Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 14/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Từ 2020 không còn quá tải bệnh viện; Thêm giải pháp ngừa ung thư từ Nhật Bản; Vi rút do muỗi, côn trùng gây 150 loại bệnh cho người và động vật; Bệnh nhân sốt xuất huyết Hà Nội tăng gấp 2,6 lần, diễn biến phức tạp; Mỗi năm cả nước có 87 ca tử vong do sốt xuất huyết; Cứu sống bệnh nhân ngưng thở do bệnh tai mũi họng hiếm gặp; ...

 

Từ 2020 không còn quá tải bệnh viện

http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/tu-2020-khong-con-qua-tai-benh-vien-369442

Trả lời các đại biểu Quốc hội bằng văn bản, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết phấn đấu thực hiện mục tiêu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện.

Trong báo cáo trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhờ cải cách thủ tục hành chính trong việc tổ chức khám, chữa bệnh, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4 - 8 bước, tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình được 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh.

Ở khu vực nội trú, năm 2016, tỷ lệ bệnh viện có tình trạng nằm ghép từ 3 người trở lên trên 1 giường bệnh chỉ chiếm 4,4% (tuyến tỉnh), 7,3% (tuyến huyện) và 1,5% (bệnh viện tư nhân và y tế các Bộ/ngành). Tỷ lệ nằm ghép năm 2012 ở tuyến tỉnh lên tới 47%.

Tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên cũng đã giảm, với 37,5% số bệnh viện trong Đề án bệnh viện vệ tinh đang giảm dần tỷ lệ chuyển tuyến lên tuyến trên đối với các trường hợp bệnh viện tuyến dưới đủ năng lực xử lý.

Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành Y tế cũng thừa nhận, hiện tượng quá tải bệnh viện vẫn còn xảy ra ở một số chuyên khoa Ung bướu, Tim mạch, Nhi khoa, Chấn thương,… Trong một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối vẫn còn hiện tượng quá tải, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi đồng của TP HCM.

Bằng 9 nhóm giải pháp thực hiện các mục tiêu đề ra trong Đề án giảm quá tải bệnh viện như tăng số bệnh viện và số giường bệnh; quan tâm, đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện; khuyến khích các hình thức xã hội hóa để đầu tư xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng bệnh viện..., Bộ trưởng Y tế cam kết phấn đấu thực hiện mục tiêu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện.

Hiện nay, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2018, nhưng theo lộ trình điều chỉnh giá khám chữa bênh BHYT thì cần phải nghiên cứu, đề xuất mức đóng từ bây giờ, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các Ủy ban của Quốc hội và Quốc hội ủng hộ để Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng BHYT từ 2019. Hiện tại, Luật quy định mức đóng  tối đa là 6% lượng, hiện nay đang áp dụng mức 4,5%.

Cụ thể, dự kiến 2 phương án. Ở phương án 1 sẽ điều chỉnh với mức 0,3%/năm: dự kiến 2019 là 4,8%, 2020 là 5,1%, 2022 là 5,4%, 2023 là 5,7%,  2024 là 6%. Phương án 2, điều chỉnh với mức 0,5%/năm: 2019 là 5%, 2020 là 5,5%, 2021 là 6%.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị tiếp tục tăng đầu tư cho y tế từ ngân sách nhà nước năm 2018 theo Nghị quyết 18 của Quốc hội, phần tăng thêm bố trí cho y tế dự phòng, mua thẻ BHYT cho nhân dân xã đảo, huyện đảo, hỗ trợ người cận nghèo, tăng chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia...

Đáng lưu ý, vấn đề tai biến y khoa đang nổi lên như một vấn đề nóng, đặc biệt sau vụ nhiều bệnh nhân chạy thận tại tỉnh Hòa Bình bị tử vong chỉ được đề cập đến ở một câu ngắn gọn trong báo cáo này: “Tai biến y khoa xảy ra rải rác tại các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên”.

 

Vi rút do muỗi, côn trùng gây 150 loại bệnh cho người và động vật

http://dantri.com.vn/suc-khoe/vi-rut-do-muoi-con-trung-gay-150-loai-benh-cho-nguoi-va-dong-vat-20170612225132932.htm

Theo GS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, những năm gần đây,  nhiều loại vi rút gây bệnh nguy hiểm cho người và động vật đã được phát hiện. Như với các loại do vi rút Arbo (là những vi rút lây truyền qua muỗi và côn trùng đốt) hiện đã phát hiện được khoảng 150 loại gây bệnh cho người và động vật.

Thông tin trên được GS Long cho biết tại Hội thảo quốc tế về phòng ngừa, quản lý và kiểm soát một số bệnh do vi rút Arbo do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) tổ chức hai ngày 12-13/6/2017 tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia nhiệt đới nằm trong khu vực lưu hành của nhiều loại bệnh do vi rút Arbo nguy hiểm, trong đó điển hình phải kể đến các loại bệnh được truyền từ muỗi Aedes như Sốt xuất huyết Dengue, Zika và Chikungunya. Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành phổ biến và là một trong những bệnh truyền nhiễm có số mắc cao hàng đầu với trung bình khoảng 94.000 ca mắc mỗi năm. Cứ sau mỗi 5 năm, số mắc của cả nước lại tăng thêm 10.000 ca. Các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là nơi lưu hành chủ yếu của bệnh sốt xuất huyết với 80% ca mắc và 90% ca tử vong cả nước.

Đặc biệt thời gian qua sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp khi mà số mắc gia tăng ngay trong những tháng không phải cao điểm của bệnh (tháng mùa khô). Số liệu giám sát bệnh trong những năm qua cũng cho thấy có sự dịch chuyển về nơi mắc bệnh từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ sang các tỉnh có tốc độ phát triển và công nghiệp hóa cao như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM.

 

Bệnh nhân sốt xuất huyết Hà Nội tăng gấp 2,6 lần, diễn biến phức tạp

http://laodong.com.vn/ban-doc/benh-nhan-sot-xuat-huyet-ha-noi-tang-gap-26-lan-dien-bien-phuc-tap-673334.bld

Ngành y tế đã chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) nhưng do tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. So với cùng kỳ năm 2016 số ca mắc SXH đã tăng 2,6 lần.

Số ca mắc tăng bất thường

Hà Nội không vào danh sách điểm nóng của SXH nhưng tính đến ngày 4.6 trên địa bàn toàn thành phố đã ghi nhận 1.281 bệnh nhân mắc SXH với trên 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh, 126 bệnh nhân đang điều trị, 1 trường hợp đã tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Theo dự báo, đỉnh dịch thường xuất hiện vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Chu kỳ dịch SXH thường 5 năm lặp lại một lần nhưng hiện nay chu kỳ này đang có thay đổi. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc SXH trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch.

Chỉ số côn trùng có tăng cao bắt đầu từ tháng 3, có nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ như An Khánh, Phú Lương, La Phù, Dương Nội, Hoàng Liệt, Trương Định, Láng Thượng... và tăng cao nhất tháng 5 vừa qua.

Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các xã, phường dùng loa nhỏ đi vào từng ngõ, xóm tuyên truyền về bệnh SXH. Nêu cao vai trò của người đứng đầu địa phương và sự tham gia của người dân trong phòng chống dịch SXH.

Tính đến ngày 4.6, các đơn vị đã điều tra, giám sát côn trùng tại 1.925 điểm ổ dịch cũ, ổ dịch mới, nơi có bệnh nhân nghi SXH, có điều kiện vệ sinh môi trường kém. Kết quả, 25,7% điểm có chỉ số vec-tơ cao tập trung chủ yếu tại các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức, Hai Bà Trưng, Thanh Trì... Các dụng cụ chứa nước có bọ gậy bao gồm 13 loại dụng cụ, chủ yếu là các bể hở, xô, thùng nước, chậu cảnh và phế liệu.

Ngay tại các khu vực được coi là “nóng” của SXH người dân vẫn thờ ơ. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng thừa nhận, có tình trạng chính quyền và người dân vẫn còn chủ quan, thờ ơ với công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Chẳng hạn tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, nơi từng bùng phát ổ dịch SXH lớn hồi cuối năm ngoái với gần 100 người mắc nhưng hiện tại, một số người dân vẫn không tự giác diệt loăng quăng, diệt muỗi để phòng bệnh dù đã được chính quyền vận động.

“Trên nóng, dưới lạnh”

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội khẳng định: ngay từ đầu năm các đơn vị đã chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch SXH như tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, chủ động phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy. Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xét nghiệm chẩn đoán nhanh, xử lý ổ dịch ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Hệ thống điều trị bảo đảm thu đúng và điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong; đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, máy phun, hóa chất cho công tác chống dịch cũng như điều trị ở tất cả các tuyến.

“Tuy nhiên, tình hình dịch SXH hiện nay diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm. Việc triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn gặp không ít khó khăn, rào cản. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do thời tiết mưa, nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH phát triển, còn có nhiều yếu tố chủ quan. Đó là chính quyền địa phương nhiều nơi còn lơ là, chưa coi trọng công tác phòng, chống dịch; ý thức người dân chưa cao, thậm chí chủ quan. Cụ thể, khi cán bộ y tế thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, một số nhà dân không hợp tác mở cửa cho phun, hay có những hành động, lời nói cản trở cán bộ y tế thực hiện công tác phòng chống dịch. Tại nhiều nhà dân, tình trạng chung là lọ hoa, bể cá, chai lọ chứa nước lâu ngày, vứt chỏng chơ không được dọn, tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển”, TS Cảm lo lắng.

Thậm chí, nhiều người dân còn phản ứng, cho rằng đó là trách nhiệm của ngành y tế, của chính quyền địa phương chứ không phải của dân. Nhiều nơi vẫn còn tình trạng người dân không hợp tác khi cán bộ đi phun hóa chất diệt muỗi diện rộng phòng SXH…

 

Mỗi năm cả nước có 87 ca tử vong do sốt xuất huyết

http://thanhnien.vn/suc-khoe/moi-nam-ca-nuoc-co-87-ca-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-844773.html

Cứ sau mỗi 5 năm, cả nước lại tăng thêm 10.000 ca mắc sốt xuất huyết. Các tỉnh, thành phố khu vực phía nam là nơi lưu hành chủ yếu của bệnh sốt xuất huyết với 80% ca mắc và 90% ca tử vong trong cả nước.

Tại VN, sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm có số ca mắc cao hàng đầu với trung bình khoảng 94.000 ca mắc và 87 ca tử vong mỗi năm, theo báo cáo tại hội thảo quốc tế do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) tổ chức ở Hà Nội (12 - 13.6), bàn về phòng ngừa, quản lý và kiểm soát một số bệnh do vi rút Arbo gây ra.

VN là một trong những quốc gia nằm trong khu vực lưu hành của nhiều loại bệnh do vi rút Arbo (lây truyền qua muỗi và côn trùng đốt), trong đó điển hình là các bệnh truyền từ muỗi Aedes như: sốt xuất huyết Dengue, Zika và Chikungunya.

Cứ sau mỗi 5 năm, cả nước lại tăng thêm 10.000 ca mắc sốt xuất huyết. Các tỉnh, thành phố khu vực phía nam là nơi lưu hành chủ yếu của bệnh sốt xuất huyết với 80% ca mắc và 90% ca tử vong trong cả nước.

 

Đô thị hóa càng nhanh, càng lo sốt xuất huyết

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170613/do-thi-hoa-cang-nhanh-cang-lo-sot-xuat-huyet/1330578.html

Mới vào tháng 6, còn xa mới đến mùa dịch sốt xuất huyết thông thường ở Hà Nội, nhưng ông Hoàng Đức Hạnh - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết số người mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã tăng rất mạnh, gấp 2-3 lần so với cùng kỳ 2016.

Sau nhiều năm Hà Nội không có bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết, năm nay đã có một nữ sinh viên Hà Nội tử vong do căn bệnh này. Mật độ muỗi và chỉ số lăng quăng ở nhiều khu vực đã vượt mức báo động: 0,5 con muỗi/nhà và chỉ số lăng quăng từ 30-50 (mật độ muỗi 0,5 con/nhà và chỉ số lăng quăng trên 20 đã là mức báo động).

Lo dịch ở khu vực đang đô thị hóa

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, hiện trung bình mỗi tuần Hà Nội có trên 100 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong khi toàn quốc có khoảng 1.700-1.800 ca mắc/tuần.

So sánh chung thì Hà Nội chưa phải địa phương có số mắc cao nhất, nhưng tính thời điểm thì năm nay Hà Nội vào mùa dịch sốt xuất huyết sớm hơn, ngay từ khoảng tháng 5, trong khi mọi năm phải tháng 9 mới bắt đầu vào mùa.

Ông Hạnh cho biết hiện các quận huyện như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoài Đức, Thanh Xuân có số người mắc sốt xuất huyết cao. Đây cũng là các khu vực đang được đô thị hóa mạnh mẽ với nhiều nhà cao tầng mới và đang được xây dựng.

“Tính đến đầu tháng 6 thì Hà Nội đã có trên 1.500 bệnh nhân sốt xuất huyết và 1 bệnh nhân tử vong. Diễn biến thời tiết phức tạp, nóng ẩm và mưa là kiểu thời tiết rất thích hợp cho muỗi phát triển, nên chúng tôi lo ngại dịch bùng phát như năm 2009 - năm đó Hà Nội có đến 14.000-15.000 bệnh nhân sốt xuất huyết”- ông Hạnh cho biết.

Theo ông Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, khác hẳn với giai đoạn trước, diễn biến sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam cho thấy sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm, ngay cả ở những tháng đầu mùa khô, thời gian không phải cao điểm dịch.

“Giám sát bệnh cho thấy sốt xuất huyết đang dịch chuyển nơi mắc bệnh, từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh có tốc độ phát triển và công nghiệp hóa nhanh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM. Tuổi người bệnh cũng tăng, trước 2007 chỉ 20% người bệnh sốt xuất huyết là người lớn, nhưng gần đây tính riêng các tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao có tới 35-54% bệnh nhân là người lớn”- ông Lân cho biết.

Mối liên quan giữa đô thị hóa và sự gia tăng căn bệnh sốt xuất huyết, theo ông Lân, là do đô thị luôn thu hút lực lượng lao động mới, lưu chuyển người từ vùng không có dịch sang vùng có dịch lưu hành, làm tăng quần thể người dễ cảm nhiễm với bệnh. Mật độ dân cư cao ở những khu vực đô thị hóa nhanh cũng tạo điều kiện cho lây lan dịch bệnh.

Theo ông Lân, lối sống tại các đô thị vô tình tạo ra các vật chứa mới thuận lợi cho sự phát triển của lăng quăng và muỗi truyền bệnh, như túi nilông, vỏ xe, chậu cảnh, chai lọ, lon nước ngọt... Những vật chứa này khó xử lý và kiểm soát hơn, so với dụng cụ chứa nước sinh hoạt chung thường bị nhiễm lăng quăng trước đây như lu, chum, vại. Ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cũng cho biết nhiều trường hợp kiểm tra bình trồng cây thủy sinh trong nhà cũng rất nhiều lăng quăng, từ đó gây bệnh trong gia đình.

Nếu mắc bệnh, đi bệnh viện sớm

Sốt xuất huyết diễn biến rất nhanh và có nguy cơ tử vong, nên ông Hạnh khuyến cáo người bị sốt cao, đau đầu, có xuất huyết dưới da hoặc chảy máu cam, hoặc kỳ kinh bất thường cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám, điều trị, tránh để bệnh diễn tiến nguy hiểm đến tính mạng.

Còn Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM hướng dẫn để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, các gia đình, nhà trường, cơ quan... cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt.

Cụ thể, mỗi tuần hãy tìm và loại trừ lăng quăng bằng cách đậy kín các vật trữ nước, mỗi tuần súc rửa và thay nước trong vật chứa nước đang sử dụng, bỏ muối vào đĩa kê chậu cây cảnh để diệt lăng quăng, loại bỏ các vật phế thải... Mỗi ngày chủ động diệt muỗi bằng bình xịt muỗi, vợt điện diệt muỗi, máy bắt muỗi...

Tránh muỗi đốt cả ngày lẫn đêm bằng cách thoa kem chống muỗi, sử dụng nhang muỗi đặt gần cửa để muỗi không bay vào hoặc đặt gần nơi làm việc. Ở khu vực có nhiều muỗi nên ngủ mùng cả đêm lẫn ngày, sử dụng cửa lưới ngăn muỗi từ ngoài bay vào...

Bên cạnh đó, người dân cần phối hợp với chính quyền và y tế địa phương trong việc phun hóa chất diệt muỗi. Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục trên hai ngày kèm theo một trong các triệu chứng: nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng... phải nhanh chóng đưa người bệnh đi khám bệnh và thông báo cho trạm y tế địa phương.

Đầu năm đến nay, Trà Vinh có 3 bệnh nhân tử vong

Theo ông Trần Đắc Phu, hiện trung bình mỗi tuần trên cả nước có 1.700-1.800 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) mới. Các tỉnh thành như Hà Nội, Quảng Nam, Cà Mau, Đà Nẵng, Trà Vinh, Quảng Ngãi là những tỉnh thành đang có số mắc tăng cao so với cùng kỳ 2016.

Trong đó, theo bác sĩ Nguyễn Văn Lơ - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh, tính từ đầu năm đến ngày 4-6, số ca mắc SXH ở tỉnh này lên đến 576 ca (tăng 239 ca so với cùng kỳ năm 2016). Đặc biệt đã có 3 bệnh nhân tử vong do SXH (cùng kỳ năm trước không có ca nào tử vong).

Còn tại tỉnh Bến Tre, trong 5 tháng đầu năm nay, số ca SXH giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng số ca SXH nặng lại tăng hơn 21 ca. Trong đó, đã có một bệnh nhân tử vong.

 

Cảnh giác với ổ dịch bạch hầu

http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/dan-toc/canh-giac-voi-o-dich-bach-hau-369259

Trên địa bàn huyện Tây Giang (Quảng Nam) lại vừa xảy ra 2 ổ dịch bạch hầu. Với sự hỗ trợ của Cục Y tế dự phòng và Viện Pasteur Nha Trang, ngành y tế tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch. Đến nay 2 ổ dịch đã được khống chế, không phát sinh thêm trường hợp mới nào. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch cũng phải hết sức cẩn trọng.

Xử lý dứt điểm ổ dịch

Trước đó, giữa tháng 1/2017, có 3 học sinh trường THPT Tây Giang bị nhiễm bệnh, trong đó có 2 em tử vong và một em phục hồi tốt. Các ca bệnh xảy ra trong đợt này thuộc nhóm 17-18 tuổi, theo ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đây là lứa tuổi không được tiêm chủng đầy đủ/có tiêm nhưng chất lượng không đảm bảo do giao thông đi lại tại Tây Giang trước những năm 2000 còn nhiều khó khăn.

Ngay sau đó, công tác dập dịch được tiến hành khẩn trương, ổ dịch bạch hầu tại trường THPT Tây Giang đã được khống chế và xử lý dứt điểm, không phát hiện ca bệnh mới nào.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 4 lại có 3 trường hợp là học sinh nghi nhiễm bạch hầu tại 2 xã Ch’ơm và Gari; trong đó có 1 trường hợp đã tử vong.  Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, sau khi triển khai các biện pháp dập dịch, qua theo dõi sau 24 ngày không có ca mắc mới nên nhận định ổ dịch bạch hầu tại xã Ch’ơm và Gari (huyện Tây Giang) đến nay đã ổn định.

Theo đó, cùng với sự hỗ trợ của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Viện Pasteur Nha Trang. Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với UBND huyện Tây Giang chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí, triển khai quyết liệt các hoạt động ứng phó với tình hình bệnh bạch hầu xảy ra rải rác trong thời gian qua tại một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tây Giang.

Cùng với công tác dập dịch, Sở Y tế tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nhận biết bệnh và vận động người dân đến Trạm Y tế để được khám phát hiện và điều trị sớm ngay tại tuyến cơ sở. Đặc biệt đã tổ chức tiêm vắc xin chống bạch hầu cho 11.856 đối tượng từ 5-40 tuổi của 10/10 xã của huyện”.

Trước đó vào chiều 10/5, Bác sĩ Nguyễn Huy Thông, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tây Giang cho biết, cháu Zơ Râm Mai Nhất Ba (7 tuổi), trú thôn Zrượt, xã Ch’Ơm, Tây Giang bị tử vong nghi do dịch bạch hầu.

Sự việc khiến cho người dân địa phương lo lắng bởi trước đó, tại 2 thôn 8A và 8B của xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn nơi từng có ít nhất 3 người chết với cùng triệu chứng đau ở cổ họng, 10 người khác cùng có triệu chứng trên được phát hiện và điều trị ổn định. Qua xét nghiệm 10 mẫu bệnh phẩm, có 2 ca dương tính với virus bạch hầu.

Sở Y tế tỉnh Quảng Nam công bố có ổ dịch bạch hầu tại địa phương trên, đã triển khai các biện pháp phòng chống và nêu quyết tâm không để dịch bùng phát.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm thế nào?

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, bạch hầu là bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Bệnh cũng có nhiều nguy cơ lây lan nếu không phòng dịch và tiêm vắcxin triệt để.

Về khả năng lây lan của bệnh, theo các bác sĩ phân tích: Người chưa được tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu sẽ không có kháng thể chống bạch hầu và sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu hít phải vi khuẩn C. diphtheriae.

Cá biệt những trường hợp dù đã tiêm chủng, nhưng sức đề kháng yếu không sinh được kháng thể, hoặc những người đã tiêm chủng quá lâu, nồng độ kháng thể trong máu giảm thấp vẫn có thể bị mắc bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 đến 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn, khả năng miễn dịch thấp sẽ dễ bị bệnh hơn.

Biểu hiện của bệnh

Triệu chứng của bệnh gồm: sốt, ho, dấu hiệu của viêm họng, viêm mũi, viêm thanh quản, họng đỏ, nuốt đau. Trong vòng 1- 2 ngày màng giả xuất hiện. Màng giả ban đầu mỏng, màu trắng ngà, lan dần từ amidan đến vòm khẩu cái. Màng giả dính với niêm mạc bên dưới và phủ mặt vòm hầu họng. 

Trung bình, sau khi hít phải vi khuẩn 2-5 ngày, người bệnh sẽ phát bệnh. Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, sẽ có các biểu hiện khác nhau như: Với bệnh bạch hầu mũi trước, bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám thầy thuốc có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu. Nếu là bạch hầu họng và amiđan thì bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ.

Sau 2-3 ngày, sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân.ưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò.

Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Các bệnh nhân này nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Bác sĩ  Nguyễn Thanh Bảo- Khoa Vi sinh (BV Đại học Y Dược TP HCM) nêu rõ: Người mắc bệnh bạch hầu khi không được phát hiện và điều trị kịp thời để sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Ngoài ra có thể gặp tình trạng viêm các dây thần kinh gây liệt.

Nếu giả mạc hình thành tại thanh quản có thể gây tắc nghẽn đường thở và tử vong. Tỉ lệ tử vong thông thường của người bị bệnh bạch hầu lên đến 5-10%. Ở những trẻ em dưới 5 tuổi và những người lớn tuổi, có thể tử vong tới trên 20%. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

Đối với người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine cho trẻ.  Sau khi được tiêm chủng đầy đủ, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh bạch hầu.

Tuy vậy, có một số ít người sức đề kháng không tốt, sau khi tiêm phòng không tạo kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể thì vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh bạch hầu. Một số người tiêm phòng đã quá lâu, nồng độ kháng thể trong máu xuống thấp thì cũng có thể bị mắc bệnh bạch hầu. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đi tiêm phòng nhắc lại sau mỗi 10 năm.  

 

Không tiêm ngừa, nhiều trẻ nguy kịch vì viêm não Nhật Bản

http://laodong.com.vn/song-khoe/khong-tiem-ngua-nhieu-tre-nguy-kich-vi-viem-nao-nhat-ban-673430.bld

Thực tế, vào mùa vải, tức tháng 6-7 cũng trùng hợp vào tháng cao điểm nguy cơ dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Theo ghi nhận tại một số bệnh viện, đây là thời điểm số trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản đang gia tăng. Đáng chú ý, có rất nhiều bé mắc bệnh do không tiêm ngừa vaccine.

Vì sao mùa vải trùng với mùa bệnh viêm não Nhật Bản?

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM hiện có khoảng 6 bé bị viêm não Nhật Bản nặng, tiên lượng xấu. Bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm ngừa vaccine. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, từ nay đến tháng 10, số bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản có thể gia tăng. Bệnh viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh, trẻ sốt sau đó co giật, rơi vào hôn mê và tỷ lệ tử vong cao.

Bác sĩ Khanh cho biết thêm, bệnh này chủ yếu thường gặp ở trẻ em vùng nông thôn, dễ mắc bệnh do không tiêm ngừa. Đặc biệt những nơi người dân trồng lúa, nuôi lợn; những vùng miền Bắc khi vào mùa vải, chim tu hú  - vật truyền gian truyền bệnh xuất hiện. Bệnh viêm não Nhật Bản có virus ký sinh trong cơ thể con lợn, chim tu hú sẽ truyền sang người qua loài muỗi ruộng - đây là muỗi thường sinh sản và trú ở ruộng lúa nước, đồng ruộng. Đó là lý do vì sao mùa vải thường trùng với mùa gia tăng bệnh viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Dấu hiệu mắc viêm não Nhật Bản thường gặp bao gồm những triệu chứng như: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như  vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê. Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: sốt, nôn  nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong đối với bệnh này có thể lên đến 10 - 20%. Tuy nhiên, điều đáng sợ đối với bệnh nhân mắc viêm não Nhật bản là những di chứng thần kinh về sau.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch thường gặp ở vùng đồng bằng, trung du và cả ở một số khu vực miền núi Tây Bắc nơi trồng nhiều lúa nước có kết hợp nuôi nhiều lợn gần người. Bệnh thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10, đỉnh điểm dịch khoảng tháng 6-7. Hàng năm ở nước ta có khoảng từ vài trăm đến 1000 trường hợp mắc viêm não virus và khoảng 20% trong số này là viêm não Nhật Bản. Từ năm 1997 sau khi triển khai vaccine viêm não Nhật Bản trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, số mắc và chết do bệnh này đã giảm đi rất nhiều.

Có thể phòng ngừa bằng viêm vaccine

Bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, có thể gây ra những biến chứng như suy hô hấp, co giật, viêm phổi... Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 30-50% trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm ngừa vaccine, ngoài ra cha mẹ không nên để trẻ chơi gần bụi rậm, đi ngủ phải mắc màn. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm. Để phòng bệnh, trẻ cần tiêm vaccine mũi 1 lúc một tuổi; mũi 2 sau mũi một 1-2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 một năm. Nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi thì đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Bên cạnh đó, việc quan trọng không kém là người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Khi sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Khởi động dịch vụ dự phòng phơi nhiễm HIV

http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/khoi-dong-dich-vu-du-phong-phoi-nhiem-hiv-708312.html

Ngày 12-6 tại TP.HCM, đại diện Bộ Y tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng tổ chức PATH đã tổ chức “Lễ khởi động chính thức dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Việt Nam”.

Bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, cho biết Việt Nam là nước đi tiên phong trong khu vực về những sáng kiến trong lĩnh vực phòng, chống HIV, đem các dịch vụ HIV quan trọng tới những người cần nhất.

Từ năm 2015, tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo mạnh mẽ việc sử dụng PrEP như một phần trong chiến lược dự phòng HIV kết hợp cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao.

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, qua hơn 20 năm phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam có hơn 51.000 bệnh nhân điều trị methadon và 17.000 bệnh nhân HIV/ AIDS dùng RAV. Sự ra đời của PrEP là biện pháp dự phòng HIV mới và hữu hiệu đang được áp dụng trên thế giới, kể cả ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. “Với việc đưa dịch vụ PrEP vào Việt Nam, chúng ta có cơ hội giảm mạnh các ca nhiễm HIV mới và loại trừ HIV ở Việt Nam vào năm 2030” - TS Long nói.

Dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là dịch vụ giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao có thể dự phòng lây nhiễm HIV bằng cách uống một viên thuốc mỗi ngày như một phần của chiến lược dự phòng HIV kết hợp. Đây là thuốc kháng virus (ARV) chứa tenofovir. Khi một người phơi nhiễm với HIV qua quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy, biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV qua đường uống này có thể bảo vệ họ khỏi bị nhiễm HIV. Nếu được dùng đều đặn và thường xuyên, PrEP đã được chứng minh là sẽ làm giảm nguy cơ nhiễm HIV ở những người có nguy cơ cao tới 92%.

 

Kỷ niệm Ngày Quốc tế người hiến máu

http://www.daidoanket.vn/tin-tuc/suc-khoe/ky-niem-ngay-quoc-te-nguoi-hien-mau-369389

Năm 2017, Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện toàn cầu kỷ niệm Ngày Quốc tế người hiến máu từ ngày 11/6 đến ngày 14/6. Với thông điệp “Hiến máu cứu người - Xin hiến thường xuyên” nhằm kêu gọi cộng đồng thường xuyên hiến máu và sẵn sàng hiến máu trong những trường hợp khẩn cấp.

Tham dự sự kiện toàn cầu Ngày Quốc tế Người hiến máu Việt Nam có các đại biểu trong nước, đại biểu quốc tế và các tổ chức quốc tế.

Nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ được tổ chức, nổi bật là “Lễ Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc và Sự kiện toàn cầu kỷ niệm Ngày Quốc tế người hiến máu” được tường thuật trực tiếp tại 3 điểm cầu Hà Nội, Huế, TP HCM.

Cùng với đó là chuỗi hoạt động phong phú được tổ chức như: Roadshow “BE THE 1” - đạp xe vận động hiến máu với sự tham gia của 3 bạn trẻ người Iran đạp xe từ Iran đến Việt Nam; Hội thảo quốc tế “Phát triển nguồn người hiến máu an toàn, ổn định”; Hành trình “Về miền di sản”; “Lễ báo công dâng Bác” và “Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ”; Chương trình gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đây là cơ hội rất tốt để các quốc gia trao đổi kinh nghiệm và hợp tác về vận động hiến máu, đồng thời giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.   

 

Phòng ngừa và kiểm soát một số bệnh do vi-rút Arbo

http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33163102-phong-ngua-va-kiem-soat-mot-so-benh-do-vi-rut-arbo.html

Trong hai ngày 12 và 13-6, tại Hà Nội, 130 đại biểu đại diện các cơ quan y tế các nước: Việt Nam, Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia và chuyên gia y tế công cộng quốc tế, các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo quốc tế với chủ đề "Quản lý, phòng ngừa và kiểm soát một số bệnh do vi-rút Arbo".

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực thảo luận các biện pháp để kiểm soát lây truyền vi-rút do muỗi Aedes và dịch bệnh do muỗi Aedes. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị về các biện pháp can thiệp có cải tiến và phù hợp với hoàn cảnh, có thể cải thiện việc quản lý, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh và sự lây truyền vi-rút qua muỗi Aedes trong khu vực với những phương pháp hiệu quả và bền vững.

GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết: Các vấn đề chiến lược về quản lý lồng ghép các vi-rút Dengue và các vi-rút do muỗi Aedes truyền khác (bao gồm cả Zika và Chikungunya), bao gồm phòng chống và quản lý, đánh giá nhu cầu, phân tích kinh tế và gánh nặng bệnh tật, các chi tiết kỹ thuật và hoạt động liên quan là những phần được thảo luận trong phạm vi hội thảo.

 

Bé trai 3 tuổi tử vong vì dại nghi do chó mèo trong nhà cắn

 

http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/be-trai-3-tuoi-tu-vong-vi-dai-nghi-do-cho-meo-trong-nha-can-1158093.tpo

Nhập viện điều trị theo phác đồ viêm não - màng não. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có nhiều biểu hiện bất thường so với bệnh cảnh viêm não thông thường như xuất tiết nhiều đờm dãi, dương vật cương cứng. Điều này khiến các bác sĩ nghĩ đến khả năng cháu nhiễm virus bệnh dại.

 Bệnh nhi là bé NQV (3 tuổi, Hải Phòng). Theo lời gia đình, ngày 31/5 thấy bé V bỗng nhiên lên cơn sốt, gia đình đưa con đi khám tại phòng khám tư và sau đó là Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Khi nhập viện, tuy sốt cao nhưng bé V vẫn còn tỉnh táo.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 7-8 giờ đồng hồ điều trị tại đây, tình trạng sức khỏe của cháu diễn biến xấu đi rất nhanh: cháu xuất hiện 7-8 cơn giật mình sau đó tiến đến suy thở. Cháu bé được các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chẩn đoán mắc viêm não và cấp tốc chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch: sốt cao, có suy thở, li bì, hôn mê. TS.BS Tạ Anh Tuấn-Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cháu bé khi vào viện được điều trị theo phác đồ viêm não-màng não. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân có nhiều biểu hiện bất thường so với bệnh cảnh viêm não thông thường như xuất tiết nhiều đờm dãi, dương vật cương cứng. Điều này khiến các bác sĩ nghĩ đến khả năng cháu nhiễm virus bệnh dại. Khi hỏi thăm gia đình, các bác sĩ được biết trong nhà bé V có nuôi chó mèo và bé thường xuyên chơi đùa với chúng.

Cháu bé được tiến hành chọc dịch não tủy. Mẫu bệnh phẩm gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ làm xét nghiệm đặc hiệu tìm virus dại đã cho kết quả dương tính. Chẩn đoán nhiễm virus bệnh dại được xác nhận. Chỉ một ngày sau khi nhập viện, bé V đã rơi vào tình trạng sốc, suy đa tạng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, phải thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều rất cao và lọc máu liên tục. Sau 4 ngày, dù đã được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng tình trạng của bé V không cải thiện. Ngày 5/06, gia đình đã xin cho con về khi không còn hy vọng cứu chữa.

Các biện pháp chủ yếu phòng bệnh dại

Khi bị súc vật dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng phải rửa ngay thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối hoà đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc...

Những người khi đã bị bệnh dại lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%, biện pháp duy nhất để giảm thiểu cái chết oan uổng là khi nghi bị nhiễm virus dại cần phải rửa thật kỹ vết thương, đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế điều trị dự phòng bằng vaccin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả.

• Hạn chế nuôi chó. Chó nuôi phải xích, nhốt, rọ mõm. Diệt chó chạy rông, chó vô chủ, chó dại và nghi dại.

• Nuôi chó phải tiêm vaccin phòng dại đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Thú y.

 

Vụ nghi viêm não: Thêm 2 chị em bé gái chết thương tâm

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/vu-nghi-viem-nao-them-2-chi-em-be-gai-chet-thuong-tam-378148.html

http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/33160502-hai-benh-nhi-cap-cuu-o-cao-bang-qua-doi.html

Đầu giờ chiều nay, do sức khoẻ 2 chị em bệnh nhi quá xấu nên gia đình đã xin về để lo hậu sự.

Chiều nay, BS. Phương Đức Cù, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, lúc 13h30 chiều nay, do sức khỏe của 2 bệnh nhi Lý Thị Hoa (10 tuổi) và Lý Thị Mái (9 tuổi) nguy kịch nên gia đình đã xin đưa về để lo hậu sự.

Dù được thở máy, điều trị theo phác đồ viêm não nhưng 2 bé vẫn bị suy hô hấp, não phù nề, hôn mê trong suốt thời gian điều trị.

Thể theo nguyện vọng, BV đã cho 1 xe cấp cứu có nhân viên y tế đi cùng để bóp bóng cho các cháu với hy vọng các cháu giữ được hơi ấm cơ thể khi về đến nhà.

Cháu bé còn lại là Lý Văn Trường (7 tuổi) hiện đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, BV đa khoa tỉnh với tình hình sức khoẻ ổn định, đã ăn được.

BS Cù cho biết, mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi đã được gửi về Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai và Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ để xác định nguyên nhân.

Trong sáng nay, đoàn công tác của Sở Y tế Cao Bằng cũng đã đến xóm Lũng Kỉnh, xã Đa Thông huyện Thông Nông các cháu sinh sống để khảo sát và đánh giá tình hình.

Trước đó vào chiều 8/6, cả 4 trẻ đi lấy thức ăn cho trâu bò, rồi cùng ăn quả vải hái tại vườn gần nhà.

Sau ăn, 12h đêm cùng ngày, cháu Lý Văn Thắng (13 tuổi) có có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, mệt. Đến sáng 9/6 thêm biểu hiện nôn ra máu rồi tử vong. 2 cháu Lý Thị Hoa và Lý Thị Mái từ sáng 9/6 xuất hiện nôn, đau đầu, mệt, gia đình đưa đến BV Đa khoa huyện Thông Nông điều trị bằng truyền dịch, thở ôxy nhưng tình trạng vẫn nặng lên, được chuyển tới BV đa khoa tỉnh vào 18h cùng ngày.

Riêng cháu Lý Văn Trường đến sáng 10/6 mới có các biểu hiện buồn nôn và mệt, được chuyển đến BV tỉnh điều trị.

 

Cứu sống bệnh nhân ngưng thở do bệnh tai mũi họng hiếm gặp

http://nld.com.vn/suc-khoe/cuu-song-benh-nhan-ngung-tho-do-benh-tai-mui-hong-hiem-gap-20170613095243178.htm

Sự nhạy bén của nhân viên bán sổ khám bệnh và quy trình báo động đỏ đã kịp thời cứu sống người đàn ông đang dần ngưng thở do bệnh lý tai mũi họng hiếm gặp - viêm thanh thiệt cấp.

Đến sáng nay 13-6, anh M.H.D. (41 tuổi, ngụ quận 7) đã khá khỏe mạnh, nói được sau gần 1 tuần kể từ ca cấp cứu ngoạn mục. Anh vẫn đang được tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, dự kiến ngày mai có thể rút nội khí quản.

Anh D. kể lại rằng: tối ngày 7-6, anh cảm thấy khó thở, đau, ho nhiều. Nhớ rằng 20 ngày trước mình có hóc xương cá và nghĩ rằng Bệnh viện Tai Mũi Họng là đơn vị chuyên khoa đầu ngày, anh đã đến đó.

PGS-TS-BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng, TP HCM cho biết: theo lời kể của ê kíp trực tối ngày 7-6, khi anh D. đến quầy mua sổ và đăng ký khám ngoài giờ, các nhân viên ở đây đã nhận thấy dấu hiệu bất thường và báo cho các bác sĩ trực. Lệnh "báo động đỏ" lập tức được đưa ra, anh D. được đẩy ngay vào phòng cấp cứu và đã bắt đầu rơi vào trạng thái ngưng tim, ngưng thở, mạch và huyết áp không đo được, tím tái và tiêu tiểu không tự chủ.

Anh D. được xác định là bị viêm thanh thiệt cấp. Theo các bác sĩ, thanh thiệt (hay có tài liệu còn gọi là nắp thanh quản, nắp thanh môn) có thể coi là một chiếc nắp nằm ngay phía trên đường thở. Nắp này có tác dụng tạm đóng khi chúng ta nuốt thức ăn, để thức ăn không rơi vào đường thở. Khi hô hấp, nắp này mở ra. Thanh thiệt vốn chỉ mỏng như một chiếc lá, nhưng khi bị viêm cấp sẽ phù nề lên rất to, chặn toàn bộ đường thở khiến nạn nhân có thể tử vong do thiếu oxy. Thời gian kể từ khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau, khó thở đến khi ngưng thở hoàn toàn chỉ từ 30 phút đến 1 giờ. Nếu anh D. vào viện trễ hơn chỉ vài phút, anh có thể đã gặp nguy hiểm vì kể từ thời điểm ngưng thở, bệnh nhân chỉ có 4 phút "thời gian vàng". Quá thời gian này, bệnh nhân có thể tử vong, nếu có may mắn cứu sống cũng sẽ bị di chứng nặng nề do thiếu oxy não quá lâu.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tú, trưởng tua trực ngày hôm đó cho biết: ê kíp trực lập tức tiến hành hồi sức tim phổi, mở nội khí quản, thực hiện các xét nghiệm song song với quá trình cấp cứu… Do được phát hiện sớm và được xử trí kịp thời, cuối cùng các bác sĩ đã cứu sống được anh.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Tú, viêm thanh thiệt cấp thường do virus. Bệnh nhân có các biểu hiện ban đầu như cảm thấy đau, vướng họng, khó thở, bỗng dưng nói khàn tiếng… Khi đó, họ nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

 

Thêm giải pháp ngừa ung thư từ Nhật Bản

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170613/them-giai-phap-ngua-ung-thu-tu-nhat-ban/1330410.html

Theo số liệu của WHO năm 2014, thế giới có 14.090.000 ca ung thư mới, 8.201.000 ca tử vong; riêng tại Việt Nam có 125.000 ca mới, 94.700 ca tử vong; dự đoán đến năm 2030 thế giới sẽ có khoảng 21.700.000 ca ung thư.

Gánh nặng ung thư đang ngày càng gia tăng trong khi các nền y khoa tiên tiến trên thế giới hiện vẫn chưa tìm ra được một phương thức điều trị hiệu quả, có thể tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây tác dụng phụ cho bệnh nhân.

Hệ thống bạch cầu của cơ thể (white blood cells) bao gồm tế bào T, tế bào B và tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK - Natural Killer cells). Trong đó, NK cells chiếm khoảng 15% số lượng bạch cầu và là hàng bảo vệ tiên phong của cơ thể chống lại các tế bào ung thư và các virus nhiễm trùng. Hệ miễn dịch suy yếu là một trong những khả năng to lớn tạo cơ hội cho tế bào ung thư kích hoạt.

Để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu gồm: nước, protein, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó, khoáng chất dù chỉ chiếm 4% trong cơ thể con người nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp cơ thể hấp thụ vitamin từ thực phẩm và chuyển trực tiếp vào hệ thống, giúp duy trì sự sống của tế bào trong cơ thể.

Thiếu khoáng chất là nguyên nhân của hầu hết các căn bệnh mãn tính. Ngược lại, khi cơ thể được bổ sung đầy đủ khoáng chất và các nguyên tố vi lượng, hệ miễn dịch được nâng cao đồng thời mức độ hoạt động của tế bào NK tăng lên nhiều lần, những tế bào NK khỏe mạnh sẽ trực tiếp tiêu diệt các tế bào lạ (bao gồm tế bào ung thư, virus ngoại sinh), chống lại sự phát triển khối u và nhiễm khuẩn.

Bằng việc chiết xuất các loại khoáng chất tự nhiên và các nguyên tố vi lượng được lấy lên từ nguồn nước biển tinh khiết ở độ sâu 50-100m thuộc dòng hải lưu Oyashio vùng biển Ibaraki Nhật Bản, ứng dụng bào chế Nhật sinh khoáng MCM (Marine Crystal Mineral) có dạng viên nang dễ uống, thích hợp quá trình đồng hóa và hấp thụ tối đa khoáng chất cho cơ thể. MCM (Marine Crystal Mineral) hiện đang được chú ý như là một phương thức phòng ngừa ung thư hiệu quả và giúp cho bệnh nhân ít chịu đau khổ vì tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 1/3 số ung thư có thể dự phòng; 1/3 ung thư chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp; 1/3 số ung thư còn lại người bệnh kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống nếu được chăm sóc và điều trị tích cực.

Vì vậy, người dân cần chủ động nâng cao sức khỏe cơ thể, tăng sức đề kháng để phòng ngừa & chống lại các tế bào lạ trong cơ thể bằng cách:

- Không hút thuốc

- Ăn thực phẩm sạch, giảm chất béo, tinh bột, ăn nhiều chất xơ.

- Sống lành mạnh, sạch sẽ

- Luyện tập thể thao

- Tiêm văcxin phòng viêm gan B, HPV.

- Khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư.

- Bổ sung dưỡng chất & khoáng chất đầy đủ cho cơ thể.

Xem thêm thông tin chi tiết tại: http://global-connections.com.vn/mcm/

Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang