Dịch bệnh dồn dập xuất hiện
http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/dich-benh-don-dap-xuat-hien-3300044-b.html
Thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh bùng phát thành dịch.
Thống kê những năm gần đây, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, có tới 10 loại bệnh được đưa vào danh sách bệnh dịch nguy hiểm như cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, lỵ trực khuẩn thủy đậu, andenovirus, lỵ amip, Rubella, viêm não do virus…
Lo lắng đối phó
Đứng đầu về số ca mắc hiện nay là cúm, tiêu chảy, tay chân miệng và sốt xuất huyết. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, thành phố ghi nhận trên 6.500 ca mắc sốt xuất huyết và 1.200 ca bệnh tay chân miệng.
Mặc dù số mắc đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thời tiết đang trong giai đoạn nắng nóng, mưa nhiều nên nguy cơ dịch bệnh vì thế gia tăng.
Bệnh tay chân miệng cũng diễn biến bất lợi ở TPHCM khi có tới 25 phường, xã số trẻ mắc bệnh đang gia tăng. Đáng chú ý hơn, từ tháng 5 trẻ bắt đầu nghỉ hè, ngoài số đông các bé sẽ ở nhà với gia đình thì một nhóm khác vẫn tiếp tục đi học hoặc chuyển đến các nhóm trẻ gia đình.
Điều kiện sống, môi trường sống thay đổi nếu không đảm bảo yếu tố vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt sẽ tạo điều kiện cho bệnh truyền nhiễm gia tăng, đặc biệt là tại các trường mầm non hoặc nhóm trẻ không nghỉ hè.
Căn bệnh luôn là nỗi sợ của các phụ huynh mỗi khi hè đến là viêm não các loại. Theo bác sĩ Nguyễn Thiện Hải, khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), viêm não Nhật Bản là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao.
Theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng 20 - 30% số bệnh nhân có triệu chứng viêm não tử vong.Khoảng 30 - 50% số người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức hoặc triệu chứng tâm thần.
Đặc biệt, viêm não có biến chứng rất nặng nề như viêm phổi, viêm phế quản.Một số có di chứng muộn sau một năm trẻ bị bệnh này hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson.
Trong những ngày đầu hè, hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng ghi nhận 2 - 3 trường hợp ngộ độc thực phẩm nhập viện điều trị, nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm là đau bụng, nôn mửa và ỉa chảy, mất nước, tụt huyết áp…
Bệnh từ bên ngoài chờ cơ hội xâm nhập
Tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch cúm A/H7N9 đã xuất hiện tại 17 tỉnh tại Trung Quốc và gần đây có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc trong đó hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, giáp biên giới với nước ta.
Các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc nhận định, sự gia tăng này có thể do gia cầm được vận chuyển từ Quảng Đông sang Quảng Tây sau khi Quảng Đông đóng cửa chợ gia cầm.
Trước diễn biến trên, nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam trong giai đoạn này là cao nhất kể từ năm 2013.
Để phòng dịch, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế giám sát phát hiện ca bệnh sớm để tổ chức bao vây dập dịch một cách nhanh gọn không để dịch lây lan.
Ngoài ra Bộ cũng yêu cầu các cơ sở y tế, trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế phải giám sát ngay tại cửa khẩu kể cả khi dịch chưa xâm nhập vào nước ta.
Trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vậy nên điều tối quan trọng là nắm bắt được thông tin, giám sát phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kiên quyết, kịp thời, hiệu quả để phòng tránh dịch bệnh lây lan.
Tăng cường phòng bệnh cho trẻ
Dịch bệnh có mặt khắp mọi nơi nên ai cũng có thể mắc nhưng đối tượng dễ mắc nhất vẫn là trẻ em. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), trong giai đoạn này, các trường học cần chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè cho trẻ.
Thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo công tác y tế học đường; Xây dựng kế hoạch chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho học sinh; Phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, báo cho y tế địa phương để áp dụng các biện pháp phù hợp. Liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để phối hợp giám sát, theo dõi sức khỏe học sinh.
Về phía người dân, để phòng chống những dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập trong mùa hè, các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Bên cạnh đó, tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối... Đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi.
Ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện tại Ký túc xá ĐH Luật Hà Nội
Ngày 16/5, Sở Y tế Hà Nội xác nhận, vừa xuất hiện một ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) với 11 người mắc ngay tại ký túc xá Đại học Luật Hà Nội (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo đó, ngày 26/4, Trung tâm Y tế quận Đống Đa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết ở ký túc xá Đại học Luật Hà Nội (phường Láng Hạ, quận Đống Đa).Trước đó, ngày 22/4, bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh được phát hiện, gần đây nhất, ngày 3/5 đã phát hiện bệnh nhân thứ 11.
Trong tổng số 11 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) của ổ dịch Ký túc xá trường Đại học Luật Hà Nội, có 3 bệnh nhân được xác định, trong đó có 2 trường hợp mắc chủng D1; 8 bệnh nhân lâm sàng.
Trước tình hình này, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức kiểm tra thực tế tại trường Đại học Luật Hà Nội và phát hiện một ổ bọ gậy trong bể nước đã không sử dụng từ lâu tại phòng ở của sinh viên.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đã yêu cầu cán bộ y tế trường học tham mưu với Ban giám hiệu tổ chức mời sinh viên họp để thông báo về dịch bệnh và hướng dẫn vệ sinh để diệt bọ gậy, phòng bệnh sốt xuất huyết.
Ngày 16/5, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội khẳng định ổ dịch SXH ở trường Đại học Luật Hà Nội cũng đã ổn định, không phát sinh thêm ca bệnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, quận Đống Đa là nơi ghi nhận số lượng mắc SXH cao nhất. Từ đầu năm đến nay, tại đây ghi nhận 165 ca mắc SXH ở 18 phường và xác định được 37 ổ dịch ở 13 phường. Số mắc tăng gấp 3 lần, số ổ dịch tăng 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, tính đến ngày 16/5, có 95% bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn Hà Nội được xuất viện.Các ca bệnh và ổ dịch được điều tra xử lý kịp thời, đúng quy định trong vòng 48 giờ.
Lo ngại virút cúm gia cầm độc lực cao thẩm lậu vào Việt Nam
http://laodong.com.vn/kinh-te/lo-ngai-virut-cum-gia-cam-doc-luc-cao-tham-lau-vao-viet-nam-665158.bld
Theo Bộ Y tế, dịch cúm A (H7N9) gần đây có xu hướng bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam, Đông Nam của Trung Quốc và đã chuyển sang độc lực cao. Bộ NNPTNT và Bộ Y tế lo ngại, khả năng virút nguy hiểm này thẩm lậu vào Việt Nam.
Theo thông báo của WHO, FAO, đã ghi nhận sự thay đổi của virút cúm A (H7N9) từ độc lực thấp sang độc lực cao khi phân tích gen virút cúm ở người cũng như ở gia cầm. Đã phát hiện gen độc lực cao tại 2 bệnh nhân mắc cúm A (H7N9) ở Quảng Đông và một bệnh nhân mắc cúm A (H7N9) ở Đài Loan - theo thông báo ngày 25.2.2017 của WHO.
Ở gia cầm, FAO cũng ghi nhận 41 mẫu cúm gia cầm độc lực cao ở gia cầm và môi trường (30 mẫu ở gà, 1 ở vịt và 10 mẫu môi trường) được lấy tại 23 chợ gia cầm sống và 3 trang trại thuộc 3 tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Quảng Tây và Hà Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, virút cúm A (H7N9) độc lực cao có khả năng gây chết 100% gà mắc (trong thí nghiệm) và có khả năng lây truyền nhanh hơn gấp khoảng 100 -1.000 lần so với virút có độc lực thấp. Sự liên tục thay đổi này như là một đặc điểm tự nhiên của virút cúm do quá trình tái tổ hợp.
Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của virút cúm A (H7N9) làm lây truyền dễ dàng từ người sang người và WHO cũng chưa khuyến cáo về các thay đổi quản lý lâm sàng đối với trường hợp nhiễm virút cúm A (H7N9) ở người. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A (H7N9) tại Trung Quốc và những biến đổi độc lực của virút, Bộ Y tế đánh giá nguy cơ rất cao virút cúm A (H7N9) có thể xâm nhập vào nước ta.
Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ NNPTNT đã có các công điện, công văn chỉ đạo tập trung việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ biên giới vào nước ta đồng thời kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch trên thị trường. Công tác giám sát phát hiện sớm dịch bệnh cũng đã được triển khai mạnh mẽ tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực buôn bán gia cầm sống, các cơ sở y tế và tại các cửa khẩu…
Bệnh không lây nhiễm gia tăng với tốc độ chóng mặt
Hiện nay, bên cạnh nỗi lo về tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng, Việt Nam còn phải đối phó với gánh nặng gia tăng nghiêm trọng tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư...
Gánh nặng "kép" về bệnh tật
"Tại bệnh viện, tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% (năm 1976) xuống còn 19,8% (năm 2010) nhưng tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng nhanh từ 42,6% lên 71,6%. Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% các trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó đứng đầu là tử vong do tim mạch (33%) và thứ 2 là do ung thư (18%)", PGS. TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, cho biết tại Hội thảo “Bằng chứng khoa học của sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng hợp tác giữa Nhật Bản và Viện Dinh dưỡng Quốc gia”, tổ chức ngày 16/5, tại Hà Nội.
Hiện nay, tỷ lệ thừa cân và béo phì đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các đô thị. Từ năm 2000 đến năm 2005, tỷ lệ người thừa cân và béo phì đã tăng gấp 2 lần ở người trưởng thành (từ 3,5% lên 6,6%). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân béo phì tăng gấp 9 lần sau 10 năm (2000 - 2010) và đến năm 2013, tỷ lệ này đã ở mức 6,3%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì nhưng chế độ ăn uống và lối sống là quan trọng hơn cả.
Bên cạnh đó, ước tính, Việt Nam đã có tới 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ trong 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Tăng huyết áp thường đi kèm các rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa và là yếu tố nguy cơ chính của tai biến mạch não, bệnh mạch vành...
Sau 10 năm (từ năm 2002 đến 2012) tỷ lệ bệnh đái tháo đường tăng gấp 2 lần (từ 2,7% lên 5,4%) ở người trưởng thành. Một thực trạng đáng quan tâm là có tới 63,6% người bệnh mắc đái tháo đường trong cộng đồng không được phát hiện trong khi gánh nặng tử vong và tàn phế do đái tháo đường là rất lớn.
Đáng nói, bệnh đái tháo đường không chỉ gia tăng nhanh chóng mà còn có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, gây ảnh hưởng đến sức lao động và chất lượng cuộc sống của người dân.
Vấn đề lo ngại hơn cả là trong 10 năm trở lại đây, số người mắc mới ung thư ở nước ta được phát hiện tăng 50%. Trung bình mỗi ngày có khoảng 350 trường hợp mắc mới ung thư được phát hiện và 190 người tử vong do căn bệnh này. Ung thư là một trong các nguyên nhân gây tử vong chính trên phạm vi toàn cầu, trong đó khoảng 42% liên quan đến chế độ dinh dưỡng.
Giải pháp từ dinh dưỡng
Theo PGS. TS Lê Danh Tuyên, Viện Dinh dưỡng đã tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu để tìm ra các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe người dân, hạn chế tình trạng gia tăng các bệnh không lây nhiễm như: Thừa cân/béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến dinh dưỡng... Nghiên cứu và triển khai chế độ ăn bệnh lý, xây dựng thực đơn và tư vấn chế độ ăn bệnh lý tại một số bệnh viện.
Đồng thời, Viện cũng chủ động nghiên cứu, hợp tác với các tổ chức quốc tế để triển khai nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho cộng đồng, nhất là sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng đặc hiệu trong điều trị, dự phòng các bệnh có liên quan đến dinh dưỡng.
Một trong những sự hợp tác đó phải kể đến việc phối hợp cùng Nhật Bản phát triển nghiên cứu, tạo một chu trình từ ươm trồng cây giống, đến thu hoạch và chế biến nguyên liệu thành các loại thực phẩm dinh dưỡng dùng cho các đối tượng có nguy cơ dự phòng các bệnh liên quan đến dinh dưỡng từ gạo, Atiso, cây Shell Ginger, Ashitaba (thảo dược quý của Nhật)... Đơn cử, Viện đã nghiên cứu và sản xuất thành công gạo lật nảy mầm (gạo lức qua quá trình nảy mầm theo công nghệ của Nhật Bản) hỗ trợ kiểm soát đường máu và mỡ máu hiệu quả ở bệnh nhân đái tháo đường và tiền đái tháo đường...
Đà Nẵng: Tạm đình chỉ quán cơm gà nghi gây ngộ độc cho 17 du khách
Sở Y tế Đà Nẵng đã yêu cầu Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TP tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh của quán cơm gà Bà Buội (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) để tổng vệ sinh, khắc phục.
Sáng 16/5, ông Nguyễn Tiên Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đã chủ trì cuộc họp với các ban, ngành liên quan và UBND quận Sơn Trà để xử lý vụ ngộ độc thực phẩm khiến 17 du khách phải vào viện.
Trước đó, vào khoảng 20h ngày 14/5, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận 17 bệnh nhân vào viện trong tình trạng buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, ỉa chảy, khó thở, sốt nhẹ. Các bệnh nhân cho biết, trước đó có ăn cơm gà ở quán Bà Buội, sau đó đi uống nước dừa. Khi về đến khách sạn thì có các triệu chứng trên.
Ngay sau khi nhận được thông tin, sáng ngày 15/5, các cơ quan chức năng quận Sơn Trà và Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu để xét nghiệm.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận, quán cơm Bà Muội có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, quán cơm vi phạm một số quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như giấy khám sức khoẻ của nhân viên hết thời hạn, điều kiện cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm không đạt yêu cầu như: thịt gà xé bảo quản trong dụng cụ không có nắp đậy, rau sống đã sửa sạch bảo quản cách nền khoảng 20cm…
Đoàn đã yêu cầu chủ quán khắc phục những vi phạm trên, tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm thịt gà, cơm, rau sống…sử dụng trong ngày 14/5. Đồng thời tiến hành lấy mẫu thức ăn gồm cơm, thịt gà luộc, lòng gà, trứng gà, nước canh gà, đu đủ dầm chua, rau sống để tiến hành phân tích, xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật để tìm nguyên nhân.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố yêu cầu Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TP tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, buôn bán tại quán cơm này đến khi chủ quán khắc phục các vi phạm trên. Đồng thời tiến hành phun thuốc khử trùng vệ sinh môi trường tại quán. Sau khi có kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm, ngành chức năng thành phố tiếp tục kiểm tra, xử phạt quán ăn này (nếu vi phạm) theo Nghị định 178 của Chính phủ.
Dự kiến, ngày 17/5 sẽ có kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn nghi ngộ độc trên.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 15/5, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng đã đến bệnh viện, thăm hỏi, động viên và trao 11 suất hỗ trợ (2 triệu đồng/suất) cho các bệnh nhân; đồng thời khẳng định, ngành y tế Đà Nẵng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tích cực điều trị cho các bệnh nhân và địa phương sẽ chi trả hoàn toàn mọi chi phí điều trị. UBND quận Sơn Trà cũng hỗ trợ mỗi bệnh nhân 1 triệu đồng, riêng trường hợp nặng nhất 2 triệu đồng.
Hà Tĩnh: Kho đông lạnh chứa gần 1 tấn thực phẩm ngoại hết đát
Gần 1 tấn thực phẩm gồm: chân giò Canada, xương gà Mỹ, sườn heo Đức… tại kho đông lạnh Sâm Tâm (khối phố 2, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) vừa bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện đã hết hạn sử dụng từ 1- 2 năm.
Sau một thời gian dài theo dõi, vào lúc 14h30’ ngày 15/5, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an Hà Tĩnh) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất kho đông lạnh Sâm Tâm (đóng tại tổ dân phố 2, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) do bà Nguyễn Thị Tâm làm chủ.
Qua kiểm tra phát hiện trong kho 920 kg thực phẩm đã quá hạn sử dụng, bao gồm: 129kg thịt trâu Ấn Độ, 270 kg xương gà Mỹ, 22 kg chân giò Canada, 150 kg xương sườn heo Đức, 14 kg xương đà điểu, 90 kg sườn heo Ba Lan, 13 kg gà nguyên con (có đầu, không nội tạng, không chân), 230 kg cá basa…
Những thực phẩm trên, một số hết hạn sử dụng từ năm 2015, 2016; một số không có giấy tờ chứng minh xuất xứ nguồn gốc, hiện đã bốc mùi hôi thối và chuyển màu.
Chủ cơ sở Sâm Tâm thừa nhận, số thịt trâu Ấn Độ, chân giò Canada, xương sườn heo Đức, Ba Lan, cá Basa được mua về tập kết vào một góc, để chung với các loại hàng hóa hải sản khác. Còn xương gà Mỹ mua về lóc thịt bán, xương cho vào kho bán cho khách có nhu cầu.
Ngay sau khi phát hiện, Phòng CSMT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã lập biên bản xử phạt chủ cơ sở, đồng thời ngay trong buổi chiều cùng ngày đã đưa đi tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm trên.
29 công nhân nghi ngộ độc ở Hóc Môn đã xuất viện
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/29-cong-nhan-nghi-ngo-doc-o-hoc-mon-da-xuat-vien-702283.html
Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết trong sáng 16-5, 29 công nhân nghi ngộ độc nhập viện hôm 15-5 đã được xuất viện.
Theo BV Đa khoa khu vực Hóc Môn, hiện tại 29 trong tổng số 34 công nhân nhập viện trong ngày 15-5 đã được xuất viện; 5 công nhân còn lại với những biểu hiện nặng hơn vẫn đang được theo dõi sức khỏe và điều trị tích cực.
Đây là số công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Smart Elegant trụ sở ở đường Dương Công Khi (huyện Hóc Môn, TP.HCM) có biểu hiện bị ngộ độc, nôn ói, ngất xỉu khi đang làm việc.
Những nạn nhân nhanh chóng được được đưa vào bệnh viện cấp cứu, đa phần các công nhân là nữ. Ghi nhận ban đầu từ các bác sĩ, triệu chứng của người bệnh là sốt cao, nôn, khó thở, kích thích hệ thần kinh giao cảm, thở nhanh, nhịp tim nhanh, hốt hoảng, tụt huyết áp.
Sau khi điều trị tích cực, tình hình sức khỏe của phần đa các công nhân diễn tiến tốt.Theo đại diện bệnh viện, công nhân không có triệu chứng ngộ độc liên quan đến đường tiêu hóa.
Hiện cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân của vụ việc.Một người có chức trách cho biết nhiều khả năng các công nhân bị ngộ độc khí, riêng loại khí gì thì chưa thể xác định.
Nhiều công nhân cũng cho biết trong quá trình làm việc ở công ty xuất hiện mùi lạ.
Bàn giao dữ liệu 24 triệu hộ dân tham gia BHYT
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/ban-giao-du-lieu-24-trieu-ho-dan-tham-gia-bhyt-702172.html
Sáng 15-5, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã thực hiện việc ký kết và bàn giao, chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT.
Theo bản ký kết, BHXH Việt Nam thực hiện giao dữ liệu về hộ gia đình và danh mục hành chính, danh mục đối tượng tham gia BHYT thuộc cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT do BHXH Việt Nam thu thập và xây dựng cho Bộ Y tế để phục vụ công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe cho người dân.
Toàn bộ dữ liệu từ hơn 24 triệu hộ gia đình tham gia BHYT trên phạm vi cả nước với tổng số 92.809.519 bản ghi (mỗi bản ghi tương ứng với một cá nhân người dân) với các trường dữ liệu về: Họ và tên, ngày sinh, giới tính, số chứng minh nhân dân, số định danh, nơi cấp giấy khai sinh, địa chỉ cư trú, số điện thoại, mã hộ gia đình... Việc bàn giao này được kỳ vọng sẽ giúp Bộ Y tế quản lý, chăm sóc sức khỏe của nhân dân tốt hơn, tạo tiền đề cho việc liên thông các cơ sở dữ liệu khác để tổ chức thành công hơn nữa mô hình chính phủ điện tử.
Viện phí mới cho người không có thẻ BHYT: Từ ngày 1.6 chưa áp dụng rộng rãi
Theo lộ trình, có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8.2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10.2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12.2017. TP.HCM sẽ thực hiện vào tháng 10.2017 và Hà Nội thực hiện vào tháng 8.2017.
Chiều 15.5, tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư 02/2017/TT-BYT quy định mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) với 1.912 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các tỉnh phía nam.
Tại hội nghị, PGS-TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thông tư có hiệu lực từ ngày 1.6.2017 áp dụng cho đối tượng không tham gia BHYT và người có thẻ BHYT nhưng không sử dụng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả bệnh viện (BV) trên toàn quốc thực hiện ngay thời điểm 1.6.
Bộ Y tế sẽ quy định thời gian thực hiện với các BV trực thuộc Bộ và BV thuộc bộ, ngành từ hạng 1 trở lên. Tại các địa phương sẽ do HĐND địa phương quy định, kể cả BV bộ ngành từ hạng 2 trở xuống. HĐND các địa phương có thể quy định giá mới bằng hoặc thấp hơn mức giá tối đa. Theo lộ trình, có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8.2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10.2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12.2017. TP.HCM sẽ thực hiện vào tháng 10.2017 và Hà Nội thực hiện vào tháng 8.2017.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết thêm giá khám bệnh với người không có thẻ BHYT áp dụng từ ngày 1.6 ngang bằng với giá khám bệnh cho người có thẻ BHYT. Theo đó, BV hạng đặc biệt, hạng 1: 39.000 đồng; BV hạng 2: 35.000 đồng; BV hạng 4: 31.000 đồng; BV hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực: 29.000 đồng/lần khám. Thông tư 02 còn quy định thêm giá khám bệnh tại trạm y tế xã là 19.000 đồng/lần khám. Người bệnh đến cơ sở y tế khám, có thể khám chuyên khoa thứ 2 hoặc trong ngày chưa khám xong phải chuyển sang khám hôm sau thì giá khám lần 2 được tính bằng 30% so với giá ban đầu. Người bệnh nằm ghép 2 người trở lên BV chỉ được thu 50%, nằm 3 người/giường thì chỉ được thu 30%. Ngoài ra, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (thực hiện từ các trang thiết bị từ nguồn vốn xã hội hóa, vốn vay) do giám đốc BV quyết định.
“Lâu nay nhà nước bao cấp ngược, tức cho người có điều kiện kinh tế nhưng không có thẻ BHYT.Đúng ra là việc giá tính đúng, tính đủ cho đối tượng này phải đi trước”, PGS-TS Tuấn nói và cho biết thêm hiện còn 20% dân số chưa tham gia BHYT, nhưng việc bao phủ là không dễ. Do vậy việc thực hiện Thông tư 02 sẽ tạo điều kiện cho người dân tham gia BHYT đông đủ hơn, thể hiện tinh thần chia sẻ, đảm bảo an sinh xã hội. Cũng theo PGS-TS Tuấn, nếu không tham gia BHYT khi gặp rủi ro sẽ khó khăn.
Ông Nguyễn Nam Liên giải thích, có 4 yếu tố cấu thành giá: chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản. Theo lộ trình thì từ năm 2016 tính đủ chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương; từ năm 2018 tính thêm chi phí quản lý; từ năm 2020 sẽ tính đầy đủ 4 yếu tố trên. Ông Liên cho biết mức giá theo Thông tư 02 là mức giá tối đa, các địa phương có thể quy định thấp hơn, nhưng khuyến khích áp dụng giá tối đa để tạo công bằng cho mọi người.
* Cùng ngày 15.5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN và Bộ Y tế đã ký kết và bàn giao, chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT. Toàn bộ dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT trên phạm vi cả nước với tổng số 92.809.519 bản ghi với các trường dữ liệu về: thông tin cá nhân (nơi cấp giấy khai sinh, địa chỉ cư trú, số điện thoại, mã hộ gia đình, quan hệ với chủ hộ), số định danh, đã tham gia hoặc chưa tham gia BHYT, mã thẻ BHYT, mã đối tượng tham gia BHYT...; toàn bộ dữ liệu danh mục hành chính bao gồm danh mục tỉnh, huyện, xã, phường, thôn, xóm và danh mục đối tượng tham gia BHYT trong phạm vi cả nước.
Bộ Y tế sử dụng dữ liệu này vào mục đích quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân theo chủ trương mỗi người dân đều được quản lý sức khỏe theo hồ sơ. Trên cơ sở đó, đảm bảo mỗi người dân trong tương lai gần sẽ có một bác sĩ hoặc một cơ sở y tế quản lý, chăm sóc, tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở; giúp Bộ Y tế quản lý, chăm sóc sức khỏe của nhân dân tốt hơn.
Hỗ trợ người nhiễm HIV toàn bộ phí mua bảo hiểm y tế
Nguồn kinh phí thực hiện được trích từ ngân sách, quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, nguồn tài trợ, viện trợ…
Hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế năm 2017 và 20% chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virut HIV (thuốc ARV) năm 2017 cho người nhiễm HIV có hộ khẩu tại TP.HCM và người nhiễm HIV có hộ khẩu tại các tỉnh, TP khác cư trú trên sáu tháng tại TP.HCM đang tham gia chương trình chăm sóc, điều trị HIV/ AIDS tại TP.HCM.
Trên đây là nội dung chỉ đạo mới nhất của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu liên quan đến việc hỗ trợ người nhiễm HIV/ AIDS.
UBND TP cũng yêu cầu Sở Y tế TP phối hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội TP và Sở Lao động - thương binh & xã hội đảm bảo triển khai đúng đối tượng, không để xảy ra việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế với các diện đối tượng khác được ngân sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.
Kiến nghị lập đường dây nóng hỗ trợ an ninh bệnh viện
http://thanhnien.vn/suc-khoe/kien-nghi-lap-duong-day-nong-ho-tro-an-ninh-benh-vien-835611.html
Ngày 15.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an tăng cường phối hợp đảm bảo an ninh trong các bệnh viện (BV).
Theo đó, đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương điều tra, xác minh các hành vi và đối tượng gây mất an ninh trong BV thời gian qua, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội), xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung người bệnh và nhân viên y tế, công khai kết luận điều tra, xét xử.
Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh BV; cử cán bộ tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các BV lớn, có lượng người đến đông; thiết lập mạng lưới đường dây nóng của lực lượng cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho BV… Theo Bộ Y tế, trong 1 tháng qua đã liên tiếp xảy ra 4 vụ côn đồ, người nhà bệnh nhân xông vào BV (tại Hà Nội, Thái Nguyên, Cà Mau) hành hung, tấn công nhân viên y tế; khống chế y bác sĩ để chém bệnh nhân.
Chuyển viện xuyên biên giới, bé Campuchia được bác sĩ Việt cứu sống
Bé trai 6 tuổi đã được cha mẹ chuyển viện từ Campuchia đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) trong tình trạng đa chấn thương, suy thận nặng. Bé đã qua cơn nguy kịch sau hơn nửa tháng điều trị.
ThS-BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: bệnh nhi là một bé trai 6 tuổi người Campuchia, nhập viện lúc 6 giờ ngày 27-4. Theo gia đình, cháu bé bị té ngã do trèo cây, dẫn đến đa chấn thương và đã được điều trị 3 ngày tại bệnh viện ở Phnom Penh. Tuy nhiên, sức khỏe cháu bé diễn biến xấu, chân bị phù nề và xuất hiện tình trạng suy thận cấp rất nặng. Cha mẹ cháu không yên tâm, muốn chuyển viện, trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh chỉ có hệ thống lọc máu cho người lớn. Vì vậy, họ đã đưa con đến tận Việt Nam để tìm hy vọng sống.
Theo bác sĩ Đặng Thanh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cháu bé bị gãy xương đùi bên phải, chấn thương ở vùng đầu và vùng chậu. Tại bệnh viện địa phương, bé đã được cố định phần xương đùi bị gãy bằng đinh kim loại. Sau đó chân bé lại xuất hiện biến chứng chèn ép khoang ở khu vực bắp chân. Đây là một biến chứng khá nguy hiểm trong chấn thương xương khớp, bởi có thể ngăn chặn dòng máu nuôi cơ bắp và các tổ chức khác, nhiều trường hợp bệnh nhân đã nguy ngập vì bị nhiễm trùng, suy đa cơ quan hay phải cắt bỏ phần chi bị thương.
Với bệnh nhi này, bệnh viện địa phương đã giải quyết sơ bộ tình trạng chèn ép khoang, tuy nhiên hơi muộn và hiệu quả không cao, chân cháu bé đã xuất hiện tình trạng hủy cơ. Tình trạng hủy cơ nhanh chóng này sinh ra nhiều chất độc, tác động lên các tổ chức của cơ thể: gan, thận, hệ tuần hoàn, hô hấp…, gây suy đa cơ quan. Nặng nề nhất, chất độc sinh ra do hủy cơ làm tắc nghẽn ống thận và dẫn đến suy thận nặng. Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phải lọc máu đến 5 lần trong suốt quá trình điều trị để cứu lấy tính mạng cháu bé, đồng thời chạy thận nhân tạo và sử dụng kháng sinh để chống lại tình trạng nhiễm trùng.
Rất may, đến nay, sau hơn nửa tháng điều trị, các chỉ số thận của cháu bé đã cải thiện, bé đã đi tiểu được và qua cơn nguy hiểm. "Nếu sức khỏe bệnh nhân vẫn tiến triển tốt, trong 1-2 ngày tới chúng tôi sẽ chuyển bé đến khoa Chấn thương chỉnh hình để giải quyết tiếp tục chấn thương ở xương đùi, sau đó bé có thể xuất viện" – BS Tuấn cho biết.
Quá trình điều trị phải áp dụng nhiều kỹ thuật cao đã đưa đến tổng viện phí lên đến trên 100 triệu đồng, chưa kể chi phí cho người phiên dịch, chuyển viện… đã trở thành một gánh nặng khổng lồ đối với gia đình cháu . Theo ThS-BS Đinh Thạc, Trưởng phòng Công tác xã hội của bệnh viện, nhận thấy gia đình bé khó khăn, cha mẹ không có việc làm ổn định, cháu lại không có bảo hiểm y tế như đa phần các bệnh nhi Việt Nam nên phía bệnh viện đã vận động các mạnh thường quân, quyên góp chi phí điều trị cho bé. Kết quả vận động rất khả quan, cho đến nay số tiền từ các nhà hảo tâm đã đáp ứng đủ chi phí điều trị cho cháu bé.
Sắp tới, khi tình trạng thận của bé ổn định hoàn toàn, bé bảo đảm sức khỏe để gây mê và phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị ngoại khoa để giải quyết chấn thương xương cho bé.