Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 15/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế gửi công điện khẩn về các tỉnh thành bị ảnh hưởng lũ lụt; Số người mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu giảm; ​Phòng dịch chưa hiệu quả do phun hoá chất không đúng cách...

 

Bộ Y tế gửi công điện khẩn về các tỉnh thành bị ảnh hưởng lũ lụt

http://www.vietnamplus.vn/bo-y-te-gui-cong-dien-khan-ve-cac-tinh-thanh-bi-anh-huong-lu-lut/461018.vnp

Bộ Y tế vừa có công điện yêu cầu Sở Y tế các tỉnh miền núi phía Bắc đảm bảo công tác y tế trong điều kiện mưa lũ, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân…

Trước những diễn biến của mưa lũ và nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét ở các tỉnh phía Bắc, Bộ Y tế đã có công điện số 4585/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố trên cần triển khai các công việc để ứng phó.

Đối với một số tỉnh đã bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ vừa qua, Bộ Y tế đề nghị cần khắc phục nhanh hậu quả do mưa lũ gây ra, tập trung cùng các cấp, ban ngành tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ bị thiếu đói, nhất là các hộ bị mất nhà cửa.

Bộ Y tế đặc biệt yêu cầu Sở Y tế các tỉnh nói trên tuyệt đối không để người dân bị thiếu thuốc khi ốm đau; tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ lũ quét, ngập úng, sạt lở đất.

Sở Y tế các địa phương cũng cần chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ…

Bộ Y tế yêu cầu Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe các tỉnh cần hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày, ăn chín uống sôi, khử trùng nguồn nước, giữ gìn vệ sinh phòng tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh.

Đối với các đơn vị trực thuộc, Bộ Y tế yêu cầu chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra./.

 

Số người mắc sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu giảm

http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/33783802-so-nguoi-mac-sot-xuat-huyet-chua-co-dau-hieu-giam.html

PGS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh cho biết, tại các tỉnh, thành phố phía nam mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay tình hình sốt xuất huyết (SXH) vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm số ca mắc. Nguyên nhân là do các địa phương mới chú trọng đến biện pháp điều trị hay dập dịch bằng cách phun hóa chất ở những nơi có nhiều muỗi mà không quan tâm vận động người dân diệt loăng quăng.

Theo điều tra của Viện Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh, tại một địa phương sau khi được phun hóa chất diệt muỗi nhưng chỉ số loăng quăng, bọ gậy (chỉ số BI) vẫn vượt mức ngưỡng an toàn.

Các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ tuyên truyền vận động người dân bằng các thông báo trong các buổi họp dân phố hay thông báo qua hệ thống loa truyền thanh sẽ không hiệu quả mà cần phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động từng người dân tham gia. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Thanh Hà cho biết, qua các đợt kiểm tra, giám sát, hầu hết người dân đều có kiến thức về phòng, chống dịch bệnh SXH nhưng ý thức, hành vi phòng, chống dịch của một bộ phận người dân còn hạn chế. Một số hộ dân chưa tự giác thực hiện các hoạt động giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, ngủ màn, đổ bỏ các vật dụng phế thải chứa nước… Do đó, các ổ chứa loăng quăng trên địa bàn còn rất nhiều và số người mắc SXH vẫn còn gia tăng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nam, dịch SXH trên địa bàn tỉnh này vẫn diễn biến phức tạp, số người mắc bệnh tiếp tục tăng. Tính đến ngày 14-8, toàn tỉnh có 225 người mắc SXH. Hiện, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam có 50 người bệnh nằm điều trị, trong khi đó cả khoa chỉ có 25 giường bệnh. Bệnh viện đã phải huy động giường từ các khoa khác và cho những trường hợp tương đối ổn định xuất viện, tiếp tục điều trị tại nhà. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch SXH các cấp của tỉnh Hà Nam đang tập trung công tác kiểm tra, chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương; tổ chức trực chống dịch suốt 24 giờ tại các đơn vị; giám sát điều tra, xử lý các ổ dịch và các trường hợp tản phát; tổ chức tuyên truyền người dân tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại vùng xảy ra dịch và vùng có nguy cơ cao, chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch.

* Sở Y tế Hà Nội cho biết, bắt đầu từ ngày 14-8, ngành y tế Hà Nội triển khai phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống bệnh SXH trên diện rộng tại các quận, huyện có số người mắc SXH cao. Ngay trong sáng 14-8, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã huy động hơn 40 máy phun hóa chất các loại để tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại các hộ gia đình, cơ quan, trường học, khu vực công cộng trên địa bàn. Trong đợt này, 19 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ ngành y tế Hà Nội các máy phun hóa chất (ULV) công suất lớn để cấp cho các đơn vị y tế quận, huyện; Bộ Y tế hỗ trợ 30 máy phun ULV đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, đợt phun hóa chất diệt muỗi diện rộng lần này sẽ được tiến hành bằng hình thức “cuốn chiếu”. Trước mắt, sẽ tập trung phun hóa chất trên địa bàn các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông… Bên cạnh việc phun hóa chất diệt muỗi, ngành y tế Hà Nội đề nghị người dân tham gia tích cực hơn trong chiến dịch diệt bọ gậy, thu gom phế liệu, các vật dụng chứa nước để bọ gậy không có chỗ trú ngụ, sinh sôi và phát triển tại gia đình và cộng đồng mà các địa phương đang triển khai.

 

Phòng dịch chưa hiệu quả do phun hoá chất không đúng cách

http://dantri.com.vn/suc-khoe/phong-dich-chua-hieu-qua-do-phun-hoa-chat-khong-dung-cach-2017081406000873.htm

Tại Hội nghị cung cấp thông tin y tế do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM, PGS, TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho rằng đã có những cách thức thực hiện chưa đúng trong việc phun hóa chất diệt muỗi nên công tác phòng chống dịch của ngành y tế vẫn chưa hiệu quả, trong đó nổi lên nghi vấn muỗi Ades truyền bệnh đã kháng lại hóa chất diệt muỗi đang sử dụng.

Đó là việc phun hóa chất không đúng giờ, pha hóa chất không đúng cách, phun không đúng mục tiêu, phun qua loa cho xong việc và trước khi phun không tiến hành diệt lăng quăng, giảm mật độ lăng quăng tại khu vực phun.

"Nếu không giảm mật độ lăng quăng xuống thì sau 6-7 ngày tuổi lăng quăng đó sẽ nở ra và muỗi lại nhiều như cũ chứ không phải là do muỗi kháng với hóa chất”, PGS, TS. Phan Trọng Lân nhận định.

Bên cạnh đó, PGS, TS. Phan Trọng Lân kiến nghị các địa phương nên công bố dịch bởi chỉ có như thế thì mới tạo được sự đồng lòng của cả cộng đồng cùng phòng chống sốt xuất huyết. Khi công bố dịch cần công bố những thông tin quan trọng như: tên bệnh, thời gian, phạm vi, quy mô để người dân biết nơi nào có dịch, nguyên nhân phát sinh dịch, các đường lây truyền, tính nguy hiểm, biện pháp phòng chống dịch, nơi điều trị….

Trong đó, việc tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch là quan trọng nhất bởi nếu không có biện pháp phòng chống đồng nhất sẽ dễ xảy ra những hiểu lầm về cách thức phòng chống trong người dân.

Ví dụ, đã có ý kiến cho rằng vi rút sốt xuất huyết Duegue sẽ chết nếu quá nóng, do đó trong thời gian bị bệnh sốt xuất huyết không cần phòng chống, bảo vệ. Tuy nhiên, theo PGS, TS. Phan Trọng Lân vi rút Duegue sẽ chết sau 30 phút nếu ở nhiệt độ 56 độ C và chết sau 1-2 phút trong chống muỗi đốt cho người bệnh vì đây chính là nguồn lây cho cả cộng môi trường 100 độ C. Như vậy, trong suốt quá trình bệnh phát tác cần bảo vệ, phòng đồng.

Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận có 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 69.085 trường hợp nhập viện, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Riêng tại TP.HCM tính đến ngày 10/8, trên địa bàn thành phố có 12.200 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốcTrung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, hiện thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch như sử dụng hệ thống GIS xác định và khoanh vùng ổ dịch, giám sát các điểm nguy cơ, tổ chức và duy trì các đội xung kích diệt lăng quăng tại các khu dân cư và tăng cường xử phạt theo Nghị định 176 các trường hợp vi phạm để phát sinh ổ dịch, phát sinh ổ lăng quăng trên địa bàn. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã xử phạt 98 trường hợp vi phạm.

Đánh giá cao nỗ lực của TP.HCM trong việc kéo giảm số ca mắc sốt xuất huyết, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế đề nghị thành phố kêu gọi người dân cùng chung tay với ngành y tế, mỗi tuần dành ra 10 phút dọn dẹp vệ sinh trong nhà, xung quanh khu vực mình sinh sống, loại bỏ vật chứa nước có phát sinh lăng quăng để phòng ngừa sốt xuất huyết cho chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

 

Tập trung 19 máy phun công suất lớn dập dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội

http://www.vietnamplus.vn/tap-trung-19-may-phun-cong-suat-lon-dap-dich-sot-xuat-huyet-tai-ha-noi/461013.vnp

https://laodong.vn/suc-khoe/may-phun-diet-muoi-voi-rong-cua-19-tinh-thanh-do-ve-ha-noi-549288.ldo

Chiều 14/8, theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), để hỗ trợ Hà Nội phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã cấp cho Hà Nội 30 máy phun ULV đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200.

Bộ Y tế đã chỉ đạo Trung tâm y tế Dự phòng, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh các tỉnh, thành phố hỗ trợ Hà Nội máy phun hóa chất công suất cao để thực hiện phun hóa chất diện rộng dập dịch sốt xuất huyết.

Cho đến thời điểm này có 19 tỉnh đã hỗ trợ 19 máy phun công suất lớn cho Hà Nội.

Đó là các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Trong ngày 12-13/8, đã có 7 máy được bàn giao cho Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội, 12 máy được các tỉnh, thành phố giao vào ngày 14/8.

Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái ngoài việc hỗ trợ máy phun, đã tích cực hỗ trợ cả nhân lực bao gồm bác sỹ và cán bộ kỹ thuật.

7 máy phun vừa tiếp nhận đã được Trung tâm y tế Dự phòng Dự phòng Hà Nội giao cho quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Thanh Trì.

Ngay trong đêm 13/8 và rạng sáng ngày 14/8, cơ quan chức năng đã sử dụng các máy phun công suất lớn này tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì; phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai; phường Vĩnh Tuy, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; phường Láng Thượng, quận Đống Đa.

Ngày 14/8, Trung tâm y tế Dự phòng Dự phòng Hà Nội và Trung tâm y tế quận Đống Đa tiến hành phun diện rộng ở phường Láng Thượng với khoảng 40 máy phun ULV đeo vai kết hợp với máy phun ULV cỡ lớn đặt trên ôtô.

Theo kế hoạch, các quận, huyện khác vẫn tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát./.

 

HÀ NỘI: Không công bố dịch SXH, nửa đêm lọ mọ đi diệt muỗi

https://laodong.vn/suc-khoe/khong-cong-bo-dich-sxh-nua-dem-lo-mo-di-diet-muoi-549264.ldo

 “Trên lạnh, dưới nóng”

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - khẳng định: Bệnh SXH lưu hành quanh năm nên Hà Nội luôn chủ động, sẵn sàng trong việc phòng chống SXH. Các ban ngành đã có chỉ thị, chỉ đạo việc phòng, chống dịch SXH ngay từ đầu năm.

Dường như các biện pháp chưa hiệu quả khiến bệnh SXH gia tăng từng ngày. Hà Nội trở thành địa phương có ca mắc SXH cao, đứng thứ 5 trong cả nước có số ca mắc cao nhất tính theo tỷ lệ mắc bệnh/100.000 dân.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định: Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực cho phòng, chống bệnh SXH. Cụ thể, Thành uỷ Hà Nội đã có chỉ đạo, UBND TP.Hà Nội đã có chỉ thị, các đoàn thể, cơ sở y tế đã vào cuộc. Kinh phí cho công tác phòng, chống SXH đã lên tới gần 20 tỷ đồng, các địa phương cũng trích ngân sách cho công tác phòng, chống SXH.

Cả 2 yếu tố để công bố dịch bệnh là công khai dịch bệnh và huy động nguồn lực, Hà Nội đã làm quyết liệt và đầy đủ. Tuy nhiên, do tình hình SXH hiện nay đang diễn biến phức tạp nên các đơn vị liên quan đang theo dõi chặt chẽ. Trong tình hình cụ thể, Hà Nội sẽ cân nhắc và đề xuất việc công bố dịch SXH sao cho phù hợp.

Trên thực tế, bệnh SXH vẫn không có xu hướng giảm mà còn tăng lên, buộc Hà Nội phải thực hiện tổng lực chiến dịch diệt muỗi bắt đầu từ sáng 14.8. Để hỗ trợ Hà Nội phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã cấp cho Hà Nội 30 máy phun ULV đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200.

Tổng lực diệt muỗi, bọ gậy

Bộ Y tế đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh các tỉnh, thành phố hỗ trợ Hà Nội máy phun hóa chất công suất cao để thực hiện phun hóa chất diện rộng dập SXH.

Đã có 19 tỉnh, thành phố hỗ trợ 19 máy phun công suất lớn cho Hà Nội là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ngay trong sáng 14.8, chiến dịch phun thuốc diệt muỗi đã được tiến hành tại xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì): phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); phường Vĩnh Tuy, ĐH Xây dựng, ĐH Bách Khoa và ĐH Kinh tế quốc dân (quận Hai Bà Trưng) và khu vực phường Láng Thượng (quận Đống Đa).

Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội tiến hành phun diện rộng ở phường Láng Thượng với khoảng 40 máy phun ULV đeo vai kết hợp với máy phun ULV cỡ lớn đặt trên ôtô. Còn tại các quận, huyện khác vẫn tiếp tục triển khai thực hiện phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội - cho biết, chúng ta cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dân hiểu bản chất của phòng chống dịch. Đó là việc diệt bọ gây, giữ vệ sinh mới là giải pháp căn cơ. Phun hóa chất chỉ là giải pháp diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh ngay tại thời điểm đó. Hiện nay phương pháp phun chủ yếu là phun khí dung, chỉ tồn tại và tiêu diệt được 2-3 tiếng. “Trong trường hợp ngày hôm trước phun hóa chất, nhưng ngày hôm sau vẫn phát hiện loại muỗi truyền bệnh SXH thì chứng tỏ ở đó có ổ bọ gậy và chúng đã nở ra thành muỗi. Như vậy là xử lý chưa triệt để. Biện pháp bền vững, triệt để và lâu dài nhất là phải diệt bọ gậy thường xuyên, liên tục trong tuần ở trong gia đình, các công trường xây dựng, bãi đất trống, cơ quan trường học…” TS Cảm nói.

 

TPHCM: Phụ huynh lại lo sốt vó vì tay chân miệng

https://laodong.vn/suc-khoe/tphcm-phu-huynh-lai-lo-sot-vo-vi-tay-chan-mieng-549169.ldo

Trong khi các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đang tất tả vì quá tải bệnh sốt xuất huyết thì cùng lúc đó, bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ bắt đầu vào mùa. Không ít bé bị nặng phải thở máy.

Ghi nhận tại khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nhiều trẻ phải nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng. Đa phần là các bệnh nhi đến từ tỉnh, thành lân cận.

Đang chăm con gái 13 tháng tuổi tại đây, chị Đoàn Kim Thái (ở Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết: “Trẻ con trong xóm bị tay chân miệng hết trơn. Con gái tôi bị sốt 7 ngày và phải nhập Bệnh viện huyện Cai Lậy. Tuy nhiên, đêm hôm trước, bé có biểu hiện giật mình nên gia đình sợ hãi xin chuyển viện cho con lên TPHCM điều trị”.

Chị Thanh Hương (ở Đồng Nai) đang chăm con trai 3 tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cũng cho biết: “Gần nhà có mấy bé bị bệnh. Bé sốt 3 ngày và phồng rộp ở miệng, không chịu ăn uống gì nên tôi phải cho nhập viện ngay”.

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết, hiện tại khoa đang có hơn 50 trẻ điều trị bệnh tay chân miệng. Bình thường, số trẻ tay chân miệng ở khoa chỉ khoảng 20 bé. Tuy nhiên, đa phần các ca nhẹ đều được bác sĩ chỉ định chăm sóc ở nhà để tránh lây lan. Trong số trẻ bị tay chân miệng phải điều trị nội trú luôn có 2-3 trẻ bị tay chân miệng độ 3, cá biệt đã có trẻ bị nặng phải thở máy: “So với năm trước, số ca bệnh chưa tăng cao nhưng đang chuẩn bị vào mùa cao điểm nên chắc chắn số ca mắc sẽ tiếp tục tăng. Có thể kéo dài tới tháng 11” - BS Trương Hữu Khanh nhận định.

BS Khanh lưu ý, nếu trẻ sốt cao quá 2 ngày, nôn ói, giật mình, yếu tay chân, da nổi nốt thì cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị tay chân miệng thường nặng hơn trẻ lớn. Các triệu chứng của tay chân miệng thường bắt đầu bằng sốt, biếng ăn, đau họng, và mệt mỏi. Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông bé. Phát ban này có thể có mủ nhưng thường sẽ không bị ngứa.

BS Khanh khuyến cáo, với những nốt ban trên người trẻ, không nên bôi hay xức bất kỳ loại thuốc gì, vẫn vệ sinh tắm rửa cho trẻ bình thường. Với những nốt loét trong miệng khiến trẻ đau thì có thể dùng vài loại thuốc để rơ miệng cho trẻ. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc rơ miệng có thành phần thuốc tê. Điều này rất nguy hiểm cho trẻ, đặc biệt với trẻ dưới 3 tuổi vì không kiểm soát được lượng thuốc tê.

Số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, số ca tay chân miệng tích lũy đến tuần 31 là 2.821 ca, riêng tuần 31 có 168 ca, tăng 11%.

 

Bệnh tay chân miệng tăng đột biến ở Đồng Nai

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170814/benh-tay-chan-mieng-tang-dot-bien-o-dong-nai/1368664.html

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Nai, tính đến 10-8, toàn tỉnh ghi nhận 4.700 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng mạnh hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó có 1.970 ca điều trị nội trú, còn lại điều trị ngoại trú.

Trong số các địa phương, TP Biên Hòa là khu vực ghi nhận bệnh tay chân miệng nhiều nhất. Cụ thể, chỉ riêng tháng 7, toàn TP có gần 600 ca mắc bệnh tay chân miệng, nâng tổng số từ đầu năm đến nay gần 1.400 ca (tăng 164% so với cùng kỳ năm 2016).

Bác sĩ Lê Văn Giai - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - cho biết bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng từ cuối tháng 6 và kéo dài đến nay. Hiện trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 60-80 ca bị bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị, tăng 4-5 lần so với các tháng đầu năm và cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo bác sĩ Giai, đỉnh dịch tay chân miệng ở khu vực phía Nam thường rơi vào thời điểm tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12, còn từ tháng 6 đến tháng 8 số lượng bệnh tay chân miệng không nhiều.

“Tuy nhiên, năm nay bệnh lại tăng đột biến từ cuối tháng 6 đến nay và diễn biến hết sức phức tạp. Theo tình hình này thì các tháng cuối năm dự báo dịch tay chân miệng có thể còn tăng cao” - bác sĩ Giai cho biết

 

Ngành hàng không tham gia phòng sốt xuất huyết

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170814/nganh-hang-khong-tham-gia-phong-sot-xuat-huyet/1369030.html

Trước diễn biến phức tạp về sốt xuất huyết tại nhiều quốc gia, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã có chỉ thị về việc tăng cường phòng, chống dịch.

Cục Hàng không VN yêu cầu các đơn vị, cơ quan trực thuộc ngành hàng không đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch SXH đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan đơn vị và hành khách đi máy bay nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống dịch.

Đơn vị trực thuộc Cục Hàng không VN phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy (loăng quăng), xử lý các dụng cụ chứa nước để không có chỗ cho muỗi đẻ trứng, bọ gậy phát triển.

Tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ công nhân viên chức phát hiện các triệu chứng của bệnh dịch đến cơ sở y tế sớm để được chuẩn đoán, điều trị kịp thời.

Các Cảng vụ hàng không cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai tốt việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với từng người, phương tiện nhằm sớm phát hiện những trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết để có phương án xử lý kịp thời tránh lây lan trên diện rộng.

Trung tâm y tế hàng không và các cơ sở y tế tại đơn vị cần phối hợp với cơ sở y tế trên địa bàn sẵn sàng thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị khi cần thiết…

19 tỉnh thành cho Hà Nội mượn máy phun diệt muỗi công suất lớn

Bộ Y tế đã điều phối các tỉnh thành cho Hà Nội mượn máy phun diệt muỗi công suất lớn để chống dịch. Đến thời điểm này đã có 19 tỉnh thành cho Hà Nội mượn máy, 7 máy trong số này đã được bàn giao cho 4 quận huyện dịch nóng nhất là Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Thanh Trì, để triển khai phun diệt muỗi luôn từ ngày 14-8.

Để hỗ trợ Hà Nội chống dịch, Bộ Y tế cũng cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hoá chất.

Trong ngày hôm nay (14-8) cơ quan chức năng ở Hà Nội đã tiến hành phun diệt muỗi bằng 40 máy phun đeo vai kết hợp với máy phun cỡ lớn đặt trên ôtô tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa.

Tính đến ngày 14-8, Hà Nội đã ghi nhận 16.000 ca mắc sốt xuất huyết, 7 người đã tử vong, vượt  năm có số mắc cao nhất trong 10 năm trở lại đây ở Hà Nội.

Riêng trong tuần vừa qua ước tính có 2.600 - 3.200 người mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đã đi khám và 10-15% trong số này phải nhập viện điều trị nội trú.

 

Vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm y tế

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/33771702-vuong-mac-trong-thuc-hien-bao-hiem-y-te.html

Sau hơn hai năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố… đến nay, tỷ lệ tham gia BHYT đã tăng từ 71,3% (năm 2014) lên 82,1% số dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những vướng mắc cần tiếp tục hoàn thiện.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận vẫn còn một số vướng mắc, nhất là việc mở rộng độ bao phủ BHYT. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong năm 2016 vẫn có 32 địa phương chưa đạt chỉ tiêu về bao phủ BHYT theo Quyết định số 1167/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, một số địa phương còn thiếu nhiều như: Hậu Giang (-14,3%), Lâm Ðồng (-10,7%), Quảng Bình (-9,9%), Vĩnh Long (-8%), Ðồng Tháp (-7,4%), Hưng Yên (-3,6%). Tỷ lệ tham gia BHYT của người thuộc hộ gia đình làm nông lâm ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình vẫn còn thấp, nhất là các đối tượng lao động tự do, buôn bán nhỏ.

Về quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình, theo Khoản 5 Ðiều 12, Khoản 3 Ðiều 13, Khoản 6 Ðiều 15 thì tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT cùng một thời điểm theo phương thức thông qua đại diện hộ gia đình thì mới được phát thẻ BHYT (trừ các đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Ðiều 12). Trong quá trình thực hiện phát sinh một số bất cập. Ðó là, khi một (hoặc một số thành viên) trong hộ gia đình không tham gia BHYT thì những thành viên còn lại dù muốn tham gia BHYT cũng sẽ không được tham gia.

Việc thực hiện bắt buộc đối với nhóm đối tượng là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng hưởng lương tại nước ngoài tham gia BHYT, người nước ngoài đang sinh sống và kết hôn với người Việt Nam rất khó thực hiện, khó quản lý, chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng.

Theo Khoản 3 Ðiều 22 của Luật quy định người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng và với tỷ lệ tương ứng là 40%, 60%, 70%. Như vậy, chỉ khi người tham gia BHYT đi KCB không đúng tuyến tại các bệnh viện mới được hưởng quyền lợi BHYT. Nhưng trên thực tế, hệ thống các cơ sở KCB rất đa dạng, ngoài bệnh viện còn có các viện, các trung tâm y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện. Vì vậy, quy định này gây khó khăn trong triển khai và ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT. Ðáng chú ý, chính sách "thông tuyến" KCB góp phần tăng tiếp cận dịch vụ y tế, bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được KCB. Tuy nhiên một số người lợi dụng "thông tuyến" để đi khám nhiều lần trong ngày, trong tháng tại nhiều cơ sở y tế. Có trường hợp bị phát hiện, phải trả lại tiền cho cơ quan BHXH; một số cơ sở KCB thu hút người bệnh nhằm lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT bị cơ quan BHXH thu hồi về quỹ…

Hiệu quả đầu tư nguồn lực cho y tế cơ sở cũng bị hạn chế, số lượt người KCB tại trạm y tế xã giảm, trong khi trạm y tế được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhân lực. Như vậy hiệu quả bị hạn chế, trong khi tại tuyến huyện, việc đầu tư nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, có nơi quá tải, chất lượng KCB chưa được như mong muốn. Việc thông tuyến KCB BHYT cũng có nguy cơ phá vỡ cơ chế chuyển tuyến của ngành y tế. Do đó, chính sách thông tuyến cần được nghiên cứu, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp. Việc quy định "thông tuyến" trong địa bàn tỉnh cũng gây khó khăn trong thực hiện, khó giải thích cho người dân…

Ðánh giá toàn diện, điều chỉnh quy định của Luật

Theo báo cáo của Bộ Y tế, qua 25 năm thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, nhất là sau hơn hai năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Việt Nam đạt được kết quả tích cực về BHYT. Chất lượng KCB BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại. Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của bệnh viện. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác.

Tuy nhiên, lộ trình tiến tới BHYT toàn dân và xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển cho thấy còn một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật BHYT; nghiên cứu xây dựng quy chế chi trả từ nguồn quỹ BHYT cho hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu; xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, thẻ y tế thông minh, hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia… Ðặc biệt, cần có giải pháp mở rộng bao phủ BHYT cho các nhóm đối tượng. Trong đó, cần nghiên cứu, tổ chức triển khai việc tham gia BHYT cho đối tượng lao động tự do, buôn bán nhỏ di cư từ vùng nông thôn lên thành phố lớn mà chưa đăng ký tạm trú. Bảo đảm ngân sách cho việc mua và hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng chính sách xã hội, trước mắt tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo…

Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, đổi mới phương thức thanh toán, bảo đảm cân đối thu - chi quỹ BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả; phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020…

Cùng với đó, cần tăng cường giám sát việc chấp hành Luật BHYT, giám sát thực hiện cấp thẻ BHYT cho đối tượng người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo. Sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh, cần quan tâm đến phân tuyến cơ sở KCB theo hướng phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, phân hạng bệnh viện công lập và tư nhân. Ðánh giá việc thực hiện Luật BHYT để sửa đổi các quy định liên quan đến đối tượng và cách thức tham gia BHYT, đến quyền lợi BHYT, quản lý sử dụng quỹ BHYT.

Theo báo cáo Bộ Y tế, ước tính đến hết năm 2017, quỹ dự phòng KCB BHYT là 22.844 tỷ đồng, dự báo Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết năm 2018, sau năm 2018 sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng cho phù hợp (theo Luật BHYT quy định tối đa 6%, hiện nay mức đóng bằng 4,5% tiền lương, mức lương cơ sở…)

354.000 là tổng số hộ gia đình được tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt hơn thông qua dự án xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi phía bắc.

 

Chấn động ngành y: dược sĩ công trốn việc

http://nld.com.vn/suc-khoe/chan-dong-nganh-y-duoc-si-cong-tron-viec-20170814175004336.htm

Một dược sĩ trạm y tế xã Mỹ Quý Tây (Long An) đã tự ý bỏ giờ công, về nhà bán thuốc vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế phát hiện ngày 14-8.

Vụ việc xảy ra tại Trạm Y tế xã Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) và được phát hiện tại thời điểm đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đi "mục sở thị"’ sáng 14-8; liên quan về đề nghị của trạm xin nâng lên thành trạm y tế khu vực.

Theo ông Phạm Văn Đấu, Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Quý Tây, hiện nay dân số tại xã là 13.000 người, do vị trí tiếp giáp biên giới nên người dân Campuchia đến khám ngày càng đông. Trạm hiện có 10 y bác sĩ, trong đó có 3 bác sĩ được tăng cường từ tuyến huyện luân phiên hằng ngày hỗ trợ chuyên môn. Do nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, đặc biệt vùng biên giới nên cần mở rộng phạm vi khám chữa bệnh cho người dân.

Qua kiểm tra ban đầu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng với năng lực hiện có, trạm y tế này chưa đủ năng lực trong khám chữa bệnh, đặc biệt là điều trị. Hỏi về việc cấp phát thuốc,  lãnh đạo ngành y tế cũng bất ngờ khi cán bộ phụ trách nhà thuốc đã không có mặt trong giờ làm việc mà về nhà để bán thuốc tại nhà thuốc riêng.

Bộ trưởng cho rằng việc bỏ giờ công là không chấp nhận và cần cân nhắc lại vì tiềm lực hiện tại trạm vẫn chưa đáp ứng.

Thông tin với đoàn công tác, chiều cùng ngày, bà Võ Thị Dễ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, cho biết hiện đang tồn tại một bất cập mà ngành y tế tỉnh chưa có giải pháp tháo gỡ là tình trạng nhân lực và vượt tuyến, lạm dụng BHYT.

Hiện trong số hơn 900 bác sĩ toàn tỉnh Long An có 54% là hệ liên thông. Năm 2016, quỹ BHYT sử dụng hơn 1.000 tỉ đồng nhưng thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại tỉnh chỉ 473 tỉ đồng (chiếm 47%), số chi phí còn lại thanh toán cho bệnh nhân ngoại tỉnh.

 

Bệnh viện đa khoa Đác Lắc thiếu hơn 800 nhân lực so với quy định

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/33776402-benh-vien-da-khoa-dac-lac-thieu-hon-800-nhan-luc-so-voi-quy-dinh.html

Nhân chuyến công tác tại tỉnh Đác Lắc mới đây, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đến thăm và tìm hiểu việc sử dụng biên chế được giao và công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm viên chức tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc. Tại đây, Bộ trưởng hết sức bất ngờ là hiện nay bệnh viện đang thiếu đến gần 800 lao động so với số bệnh nhân thực tế nằm điều trị tại bệnh viện.

Tại buổi làm việc, thạc sĩ, bác sĩ Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc cho biết: Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Hạng I trực thuộc UBND tỉnh Đác Lắc. Hiện tại, bệnh viện có 38 khoa, phòng, đảm nhiệm các chức năng, nhiệm vụ: cấp cứu-khám bệnh-chữa bệnh; đào tạo cán bộ bộ y tế; nghiên cứu khoa học về y học; chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn kỹ thuật; phòng bệnh; hợp tác quốc tế và quản lý kinh tế trong bệnh viện.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của bệnh viện đang xuống cấp nghiêm trọng. Bệnh viện được xây dựng cách đây 25 năm với quy mô 500 giường bệnh, nay không đáp ứng nhu cầu công tác khám, chữa bệnh của nhân dân. Cùng với đó, quy mô dân số ngày càng tăng, số người mắc bệnh tăng theo tương ứng khiến cho bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải nghiêm trọng. Nhiều khoa, phòng của bệnh viện phải tận dụng hành lang, phòng làm việc của nhân viên để kê thêm giường bệnh cho bệnh nhân nằm.

Trong năm 2017, bệnh viện được giao kế hoạch 1.100 giường bệnh. Kinh phí hoạt động và nhân lực được phân bổ cũng chỉ được tính cho 1.100 giường bệnh. Tuy nhiên, số bệnh nhân nằm viện thực tế thường xuyên ở mức 1.200-1.300 bệnh nhân/ngày và tăng mạnh trong các vụ dịch như: cúm, bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết... Thế nhưng, số biên chế được phân bổ cũng không đủ theo quy định ở mức tối thiểu 1.100 giường bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc cho rằng: Năm 2017, bệnh viện được giao 1.046 chỉ tiêu, trong đó số lượng viên chức là 941 người; hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là 105 người. Trong khi đó, theo định mức của Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV ngày 5-6-2007 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ về hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước thì số biên chế của bệnh viện còn thiếu gần 600 lao động.

Cụ thể, năm 2017, bệnh viện được giao 1.100 giường bệnh, theo định mức tối thiểu tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV thì bệnh viện có ít nhất là 1.627 biên chế, nhưng hiện nay chỉ có 1.046 lao động, thiếu 581 lao động. Còn nếu tính theo thực tế bệnh nhân thường xuyên ở mức 1.200-1.300 người thì bệnh viện còn thiếu tới 802 lao động.

Trước tình trạng quá tải, số bệnh nhân điều trị nội trú thường xuyên ở mức 1.200-1.300 người, buộc bệnh viện phải ký hợp đồng với 309 lao động để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Ngoài thiếu nguồn nhân lực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc còn gặp nhiều khó khăn khác như: thiếu kinh phí để mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế như máy thở, máy phẫu thuật nội soi, trang thiết bị cấp cứu khác... Các trang thiết bị y tế thiết yếu, đặc chủng và chuyên khoa lâu nay vốn không đủ lại phải hoạt động liên tục không có thời gian nghỉ ngơi, bảo trì, bảo dưỡng dẫn đến hư hỏng hàng loạt.

Hệ thống mạng vi tính và phần mềm quản lý được xây dựng từ năm 2006 với thiết kế ban đầu phục vụ cho bệnh viện 600 giường bệnh đã trở nên lạc hậu và xuống cấp, không đáp ứng được những quy định khám, chữa bệnh và thanh toán viện phí, cũng như khó kết nối với các trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn của bệnh viện. Vì vậy, tình trạng quá tải, nghẽn mạng, sụp mạng xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của bệnh viện.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là bệnh viện đã thiếu nguồn nhân lực, nhưng chính sách đãi ngộ chưa hấp dẫn nên khó thu hút được bác sĩ giỏi về làm việc với bệnh viện. Trong thời gian qua, một số khoa không tuyển dụng được nhân lực có trình độ bác sĩ như: Dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn, y học cổ truyền, thăm dò chức năng (siêu âm)... Đã vậy, tình trạng bác sĩ xin nghỉ việc ngày càng nhiều, tập trung ở những bác sĩ đã có kinh nghiệm và thâm niên công tác. Cũng do thiếu nguồn nhân lực nên trong thời gian qua, công tác đào tạo chất lượng cao, chỉ đạo tuyến, đề án 1816 và việc cử bác sĩ luân phiên xuống các bệnh viện tuyến huyện chưa được thực hiện tốt...

Từ những khó khăn đó, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung đủ định mức biên chế theo thực tế cho bệnh viện hiện nay là khoảng 800 biên chế, để thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

Nỗi nhọc nhằn, sự hiểm nguy, cô độc và kỳ thị tại một... bệnh viện

https://laodong.vn/suc-khoe/noi-nhoc-nhan-su-hiem-nguy-co-doc-va-ky-thi-tai-mot-benh-vien-549168.ldo

Tại Bệnh viện 09, nơi điều trị cho những bệnh nhân nghiện ma túy và nhiễm HIV, có không ít câu chuyện gây sốc mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Đó là những nỗi nhọc nhằn bên cạnh sự hiểm nguy, cô độc và cả sự kỳ thị…

Tại Bệnh viện 09, không ít câu chuyện cười ra nước mắt được các bác sĩ kể lại. Những câu chuyện khiến người nghe đều phải ngỡ ngàng. Bởi những người điều trị nội trú tại Bệnh viện 09 thường nghiện ma túy và nhiễm HIV, tâm lý của họ bị đảo ngược, rối loạn tâm thần và lệch chuẩn hành vi. Do vậy, không ít bệnh nhân có hành vi bạo lực và gây nguy hiểm cho những người khác.

Những chuyện “cười ra nước mắt”

Nhớ về một kỷ niệm không thể nào quên về sự bất an, BS Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng khoa Nội cho hay, làm việc trong môi trường này vô cùng nguy hiểm nên lúc nào anh cũng chú ý phòng ngừa lây nhiễm. Vậy mà, trong một lần sơ sẩy, anh đã bị mũi tiêm của một người nghiện (cũng là một bệnh nhân AIDS) cắm vào tay. Cũng may, lần ấy anh không bị phơi nhiễm.

Còn với các đồng nghiệp thì có tới hàng trăm câu chuyện mà chắc họ cũng không thể nào quên. Bác sĩ Hưng kể tiếp, thời gian trước có bệnh nhân mới nhập viện, trong lúc y tá đang tiêm thuốc thì anh này quay lại, rút mũi kim tấn công y tá, may mà mọi người xung quanh kịp thời can ngăn. Ngoài ra, có những bệnh nhân trong quá trình khám bệnh còn cầm dao đuổi đâm các bác sĩ.

Điều dưỡng viên tên T. chia sẻ, tại đây còn có những bệnh nhân nghiện ma túy, nhiễm HIV không tuân theo bất kỳ phác đồ điều trị nào của bác sĩ. Có lần tiêm thuốc, bệnh nhân còn giật cả xi-lanh rồi cầm đi dọa bác sĩ, thi thoảng lại phụt lên tường chỗ này một chút, chỗ kia một chút... Lại có những bệnh nhân đập cửa phòng suốt đêm, có người dùng bàn chải kem đánh răng, chốt sắt để phá các loại khóa của bệnh viện.

Cũng có những bệnh nhân nghiện, nhiễm HIV sống lang thang được cơ quan chức năng đưa tới bệnh viện điều trị. Có những người bị chính gia đình ruồng bỏ... Những bệnh nhân như thế không còn gì để mất nên hành xử rất ngông cuồng.

Nhiều khi lên cơn nghiện, họ đập cửa buồng tiêm bắt bác sĩ phải cho thuốc gây nghiện. Nếu không được đáp ứng, bệnh nhân sẵn sàng chửi bới, đuổi đánh bác sĩ. Nhiều trường hợp bệnh nhân còn ăn cắp thùng rác, tháo cả khung giường inox… ném ra ngoài cho một số đối tượng khác để lấy tiền mua ma túy.

Ngay cả bác sĩ cũng phải đối mặt với sự kỳ thị

Các bác sĩ Bệnh viện 09 kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về y tá Nguyễn Minh H. (quê ở Nam Định) mà không giấu nổi sự xót xa.

H. và bạn trai yêu nhau đã 5 năm, từ khi còn là sinh viên. Có điều, cô giấu người yêu việc công tác tại đây suốt hơn 1 năm. Đến khi người yêu truy hỏi nhiều quá, cô đành thú nhận mình đang làm việc ở Bệnh viện 09. Bi kịch xảy đến khi hai người chuẩn bị làm đám cưới, gia đình nhà trai lúc đó phát hiện cô làm việc ở “một bệnh viện gì đó toàn những bệnh nhân nhiễm HIV” nên nhất quyết đòi lại cau trầu và không cưới hỏi gì nữa.

Sau sự cố đó, ngày H. quay trở lại bệnh viện cũng là ngày cô làm đơn xin thôi việc. Chứng kiến sự việc đau lòng đó, nhiều đồng nghiệp của H. không cầm được nước mắt.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng trải lòng: "Thực tế, ở đây là một chiến trường thầm lặng nhưng rất cô độc. Cái đáng sợ hơn đó là sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Sự kỳ thị không chỉ đối với các bệnh nhân mà kể cả những người thầy thuốc cũng phải gánh chịu. Nhiều hàng quán xung quanh cũng không muốn tiếp những người làm trong bệnh viện này. Người ta cảm giác như mình làm việc ở đó thì cũng mang cái mầm bệnh ở đó….

Cũng là ngành y, làm nghề cứu người, nhưng không phải ai cũng biết đến những bác sĩ đang công tác tại đây, thậm chí có người làm trong ngành y nhưng cũng không biết Bệnh viện 09 là bệnh viện thế nào. Chưa kể, nhiều người vẫn ngại ngần khi tiếp xúc với những người đang làm việc trong Bệnh viện 09. Một điều gì đó như sự kỳ thị, phân biệt vẫn âm thầm diễn ra”.

 

Hà Nội: Hàng trăm người được tặng màn chống muỗi

http://vtc.vn/ha-noi-hang-tram-nguoi-duoc-tang-man-chong-muoi-d343034.html

Từ hôm nay, Hà Nội có thêm biện pháp đối phó với sốt xuất huyết đó là tặng màn chống muỗi cho người lao động và sinh viên đang thuê trọ.

Chiều nay, 400 chiếc màn chống muỗi đầu tiên đã được Hội chữ thập đỏ thành phố và UBND quận Hoàng Mai trao tặng trực tiếp cho người lao động và sinh viên thuê trọ tại 5 phường: Đại Kim, Tân Mai, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ và Vĩnh Hưng.

Quận Hoàng Mai hiện là một trong những địa bàn có nhiều ca mắc sốt xuất huyết nhất và công tác phòng chống dịch còn gặp nhiều khó khăn do dân cư đông, nhiều khu nhà trọ ẩm thấp. Tặng màn chống muỗi cho người lao động và sinh viên là một biện pháp thiết thực để hạn chế số ca mắc sốt xuất huyết mới, giúp những người có nguy cơ cao mắc căn bệnh này phòng chống lây nhiễm bệnh.

Tặng màn cho người dân và sinh viên ở trọ tại Hoàng Mai (Ảnh: Lê Thạch)

Theo quan sát, các khu nhà trọ ở phường Đại Kim, môi trường sinh sống chật chội, ẩm thấp, các biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết hầu như không có. Không ít sinh viên ở đây thậm chí có thói quen ngủ không mắc màn do thời tiết nóng, không gian phòng trọ ngột ngạt.. Nguy cơ mắc sốt xuất huyết vì thế rất cao.

Đại diện trung tâm Y tế quận Hoàng Mai khuyến cáo các biện pháp phòng tránh lây nhiễm sốt xuất huyết và tiêu diệt môi trường sinh sống của muỗi. Đặc biệt, cần lưu ý vệ sinh sạch sẽ chỗ ở, các vật dụng chứa nước và khi ngủ tuyệt đối phải mắc màn.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, vừa có thêm gần 3.600 ca mắc sốt xuất huyết mới trong vòng một tuần qua. Nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố lên hơn 15.000 người. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, ngành y tế Thủ đô đang nỗ lực thực hiện song song: Tổng vệ sinh môi trường theo chỉ đạo của UBND TP trong lối xóm, các công trường xây dựng và nơi công cộng; đồng thời triệt để tiêu diệt muỗi trưởng thành qua phun hóa chất, diệt bọ gậy, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng chứa nước trong gia đình…

 

Nhiều địa phương hỗ trợ Hà Nội phòng, chống sốt xuất huyết

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/33772102-nhieu-dia-phuong-ho-tro-ha-noi-phong-chong-sot-xuat-huyet.html

Chiều 13-8, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Ngành y tế Hà Nội đã được 19 tỉnh, thành phố giáp với Hà Nội hỗ trợ máy phun hóa chất công suất lớn (ULV) để cấp cho các quận, huyện phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) kịp thời.

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, các máy ULV được hỗ trợ lần này chủ yếu dành cho việc phun hóa chất diệt muỗi tại các khu dân cư lớn, cơ quan, công trường xây dựng, trường học, chợ và nơi công cộng cả ban ngày và ban đêm. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả trong việc phun hóa chất, các đơn vị y tế sẽ thực hiện ở các khung giờ khác nhau, tùy theo đặc điểm, tình hình dịch bệnh của từng khu vực cụ thể.

Ưu điểm của máy ULV là phun dưới dạng mù, hạt mịn; thời gian phun kéo dài và phun cao đến hàng chục mét rất phù hợp đối với các khu vực nêu trên... Ðối với các hộ gia đình sống trong khu vực chật hẹp, các đơn vị y tế sẽ tiếp tục sử dụng máy phun hóa chất diệt muỗi cỡ nhở.

Ngày 13-8, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã bắt đầu sử dụng các máy phun hóa chất công suất lớn phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng tại các trường học, nhà dân và khu công cộng tại phường Láng Thượng (quận Ðống Ða), nơi có số người mắc SXH cao. Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm này, thành phố đã có hơn 15 nghìn người mắc SXH, trong đó có bảy người chết.

 

Cứu sống nam thanh niên bị trâu húc rách khí quản

http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/cu-u-so-ng-nam-thanh-nien-bi-trau-hu-c-ra-ch-khi-qua-n-221868.html

http://doanhnghiepvn.vn/nam-thanh-nien-bi-trau-nha-hang-xom-huc-thung-co-rach-khi-quan-d106232.html

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa cứu sống một bệnh nhân người dân tộc Ca Dong bị trâu húc rách khí quản.

Theo bác sĩ Trần Giám - Trưởng khoa Tai- Mũi-Họng (Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam), vào khoảng 16 giờ ngày 1/8, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Trung Văn Xanh (20 tuổi, ở thôn 3, xã Trà Giáp, H.Bắc Trà My, Quảng Nam), nhập viện trong tình trạng vết thương chảy máu nhiều, cổ to bành, tràn khí dưới da vùng cổ, khạc ra máu và khó thở cấp độ 2.

Ngay sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành mở khí quản, mở 1 ống vết thương lên đến hạ họng, cầm máu, khâu khí quản. Sau 3 giờ tiến hành cấp cứu, ca phẫu thuật thành công và bệnh nhân đã được cứu sống.

Theo người nhà bệnh nhân, trong lúc đứng chơi phía trước cửa nhà mình, anh Xanh bất ngờ bị con trâu của hàng xóm lao vào dùng sừng húc vào cổ xuyên thủng lên hạ họng bên phải, rách khí quản.

"Vì bị rách khí quản nên bệnh nhân được cho ăn qua đường ống thông với dạ dày, thở qua lỗ mở khí quản. Sau gần 2 tuần hiện sức khỏe nạn nhân đã ổn định và có thể xuất viện vào chiều ngày 14/8”, BS Giám thông tin.

 

Gần 600 người tham gia hiến máu nhân đạo tại Bệnh viện Việt Đức

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/item/33777302-gan-600-nguoi-tham-gia-hien-mau-nhan-dao-tai-benh-vien-viet-duc.html

Ngày 13-8, gần 600 cựu học sinh PTTH Hà Nội khóa 1991-1994 đã tham gia chương trình hiến máu nhân đạo tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.

Với tên gọi “Trao giọt hồng- Sẻ chia yêu thương”, chương trình đã nhận được 550 đơn vị máu được hiến tặng từ các cựu học sinh. Ngoài ra, các bạn trong nhóm còn tặng quà cho 10 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn của bệnh viện, với mỗi suất quà trị giá 5 triệu đồng.

Đây là lần thứ hai nhóm các cựu học sinh PTTH Hà Nội khóa 1991-1994 tổ chức hiến máu sau lần đầu tiên tại Viện Huyết học và Truyền máu vào tháng 2 vừa qua.

Nhấn mạnh vai trò của chương trình hiến máu nhân đạo, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “ Bệnh viện Việt- Đức là một đơn vị sử dụng nguồn máu lớn nhất cả nước bởi mỗi năm bệnh viện thực hiện trên 50.000 ca mổ lớn. Số lượng máu và chế phẩm sử dụng cho cấp cứu và điều trị khoảng 300 đơn vị/ngày. Vì vậy, hiến máu nhân đạo là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Những giọt máu hồng hôm nay sẽ cứu sống rất nhiều người bệnh.”

Đại diện nhóm cựu học sinh, anh Nguyễn Đức Hiệp chia sẻ: “ Đây là lần thứ hai nhóm tổ chức hiến máu nhân đạo với mong muốn góp một phần nhỏ của mình trong nỗ lực của ngành Y nhằm hạn chế phần nào sự khan hiếm máu trong điều trị cũng như chia sẻ với các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hy vọng trong thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục có cơ hội phối hợp cùng các bệnh viện tổ chức các chương trình hiến máu nhân đạo để cùng chung tay hiến máu cứu người.”

 

Vụ trẻ sơ sinh tử vong ở Quảng Ngãi: Kiểm điểm, rút kinh nghiệm

http://www.sggp.org.vn/vu-tre-so-sinh-tu-vong-o-quang-ngai-kiem-diem-rut-kinh-nghiem-461646.html

Chiều 14-8, BS Lê Văn Phương - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh vừa có báo cáo về trường hợp trẻ sơ sinh tử vong tại bệnh viện này.

Theo báo cáo, vào chiều ngày 1-8, phòng khám Sản thuộc Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh tiếp nhận và khám cho sản phụ Đinh Thị Tuyết Ng., (xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Khi khám,  thai được  39 tuần. Bác sĩ khám chỉ định siêu âm thai, kết quả siêu âm thai thuận đã trưởng thành. Sản phụ được bác sĩ khám giải thích và tư vấn: Hiện tại thai bình thường khi nào đau bụng thì đến bệnh viện.

Lúc 4 giờ 00 phút, ngày 2-8, sản phụ Ngân đau bụng và được người nhà chuyển vào Khoa phụ sản Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh. Lúc này, tại Khoa có 2 nữ hộ sinh và bác sĩ trực theo hệ.

Đến khoảng 4 giờ 5 phút, sản phụ Ngân mót rặn, chuyển dạ sinh. Đến 4 giờ 30 phút, tầng sinh môn giãn căng, chỉ định cắt tầng sinh môn cho đầu ra, 1 bé trai, dây rốn quấn cổ nhiều vòng bầm tím, sau khi kẹp cắt tháo dây rốn phát hiện dây rốn quấn 4 vòng, thai sổ ra ngoài. Lúc này, phản xạ trẻ sơ sinh không có, nhịp thở không, nhịp tim 60 lần/phút rời rạc.

Ngay sau đó, các y bác sĩ lập tức hồi sức liên tục, đến 4 giờ 55 phút, trẻ sơ sinh tử vong với chẩn đoán: Ngạt không hồi phục do dây rốn quấn quanh cổ nhiều vòng.

BS Lê Văn Phương cho biết: “Ngay sau khi xảy ra, Sở Y tế đã ra văn bản chỉ đạo kiểm điểm, khiển trách, rút kinh nghiệm đối với trường hợp trẻ sơ sinh tử vong. Đề nghị Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh làm rõ nguyên nhân có báo cáo gửi trước ngày 15-8. Đồng thời, trực tiếp đến thăm sản phụ”.

Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh đã có báo cáo kiểm điểm, kiểm thảo tử vong.

Về kiểm điểm quá trình điều trị và chăm sóc, qua nghe kíp trực và các cán bộ liên quan tường thuật kết hợp xem xét hồ sơ bệnh án, Hội đồng chuyên môn của bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh nhận thấy kíp trực đã làm hết tinh thần trách nhiệm và năng lực. Tuy nhiên trong quá trình thăm khám, chỉ định cận lâm sàng trước sinh chưa đủ (chưa kịp siêu âm thai trước sinh vì cổ tử cung đã mở hết) nên chưa tiên lượng được nguy cơ có thể xảy ra trong cuộc chuyển dạ.

Bác sĩ siêu âm không phát hiện được dây rốn quấn cổ có thể do tư thế thai nhi nằm trong lòng tử cung. Hội đồng chuyên môn kiểm thảo tử vong xác định trẻ ngạt rất nặng do dây rốn quấn cổ nhiều vòng.

 

WHO: Khoảng 5.000 người Yemen nhiễm dịch tả mỗi ngày

http://www.vietnamplus.vn/who-khoang-5000-nguoi-yemen-nhiem-dich-ta-moi-ngay/461057.vnp

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công bố ngày 14/8, dịch tả được cho là nguyên nhân khiến gần 2.000 người tử vong và hơn 500.000 người mắc kể từ cuối tháng Tư vừa qua tại Yemen.

Báo cáo của WHO cho biết trong số 503.484 ca mắc dịch tả, đã có 1.975 ca tử vong.

Mặc dù tốc độ lây nhiễm dịch được ghi nhận đã chậm lại từ đầu tháng Bảy, song WHO cảnh báo căn bệnh lây nhiễm qua đường nước sinh hoạt mất vệ sinh tại quốc gia châu Phi này vẫn đang tiếp tục hoành hành với số người nhiễm dịch ước tính 5.000 người mỗi ngày.

Theo WHO, sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng sau 2 năm xảy ra cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và các nhóm nổi dậy dòng Shiite đã khiến toàn bộ hệ thống cấp nước ô nhiễm nặng nề. Đây chính là nguyên nhân làm dịch tả tại Yemen bùng phát mạnh nhất trên thế giới.

WHO cho rằng bệnh lây nhiễm với tốc độ nhanh là do điều kiện vệ sinh và nước sinh hoạt xuống cấp nghiêm trọng. Nguồn nước sạch của hàng triệu người trên cả nước đã bị cắt hoàn toàn.

Trong tuyên bố phát đi cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các nhân viên y tế của Yemen đang làm việc trong điều kiện thiếu thốn. Hàng nghìn người nhiễm dịch trong khi không có đủ bệnh viện, thuốc men và nước sạch để điều trị.

Thậm chí nhiều bác sỹ và điều dưỡng phải vật lộn từng ngày với hy vọng dập tắt được dịch tả nhưng vẫn không được trả lương trong gần một năm qua.

Theo ông Tedros, WHO và các đối tác đang phải chạy đua với thời gian để hỗ trợ Yemen ngăn chặn đợt dịch có nguy cơ tử vong cao này.

Ông Tedros khẳng định 99% người nhiễm dịch tả tại Yemen có thể được cứu sống nếu được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Hiện hơn 15 triệu người Yemen không được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản.

Ông Tedros yêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột tại Yemen nhanh chóng tìm ra một giải pháp chính trị vì người dân cần hòa bình để tái thiết đất nước và bảo đảm cuộc sống./.

 

5 người tử vong do đặt bóng chống béo phì trong dạ dày

http://dantri.com.vn/suc-khoe/5-nguoi-tu-vong-do-dat-bong-chong-beo-phi-trong-da-day-20170814144125492.htm

FDA cho biết đã có 5 người tử vong vì đặt bóng chống béo phì trong dạ dày kể từ năm 2016 đến nay.

Trong đó, có 3 người tử vong trong 3 ngày đầu sau phẫu thuật và 2 người tử vong 1 tháng sau đó. 5 nạn nhân sử dụng bóng của 2 hãng khác nhau là Orbera Intragastric Balloon System và ReShape Integrated Dual Balloon System.

FDA cho biết họ không rõ liệu những trường hợp tử vong này có phải do thiết bị bóng (chứa đầy nước muối) đã được phê duyệt vào 8/2015 hay là do quá trình phẫu thuật.

Tuy nhiên, cơ quan này đã đưa ra cảnh báo đối với các bác sĩ điều trị về việc cần cấy thiết bị để theo dõi tác động của bóng đối với cơ thể.

Hiện việc cấy bóng chống béo phì đã thực hiện thành công 220.000 ca ở 80 quốc gia với công dụng giảm gấp 3 lần trọng lượng so với chỉ tập thể dục, ăn kiêng.

 

Nghi án 70 em bé Ấn Độ thiệt mạng do bệnh viện nợ tiền mua khí oxy

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/nghi-an-70-em-be-an-do-thiet-mang-do-benh-vien-no-tien-mua-khi-oxy-3627150.html

Trong chưa đầy một tuần, khoảng 70 bệnh nhi Bệnh viện Đại học y Baba Raghav Das tử vong nghi do không đủ nguồn oxy để thở.

Theo Press Trust of India, chỉ trong hai ngày thứ năm và thứ sáu 10-11/8, có ít nhất 30 bệnh nhi tại Bệnh viện Đại học y Baba Raghav Das, trong đó có nhiều trẻ sơ sinh, đã qua đời. Nguyên nhân ban đầu được cho là các em bé này bị thiếu nguồn oxy để thở do bệnh viện nợ 10.500 USD mua khí oxy lỏng nên nhà cung cấp đã cắt nguồn cung.

Một thân nhân bệnh nhi kể lại sự hỗn loạn khắp bệnh viện từ 11h đêm đến 2h sáng hôm sau khi đội ngũ y bác sĩ nỗ lực cứu những em bé. Tuy nhiên nhiều bác sĩ bất lực nhìn những đứa trẻ ra đi. “Chúng tôi thấy trẻ con chết khắp nơi”, bố của cậu bé Vijay nghẹn  lời. “Rõ ràng là lỗi của bệnh viện khi để nhiều trẻ em rơi vào tình trạng nghìn cân treo sợi tóc như thế. Con trai tôi vẫn khỏe cho đến đêm buổi tối định mệnh đó”.

Zahid Ali, bố của một bé gái 5 tuổi tử vong tối thứ năm đến nay vẫn thất thần, chưa tin nổi vào sự thật. Con gái anh nhập viện để điều trị viêm não. Cô bé sốt cao và đến nửa đêm tình trạng trở nên nguy kịch khi nguồn oxy cạn kiệt.

Bệnh viện xảy ra thảm kịch là bệnh viện lớn nhất ở thành phố Gorakhpur, bang Uttar Pradesh. Bệnh viện này đã không còn oxy lỏng trong ít nhất 2 giờ vào ngày 10/8 khi đối tác dừng cung cấp. Đây là lần thứ hai trong năm bệnh viện này bị ngừng cung cấp oxy lỏng. Nhà chức trách Ấn Độ đang điều tra nguyên nhân thiếu hụt oxy.

Theo Hindustan Times, hãng Pushpa Sales từng cảnh báo Bệnh viện Baba Raghav Das rằng sẽ ngừng cung cấp oxy nếu viện không chịu thanh toán nợ. Vụ việc đã dấy lên làn sóng phẫn nộ khắp nơi.

Kailash Satyarthi, người hoạt động bảo vệ quyền trẻ em và từng được trao giải Nobel Hòa bình của Ấn Độ, mô tả đây là một vụ thảm sát. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết đang "liên tục giám sát" tình hình tại thành phố Gorakhpur. Ngày 12/8 bác sĩ Kafeel Khan ở Khoa nhi của bệnh viện đã bị sa thải.

Nhà chức trách địa phương và đại diện bệnh viện phủ nhận thông tin các bệnh nhi tử vong là do thiếu nguồn oxy mà thiên về nguyên nhân khác như bệnh viêm não Nhật Bản đang ảnh hưởng khu vực.

 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang