Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 17/11/2015

  • |
T5g.org.vn - WHO ủng hộ chiến dịch chống kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam; Nguy cơ nhiều bệnh sẽ hết thuốc chữa; Kiến nghị sớm sửa hệ thống xử lý rác thải ở BV Bà Rịa mới

WHO ủng hộ chiến dịch chống kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam

THIÊN HƯƠNG

Ngày 16-11, tại Hà Nội, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) và Chính phủ Việt Nam phối hợp tổ chức Tuần lễ nâng cao ý thức sử dụng thuốc kháng sinh toàn quốc đầu tiên tại Việt Nam, nhằm đối phó tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật tại Việt Nam đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và làm suy yếu hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng tăng của tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật là hậu quả của việc sử dụng thuốc kháng sinh quá mức và không hợp lý ở tất cả các tuyến của hệ thống chăm sóc y tế và trong công chúng nói chung.

Ngoài ra, tình hình sử dụng thuốc kháng vi sinh vật trong chăn nuôi, nông nghiệp và sản xuất thực phẩm làm gia tăng mối nguy cơ kháng thuốc kháng vi sinh vật đe dọa sự an toàn và bền vững của chuỗi thức ăn. Dư lượng kháng sinh trong đất, nước và môi trường tiếp tục góp phần tạo nên mối nguy cơ về kháng thuốc kháng vi sinh vật do các quy định chưa nghiêm về tiêu hủy chất thải công nghiệp và chất thải con người.

Tình trạng kháng thuốc kháng vi sinh vật là một vấn đề đa chiều không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe công cộng mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế và sự phát triển bền vững của quốc gia. Trong chiến dịch này, WHO nhấn mạnh sự cần thiết đối với mọi người về sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm là một hành động chủ chốt để giải quyết vấn đề này.

Chiến dịch năm nay – với chủ đề toàn cầu “Thuốc kháng sinh: Hãy sử dụng cẩn thận” – kêu gọi các cá nhân và chuyên gia chăm sóc y tế hành động để bảo đảm các thế hệ tương lai tiếp tục được sử dụng thuốc kháng sinh có hiệu quả điều trị các bệnh nhiễm vi khuẩn có khả năng gây tử vong.

WHO vận động mọi cá nhân sử dụng thuốc kháng sinh một cách có trách nhiệm bằng cách luôn luôn sử dụng hết liều thuốc kháng sinh đã được kê đơn, và kiềm chế không chia sẻ hoặc sử dụng thuốc kháng sinh thừa, hay mua thuốc kháng sinh mà không có kê đơn của bác sĩ.

WHO cũng vận động các chuyên gia chăm sóc y tế và nhà cung cấp dịch vụ y tế chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc kê đơn và cấp phát thuốc kháng sinh, bảo đảm thuốc kháng sinh chỉ được cấp phát khi thực sự cần thiết. Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cũng cần tư vấn bệnh nhân về sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm và tuân thủ vệ sinh tốt, thực hành phòng, chống nhiễm khuẩn.

Các nhà hoạch định chính sách phải từng bước xử lý tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam bằng cách thực hiện kế hoạch hành động quốc gia chống kháng thuốc, thực thi các biện pháp điều tiết việc sử dụng thuốc ở người và trong lĩnh vực nông nghiệp, hoàn thiện các quy định về tiêu hủy và quản lý chất thải.

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tieu-diem/item/27990502-who-ung-ho-chien-dich-chong-khang-thuoc-khang-sinh-tai-viet-nam.html

Nguy cơ nhiều bệnh sẽ hết thuốc chữa

HUY HÀ

“Nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh nhiễm khuẩn sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các nguồn kháng khuẩn mới. Trong tương lai, các quốc gia có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc chữa nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp”.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cảnh báo tại buổi gặp mặt báo chí về tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc.

Tuần lễ phòng, chống kháng thuốc sẽ diễn ra từ ngày 16 đến ngày 22-11, đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Ông Cao Hưng Thái, Cục phó Cục Khám chữa bệnh, cho biết mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng là vấn đề rất trầm trọng ở Việt Nam.

Đây là hệ quả tất yếu của quá trình sử dụng thuốc trong điều trị và đặc biệt gia tăng khi việc lạm dụng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến hơn.

Hiện nay, kháng thuốc không phải là vấn đề mới nhưng đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

“Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” - đây là khẩu hiệu mà Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các nước, trong đó có Việt Nam cùng chung tay phòng, chống kháng thuốc.

Ông Thái khuyến cáo mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy - hải sản theo đúng hướng dẫn. Cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.

Nhân dịp này, Bộ Y tế cũng lấy 1 triệu chữ ký kêu gọi chung tay phòng, chống kháng thuốc.

http://phapluattp.vn/suc-khoe/nguy-co-nhieu-benh-se-het-thuoc-chua-591487.html

Kiến nghị sớm sửa hệ thống xử lý rác thải ở BV Bà Rịa mới

T.KHÁNH

BS Nguyễn Văn Hương - Giám đốc BV Bà Rịa vừa cho biết bệnh viện đã có kiến nghị lên tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về việc sớm cho sửa chữa hai hệ thống lò đốt rác thải tại bệnh viện.

Hệ thống này hư hỏng liên tiếp chỉ sau vài tháng đưa vào hoạt động.

Cụ thể, BV Bà Rịa mới quy mô 700 giường bệnh với trang thiết bị hiện đại được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 2-2015. Một ngày, trung bình BV Bà Rịa cần xử lý 300 kg rác thải các nguồn. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn hệ thống lò đốt nhiệt, xử lý rác thải của bệnh viện đã gặp trục trặc, hư hỏng một số thiết bị (ảnh).

Theo BS Hương, do công trình chưa quyết toán nên mọi vấn đề liên quan đến trang thiết bị, bệnh viện đều phải báo cáo chủ đầu tư là Sở Xây dựng để xử lý. Bệnh viện đã có kiến nghị lên Sở Y tế, Sở Xây dựng sửa chữa, thay thế nhiều trang thiết bị. Tuy vậy đến nay hệ thống vẫn chưa thể hoạt động bình thường. Để khắc phục tạm thời, bệnh viện buộc phải thuê xe chở rác qua BV Bà Rịa cũ để xử lý. Nhưng do hệ thống xử lý rác ở cơ sở cũ cũng hư hỏng nên dẫn tới tình trạng đốt rác không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm xung quanh khiến người dân phản ánh. Trong khi đó, chi phí cho việc vận chuyển rác thải từ đó tới nay đã tốn khoảng 100 triệu đồng.

http://phapluattp.vn/suc-khoe/kien-nghi-som-sua-he-thong-xu-ly-rac-thai-o-bv-ba-ria-moi-591609.html

Có thể tiếp tục lùi thời gian mua BHYT gia đình

 L.ANH

Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN đã lùi thời gian thực hiện bắt buộc bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đến ngày 1-1-2016.

Theo Luật bảo hiểm y tế hiện hành có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, từ đầu năm 2015 đã bắt buộc thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình, song đây là một trong những nguyên nhân khiến số người tham gia bảo hiểm y tế sụt giảm, nhiều gia đình không có điều kiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho cả gia đình nên đã ngừng tham gia bảo hiểm y tế. 

Do đó, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN đã lùi thời gian thực hiện bắt buộc bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đến ngày 1-1-2016.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lo ngại thời điểm 1-1-2016 vẫn chưa đủ phù hợp thực hiện quy định này, các gia đình chỉ muốn mua bảo hiểm y tế cho người già, người bệnh, người có nhu cầu khám chữa bệnh trước, chưa mua cho toàn thể gia đình, nếu bắt buộc bảo hiểm y tế hộ gia đình sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân (76% dân số có bảo hiểm y tế vào năm 2016).

Do đó dự kiến tiếp tục lùi thời gian thực hiện quy định này. Nhưng Bảo hiểm xã hội VN khuyến khích người dân nên sớm tham gia bảo hiểm y tế, do viện phí sắp tăng mạnh và trong năm 2016 sẽ tăng với nhóm bệnh nhân nộp viện phí trực tiếp.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151116/co-the-tiep-tuc-lui-thoi-gian-mua-bhyt-gia-dinh/1003483.html

Ăn gì cũng lo ung thư

Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai năm 2014, VN là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới (tỉ lệ tử vong tại VN là gần 73% so với tỉ lệ trung bình của thế giới chỉ là 60%).

Nông thôn, thành thị mỗi nơi lo mỗi kiểu

Chị Phụng Tiên (Đồng Tháp) cho biết: “Nhà mình khi mua đồ ăn vẫn hay nghe nói chất này chất kia gây ung thư. Sợ nhất là một số loại rau củ xuất xứ Trung Quốc tẩm nhiều thuốc bảo quản nên rất lo. Cuối cùng chỉ dám mua đồ của người quen thôi”.

Nhiều bạn đọc cho rằng hiện nay sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan, cái gì cũng làm giả được nên tâm lý người dân hoang mang, lo lắng. Nhiều người hiểu rõ điều này nên thường họ chỉ ăn ở nhà chứ ít khi ra đường ăn lặt vặt.

Không ít bạn đọc cho biết khoảng 6-7 năm gần đây họ bắt đầu nghe nhiều về chất gây ung thư nên khi đi chợ họ bắt đầu để ý hơn tới thực phẩm. 

“Xã hội phát triển thì chất lượng, nhu cầu sống ngày càng cao. Người dân ở nông thôn thì sợ thuốc sâu, người thành thị lại sợ chất bảo quản. Ở TP, sống trong nhà cao tầng chật hẹp mà nhiều người vẫn phải trồng rau để phục vụ cho gia đình, tự chế biến chứ không dám ăn đồ hộp” - bạn đọc Kim Y nói.

Người dân quá lo lắng là có cơ sở

Theo bác sĩ (BS) Lê Quang Hào - Viện Dinh dưỡng quốc gia, nỗi lo mắc bệnh ung thư từ hàng hóa, thực phẩm của người dân là chính đáng.

Theo BS Hào, nhiều nhà hàng, quán ăn chỉ biết lao vào lợi nhuận cá nhân mà quên đi sức khỏe cộng đồng. Đó là mối nguy hại hiển hiện hằng ngày. Nhiều người cho rằng việc ngày càng có nhiều người bị ung thư là do họ ăn phải thức ăn kém vệ sinh.

Số ca bệnh tăng mỗi năm

Bình quân mỗi năm trên thế giới có gần 13 triệu người mắc mới bệnh ung thư và hơn 7,5 triệu người tử vong.

Tại VN, mỗi năm có khoảng 110.000 người mắc mới và hơn 80.000 ca tử vong.

Theo thống kê, mỗi năm lượng bệnh nhân ung thư vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tăng 10%. Nam và nữ khi bước qua tuổi 40 thì nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao hơn.

Đặc biệt, đối tượng mắc bệnh này đang dần trẻ hóa.

Cũng cho rằng nỗi lo lắng của người dân là có cơ sở, ThS.BS Cao Xuân Minh, giám đốc phòng khám đa khoa Ngọc Minh (Q.11, TP.HCM), nói “hiện nay không thể kiểm soát được mọi nguồn thức ăn về chất lượng”, nên sự hoang mang của người dân là có thể hiểu được.

Người tiêu dùng không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc phải “nhắm mắt mà ăn”. Thậm chí ngay ở những sản phẩm được bảo đảm nhất như trong siêu thị đôi khi cũng bị phát hiện gian dối.

BS Trần Ngọc Lưu Phương - chuyên khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - chỉ ra nguyên nhân khách quan do dân số đông, y học hiện đại phát hiện được bệnh nhiều hơn và dễ dàng hơn, bên cạnh đó việc truyền thông tập trung nhiều vào căn bệnh này cũng là những yếu tố ngoài lề có thể làm người ta cảm thấy bệnh ung thư nhiều hơn lúc trước.

Tuy vậy, khoảng 60% nỗi lo sợ của người dân vẫn là chính đáng.

BS Phương cho rằng ngày nay người dân dễ dàng tiếp cận với kiến thức y học trên báo chí, sách vở nên cũng có những kiến thức nhất định về ung thư. Vì vậy, họ càng thêm đề phòng căn bệnh này và cố gắng giảm thiểu những tác nhân có thể gây bệnh.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu?

BS Phương nhận định để giải tỏa nỗi lo sợ của người dân thì việc đầu tiên là tuyên truyền hiệu quả những thông tin về bảo vệ sức khỏe. Người dân biết được nhiều thì họ sẽ bớt lo lắng. Thứ hai là khâu quản lý của Nhà nước cũng phải chặt chẽ hơn.

Đồng tình với ý kiến này, BS Cao Xuân Minh nhấn mạnh: “Vấn đề nằm ở khâu quản lý của Nhà nước cũng như trong nhận thức của người sản xuất và hộ kinh doanh thực phẩm”.

“Cơ quan nhà nước phải giám sát, kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Không thể cứ để người tiêu dùng bị đẩy vào thế bị động, phải mua thức ăn ngoài thị trường mà không có cách gì cụ thể để nhận biết được đâu là thực phẩm sạch. 

Tại TP.HCM, số cửa hàng dám bảo đảm thực phẩm của họ là an toàn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy thì người dân chỉ còn cách nhắm mắt mà ăn thôi” - BS Minh nói.

BS Lê Quang Hào chia sẻ người dân không nên hoang mang thái quá vì hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu chi tiết nào về sự liên quan trực tiếp của thực phẩm nhiễm bẩn tới bệnh ung thư. Một số chất kích thích đã được chứng minh gây bệnh ung thư nhưng phần lớn vẫn chưa có chứng minh cụ thể.

“Nếu chưa có báo cáo, thống kê chính thức thì chưa thể kết luận được. Nhưng điều không đó không đồng nghĩa ngành y tế không phải khẩn trương để có những nghiên cứu sâu về việc này” - BS Hào nêu ý kiến.

Bạn đọc Bích Huệ cho biết chính việc buông lỏng công tác quản lý trong thời gian dài dẫn đến khó xử lý, sản phẩm kém chất lượng, chứa hoạt chất gây hại vẫn tràn lan, ảnh hưởng nhiều cho đời sống, kinh tế người dân.

Theo giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, 40% số ca ung thư có thể phòng ngừa. Ung thư chỉ phát sinh khi ăn thực phẩm không tốt lặp đi lặp lại chứ không phải phát bệnh do lỡ ăn một vài lần. Người dân cần điều chỉnh lối sống như ngưng hút thuốc lá (chứa 60 chất gây ung thư), bỏ thói quen ăn nhiều thịt chiên, nướng, nhiều chất béo…

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151116/an-gi-cung-lo-ung-thu/999412.html

Cúm mùa - chủ quan là chết

Diệu Linh

Những ngày này, các tỉnh phía Bắc đang trong giai đoạn giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của các loại siêu vi trùng gây cúm ở người. Đa số bệnh thường tự khỏi nên người dân chủ quan trong phòng ngừa, không biết rằng bệnh cúm cũng có thể chết người.

   Bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa

PGS-TS Trần Như Dương - Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhận định, mùa đông xuân, thời tiết ẩm thấp, không khí lạnh khiến sức đề kháng của con người kém đi, chính là lúc bệnh cúm bùng phát. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do các virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B. Virus cúm rất dễ lây qua dịch đường hô hấp, khi người bệnh hắt hơi, ho khạc hoặc lây gián tiếp qua các đồ vật mà người bệnh đã tiếp xúc.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,5 -1,8 triệu ca nhiễm cúm. TS Dương cho biết, có đến 95% ca cúm là tự khỏi. Nhưng 5% biến chứng nặng gây viêm phổi, suy hô hấp, điều trị khá tốn kém. Cũng có một tỷ lệ không nhỏ người bệnh tử vong vì “hắt hơi, sổ mũi”. 

Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có khoảng 5-10% người trưởng thành và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó có khoảng 3-5 triệu ca cúm nặng và khoảng 250.000 - 500.000 ca tử vong vì cúm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) cho biết: “Cúm tồn tại quanh năm nhưng vào thời điểm giao mùa dịch thường bùng phát mạnh hơn. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến cơ thể không kịp thích ứng, giảm sức đề kháng, dễ bị virus cúm tấn công”. Theo bác sĩ Cấp, những người có nguy cơ cao mắc cúm là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, những người có bệnh mãn tính, hệ miễn dịch kém.   

Dự phòng bằng tiêm vaccine

Bác sĩ Cấp cho biết, sai lầm của nhiều người dân khi cúm, ho, sốt lại nghĩ mình bị viêm họng, vội vã mua kháng sinh uống. Thực tế, kháng sinh không diệt được virus cúm mà còn làm cơ thể mệt mỏi, suy yếu, khiến cho virus cúm càng tấn công mạnh hơn. “Hiện chưa có thuốc đặc trị virus cúm. Một số thuốc cảm cúm hiện hành cũng chỉ có tác dụng ức chế, kìm hãm sự phát triển của virus cúm. Người bệnh có thể nhanh khỏi bệnh hơn” – bác sĩ Cấp nhận định. Tuy nhiên, bác sĩ Cấp nhấn mạnh việc uống thuốc cảm cúm chỉ có tác dụng trong 2-3 ngày đầu mới bị cúm, cũng không nên uống quá liều, uống nhiều ngày. Nếu không virus cúm có thể kháng thuốc, cơ thể sẽ bị virus tấn công mạnh mẽ hơn.

Mới đây, các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã ghi nhận tình trạng virus cúm kháng lại thuốc kháng virus. Việc các virus cúm biến đổi, thích nghi với thuốc kháng virus khiến bệnh nhân có nguy cơ bị các triệu chứng nặng hơn, khó điều trị hơn.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, biện pháp duy nhất phòng cúm là tiêm vaccine. Người dân nên tiêm phòng cúm vào tháng 10-11”. Sau khi tiêm ngừa khoảng 2-3 tuần thì vaccine sẽ có hiệu quả bảo vệ. Việc tiêm phòng vaccine có thể phòng bệnh cúm tới 60%, giảm nguy cơ tử vong do cúm tới 70-80%. Tuy nhiên, các vaccine hiện nay mới chỉ ngừa được các loại cúm mùa như cúm A/H1N1, cúm B, cúm A/H3N2. Còn các loại cúm mới, cúm gia cầm như H5N1, H5N6, H7N9 thì vẫn “bó tay”. 

http://danviet.vn/y-te/cum-mua-chu-quan-la-chet-640750.html

Tại sao bác sĩ “chê” chức bị buộc thôi việc?

DUY THANH

Được điều động giữ chức vụ trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, BS Sâm tự nhận mình chưa đủ năng lực để nhận, sau đó Sở Y tế tỉnh ban hành quyết định buộc thôi việc đối với BS Sâm.

Ngày 15-11, bác sĩ Phan Vũ Nhân - giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên - cho biết vừa ký ban hành quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ThS.BS Nguyễn Thị Băng Sâm (35 tuổi), trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. 

Lý do là BS Sâm không chấp hành sự phân công công tác của lãnh đạo Sở Y tế, tự ý nghỉ việc từ ngày 17-8 đến ngày 4-11-2015 khi chưa được sự đồng ý của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Sở Y tế tỉnh Phú Yên.

Bà Sâm nguyên là phó khoa chống nhiễm khuẩn Bệnh viện Mắt Phú Yên. Ngày 30-7-2015, giám đốc Sở Y tế Phú Yên có quyết định điều động BS Sâm đến nhận công tác và giữ chức vụ trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên từ ngày 17-8-2015.

Bà Sâm trình bày nguyện vọng muốn ở lại đơn vị cũ công tác, tự nhận mình chưa đủ năng lực trình độ để nhận chức vụ cao hơn ở đơn vị mới nên hai lần gửi đơn xin từ chối quyết định bổ nhiệm và không đồng ý đến công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.

Tuy nhiên, Sở Y tế tỉnh Phú Yên trả lời, yêu cầu bà phải chấp hành nghiêm quyết định điều động. Ngày 22-9, bà Sâm gửi đơn xin thôi việc đến Sở Y tế nhưng sở không đồng ý “do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế”.

Ngày 4-11, Sở Y tế tỉnh Phú Yên họp hội đồng kỷ luật và ngày 5-11, giám đốc sở ban hành quyết định buộc thôi việc đối với BS Sâm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, BS Sâm cho biết: “Ngay từ đầu tôi đã không đồng ý việc điều động để nhận công tác ở đơn vị mới và nhiều lần bày tỏ nguyện vọng của mình. Khi tôi có đơn xin từ chối điều động và bổ nhiệm là sẵn sàng chấp nhận bị kỷ luật đến mức cảnh cáo theo luật định, nhưng Sở Y tế không kỷ luật mà cứ ép tôi phải nhận nhiệm vụ mới.

Tôi làm đơn xin thôi việc và mong được sở giải quyết ngay, nhưng sở không làm mà kéo dài thời gian để có cớ cho rằng tôi tự ý nghỉ việc vượt quá thời gian quy định để kỷ luật buộc thôi việc tôi”.

Giải thích kỹ hơn lý do từ chối nhận chức vụ cao hơn, bà Sâm nói rằng bà thích làm chuyên môn, không có nguyện vọng cũng như tự thấy không có năng lực làm công tác quản lý.

Tuy nhiên, BS Phan Vũ Nhân nói: “Trước khi ra quyết định một tháng, thường vụ Đảng ủy Sở Y tế đã chỉ đạo Đảng ủy, ban giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Yên trao đổi, động viên BS Sâm nhận nhiệm vụ mới. Trường hợp BS Sâm, sau khi bà có đơn từ chối điều động, Sở Y tế cũng có một lần làm việc với BS Sâm để động viên, giải thích rồi”.

Ông Nhân nói bà Sâm tự ý nghỉ việc trước, sau đó mới làm đơn xin thôi việc gửi đến sở là không đúng.

“Cán bộ có làm đơn xin không chấp hành lệnh điều động hay đơn xin thôi việc, nhưng khi cấp trên chưa đồng ý thì vẫn cứ phải đi làm rồi giải quyết tiếp, chứ không thể vô kỷ luật như vậy được. Tỉnh Phú Yên dù có thiếu bác sĩ nhưng không thể chấp nhận những bác sĩ coi thường tổ chức cấp trên được” - ông Nhân khẳng định.

Còn BS Huỳnh Phúc Nhĩ - giám đốc Bệnh viện Mắt Phú Yên - cho hay: “Quan điểm tôi là không đồng ý cho BS Sâm đi, bởi vậy nên tôi không làm công tác tư tưởng được. Bệnh viện chúng tôi thiếu bác sĩ trầm trọng, trong khi BS Sâm chúng tôi đào tạo 7 - 8 năm trời nay mới làm việc được thì chuyển đi, rất khó nói.

Tôi không có vận động gì hết, tôi chỉ nói với Sâm là quyết định của sở điều em đi, em không đi là bị kỷ luật. Tôi nghĩ BS Sâm không chấp hành lệnh điều động vì nhiều lý do, trong đó môi trường làm việc cũng là một lý do”.

Còn một lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên cho hay đã nghe thông tin vụ việc và sắp tới sở sẽ có văn bản đề nghị Sở Y tế Phú Yên báo cáo vụ việc.

“Nguyên tắc trước khi điều động cán bộ thì lãnh đạo sở hoặc bộ phận tổ chức của sở đó phải đến làm việc với lãnh đạo, tổ chức nơi có cán bộ phải điều động đi và cả cá nhân người được điều động nữa. Trường hợp người được điều động còn có tâm tư, bày tỏ nguyện vọng này khác thì phải động viên, đả thông tư tưởng để tạo sự đồng thuận, để khi ban hành quyết định thì mới có tính khả thi cao” - vị này nói.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151116/tai-sao-bac-si-che-chuc-bi-buoc-thoi-viec/1003480.html

Cảnh báo nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam

Bạch Dương (T.H)

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin và cảnh báo về nguy cơ dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc xâm nhập vào nước ta.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ủy ban quốc gia Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc thông báo thêm 02 trường hợp mắc cúm A/H7N9 tại thành phố Shengzhou và Hangzhou thuộc tỉnh Chiết Giang. Đó là 2 bệnh nhân nữ, 62 tuổi, khởi phát bệnh ngày 01/10/2015 và 51 tuổi, khởi bệnh ngày 03/10/2015. Cả 2 bệnh nhân đều nuôi gia cầm tại nhà.

Theo đó, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai các biện pháp giám sát và phòng chống gồm tăng cường giám sát, phân tích tình hình, điều trị và truyền thông nguy cơ.

WHO đang tiến hành đánh giá tình hình dịch tễ và phân tích nguy cơ dựa trên thông tin cập nhật gần đây và cho biết nguy cơ cúm A/H7N9 đối với sức khỏe cộng đồng là không thay đổi.

Được biết, trong 2 tháng gần đây, 4 trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người đều được phát hiện tại tỉnh Chiết Giang và có tiếp xúc với gia cầm sống. Người mắc cúm A/H7N9 đã phát hiện tại Trung Quốc vào tháng 3 năm 2013. Đến nay toàn cầu ghi nhận 575 trường hợp mắc cúm A/H7N9 ở người (Trung Quốc (556), Đài Loan (4), Hồng Kông (12), Malaysia (1) và Canada (2)), trong đó 212 tử vong. Riêng đối với trường hợp mắc cúm A/H7N9 báo cáo từ Malaysia và Canada đều có tiền sử là đi từ Trung Quốc về.

Đối với Việt Nam, Bộ Y tế nêu rõ, cho tới thời điểm này chưa ghi nhận có bất kỳ trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 ở trên người.

Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia có đường biên giới giáp với Trung Quốc. Việc buôn bán, giao lưu, đi lại giữa 2 quốc gia rất phức tạp, đặc biệt việc buôn bán gia cầm nhập lậu do đó nguy cơ lan truyền dịch bệnh qua biên giới là rất lớn nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh một cách hiệu quả, nhất là trong mùa đông xuân và dịp tết Nguyên Đán.

http://www.nguoiduatin.vn/canh-bao-nguy-co-cum-ah7n9-xam-nhap-tu-trung-quoc-vao-viet-nam-a215348.html

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/11/402849/

http://laodong.com.vn/suc-khoe/viet-nam-doi-mat-voi-nguy-co-lay-cum-chet-nguoi-tu-trung-quoc-397360.bld

http://cand.com.vn/y-te/Nguy-co-lay-lan-dich-cum-vao-Viet-Nam-la-lon-372812/

Sự thật gạo dược liệu khắc chế chữa được bệnh ung thư?

Trung Dũng

Gạo dược liệu như gạo tím, huyết rồng, hoa sữa, hạt ngọc trời hay gạo mầm Vibigaba... đang được nhiều người tìm mua vì thông tin chúng có khả năng chữa được bệnh, thậm chí khắc chế được cả ung thư.

Bỏ trăm nghìn đồng rinh 1kg gạo?

Không khó để tìm mua được sản phẩm gạo dược liệu ở các cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội. Thậm chí, một số siêu thị lớn như Coop Mart, E Best Mart, siêu thị Thành Đô, các sản phẩm này cũng được bày bán rất nhiều.

PV tìm đến một đại lý cung ứng gạo nằm trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Cửa hàng này rộng khoảng 50m2, trưng bày đủ các loại gạo từ bình dân đến “cao cấp”.

Thấy chúng tôi, bà chủ cửa hàng chạy ra đon đả chào mời: “Chị chuyên cung ứng gạo cho mấy quận vùng phía bắc Hà Nội. Gạo gì cũng có, kể cả gạo dược liệu từ bình dân đến cao cấp. Em cần loại gì, Vibigaba, huyết rồng hay ngọc trời?”.

Chủ cửa hàng cho biết, nếu mua gạo với nhu cầu chữa bệnh thì khách hàng chỉ cần nói qua về sức khỏe của người nhà, bà chủ này sẽ giới thiệu cho loại gạo phù hợp với người bệnh.  

Gạo dược liệu được cho rằng có khả năng chữa bệnh.

 

Theo quan sát của PV, tại cửa hàng này có đến hơn chục loại gạo dược liệu được gắn biển đề tên. Bằng mắt thường có thể thấy, gạo dược liệu có hạt to gấp rưỡi gạo bình thường. Đặc điểm khác biệt nhất đó là chúng không có màu trắng, trong như gạo thường mà hầu hết đều có màu tím. Một số loại có màu xanh nước biển.

Khi chúng tôi đề cập về giá cả, chủ cửa hàng khẳng định: “Đây là gạo dược liệu, có công dụng giống như một loại thực phẩm chức năng. Chính vì thế, giá của nó khá cao, gấp 4-5 lần gạo thường. Gạo mầm đen Vibigaba hữu cơ có giá cao nhất lên tới 200.000 đồng/kg. Các sản phẩm còn lại cũng có giá dao động 70.000 – 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, cửa hàng còn có tới hơn 10 sản phẩm gạo dược liệu thuộc nhiều dòng khác nhau. Khách hàng thoải mái chọn”.

Thấy chúng tôi chê đắt, bà chủ cửa hàng liền giới thiệu cho loại gạo dược liệu có giá “mềm” hơn, 50.000 đồng/kg. Thậm chí, bà ta còn quảng cáo gạo này đã được kiểm định bởi một cơ quan Nhà nước? Đó là gạo thảo dược Vĩnh Hòa.

Khi PV xem trên tờ phiếu kết quả kiểm nghiệm của gạo Vĩnh Hòa có ghi rõ hàm lượng dinh dưỡng rất cao, tốt cho sức khỏe, hàm lượng caxi 16,6mg/100g, sắt 1,1mg/100g, vitamin A 57,0mg/100g. Omega 9: 1.290,0mg/100g.

Chưa dừng lại ở đó, trên phiếu này còn ghi rõ, gạo thảo dược Vĩnh Hòa giàu vi chất dinh dưỡng, vi lượng và các vitamin A, B (B1, B2, B6), chất omega có tác dụng chống ung thư, chống loãng xương, khi ăn làm quên cảm giác đói, rất có lợi cho người thừa cân?

Tham khảo thêm tin tức tại một số cửa hàng khác, PV cũng bất ngờ khi thấy gạo dược liệu được bán với nhiều giá khác nhau. Cùng một loại gạo mầm đen Vibigaba, có cửa hàng bán với giá 300.000 đồng/kg nhưng có nơi chỉ bán giá 150.000 đồng/kg.

Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được một số chủ cửa hàng quảng cáo một loại gạo có xuất xứ từ Nhật Bản, được gọi với cái tên gạo lứt Japonica nảy mầm hữu cơ có chức năng điều hòa huyết áp, giảm mệt mỏi, giúp ngủ sâu, tăng trí nhớ và hỗ trợ tim mạch!

Gạo dược liệu có chữa khỏi bệnh?

Để tìm hiểu vì sao gạo dược liệu được bán với giá cao đến vậy, chúng tôi đã liên hệ với một số nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long trực tiếp trồng loại lúa này. Hầu hết bà con đều khẳng định, gạo dược liệu có giá “chát” một phần vì quy trình chăm sóc và thu hoạch rất khắt khe.

Khi gọi đến số điện thoại 0972xxx015 được đăng tải trên diễn đàn trongluaduo- clieuxxx, chúng tôi liên hệ được với một người giới thiệu tên Nam, quê Bến Tre. Người này cho biết đã trồng lúa dược liệu hơn 5 năm. Hiện tại, anh Nam đang mở rộng diện tích lên đến gần 9 mẫu.

Trả lời PV về sự đắt đỏ của gạo dược liệu, anh Nam chia sẻ: “Để làm ra sản phẩm gạo tốt cho sức khỏe, chúng tôi phải tốn khá nhiều vốn đầu tư. Không những thế, sản lượng khi thu hoạch gạo dược liệu chỉ bằng 1/5 so với gạo thông thường. Mỗi năm, giống lúa này chỉ trồng được một vụ và chỉ canh tác được ở một số vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau khi thu hoạch, lúa được sấy khô và bảo quản giống như bảo quản lúa giống. Nếu không làm đúng kỹ thuật, gạo dược liệu sẽ mất đi hàm lượng dưỡng chất vốn có”. Anh Nam cũng cho biết thêm, trong các diện tích đất đang sử dụng, anh dành khoảng 2/3 để canh tác lúa dược liệu.

Hiện tại, cơ sở của anh Nam xuất khẩu 70% số lượng gạo dược liệu ra nước ngoài, chỉ có 30% bán ở thị trường trong nước. Thậm chí, nhiều đơn hàng xuất khẩu, cơ sở này còn không đủ hàng để cung ứng. Theo anh Nam, nhiều thương lái trong vùng thu mua gạo dược liệu để xuất khẩu nên mặt hàng này luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Đây chính là nguyên nhân khiến giá gạo bị đẩy lên cao như hiện nay.

Được biết, ở Việt Nam, không ít người dân coi gạo dược liệu như “thần dược” có thể chữa được rất nhiều bệnh, kể cả bệnh hiểm nghèo.

Chị Thanh Vân (Kim Mã, Ba Đình, TP. Hà Nội) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chuyên dùng gạo thơm Thái Lan. Nhưng thời gian gần đây, nhà tôi chuyển sang dùng gạo dược liệu vì nghe nói nó có khả năng chữa nhiều bệnh và kháng được ung thư. Mới đầu, gia đình chỉ định mua ăn thử vì hiệu quả chữa bệnh chưa có ai kiểm chứng. Trên mạng, nhiều người cũng nói rằng gạo này chỉ có dinh dưỡng cao chứ không hề chữa được bệnh nhưng các thành viên trong gia đình ăn đều thấy ngon nên chuyển sang dùng luôn mặc dù giá cao gấp nhiều lần loại gạo thông thường”.

Cũng giống như chị Vân, chị Mai Oanh (thị trấn Thường Tín, TP. Hà Nội) chia sẻ: “Từ khi mẹ tôi mắc bệnh đường tiêu hóa, gia đình tôi cũng chuyển sang ăn gạo dược liệu. Tôi có nghe các chị em trên mạng kháo nhau rằng, ăn gạo này không những ngon mà còn có khả năng chữa bệnh, trong đó có bệnh tiểu đường.

Giá gạo dược liệu cao, nhiều khi cũng xót lắm nhưng nghĩ tốt cho sức khỏe nên gia đình vẫn duy trì sử dụng. Tuy nhiên, dùng cũng khá lâu rồi nhưng bệnh tiểu đường của mẹ tôi không thuyên giảm. Nhiều người bị bệnh cũng chia sẻ rằng, gạo này được quảng cáo là “thần dược” nhưng chưa có ai khỏi bệnh sau khi sử dụng. Thời gian tới, có lẽ tôi sẽ dừng mua loại gạo này vì tốn kém quá mà chưa thấy hiệu quả như quảng cáo”.

Gạo không phải là thuốc chữa bệnh

Về vấn đề này, GS.TS. Võ Tòng Xuân (ảnh trên), chuyên gia nghiên cứu lâu năm về nông nghiệp cho rằng: “Thực tế, có một số dòng gạo chứa nhiều vitamin, dinh dưỡng, khi sử dụng rất tốt cho sức khỏe. Trong đó, các loại gạo dược liệu có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao hơn gạo thông thường. Tuy nhiên, để có hàm lượng chất dinh dưỡng cao đòi hỏi phương thức canh tác phải quy củ. Nếu làm sai quy trình, sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm không những sẽ bị giảm mà còn tích tụ độc hại.

Hiện nay, nhiều loại gạo được quảng cáo chữa ung thư, tiểu đường là nói quá. Gạo không phải là thuốc chữa bệnh mà chỉ mang tính chất hỗ trợ, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Ở Việt Nam, chưa có một quy chuẩn, nghiên cứu nào về các loại gạo hữu cơ, gạo thảo dược có thể chữa được bệnh cả. Để tránh nhầm lẫn, người dùng nên mua ở các cơ sở uy tín. Bởi loại gạo này có giá cao nên nhiều người thường lợi dụng vào đó để tung ra gạo giả, gạo kém chất lượng”.

http://www.nguoiduatin.vn/di-tim-su-that-gao-duoc-lieu-chua-benh-hiemngheo-khac-che-ung-thu-a215436.html

Liên Minh châu Âu tài trợ hơn 8 triệu euro cho đào tạo nhân lực y tế

Trần Phương

Tại lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) trong lĩnh vực y tế đã diễn ra tại Hà Nội, Cao ủy phụ trách Hợp tác quốc tế và Phát triển của EU Neven Mimica cho biết một hiệp định trị giá 8,3 triệu euro đã được ký kết với Bộ Y tế Việt nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Neven vui mừng thông báo những thành tự có sự đóng góp của Liên minh châu Âu như giảm 50% tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh trong giai đoạn 1995-2015 (từ 31,2 xuống còn 15,3 trên 1.000 trẻ đẻ sống).

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: “Hỗ trợ của Liên minh châu Âu và các quốc gai thành viên đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng và mức độ tiếp cận dịch vụ y tế, nhờ đó cải thiện sức khoẻ của người dân Việt Nam”.

Nữ Bộ trưởng cũng đánh giá cao Việc Liên minh Châu Âu tài trợ theo chương trình thông qua ngân sách nhà nước dựa trên kết quả đầu ra với giá trị của giai đoạn tiếp theo lên tới 114 triệu euro (giai đoạn 1 là gần 40 triệu euro).

Buổi lễ nằm trong khuôn khổ chuyến thăm của Ngài Cao Uỷ Neven Mimica tại Việt Nam.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/lien-minh-chau-au-tai-tro-hon-8-trieu-euro-cho-dao-tao-nhan-luc-y-te-20151116234017995.htm

Cứu bé gái khỏi nguy cơ cắt thận vì bị bệnh hiếm gặp

TIẾN DŨNG

Theo các bác sĩ, bệnh lý trào ngược bàng quang, niệu quản là bệnh khá hiếm gặp (chỉ khoảng 1%). Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời thì bệnh nhân có nguy cơ phải cắt thận.

Ngày 16-11, BS Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - gây mê, hồi sức BV Nhi đồng Đồng Nai, cho biết: “Sau khi được phẫu thuật đến nay cháu NVB (ba tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) mắc bệnh hiếm gặp đã hoàn toàn bình phục. Cháu B. đã ăn uống, đi tiểu bình thường, mọi ống dẫn lưu đã được rút”.

Cũng theo BS Tầm, hiện siêu âm kiểm tra các dấu hiệu chứng trào ngược đã thuyên giảm nhưng cần phải theo dõi định kỳ lâu dài.

Trước đó, ngày 12-10, cháu B. được gia đình nhập viện trong tình trạng sốt cao. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bé bị dãn niệu quản 12 mm (bình thường 4-5 mm) và ứ nước nhẹ ở thận trái.

Các bác sĩ nhận định bé B. bị dãn niệu quản trái do trào ngược bàng quang niệu quản, gây suy chức năng thận trái 15%. Đến ngày 3-11, các bác sĩ đã tiến hành mổ cắm lại niệu quản vào bàng quang theo phương pháp Cohen.

BS Tầm cho biết thêm bệnh lý trào ngược bàng quang, niệu quản khá ít gặp, chỉ khoảng 1%. Trong đó trẻ em nữ mắc bệnh nhiều gấp hai lần nam. Bệnh thường âm thầm tiến triển, biểu hiện mờ nhạt với nhiễm trùng tiểu.

Nhiều nghiên cứu ghi nhận các chị em gái của bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh 27%-34%, vì thế các bé này nên được siêu âm tầm soát, đừng để quá muộn khi thận suy nặng phải cắt thận.

http://phapluattp.vn/suc-khoe/cuu-be-gai-khoi-nguy-co-cat-than-vi-bi-benh-hiem-gap-591583.html

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang