Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 12/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Vì sao trẻ nhập viện vì xuất huyết não, hôn mê?; Bộ Y tế phát động tháng hành động quốc gia về Dân số và ngày dân số Việt Nam; Quảng Ngãi: Hội chứng viêm da dày sừng có nguy cơ bùng phát trở lại; …

 

Bộ Y tế phát động tháng hành động quốc gia về Dân số và ngày dân số Việt Nam

http://moh.gov.vn/news/pages/tinhoatdongv2.aspx?ItemID=2368

Sáng ngày 09/12/2017, Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ Mít tinh phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam.

Tham dự buổi lễ có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy Viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam; ông Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Ngô Văn Quý- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Dân số-KHHGĐ và gần 1000 đại biểu đại diện lãnh đạo các Bộ/Ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các Sở/Ngành của Hà Nội; đại diện lãnh đạo các Vụ, Đơn vị thuộc Bộ Y tế và Tổng cục DS-KHHGĐ; đại diện Lãnh đạo Sở Y tế và Chi cục DS-KHHGĐ của 15 tỉnh/thành phố; các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội. Đặc biệt với sự góp mặt của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, thanh thiếu niên Thủ đô.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: "Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương vừa qua đã ban hành Nghị quyết số 21- NQ/TW, ngày 25/10/2017 về Công tác Dân số trong tình hình mới, đã xác định: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững… đã thể hiện sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Đảng và Nhà nước ta nhằm giải quyết các vấn đề của dân số đang đặt ra đối với phát triển đất nước trong tình hình mới; xác định các nội dung và trọng tâm mới, đề ra các giải pháp toàn diện nhằm đưa công tác dân số và phát triển lên tầm cao mới đáp ứng tích cực việc xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

Phát biểu tại buổi lễ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đề nghị toàn ngành Dân số tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức quán triệt sâu rộng trong toàn ngành về Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nhằm tham mưu hiệu quả việc cụ thể hóa các giải pháp để triển khai toàn diện tại địa phương, cơ sở; đẩy mạnh chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; đồng thời tăng cường các giải pháp đồng bộ, đảm bảo duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con để quy mô dân số đạt 104 triệu người vào năm 2030; bên cạnh đó cần đổi mới toàn diện và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ, các loại hình cung cấp dịch vụ phục vụ việc ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số; nnâng cao chất lượng tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, đa dạng các loại hình cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn và nhất là trong địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, Đề án tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh do Tổng cục Dân số, Bộ Y tế đã được triển khai 63/63, tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tại Trung ương, các thai phụ có thể đến 6 trung tâm sàng lọc là Bệnh viện Phụ sản Trung ương tại Hà Nội; Bệnh viện Từ Dũ TP Hồ Chí Minh; Trường Đại học Y Dược Huế; Bệnh viện phụ sản TP Cần Thơ và Bệnh viện Nhi Trung ương; Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh tỉnh Nghệ An. Các trung tâm bảo đảm cung cấp các dịch vụ này cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tại các tuyến quận, huyện, thai phụ có thể đến Trung tâm DS-KHHGĐ để được tư vấn, khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau: Tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác Dân số đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Thiết thực đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “Công tác dân số trong tình hình mới” góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 và Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển giai đoạn 2016-2020 và các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 21 đã đề ra.

 

Quảng Ngãi: Hội chứng viêm da dày sừng có nguy cơ bùng phát trở lại

https://baotintuc.vn/suc-khoe/quang-ngai-hoi-chung-viem-da-day-sung-co-nguy-co-bung-phat-tro-lai-20171211191905382.htm

http://plo.vn/xa-hoi/suc-khoe/tai-xuat-hoi-chung-viem-da-day-sung-tay-chan-744596.html

Chiều 11/12, bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Trung tâm Y tế huyện vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân nghi mắc Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.

Theo đó, 3 bệnh nhân gồm: Phạm Văn Pa Rênh (sinh năm 1964); Phạm Thị E (sinh năm 1970) và A Troa (sinh năm 2000) đều trú ở thôn Tà Noát, xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ. Ba bệnh nhân nhập viện từ ngày 9/12.

Ngay sau đó, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đã tiến hành hội chẩn và xác định ban đầu 3 trường hợp này nghi bị Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Cụ thể trên bàn tay, bàn chân xuất hiện các vết sừng thâm tím, men gan tăng cao. Riêng trường hợp bệnh nhân A Troa, do men gan tăng cao và có dấu hiệu suy hô hấp nên trong chiều 11/12, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đã chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để tiếp tục theo dõi và điều trị. Hai bệnh nhân còn lại đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ theo phác đồ của Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, cho hay: Sau khi có báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, Sở Y tế cử Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ ngày 12/12 trực tiếp tiến hành khử khuẩn khu vực bệnh nhân cư trú để kiểm soát nguồn bệnh.

Như vậy, sau 3 năm tạm lắng, Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân có nguy cơ bùng phát trở lại. Theo lũy kế từ năm 2011 – 2014, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 228 ca mắc, trong đó có 26 trường hợp tử vong.

 

Hít khói thuốc thụ động gây hại cho sức khỏe như thế nào?

http://dantri.com.vn/suc-khoe/hit-khoi-thuoc-thu-dong-gay-hai-cho-suc-khoe-nhu-the-nao-20171211155330279.htm

Nhiều người hút thuốc lá ngụy biện, cho rằng mình hút thuốc, mình chịu độc không liên quan tới ai. Nhưng thực tế khi khói thuốc nhả ra môi trường, những người thân xung quanh như vợ, con, bố mẹ… hít phải gây hại cho sức khỏe không kém gì người hút thuốc.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết tại Việt Nam có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Đây là vấn đề đáng lo ngại bởi hút thuốc lá thụ động gây tác hại cho sức khỏe không kém người đang hút thuốc.

Trong khói thuốc lá chứa hơn 7000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân quan trọng gây ra hơn 25 căn bệnh như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...) và các bệnh về hô hấp. Trên thế giới, sử dụng thuốc lá gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Với những người hít khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc như ung thư phổi, nhiễm trùng đường hô hấp, các bệnh về tim mạch. Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành ở những người hút thuốc thụ động cao hơn 25 - 30% so với những người không hít phải khói thuốc. Người hút thuốc lá thụ động cũng dễ mắc bệnh thiếu máu cục bộ tim, nhiễm trùng đường hô hấp dưới, hen suyễn và ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất của người chết liên quan đến khói thuốc lá. Tiếp xúc với khói thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi hợp đồng bằng 30% (ung thư phổi tế bào nhỏ bằng 300%) và bệnh tim mạch vành 25%.

Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản và làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ. Với phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỉ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Theo WHO, Trên toàn cầu, hút thuốc thụ động giết chết hơn 600,000 người không hút thuốc vào năm 2010. Trong đó, phụ nữ chiếm tỉ lệ lớn nhất trong số người trưởng thành không hút thuốc tử vong.

PGS Khuê khuyến cáo, hút thuốc lá không chỉ gây hại cho bản thân, mà những người xung quanh là người thân, là vợ, là con... đều bị ảnh hưởng về sức khỏe do khói thuốc gây ra. Vì thế, hãy bảo vệ sức khỏe người thân yêu bằng cách từ bỏ thuốc lá, không hút thuốc lá trong nhà, tại các địa điểm cấm hút thuốc lá để không gây hại tới sức khỏe những người khác.

 

100% mẫu thịt được Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm đều nhiễm E.coli

https://thanhnien.vn/suc-khoe/100-mau-thit-duoc-vien-pasteur-tphcm-xet-nghiem-deu-nhiem-ecoli-908636.html

Viện Pasteur TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 8.2017, cho thấy 100% mẫu kiểm tra (150/150 mẫu) gồm thịt gà, vịt, heo đều nhiễm vi khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép.

Mặt khác, một khảo sát tương tự cũng được Viện Pasteur thực hiện với 147 mẫu thủy hải sản tươi sống (gồm chem chép, hàu, nghêu và sò các loại). Kết quả, 63,9% mẫu (94/147 mẫu) được phát hiện nhiễm vi khuẩn E.coli, trong đó có 24 mẫu nhiễm E.coli ở mức độ nặng.

Sở Y tế Ninh Thuận vừa có báo cáo kết quả điều tra vụ 185 người dân bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc cưới.

Theo ông Đỗ Huy Nhật Minh (tác giả nghiên cứu, thuộc Viện Pasteur TP.HCM), nguyên nhân các mẫu thịt nhiễm E.coli chủ yếu do điều kiện vệ sinh còn kém từ các lò giết mổ gia súc gia cầm đến các nơi bày bán chế biến thực phẩm. Ngoài ra, còn do nguồn nước bị nhiễm khuẩn, thịt bị nhiễm vi khuẩn trong công đoạn cắt tiết, nhổ lông, từ dụng cụ và quy trình giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh.

Vi khuẩn E.coli là loại vi khuẩn thuộc họ Enterobacteriaceae, thuộc hệ vi sinh vật đường ruột. Một số chủng E.coli sinh độc tố có khả năng gây ra các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy và các bệnh lý khác như nhiễm trùng máu, viêm đường tiết niệu.

Theo tiến sĩ Phan Thế Đồng, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP.HCM: Vi khuẩn E.coli sống ký sinh trong đường ruột gia súc, gia cầm. Do vậy, chỉ một ít chất có trong ruột gà, vịt, heo thải ra ngoài trong quá trình giết mổ thì E.coli sẽ nhiễm qua thịt. E.coli còn hiện diện trong đất, nước… Vì vậy, giết mổ gia súc, gia cầm trên sàn nhà, sử dụng nguồn nước không đảm bảo thì nguy cơ thịt gà, vịt, heo nhiễm E.coli chắc chắn xảy ra.

Trước tình trạng trên, ông Đồng khuyến cáo: “Vi khuẩn E.coli bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao. Người dân ăn thịt gà, vịt, heo cần nấu chín kỹ để đảm bảo an toàn. Hạn chế ăn thịt tái”.

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, nhận định: “Từ những số liệu khảo sát thịt tươi kinh doanh tại các chợ trên địa bàn TP.HCM và những nguyên nhân gây ra tình trạng thịt tươi nhiễm E. coli do Viện Pasteur TP.HCM phân tích, cơ quan có thẩm quyền sẽ siết chặt hơn nữa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thịt tươi trong các chợ”.

Theo bà Lan, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp. Bên cạnh đó, những điểm kinh doanh thực phẩm trong các chợ truyền thống nói chung và thịt tươi sống nói riêng sớm được quận, huyện thẩm định để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Ban Quản lý ATTP TP.HCM cũng sẽ tăng cường lấy mẫu thịt kinh doanh trên địa bàn xét nghiệm và xử phạt đúng quy định.

 

Cứu sống 2 mẹ con sản phụ bị phong huyết tử cung rau hiếm gặp

http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/cuu-song-2-me-con-san-phu-bi-phong-huyet-tu-cung-rau-hiem-gap-77803.html

Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho biết, trường hợp phong huyết tử cung rau (rau bong non thể nặng) của sản phụ Hương rất hiếm gặp, là một trong những biến chứng của tiền sản giật.

Tối 11.12, bác sĩ Nguyễn Viết Thọ, Phó trưởng khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết, các bác sĩ khoa này vừa cứu sống thành công sản phụ Nguyễn Thị Thanh Hương (SN 1984, trú xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) trong trường hợp bị phong huyết tử cung rau.

Sản phụ Hương nhập viện trong tình trạng choáng, da xanh, niêm mạc kém hồng, máu âm đạo ra nhiều. Các bác sĩ tại đây đã tiến hành siêu âm cho sản phụ, kết quả cho thấy mẹ bị choáng do đau nhiều và mất máu cấp, thai nhi thì non tháng và suy thai cấp, tim thai nhịp chậm.

Sản phụ Hương được chỉ định chuyển mổ cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật lấy thai nhi, bệnh nhân mất máu nặng do phong huyết tử cung rau nên vừa mổ vừa phải chuyền máu. Quá trình phẫu thuật, bệnh nhân cũng bị xuất nhiều kèm theo co hồi kém nên các bác sĩ phải tiến hành xử trí tăng co tích cực kết hợp truyền máu, nên vẫn bảo tồn được tử cung cho sản phụ.

Bác sĩ Thọ là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật này cho hay: “Trường hợp sản phụ Hương rất hiếm gặp. Phong huyết tử cung rau (rau bong non thể nặng) là một trong những biến chứng của tiền sản giật. Trước đó sản phụ lại không được theo dõi thai sản thường xuyên, nếu không được xử lý kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao”.

Bác sĩ Thọ cũng khuyến cáo, đối với những trường hợp phụ nữ mang thai, khi đi khám nếu phát hiện các dấu hiệu nguy cơ như phù chân tay, tăng huyết áp, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn… thì cần được nhập viện sớm để theo dõi và điều trị vì đó có thể là một trong những dấu hiệu của tiền sản giật. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm sẽ nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và con.

Hiện sức khỏe của hai mẹ con sản phụ Hương đã ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

 

Nhập viện vì thủng ruột do nuốt cây bút bi

https://thanhnien.vn/suc-khoe/nhap-vien-vi-thung-ruot-do-nuot-cay-but-bi-908693.html

Đây được xem là trường hợp y học hiếm hoi và lần đầu tiên được ghi nhận ở Vương quốc Anh. Các chuyên gia cho biết nguyên nhân là vì rất hiếm khi nào tá tràng, một phần nhỏ của ruột non, lại bị tổn thương do vật lạ bên ngoài, trong khi trường hợp này lại bị đâm đến 2 lỗ, theo Daily Mail.

Bệnh nhân là một người đàn ông 27 tuổi, tên không được tiết lộ. Anh cho biết cảm thấy rất khó chịu mỗi khi ăn uống, thỉnh thoảng lại bị nôn mửa.

Bệnh nhân là một người tị nạn Sudan, sống ở Vương quốc Anh từ năm 2014 đến nay. Anh kể rằng đã nuốt một cây bút bi màu xanh để phản đối hành động muốn trục xuất mình của cảnh sát. Hai tuần sau khi nuốt, các triệu chứng khó chịu bắt đầu xuất hiện.

Anh được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Hội đồng y khoa Đại học Aneurin Bevan ở thành phố Newport, xứ Wales, thuộc Vương quốc Anh. Sau 2 tuần điều trị, chi phí y tế người đàn ông này phải trả lên đến hơn 18.000 USD (khoảng 415 triệu đồng), riêng chi phí cho ca phẫu thuật phức tạp là gần 7.300 USD.

Các bác sĩ cho biết đây là một ca cực hiếm, thậm chí việc tá tràng bị lủng do vật lạ từ bên ngoài dù chỉ 1 lỗ thôi cũng đã rất hiếm rồi. Nhóm phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật mở bụng để có thể quan sát cẩn thận hơn nội tạng bên trong khi lấy cây bút ra ngoài.

 

Giành lại sự sống cho bệnh nhân bị dao đâm từ cổ bên trái xuyên qua phổi bên phải

http://khoe365.net.vn/gianh-lai-su-song-cho-benh-nhan-bi-dao-dam-tu-co-ben-trai-xuyen-qua-phoi-ben-phai-p46035.html

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch khi bị một con dao xuyên từ cổ bên trái trên giữa xương đòn xuyên qua hai đốt sống ngực, đâm thủng phổi bên phải.

Sáng 11/12, bà Chu Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết, các y bác sỹ của Khoa Ngoại tổng hợp vừa phẫu thuật cứu sống và đưa khỏi cơ thể một nam bệnh nhân một con dao thái dài gần 20cm.

Thông tin ban đầu, khoảng 22h ngày 10/12 đơn vị này tiếp nhận bệnh nhân Điểu Quê (SN 1994, trú xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức) nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Tại đây, sau khi chụp X-quang, bệnh viện nhận thấy nam bệnh nhân bị một con dao (không còn cán) đâm xuyên từ cổ bên trái trên giữa xương đòn 2cm, đi xuống dưới vào trong ra sau, xuyên qua 2 đốt sống ngực 1 và 2, xuyên qua phổi bên phải. Tức là vết đi xuyên từ bên trái qua bên phải cơ thể.

Đây là ca bệnh nguy hiểm do lưỡi dao đâm qua các mạch máu và thần kinh lớn ở vùng cổ, có thể khiến nạn nhân tử vong ngay lập tức. Các bác sỹ bệnh viện đã huy động cao nhất nhân lực, vật lực tiến hành phẫu thuật cứu bệnh nhân.

Ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ đồng hồ đã thành công, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Sáng nay bệnh nhân đã tỉnh táo, nói chuyện được, hiện bị tê một phần cơ thể bên trái và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị.

   

Phẫu thuật đục thủy tinh thể: Cần chuẩn bị những gì?

http://suckhoedoisong.vn/phau-thuat-duc-thuy-tinh-the-can-chuan-bi-nhung-gi-n139334.html

Ðục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên phạm vi toàn cầu và thường xảy ra ở người cao tuổi. Cho đến nay phương pháp điều trị có hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật.

Thế nào là đục thủy tinh thể?

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt ở bên trong con mắt. Nó góp 1/3 vào năng lực hội tụ của nhãn cầu. Công suất hội tụ của thủy tinh thể được đảm bảo khi nó còn trong suốt, các mặt cong và độ dày còn nằm trong giới hạn sinh lý. Ngoài ra thủy tinh thể còn có chức năng lọc tia tử ngoại - tia có hại có trong phổ bức xạ của mặt trời. Khi các phân tử protein không hoà tan bị tích tụ trong thủy tinh thể cùng với tuổi tác thì tính trong suốt của nó không còn nữa. Các tia sáng khi đi qua vùng bị đục sẽ bị tán xạ mạnh gây giảm thị lực. Đục thủy tinh thể được coi là đáng kể khi nó làm giảm thị lực xuống còn dưới 3/10.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất

Đục thủy tinh thể là nguyên nhân thứ hai gây giảm thị lực trên phạm vi toàn cầu, chỉ sau tật khúc xạ. Cho đến nay phương pháp điều trị có hiệu quả duy nhất vẫn là phẫu thuật. Tại các trung tâm nhãn khoa lớn của nước ta, kỹ thuật mổ PHACO đã trở thành phổ biến với những ưu điểm: vết mổ nhỏ, đặc biệt trong kỹ thuật PHACO lạnh chỉ còn là 2mm thị lực phục hồi nhanh chóng, xuất viện trong ngày, tỷ lệ biến chứng ít. Chính vì vậy số lượng bệnh nhân (BN) được mổ đục thủy tinh thể theo phương pháp này ngày càng tăng. Tất nhiên cũng cần nhắc tới một vài yếu tố khác như tuổi thọ tăng và chỉ định mổ đã rộng rãi hơn nhiều so với trước.

Cần chuẩn bị gì khi phẫu thuật?

Chỉ định mổ đục thủy tinh thể chủ yếu dựa vào mức độ giảm thị lực. Nhưng cần xác định rõ ràng đục thể thủy tinh là nguyên nhân chính gây giảm thị lực chứ không phải là những yếu tố bệnh lý khác. Khi khám bệnh các bác sĩ sẽ phải luôn cân nhắc có sự tương hợp hay không giữa tính chất và mức độ đục thể thuỷ tinh với mức độ giảm thị lực. Tựu trung, thị lực kém hơn 4/10 sẽ được xem xét để chỉ định phẫu thuật. Cũng cần quan tâm đến những yếu tố khác như tuổi của người bệnh, tính chất công việc, điều kiện sống, nhu cầu dùng mắt hàng ngày... để thúc đẩy hay trì hoãn can thiệp phẫu thuật.

Một bệnh nhân trước khi phẫu thuật, ngoài việc được thăm khám về chuyên khoa mắt kỹ càng, còn được truy tìm bệnh toàn thân. Điều này rất cần thiết cho quyết định mổ, tiên lượng thị lực sau mổ, ngăn ngừa các biến chứng cũng như điều trị dự phòng. Tại mắt chúng ta sẽ đi tìm những bệnh có liên quan đến tuổi tác như thoái hóa hoàng điểm người già, bệnh võng mạc tiểu đường, cận thị... Trên toàn thân chúng ta cần phát hiện các bệnh nội khoa như: tăng huyết áp, tiểu đường, các ổ viêm nhiễm. Điều này giải thích tại sao trước khi mổ chúng ta lại cầm trong tay tới 7-8 tờ xét nghiệm.

Đây là loại phẫu thuật can thiệp tối thiểu, gần như không chảy máu, rất ít hoặc không đau đớn. Một số bệnh nhân đặc biệt như bệnh nhân tâm thần hoặc rung giật nhãn cầu có thể cần gây mê để phẫu thuật, còn lại là gây tê tại chỗ, xuất viện trong ngày.

Trước khi mổ, BN nên tắm gội sạch sẽ, cắt tóc, nếu có búi tóc thì nên tháo xuôi búi tóc, ăn nhẹ. Một giờ trước khi vào phòng mổ BN sẽ được nhỏ thuốc giãn đồng tử, thuốc tê, thuốc sát trùng. Nếu có các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn thì nên dùng các thuốc toàn thân như bình thường. Bên cạnh đó vẫn sẽ có các bác sĩ gây mê hồi sức theo dõi cho bạn trong suốt quá trình phẫu thuật.

Sau khi gây tê thì gần như bạn không có cảm giác đau, nhưng khó chịu nhất là cứ phải nhìn thẳng vào ánh đèn khá chói của máy sinh hiển vi. Bạn nên tuân thủ chính xác các yêu cầu của phẫu thuật viên về tư thế đầu, tư thế mắt.

Khâu chuẩn bị khá công phu và căng thẳng như vậy thế nhưng thời gian phẫu thuật trung bình chỉ là 20-30 phút, khá nhanh chóng và êm ái.

Nếu không có các bệnh tại mắt khác thì có khoảng 95% BN thu được thị lực >5/10. Ngoài việc thị lực được cải thiện, còn có những lợi ích đáng kể khác cho BN: cải thiện khả năng nhận biết màu sắc, tăng khả năng đọc và nhìn gần, tăng khả năng lao động, di chuyển và lái xe. Các biến chứng viêm nhiễm thường nhẹ và kiểm soát được. Đáng ngại nhất là biến chứng xuất huyết nội nhãn và viêm nội nhãn, tuy không gặp nhiều. Biến chứng muộn đục bao sau phải giải quyết bằng laser YAG dần dần đã trở thành phổ biến cùng với số lượng đông đảo BN được mổ đặt thủy tinh thể nhân tạo.

Và chăm sóc sau mổ

Khi phẫu thuật đục thủy tinh thể BN thường xuất viện sớm nên rất ít có cơ hội được giải thích, chăm sóc tỉ mỉ. Khi về nhà bạn có thể thấy mình có những biến đổi và khó chịu sau đây: mi mắt bị phù, chút xuất huyết trên lòng trắng, mắt cộm và chói, lòng đen có đám phù đục...

Những vấn đề trên, với các thuốc mà bạn đã được bác sĩ kê đơn về sử dụng sẽ biến mất trong vòng 3-5 ngày. Các cảm giác như chảy nước mắt, cộm mắt, đỏ mắt nhẹ có thể tồn tại đến tuần thứ 6 sau phẫu thuật. Những biến chứng nặng tuy rất hiếm gặp như: nghẽn đồng tử, xuất huyết và viêm nội nhãn sẽ gây những triệu chứng cấp tính, rầm rộ khiến bạn phải quay lại bệnh viện ngay đó là: đau nhức, nhìn mờ nhanh, đỏ mắt nhiều, có thấy chớp sáng hoặc nhiều ruồi muỗi bay trước mắt.

Lời khuyên của bác sĩ

Thực hiện y lệnh thuốc men chính xác, rửa tay sạch sẽ trước khi tra, nhỏ thuốc. Các thuốc nước nên nhỏ cách nhau 5 phút, thuốc mỡ tra sau cùng, sau khi nhỏ đậy ngay nắp thuốc để chống nhiễm bẩn lọ thuốc. Trong vài ngày đầu đừng để xà phòng vào mắt, vì vậy không nên gội đầu ngay. Có thể tắm phần dưới cổ sau một ngày, tắm toàn thân trong bồn hoặc tắm dưới vòi hoa sen sau một tuần.

Ăn uống như bình thường, tuy vậy nên kiêng các đồ ăn quá cứng phải nhai mạnh và nhiều. Không day dụi hoặc gãi mắt, băng mắt trong một tuần hoặc dùng khiên che mắt vào ban đêm. Ban ngày có thể đeo kính râm, vừa làm êm dịu mắt, vừa tránh nhiễm bẩn cho mắt.

Không mang vác nặng hay cúi đầu nhiều, có thể xem tivi như thường lệ. Trang điểm, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, lái xe ôtô và quay về công việc như thường sau một tháng.

 

Cấp cứu kịp thời, đúng cách người đột quỵ giúp giảm tỷ lệ tử vong và di chứng

http://www.giadinhmoi.vn/cap-cuu-kip-thoi-dung-cach-nguoi-dot-quy-giup-giam-ty-le-tu-vong-va-di-chung-d2917.html

Có khoảng 40% bệnh nhân đột quỵ não bị di chứng sau cơn tai biến. Do đó, việc xử trí sớm và đúng cách cho bệnh nhân đột quỵ giúp giảm biến chứng và tăng khả năng phục hồi cho người bệnh.

Cấp cứu kịp thời, đúng cách giúp giảm tỷ lệ tử vong và di chứng

Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là hiện tượng mất chức năng thần kinh đột ngột do tổn thương mạch máu tưới máu cho một vùng của não.

Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian trì hoãn điều trị bệnh càng dài thì khả năng hồi phục của bệnh nhân càng bị hạn chế. Mặc dù có thể cứu sống người bệnh nhưng di chứng để lại rất lớn.

Theo bác sĩ Dương Trung Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, số bệnh nhân tai biến mạch máu não để lại di chứng chiếm khoảng 40%.

Những di chứng do đột quỵ não có nhiều mức độ khác nhau như nằm một chỗ, đứng và đi lại được nhưng chức năng vận động kém…

ThS. Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 2 toàn cầu. Tại Việt Nam, năm 2012 có khoảng 112.600.000 người chết vì đột quỵ.

Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp, do đó, khi phát hiện người bệnh có các dấu hiệu đột quỵ, cần gọi ngay cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa, nhằm giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế.

Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao.

Bệnh nhân đến sau 12 giờ tính từ thời điểm bị đột quỵ, các bác sĩ vẫn có thể cứu được người bệnh nhưng di chứng để lại thì rất là lớn.

Tuy nhiên khi đột quỵ xảy ra, việc vận chuyển bệnh nhân cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn và có ý kiến của các chuyên gia thần kinh.

Khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế, việc cấp cứu điều trị phải được tiến hành khẩn trương đúng quy trình.

Các dấu hiệu của đột quỵ não

- Đột ngột tê hay yếu mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể

- Đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói

- Đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên

- Đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác

- Đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân...

Điều trị đột quỵ não như thế nào?

‘Đột quỵ não có 2 thể là tắc mạch não và xuất huyết não. Trong đó, thể tắc mạch não chiếm khoảng 68,6%, xuất huyết não chiếm khoảng 31,4%.

Và 2 thể này chỉ có thể phân biệt được qua phim chụt cắt lớp, rất là khó để chẩn đoán chính xác.

Tất nhiên những bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm mới có thể chẩn đoán hướng tới là xuất huyết hay nhồi máu não.

Nhưng, để có bằng chứng pháp lý, bắt đầu dùng loại thuốc nào cho phù hợp thì phải thông qua kết quả phim chụp cắt lớp’ – bác sĩ Kiên chia sẻ.

Bác sĩ Kiên cũng cho biết thêm, việc điều trị đặc hiệu cho mỗi thể khác nhau nhưng phác đồ điều trị tổng hợp chung cho cả hai thể của đột quỵ não giống nhau.

Trong đó, điều trị tổng hợp nhằm duy trì chức năng sống, chống phù não, giảm di chứng.

Điều trị đặc hiệu, chủ yếu cho thể đột quỵ tắc mạch não, bằng các thuốc tiêu huyết khối và điều trị dự phòng tái phát bằng các thuốc chống kết tập tiểu cầu.

Đây là thuốc cơ bản để điều trị dự phòng và điều trị tắc mạch, nhưng có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu. Do đó, tuyệt đối không dùng thuốc tiêu sợi huyết cho thể xuất huyết não.

Tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc này đòi hỏi bệnh nhân đến viện sớm trước 3 giờ và tuân theo những chỉ định rất chặt chẽ, được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa có phương tiện theo dõi các xét nghiệm tin cậy, phòng tai biến chảy máu ồ ạt.

Bệnh nhân đến cơ ở y tế sau 3 giờ áp dụng phương pháp lấy huyết khối, muộn hơn nữa thì sẽ phải mổ.

Bệnh nhân đến trong vòng 6 – 12 giờ đầu sau khi bị đột quỵ thì việc điều trị bằng thuốc và các phương pháp điều trị khác được áp dụng kết hợp sẽ đem lại hiệu quả cao.

Do đó, việc người dân và các nhân viên y tế, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến dưới nhận biết được dấu hiệu của bệnh nhân đột quỵ, biết được cơ sở y tế nào có thể điều trị được các dạng đột quỵ để chuyển bệnh nhân đến điều trị sớm sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và giảm thiểu các di chứng.

Dự phòng đột quỵ não

Lý giải về việc bệnh đột quỵ não ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, bác sĩ Kiên chỉ ra nguyên nhân rất lớn là do lối sống ít vận động và chế độ ăn chứa nhiều mỡ động vật.

‘Đã có trường hợp tôi điều trị cho bệnh nhân 27 tuổi bị đột quỵ não. Bệnh nhân này có bệnh lý tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu nhưng không điều trị và dẫn đến bị đột quỵ.

Độ tuổi cũng là một yếu tố tiên lượng tốt cho bệnh. Nhưng cũng không nên chủ quan, không nên nghĩ mình trẻ là mình sẽ hồi phục tốt mà chủ quan trong việc phòng ngừa bệnh.

Bởi, tế bào não khi đã bị hủy hoại thì rất khó hồi phục trở lại như ban đầu’ – BS Kiên cho biết.

Chính vì vậy, để dự phòng đột quỵ não cần lưu tâm đến việc điều trị dự phòng các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não.

Trong đó, các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não không thể tác động bao gồm: tuổi, gen, dân tộc, di truyền.

Những yếu tố nguy cơ có thể tác động được như: bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh tim mạch, tăng lipid máu, hút thuốc lá, uống rượu bia...

Và bằng cách thay đổi lối sống tĩnh tại, ít vận động sang tập thể dục, vận động thường xuyên làm giảm các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch, giảm tỷ lệ tăng huyết áp, giảm cân nặng chống béo phì, tăng cholesterol có lợi, giảm cholesterol có hại, do đó làm giảm các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não.

Ngoài ra, cũng cần lưu tâm đến các vấn đề như kiểm soát huyết áp, không hút thuốc, kiểm soát đường máu nếu có đái tháo đường, ăn thức ăn có hàm lượng chất béo thấp, hạn chế uống rượu bia…

Lời khuyên của bác sĩ Kiên dành cho các bệnh nhân bị tăng huyết áp hoặc người có nhiều các yếu tố nguy cơ của đột quỵ là phải thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ não cần được đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa, tránh suy nghĩ nhầm lẫn cho là bị cảm, trúng gió, tiền đình… làm kéo dài thời gian quý giá can thiệp điều trị, để lại di chứng nặng nề.

 

Bác sĩ vất vả gắp cây kim khâu cắm trong thực quản thiếu niên

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/bac-si-vat-va-gap-cay-kim-khau-cam-trong-thuc-quan-thieu-nien-3682943.html

Thiếu niên 16 tuổi vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM gắp cây kim ra khỏi thực quản.

Nam bệnh nhân quê ở Bình Thuận đùa giỡn dùng cây kim may đâm nhiều lỗ trên chai nước suối để tạo lỗ phun, vô tình cây kim bắn thẳng vào miệng. Vào bệnh viện, kết quả nội soi phát hiện dị vật tròn nhỏ khá dài cắm vào thành thực quản bệnh nhân và nằm lẫn trong thức ăn.

Bác sĩ Đinh Thu Oanh, Trưởng đơn vị Nội soi Bệnh viện 115 cho hay, cây kim khá dài và có đầu cực nhọn nên quá trình gắp ra gặp nhiều khó khăn. Ê kip phẫu thuật đã phải dùng dụng cụ chuyên dụng đẩy dị vật nằm trên trục dọc để không gây tổn thương các vị trí khác trên thành thực quản. Cuối cùng một cây kim may công nghiệp có chiều dài 2,5 cm đã được gắp ra thành công.

Ngày 11/12, sức khỏe nam bệnh nhân đã ổn định.

Bác sĩ Oanh khuyến cáo, mọi người không nên đùa giỡn khi sử dụng các dụng cụ như kim khâu, kim băng, ghim bấm, miếng thủy tinh... nhất là trẻ em.

 

Chiếc móc khóa nằm trong thực quản bé trai hai tuổi

 https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/chiec-moc-khoa-nam-trong-thuc-quan-be-trai-hai-tuoi-3682575.html

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn vừa gắp thành công chiếc móc khóa kim loại từ thực quản bệnh nhi.

Bé được người nhà đưa vào viện cấp cứu do nuốt một vòng móc khóa bằng kim loại. Bệnh nhi vẫn tỉnh táo, chưa có dấu hiệu nguy hiểm. Kết quả chụp X-quang phát hiện có một dị vật hình tròn nằm trong thực quản ngang đốt sống cổ số 6-7 của bé.

Các bác sĩ đã hội chẩn quyết định nội soi gắp dị vật cho cháu. Sau 10 phút tiến hành thủ thuật, kíp mổ đã lấy ra một móc khóa kim loại có đường kính khoảng 2 cm. Hiện sức khỏe cháu bé đã ổn định.

Các bác sĩ cảnh báo, dị vật đường thở thường gặp nhiều ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ tuổi. Hóc dị vật có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân nếu không được xử trí kịp thời. Phụ huynh không nên cho trẻ cầm các loại đồ chơi hay vật nhỏ bé dễ bỏ vào miệng ngậm. Tập cho trẻ thói quen không được ngậm bất cứ thứ gì trong miệng. Nếu bị hóc hoặc nghi hóc dị vật vào đường thở, đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

 

Ứng dụng thông tin trong quản lý, điều trị Methadone

http://cand.com.vn/y-te/Nam-2018-se-xoa-bo-hoan-toan-quan-ly-bang-giay-trong-dieu-tri-Methadone-470029/

Kết quả điều trị các chất gây nghiện bằng thuốc Methadone cho thấy vai trò quan trọng trong dự phòng lây truyền HIV, cũng như bảo vệ sức khỏe cho người nghiện ma túy, đảm bảo ANTT xã hội. Vì thế, việc ứng dụng hệ thống quản lý thông tin trong điều trị Methadone từ 1-2018 có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh cả nước có tới 53.828 bệnh nhân đang điều trị tại 299 cơ sở. Đây là thông tin được Cục Phòng chống HIV(Bộ Y tế) cho biết vào ngày 11-12.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hệ thống quản lý thông tin điều trị Methadone sẽ đáp ứng nhu cầu hỗ trợ bệnh nhân điều trị Methadone, giúp họ dễ dàng uống thuốc ở các cơ sở điều trị Methadone khác nhau, giảm thời gian chờ đợi, đi lại, đồng thời, góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý ở lĩnh vực  này. Đây là giải pháp có tính đột phá, mang lại sự thay đổi vượt bậc trong quản lý điều trị Methadone ở nước ta.

Hệ thống này đã được thí điểm tại Hà Nội và đầu năm 2018 sẽ áp dụng trên toàn quốc. Hệ thống có 120 tính năng áp dụng các giải pháp công nghệ thông minh, gồm: quản lý bệnh nhân và tiếp đón nhanh bằng mã vạch, tiến tới tích hợp thẻ NFC, công nghệ nhận diện khuôn mặt qua camera.

Cơ quan quản lý các cấp có thể xem và đánh giá các chỉ số chính cũng như các bảng, biểu đồ, kết quả điều trị, tình hình kho dược thông qua một máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối mạng.

Mỗi bệnh nhân sẽ được cấp 1 mã nhận diện (ID) để quản lý toàn bộ quá trình điều trị. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp bệnh nhân Methadone dễ tiếp cận điều trị, nâng cao chất lượng điều trị và hỗ trợ duy trì điều trị...

Hiện hệ thống này hàng ngày quản lý điều trị và cấp phát thuốc cho hơn 5.500 bệnh nhân, giúp giảm 50% thời gian tiếp đón và cấp phát cho mỗi bệnh nhân (từ 1 phút xuống 30 giây), vừa nhanh chóng, vừa đảm bảo ANTT.

Với hệ thống quản lý điều trị Methadone, bệnh nhân có thể đăng ký thời gian, địa điểm uống thuốc ở các cơ sở điều trị Methadone khác nhau trên toàn quốc mà không cần nộp lại các hồ sơ giấy tờ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, khi hệ thống này chính thức hoạt động, Bộ Y tế sẽ xóa bỏ hoàn toàn quản lý bằng giấy trong điều trị Methadone, đáp ứng xu hướng tất yếu của cách mạng công nghệ 4.0.

 

Vì sao trẻ nhập viện vì xuất huyết não, hôn mê?

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tu-van-suc-khoe/vi-sao-tre-nhap-vien-vi-xuat-huyet-nao-hon-me-416195.html

BV Nhi TƯ liên tục tiếp nhận 3 bệnh nhi bị xuất huyết não, hôn mê li bì từ tuyến dưới chuyển lên.

TS.BS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa Hồi sức Ngoại, BV Nhi TƯ cho biết, 3 bệnh nhi từ BV tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nam chuyển lên, đều mới hơn 1 tháng tuổi.

Sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán, BS kết luận trẻ bị xuất huyết não do giảm tỉ lệ prothrombin trong máu, nguyên nhân do thiếu vitamin K.

3 trẻ được truyền các chế phẩm máu để cầm máu, ngăn chặn chảy máu màng não và ổn định chức năng sống như hô hấp, tuần hoàn... sau đó BS phẫu thuật lấy máu tụ.

BS Dương cho biết, theo nghiên cứu, 90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K. Giai đoạn hay gặp khi trẻ 30-40 ngày tuổi.

Với các trường hợp xuất huyết não, dù được điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn rất cao, trong đó 25-40% tử vong, 40-50% bị di chứng, hay gặp nhất gồm có: teo não, não úng thủy, não bé, động kinh, bại não hoặc dị tật về phát triển tâm thần vận động.

Vitamin K là vitamin tan được trong chất béo, thường được lưu trữ trong mô mỡ và gan. Vitamin K đóng vai trò đặc biệt trong quá trình làm đông máu, tránh xuất hiện chảy máu ở trẻ. Vitamin K cũng giúp cho canxi được hấp thụ dễ dàng, giúp cho xương bé chắc khỏe.

Trẻ sơ sinh bị thiếu hụt vitamin K rất dễ bị xuất huyết ở mũi, miệng, gốc rốn thậm chí là tử vong.

Để phòng bệnh, BS Dương khuyến cáo, trẻ cần được cung cấp vitamin K ngay sau sinh theo 2 phương pháp tiêm hoặc uống. Tiêm cho tất cả trẻ mới sinh một mũi vitamin K1: 1mg, hoặc vitamin K3: 2mg.

Với đường uống, trẻ mới sinh uống vitamin K1 2mg, 3 lần. Lần một: Sau khi sinh, lần hai: 7 ngày tuổi và lần 3 khi 1 tháng tuổi.

“Trên thế giới ghi nhận, nếu trẻ được dùng vitamin K với chiến lược tốt thì tỉ lệ xuất huyết não chỉ là 0,25/100.000 trẻ đẻ sống”, BS Dương thông tin.

Trong giai đoạn mang bầu, nếu mẹ thiếu vitamin K cũng khiến thai nhi bị ảnh hưởng nặng nề, gây ra khuyết tật bẩm sinh như xương chưa phát triển, khiếm khuyết ống thần kinh, nhận thức kém, suy dinh dưỡng, các vấn đề tim mạch…

Do đó từ giai đoạn mang bầu, các thai phụ cần bổ sung nhiều loại rau lá, đặc biệt các rau màu xanh đậm như rau chân vịt, cải xoăn, rau ngót..., ăn trứng, sữa lên men và các loại trái cây sấy khô như mận khô, việt quất, đào, sung, nho...

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang