Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 15/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Bút thông minh giúp phát hiện tế bào ung thư trong vài giây; Tăng cường xe cấp cứu đặc chủng cho Đà Nẵng phục vụ APEC; Hà Nội, TPHCM vẫn 'dẫn đầu' về số ca SXH; Nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong trường học; Ngăn chặn bệnh tay - chân - miệng bùng phát; Tử vong do bệnh dại gấp gần 2 lần sốt xuất huyết; Lần đầu tiên phẫu thuật cắt u gan không cần mổ bụng, chỉ cần nằm viện 1 ngày; 3 nhân viên y tế hiến máu cứu sản phụ bị băng huyết; …

 

Tăng cường xe cấp cứu đặc chủng cho Đà Nẵng phục vụ APEC

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tang-cuong-xe-cap-cuu-dac-chung-cho-da-nang-phuc-vu-apec-20170915015033293.htm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sẽ có phương án điều xe cấp cứu đặc chủng, chuyên dụng với đầy đủ các thiết bị từ trung ương vào để Đà Nẵng đảm bảo công tác phục vụ APEC.

Ngày 14/9, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc tại TP Đà Nẵng về công tác y tế trên địa bàn thành phố và công tác chuẩn bị cho APEC vào tháng 11 sắp tới.

Báo cáo với đoàn, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết, đối với công tác chuẩn bị cho APEC, đã giao cho 5 đơn vị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho APEC.

“Đối với APEC, khó khăn nhất là xe cấp cứu. Nếu rà soát mà thiếu thì đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ điều các xe cấp cứu ở các tỉnh lân cận cho Đà Nẵng”, bà Yến nói.

Làm việc với TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những kết quả mà TP Đà Nẵng đã đạt được trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hoá, du lịch, thu ngân sách.

Để công tác khám chữa bệnh ngày một chất lượng hơn, Bộ trưởng đề nghị Đà Nẵng cần tiên phong mở rộng triển khai mô hình bác sĩ gia đình; là thành phố du lịch, Đà Nẵng cũng cần nghiên cứu để triển khai mô hình du lịch kết hợp với y tế bởi đây là lĩnh vực mà các nước làm rất nhiều và có hiệu quả cao.

“Nếu Đà Nẵng thấy có tiềm năng tốt về các lĩnh vực như: y học cổ truyền, chữa bệnh thẩm mỹ… thì nên đề xuất triển khai mô hình du lịch kết hợp y tế trên cơ sở kết hợp liên vùng với các tỉnh miền Trung, Bộ Y tế sẵn sàng ủng hộ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, sẽ có phương án điều xe cấp cứu đặc chủng, chuyên dụng với đầy đủ các thiết bị từ trung ương vào để Đà Nẵng đảm bảo công tác phục vụ APEC.

Ngoài ra, ngành y tế cũng đã sẵn sàng các danh mục thuốc và trang thiết bị y tế, sổ tay thông tin phục vụ APEC…

 

Hà Nội, TPHCM vẫn 'dẫn đầu' về số ca SXH

http://baochinhphu.vn/suc-khoe/ha-noi-tphcm-van-dan-dau-ve-so-ca-sxh/316648.vgp

10 tỉnh, thành phố có số mắc cao nhất hiện nay gồm: TPHCM, Hà Nội, Bình Phước, Sóc Trăng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Nam Định. Trong đó, Hà Nội và TPHCM có số mắc tuyệt đối cao nhất.

Từ đầu năm đến ngày 13/9, cả nước ghi nhận 125.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 29 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc tăng 44%, số tử vong tăng 10 trường hợp. Tuy nhiên, trong 3 tuần gần đây, số ca mắc mới trung bình trên cả nước có xu hướng giảm.

Tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ngày 14/9 tại Bộ Y tế, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, riêng trong tuần từ ngày 4-10/9, cả nước ghi nhận 5.680 ca mắc SXH, không ghi nhận ca tử vong, giảm 24% so với tuần trước đó.

10 tỉnh, thành phố có số mắc cao nhất hiện nay gồm: TPHCM, Hà Nội, Bình Phước, Sóc Trăng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Nam Định. Trong đó, Hà Nội và TPHCM có số mắc tuyệt đối cao nhất.

Riêng tại Hà Nội, tính đến ngày 14/9, ghi nhận 27.701 ca mắc, 7 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân đang điều trị còn khoảng 6%, còn lại đều đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, trong khi số ca mắc mới tại Hà Nội đang có xu hướng giảm, thì tại một số tỉnh lân cận như: Nam Định, Phú Thọ, Thanh Hoá, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương số ca mắc gia tăng, nhưng không nhiều.

Về điều trị, BS. Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nặng hiện nay phải nằm viện rất thấp, tỷ lệ phải truyền tiểu cầu chỉ dưới 1%, còn lại hoàn toàn điều trị ở tuyến dưới.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mặc dù trong 3 tuần qua, số ca mắc SXH trên cả nước giảm, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc nhiều nhất có dấu hiệu giảm sâu, nhưng chúng ta không nên chủ quan: "Từ nay đến tháng 11 tới, các địa phương cần phải tiếp tục tập trung đẩy mạnh phòng chống dịch SXH vì đây là thời điểm thuận lợi để muỗi phát triển".

Theo đó, các địa phương cần tiếp tục diệt bọ gậy hàng ngày, hàng tuần, vì phun thuốc chỉ là biện pháp tức thời, diệt bọ gậy phải huy động toàn dân cùng thực hiện.

Theo ông Trần Đắc Phu, đối với các đội xung kích làm chưa thường xuyên, chưa có kinh nghiệm nên không phát hiện những ổ chứa bọ gậy, thì cần phải tập huấn thêm. Đề nghị các địa phương lập đội giám sát thứ cấp, tức là giám sát lại và phát hiện, chỉ ra cho cộng tác viên các đội xung kích biết và rút kinh nghiệm khi đến từng hộ dân tìm các dụng cụ có thể chứa bọ gậy, lăng quăng. Còn nếu làm khoán sẽ không hiệu quả.

 

Nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong trường học

http://thanhnien.vn/doi-song/nguy-co-dich-benh-bung-phat-trong-truong-hoc-875644.html

Chiều 14.9 Bộ Y tế có cuộc họp về phòng chống dịch bệnh. Theo báo cáo, cùng với số ca mắc sốt xuất huyết nguy cơ bùng phát trở lại, số ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ đang liên tục tăng.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến ngày 14.9 cả nước ghi nhận 124.986 trường hợp mắc sốt xuất huyết 29 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (73.158/19) số mắc nhập viện tăng 43,9%, số tử vong tăng 10 trường hợp. 10 tỉnh có số mắc cao nhất  gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Trong đó thành phố Hà Nội đứng đầu với 28.158 ca, tiếp đến là TP.HCM với 22.139 ca.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, phần lớn các tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc sốt huyết giảm trong 4 tuần gần đây, tuy vậy diễn biến thời tiết mưa nắng thất thường, thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển, dịch vẫn có nguy cơ tăng trở lại. “Qua kết quả kiểm tra địa phương, mặc dù các địa phương đã triển khai công tác phòng chống sốt xuất huyết, nhưng các hoạt động phòng, chống còn chưa triệt để, tỷ lệ hộ gia đình phát hiện ổ bọ gậy, lăng quăng còn cao (20% có mật độ muỗi vượt ngưỡng, độ bao phủ trong phun hóa chất chưa cao (80%), do người dân đi vắng hoặc đóng cửa, người dân cũng chưa thực sự chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng”, ông Phu đánh giá.

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng kiến nghị lãnh đạo chính quyền và y tế các tỉnh củng cố chất lượng đội ngũ giám sát côn trùng của các địa phương; theo dõi, phát hiện sớm và xử lý triệt để 100% ổ dịch; tăng cường tuyên truyền vận động người dân phối hợp trong các đợt phun hóa chất và huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương.

Nguy cơ dịch tăng mạnh trong trường học

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng hay, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62.055 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 28.020 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,2%. Số mắc tích lũy tăng cao tập trung tại một số tỉnh, thành phố tại miền Nam như Đồng Nai (tỷ lệ mắc/100.000 dân là 226), TP.HCM (210), Bà Rịa Vũng Tàu  (183), Đồng Tháp (154) và Bình Dương (148). Số mắc tay chân miệng có nguy cơ tăng cao trong thời gian tới do thời tiết thuận lợi cho vi rút tồn lại lâu hơn trong môi trường, đặc biệt tại các trường mầm non, tiểu học nếu không được vệ sinh sát khuẩn trường lớp, đồ chơi, vật dụng thường xuyên.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, Bộ Y tế đã đề nghị các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế hỗ trợ TP.Hà Nội và các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Về phía các địa phương, ngành y tế cần chủ động giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh dịch lưu hành khác như: tay chân miệng và các bệnh có nguy cơ gia tăng trong mùa thu đông để có chỉ đạo kịp thời và đáp ứng hậu cần đủ hóa chất, trang thiết bị chống dịch.

 

Lo sốt xuất huyết nhưng không chủ quan tay chân miệng

http://kinhtedothi.vn/lo-sot-xuat-huyet-nhung-khong-chu-quan-tay-chan-mieng-298085.html

Chiều 14/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp giao ban về tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM).

Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới các tỉnh, TP tiếp tục quyết liệt các biện pháp xử lý dịch SXH đồng thời tuyên truyền đến người dân cách phòng chống các dịch bệnh khác như TCM, dại, viêm não.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, đến thời điểm này, tình hình dịch SXH đã giảm mạnh trên cả nước, số ca mắc mới ở TP Hà Nội cũng đã giảm sau khi triển khai quyết liệt việc phun hóa chất và diệt bọ gậy. Tính đến ngày 13/9 cả nước ghi nhận 124.986 trường hợp mắc SXH, 29 trường hợp tử vong. Về tình hình dịch TCM, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 28.000 ca mắc, riêng tại Hà Nội con số này là hơn 110 ca. Đặc biệt, bệnh dại hiện đã lưu hành ở 29 tỉnh, TP với 56 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2016.

Nhận xét về hiệu quả phòng chống dịch SXH tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua, Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định các biện pháp, kỹ thuật và hướng dẫn của Bộ Y tế đã đi đúng hướng. Cả 2 TP đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, đoàn thể, huy động được các lực lượng tại chỗ, ý thức phòng bệnh của người dân đã nâng lên. Tuy nhiên, TS Phu cho rằng, tháng 9, tháng 10 mới là đỉnh của dịch SXH nên cả 2 địa phương cần tiếp tục duy trì và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch đã thực hiện. Tập huấn thêm về kiến thức, kỹ năng cho các đội xung kích diệt bọ gậy, công tác viên y tế. Đặc biệt, cần có đội giám sát thứ cấp, có cán bộ y tế có kinh nghiệm để phát hiện để chỉ ra cho các cộng tác viên thấy còn thiếu sót.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Hà Nội cần tăng cường xử phạt các hộ gia đình, cá nhân, tập thể không hợp tác trong phòng dịch theo Nghị định 176 của Chính phủ. Bởi lẽ, theo thống kê, trong khi TP Hồ Chí Minh xử phạt được tới hơn 1.300 lượt thì TP Hà Nội mới chỉ có 13 cơ sở bị phạt với số tiền 16,5 triệu đồng. “Việc diệt bọ gậy cần thực hiện hàng tuần, phun hóa chất cần phun diện rộng chứ không chỉ tập trung ở ổ dịch, đồng thời khuyến cáo người dân rửa tay bằng xà phòng để phòng dịch TCM, tiêm phòng vaccine nếu bị chó dại cắn” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Ngăn chặn bệnh tay - chân - miệng bùng phát

http://suckhoedoisong.vn/ngan-chan-benh-tay-chan-mieng-bung-phat-n136206.html

Thời điểm này, cả nước và Hà Nội đang chạy đua với thời gian trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết trước thềm năm học mới, bên cạnh đó nhiều dịch bệnh khác, đặc biệt là tay - chân - miệng (TCM) đang có nguy cơ bùng phát vào mùa tựu trường.

Căn nguyên gây bệnh TCM

Bệnh TCM là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ (90%), đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Từ năm 2010, nhiều nước ở châu Á như Singapore, Indonessia, Trung Quốc, Malaysia, Philippine, Việt Nam, năm nào cũng có bệnh TCM xuất hiện. Nguyên nhân gây bệnh TCM là do virut Enterovirus (nhóm virut đường ruột) gây ra, thường gặp nhất là chủng virut Coxsackie A16. Trong những năm gần đây, ở khu vực Đông Nam châu Á, trong đó có Việt Nam, xuất hiện những vụ dịch bệnh TCM do Enterovirus týp 71 (EV71) độc tính cao gây nên.

Nhận biết bệnh TCM

Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5oC), có trường hợp sốt cao hơn, đau họng, sổ mũi tương tự như viêm hô hấp trên. Đôi khi trẻ có nôn mửa, rất mệt, quấy khóc. Các biểu hiện này diễn ra chỉ trong vài ba ngày rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các mụn nước có kích thước nhỏ khoảng vài ba milimet nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng nhanh chóng bị vỡ và tạo ra các vết loét gây đau đớn cho trẻ, nhất là khi ăn, uống, nuốt nước bọt. Các mụn nước, bọng nước màu xám, hình bầu dục cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân (vì vậy gọi là bệnh TCM). Ngoài ra, còn xuất hiện ở đầu gối, mông của trẻ. Các mụn nước, bọng nước tồn tại khoảng từ 1- 2 tuần lễ, ít gây đau và tự khỏi. Cần lưu ý là bệnh TCM có loại biểu hiện không điển hình như bọng nước rất ít, xen kẽ với những nốt hồng ban, một số trường hợp chỉ biểu hiện hồng ban và không có biểu hiện bọng nước hay chỉ có biểu hiện loét miệng đơn thuần. Đặc biệt là một số trường hợp bệnh không điển hình, chỉ loét miệng rất dễ nhầm với loét miệng do nhiệt hoặc do Herpes. Bệnh TCM cũng có thể nhầm với bệnh thủy đậu, viêm da có mủ, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu, sốt xuất huyết Dengue, sốt phát ban, dị ứng da.Biểu hiện chính của bệnh TCM là sang thương da niêm dưới dạng bọng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối.

Biểu hiện chính của bệnh TCM là sang thương da niêm dưới dạng bọng nước ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối.

Biến chứng do bệnh TCM

 Đáng lo ngại nhất của bệnh TCM là biến chứng có thể xảy ra như gây nên viêm màng não - não (gây liệt kiểu bại liệt), viêm cơ tim cấp, viêm phổi, phù phổi và có thể gây tử vong.

Đường lây bệnh TCM

Bệnh TCM lây cho trẻ em lành khác (nếu trẻ đó chưa có miễn dịch) qua đường hô hấp (trực tiếp qua hơi thở, các giọt nước bọt bắn ra khi ho, nói, cười, hắt hơi). Đồng thời bệnh TCM vẫn có khả năng lây lan qua dụng cụ đồ chơi, dụng cụ ăn, uống bị nhiễm virut gây bệnh TCM. Virut gây bệnh TCM cũng có khả năng đào thải qua phân trong vòng vài tuần sau, từ phân virut ra môi trường bên ngoài và lây cho trẻ theo đường thức ăn, nước uống, dụng cụ đồ chơi khi bị nhiễm virut.

Trẻ mắc bệnh TCM đã khỏi có thể mắc lại không?

Sau khi khỏi bệnh, cơ thể trẻ có miễn dịch với chủng virut vừa gây bệnh TCM cho trẻ, nhưng một số trẻ có thể bị bệnh TCM nhiều lần nếu lần sau bị nhiễm các chủng virut gây bệnh TCM khác với virut lần trước.

Khi nghi ngờ trẻ bị bệnh TCM cần cho trẻ đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ cho về nhà theo dõi phải chú ý chăm sóc và theo trẻ hết sức cẩn thận, khi thấy có dấu hiệu bất thường cần cho trẻ đến bệnh viện ngay.

Phòng bệnh TCM

Mặc dù bệnh có khả năng gây thành dịch lớn, chủ yếu ở trẻ nhỏ và có thể gây biến chứng nguy hiểm nhưng chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh chung là hết sức cần thiết, đặc biệt là ở những địa phương đang có dịch TCM xảy ra. Khi trẻ bị bệnh cần cách ly trẻ với trẻ lành (cho trẻ ở nhà không đến lớp) và nên cách ly trẻ bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7 ngày). Hàng ngày cần rửa tay sạch cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Việc làm này cũng được thực hiện cho các cô nuôi dạy trẻ và nhân viên nhà bếp. Với những người chăm sóc trẻ, cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã lót, làm vệ sinh, thay quần áo, chiếu, vải trải giường cho trẻ. Cần rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi và lau sàn nhà bằng nước xà phòng, rồi khử khuẩn bằng cloramin B 5%. Trong lớp học, trong gia đình đã có trẻ bị bệnh TCM, nên đeo khẩu trang cho trẻ để khi trẻ ho, hắt hơi virut không phát tán vào không khí.

Chăm sóc trẻ bị bệnh TCM

Khi bác sĩ khám bệnh thấy có thể cho trẻ về nhà để chăm sóc tại gia đình, người mẹ cần lưu ý, vì trẻ biếng ăn hoặc bỏ ăn do đau trong miệng (miệng loét), mệt mỏi hay quấy khóc cho nên thức ăn phải nấu thật nhuyễn, mềm, đủ chất và không nóng để cho trẻ có cảm giác ngon miệng khi ăn và quên đi sự đau đớn. Trẻ có thể ăn sữa chua, sữa bột pha hoặc bột dinh dưỡng, cháo nấu thật nhuyễn, súp hầm kỹ và uống nước hoa quả tươi mát.

 

Tử vong do bệnh dại gấp gần 2 lần sốt xuất huyết

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tu-vong-do-benh-dai-gap-gan-2-lan-sot-xuat-huyet-20170914182723658.htm

Trong những tháng qua bệnh sốt xuất huyết căng thẳng trong cả nước với hơn 125 nghìn ca mắc, 29 trường hợp tử vong là rất đáng báo động. Bên cạnh đó, cần hết sức cảnh giác với bệnh dại khi đã có 56 trường hợp tử vong từ đầu năm đến nay.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm diễn ra chiều 14/9, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhắc nhở các địa phương, bên cạnh việc phòng chống dịch SXH cũng cần chú ý tuyên truyền, phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm khác như tay chân miệng, dịch do chó dại cắn.

“Bệnh dại tưởng tưởng chừng rất đơn giản vì có vắc xin phòng bệnh dại trên người, trên động vật nhưng số ca tử vong trong 9 tháng đầu năm đã lên đến 56 trường hợp, xảy ra ở 29 tỉnh thành phố, tương đương số ca tử vong của năm 2016. Đáng tiếc nhất, bệnh dại là có thể phòng ngừa, nếu 56 bệnh nhân này được dự phòng bắc vắc xin thì đã cứu được tính mạng người bệnh”, GS Long nói.

Bởi với bệnh dại, khi đã lên cơn dại thì 100% sẽ không qua khỏi. Những cái chết vì bệnh dại rất thương tâm, người bệnh bị sợ gió, sợ nước, vật vã, kích thích, khó thở, hơi thở rít lên từng hồi... nhưng lại hoàn toàn tỉnh táo, biết mình sẽ chết.

Những nguy cơ này hoàn toàn được phòng ngừa, nếu chủ động đi tiêm phòng sớm khi bị chó mèo cắn. Còn khi đã lên cơn dại, sẽ không còn bất cứ một cơ hội nào cho người bệnh.

Tại Việt Nam mỗi năm có từ 240-300 trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm và trong suốt 5 năm qua, con số tử vong do bệnh dại luôn chiếm ở mức cao, với những cái chết thương tâm.

“Vì thế, việc tập trung tăng cường tuyên truyền, phòng chống bệnh dại là rất quan trọng, đặc biệt tại khu vực miền núi, vùng cao vốn là trọng điểm của dịch bệnh này. Phải tăng cường truyền thông giáo dục, dự phòng dại từ đàn chó, mèo. Nếu không có bệnh dại trên đàn chó, mèo thì sẽ không có bệnh dại trên người,”, GS Long chỉ đạo.

Chuyên gia Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, nếu không may bị chó cắn, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iốt hoặc povidone-iodine (nếu có); Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

Trong thời gian tiêm phòng vẫn tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên mạo hiểm chờ đợi theo dõi chó ốm như nhiều người quan niệm, bởi nhiều con chó 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị chó cắn mới vội đi tiêm thì đã muộn.

Vắc xin phòng bệnh dại hiện nay rất tốt, không còn những tác dụng phụ gây di chứng thần kinh như trước đây.

 

56 người tử vong do chó dại cắn từ đầu năm đến nay

http://phunuvietnam.vn/khoe/56-nguoi-tu-vong-do-cho-dai-can-tu-dau-nam-den-nay-post32649.html

https://laodong.vn/suc-khoe/benh-dai-hoanh-hanh-29-tinh-thanh-pho-56-nguoi-chet-564571.ldo

Cả nước hiện đã có 56 người tử vong do bệnh dại, bằng với cả năm 2016. Trong khi đó, nhiều người còn chủ quan thậm chí, khi bị chó cắn cũng không đi tiêm phòng mà tự chữa.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh được tổ chức chiều ngày 14/9, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, diễn biến bệnh dại đang hết sức lo ngại. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 56 trường hợp tử vong do bệnh dại, xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố.

Cũng theo ông Long, số trường hợp tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay đã tương đương so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số ca tử vong tập trung nhiều nhất ở khu vực nông thôn, miền núi nơi đa phần người dan thả rông chó và chưa nhiều người tiêm phòng vaccine dại. Thậm chí, khi bị chó cắn, người dân cũng không tiêm vaccine mà tự chữa.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).

Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

Cũng theo ông Phu, bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vaccine phòng.Do đó, người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.

 

Người dân Hưng Yên “hoang mang” với thuốc chữa bệnh sùi mào gà miễn phí

https://laodong.vn/suc-khoe/nguoi-dan-hung-yen-hoang-mang-voi-thuoc-chua-benh-sui-mao-ga-mien-phi-564600.ldo

Các gia đình có con bị mắc bệnh sùi mào gà ở Hưng Yên đang rất hoang mang, vì chữa trị mãi mà bệnh không đỡ. Họ đặt câu hỏi: Liệu thuốc phát miễn phí và phác đồ điều trị cho trẻ nhỏ bị sùi mào gà hiện có phải là tốt nhất?

“Thuốc miễn phí bôi hoài không đỡ”

Đó là chia sẻ của anh Tr.V.T (huyện Khoái Châu) có con hơn 1 tuổi mắc bệnh sùi mào gà đang được điều trị miễn phí ở Bệnh viện Da liễu trung ương.

Phát hiện con bị sùi mào gà từ tháng 3.2017 sau khi nong tách bao quy đầu ở phòng khám “chui” của y sĩ Hoàng Thị Hiền (xã Dạ Trạch, Khoái Châu), anh T đã cho con lên khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu trung ương.

“Thời điểm đó, bác sĩ kê đơn thuốc bôi ngoài cho con tôi là Silkeron (10g). Tôi nhớ mất khoảng 800.000 đồng, nhưng về bôi thấy hiệu quả lắm, 13-14 ngày sau không thấy lên nốt mới. Từ khi được bệnh viện phát thuốc miễn phí, trong đó có tuýp Sulfadiazine, cứ bôi hôm nay, mai lại thấy lên nốt mới” – anh T chia sẻ.

Liên tục phải mang con lên viện đốt nốt sùi, vì thuốc bôi không đỡ, cộng thêm chi phí đi lại tốn kém, con quấy khóc, vợ chồng anh T ngày càng suy sụp.

Tương tự, anh Đ.N.M (Tứ Dân, Khoái Châu) cũng chung thắc mắc: Tại sao đợt thuốc điều trị khi người dân còn mất tiền mua lại thấy hiệu quả hơn đợt thuốc được phát miễn phí?

“Mong bệnh viện và các chuyên gia giúp con em chúng tôi, có phác đồ điều trị nào hiệu quả hơn không, để đỡ đau đớn cho các cháu”- anh M nghẹn giọng.

“Chúng tôi đang rất cố gắng”!

Trước những thắc mắc của người dân về thuốc và phác đồ điều trị bệnh sùi mào gà cho các cháu nhỏ ở Hưng Yên, đại diện BV Da liễu Trung ương cho biết, phía BV vẫn đang tiếp tục điều trị miễn phí cho những trẻ bị sùi mào gà theo phác đồ điều trị tốt nhất, đội ngũ GS, bác sĩ hàng đầu về da liễu. Phía BV cũng hiểu tâm lý của các gia đình, điều kiện đi lại xa xôi, thời gian điều trị lâu dài khiến mọi người lo lắng.

“Việc điều trị cho trẻ cần có thời gian. Trẻ mắc sùi mào gà vừa qua rơi vào độ tuổi quá nhỏ. Với người lớn, sử dụng laser đơn giản nhưng trẻ nhỏ diện tích bề mặt vùng sùi mào gà nhỏ, đốt phải cẩn thận. Chưa kể, trong quá trình làm trẻ đau đớn nên không thể làm nhanh.

Mỗi bệnh nhân có cơ địa khác nhau, tình trạng bệnh nặng – nhẹ, tuýp bệnh khác nhau… nên không thể thấy một bệnh nhân này khỏi để so sánh với bệnh nhân khác” – đại diện BV Da liễu trung ương chia sẻ.

Phía BV Da liễu khẳng định, đang rất cố gắng chữa dứt điểm cho bệnh nhân, nhưng với tính chất của bệnh, cần có thời gian để điều trị.

 

Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn khoảng trống

http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/phong-chong-hivaids-van-con-khoang-trong-3793481-b.html

Theo đánh giá của Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), các mục tiêu 90-90-90 trên phạm vi toàn cầu đang được thúc đẩy mạnh mẽ.

Nhờ được phát hiện sớm, tư vấn và điều trị kịp thời, nhiều sinh mạng đã được cứu sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát bền vững như hiện nay, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, thế giới cũng như Việt Nam vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Số người mắc mới giảm nhưng chậm

Báo cáo mới của UNAIDS cho thấy, trên toàn thế giới số nhiễm HIV mới đang giảm dần, nhưng nếu với tốc độ này thì không đủ để đạt được mục tiêu toàn cầu đến năm 2020 về giảm số nhiễm mới. Việt Nam cũng đang ở trong tình thế tương tự. Số nhiễm HIV mới ở Việt Nam đã giảm từ 28.000 ca mỗi năm vào đầu thập niên 2000 xuống còn khoảng 11.000 ca vào năm 2016.

Còn theo số liệu của Bộ Y tế, tính tháng 6/2017, cả nước có hơn 220.000 người nhiễm HIV. Số người nhiễm mới được phát hiện trong nửa đầu năm nay khoảng 3.546 ca, số tử vong khoảng 641 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số nhiễm HIV mới giảm 11%.

Trong số người nhiễm HIV phát hiện mới, tỷ lệ lây qua đường tình dục chiếm 48%, qua đường máu là 33%, mẹ sang con là 3%. Như vậy đường tình dục vẫn đang là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. Điều này cũng cảnh báo dịch HIV đang lây lan ra cộng đồng, cảnh báo dịch HIV ở Việt Nam ngày càng trở nên khó kiểm soát

Một vấn đề khác nữa cần quan tâm là trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới tăng liên tục từ năm 2013 trở lại đây. Tỷ lệ này là 7,36% theo nguồn giám sát trọng điểm năm 2016.

Nhìn tổng thể, số người nhiễm HIV mới ở nước ta đang giảm dần. Tuy nhiên, tốc độ giảm không cao. Mặt khác, trong 63 tỉnh, thành thì có tới 20 địa phương phát hiện HIV tăng so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt là các tỉnh, thành như Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, TPHCM và Phú Thọ. Riêng Hà Nội và TPHCM có số nhiễm HIV mới phát hiện chiếm 25% tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện trong cả nước.

Những tỉnh còn lại sau khi triển khai mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV thì số mới nhiễm HIV được phát hiện vẫn gia tăng. Điều này cho thấy, HIV vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu chúng ta không đầu tư và làm tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm sẽ dẫn đến ảo tưởng dịch HIV đã được khống chế.

Lấp đầy những thiếu hụt

Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, hiện các cơ sở đã điều trị thuốc ARV cho 119.555 bệnh nhân (66% trong số này có bảo hiểm y tế). Việc mở rộng điều trị bằng ARV tại trạm y tế để bệnh nhân dễ dàng tiếp cận giúp gần 8.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV tại địa phương. Hiện ngành y tế đang mở rộng triển khai xét nghiệm tải lượng virus như một xét nghiệm thường quy.

Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để phân cấp điều trị HIV xuống các tuyến cơ sở, cải thiện việc kết nối người bệnh từ xét nghiệm sang điều trị và cho phép điều trị ngay không phụ thuộc vào CD4 cho mọi người nhiễm HIV, nhưng trong số 70% người nhiễm HIV ở Việt Nam đã biết tình trạng nhiễm của bản thân vẫn còn đến một phần ba chưa tham gia điều trị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó thiếu kinh phí là rào cản lớn khiến người bệnh không thể tự mua bảo hiểm y tế chứ chưa nói đến tự mua thuốc điều trị. Tính trung bình, cả nước mới có khoảng 40% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế.

Điều này đồng nghĩa với việc khi thuốc điều trị HIV/AIDS bị các tổ chức viện trợ cắt giảm hoàn toàn thì lượng bệnh nhân đang dùng thuốc cũng sụt giảm theo. Hơn nữa, kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn là một trong những rào cản chính ngăn tiếp cận đến các dịch vụ phòng chống HIV và tiếp tục làm suy yếu ứng phó của quốc gia với dịch HIV.

Các biện pháp dự phòng lây nhiễm như bơm kim tiêm, bao cao su cũng mới chỉ đáp ứng được chừng 30% nhu cầu và nay lại tiếp tục giảm do nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm. Dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở miền núi, vùng sâu, xa còn rất hạn chế…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch HIV/AIDS ở nước ta đang có xu hướng giảm nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục triển khai những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

Đó là việc mở rộng nhanh chóng hơn nữa các can thiệp dự phòng đã chứng minh có hiệu quả cũng như tăng thêm đầu tư trong nước cho công tác dự phòng, bao gồm cho chương trình bơm kim tiêm và bao cao su, đưa thuốc điều trị HIV/AIDS vào bảo hiểm y tế và hỗ trợ người nhiễm mua thẻ… để có thể thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về dự phòng lây nhiễm HIV như cam kết.

Hiện có 296 cơ sở đã ký hợp đồng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế với bảo hiểm xã hội và 221 cơ sở đã thanh toán dịch vụ khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng hiểu chưa đúng về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người bệnh HIV/AIDS nên không ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội. Vì vậy, các bệnh viện sẽ không thanh toán được công khám bệnh HIV/AIDS, không chỉ định trực tiếp bệnh nhân làm xét nghiệm hoặc cấp thuốc nhiễm trùng cơ hội với chẩn đoán là bệnh HIV/AIDS.

 

Một công ty Dược bị phạt 30 triệu đồng vì tự ý thay đổi bao bì thuốc

http://dantri.com.vn/suc-khoe/mot-cong-ty-duoc-bi-phat-30-trieu-dong-vi-tu-y-thay-doi-bao-bi-thuoc-20170915015314473.htm

Do tự ý thay đổi bao bì 2 loại thuốc, Công ty Dược vật tư y tế (VTYT) Thanh Hóa (có trụ sở tại số 232 Trần Phú, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) đã bị Thanh tra Bộ y tế xử phạt với mức 30 triệu đồng.

Theo quyết định xử phạt do Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Công ty Cổ phần Dược VTYT Thanh Hóa đã thực hiện hành vi thay đổi bao bì thuốc Zokazol, số đăng ký VD-14803-11, lô sản xuất 001, ngày sản xuất 200614, hạn dùng 200617 và thuốc Terpin - Codein, số đăng ký VD-16332-12, lô sản xuất 020, ngày sản xuất 270315, hạn dùng 270317 mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hành vi này đã vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1, điều 44 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính Phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Mức phạt áp dụng với Công ty Cổ phần Dược VTYT Thanh Hóa là 30 triệu đồng không có các hình thức phạt bổ sung.

Thanh tra Bộ Y tế cũng yêu cầu, Công ty Cổ phần Dược - VTYT Thanh Hóa phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ban kiểm soát Công ty cổ phần Dược VTYT Thanh Hóa cho biết, công ty đã có giải trình về việc xử phạt 2 danh mục thuốc trên.

“Công ty xử phạt do thông số hướng dẫn sử dụng thuốc ghi trên sản phẩm có thay đổi so với đăng ký. Cụ thể, về thuốc Zokazol vỉ thuốc thực tế không ghi thông tin “SĐK” như mẫu vỉ thuốc trong hồ sơ đăng ký đã được phê duyệt; thuốc Terpin-Codein nhãn hộp sản xuất thực tế ghi nhiệt độ bảo quản không quá 30 độ C, không đúng với nhãn hộp theo hồ sơ đăng ký ghi nhiệt độ bảo quản từ 15 độ C đến 30 độ C” – ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, việc thay đổi này đã được công ty điều chỉnh lại cho phù hợp và không có ảnh hưởng gì đến công dụng của thuốc.

Được biết, thuốc Zokazol được sử dụng để điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn. Thuốc Terpin - Codein giúp điều trị các chứng ho gió, kho khan, ho do nhiễm lạnh và ho do viêm nhiễm đường hô hấp như viêm phế quản phổi cấp và mãn tính, viêm khí quản co thắt, khan tiếng, bệnh nhân ho có đau nhẹ và vừa.

 

Lần đầu tiên phẫu thuật cắt u gan không cần mổ bụng, chỉ cần nằm viện 1 ngày

http://khoe365.net.vn/lan-dau-tien-phau-thuat-cat-u-gan-khong-can-mo-bung-chi-can-nam-vien-1-ngay-p43118.html

Bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Ung bướu TP.HCM áp dụng thành công kỹ thuật điều trị u gan bằng vi sóng, phẫu thuật không cần mổ bụng.

Hội đồng Khoa học công nghệ Sở Y tế TP HCM vừa công nhận kỹ thuật mới của Bệnh viện Ung bướu TP HCM sau thời gian triển khai thí điểm điều trị u gan bằng vi sóng Microwave Ablation.

Phương pháp này sẽ phá hủy khối u gan bằng đốt vi sóng dưới hướng dẫn của siêu âm. Thủ thuật đốt u gan bằng RFA hoặc MWA được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm nên can thiệp tối thiểu cho bệnh nhân thay vì phẫu thuật nặng nề.

Thủ thuật này không cắt bỏ khối u như phẫu thuật mà dùng năng lượng sóng cao tần RFA hoặc vi sóng MWA truyền qua kim điện cực để làm phá hủy hoại tử khối u đưa đến hiệu quả điều trị tương đương phẫu thuật cắt u.

Với kỹ thuật này, bệnh nhân được can thiệp tối thiểu, ít xâm lấn, thời gian nằm viện chỉ 1 ngày thay vì nằm điều trị hàng tháng bằng phẫu thuật mở bụng cắt u như trước đây.

Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi đầu tiên ở khu vực phía Nam triển khai kỹ thuật này và đã chuyển giao cho Bệnh viện Ung Bướu TP HCM. Bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn khối u có kích thước nhỏ dưới ba cm, thay vì phẫu thuật mở bụng để cắt bỏ khối u với thời gian nằm viện kéo dài đã được xử trí bằng phương pháp mới nhẹ nhàng. Bác sĩ chỉ cần đưa điện cực xuyên da để đốt bằng vi sóng dưới hướng dẫn của siêu âm.

Bệnh viện Ung bướu TP HCM đã triển khai kỹ thuật này trên 31 bệnh nhân. Kết quả 98% thành công với một lần can thiệp, chỉ 2% phải đốt lại lần thứ hai sau hai tháng. Không ghi nhận các biến chứng như tràn dịch màng phổi, bỏng da vùng đưa điện cực vào...

Theo các chuyên gia, ung thư biểu mô tế bào gan là bệnh ác tính phổ biến, xếp thứ sáu trong các loại ung thư trên thế giới. Ghép gan và phẫu thuật cắt khối u gan là phương pháp điều trị triệt để tốt nhất. Tuy vậy chỉ 10-20% bệnh nhân còn khả năng phẫu thuật do phát hiện muộn, thường có xơ gan và một số bệnh nhân từ chối mổ.

 

Đái tháo đường ở trẻ em có xu hướng gia tăng: Báo động từ việc ăn uống

http://laodongthudo.vn/dai-thao-duong-o-tre-em-co-xu-huong-gia-tang-bao-dong-tu-viec-an-uong-60122.html

Trước đây đái tháo đường thường xuất hiện ở độ tuổi sau 40. Nhưng hiện nay, bệnh này được phát hiện ở trẻ nhỏ, thậm chí cả trẻ sơ sinh. Đáng lo ngại, theo các chuyên gia y tế, thủ phạm chính gây bệnh tiểu đường ở trẻ em là do ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và ngọt trong khi lại lười vận động.

Đơn cử như trường hợp của bệnh nhi Nguyễn Trọng V. (36 ngày tuổi, Hà Nội) mới đây phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương vì biến chứng tiểu đường sơ sinh. Cháu V nhập viện trong tình trạng thở nhanh, li bì và hôn mê. Trước khi vào cấp cứu khoảng 5 ngày, bé có biểu hiện sốt cao 39 độ C, tiêu chảy (khoảng 10 lần/ngày). Kết quả phân tích gen cho thấy, nguyên nhân gây bệnh ở cháu V là do đột biến gen ABCC8 (một trong những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường sơ sinh tạm thời).

Đây là căn bệnh hiếm gặp, với tỉ lệ mắc từ 1/500.000 đến 1/250.000. Hay trường hợp cháu Vũ Hồng N... (5 tuổi, Hà Nam), từ khi sinh ra cháu rất béo và khỏe mạnh, đặc biệt ăn uống rất tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây thấy con bị mất ngủ, ra mồ hôi nhiều, hay tiểu dầm,…gia đình đưa con đi khám và các bác sĩ kết luận cháu bị tiểu đường và béo phì.

Tại lớp tập huấn về điều trị đái tháo đường TYPE 1 tổ chức ngày 7/9, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 40-50 bệnh nhân mới mắc đái tháo đường type 1 (trước đó chỉ 5-20 bệnh nhân/năm). Trong khi tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em có xu thế ngày càng gia tăng.

Đồng quan điểm trên, TS. BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa – Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Hiện nay, trẻ em chủ yếu mắc đái tháo đường tuýp 1, còn một tỷ lệ nhỏ là đái tháo đường tuýp 2. Từ năm 2013 tới nay, con số đái tháo đường tuýp 1 tăng lên 3-4 lần so với trước, còn ở tuýp 2 cũng bắt đầu tăng ở trẻ em vì các cháu mắc béo phì quá nhiều. Cá biệt là nhóm bệnh đái tháo đường sơ sinh (mắc trước 6 tháng tuổi)”.

TS. Dũng cũng lý giải, đái tháo đường type 1 còn được gọi là bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin. Đây là một tình trạng bệnh mãn tính, trong đó tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin – một nội tiết tố cần thiết, cho phép đường (glucose) nhập vào tế bào để sản xuất năng lượng cho cơ thể. “Khi 1 đứa trẻ bị đái tháo đường tức là cuộc sống của cháu sẽ thay đổi rất nhiều. Hằng ngày trẻ phải tiêm insulin 3-4 lần, phải lấy máu từ 4-6 lần và 10 lần chọc kim ở da và phải theo dõi điều trị đến cuối đời.

Chưa kể, trong quá trình điều trị, bệnh nhi có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm từ tổn thương vi mạch dẫn đến suy thận, hay tổn thương thận dẫn đến suy thận, rồi tổn thương bàn chân, các bệnh lý về tim, mạch máu…có thể dẫn đến tử vong nếu không được khám và điều trị kịp thời. Đối với trẻ em bị bệnh càng sớm thì dẫn đến tổn thương càng sớm nếu không quản lý bệnh tốt”, TS.Dũng nhấn mạnh.

Trong khi đó, đái tháo đường ở trẻ sơ sinh rất khó phát hiện triệu chứng. Bởi các triệu chứng đái tháo đường cổ điển như khát nước, tiểu nhiều, hoa mắt thì thường không biểu hiện ở nhóm trẻ này. Thông thường, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ nhiều lần tiểu tràn ra cả tã mới nghi ngờ và đưa con đi khám. Đối với trẻ lớn hơn, khi cha mẹ thấy con có các triệu chứng bất thường như: tiểu nhiều, khát nước, tiểu dầm, sụt cân, hoặc nôn, đau bụng và có thể có triệu chứng sốt… thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế, để được bác sĩ khám và điều trị sớm.

Theo các chuyên gia y tế, việc quản lý khám, chữa bệnh cho bệnh nhân đái tháo đường cũng đòi hỏi sự hợp tác rất chặt chẽ giữa tuyến Trung ương, tuyến cơ sở, gia đình và cả cộng đồng. TS. Dũng nhấn mạnh, thủ phạm chính gây bệnh đái tháo đường ở trẻ là do ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và ngọt trong khi lại không có chế độ rèn luyện thể dục thể thao. Vì thế, ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống, việc thay đổi lối sống của trẻ là rất cần thiết.

Với những đứa trẻ đang tuổi lớn và phát triển, việc bổ sung đủ dinh dưỡng là cần thiết. Việc giảm khẩu phần ăn ở trẻ béo phì khác với người lớn, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới chiều cao của các cháu. Vì thế, để trẻ vẫn có thể phát triển bình thường, phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn và xây dựng bữa ăn tùy từng thể trạng mỗi cháu. Và phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là khuyến khích trẻ vận động hằng ngày, giúp kích thích sự vận chuyển chất đường vào trong tế bào và cải thiện khả năng phản ứng của cơ thể với insulin.

 

3 nhân viên y tế hiến máu cứu sản phụ bị băng huyết

http://dantri.com.vn/suc-khoe/3-nhan-vien-y-te-hien-mau-cuu-san-phu-bi-bang-huyet-20170914155836162.htm

Dù không có lịch trực nhưng nhận được tin báo, bác sỹ Nguyễn Viết Thắng (Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương, Nghệ An) nhanh chóng có mặt tại bệnh viện. Anh cùng 2 đồng nghiệp khác cùng hiến máu, cứu sản phụ bị băng huyết sau sinh.

Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Hoàng Văn Hảo vừa trao Giấy khen của Sở cho các bác sỹ, nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa Thanh Chương tham gia cứu sản phụ Phạm Thị Soa bị băng huyết vào tối 26/8.

Chị Phạm Thị Soa (SN 1981, trú xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) nhập viện, sinh con lần thứ 3 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Chương. Sau sinh, chị Soa bị tai biến sản khoa mất máu cấp do băng huyết đờ tử cung, tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng.

Kíp mổ do bác sỹ Nguyễn Hải Linh – Giám đốc Bệnh viện làm kíp trưởng quyết định cắt tử cung để cứu sản phụ Phạm Thị Soa. Vào thời điểm này, chị Soa mất máu rất nhiều. Kho máu của bệnh viện chỉ còn 6/11 đơn vị máu O (trùng nhóm máu chị Soa).

Trước tình hình đó, để kịp thời cứu sản phụ Soa, Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương đã huy động cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế trong bệnh viện tham gia hiến máu.

Vào thời điểm này, bác sĩ Nguyễn Viết Thắng (Khoa Đông y) hết thời gian trực, đang ở nhà. Nhận được điện thoại từ bệnh viện, bác sỹ Thắng lập tức có mặt và tham gia hiến máu. Cùng hiến máu cứu sản phụ Phạm Thị Soa còn có anh Nguyễn Trọng Linh (Phòng Tài chính Kế toán) và Nguyễn Văn Thông (Phòng Tổ chức Hành chính).

Ngoài 3 bác sỹ, nhân viên tham gia hiến máu kể trên, Sở Y tế Nghệ An cũng tặng Giấy khen cho bác sỹ Nguyễn Hải Linh - trưởng kíp mổ.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các bác sỹ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương tham gia hiến máu cứu người. Bác sỹ Nguyễn Viết Thắng đã 2 lần hiến máu, 2 nhân viên Nguyễn Văn Thông và Nguyễn Trọng Linh đều đã có 3 lần hiến máu cứu bệnh nhân. Trong 2 năm 2105, 2016, có trên 80 đơn vị máu được cán bộ viên chức hiến tặng cấp cứu kịp thời bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện.

 

Bệnh viện huyện cứu sống sản phụ bị rau bong non thể nặng

http://toquoc.vn/y-te/benh-vien-huyen-cuu-song-san-phu-bi-rau-bong-non-the-nang-253750.html

Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vừa kịp thời cứu sống sản phụ Trần Thị H (29 tuổi) ở xã Xuân Hải, Nghị Xuân, bị rau bong non thể nặng, tiền sản giật.

Trước đó ngày 8/9, sản phụ được người nhà đưa vào BVĐK huyện Nghi Xuân trong tình trạng phù toàn thân, đau đầu, máu âm đạo ra nhiều có cả máu tươi lẫn máu cục…

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Sản đã tiến hành thăm khám và siêu âm cho thấy thai nhi được 37 tuần tuổi, cổ tử cung mới mở 1cm, bên trong có nhiều máu cục, tim thai khi nghe khi không, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp 190/120 mmHg… đồng thời cho chuyển mổ cấp cứu.

Sau gần 2 giờ đồng hồ mổ và cấp cứu tích cực, sản phụ và em bé mới qua được cơn nguy kịch. Đến nay sau 4 ngày điều trị tích cực sản phụ H đã ổn định, không xuất hiện phù nề, tự ngồi dậy ăn uống và đi lại được, còn em bé đã bú tốt. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 10 ngày nằm điều trị tại đây.

Bác sỹ Hoàng Thị Hồng – Trưởng Khoa Sản, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân H cho biết: “Trường hợp sản phụ H mà đến muộn thì cả mẹ và con cũng dễ dẫn đến tử vong vì cấp cứu sản khoa diễn biến đột ngột, nhanh chóng có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, cần chẩn đoán, xử lý quyết đoán nhằm giảm các biến chứng sản khoa, hạn chế tử vong cho mẹ và thai nhi”.

BS Hồng cho biết thêm, rau bong non là tình trạng nhau bám ở vị trí bình thường nhưng bong sớm trước khi được xổ ra ngoài. Bệnh lý rau bong non có sự hình thành khối huyết tụ sau bánh rau, khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh rau ra khỏi thành tử cung, cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi.

Để phòng tránh rau bong non, các sản phụ nên đăng ký khám thai định kỳ tại một cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén; bổ sung axit folic trước và ngay sau khi mang thai; khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao như: xuất huyết, đau bụng dưới… cần kịp thời đến bệnh viện chuyên khoa sản để được khám và xử trí kịp thời, bác sỹ Hồng khuyến cáo./.

 

26 công nhân của hai công ty bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện

http://thanhnien.vn/suc-khoe/26-cong-nhan-cua-hai-cong-ty-bi-ngo-doc-thuc-pham-phai-nhap-vien-875734.html

Ngày 14.9, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) đã tiếp nhận cấp cứu 26 công nhân (CN) bị ngộ độc thực phẩm trong tình trạng đau bụng dữ dội, hoa mắt, chóng mặt và tiêu chảy liên tục.

Theo các công nhân của Công ty An Phước, trưa cùng ngày, các CN ăn cơm trưa với khẩu phần là sườn ram, canh rau. Sau khi ăn xong, các CN làm việc đến khoảng 16 giờ thì một số người cảm thấy đau bụng, chóng mặt và buồn nôn, không thể tiếp tục làm việc. Công ty đã phải cho những CN này nghỉ việc và đưa 8 CN đi cấp cứu.

Đối với Công ty Nam Ho, các CN cho biết khoảng 18 giờ tối 13.9, các CN ăn tối với khẩu phần là cơm chiên dương châu và hủ tíu thịt heo.

Sau khi ăn xong, đến khoảng 20 giờ, một số CN cảm thấy đau bụng râm ran.

Khoảng 20 giờ 30 phút, các CN tan ca trở về nhà. Một số CN đã bị tiêu chảy liên tục.

Sáng 14.9, nhiều CN đã xin nghỉ làm. Những CN vào làm việc tiếp tục có triệu chứng đau bụng, nhức đầu và tiêu chảy. Vì vậy, công ty đã cho cả phân xưởng may dừng việc và đưa một số CN đi cấp cứu.

Sáng 14.9, bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận nữ bệnh nhi trong tình trạng có nhiều vết cắt sâu trên má, môi, cằm… do té ngã vào cửa kính ở trường học.

Đến chiều 14.9, đã có 18 CN của công ty này được nhập viện. Theo các CN, trong số 18 CN nhập viện, có cả những người ăn cơm chiên và ăn hủ tíu.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, có 538 CN ăn tối nhưng chỉ 18 CN nhập viện.

Đến 19 giờ hôm nay, sau khi được theo dõi sức khỏe, uống thuốc, tất cả CN đã bình phục và xuất viện. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra để tìm nguyên nhân.

 

Cấp cứu thành công một học sinh bị tai nạn giao thông nguy kịch

http://laodongthudo.vn/cap-cuu-thanh-cong-mot-hoc-sinh-bi-tai-nan-giao-thong-nguy-kich-60139.html

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân T. V. H. N, 13 tuổi, trú tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn bị đa chấn thương do tai nạn giao thông tại địa phận xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Gia đình bệnh nhân N. cho biết, chiều 9/9 cháu N. trên đường đi học đã bị 1 xe ô tô bán tải đâm vào, sau tai nạn cháu đã được người dân đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm và được chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Bác sỹ CKII. Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết: Bệnh nhân N. vào viện trong tình trạng vật vã kích thích, da xanh, niêm mạc trắng nhợt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, khám thấy ngực, bụng xây xát, bụng chướng, cảm ứng phúc mạc dương tính, kết quả siêu âm thấy hình ảnh tổn thương vỡ gan, vỡ lách, vỡ thận phải, ổ bụng có nhiều dịch. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân đã được đưa lên khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức để mổ cấp cứu.

BS CKI. Hà Anh Tuấn, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trực tiếp phẫu thuật, cho biết: Khi vừa phẫu thuật mở ổ bụng bệnh nhân N. thấy có rất nhiều máu đông lẫn không đông, hút ra được khoảng 2500ml; kiểm tra ổ bụng thấy tụ máu lớn sau phúc mạc vùng hố thận phải, vỡ gan hạ phân thùy VI, VII, vỡ thận phải, vỡ lách, đụng dập đuôi tụy. Kíp mổ tiến hành cắt thận phải, cắt lách, cắt gan bị tổn thương, đốt cầm máu đuôi tụy, rửa ổ bụng, đặt dẫn lưu ổ bụng.

Bác sỹ CKI. Hà Văn Linh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Ngay khi bệnh nhân N được đưa vào phòng mổ, kíp Gây mê đã đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, đặt nội khí quản (đặt ống vào phổi), hút trong ống nội khi quản ra nhiều máu và bọt khí, bệnh nhân đã được truyền bổ sung 12 đơn vị khối hồng cầu, huyết tương, sử dụng các thuốc vận mạch liều cao, điều trị phù phổi cấp, theo dõi sát trong suốt quá trình mổ.

Sau mổ, bệnh nhân đã được đưa ra phòng hồi tỉnh của khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức để tiếp tục điều trị chăm sóc đặc biệt.

Hiện tại, Bệnh nhân tỉnh, thở máy, vết mổ khô, chỉ số sinh tồn dần ổn định, tiếp tục được theo dõi, điều trị tại khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức. Đây là một trong nhiều ca mổ khó, đã được phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

 

Cứu sống bé gái 3 tuổi nuốt phải dây đồng hồ suýt tử vong

http://www.nguoiduatin.vn/cuu-song-be-gai-3-tuoi-nuot-phai-day-dong-ho-suyt-tu-vong-a338993.html

Một trường hợp trẻ nhỏ nuốt phải dây đồng hồ kim loại suýt mất mạng vừa được các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (BVXA) xử trí nhanh chóng, gắp dị vật ra ngoài thành công.

Ngày 14/9, đại diện BVXA cho biết, bệnh viện đã cấp cứu thành công cho một trẻ nhỏ nuốt phải dị vật suýt tử vong.

Trước đó, ngày 12/9, bệnh nhân T.T. (SN 2014, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng sức khỏe bị đe dọa với các biểu hiện quấy khóc dữ dội, buồn nôn, mệt mỏi. Người nhà cho biết, bé đã nuốt một đoạn dây đồng hồ bằng kim loại.

Ngay khi phát hiện con nuốt dị vật, cha mẹ cháu bé lập tức đưa đến BVXA để cấp cứu. Qua thăm khám kỹ lưỡng và kiểm tra kết quả chụp X-Quang, bác sĩ phát hiện có dị vật nằm ở phình vị (dạ dày). Vì vậy, các nhân viên y tế nhanh chóng chuyển bé đến phòng Nội soi cấp cứu.

Các bác sĩ tại trung tâm Nội soi, BVXA đã gắp thành công dị vật cho bé bằng dụng cụ chuyên dụng. Dị vật là một đoạn dây đồng hồ bằng kim loại, có kích thước khá lớn lại nằm trong phình vị của bệnh nhi nhỏ tuổi nên rất nguy hiểm.

Các bác sĩ đã phải rất thận trọng khi tiến hành nội soi gắp dị vật. Hiện, bé đã tỉnh táo và không còn cảm giác đau, buồn nôn hay khó thở.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, người lớn nên trông trẻ nhỏ thật cẩn thận, không cho trẻ chơi các loại đồ vật sắt nhọn, hóa chất độc hại, pin trong đồ chơi điện tử.

Đối với những trẻ đã có nhận thức, phụ huynh cần nhắc nhở trẻ không nên cho đồ vật vào miệng và mũi. Nếu chẳng may bé nuốt phải dị vật cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

 

Mắc bệnh hiếm gặp, anh Việt kiều về nước điều trị thành công

http://nld.com.vn/suc-khoe/mac-benh-hiem-gap-anh-viet-kieu-ve-nuoc-dieu-tri-thanh-cong-20170914122122071.htm

Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM vừa phẫu thuật ghép da thành công cho một nam Việt kiều ở Mỹ mắc bệnh hiếm gặp.

Sáng ngày 14-9, Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM cho hay nơi đây vừa phẫu thuật ghép da thành công cho một Việt kiều mắc bệnh hiếm gặp- viêm tuyến mồ hôi mưng mủ kéo dài. Bệnh nhân là anh V. Trần Nguyễn (28 tuổi, quốc tịch Mỹ). Anh V. nhập viện trong tình trạng vùng mông có ổ viêm đang mưng mủ. Các bác sĩ đã cắt lọc sâu lớp mô hạt hóa sừng vùng viêm loét, sau đó lấy vạt da từ trên mông kích thước 6cm x 20cm che phủ vùng khuyết hổng, bảo vệ các tổ chức (mạch máu, dây thần kinh…) quan trọng bên trong. Hiện vết thương sau ghép của anh V. đã ổn định, cơ bản thoát được nỗi khổ do căn bệnh kéo dài.

Theo BS Nguyễn Cao Viễn, Khoa Ngoại chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân mắc căn bệnh mãn tính không lây, thường gây mụn ở những vùng da kín và có triệu chứng sưng, đau, kèm tiết mủ. Trước đây, việc che phủ thường dùng các vạt da tự do (ở vị trí khác trên cơ thể) còn hiện nay dùng kỹ thuật siêu âm doppler mạch máu để dò ra vùng có mạch đập, sau đó lấy vạt da tại vùng lân cận xoay qua che phủ tổn thương (còn gọi là kỹ thuật xoay vạt mạch xuyên). Loại vạt này có thể lấy kèm theo cơ, xương, vạt cân cơ, vạt da mỡ.

Nhiều năm qua, anh V. đã chịu đựng căn bệnh với hàng chục ổ viêm da, để lại nhiều sẹo lớn nhỏ trên cơ thể, đặc biệt ở những vùng kín như nách, bẹn, mông… Trước khi về thăm Việt Nam, anh cũng đã vài lần ghép da thất bại và trên người đang có 2 ổ viêm lớn ở bắp chân và mông. Do va chạm, ổ viêm ở chân bị tổn thương nặng, anh được điều trị tại một bệnh viện ở TP Cần Thơ, sau đó đến Bệnh viện Nhân dân 115 để ghép da điều trị ổ viêm vùng mông.

 

Tìm lại dung nhan cho bé gái bị kính cắt ngang mặt

http://nld.com.vn/suc-khoe/tim-lai-dung-nhan-cho-be-gai-bi-kinh-cat-ngang-mat-20170914124950946.htm

Bé gái 11 tuổi bị té vào ô cửa kính ở trường, dẫn đến những vết thương rất sâu. Khó khăn lớn nhất của ca phẫu thuật không phải là loại bỏ các mảnh kính, khâu vết thương mà là sự nỗ lực tối đa để phục hồi dung nhan cho bé.

Sáng nay 14-9 là ngày bé T. (11 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) được hẹn đến để cắt chỉ, cũng là đúng một tuần sau ca phẫu thuật điều trị những vết thương lớn do kính vỡ.

Vào ngày xảy ra tai nạn, bé T. khá mệt mỏi do đau bụng kinh và lại không ăn sáng nên choáng váng và vô tình ngã vào một ô kính cửa sổ. Chiếc kính này đã nứt từ trước nên cú ngã của cháu bé đủ làm kính vỡ toang, cắt nhiều đường trên khuôn mặt cô bé, trong đó 2 vết nặng nhất là vết từ môi trên lên đến má, vết thứ hai ở ngay cầm. Y tế trường sơ cứu tạm bằng cách đắp nhiều lớp gạc, băng lại và gọi điện cho phụ huynh.

Cháu bé đã được đưa đến vài nơi kiểm tra trước đó, nhưng theo lời khuyên của nhiều người, cha mẹ bé đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. "Dù có kinh nghiệm rất nhiều năm trong nghề, tôi cũng phải dừng lại một chút để cố trấn tĩnh" – Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó trưởng khoa Răng Hàm Mặt, là bác sĩ tiếp nhận và trưởng kíp mổ cho bé T., xót xa kể lại giây phút bà gỡ miếng băng khỏi mặt cháu.

Bác sĩ Minh Hằng và các đồng nghiệp bước vào ca mổ đầy khó khăn với một tin nhắn rất xúc động mà bé kịp lấy điện thoại của mẹ nhắn vào máy bác sĩ Hằng trước ca mổ: "Nhờ bác sĩ cố gắng giúp con đẹp lại, con chịu đau mấy cũng được". Bác sĩ Hằng cũng nhận định, ca mổ không chỉ khó vì hàng chục mảnh kính còn ghim sâu vào vết thương, đặc biệt là vết lớn và sâu nhất ở môi trên – má, vốn cắt đến tận sụn mũi, mà còn đòi hỏi tính thẩm mỹ phải cao.

Có lẽ vì xúc động trước tin nhắn của cô bé, cả sự thấu cảm của một người phụ nữ với một cô bé trẻ trung sớm phải mang trên mặt vết thương khủng khiếp, ca mổ đã hoàn thành tốt hơn mong đợi. Mẹ cô bé sau khi nhìn thấy con được đẩy ra đã ôm lấy bác sĩ mà khóc. Một người thân trong nhà vốn nghĩ đến việc đưa bé sang Mỹ để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, sau khi nhìn thấy kết quả đã nhẹ nhõm bảo rằng không cần nữa… Bởi lẽ, nhà của bé T. cũng đang rất khó khăn vì cha của bé đang bệnh rất nặng.

Qua trường hợp trên, TS-BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng hàm mặt, cũng gửi lời cảnh báo đến cộng đồng về những tai nạn do kính, thủy tinh vỡ gây nên. Bệnh viện đã từng tiếp nhận không ít bé bị thương do các vật bằng kính, thủy tinh gây ra. Ngoài ra, với các bé gái đang độ tuổi dậy thì thì phụ huynh, nhất là người mẹ, nên chú ý giáo dục trẻ. Nhiều bé gái trong kỳ kinh rất mệt mỏi, dễ bị chóng mặt, choáng, ngất xỉu…, cần được nhắc nhở ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, nhất là các bé còn quá nhỏ, chưa biết cách tự chăm sóc bản thân.

TS-BS Nguyễn Văn Đẩu nói thêm: "Dù bác sĩ Hằng có phẫu thuật tốt đến mức nào, cũng phải nhìn nhận rằng khuôn mặt cháu bé vẫn không thể trở lại như xưa sau tai nạn quá nặng nề đó. Bé cần được chăm sóc và theo dõi, vết sẹo có lành đẹp hay không còn tùy thuộc vào cơ địa, cho dù chúng ta có dùng những loại thuốc tốt nhất".

Mang theo lời gửi gắm của bệnh nhi, ê kíp phẫu thuật đã nỗ lực hết mức để "khi thấy khuôn mặt của em bé sau thủ thuật thẩm mỹ, mẹ của bé đã ôm tôi và khóc" – Bác sĩ Hằng kể lại.

 

Thái Lan phát hiện 5 người nghi nhiễm MERS sau khi trở về từ Trung Đông

http://baotintuc.vn/the-gioi/thai-lan-phat-hien-5-nguoi-nghi-nhiem-mers-sau-khi-tro-ve-tu-trung-dong-20170914175948013.htm

Ngày 14/9, giới chức y tế Thái Lan cho biết 5 người Hồi giáo ở nước này trở về nước sau khi tới Saudi Arabia tham gia Lễ hành hương Hajj đã có biểu hiện mắc Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Theo Cơ quan Y tế thành phố Hat Yai, cách thủ đô Bangkok 950 km về phía Nam, 5 công dân này đã được kiểm tra y tế ngay tại sân bay quốc tế Hat Yai và bị nghi mắc MERS.

Giới chức y tế Thái Lan sẽ theo dõi 5 người này trong thời gian tới bởi thời gian ủ bệnh là khoảng 14 ngày. Được biết, có tổng cộng 289 người hành hương đã được kiểm tra y tế tại sân bay Hat Yai khi trở về từ Saudi Arabia sau Lễ hành hương Hajj.

Hội chứng MERS, còn được biết đến là MERS-Covdo, do chủng vi rút coronavirrus gây ra. Đây là dịch bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao (40%). Các triệu chứng ban đầu là ho, sốt cao và khó thở.

 

Bút thông minh giúp phát hiện tế bào ung thư trong vài giây

http://suckhoedoisong.vn/but-thong-minh-giup-phat-hien-te-bao-ung-thu-trong-vai-giay-n136230.html

Một loại “bút ung thư” mới cho thấy triển vọng giúp các bác sĩ phẫu thuật ngay lập tức phát hiện và loại bỏ các mô ung thư.

Bút MasSpec là một thiết bị cầm tay cho phép các bác sĩ kiểm tra theo thời gian thực xem liệu đó có phải là mô ung thư hay không, với thời gian cho kết quả chỉ khoảng 10 giây.

 Tác giả chính của nghiên cứu Livia Eberlin tại Đại học Texas cho biết, loại bút này giúp bác sĩ dễ dàng loại bỏ tất cả các tế bào ung thư, đặc biệt là với các dạng ung thư có xu hướng xâm lấn sang các mô bình thường xung quanh như ung thư vú, tuyến tụy và não.

Độ chính xác của loại bút này hiện đạt hơn 96%, dựa trên kết quả kiểm tra mô được lấy từ 253 bệnh nhân ung thư. Nghiên cứu sử dụng các mẫu từ bệnh nhân ung thư vú, phổi, tuyến giáp và buồng trứng để đánh giá độ chính xác của bút. Thiết bị mới này cũng giúp rút ngắn thời gian phẫu thuật.

Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ bắt đầu thử nghiệm thiết bị này trong phẫu thuật vào năm tới, tuy nhiên có thể phải mất vài năm nữa trước khi loại bút này được đưa ra thị trường. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng thử nghiệm loại bút này ở những dạng ung thư có xu hướng xâm lấn hơn và khó cắt bỏ hơn.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science Translational Medicine ngày 6/9.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang