Báo điện tử Pháp luật TP.Hồ Chí Minh: Ám ảnh ung thư ở bãi rác Đông Thạnh
Từ khi bãi rác Đông Thạnh bắt đầu hoạt động thì bóng ma ung thư như cơn lốc tràn qua vùng đất vốn trước đây bình yên.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, các chỉ tiêu không đạt trong nguồn nước tại bãi rác Đông Thạnh có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một gia đình 5-6 người ung thư
Những người dân tại ấp 3, ấp 7…, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) thời gian gần đây liên tục chứng kiến những đám tang với nỗi ám ảnh ung thư.
Nhà ông Trần Hữu Ước (ấp 7, xã Đông Thạnh) chỉ cách bãi rác chừng mấy trăm mét. Một thời gian dài ông Ước chỉ dùng nước giếng cho sinh hoạt. Theo ông Ước, hoạt động của bãi rác đã khiến nhiều người dân không chịu nổi. “Vào những ngày nắng thì còn đỡ, trời mưa thì mùi hôi thối không chịu nổi. Họ đốt chất thải khiến ô nhiễm không khí. Không biết xe họ chở chất thải gì vào trong để đổ nhưng mạch nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm. Bản thân tui bị u tuyến tiền liệt, vợ bị u vú. Con trai tui là Trần Hữu Phúc cũng bị viêm phế quản chữa mãi không khỏi” - ông Ước nói.
Cùng ở ấp 7, khi chúng tôi đến, bà Lê Thị Kỳ (54 tuổi) đang làm đám giáp năm cho chồng. Chồng bà Kỳ là ông Thái Văn Thâu mất tròn một năm. “Chồng tôi mất khi ông mới được 58 tuổi, bị ung thư gan. Tháng này năm trước, ông ấy người gầy, da nổi nốt đỏ nên cả nhà đưa đi BV Hóc Môn, sau chuyển xuống BV 115, ba tháng thì ông ấy đi. Mình đâu biết nguyên nhân là gì đâu, lúc đầu thì dùng nước giếng để sinh hoạt, sau rồi nghe nói ô nhiễm thì được cấp nước sạch. Nhưng những người 50 tuổi trở lên đều bị bệnh hết rồi. Khu này bây giờ ung thư nhiều lắm, hết nhà này đến nhà khác…” - bà Kỳ bỏ lửng câu nói.
Ở ấp 7, cả ấp ai cũng biết tình cảnh bi đát của gia đình bà Phan Thị Liễu (74 tuổi) khi có năm người trong nhà mất vì ung thư. Gia đình bà trước sống ở nội đô, đến năm 1977 cả nhà chuyển về sống ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn để đỡ cảnh chen chúc, xô bồ. Ác mộng tang tóc mang tên ung thư từng bao trùm căn nhà nhỏ của người phụ nữ 74 tuổi và kéo dài cơn đau tinh thần chẳng biết khi nào kết thúc. Khi chúng tôi đến, bà Liễu ngồi trong nhà, ánh mắt xa xăm. Ngay trước mặt bà, bên mé lộ xa xa là bãi rác lớn, gần là bãi rác nhỏ. Bà Liễu chỉ tay buồn rầu: “Nhà tui một năm ung thư cướp mất ba người, hết mẹ chồng rồi đến chồng, con dâu, hai con rể. Chỉ trong vòng năm tháng mà nhà tui mất ba người. Chồng tui chết tháng 5, rể chết tháng 7, mẹ chồng chết tháng 11… Tang trùng tang”.
Nhiều mẫu nước ô nhiễm nặng
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Sở Y tế giao Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khảo sát tình hình ô nhiễm môi trường tại bãi rác Đông Thạnh. Từ ngày 13 đến 18-5, trung tâm đã khảo sát nguồn nước sử dụng và thực trạng mắc bệnh ung thư tại xã Đông Thạnh để đánh giá các yếu tố nguy cơ.
Trung tâm đã lấy năm mẫu nước giếng khoan của các hộ sống gần bãi rác để phân tích. Kết quả 100% không đạt chỉ tiêu pH, clo dư; 75% không đạt chỉ tiêu hàm lượng amoni. Kết quả còn cho thấy 100% mẫu không đạt hàm lượng nhôm; 50% có hàm lượng nitrat vượt giới hạn cho phép; 25% không đạt hàm lượng chì, 25% không đạt hàm lượng clorua. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, các chỉ tiêu không đạt trong nguồn nước có nguy cơ ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt hàm lượng nitrat, amoni cao chứng tỏ nước đã bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ - có khả năng chuyển hóa thành hợp chất gây ung thư cao.
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng đồng thời giám sát chế độ vệ sinh và việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong phạm vi quản lý. Kết quả cho thấy đơn vị quản lý bãi rác Đông Thạnh có thực hiện chế độ khử mùi bằng EM và khử trùng bằng Cloramin B 5% định kỳ. Chất lượng khí thải Nox, SO2, CO, HCl, Hg, Cd và bụi tổng của ống khói lò đốt chất thải nguy hại trong bãi rác Đông Thạnh đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
http://plo.vn/suc-khoe/am-anh-ung-thu-o-bai-rac-dong-thanh-632108.html
Báo điện tử Pháp luật TP.Hồ Chí Minh: Ra nước ngoài điều trị bệnh thất bại, trong nước lại thành công
Chiều 31-5, BV ĐH Y Dược TP.HCM cho biết nơi đây đã kiểm soát thành công trường hợp đau thần kinh thẹn cho bệnh nhân nam sau nhiều lần sang Singapore tiêm thuốc và sang Pháp thực hiện mổ dây thần kinh thẹn.
Chiều 31-5, bệnh viện Đại Học Y Dược cho biết nơi đây đã kiểm soát thành công trường hợp đau thần kinh thẹn cho bệnh nhân nam sau nhiều lần sang Singapore tiêm thuốc và sang Pháp thực hiện mổ dây thần kinh thẹn.
Chiều 31-5, bệnh viện Đại Học Y Dược cho biết nơi đây đã kiểm soát thành công trường hợp đau thần kinh thẹn cho bệnh nhân nam sau nhiều lần sang Singapore tiêm thuốc và sang Pháp thực hiện mổ dây thần kinh thẹn.
TS-BS Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại thần kinh BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh nhân nam (37 tuổi) là nhân viên văn phòng, bệnh nhân thường xuyên có triệu chứng đau vùng bẹn, đau lan từ bẹn xuống phần trong đùi, lan xuống bộ phận sinh dục, đau bỏng rát phần hậu môn khiến sinh hoạt hết sức khó khăn.
Sau khi điều trị ở các bệnh viện ở TP.HCM khoảng ba tháng tình trạng bệnh của bệnh nhân chỉ giảm được 20%. Do có nhu cầu trị dứt điểm căn bệnh, bệnh nhân này tìm thông tin trên các trang mạng, sau đó sang Singapore tiêm thuốc vào ống thẹn.
Cũng từ thông tin trên mạng, bệnh nhân này tiếp tục tìm đến trung tâm trị đau của Pháp và được các bác sĩ ở đây chẩn đoán đau dây thần kinh thẹn và tiến hành mổ cho bệnh nhân. Các triệu chứng đau của bệnh nhân dứt hẳn trong tuần đầu tiên sau mổ nhưng đến tuần thứ hai cơn đau trở lại và dữ dội hơn.
Tiếp đó bệnh nhân tìm đến điều trị tại khoa Hậu môn trực tràng - BV ĐH Y Dược để điều trị. Tại đây, sau khi tiến hành các xét nghiệm, bệnh viện đã chẩn đoán bệnh nhân đau dây thần kinh thẹn, một dạng của đau mạn tính.
BS Minh Anh chia sẻ, đau mạn tính không thể khỏi trong một sớm một chiều nên BV đã phải hướng dẫn trước cho bệnh nhân quá trình điều trị sẽ phải kéo dài (từ 3-6 tháng) để ổn định ngưỡng đau của bệnh nhân. Trong quá trình điều trị phải có những loại thuốc chuyên biệt gây khó chịu khiến bệnh nhân muốn bỏ thuốc.
Ban đầu các bác sĩ sử dụng liều lượng thuốc thấp để bệnh nhân làm quen sau đó mới tăng liều, qua đánh giá nếu thất bại, sẽ sử dụng các phương pháp điều trị khác.
BS Minh Anh cho biết hiện tại bệnh nhân đã bắt đầu trở lại với công việc và cảm giác đau đã giảm được khoảng 70% so với ban đầu.
Qua đây, TS-BS Nguyễn Minh Anh cũng cho biết thêm đau mạn tính là một trong những bệnh khá phức tạp, hiện nay có rất nhiều người mắc bệnh nhưng không hề biết và biết mình mắc bệnh nhưng không biết điều trị ở đâu, điều trị như thế nào cho hiệu quả nhất. BS Minh Anh khuyến cáo đến mọi người có triệu chứng đau kéo dài trên ba tháng không hết như đau đầu, đau lưng, đau cột sống... nên đi khám tại các bệnh viện để tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.
http://plo.vn/suc-khoe/ra-nuoc-ngoai-dieu-tri-benh-that-bai-trong-nuoc-lai-thanh-cong-632039.html
Báo điện tử Lao động online: Sở Y tế Hà Nội lên tiếng vụ bác sĩ “bỏ quên” bông trong vết thương bệnh nhân
Liên quan đến việc bác sĩ "bỏ quên" bông trong vết thương của bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khiên dư luận bức xúc, tối 31.5, Sở Y tế Hà Nội cho biết đã yêu cầu BV đình chỉ phẫu thuật và kiểm điểm bác sĩ vi phạm trong vụ việc.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, TS Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Sau khi kiểm tra thông tin, Sở Y tế đã yêu cầu bệnh viện đình chỉ phẫu thuật và yêu cầu kiểm điểm bác sĩ để sót bông trong vết thương của bệnh nhân".
"Một vết thương ở bàn chân, về nguyên tắc khâu vết thương là người ta phải đưa một cái vật để dẫn lưu, cho máu và dịch thoát ra. Bình thường những chỗ khác thì sẽ đặt ống nhựa, nhưng vì ở bàn chân giẫm đi giẫm lại nó sẽ chọc vào chỗ đau, cho nên người ta đặt một cái gạc vào đó để dẫn lưu, thoát cái dịch ở vết thương ra. Tại sao lại xảy ra chuyện như vậy? Vì bác sĩ này quên dặn dò bệnh nhân ngày hôm sau phải đến thay băng tại cơ sở y tế và yêu cầu rút cái gạc ấy ra, nguyên tắc là trong vòng 24 tiếng là phải rút ra.
Như vậy mới xảy ra chuyện là bị sót, chứ còn thực ra là bác sĩ chủ động trong việc đó, nhưng về mặt chuyên môn, bác sĩ đã vi phạm, vì thiếu sót trong việc dặn dò kĩ bệnh nhân cái chuyện đó. Việc này là có chủ động, nhưng đáng lẽ phải rút ra nhưng mà lại không dặn dò người ta kĩ, để xảy ra tình trạng ấy. Để lâu là nó sẽ mưng mủ, rút trong vòng 24 tiếng thì sẽ không việc gì. Về mặt chuyên môn là phải kiểm điểm để bác sĩ rút kinh nghiệm"- Ông Hiền cũng phân tích.
"Việc để quên như thế có thể dẫn đến hoại tử, thậm chí có trường hợp chỉ đến ngày thứ 2 là có mùi. Dẫu sao thì việc đó là anh phải có trách nhiệm với người bệnh, phải dặn dò họ cho kĩ, trên cả giấy tờ, thậm chí cả đơn thuốc phải ghi rõ là bao lâu thay băng và phải rút cái đó ra. Đúng quy trình là phải như thế. Còn nếu mà anh không tuân thủ là do anh sai sót. Tất nhiên chỉ định là có nhưng anh làm không đến nơi đến chốn để sự việc xảy ra như thế, để lâu là sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân, ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện thì buộc phải xử lý ban đầu là như thế"- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thẳng thắn chia sẻ.
Trước đó, thông tin một bệnh nhân ở Hà Nội “tố” bác sĩ BV Đa khoa Hà Đông vô trách nhiệm để quên bông trong vết thương đang lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người xôn xao, bức xúc.
Theo lời của chủ nhân Facebook có tài khoản Hải Anh Nguyễn, lúc 23h ngày 21.4.2016 anh Hải giẫm phải mảnh thủy tinh, do vết thương khá to và sâu, chảy nhiều máu không cầm nên anh được đưa vào bệnh viện Hà Đông để sơ cứu và xử lý vết thương. Sau khi vào Khoa cấp cứu của Bệnh viện Hà Đông, các bác sĩ đã dùng bông và gạc cầm máu rồi chuyển xuống khoa chấn thương của bệnh viện để khâu. 2 hôm sau anh Hải có đến Bệnh viện để thay băng vết thương, rồi những lần sau thì tự thay ở nhà.
Ngày 29.5, do vết thương vẫn chảy khá nhiều dịch nên bệnh nhân lên viện 16A Hà Đông để chụp và kiểm tra lại. Tại đây các bác sĩ đã mổ ra để nạo sạch vết thương thì phát hiện bên trong còn nguyên 1 đống bông. Do để quá lâu nên bông đã mủn ra và bị nhiễm trùng vào trong xương.
http://laodong.com.vn/suc-khoe/so-y-te-ha-noi-len-tieng-vu-bac-si-bo-quen-bong-trong-vet-thuong-benh-nhan-557362.bld
Báo điện tử Pháp luật TP.Hồ Chí Minh: Việt Nam nằm trong nhóm hút thuốc lá nhiều nhất thế giới
“Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có nhiều người hút thuốc lá nhất thế giới, tỉ lệ hút thuốc của nam giới là 47,4%, của nữ giới là 1,4%.
Trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người chết do tác hại của thuốc lá, 30 triệu người phải hút thuốc lá một cách thụ động. Việc tuyên truyền, phòng chống tác hại của thuốc lá hiện nay vẫn còn một số khó khăn…” - PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, cho biết như trên tại hội nghị tập huấn định hướng truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016 do Bộ TT&TT cùng Bộ Y tế tổ chức sáng 31-5.
Theo ông Khuê, thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút mà còn góp phần tạo nên tình trạng quá tải trong bệnh viện. “Nó là kẻ giết người thầm lặng với khoảng 700 chất độc hại, do vậy cần bỏ thuốc lá. Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn thể hiện sự văn minh hay không. Chúng ta cần từ bỏ hút thuốc để nâng tầm đất nước, không thể bạ đâu cũng hút” - ông nói.
Cũng tại hội nghị, ban tổ chức đã phát động cuộc thi viết về phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2016 dành cho các PV, BTV các cơ quan báo chí…
http://plo.vn/suc-khoe/viet-nam-nam-trong-nhom-hut-thuoc-la-nhieu-nhat-the-gioi-632106.html
Báo điện tử Lao động thủ đô: Ký kết hợp tác đào tạo liên tục bệnh lý tim mạch
Đó là thông tin được TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Đào tạo (Bộ Y Tế) đưa ra tại buổi họp báo “Ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng đại diện MERCK Việt Nam và Hội Tim mạch học Việt Nam về chương trình đào tạo liên tục một số bệnh lý tim mạch 2016” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam: Sau khi Hội được Bộ Y tế cấp mã số đào tạo liên tục, cùng việc ký kết hợp tác với MERCK, từ nay đến cuối năm 2016, Hội Tim mạch học Việt Nam dự kiến sẽ mở 6 lớp đào tạo liên tục về một số bệnh lý tim mạch cho khoảng 600 bác sĩ tuyến cơ sở ở 6 vùng miền trên toàn quốc.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 1/3 dân số mắc bệnh tăng huyết áp, trong số đó có 1/3 dân số không biết mình đang mắc bệnh và có 1/3 dân số biết và đang điều trị tăng huyết áp nhưng không đạt được mục tiêu điều trị.
Theo điều tra dịch tễ học gần đây tại 8 tỉnh và thành phố của nước ta thì tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên là 47,3%. Tiến trình bệnh lý trong chuỗi bệnh lý tim mạch bắt nguồn từ tăng huyết áp cùng các yếu tố nguy cơ kèm theo (như: lối sống thiếu vận động, rối loạn về lipid máu, uống nhiều rượu bia, đái tháo đường, các stress…) sẽ càng góp phần thúc đẩy sự tiến triển của những bệnh lý khác như: Bệnh mạch vành, suy tim, suy thận, tai biến máu não…, thậm chí gây đột tử cho người bệnh.
http://laodongthudo.vn/ky-ket-hop-tac-dao-tao-lien-tuc-benh-ly-tim-mach-37980.html
Báo điện tử Gia đình Việt Nam: Thuốc đông y có chữa khỏi được ung thư không?
Các bài thuốc đông y có tác dụng rất tốt trong việc tăng cường bồi bổ cơ thể và thậm chí ức chế sự lan rộng khối u, nhưng không chữa khỏi được hoàn toàn ung thư.
Hiện nay, có không ít bệnh nhân khi phát hiện bệnh ung thư dù đang ở giai đoạn sớm nhưng bỏ điều trị tây y về điều trị bệnh theo phương pháp đông y. Vậy, các bài thuốc, phương pháp đông y có điều trị khỏi được ung thư và có tác dụng như thế nào khi điều trị?
Thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp đã kết hợp khá tốt việc điều trị tây y và đông y. Hai phương pháp này được tiến hành song song với nhau nhằm vừa tiêu diệt tế bào ung thư, vừa tăng khả năng miễn dịch cơ thể.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bỏ hẳn tây y về điều trị đông y vì nghe theo lời đồn “ung thư không được động dao kéo”. Điển hình như một trường hợp bệnh nhân ở Điện Biên, mắc bệnh ung thư vú, nhưng nghe theo lời đồn thổi hoa đu đủ đực chữa khỏi được ung thư nên đã bỏ hẳn tây y về để uống nước đu đủ. Sau 3 năm, không những không khỏi mà khối u từ vú đã di căn sang cả gan và một số bộ phận cơ thể khác, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện K Trung ương (cơ sở Tân Triều).
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Ths. Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hà Nội) khẳng định: “Đối với các căn bệnh ung thư, đông y không điều trị khỏi được căn bệnh này mà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị”. Theo Lương y Trung, đối với các bác sĩ đông y, khi tiếp cận và điều trị cho các bệnh nhân ung thư cần phải dựa trên các bằng chứng và hồ sơ khoa học của tây y, chứ không thể nghe kể bệnh rồi bốc thuốc điều trị.
“Tất cả các bệnh nhân đến với tôi, tôi đều yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm, chiếu chụp từ tây y từ đó mới đưa ra những phương pháp và bài thuốc giúp bệnh nhân điều trị”, Lương y Vũ Quốc Trung nói.
Đồng thời lương y Trung cũng khẳng định, tất cả các bài thuốc đông y sử dụng đối với bệnh nhân ung thư chỉ có tác dụng hỗ trợ bệnh nhân nhằm tăng cường và bồi bổ sức khỏe từ đó hỗ trợ cho các phương pháp điều trị tây y hiệu quả hơn chứ không các tác dụng điều trị thay thế.
Cũng liên quan đến vấn đề này, GS Phạm Xuân Sinh – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược học cổ truyền (Trường Đại học Dược Hà Nội) cho biết, khái niệm về bệnh ung thư giữa đông y và tây y có rất nhiều điểm tương đồng. Chính vì thế, nhiều khi có người không hiểu hoặc cố tình lợi dụng để thổi phồng việc chữa được bệnh ung thư bằng các cây, con thuốc ở một số địa phương trong nước ta, để thu lời bất chính.
Theo các bác sĩ đông y, thực tế đã có không ít nghiên cứu đã chứng minh một số chiết xuất của các cây, con có tác dụng ức chế tế bào ung thư, ví dụ như lá chè có thành phần ngăn chặn gián tiếp các tế bào ung thư xâm nhập vào cơ thể, xong nước chè xanh vẫn chỉ là thứ nước uống được sử dụng hàng nay.
Thậm chí nhân sâm (panax gíneng C.A. Mey) một vị thuốc đứng đầu trong các vị thuốc bổ khí của đông y, trong thành phần hóa học của nó, hầu như chiếm đa số các thành phần quý của cây thuốc, cũng có các thành phần ức chế tế bào ung thư, song nhân sâm cũng chỉ được coi như một vị thuốc mang tính bòi dưỡng khi cơ thể yếu mệt.
Tóm lại, đã đến lúc mọi người, kể cả những người bán dược liệu sống, người chữa bệnh bằng đông y, người sản xuất thuốc đông y nên hiểu bản chất của bệnh cancer (ung thư) theo đúng nghĩa của nó. Tránh nhầm lẫn giữa bệnh cancer với bệnh ung thư theo kiểu bệnh “ung nhọt” của đông y.
Và để người dân không nhầm lầm các khái niệm trên, đã đến lúc ngành y tế cũng nên sử dụng ngôn từ cancer theo đúng nghĩa của nó, để chỉ tên cho các bệnh viện các cơ sở chữa bệnh cancer (ung thư) của mình, cũng như gọi tên bệnh cancer theo đúng nghĩa của nó.
http://www.giadinhvietnam.com/song-khoe/thuoc-dong-y-co-chua-khoi-duoc-ung-thu-khong-d94463.html
Báo điện tử Khám phá: Suýt mất con vì 4 ngày mới đưa đi viện cấp cứu sốt xuất huyết
Sáng ngày 31/5, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM vừa cứu sống một bé trai 7 tuổi bị sốt xuất huyết nặng suy đa cơ quan đến ngày thứ 4 mới được gia đình chuyển đến bệnh viện cấp cứu, nếu chậm trễ hơn, trẻ có thể đã tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, bé trai tên là L. T. Đ. K. 7 tuổi, ngụ tại Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Bệnh sử ghi nhận bé sốt cao liên tục 3 ngày, đến ngày thứ 4 bé có biểu hiện đau bụng, ói, tay chân lạnh nên người nhà đưa bé nhập bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng sốc sâu, huyết áp tụt, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 4.
Tại khoa Hồi sức bé được điều trị tích cựcvới sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, dùng các thuốc vận mạch phối hợp.
Bé được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm. Tình trạng suy hô hấp nặng dần do tràn dịch màng bụng lượng nhiều gây chèn ép, nên được chọc màng bụng dẫn lưu giải áp. Tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá nặng được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc.
Bệnh bé sau đó diễn tiến phức tạp, xuất hiện hội chứng suy đa cơ quan, suy gan, suy thận, tổn thương phổi, hôn mê, được lọc máu liên tục 8 đợt, đặc biệt bé được chống phù não trong lúc lọc máu. Kết quả, sau nhiều lần giành giật từng giờ từng phút với lưỡi hái thần chết, bé đã vượt qua nguy hiểm để bình phục.
Bác sĩ Tiến đưa ra lời khuyên, nếu thấy con sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu như quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng nhiều; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống thì ngay lập tức đưa tới bệnh viện để cấp cứu, điều trị kịp thời nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
http://khampha.vn/suc-khoe/suyt-mat-con-vi-4-ngay-moi-dua-di-vien-cap-cuu-sot-xuat-huyet-c11a414710.html
Báo điện tử Khám phá: Khoảng 40.000 người Việt Nam chết vì thuốc lá mỗi năm
Thuốc lá không chỉ có tác hại đối với người hút mà những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng, nhiễm độc, bị đau tim mạch, viêm phế quản, ung thư... Tại Việt Nam, khoảng 40.000 người chết mỗi năm vì bệnh liên quan đến thuốc lá.
Hôm nay ngày 31/5 hưởng ứng ngày thế giới không hút thuốc lá, ông Lê Nguyễn Đức Dũng – Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM cho biết, hiện nay, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc.
Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47%, trung bình 2 nam giới có 1 người hút thuốc lá. 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc… Tỷ lệ người hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khoẻ và kinh tế của đất nước.
Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên nhiều bệnh như: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, phình động mạch chủ, ung thư thực quản - thanh quản…
Khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy được.
Cũng giống như người hút thuốc lá, người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc: Ung thư, đột quỵ, các bệnh về hô hấp và tim mạch…Với phụ nữ mang thai thường xuyên hít phải khói thuốc lá thụ động có thể bị sảy thai, làm thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non. Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
Hàng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và con số này đến năm 2030 có thể tăng lên đến 70.000 người/năm.
Trung bình mỗi năm, một người hút thuốc ở Việt Nam phải chi gần 700.000 đồng. Với 12 triệu người hút, mỗi năm có khoảng hơn 8.400 tỉ đồng tiêu tốn cho mặt hàng này. Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, chi tiêu cho thuốc lá ở nước ta cao gấp 3,6 lần phí tổn học hành, gấp 2,5 lần mức chi cho quần áo và gần gấp đôi mức chi cho khám chữa bệnh. Bện cạnh đó, bệnh tật do thuốc lá gây ra làm tăng gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình và làm mất đi lực lượng lao động.
Khó khăn trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá hiện nay do thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới còn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế. Do đó, để thực hiện thành công cam kết của Việt Nam khi tham gia công ước, triển khai hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cần sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các đơn vị trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
http://khampha.vn/tin-nhanh/khoang-40000-nguoi-viet-nam-chet-vi-thuoc-la-moi-nam-c4a414718.html
Báo điện tử Dân trí: Khói thuốc lá vẫn “hoành hành” trong bệnh viện
Quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, đặc biệt là trong bệnh viện đã có từ lâu. Thế nhưng, tại nhiều bệnh viện ở TPHCM, tình trạng hút thuốc diễn ra công khai, nhiều người thản nhiên hút trước người bệnh và trẻ em.
Để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế xã hội và môi trường, kể từ tháng 5/2013, luật Phòng chống tác hại của thuốc lá ra đời. Theo đó, hành vi hút thuốc là bị cấm tại những nơi công cộng như bệnh viện, trường học... Tuy nhiên, tại các bệnh viện ở TPHCM hiện vẫn nhan nhản người hút thuốc.
Nhiều người vô tư nhả khói thuốc trước bệnh nhân, trẻ em và những chỗ đông người. Nhiều bệnh nhân cũng hút thuốc dù người đang mang bệnh.
Theo luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, mức phạt đối với các hành vi hút thuốc lá tại nơi cấm được quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại những địa điểm được phép hút thuốc lá. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng nếu cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, do thiếu quy định hướng dẫn cụ thể nên hiệu quả thực thi chưa cao.
Theo nghiên cứu của WHO, khói thuốc lá chứa 70 chất gây ung thư, gây nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, thanh quản, da, bệnh tim mạch. Tại Việt Nam, trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao thì thuốc lá đứng hàng thứ hai sau căn bệnh thế kỷ HIV (tiếp theo là rượu và tai nạn giao thông). Ước tính mỗi ngày có hơn 100 người chết vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Những người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp nhiều lần người không hút thuốc.
http://dantri.com.vn/suc-khoe/khoi-thuoc-la-van-hoanh-hanh-trong-benh-vien-20160531165659422.htm
Báo điện tử Đại đoàn kết: Đưa chính sách bảo hiểm y tế tới hội viên nông dân
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia BHXH, BHYT để hội viên, nông dân tự nguyện, tích cực tham gia BHXH, BHYT.
Ngày 30/5 tại Trụ sở Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch BCHTƯ Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2016-2020 giữa BHXH Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam.
Theo đó, hai bên thống nhất phấn đấu chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ vận động được 90% hộ gia đình nông dân có thẻ BHYT và 10% lao động nông thôn tham gia BHXH tự nguyện.
http://daidoanket.vn/suc-khoe/dua-chinh-sach-bao-hiem-y-te-toi-hoi-vien-nong-dan/103616
Báo điện tử Hà Nội mới: Bệnh sốt rét có nguy cơ quay trở lại
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo liên ngành vận động đầu tư cho phòng chống và loại trừ sốt rét ở Việt Nam do Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 31-5.
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, sau 5 năm (2011-2015), số bệnh nhân sốt rét giảm 57,8%. Tỷ lệ bệnh nhân sốt rét trên 1.000 dân số chung giảm gần 60%. Số tử vong do bệnh này cũng giảm mạnh gần 80%. Trên toàn quốc không xảy ra dịch sốt rét nào từ năm 2011-2015. Tuy nhiên, sốt rét tại một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ diễn biến phức tạp, đặc biệt là hai tỉnh Gia Lai, Bình Phước.
Nguyên nhân là do sự biến động lớn dân cư giữa các vùng trong nước và với các quốc gia láng giềng từ vùng không còn sốt rét vào vùng sốt rét lưu hành. Mặt khác là sự xuất hiện ký sinh trung sốt rét kháng thuốc ở 5 tỉnh (gồm: Bình Phước, Đắk Nông, Quảng Nam, Gia Lai và Khánh Hoà). Mới nhất năm 2015, tỉnh Ninh Thuận đã xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Báo động hơn, đã có địa phương xuất hiện loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc khiến 33% bệnh nhân điều trị bằng thuốc này thất bại (tái phát bệnh) sau hơn 1 tháng điều trị. Theo các chuyên gia nhận định, bệnh sốt rét có nguy cơ quay lại, gia tăng số mắc, tử vong và có thể gây thành dịch. Nguy cơ lan rộng ra các địa phương khác là rất cao. Bên cạnh đó, muỗi truyền bệnh sốt rét thay đổi theo tập tính đốt người, kháng hoá chất diệt muỗi ở nhiều vùng làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh sốt rét.
Trước thực tế trên, Việt Nam đặt ra mục tiêu là khống chế tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt rét dưới 0,15/100.000 dân; tỷ lệ người dân chết do bệnh sốt rét dưới 0,02/100.000 dân; 15 tỉnh trong giai đoạn loại trừ bệnh sốt rét và 8 tỉnh trong giai đoạn tiền loại trừ bệnh vào năm 2020. Tổng nhu cầu kinh phí phòng chống, loại trừ sốt rét giai đoạn 2016-2020 lên tới 1.759 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí đầu tư này từ chính phủ đang giảm rất mạnh.
Vừa qua, các nhà khoa học tại Đại học Maryland School of Medicine, Mỹ, đã chính thức công bố một công trình mang tính đột phá, có thể cứu sống nửa triệu người mỗi năm. Đó là loại vaccine phòng chống bệnh sốt rét. Các kết quả thí nghiệm lâm sàng cho thấy tỉ lệ thành công gần như tuyệt đối.
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/835929/benh-sot-ret-co-nguy-co-quay-tro-lai
Báo điện tử VOV: WHO khuyến cáo an toàn tình dục sau khi trở về từ vùng có Zika
WHO khuyến cáo những người trở về từ vùng có virus Zika nên áp dụng các biện pháp an toàn tình dục trong vòng ít nhất 8 tuần thay vì 4 tuần như trước.
Việc khuyến cáo tăng gấp đôi thời gian áp dụng các biện pháp an toàn tình dục được đưa ra sau khi các nhà khoa học phát hiện rằng virus Zika có thể tồn tại trong máu và các chất dịch khác của cơ thể lâu hơn so với những nghiên cứu trước đây.
Người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới Christian Lindmeier cho biết, nếu một cặp đôi muốn có con nhưng nam giới có những biểu hiện nhiễm virus Zika thì việc áp dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn này phải kéo dài đến 6 tháng. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu xem virus này có thể tồn tại trong nước bọt bao lâu nhưng các thí nghiệm vẫn chưa cho ra kết quả cuối cùng./.
http://vov.vn/suc-khoe/who-khuyen-cao-an-toan-tinh-duc-sau-khi-tro-ve-tu-vung-co-zika-516112.vov
Báo điện tử Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 01/6/2016 - 01:19: Thuốc lá điện tử gây ung thư cao gấp 15 lần thuốc lá thường
Theo kết luận của các nhà khoa học Mỹ trong công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y Khoa New England, những người thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường.
Với kỳ vọng giúp người dùng cai được thuốc lá và giảm các tác hại, thuốc lá điện tử đã và đang được người dùng hào hứng đón nhân. Đối với các bạn trẻ, đây được coi là một “trào lưu” mới sau shisha. Thế nhưng thực tế, thuốc lá điện tử lại không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu của nó mà ngược lại, loại thuốc lá này còn ẩn chứa nhiều nguy cơ ung thư và không hề có tác dụng cai thuốc lá, thậm chí bản thân thuốc lá điện tử lại đang gây nghiện.
Nguy cơ mắc ung thư cao gấp 15 lần
Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giởi đã khẳng định, hút thuốc lá điện tử có nguy cơ bị ung thư cao gấp nhiều lần thuốc lá thông thường.
Trong một công bố đăng trên Tạp chí Y Khoa New England hồi tháng 1/2015, những nhà khoa học Mỹ đã cho biết, nghiên cứu chỉ ra những người thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thường.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Portland đã tiến hành kiểm tra lượng chất Formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Đây là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.
Thuốc lá điện tử chạy bằng pin lithium, nó có một buồng hơi và một hộp chứa đầy chất lỏng. Khi hít vào giống như thuốc lá, pin bên trong sẽ làm nóng chất lỏng này và khiến nó bốc hơi. Một số thuốc lá điện tử có đèn LED màu đỏ ở đầu, khi sử dụng nó sẽ phát sáng giống một điếu thuốc bình thường.
Theo các chuyên gia, cứ 3ml chất lỏng được đốt nóng sẽ tạo ra 14mg chất Formaldehyde. Với người thường xuyên hút 1 bao thuốc/ngày, lượng Formaldehyde “nạp” vào cơ thể là 3mg/ngày. Với liều lượng như vậy, nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc lá điện tử lâu năm sẽ cao từ 5-15 lần so với những người nghiện thuốc lá thường.
Trước đó, các nhà khoa học thuộc Bộ Y tế Nhật Bản kết luận, thuốc lá điện tử chứa lượng chất gây ung thư cao gấp 10 lần so với các loại thuốc hút thông thường.
Không giúp cai thuốc, còn gây nghiện
Giới khoa học Mỹ cũng đã từng có nhiều nghiên cứu khẳng định: Thiết bị này không thực sự giúp người nghiện cai thuốc.
Thuốc lá điện tử mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường. Nhưng nó không tạo ra khói như thuốc lá thông thường mà tạo ra luồng hơi có cảm giác giống thuốc lá thật nhưng lại đa dạng về mùi vị.
Chính điều này khiến nhiều người dùng thấy thú vị hơn nhiều khi sử dụng thuốc lá điện tử. “Nó có mùi thơm hơn shisa, lại có nhiều mùi hoa quả, nên hút dần thành quen, không hút lại thấy thiếu thiếu”, một người sử dụng thuốc lá điện tử chia sẻ.
Theo nghiên cứu, trong khói thuốc lá chứa 7.000 chất hóa học, trong đó có tới 69 chất gây ung thư. Mặc dù thuốc lá điện tử không có số lượng chất độc nhiều như vậy, nhưng thực tế nó vẫn có nicotine và gây độc hại cho người sử dụng, thậm chí gây nghiện. Cho nên nhiều người sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá là thực sự không có tác dụng.
Chất lỏng đặc biệt sử dụng trong thuốc lá điện tử là hỗn hợp nicotine lỏng, dung môi propyleneglycol, hương liệu (mùi bạc hà hay mùi hoa quả) và các chất phụ gia khác. Số lượng chất nicotine trong các loại thuốc lá điện tử không hề kém gì so với trong thuốc lá thông thường.
Đặc biệt, là nicotine lỏng thậm chí còn độc hại hơn rất nhiều lần so với nicotine trong thuốc lá thường. Một lượng nhỏ nicotine nếu ăn phải có thể gây chết người, nó cũng có thể gây hại nếu hấp thụ qua da. Không chỉ có nicotine, thuốc lá điện tử còn chứa nhiều chất kim loại và các tạp chất có thể gây ung thư.
Bán tràn lan, thiếu quản lý
Rất dễ dàng để có thể sở hữu một bộ thuốc lá điện tử đúng xu hướng như hiện nay, bởi loại thuốc lá này đang được bày bán tràn lan trên dọc các con phố Hà Nội như: Đào Duy Từ, Bà Triệu, Cầu Giấy, Văn Quán….
Không chỉ các cửa hàng, mà các quán cà phê, karaoke cũng buôn bán loại mặt hàng này. Nhiều quán trưng biển to ngay trước cửa để “quảng cáo” cho những khách hàng có nhu cầu. Bên cạnh đó, để thu hút người mua hàng, các cửa hàng còn mở fanpage trên Facebook, Zalo, các trang web giới thiệu sản phẩm.
Theo khảo sát, thuốc lá điện tử có nhiều nguồn gốc từ các nước khác nhau,, với vài chục loại dụng cụ, mẫu mã, chất lượng và giá tiền khác nhau. Được ưa chuộng nhất có lẽ là hàng của Canada và Mỹ, giá từ 2 – 3 triệu đồng/bộ. Tuy nhiên, trên thị trường, hàng nhái của Trung Quốc xuất hiện khá nhiều, có giá chỉ 200 – 300 nghìn đồng/bộ.
Loại tinh dầu sử dụng cho thuốc lá điện tử cũng có đến vài chục loại, được chia thành 4 nhóm gồm: the, bánh, trái cây và thuốc lá. Giá tinh dầu Trung Quốc 100 đồng/chai 10ml; Malaysia 330 nghìn đồng/chai 30ml. Còn tinh dầu được quảng cáo xịn của Mỹ là 700 nghìn đồng/chai 30ml. Ngoài ra, còn có loại tinh dầu đặc biệt tự pha của các cửa hàng, giá 200-400 nghìn đồng/chai 50ml).
Hiện nay, các cơ quan quản lý và y tế vẫn chưa thể chứng nhận sự an toàn của thuốc là điện tử vì nhiều lý do khác nhau. Hầu hết các loại thuốc lá điện tử trên thị trường hiện nay không được kiểm soát chất lượng. Do đó mà những thông tin được in trên nhãn như thành phần hóa học trong thuốc lá điện tử không được xác minh thực tế. Có nhiều trường hợp mà cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm FDA đã phát hiện những chất độc như diethylene glycol (DEG) có trong chất lỏng bên trong thuốc lá điện tử.
Bên cạnh đó, liều lượng nicotine bên trong mỗi hộp chất lỏng sử dụng trong thuốc lá điện tử cũng không hoàn toàn chính xác so với những gì được ghi trên nhãn.
http://enternews.vn/thuoc-la-dien-tu-gay-ung-thu-cao-gap-15-lan-thuoc-la-thuong.html