh-dich-tai-can-tho-448929/
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết (SXH) gây ra, nhưng dự báo tại Cần Thơ bệnh SXH có nguy cơ bùng phát thành dịch khi đã vào mùa mưa, muỗi có điều kiện thuận lợi để sinh sôi, nảy nở
Tính đến đầu tháng 7-2017, số ca mắc SXH ở TP Cần Thơ tăng đến 30% so với cung kỳ 2016. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do SXH gây ra, nhưng dự báo tại Cần Thơ bệnh SXH có nguy cơ bùng phát thành dịch khi đã vào màu mưa, muỗi có điều kiện thuận lợi để sinh sôi, nảy nở.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, 7 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị gần 1.000 ca bệnh SXH nội trú; trong đó, số ca tiếp nhận điều trị nội trú cho các bệnh nhi đến từ Cần Thơ với 600 ca. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng tiếp nhận, điều trị ngoại trú gần 3.000 ca bệnh liên quan đến SXH (tăng 10% so với cùng kỳ) cho các bệnh nhi đến từ các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, An Giang… Số ca mắc SXH mà bệnh viện tiếp nhận, điều trị chủ yếu ở nhóm dưới tuổi 15, với tỉ lệ 83,88%.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết: “Năm nay thời tiết diễn biến khá thất thường, mưa trái mùa xuất hiện với tần xuất dày đặc khiến muỗi truyền bệnh SXH có điều kiện sinh sản nhanh. Mặc dù có tuyên truyền để người dân tích cực diệt lăng quăng, nhưng do mưa thất thường các vật chứa vẫn còn, tạo điều kiện cho lăng quăng truyền bệnh phát triển”.
Trước tình hình dịch bệnh SXH có chiều hướng gia tăng, UBND TP Cần Thơ và Sở Y tế Cần Thơ đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch SXH; tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng; triển khai phòng chống SXH trên địa bàn 9/9 quận, huyện.
Để chủ động phòng chống bệnh SXH hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành Y tế Cần Thơ, thì mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình, như: đẩy mạnh diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ trong màn kể cả ban ngày… để góp phần ngăn SXH bùng phát thành dịch.
4 người nhập viện do rượu ngâm củ lạ
http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/gia-lai-4-nguoi-nhap-vien-do-ruou-ngam-cu-la-217136.html
http://laodong.com.vn/suc-khoe/gia-lai-10-nguoi-ngo-doc-vi-uong-ruou-ngam-cu-la-680693.bld
Ngày 10/7, Trung tâm Y tế TP.Pleiku (Gia Lai) xác nhận đang điều trị 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chóng mặt, nôn mửa và đi ngoài liên tục, có thể do ngộ độc rượu.
Trước đó, những người này đi ăn tiệc khai trương một cửa hàng tại TP. Pleiku. Bữa tiệc bày nhiều thức ăn cùng với bia, rượu, trong đó có chiết rượu ngâm từ một loại củ... ra uống. Đa số những người ngộ độc đều uống loại rượu ngâm này.
Chỉ sau 30 phút ăn uống, các nạn nhân bắt đầu có triệu chứng ngộ độc, ngay lập tức được chuyển đi cấp cứu.
Trong đó, có 1 nạn nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, 3 người khác được cấp cứu tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku và đều trong tình trạng chóng mặt, nôn ói, đau bụng và đi ngoài.
Bác sĩ Lê Thị Thúy Anh - Trung tâm y tế TP.Pleiku cho biết, sau khi tiếp nhận 3 ca ngộ độc, Trung tâm Y tế TP.Pleiku đã tiến hành ghi nhận tình trạng ban đầu, lấy các mẫu để kiểm tra. "Hiện tại, chúng tôi chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc nghi do rượu và điều trị theo phác đồ điều trị ngộ độc chung. Sau khi có các kết quả xét nghiệm, chúng tôi mới có thể đưa ra kết luận và tiến hành điều trị cụ thể cho các bệnh nhân này", bác sĩ Thúy Anh cho hay.
Theo lời ông Nguyễn Văn H. (chủ bữa tiệc) cho biết: “Bữa tiệc này có khoảng 30 người, toàn thân cận với gia đình. Ăn uống chưa xong mọi người đã kêu đau đầu, nôn mửa nên chúng tôi đưa họ đi cấp cứu. Món ăn do gia đình mua ở chợ và siêu thị về nấu, có uống rượu do gia đình ngâm thảo dược”.
Thực hư thông tin tiêm vắc xin gây tự kỷ ở trẻ?
http://bnews.vn/thuc-hu-thong-tin-tiem-vac-xin-gay-tu-ky-o-tre-/50466.html
Thông tin tiêm vắc xin gây tự kỷ ở trẻ xuất hiện gần đây trên mạng xã hội khiến nhiều bà mẹ hoang mang, lo lắng.
Gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều cá nhân, hội nhóm kêu gọi chống tiêm vắc xin cho trẻ, chia sẻ các thông tin chưa kiểm chứng của tổ chức nước ngoài về việc vắc xin gây động kinh, tự kỷ ở trẻ. Do vậy, nhiều bà mẹ hoang mang, dao động, không cho con đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
Trước tình hình trên, ngày 10/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo 3 yêu cầu cơ bản bao gồm: nâng cao chất lượng tiêm chủng, bảo đảm an toàn tiêm chủng, từ đó nâng cao tỷ lệ tiêm chủng.
Tất cả các loại vắc xin đều phải đảm bảo tính an toàn và hiệu lực; đặc biệt phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, giống như thuốc, không có một loại vắc xin nào có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bởi vì, tiêm vắc xin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể.
Thông thường mỗi cá thể phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ (như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm) và tự khỏi trong 24 giờ. Tuy nhiên, một số rất ít cơ thể phản ứng mạnh với vắc xin như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong.
Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin lại có trẻ có phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi tất cả các trẻ khác hoàn toàn bình thường. Đó là do phản ứng của từng người với vắc xin chứ không phải do chất lượng vắc xin.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Việc kết luận các nguyên nhân của trường hợp đáng tiếc sau khi tiêm vắc xin cần sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, công tâm từ phía các bác sĩ, chuyên gia, không thể đưa ra những suy luận cảm tính, để từ đó gây ra những hoang mang hoặc hiểu lầm không cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sự miễn dịch chung của cả cộng đồng.
Tại Việt Nam, thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể: Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.
Kết quả giám sát các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cũng cho thấy: Tỷ lệ mắc hầu hết là các bệnh có vắc xin phòng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều giảm qua các năm. So sánh năm 1985 (năm bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc) với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần.
Tuy nhiên, nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn. Cụ thể như: Nguy cơ vi rút bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành bại liệt vào Việt Nam là rất lớn; uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh có vắc xin phòng được triển khai trong tiêm chủng mở rộng; đặc biệt, uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%).
Do vậy việc tiêm chủng phòng bệnh là hết sức quan trọng trong việc duy trì các thành quả đã đạt được, không để dịch bệnh bùng phát lại tại một cộng đồng nhỏ sẽ trở thành sự kiện y tế công cộng của Việt Nam.
Chính vì vậy, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch là tiêm chủng bắt buộc. Các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Ngày nay, mạng xã hội phổ biến là môi trường thuận lợi để tạo tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, thông tin xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng.
Do đó, mỗi người dân cần cẩn trọng trước những tin tức, trào lưu trên mạng xã hội. Các thư viện, các nguồn tin chính thống đều được rộng mở cho việc tra cứu, kiểm chứng mọi nghi vấn về sức khỏe của cá nhân và gia đình…/.
Miền Bắc: Khan hiếm máu nghiêm trọng vào mùa hè
http://news.zing.vn/mien-bac-khan-hiem-mau-nghiem-trong-vao-mua-he-post761687.html
Mỗi ngày Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cần 1.500-1.800 đơn vị máu phục vụ nhu cầu cấp cứu, điều trị tại hơn 170 bệnh viện phía Bắc.
Sáng 10/7, tại lễ tiễn đoàn hành trình từ Hà Nội đi Phú Thọ - điểm xuất quân của Hành trình Đỏ 2017 khu vực phía Bắc, Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội), cho biết hiện tại nhu cầu máu phục vụ cho bệnh nhân điều trị tại các tỉnh, thành phố đang tăng đáng kể, cao hơn so với mọi năm.
Theo GS Trí ngoài việc tình trạng thiếu máu luôn phổ biến vào mùa hè do nguồn người hiến máu tình nguyện giảm, thời điểm này được đánh giá là mùa khám chữa bệnh chính của người dân.
Trung bình mỗi ngày Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cần 1.500-1.800 đơn vị máu phục vụ nhu cầu cấp cứu, điều trị tại hơn 170 bệnh viện phía Bắc. Hiện lượng máu dự trữ tại đây còn khoảng 7.200 đơn vị. Trong tháng 8 và tháng 9, trung bình mỗi tháng viện cần 30.000 đơn vị máu. Đến nay, lịch hiến máu đã xác nhận chỉ đáp ứng được một nửa.
Hành trình Đỏ 2017 với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt” bắt đầu xuất quân từ ngày 1/7, kết thúc vào ngày 31/7. Đây là chương trình trọng tâm trong chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” do Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện vận động với kỳ vọng đủ lượng máu cung cấp cho người bệnh cả nước.
Trải qua 4 kỳ tổ chức (2013-2016), Hành trình Đỏ đã tổ chức tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước, tiếp nhận được 74.965 đơn vị máu, mang lại sự sống cho hàng ngàn người bệnh cần truyền máu.
Năm nay, chương trình có 140 tình nguyện viên (80 nam, 60 nữ) được tuyển chọn qua hơn 5.000 phiếu đăng ký. Đoàn sẽ đi qua 50 tỉnh, thành phố và dừng chân tại 28 địa điểm, dự kiến tiếp nhận được khoảng 45.000 đơn vị máu. Hiện tại, số lượng máu thu được là gần 6.000 đơn vị.
Bệnh viện "nhiệt tình" đến nỗi con tôi chết rồi vẫn tiêm thuốc!
Trước cái chết tức tưởi của cháu bé 3 tuổi, người nhà bệnh nhân đã tìm gặp lãnh đạo bệnh viện để hỏi nguyên nhân nhưng "nhận được con số 0".
Liên quan đến vụ cháu Ngô Minh Triết (3 tuổi) chết bất thường ở Bệnh viện Nhi Quảng Nam (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) mà Báo Người Lao Động đã thông tin, sáng 10-7, ba cháu bé là anh Ngô Minh Thiện (SN 1988; ngụ thôn Tân Bình Trung, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và vợ là chị Nguyễn Thị Thúy Vy (SN 1987) cùng người thân đã đến gặp lãnh đạo bệnh viện trên để hỏi vì sao con mình tử vong khi chỉ mắc bệnh nhẹ.
Sau buổi gặp, vợ chồng anh Thiện cho biết họ chỉ "thu lại con số 0". Theo anh Thiện, sáng cùng ngày, vợ chồng anh chị lên bệnh viện gặp và hỏi hàng loạt câu hỏi về cái chết của con trai nhưng bệnh viện cho biết chiều nay mới họp. Sau thời gian đó, người nhà phải đặt lịch hẹn trước từ 1-2 ngày thì bệnh viện mới sắp xếp để trả lời.
Chị Vy tỏ ra hết sức bức xúc cho rằng bệnh viện đã tắc trách khiến con chị chết tức tưởi. "Gia đình tôi muốn biết rõ vì sao khi vào viện họ khám cho con tôi và nói viêm kết mạc, apxe mi mắt trên. Nhưng sau đó siêu âm lại nói viêm đường ruột nhưng dẫn đến cái chết cho con rất đường đột và bất thường", Chị Vy nói. Theo chị Vy, con chị nhập viện chỉ chưa đầy 18 tiếng thì đi rồi. Vì sao từ khi chích mũi thuốc khoảng 21 giờ, khi cháu sốt cao lên, người cứ tím dần, tôi gọi điều dưỡng lần đầu nói do sốt cao, lần thứ hai gọi cũng nói do sốt cao, lần thứ 3 gọi cũng nói do sốt cao cứ giặt khăn lau, lau từ 39 độ lên 41 độ vẫn không hạ mà người cháu cứ tím dần.
Đặc biệt hơn, sau lần đầu tiên hô hấp, máu trong người con chị Vy trào ra, dưới trào phân thì bác sĩ khẳng định lúc đó nghe nhịp tim còn thở nên vẫn hô hấp, nhưng sau đó bác sĩ lại gọi gia đình vô nói chắc là con chị không qua khỏi.
" Sau khi cháu chết hơn nửa tiếng đồng hồ thì mới chụp phim ruột, chụp phim phổi của cháu rồi lấy máu. Sau khi làm xét nghiệm, người thì lấy máu, người chụp phim, rất nhiều điều dưỡng chích thuốc vào người cháu. Từ khi cháu nhập viện đến khi còn sống thì chích tối đa 3 mũi thuốc, nhưng khi đã chết rồi thì chích rất nhiều mũi, chích mà thuốc không vào thì các điều dưỡng lấy tay đẩy cho thuốc chạy. Thắc mắc của gia đình là vì sao con tôi chết rồi mới chích, chụp phim rồi lấy máu để làm gì nữa?" – chị Vy nói về hàng loạt câu hỏi mà chị đặt ra nhưng lãnh đạo Bệnh viện Nhi Quảng Nam chưa trả lời.
Nói về thái độ phục vụ của bệnh viện, chị Vy trào nước mắt uất ức: "Khi con tôi đã chết rồi thì họ xuống làm rất nhiệt tình nhưng khi đó cháu đã mất rồi. Cháu đã chết rồi thì họ tới người bóp trên, người bóp dưới. Họ "nhiệt tình" ghê lắm, "nhiệt tình" đến nỗi khi cháu chết rồi họ chích rất là nhiều mũi thuốc, họ còn đi chụp phim cho cháu rồi lấy máu nữa mà. Họ "nhiệt tình" lắm! Họ "nhiệt tình" mà khi cháu "đi" rồi họ mới làm những chuyện đó, còn khi cháu còn sống kêu họ vô họ chỉ nói sốt cao thôi mà không hề sờ nắn gì để xem cho cháu".
Chị Vy và chồng cho biết gia đình rất đau lòng và bức xúc, mong muốn bệnh viện trả lời thỏa đáng cũng như đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ cái chết của con trai chị.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sáng 6-7, thấy con trai bị đau mắt và sốt cao nên vợ chồng anh Thiện đưa cháu đến thăm khám tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam. Tại đây, các bác sĩ cho nhập viện điều trị với chẩn đoán apxe mi trên mắt trái. Đến 1 giờ 10 phút rạng sáng 7-7, cháu bé bất ngờ tử vong. Theo ông Nguyễn Đình Thoại, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam, theo chẩn đoán cuối cùng sau khi cháu bé đã tử vong, bệnh chính của cháu là nhiễm trùng máu, bệnh kèm là apxe mi trên mắt trái, biến chứng suy hô hấp tuần hoàn. Ông Thoại cho hay bệnh nhiễm trùng máu biến chứng từ apxe mi trên mắt trái, bệnh viện "có lường trước" nhưng bệnh diễn biến và tử vong nhanh, bệnh viện "trở tay không kịp". Ông Thoại nói phải kiểm thảo tử vong mới biết nguyên nhân nhưng cho rằng không phải do thuốc và do năng lực bác sĩ mà do... bệnh nặng.
Xử lý nghiêm nếu có sai phạm
Sáng 10-7, chủ động liên hệ với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết đã chỉ đạo cho lãnh đạo Bệnh viện Nhi Quảng Nam tiến hành kiểm thảo tử vong để xác định rõ mọi vấn đề, giải thích cho người nhà và thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm túc.
Kịp thời đỡ đẻ cho sản phụ bị vỡ ối giữa khuya
Chị A. chỉ có dấu hiện đau bụng nhẹ trước khi nhập viện khoảng một giờ nên định đi khám bệnh vì nghi do bệnh đường tiêu hóa.
Trưa 10-7, tin từ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết sức khỏe của sản phụ H.T.N.A. (22 tuổi, ngụ xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) và bé gái vừa sinh của sản phụ này đã tiến triển tốt.
Trước đó vào lúc 0 giờ 25 phút, ngày 9-7, chị A. được chồng dùng xe máy đưa đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long trong tình trạng ối đã vỡ.
Sản phụ cho biết chị sinh con lần 2, lần sinh trước chị cũng sinh thường và sinh nhanh như vậy. Lần này thai 37,5 tuần tuổi, chị A. chỉ có dấu hiện đau bụng nhẹ trước khi nhập viện khoảng một giờ nên định đi khám bệnh vì nghi do bệnh đường tiêu hóa chứ không có bất kỳ dấu sinh gì trước đó.
Khi gần đến bệnh viện, sản phụ A. bị vỡ ối và khi vào cấp cứu thì đầu bé sắp ra khỏi âm hộ sản phụ. Sản phụ A. được bác sĩ Phúc Hậu (bác sĩ trực cấp cứu) và ê-kíp điều dưỡng cấp cứu nhanh chóng đỡ đẻ cho sản phụ tại giường bệnh cấp cứu. Theo đó, bé gái chào đời nặng 2,4 kg, khóc to, da hồng hào. Khoảng 3 phút sau thì bác sĩ chuyên khoa sản cùng nữ hộ sinh đến để cắt rốn, đưa bé về phòng dưỡng nhi để chăm sóc và đưa sản phụ về khoa sản để tiếp tục giai đoạn sổ nhau. Sáng 10-7, bé đã được đưa ra ngoài cùng mẹ để tập bú, gia đình rất vui.
Bị phạt nếu dùng nước không hợp vệ sinh để rửa rau
http://plo.vn/an-sach-song-khoe/bi-phat-neu-dung-nuoc-khong-hop-ve-sinh-de-rua-rau-714240.html
Thời gian gần đây không ít hộ sản xuất, kinh doanh rau vì tiện lợi nên thường rửa rau tại những nơi có nguồn nước thiếu vệ sinh an toàn. Sự việc này sẽ gây nhiều nguy hại sức khỏe cho người tiêu dùng và cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Để tiện lợi, sau khi thu hoạch rau nhiều người dân dùng rau đó rửa ngay nguồn nước cạnh nơi trồng. Điều đáng nói là nguồn nước để rửa những loại rau đó có nơi bị ô nhiễm rất nặng, màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Sau khi rửa xong người bán bó rau lại và mang ra chợ bán.
Theo các chuyên gia việc rửa rau tại những nguồn nước bị ô nhiễm như thế tỷ lệ nhiễm bẩn, giun sán, vi sinh vật sẽ rất cao. Khi người dùng mua về sử dụng , khi rửa có thể sẽ không loại bỏ được hết những loại giun sán và vi sinh vật này dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Bên cạnh đó một số nơi buôn bán thực phẩm như lẩu, hủ tiếu, cơm,…có nơi còn dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh để rửa rau sống cho khách dùng. Em Lê Chí Tâm, sinh viên một trường đại học cho biết “Hầu như ngày nào em cũng ăn cơm ở quán sinh viên gần trường, quán có nhiều món ăn sử dụng rau sống, một lần vô tình em xuống xin nước để rửa tay thì thấy chủ quán đang rửa rau sống bằng một thau nước toàn cặn. Rửa xong rồi mang lên cho khách ăn. Kể từ đó em không dám ăn cơm ở quán này”.
Ngoài việc dùng nước cặn bẩn để rửa rau còn có một số người dùng nước đã qua một lần sử dụng như dùng để rửa sơ chén bát, dùng để rửa ly để rửa rau. Điều này gây mất vệ sinh cho người sử dụng.
Quy định xử lý hành vi
Theo Luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM cho biết, tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm:
Hành vi sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để chế biến hoặc chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín sẽ bị phạt tiền 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
Ngoài phạt tiền còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 01 tháng đến 03 tháng trong trường hợp tái phạm đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Bện cạnh đó người vi phạm còn phải chịu chế tài khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, hỏng, ôi, thiu, thối; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm
Bị sâu răng hết run lẩy bẩy khi phải nhổ vì đau
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/bi-sau-rang-het-run-lay-bay-khi-phai-nho-vi-dau-714217.html
Kỹ thuật laser được sử dụng trong các chỉ định điều trị bệnh lý về răng sẽ không chạm vào răng bệnh nhân khi nhổ, độ chính xác lại cao.
Sáng 10-7, PGS-TS Ngô Thị Quỳnh Lan, Trưởng khoa Răng hàm mặt Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết thông tin trên tại hội thảo “Những ứng dụng của laser trong nha khoa hiện đại”.
Theo bà Lan, so với các phương pháp truyền thống như dùng khoan, dao mổ trong điều trị bệnh lý về răng, kỹ thuật laser có nhiều ưu điểm vượt trội như không dùng thuốc tê, không chảy máu, ít gây đau và thời gian hồi phục cũng nhanh hơn.
Ngoài ra, sử dụng kỹ thuật laser còn hiệu quả và an toàn trong quá trình điều trị. Bên cạnh kinh nghiệm của bác sĩ, hệ thống máy laser sẽ cung cấp những ứng dụng với các thông số cơ bản cũng như tối ưu hóa theo chỉ định điều trị cho từng trường hợp. Bác sĩ sẽ không phải tốn nhiều sức như khi sử dụng các thiết bị truyền thống.
"Máy điều trị các bệnh lý về răng sử dụng kỹ thuật laser có thể thực hiện nhiều ứng dụng điều trị khác nhau như nha khoa bảo tồn, nội nha, nha chu, phẫu thuật mô mềm, implant nha khoa, thẩm mỹ vùng hàm mặt. Với hơn 80 chương trình ứng dụng được cài đặt sẵn, màn hình cảm ứng chạm và giao diện rõ ràng sẽ mang lại nhiều tiện ích cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ trong quá trình điều trị” – bà Lan nhận định.
Cũng tại hội thảo, khoa Răng hàm mặt Trường ĐH Y dược TP.HCM đã nhận chuyển giao công nghệ máy Laser LightWalker của hãng FOTONA (Hoa Kỳ) để sử dụng trong hoạt động giảng dạy và điều trị.
TPHCM: “Bêu tên” 15 phòng khám đa khoa yếu kém chất lượng
http://dantri.com.vn/suc-khoe/beu-ten-15-phong-kham-da-khoa-yeu-kem-chat-luong-20170710114746788.htm
Với mục tiêu giúp người bệnh biết và lựa chọn cơ sở khám, điều trị phù hợp, tránh tiền mất tật mang, sau khi thanh tra Sở Y tế đã công bố những phòng khám đa khoa yếu kém chất lượng. Đây được xem là giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM (ngày 10/7 ) cho hay, trong 6 tháng đầu năm, sở đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng khám chữa bệnh tại 24 phòng khám đa khoa trên địa bàn theo 20 tiêu chí áp dụng cho phòng khám đa khoa (Hội quản lý chất lượng khám chữa bệnh Sở Y tế ban hành, phiên bản 2.0).
Kết quả đánh giá chất lượng cho thấy, chỉ có 3 phòng khám đa khoa được xếp vào nhóm 1, đạt hầu hết các chuẩn chất lượng thiết yếu; 6 phòng khám đa khoa được xếp vào nhóm 2, đạt một số chuẩn chất lượng thiết yếu; 15 phòng khám xếp vào nhóm 3 (chiếm 62,5%) chỉ đạt số ít chuẩn thiết yếu.
Cùng với những yếu kém về chất lượng, nhiều phòng khám thực hiện quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa được Sở Y tế xác nhận nội dung quảng cáo hoặc quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn phòng khám được phép thực hiện; chưa công bố đầy đủ, rõ ràng giá các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại phòng khám, chưa tiến hành các hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm và an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm.
Ngoài ra, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các phòng khám chưa tuân thủ phác đồ điều trị và quy trình kỹ thuật, còn tình trạng kê đơn thuốc chưa phù hợp chẩn đoán; chưa sẵn sàng các điều kiện để cấp cứu người bệnh kịp thời; thực hiện kỹ thuật chuyên môn chưa được Sở Y tế phê duyệt; chưa phân công người thực hiện kỹ thuật điều trị can thiệp, xâm lấn, đặc biệt khi có sự thay đổi hoặc bổ sung nhân sự mới tại phòng khám.
Bên cạnh việc yêu cầu các phòng khám còn yếu kém khắc phục, nâng cao chất lượng, Sở Y tế yêu cầu Phòng Y tế quận, huyện tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động đối với các phòng khám đa khoa trên địa bàn dựa trên kết quả đánh giá chất lượng. Sở Y tế cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các phòng khám đã được chỉ ra những tồn tại cần khắc phục.
Danh sách các phòng khám đa khoa chỉ đạt số ít chuẩn chất lượng thiết yếu:
1. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty Cổ phần Phòng khám Đa khoa Thiên Ý Củ Chi
2. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Polycare
3. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Thanh Bình
4. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Hữu Nghị
5. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Đầu tư y tế Trần Diệp Khanh
6. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Sản xuất –Thương mại – Dịch vụ Riết Thân
7. Phòng khám đa khoa thuộc thuộc Chi nhánh VII- Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo – Thủ Đức
8. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Thuận Kiều
9. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Thanh Hồng Tiên Dung
10. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Y tế Thiện Phước
11. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Y tế & Thương mại Nhân Việt
12. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Y tế Phòng khám đa khoa Thiện Tâm
13. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Thiên Phúc
14. Phòng khám đa khoa thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Y tế Một không năm
15. Phòng khám đa khoa thuộc Doanh nghiệp tư nhân Thiên Hậu
Vẫn còn phòng khám thực hiện sai phác đồ điều trị
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/van-con-phong-kham-thuc-hien-sai-phac-do-dieu-tri-714128.html
Tình trạng một số phòng khám tư nhân chưa tuân thủ phác đồ điều trị và quy trình kỹ thuật, việc kê đơn thuốc chưa phù hợp chẩn đoán... vẫn còn xảy ra.
Đó là một trong những tồn tại sau đợt đánh giá chất lượng 24 phòng khám đa khoa trên địa bàn TP.HCM do Sở Y tế TP thực hiện trong tháng 6-2017 được công bố vào sáng 10-7.
Theo Sở Y tế TP.HCM, ngoài những tồn tại nêu trên, vẫn còn nhiều phòng khám quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa được Sở Y tế xác nhận nội dung, không những thế còn quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn, chưa công bố đầy đủ, rõ ràng giá các dịch vụ kỹ thuật thực hiện tại phòng khám… Sở Y tế đã yêu cầu các phòng khám này cần nhanh chóng khắc phục tồn tại, cải tiến chất lượng để đạt các tiêu chí mà Sở Y tế đã ban hành.
Tới đây, Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với các phòng khám vi phạm. Đồng thời yêu cầu phòng y tế các quận, huyện tăng cường quản lý, giám sát các phòng khám đa khoa trên địa bàn dựa trên kết quả đánh giá chất lượng của Sở Y tế TP và kịp thời báo cáo về Sở.
Ung thư 'nhiều hơn đám cưới'
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/ung-thu/ung-thu-nhieu-hon-dam-cuoi-3611319.html
Thống kê ở Anh cho thấy lượng bệnh nhân ung thư còn nhiều hơn số đám cưới và phụ nữ sinh con đầu lòng.
Theo Independent, phân tích từ quỹ từ thiện Macmillan Cancer Support cho thấy năm 2014 nước Anh có 361.216 ca ung thư được phát hiện trong khi chỉ 289.841 đám cưới diễn ra. So sánh với số sinh viên vừa tốt nghiệp hay phụ nữ mới sinh con đầu lòng, lượng bệnh nhân ung thư cũng nhiều hơn đáng kể. Năm 2015 có 271.050 em bé đầu lòng chào đời tại Anh trong khi 319.011 người được chẩn đoán ung thư.
Ung thư trở thành căn bệnh khiến người Anh lo lắng nhất, vượt qua bệnh Alzheimer, đột quỵ, trầm cảm lẫn các vấn đề tim mạch. 10% dân số nước này thừa nhận ung thư đáng sợ hơn cả việc mất người thân, cái chết và khủng bố.
Từ năm 2006 đến 2015, hơn 1,2 triệu công dân xứ sở sương mù dưới 65 tuổi bị ung thư, trong đó 343.000 người 20-40 tuổi. Dự báo 50% người Anh sẽ mắc ung thư ở một thời điểm nào đó trong đời. 90% bệnh nhân được quỹ Macmillan khảo sát cho biết vẫn duy trì cuộc sống bình thường.
Jane Ives 49 tuổi được chẩn đoán ung thư vú từ năm 2014. Cô nói: "Ung thư có lẽ là điều khủng khiếp nhất xảy ra với tôi. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là không được nhìn thấy các con trưởng thành. Thế nhưng, dù nỗi sợ ấy không bao giờ rời đi, bạn nhận ra cuộc đời vẫn tiếp tục để biết trân trọng ngày hôm nay hơn".
"Ung thư thay đổi cuộc sống nhưng không kết thúc cuộc sống", Lynda Thomas, Giám đốc điều hành Macmillan Cancer Support nhấn mạnh. "Cuộc sống với ung thư vẫn cứ là cuộc sống. Bạn mãi là một ông bố, một cô chị hay một người bạn".
Trước tình hình ung thư ngày càng phổ biến, bà Lynda khuyến cáo cộng đồng tăng cường tìm hiểu về cách ứng phó khi nhận tin dữ để tránh hoang mang, hoảng loạn.
Chàng trai chuyển giới sinh con nhờ tinh trùng xin được
Tìm kiếm nhà tài trợ tinh trùng qua Facebook, Hayden Cross 21 tuổi (Anh) hạ sinh thành công một bé gái.
Bằng việc hạ sinh bé gái Trinity-Leigh Louise Cross, Hayden Cross 21 tuổi đã trở thành người đàn ông đầu tiên mang bầu và đẻ con ở Anh.
Theo Metro, Hayden là nữ nhưng chuyển giới thành nam. Vì mong muốn có con, anh quyết định tạm dừng quá trình chuyển giới vào tháng 9/2016 và lên Facebook tìm kiếm nhà tài trợ tinh trùng. Tháng 1 năm nay, Hayden tiết lộ đang mang thai 4 tháng. Ngày 16/6, Hayden hạ sinh bé Trinity-Leigh Louise Cross tại Bệnh viện Hoàng gia Gloucestershire. Chia sẻ tin tức với truyền thông, bà ngoại Hayden là Pam Edgeworth cho biết cả hai "bố con" đều khỏe mạnh.
Không phải mọi thành viên trong gia đình đều ủng hộ ý định sinh con của chàng trai 21 tuổi. "Tôi lo sợ đứa trẻ sẽ lớn lên với sự bối rối", Sean Hodson, bác của Hayden thành thật, "Đến tôi còn thấy bối rối". Tuy vậy, Hayden khẳng định rất tự tin vào quyết định của bản thân.
Hiện bé Trinity-Leigh đã được đăng ký giấy khai sinh với tên mẹ là Hayden còn tên bố bỏ trống. Sắp tới, Hayden tiếp tục quá trình chuyển giới.