Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 18/1/2016

  • |
T5g.org.vn - Mong manh phận đời tan máu bẩm sinh; Nhiều ca mang thai hộ sẽ chào đời trong tháng 1; Mở phòng khám điều trị trẻ bệnh xương thủy tinh; Đưa trung tâm ung bướu lớn nhất miền Trung vào hoạt động...

Mong manh phận đời tan máu bẩm sinh

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/mong-manh-phan-doi-tan-mau-bam-sinh-960035.tpo

Thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, hàng nghìn em nhỏ mắc những căn bệnh quái ác về máu sớm phải gắn liền với kim tiêm, dây truyền thuốc và những lần tiếp máu để duy trì sự sống. Nhiều em phải trải qua khoảng thời gian chờ máu dài đằng đẵng, trong khi cơn đau không ngừng hành hạ...

Chúng tôi trở lại khu điều trị của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư vào một sáng mùa đông lạnh giá. Dọc theo những hành lang gạch men dài hun hút là những căn phòng nêm chặt bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh nhi còn rất nhỏ tuổi. Tiếng cười, tiếng khóc, rồi sự hiếu động của những đứa trẻ mặc quần áo bệnh nhân đầu trọc lốc vì truyền hóa chất, tay gắn kim tiêm to tướng, dây truyền thuốc... khiến lòng chúng tôi nôn nao.

Bắt chuyến xe từ Cao Bằng về Hà Nội từ đêm hôm trước, anh Lương Văn Dũng người dân tộc Tày đưa con gái đầu lòng Lương Thị Hoàng Hà hơn 4 tuổi nhập viện từ sáng sớm. Từ khi phát hiện con gái mắc bệnh tan máu bẩm sinh hồi tháng 5/2015 đến nay, hai bố con anh Dũng đã quen với những chuyến xe đêm đường dài. Thời gian đầu, bố con anh Dũng định kỳ mỗi tháng một lần và nay là hai tháng một lần xuống Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư để truyền máu và thuốc, mỗi lần khoảng 4 ngày. Khi vợ mang thai đứa con thứ hai, anh Dũng càng lo lắng hơn. “Theo các bác sỹ tư vấn, thời gian tới, vợ mình sẽ xuống Viện để chọc ối kiểm tra xem cháu thứ hai có nguy cơ mắc bệnh tan máu hay không”, anh Dũng nói.

“Cận Tết phải đưa cháu xuống một lần nữa. Không được truyền máu đúng đợt, cháu lại sốt cao, đau nhức. Nhiều năm khi nhà người ta quây quần đón giao thừa, hai mẹ con còn đang trên đường từ viện về nhà, tủi thân lắm”

Chị Phùng Thị Lê - mẹ bệnh nhi tan máu bẩm sinh Phạm Ngọc Hảo

Trong phòng bệnh, Phạm Ngọc Hảo, 12 tuổi, khá khôi ngô, ra dáng đàn anh khi vừa ngồi nói chuyện vừa trông chừng những bệnh nhân nhỏ tuổi hơn để các mẹ đi mua cơm. Hảo quê Tam Dương, Vĩnh Phúc, bị bệnh tan máu bẩm sinh thuộc thể nặng, gần như phải sống tại bệnh viện từ lúc còn bế ngửa. Gần 12 năm qua, mẹ Hảo là chị Phùng Thị Lê đã mang con chạy chữa khắp nơi. Gương mặt chị Lê nhợt nhạt, đôi mắt trũng sâu. Chị vẫn nhớ ngày vợ chồng sinh được thằng cu kháu khỉnh đã hạnh phúc thế nào, vậy mà niềm vui ngắn chẳng tày gang.

Chị kể: “Hụt hẫng, cứ nghĩ đến lại thấy sợ. Con khóc, mẹ khóc”. Nước mắt chảy đẫm hai bên gò má, chị nghẹn ngào: “Bác sỹ bảo sinh mạng nó gắn liền với việc truyền máu, cũng như cái xe máy, muốn chạy phải đổ xăng”. Đều đặn mỗi tháng, hai mẹ con xuống Viện điều trị gần chục ngày. Những lần đến kỳ mà chưa xuống Viện truyền thuốc, truyền máu, Hảo lại sốt cao; mũi, mồm tứa máu.

Cũng từ ngày phát hiện Hảo mắc bệnh, mỗi đận cuối năm, vợ chồng chị Lê thay vì sửa soạn Tết lại lo lắng mau mau đưa con xuống Viện truyền máu, truyền thuốc; cầu cho bệnh viện có đủ máu. “Cận Tết phải đưa cháu xuống một lần nữa. Không được truyền máu đúng đợt, cháu lại sốt cao, đau nhức. Nhiều năm khi nhà người ta quây quần đón giao thừa, hai mẹ con còn đang trên đường từ Viện về nhà, tủi thân lắm”, chị Lê nghẹn ngào. Chị cho hay, từng có năm cận Tết, bệnh viện thiếu máu, phải chờ 2-3 ngày. Nhìn con xanh như tàu lá, lòng chị quặn đau.

Chị Nguyễn Thị Thỏa (SN 1986, dân tộc Tày) quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang, có hai con đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh thể nặng. Ngày nhận kết quả xét nghiệm của bọn trẻ, cả gia đình đều bất ngờ, suy sụp. Chị Thỏa kể: “Cháu gái đầu sinh năm 2009, bình thường xanh xao, kém ăn, gia đình cũng nghĩ cháu thiếu máu bình thường. Năm 2011, cháu thứ hai ra đời, da cũng cứ xanh nhợt, quấy khóc. Đưa cả chị lẫn em đi viện khám thì biết cả hai mắc bệnh tan máu bẩm sinh”.

Để có tiền đến kỳ đưa hai con đi viện, vợ chồng chị Thỏa chắt bóp chi tiêu, cật lực làm ruộng, chăn nuôi, làm thêm rồi vay mượn đủ đường, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Chị Thỏa cho hay, cả năm, vợ chồng cố gắng lắm cũng chỉ kiếm được chục triệu đồng, còn mỗi lần đưa con xuống viện, chi phí đi lại, ăn ở mất tầm 3-4 triệu. Nhiều đợt túng chưa xoay được tiền, đứa nào yếu hơn thì xuống viện trước. “Đợt rồi bí quá, nhà phải bán con trâu là tài sản lớn nhất để đưa bọn trẻ xuống viện. Giờ đang lo lấy đâu ra tiền vì sát Tết còn một lần xuống viện truyền máu nữa”, chị Thỏa nói. Ngoài ra, đứa con thứ hai là Nguyễn Duy Phòng hiện giờ nách, gan sưng to, phải cắt lá nách. “Chi phí ca cắt nách cho cháu dù được bảo hiểm nhưng vẫn phải tốn gần chục triệu đồng. Vợ chồng chưa biết xoay xở thế nào”. Chị Thỏa tâm sự, xoay tiền cho con xuống viện điều trị cực khổ mấy cũng không bằng những ngày mỏi mòn chờ có máu truyền cho con. “Những lúc đó như ngồi trên đống lửa, chỉ cầu mong những người khỏe mạnh hảo tâm hiến máu để con có máu...”.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) thuộc Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, cho biết, Trung tâm hiện có gần 1.700 bệnh nhân điều trị định kỳ, trong đó có khoảng một nửa là bệnh nhi dưới 15 tuổi. Cả nước có khoảng 20.000 người mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Bệnh tan máu bẩm sinh chưa có thuốc chữa, cách duy nhất để duy trì sự sống là truyền máu. Thạc sỹ Hà cho biết, bệnh tan máu bẩm sinh do sự kết hợp giữa gene tan máu bẩm sinh có trong bố hoặc mẹ, hoặc cả 2 người. Khi hai người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh sinh con, sẽ có 4 khả năng xảy ra, trong đó tỷ lệ con không mắc bệnh là khá thấp. Gene tan máu bẩm sinh có trong những người khỏe mạnh, thậm chí hiến được máu. Tỷ lệ người mang gene này chiếm khoảng 10% dân số. Đây là tỷ lệ rất cao. Cách phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh tốt nhất là từ các bạn trẻ bằng cách xét nghiệm sàng lọc tổng phân tích tế bào máu.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, cho biết, bệnh nhân tan máu bẩm sinh thuộc nhóm “tiêu thụ” máu đặc biệt, trung bình họ cần 2-4 đơn vị máu/tháng; có những bệnh nhân đã phải truyền hơn 1.000 đơn vị máu. Những nhóm bệnh về máu khác cũng có nhu cầu truyền máu thường xuyên gồm có ung thư máu, xuất huyết giảm tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, rối loạn đông máu di truyền (hemophilia)…

Trung bình một ngày, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư có khoảng 1.000 bệnh nhân bệnh máu điều trị thường xuyên. GS.TS Trí nhấn mạnh: “Nếu không đảm bảo nguồn máu cho bệnh nhân, về lâu dài đều dẫn đến nguy cơ tử vong”.

Nhiều ca mang thai hộ sẽ chào đời trong tháng 1

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhieu-ca-mang-thai-ho-se-chao-doi-trong-thang-1-960089.tpo

http://vov.vn/tin-24h/thang-1-se-co-nhieu-tre-ra-doi-nho-ky-thuat-mang-thai-ho-470000.vov

Trong tháng 1 này, dự kiến nhiều ca mang thai hộ được thực hiện thành công sẽ đến kỳ “khai hoa nở nhụy”. Trong đó, ca mang thai hộ đầu tiên sẽ ra đời tại BV Phụ sản Trung ương tới đây.

Sáng 16/1, tại Hội thảo khoa học Đánh giá bước đầu thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Kết quả, những khó khăn và thuận lợi do Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia tổ chức, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau một năm triển khai kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đến nay cả nước đã thu nhận được gần 100 hồ sơ, dự kiến những đứa trẻ đầu tiên sẽ chào đời trong tháng 1 nhờ kỹ thuật này.

Cụ thể, tại BV Phụ sản Trung ương có 60 hồ sơ đã được duyệt, thực hiện thành công 46 ca, tại BV Từ Dũ đã có 19 ca thành công trong tổng số 33 hồ sơ được duyệt.

Theo GS Tiến, quy định của Nghị định, những cặp vợ chồng chưa có con chung, người vợ không thể mang thai, sinh nở do các bệnh lý (tim, thận, gan, phổi) và bệnh lý sản phụ khoa, như: không có tử cung, phải cắt bỏ tử cung, sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân, làm thụ tinh ống nghiệm nhiều lần nhưng chuyển phôi thất bại… có quyền được nhờ mang thai hộ tại 3 cơ sở y tế là: BV Phụ sản Trung ương, BV Trung ương Huế và BV Từ Dũ.

Tuy nhiên sau 1 năm triển khai Nghị định cho thấy có nhiều vấn đề phát sinh như: theo Luật, chỉ cho những trường hợp trên mang thai hộ, nhưng trong thực tế có nhiều trường hợp trong khi sinh nở vì thủ thuật sản khoa mà đứa con họ bị liệt, tàn tật vì lý do nào đó người vợ không thể mang thai được nữa lại không được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Hay với phụ nữ mang thai lần đầu, không may mắn bị tai biến bắt buộc cắt tử cung để cứu sống mẹ. Người phụ nữ này sau cắt tử cung, noãn vẫn bình thường, người chồng tinh trùng vẫn bình thường, nếu họ được phép nhờ mang thai hộ khi có nhu cầu sinh thêm đứa con nữa thì chắc chắn nhân đạo hơn.

Bên cạnh đó, thủ tục để hoàn thành một hồ sơ được phép mang thai hộ hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn về mặt pháp lý mà ngành y tế không can thiệp. Ví dụ như phải hoàn thành hồ sơ, giấy tờ chứng minh mối quan hệ họ hàng giữa người nhờ mang thai và người mang thai hộ, rồi hợp đồng pháp lý… Chỉ khi những hồ sơ này được duyệt đầy đủ về pháp lý, Hội đồng chuyên môn và hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện sẽ kiểm tra, tiến hành các xét nghiệm, chẩn đoán để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có trong nhóm được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ hay không.

Sau khi đầy đủ hồ sơ pháp lý và chẩn đoán y khoa trong phạm vi được thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ gặp gỡ, tư vấn cho cả hai bên nhờ mang thai và mang thai hộ. Khi hai bên đã thông suốt, đồng ý, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật thụ tinh.

Các chuyên gia cho biết, bào thai mang hộ là sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng của vợ chồng người nhờ mang thai, được gửi vào trong tử cung của một người khác nhờ vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Vì thế, đứa bé sinh ra mang gen di truyền của bố mẹ chứ không mang gen của người sinh ra bé khi mang thai hộ.

Phù phép thuốc hết “đát”: Quá nguy hiểm!

http://dantri.com.vn/suc-khoe/phu-phep-thuoc-het-dat-qua-nguy-hiem-20160117104311833.htm

Thuốc tây quá “đát” (hạn sử dụng) được “nâng đời” trong nháy mắt chỉ bằng các dụng cụ thô sơ, sau đó trà trộn vào nhiều hiệu thuốc để đến tay người bệnh. Thuốc hết hạn sử dụng vẫn “sống khỏe” là do việc quản lý, xử phạt còn quá nhẹ

Sau vụ hơn 500.000 đơn vị thuốc các loại hết hạn sử dụng (HSD) bị tẩy xóa, sửa HSD để bán cho người bệnh được phát hiện ở Hà Nội tuần qua, dư luận hết sức lo lắng về chất lượng tân dược tại các nhà thuốc.

Trong số hơn 500.000 đơn vị thuốc hết HSD vừa bị phát hiện tại 3 cửa hàng ở Hà Nội, có đủ cả thuốc kháng sinh, thần kinh, cai nghiện...

Thuốc là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh và những sai phạm trong lĩnh vực này khiến người dân rất lo lắng. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Thủ đoạn “tân trang” các loại thuốc này hết sức đơn giản: Loại đóng trong hộp giấy được tẩy xóa rồi in HSD mới hoặc sửa HSD; dạng viên nén đóng bao phim in HSD bằng dấu chìm được cắt góc vỉ để qua mắt người mua, khiến người dùng không thể biết còn HSD hay không... Khoảng 70 chủng loại tân dược khác nhau - trong đó có cả các thuốc đặc trị như thuốc thần kinh, dạ dày, cai nghiện ma túy, chữa bệnh tiểu đường, hen xuyễn, an thần, hạ sốt trẻ em, bổ sung sắt cho phụ nữ có thai... - cũng được “phù phép” theo cách này.

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Trong thực tế, tình trạng thuốc bị tẩy xóa HSD, thuốc sai về hàm lượng, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc... đã tồn tại từ lâu trên thị trường dược phẩm. Trong vòng 1 năm qua, cơ quan chức năng đã bắt giữ hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm chức năng quy mô lớn.

Đơn cử, vào tháng 9-2015, cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã phát hiện một nhà thuốc ở TP An Giang kinh doanh 38 kg tân dược hết HSD trà trộn với thuốc còn hạn dùng. Cũng trong năm 2015, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng phát hiện gần 200 kg thuốc hết HSD tại một quầy kinh doanh tân dược ở huyện Như Xuân. Các loại thuốc này đã hết HSD từ các năm 2011, 2012, 2013...

Với người dân, việc mua phải những loại thuốc bị tẩy xóa HSD là khá phổ biến. Cách đây ít ngày, chị Hoàng Thị Hà (ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) tá hỏa khi lỡ uống 2 viên Spasmaverine (giảm đau bụng) rồi mới phát hiện vỉ thuốc chị mua không có ngày tháng sử dụng. “Vỉ thuốc giá chỉ vài ngàn đồng, không hiểu sao nhà thuốc lại có thể coi thường tính mạng người bệnh đến như vậy” - chị Hà bức xúc.

Với kinh nghiệm gần 20 năm kinh doanh tân dược, chị Vũ Thị Thanh (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho rằng chuyện bán thuốc hết HSD không có gì lạ. Việc này diễn ra hằng ngày, thậm chí là “miếng cơm manh áo” của không ít nhà thuốc, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ.

“Nhiều người khi đến nhà thuốc vừa báo bệnh xong, nhân viên lập tức đưa cho những túi thuốc được chia liều theo từng lần uống. Chính việc lập lờ khi xé lẻ và chia liều thuốc có thể khiến người bệnh vô tình mua phải những loại tân dược cận HSD hoặc hết hạn mà không biết” - chị Thanh lo ngại.

Theo chị Thanh, việc xóa bỏ HSD phổ biến và dễ dàng nhất vẫn là cắt đầu vỉ thuốc có in HSD. “Người ta sẽ cố gắng cắt để đường viền mới của vỉ thuốc trông như thật. Nếu tinh ý, người mua có thể dễ dàng nhận ra đường cắt mới sắc và hơi ráp. Với những thuốc chỉ in số, người bán có thể sẽ sửa số cuối như 2006 thành 2008. Tình trạng “phù phép” HSD thuốc ngày càng tinh vi, đôi khi chính các nhà bán lẻ cũng không thể biết được. Nhiều loại thuốc chỉ cần dùng dụng cụ cạo, kéo, bút tẩy, bút bi hoặc lấy cồn lau HSD là xong nhưng cũng có loại phải dùng máy móc. Người ta sẽ lột đi lớp vỉ bên ngoài và đóng lại. Với những loại này, người trong ngành đôi khi cũng không thể biết được mà cần phải qua thiết bị kiểm tra” - chị cho biết.

Để có lợi nhuận cao, những loại tân dược được “thổi” HSD thường là thuốc ngoại, đắt tiền và nhu cầu sử dụng lớn như: kháng sinh, tim mạch, huyết áp, giảm đau... Theo tiết lộ của một nhân viên có thâm niên hàng chục năm kinh doanh tân dược, các thủ đoạn “nâng đời” cho thuốc hết HSD ở phía Nam còn tinh vi hơn phía Bắc.

Thuốc là mặt hàng vốn được quản lý chặt chẽ, khắt khe bởi tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng. Riêng với những loại thuốc cận HSD, theo quy định, các công ty sản xuất, phân phối phải thu hồi và tiêu hủy.

Cũng theo quy trình, việc thu hồi thuốc được thực hiện sau khi hệ thống kiểm nghiệm nhà nước lấy mẫu phân tích, xác định chất lượng rồi gửi kết quả về cơ quan quản lý. Trong quy trình này, sở y tế các địa phương có trách nhiệm thông báo để các cơ sở kinh doanh, sử dụng biết; tiến hành thu hồi, hoàn trả thuốc về nhà cung ứng; kiểm tra, giám sát việc thu hồi, lưu hành thuốc bị thu hồi trên địa bàn. Đồng thời, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải ngừng phân phối thuốc đó; trong thời gian không quá 5 ngày phải thông báo thu hồi đến tất cả cơ sở phân phối, đơn vị sử dụng đã mua thuốc và báo cáo về cơ quan quản lý trong vòng 30 ngày.

Tuy nhiên, theo một số nhân viên nhà thuốc, trên thực tế, việc thu hồi tân dược cận HSD, kém chất lượng... chậm trễ hơn nhiều. Thậm chí, kể cả khi đã có quyết định thu hồi thì nhà phân phối cũng mặc kệ, vẫn để các nhà thuốc “tự xử” với mớ hàng hết HSD hoặc vi phạm về chất lượng.

“Phụ trách việc theo dõi thuốc bị thu hồi nên tôi thường phải chủ động tìm kiếm nguồn thông tin qua báo đài hoặc trang web của Cục Quản lý dược và một số Sở Y tế. Nhiều loại thuốc tôi biết mười mươi đã có quyết định thu hồi nhưng khi hỏi thông tin từ nhân viên phân phối thì chỉ nhận được câu trả lời “để xem lại”. Thậm chí, với một số thuốc của hãng dược khá lớn mới bị thu hồi cách đây ít tháng, nhân viên hãng này còn khẳng định “vẫn bán bình thường, bữa sau sẽ có quy định gia hạn”. Đáng ngại hơn là ngay trong bệnh viện, vẫn có những đơn thuốc được bác sĩ kê loại đã bị đình chỉ lưu hành và thu hồi 3-4 tháng trước” - chị Trần Hà Vi, nhân viên một hiệu thuốc ở Hà Nội, tiết lộ.

Theo chị Vi, để “tiêu hủy” số tân dược hết HSD mà nhà phân phối không chịu lấy về, hiệu thuốc của chị chỉ còn cách cho vào túi ni-lông đen rồi ném thẳng vào xe chở rác. “Chúng tôi làm vậy nhằm tránh tình trạng có người nhặt số thuốc hỏng này về bán giá bèo cho các cửa hàng tân dược, rồi chúng bị tẩy xóa HSD để bán cho người bệnh” - chị giải thích.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết các vụ vi phạm lớn về hành nghề y dược tư nhân bị phát hiện thời gian qua chủ yếu là nhờ các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành y tế và sự hỗ trợ của lực lượng công an, QLTT. “Nếu chỉ phạt tiền cơ sở vi phạm thì chắc chắn không đủ sức răn đe. Ngay đến biện pháp tước giấy phép hành nghề tạm thời cũng chưa đủ mạnh vì chỉ khoảng 5-6 tháng sau là cơ sở được hoạt động trở lại” - ông băn khoăn.

Theo ông Yên, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo phòng y tế các quận - huyện lên kế hoạch rà soát lại toàn bộ các nhà thuốc, cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc, không chỉ phạt tiền mà còn đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hành nghề. Thậm chí, tùy mức độ vi phạm, nếu thấy nghiêm trọng sẽ đề nghị khởi tố hình sự” - ông nhấn mạnh.

Theo quy định, hành vi làm thay đổi HSD tân dược bị xử phạt đến 40 triệu đồng; kèm theo đó là tước giấy chứng nhận đủ điểu kiện kinh doanh không thời hạn đối với cơ sở kinh doanh, hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc không thời hạn; buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc vi phạm. “Cần phải tăng nặng mức chế tài đối với những hành vi này, nếu sự việc có tính chất nghiêm trọng thì còn phải xử lý hình sự và phạt tù để răn đe” - nhiều bác sĩ kiến nghị.

Năm 2015, Cục Quản lý dược không ít lần áp dụng mức xử phạt cao nhất với các công ty dược có sai phạm trong việc sản xuất, kinh doanh thuốc. Đơn cử, Công ty Austin Pharma Specialties Company (Hồng Kông) và Công ty CSPC Innovation Pharmaceutical Company (Trung Quốc) bị xử phạt vi phạm hành chính 160 triệu đồng, buộc nộp lại 30.625 USD có được do kinh doanh nguyên liệu omeprazol, pantoprazol không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cục Quản lý dược còn quyết định rút toàn bộ số thuốc do Công ty Austin Pharma Specialties Company đứng tên đăng ký ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp dược khác cũng bị phạt 50-80 triệu đồng và rút giấy phép hoạt động do những vi phạm về chất lượng thuốc.

PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học của Bộ Y tế, lưu ý rằng HSD của thuốc chính là “ngưỡng thời gian mà trước đó thuốc vẫn bảo đảm chất lượng và hiệu quả điều trị”.

Theo ông Truyền, sử dụng thuốc hết HSD làm cho việc điều trị không đạt được kết quả như mong muốn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh nếu đó là các “thuốc cứu mạng” trong những bệnh hiểm nghèo. Thuốc kháng sinh quá HSD có thể gây hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc (lờn thuốc) do thuốc không còn đủ hiệu lực tiêu diệt vi khuẩn. Trong một số trường hợp khi thuốc quá HSD, các dược chất có thể phân hủy, tạo ra những chất độc cho cơ thể hoặc các chất gây dị ứng, sốc phản vệ (với thuốc tiêm)...

“Luật Dược coi việc thay đổi, sửa chữa thông tin về HSD ghi trên nhãn mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi sản xuất thuốc giả” - PGS Truyền nhấn mạnh

Bộ Y tế cảnh báo rượu bia gây hàng trăm loại bệnh tật nguy hiểm

http://vietq.vn/bo-y-te-canh-bao-tac-hai-nguy-hiem-cua-ruou-bia-d80576.html

Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo liệu thống kê của WHO về ca tử vong do hậu quả của rượu bia, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường và ung thư chiếm tới 46% tổng số ca tử vong, tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa (xơ gan).

Theo WHO, không có một tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại do nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia khác nhau. Thậm chí một số nhóm đối tượng nguy cơ cao hoặc cá nhân dễ bị tổn thương còn bị tăng tính nhạy cảm đối với tính độc, kích thích tâm thần và gây nghiện của rượu bia. Nói một cách khác, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.

Theo các số liệu nghiên cứu công bố trong “Báo cáo về sử dụng rượu bia tại Cộng đồng Châu Âu năm 2012”, nguy cơ tử vong do bệnh tật và tai nạn thương tích sẽ tăng lên đáng kể nếu một người uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn trong một ngày, và nguy cơ tử vong tăng tương quan với mức độ uống.

Tháng 1/2016, Cơ quan y tế của Vương quốc Anh đã ban hành Khuyến nghị mới về sử dụng đồ uống có cồn thay thế cho khuyến nghị cũ được ban hành từ năm 1995, trong đó cảnh báo rằng uống rượu bia với bất kỳ mức độ nào cũng làm tăng nguy cơ gây các bệnh ung thư, đồng thời khuyến cáo để phòng chống tác hại do rượu bia gây ra, nam giới không nên uống quá 14 đơn vị trong 1 tuần (1 đơn vị uống của Anh tương đương với 8 gram cồn nguyên chất).

Bộ Y tế cảnh báo tác hại nguy hiểm của rượu biaRượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh. Ảnh minh họa

Như vậy, việc phân loại các mức độ nguy cơ chỉ có tính chất tương đối, nhằm mục đích đưa ra các biện pháp can thiệp cộng đồng phù hợp để giảm tác hại do sử dụng rượu bia. Thông thường có thể chia các mức độ nguy cơ đối với sử dụng rượu bia như sau:

Mức nguy cơ thấp: Để giảm thiểu nguy cơ, không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần. Đặc biệt không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho nặng lên.

Mức có hại : Là mức độ/cách thức sử dụng làm tăng nguy cơ gây hại đối với sức khỏe và hậu quả xã hội. Mặc dù có thể chưa chịu các tác hại trực tiếp về sức khoẻ nhưng có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính (ung thư, bệnh tim mạch,…), nguy cơ chấn thương, bạo lực hay các hành vi liên quan đến pháp luật, giảm khả năng làm việc, các vấn đề xã hội do nhiễm độc rượu bia gây nên.

Mức nguy hiểm: Là mức độ/cách thức sử dụng gây ra các hậu quả có hại đối với sức khỏe về thể chất hay tâm thần hoặc các hậu quả xã hội. Mức độ sử dụng này gây ra những tổn thương cấp tính hoặc lâu dài đối với sức khỏe về thể chất (tổn thương gan, suy chức năng gan, xơ gan, bệnh tim mạch,…) hay tâm thần (trầm cảm, loạn thần,…) hoặc các hậu quả xã hội khác (tai nạn thương tích, bạo lực, giảm khả năng làm việc...).

Nghiện: Là tình trạng lệ thuộc vào rượu bia, đặc trưng bởi sự thèm muốn (nhu cầu uống mãnh liệt), mất kiểm soát (không thể ngừng uống mặc dù rất muốn dừng), tăng mức độ dung nạp, ảnh hưởng đến thể chất. Sử dụng rượu bia ở mức này là tình trạng bệnh lý và thuộc nhóm bệnh tâm thần được quy định tại Phân loại bệnh tật quốc tế lần thứ 10 (ICD-10) của WHO.

Hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm không đúng bởi vì tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng). Một vấn đề đáng quan tâm khác đó là rượu bia gây lệ thuộc làm cho người uống không tự kiểm soát được hành vi uống của bản thân. Chất cồn là một chất hướng thần gây nghiện nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng.

Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sắp tới, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác, Cục Y tế dự phòng mạnh mẽ khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu bia, đặc biệt không uống khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, khi vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có các tình trạng bệnh lý phải tránh đồ uống có cồn.

Singapore bác bỏ thông tin khoai lang Việt Nam có độc tố

http://daidoanket.vn/suc-khoe/singapore-bac-bo-thong-tin-khoai-lang-viet-nam-co-doc-to/84460

Cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm và nông sản Singapore (AVA) mới đây đã khẳng định loại khoai lang được trồng tại Việt Nam và nhập khẩu vào Singapore hoàn toàn an toàn như tin đồn thất thiệt đang lan truyền trên mạng xã hội tại Singapore.

Sự việc bắt đầu từ việc một người dùng Facebook đã đăng tải hình ảnh khoai lang Việt Nam chuyển sang màu lục sau khi được cho đã luộc, cất phần ăn không hết vào tủ lạnh, rồi hôm sau hâm nóng bằng lò vi sóng. Người này cũng dẫn lời một bác sỹ nói rằng khoai lang này đã được trồng trên khu vực nhiễm “chất độc da cam,” đồng thời khuyến cáo không nên đến hay mua nông sản từ Việt Nam.

Tuy nhiên, AVA đã bác bỏ thông tin trên, khẳng định “chất độc da cam không phải nguyên nhân khiến khoai lang chuyển sang màu xanh lục.” Theo AVA, khoai lang nhập khẩu từ Việt Nam có các chất flavonoid (một loại chất chống oxy hóa), và những thành phần tan trong nước có thể gây ra thay đổi màu sắc.

Tuyên bố của AVA cho rằng “màu xanh lục của khoai lang có thể là phản ứng tự nhiên sau khi các thành phần tan trong nước của khoai lang tiếp xúc với không khí”.

Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với phía AVA đề nghị cơ quan này tiến hành kiểm nghiệm và công bố kết quả. Sau khi kiểm tra, AVA khẳng định khoai lang Việt Nam có chất lượng tốt và hoàn toàn không gây vấn đề cho sức khỏe.

Người dân vô tư mua bán thuốc không đơn

http://daidoanket.vn/suc-khoe/nguoi-dan-vo-tu-mua-ban-thuoc-khong-don/84459

Kết quả khảo sát gần đây do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp thực hiện cho thấy, cứ 10 người dân thì có tới 9 người mua thuốc kháng sinh mà không hề có đơn bác sĩ. Riêng lượng thuốc kháng sinh đã chiếm tới 1/4 số thuốc được bán ra mỗi ngày ở  hầu khắp các hiệu thuốc. Điều đáng lo ngại là con số này chỉ khiến ngành chức năng giật mình chứ người dân nói chung vẫn dửng dưng.

Thói quen mua thuốc mà không có đơn thuốc, tư vấn của bác sĩ không còn là vấn đề mới lạ ở Việt Nam. Có mặt tại một hiệu thuốc trên đường Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội trong khoảng 2 giờ đồng hồ chúng tôi thấy duy nhất một người đến mua thuốc mang theo đơn.

Một số người cao tuổi vì không nhớ tên thuốc hoặc cẩn thận thì mang theo vỏ hộp thuốc hoặc vỉ thuốc cũ ra quầy mua cho cẩn thận. Người ta có thể mua được ở đây từ các thuốc đơn giản như vitamin C, vitamin B1 đến cả thuốc kháng sinh như ampicillin, ammoxicilin, cephalexin, azithromycin...

Một bé gái khoảng 9-10 tuổi chạy vào hiệu thuốc hồn nhiên đưa một mẩu giấy nhỏ bằng bàn tay cho cô bán thuốc trên đó ghi khá rõ ràng tên 4 loại thuốc, số lượng mua gồm thuốc kháng sinh, thuốc long đờm, thuốc ho, men tiêu hóa. Ngay lập tức “đơn thuốc” được phục vụ với giá gần một trăm năm mươi ngàn đồng.

Theo cháu bé về nhà trong con ngõ nhỏ cách hàng thuốc khoảng 60-70 mét, dù ngạc nhiên với sự đường đột nhưng mẹ cháu bé- chị Thủy thật thà cho biết: Vài năm nay tôi thường mua thuốc cho con ở tiệm thuốc gần nhà. Trước đây, lúc cháu còn nhỏ, mỗi lần con ho, tôi vẫn thường cho cháu đi khám ở bệnh viện hay các phòng khám. Dù đông mấy cũng kiên nhẫn chờ, nhiều hôm khám xong cho con mất cả nửa ngày. Sau này, ngại đông, mỗi lần con ho trở lại tôi lại mang đơn cũ ra mua, kể tuổi và cân nặng cho người bán thuốc nhờ họ tăng liều. Tôi vẫn giữ các đơn thuốc cũ, rồi sau này tôi cứ ước lượng theo cân nặng của con mà tự ghi vào giấy rồi đi mua. Uống 3 ngày không hết, tôi mua thêm ba ngày nữa là khỏi.

Hỏi sao lại quyết định thế, chị Thủy bảo lần nào đưa con đi khám lại cũng thấy bác sĩ làm thế cả, cũng có lần đổi sang thuốc kháng sinh khác, nhưng ít thôi. Cũng có lần mua theo đơn nhưng nhân viên bán thuốc bảo không có loại trong đơn mà bán cho loại có tính chất tương tự, thì cũng được có sao đâu.

Đến phòng khám mà chị Thủy bảo vẫn thường khám cho con lúc nhỏ ở trên đường Bạch Mai chúng tôi thấy phía trong là phòng khám gồm một bác sĩ rất già và một phụ tá trẻ cũng mặc trang phục blouse trắng. Bà bác sĩ khám và đọc thuốc cho tên thuốc cho phụ tá ghi vào đơn. Phía ngoài là quầy thuốc tây. Bệnh nhân khám xong ra quầy thuốc phía ngoài mua theo đơn. Nhưng cũng có nhiều người khách vãng lai đến mua không đơn, ai mua thuốc gì cũng bán. Có cả những bà mẹ mang theo đơn cũ ở phòng khám này đến mua thuốc, nhân viên bán thuốc còn nhiệt tình hỏi có cần pha chế sẵn không?...

Trò chuyện với một số phụ huynh tự đi mua thuốc, đặc biệt là kháng sinh vể điều trị cho con, thì đa số đều không hề biết gì về dược lý của thuốc. Ít người đọc hết tờ hướng dẫn sử dụng về thành phần thuốc hay những cảnh báo về tác dụng phụ khi sử dụng quá liều, quá ngày… Quầy thuốc bán sao, họ sử dụng vậy, chỉ cần hết bệnh là được.

Vào bệnh viện khám vừa chờ đợi mệt mỏi, vừa tốn tiền, nhiều khi bị bắt làm đủ thứ xét nghiệm, mỗi lần con cảm sốt thông thường thì lấy đơn cũ ra mua, nếu không cứ kể tình trạng bệnh, nhân viên bán thuốc cũng bán cho đủ cả. Uống vào thấy đỡ là ổn rồi, chị Diệp ở Đê La Thành chia sẻ. Theo chị Diệp, bản thân chị và những người trong gia đình chẳng may đau đớn nặng phải mổ xẻ mới phải đến bệnh viện, chứ cảm sốt, đau đầu, đau răng, nhức mỏi chân tay…thì ra hiệu thuốc mua là xong. Người bán thuốc sẽ tư vấn cho mình dùng thuốc phù hợp.

Đến nhiều quầy thuốc rải rác ở các đường phố, khu dân cư, ngõ ngách trong khắp thành phố, trừ các quầy thuốc ở bệnh viện, chúng tôi đều chứng kiến được cảnh vô tư mua các loại thuốc mà không cần đơn. Về phía các nhà thuốc thì nhân viên thường ít hỏi đơn, gần như không hỏi người mua về tiền sử dị ứng thuốc, không tư vấn cho bệnh nhân đi khám ở bệnh viện khi bệnh nặng hơn. Nhiều nhân viên bán thuốc cho biết họ thường bán thuốc theo kinh nghiệm, mà kinh nghiệm thì thường đúng cả.

Nói về sự nguy hiểm của việc sử dụng đơn cũ mua thuốc, GS.TS Lê Ngọc Trọng- nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mỗi đơn thuốc chỉ dùng cho 1 lần khám và điều trị duy nhất, không nên sử dụng ở các lần mua thuốc tiếp theo cho trẻ em vì cơ thể trẻ thay đổi nhanh, liều thuốc trước không thể đáp ứng kịp và không mang lại hiệu quả điều trị tốt cho lần sau. Có thể ở một số bệnh có các triệu chứng giống nhau, tuy nhiên bệnh lý khác nhau thì sẽ có các loại thuốc đặc trị khác nhau.

Về lo lắng này, bác sĩ Bùi Văn Khánh- Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Việc tự ý mua và bán các loại thuốc điều trị có thể dẫn tới các tai biến nguy hiểm. Ngay cả với những loại thuốc đơn giản, thông thường cũng có thể xuất hiện các phản ứng phụ không mong muốn. Người bệnh nên dành thời gian đi khám để được biết chính xác tình trạng bệnh của mình. Bình thường người dân rất xem nhẹ việc khám lại, thấy đỡ là dừng thuốc. Khi đi khám lại bác sĩ sẽ cho biết có nên đổi thuốc hay không.

Theo các bác sĩ, người dân vì thiếu hiểu biết nên vẫn thường tự ý mua thuốc để chữa bệnh. Còn với những cơ sở bán thuốc, họ quá hiểu nguy cơ này nhưng vẫn vô tư bán thuốc là điều cơ quan chức năng cần rà soát và chấn chỉnh. Để tình trạng này kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến việc kháng thuốc trở nên nghiêm trọng hơn.

Về tình trạng kháng thuốc gia tăng trong cộng đồng, cuối năm 2015, tại buổi họp báo về “Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc” do Bộ Y tế tổ chức, ông Cao Hưng Thái- Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết theo một khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh tại gần 3.000 hiệu thuốc ở nông thôn và thành thị phía Bắc, thì có 88-91% hiệu thuốc bán kháng sinh không cần đơn. Những bệnh thường mua kháng sinh nhiều nhất là ho (gần 32%) và sốt (gần 22%).

Theo ông Nguyễn Việt Cường- Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, tại khoản 1 Điều 40 của Nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cảnh cáo, phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với hành vi bán thuốc trong danh mục “thuốc bán theo đơn” mà không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, số lượng nhà thuốc bị phạt trên thực tế là rất ít ỏi.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để giảm thiểu tình trạng mua bán thuốc không kê đơn, các thành phần cần vận động là: thầy thuốc, cán bộ y tế, bệnh nhân, người bán thuốc. Trước mắt thầy thuốc và cán bộ y tế bắt buộc phải chỉ định kê đơn dùng thuốc kháng sinh hợp lý.

Mở phòng khám điều trị trẻ bệnh xương thủy tinh

http://nld.com.vn/suc-khoe/mo-phong-kham-dieu-tri-tre-benh-xuong-thuy-tinh-20160117214431131.htm

Phòng khám điều trị bệnh xương thủy tinh đầu tiên tại Việt Nam đã đi vào hoạt động tại Làng Cá sấu Sài Gòn (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM) vào cuối tuần qua sau nhiều năm nghiên cứu, thực nghiệm.

Phòng khám mang tên Diamond Bone, được sử dụng liệu pháp kết hợp y học cổ truyền với bài thuốc cao xương cá sấu và bài thuốc y dược dân tộc để điều trị.

 Trẻ mắc bệnh xương thủy tinh đang được điều trị tại Làng Cá sấu Sài Gòn

Trẻ mắc bệnh xương thủy tinh đang được điều trị tại Làng Cá sấu Sài Gòn

 Tại buổi ra mắt, bác sĩ Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM, cho biết liệu pháp này gồm 4 nội dung: tập luyện, tinh thần, thực dưỡng và thuốc (cung cấp collagen để giúp xương khỏe và chắc); được thực hiện trong quá trình điều trị bệnh xương thủy tinh, loãng xương, thoái hóa khớp. Đến nay, đã có khoảng 100 trẻ mắc bệnh xương thủy tinh được điều trị thoát khỏi những cơn đau nhức kéo dài, trong đó giảm gãy xương cho hơn 80% trường hợp, giúp phục hồi vận động đi lại 40%.

Dịp này, phòng khám tổ chức điều trị miễn phí cho trẻ mắc bệnh xương thủy tinh thuộc diện gia đình nghèo; các trường hợp khó khăn, thương binh, hưu trí, gia đình chính sách được giảm từ 20% đến 60% chi phí.

Hiểm họa từ bao cao su giả

http://nld.com.vn/suc-khoe/hiem-hoa-tu-bao-cao-su-gia-20160117215246757.htm

Bao cao su giả thường kém chất lượng, dễ rách nên nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục rất lớn và không có tác dụng phòng tránh thai

Mặc dù bao cao su (BCS) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe song sản phẩm này vẫn chưa được kiểm soát về chất lượng.

Tràn lan trên thị trường

Mới đây, cơ quan chức năng TP Hà Nội đã bắt 1 tấn BCS giả, trên vỏ ghi nước sản xuất là Malaysia nhưng xuất xứ từ Trung Quốc. Một số “đầu nậu” cho biết số BCS này sẽ được bán cho các nhà nghỉ… “theo ký” và tuồn vào các hiệu thuốc. Trước đó, tháng 7-2015, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội cũng bắt giữ gần 700.000 BCS giả mạo xuất xứ hàng hóa. Thông tin trên khiến không ít người tiêu dùng hoang mang và lo lắng. Chị Trần Ánh Ngọc (ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết sau khi sinh bé đầu tiên, vợ chồng chị thường sử dụng BCS để tránh thai. Các sản phẩm này được chị mua ở hiệu thuốc gần nhà. Thế nhưng, không ít lần cả vợ chồng chị bị dị ứng và mắc bệnh phụ khoa khi dùng BCS. “Bản thân tôi có cơ địa dị ứng nên cứ nghĩ rằng mình không phù hợp với loại BCS này nhưng có lần cả ông xã cũng bị dị ứng, mụn rộp. Nay nghe thông tin này, tôi cho rằng có lẽ mình đã mua phải sản phẩm kém chất lượng” - chị Ngọc nói. Đọc thông tin trên, anh Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ Gia Lâm, Hà Nội) không khỏi bức xúc bởi khi đến nhà thuốc mua BCS, người ta đưa thì anh nhét vào túi mang về chứ mang ra săm soi làm gì mà biết thật hay giả.

Một ca tư vấn về sức khỏe sinh sản ở Hà Nội

Một ca tư vấn về sức khỏe sinh sản ở Hà Nội

Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), trên thị trường Việt Nam có hàng chục loại BCS khác nhau với nhiều xuất xứ như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật, Đức… và cũng có nhiều loại không xuất xứ. Mặc dù BCS ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe song hầu hết người mua chỉ chú ý đến mẫu mã và giá cả sản phẩm chứ không quan tâm có phải là hàng thật hay không, của nhà sản xuất nào và hạn sử dụng ra sao. Theo ước tính, trung bình mỗi năm, người dân Việt Nam sử dụng từ 500-600 triệu BCS, đại đa số là dành cho nam giới. Tuy nhiên, có đến 85% BCS bán ở thị trường tư nhân nên nguy cơ người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, mua phải BCS giả là rất lớn. Một nghiên cứu khác tại TP HCM và Hà Nội cho thấy 26% BCS bán ngoài thị trường không đạt chất lượng. Các sai sót chất lượng của các lô BCS này là thủng lỗ, sai kích thước, chất bôi trơn không đạt, test nổ (độ đàn hồi) không chuẩn. Nhu cầu cao cũng khiến BCS trở thành hàng hóa dễ làm giả, làm nhái có xuất xứ từ nhiều xưởng sản xuất nhỏ lẻ chủ yếu ở Trung Quốc “tràn” vào Việt Nam.

Nguy cơ dị ứng, vô sinh

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), hiện BCS vẫn được quy định là hàng hóa thông thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe nên không phải chịu kiểm duyệt về chất lượng. Nguyên nhân là trước đây, BCS chủ yếu do nhà nước bao cấp, được phát miễn phí theo kênh cộng tác viên dân số đến từng gia đình. Tuy nhiên hiện nay, nhà nước không còn bao cấp BCS cho mọi đối tượng nữa mà chỉ trợ giúp “phương tiện” cho người nghèo, người dân tộc thiểu số… Trong khi thị trường BCS cũng nở rộ với hàng chục loại khác nhau, nhập từ nhiều nước trên thế giới. Người dân không chỉ dùng BCS như biện pháp tránh thai, tránh bệnh mà còn có nhu cầu tăng cảm xúc, giúp thăng hoa trong đời sống lứa đôi. Tuy nhiên, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở các sản phẩm kém chất lượng là chất tạo độ trơn không bảo đảm, độ liên kết đàn hồi thấp, dễ bị rách, có mùi hóa chất khá mạnh, nét chữ trên bao bì thường mờ, nhòe, vỏ bao khó xé…

Nói về những tác hại từ BCS giả, không bảo đảm chất lượng, nhiều bác sĩ cảnh báo để tiết kiệm chi phí, nhà sản xuất sẽ thay thế bằng các chất liệu rẻ tiền khiến tăng nguy cơ phát sinh, lây nhiễm các bệnh phụ khoa và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Hơn nữa, do quy trình sản xuất BCS giả không an toàn, không được kiểm định về chất lượng nên đây còn là môi trường lý tưởng của các loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Nếu sử dụng và bị viêm nhiễm trong thời gian dài, người dùng có thể  bị các bệnh phụ khoa, nam khoa, thậm chí vô sinh. Bên cạnh đó, BCS chất lượng kém còn có khả năng bị thủng, rách bất cứ lúc nào. Điều này sẽ dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn hoặc lây nhiễm các bệnh tình dục như HIV, lậu, giang mai...

Theo ông Nguyễn Văn Tân, không chỉ BCS mà nhiều sản phẩm khác như: miếng dán tránh thai, kem bôi trơn… phục vụ đời sống tính dục vẫn bị coi là hàng hóa loại 1, không bị kiểm soát chất lượng, trong khi chúng có tác động rất lớn đến sức khỏe con người. Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo thông tư, đưa các loại phương tiện tránh thai như BCS, miếng dán, kem bôi trơn... vào danh mục hàng hóa loại 2 - là loại hàng hóa phải kiểm soát chất lượng vì có ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Đưa trung tâm ung bướu lớn nhất miền Trung vào hoạt động

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dua-trung-tam-ung-buou-lon-nhat-mien-trung-vao-hoat-dong-20160116225331682.htm

Ngày 16-1, Bệnh viện Trung ương Huế đã khánh thành và đưa vào sử dụng trung tâm ung bướu. Đây là đơn vị điều trị các bệnh về ung bướu thuộc loại hiện đại nhất miền Trung với 4 khoa: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ và đơn vị nghiên cứu phòng chống ung thư.

Trung tâm có các trang thiết bị hiện đại, xây dựng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Áo (trị giá 17 triệu euro) và 200 tỉ đồng từ trái phiếu Chính phủ.

Máy xạ trị gia tốc hiện đại nhất thế giới Elekta Axesse tại trung tâm ung bướu

Máy xạ trị gia tốc hiện đại nhất thế giới Elekta Axesse tại trung tâm ung bướu

 

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định việc đưa vào sử dụng trung tâm này góp phần điều trị và cung ứng các loại hóa trị đối với bệnh nhân khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Bịch máu vượt 600km để cứu bệnh nhân 81 tuổi

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bich-mau-vuot-600km-de-cuu-benh-nhan-81-tuoi-20160117090938897.htm

2 đơn vị máu sống được huy động ngay tại tỉnh, 1 chuyến xe cấp cứu đặc biệt vượt 600km cả đi và về để chuyên chở 1 đơn vị máu từ Viện huyết học truyền máu Trung ương Hà Nội về Nghệ An. Tất cả chạy đua với thời gian để có máu cứu bệnh nhân thiếu máu thuộc nhóm cực kỳ hiếm (Rh-B).

Ngày 15/1/2016, Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận bệnh nhân Dương Thị Hưng (81 tuổi, Hưng Thông, Hưng Nguyên) nhập viện trong tình trạng mất máu rỉ rả qua đường âm đạo suốt 1 tháng qua. Qua thăm khám và siêu âm, bác sỹ khoa Sản phát hiện có thương tổn ở cổ tử cung bệnh nhân trên thể trạng bệnh nhân già yếu.

Nhận định tình hình nguy cấp, ngày 16/1/2016, ê kíp phẫu thuật Sản khoa quyết định tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, một vấn đề lớn phát sinh là bệnh nhân có nhóm máu hiếm, trong khi nhóm máu dự trữ tại Trung tâm Huyết học truyền máu Tỉnh đã không còn, phương án huy động ngân hàng máu sống được tận dụng. 2 đơn vị máu từ chị Nguyễn Thị Hạnh và Phan Thị Thùy (TP. Vinh) được khẩn trương chuyển về bệnh viện.

Mặt khác, Bệnh viện HNĐK Nghệ An liên hệ với Viện huyết học truyền máu Trung ương để đặt máu. Tuy nhiên, do nhóm máu cực kỳ hiếm, Viện cũng chỉ còn 1 đơn vị máu (250ml) của nhóm máu Rh-B. Nhận định, “giọt máu giọt vàng”, một chuyến xe cấp cứu được bệnh viện lập tức lên đường ra Hà Nội để vận chuyển máu về truyền cấp cứu bệnh nhân.

Nhớ lại buổi chiều nhận tin có bệnh nhân đang cần máu truyền cấp cứu, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hạnh (khoa Thần kinh, Bệnh viện HNĐK Nghệ An) ngay lập tức tham gia hiến máu. Bất kể ngày nghỉ cuối tuần và tiết trời mưa phùn gió bấc, nữ điều dưỡng sẻ chia những giọt máu thuộc nhóm rất hiếm của mình để kịp thời cứu bệnh nhân.

“Bản thân là người cán bộ y tế, tôi hiểu rõ hơn ai hết, trong cuộc sống, những người có nhóm máu hiếm Rh-B, khả năng gặp rủi ro cao hơn những người có nhóm máu khác. Khi họ cần phải truyền máu, thì không phải lúc nào cũng có sẵn nhóm máu hiếm đó. Trước đây, khi bệnh viện phát động chương trình ngân hàng máu sống, tôi đã đăng ký danh sách, sẵn sàng cho máu để cứu sống người bệnh. Đến hôm nay, khi bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện tôi đang công tác, thấy bệnh nhân cần máu trong tình trạng nguy cấp vậy, không ngần ngại, tôi đăng ký hiến máu của mình. Bệnh nhân cần, cũng như bản thân tôi cần vậy. Tính mạng bệnh nhân là quan trọng nhất”. Điều dưỡng Hạnh tâm sự.

Chị Hoàng Thị Thủy, con gái bệnh nhân dường như bớt chút âu lo khi thấy máu được huy động kịp thời: “Mẹ tôi tuổi đã cao, thêm tâm lý e ngại khi phải đi viện nên mặc dù bị ra máu âm đạo cả tháng nay nhưng không chịu đi khám. Thêm nữa, cả đời mẹ cũng chưa bao giờ làm xét nghiệm nên gia đình không biết mẹ có nhóm máu hiếm như vậy. Khi bác sỹ thông báo cần người cùng nhóm máu hiếm như mẹ, chúng tôi hoang mang vô cùng bởi cả 7 người con, không ai cùng nhóm máu với mẹ. Tính mạng mẹ tôi rất nguy kịch nếu không được truyền đủ máu. Rất may, hai bịch máu đã kịp thời được huy động từ ngân hàng máu sống, còn 1 bịch nữa từ Hà Nội về. Gia đình tôi rất cảm kích trước tấm lòng của các nhà hảo tâm đã cho máu”.

Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi hậu phẫu tích cực tại khoa Hồi sức Ngoại khoa. “Chúng tôi đang cố gắng kiểm soát ổn định huyết động và mạch cho bệnh nhân. Hy vọng, bệnh nhân có thể qua giai đoạn nguy kịch thì cơ thể sẽ tự điều chỉnh và sản sinh hồng cầu bù đắp thêm vào lượng máu đã mất”. BS. Thái Bình Dương, khoa Hồi sức Ngoại khoa nhận định.

Thử thuốc chấn động tại Pháp: 1 người chết não, 5 người bị tổn thương

http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/1741199/thu-thuoc-chan-dong-tai-phap-1-nguoi-chet-nao-5-nguoi-bi-ton-thuong

Đây là cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I với một loại thuốc mới do công ty dược Bial bào chế để điều trị bất ổn, căng thẳng thần kinh.

Theo trang công nghệ The Verge, cuộc thử nghiệm bắt đầu từ ngày 7/1 do công ty dược tư nhân Biotrial, đại diện cho công ty dược phẩm Bồ Đào Nha Bial tiến hành ở thành phố Rennes, Pháp. Được biết có khoảng 90 nam giới khỏe mạnh, tuổi từ 28-49 tham gia cuộc thử nghiệm với các liều lượng sử dụng thuốc khác nhau, 30 người khác được cho dùng giả dược để so sánh.

Trong một cuộc họp báo ngày 15/1 tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Touraine và một bác sĩ chuyên khoa thần kinh Pháp thừa nhận đã có 1 người chết não và 5 người khác đang trong tình trạng nguy kịch vì tham gia cuộc thử nghiệm thuốc này.

Cuộc thử nghiệm ngay lập tức bị đình chỉ và công ty này phải thu hồi thuốc mà các tình nguyện viên đã nhận trước đó. Hiện không rõ có bao nhiêu người liên quan tới cuộc thử nghiệm này. Theo thông tin trên nhiều phương tiện truyền thông cho thấy đây là 1 loại thuốc giảm đau có thành phần là cần sa và không được Bộ Y tế Pháp chấp thuận.

Tuy nhiên, bà Touraine đã bác bỏ thông tin này. Bà cho biết hoạt chất của thuốc thử nghiệm là endocannibinoids giúp kiểm soát tâm trạng và sự thèm ăn, trước khi thử nghiệm trên người thuốc đã được thử nghiệm trên tinh tinh.

Trong một tuyên bố khác vào ngày 15/1, công ty dược phẩm Bồ Đào Nha Bial khẳng định họ đã tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt và tốt nhất trong việc phát triển thuốc và thử nghiệm thực tế. Công ty này cam kết sẽ hợp tác với cuộc điều tra toàn diện và minh bạch nhằm xác định rõ những gì đã xảy ra. 

Theo quy định, các cuộc thử nghiệm thuốc mới đều phải thực hiện theo 3 giai đoạn để đánh giá độ an toàn và sự hiệu quả của thuốc. Giai đoạn 1 bao gồm một nhóm nhỏ người tình nguyện và chỉ tập trung xác định sự an toàn của thuốc. Giai đoạn 2 và 3 mở rộng quy mô thử nghiệm với nhiều người tình nguyện hơn nhằm đánh giá hiệu quả chữa bệnh của thuốc, dù sự an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Các chuyên gia ngành y nhận định sự cố này rất hiếm hoi. Giáo sư Jayne Lawrence tại Hội Dược phẩm Hoàng gia Anh cho biết, tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ, nhưng hầu hết tác dụng phụ đều rất nhẹ, không thể so sánh với hiệu quả điều trị nó mang lại.

Sự cố xảy ra tại Pháp là cực kỳ hiếm vì tiêu chuẩn thử nghiệm thuốc ở châu Âu rất nghiêm ngặt. Để cuộc thử nghiệm được tiến hành, những người có trách nhiệm phải trình ra được các yếu tố bảo đảm các tình nguyện viên sẽ được an toàn.

Được biết, ngoài Pháp, công ty Bial còn đang thử nghiệm loại thuốc này ở thành phố New Jersey của Mỹ.

Bệnh lậu có thể phát triển tới mức không có thuốc chữa

https://tinhte.vn/threads/benh-lau-co-the-phat-trien-toi-muc-khong-co-thuoc-chua.2540814/

Giám đốc trung tâm y tế Anh vừa phát đi thông điệp cảnh báo tới toàn thể các bác sĩ rằng bệnh lậu có thể sẽ phát triển tới mức không thể điều trị được nữa và khi đó, nhân loại sẽ quay trở về thời đại trước khi có penicillin. Tuy nhiên, viễn cảnh đáng sợ này có thể được trì hoãn hoặc thậm chí là phòng ngừa nếu các bác sĩ kê toa chính xác nhưng đáng buồn thay, điều này hiện chưa được thực hiện đúng, ít nhất là cho tới thời điểm này.

Có vẻ như đang khi y học đang cố gắng tìm cách chữa trị một căn bệnh, giúp việc quan hệ tình dục trở nên an toàn hơn, thì một căn bệnh khác lại vùng lên tới mức không thể kiểm soát. Và dưới góc độ nào đó, đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Khi mà càng ngày, các bác sĩ càng tìm ra được những phương pháp điều trị HIV tốt hơn thì ít nhất là tại các nước đang phát triển, người ta bắt đầu nhàm chán với các lời cảnh báo quan hệ tình dục không an toàn.

Nhiều người đọc được tin có thành tựu mới trong việc chữa trị HIV thì đã vội vàng nghĩ tới viễn cảnh "chân trần" khi quan hệ tình dục. Và điều này phần nào đã giải thích được tỷ lệ mắc các bệnh lây qua đường tình dục ( STD) như giang mai, lậu,... đang tăng nhanh không chỉ tại Mỹ mà còn nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, trong tỷ lệ người chết do HIV/AIDS đang trên đà giảm dần.

Đối với bệnh lậu, tỷ lệ truyền nhiễm bệnh cùng với khả năng kháng thuốc đang tăng lên rõ rệt tại nhiều khu vực trên thế giới. Hồi tháng 3 năm ngoái, một đợt bùng phát bệnh lậu kháng thuốc được báo cáo tại thành phố Leeds và nhanh chóng lây lan sang các thị trấn khác tại phía Bắc nước Anh. Và đây không phải là lần đầu tiên vi khuẩn lậu cầu Neisseria gonorrhoeae phát triển tới mức kháng thuốc. Tuy nhiên, hiện nay thì những loại thuốc đặc trị được phát triển trước đây không còn hiệu quả nữa. Và các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cảnh báo rằng tình hình có thể nhanh chóng vượt quá tầm kiểm soát.

Trước tình hình này, Hiệp hội sức khỏe tình dục và HIV Anh Quốc đã tiến hành những nghiên cứu và họ phát hiện rằng nhiều nhà thuốc trực tuyến đang cung cấp loại kháng sinh azithromycin trong khi trong đơn thuốc của nhiều bác sĩ, đây đã là một loại kháng sinh lỗi thời. Hầu hết mọi người đã nhiễm lậu nhưng không biểu hiện ra triệu chứng bên ngoài và khi đó, họ vẫn có thể lây cho người khác.

Đối với những người thiếu kinh nghiệm thì triệu chứng dễ thấy nhất là dịch màu xanh hoặc vàng chảy ra từ cơ quan sinh dục, chảy máu khi hành kinh và đau trong khi quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu. Mặc dù hiếm nhưng những bệnh nhân lậu có 20% nguy cơ dẫn tới ung thư tuyến tiền liệt và trẻ sơ sinh có thể bị mù bẩm sinh nếu người mẹ mắc bệnh.

Vào năm 2009, một chủng bệnh lậu gọi là H041 được xác định là không thể điều trị bằng bất cứ loại thuốc nào, bao gồm cả kháng sinh cephalosporin như ceftriaxone. Tuy nhiên khi đó thì chỉ có 1 trường hợp nhiễm H041 được báo cáo. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát ở Leeds thì đã có 16 trường hợp nhiễm và đấy chính là một dấu hiệu đáng báo động.

Đồng thời, khi Truvada được công bố như một cứu tinh của những người nhiễm HIV thì đồng thời, nó cũng dấy lên mối quan tâm rằng người ta sẽ chủ quan, thờ ơ tới việc sử dụng bao cao su, tạo điều kiện lây lan các bệnh khác. Và nỗi lo sợ này mặc dù vẫn còn gây tranh cãi, nhưng với thông điệp lần này của các bác sĩ Anh thì có lẽ, mọi việc đã khá rõ ràng. Hiện các nhà nghiên cứu lại tiếp tục tìm cách chống lại những chủng lậu đã kháng thuốc và thậm chí dù họ có giải quyết được vấn đề, thì sử dụng bao cao su là biện pháp an toàn để bảo vệ bản thân chống lại các căn bệnh nguy hiểm, không riêng gì HIV.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang