Rửa tay bằng xà phòng có thể phòng chống bệnh gì?
http://infonet.vn/rua-tay-bang-xa-phong-co-the-phong-chong-benh-gi-post179383.info
Rửa tay bằng xà phòng là một việc làm và đơn giản hàng ngày có thể phòng chống được rất nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện được điều đo. Bộ Y tế đã phát động chương trình này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ về việc rửa tay tốt cho sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.
Sáng 17/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức phát động Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” và Hưởng ứng “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng” năm 2015 với sự hỗ trợ của Quỹ Unilever Việt Nam và sự hưởng ứng của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội đồng đội Trung ương, Sở Y tế Hà Nội.
Tham dự và chủ trì buổi phát động là GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế. Hơn 3500 đại biểu mời tham dự chương trình. Theo giáo sư Long hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới đang bùng phát. Sự biến đổi của các tác nhân gây bệnh, việc đô thị hóa mạnh mẽ, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi thời tiết và khí hậu cực đoan, gia tăng giao thương đi lại là những yếu tố gây bùng phát dịch bệnh. Hơn nữa, nhận thức về tiêm chủng phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm của người dân chưa cao.
Do đó, để phòng chống dịch bệnh, người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, che mũi và miệng khi ho và hắt hơi, tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch. Tránh tiếp xúc gần (ăn, uống chung cốc chén...) với người nhiễm bệnh.
Buổi phát động diễn ra với nội dung: Phát động Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” và Hưởng ứng “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng”; Triển lãm giới thiệu các mô hình, hoạt động cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh (Vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, mô hình bếp sạch...); Tổ chức các hoạt động, sinh hoạt thiếu nhi hướng tới “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” và hưởng ứng “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng”, “Nối vòng tay lớn vì một Việt Nam khỏe mạnh”.
Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cũng như kêu gọi sự tích cực chủ động tham gia của từng cá nhân trong công tác phòng chống dịch bệnh, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt trước tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp với nhiều bệnh dịch mới nổi và các dịch bệnh bùng phát trở lại trong những năm gần đây như sốt xuất huyết, tay chân miệng, ...
Ngày 15 tháng 10 hàng năm được Liên Hiệp Quốc chọn là "Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng" nhằm mục tiêu vận động người dân trên toàn thế giới chủ động giữ vệ sinh sạch sẽ, phòng tránh các bệnh dịch do thiếu nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân gây ra. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm bệnh tiêu chảy giết chết 2,2 triệu trẻ em trên toàn cầu, hầu hết dưới 5 tuổi, chiếm tới 4% tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên, các căn bệnh do vi rút, vi khuẩn gây nên hoàn toàn có thể được phòng ngừa bằng biện pháp can thiệp y tế đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả: rửa tay với xà phòng diệt khuẩn. Chỉ một động tác rửa tay sạch bằng xà phòng có thể giảm đến 35% nguy cơ lây truyền bệnh tiêu chảy và phòng chống nhiều bệnh khác như nhiễm khuẩn đường hô hấp, sởi, tay chân miệng, cúm A (H5N1, H1N1), MERS-CoV… Rửa tay với xà phòng không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn là hành động thiết thực phòng tránh dịch bệnh cho cả cộng đồng.
Ông Trần Vũ Hoài - Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại Công ty TNHH Unilever Việt Nam chia sẻ: “Sau chặng đường 8 năm hợp tác với Bộ Y tế và tạo được nhiều hiệu ứng tích cực, chúng tôi tin tưởng dự án sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng, nhất là trong việc thay đổi nhận thức của các em nhỏ để hướng gần hơn đến mục tiêu bảo vệ 25 triệu trẻ em thoát khỏi dịch bệnh đến năm 2020”.
Khánh Ngọc
Bệnh viện E thực hiện tốt kỹ thuật vá thông liên thất điều trị bệnh lý tim mạch phức tạp
Đó là thông tin được PGS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện (BV) E trung ương cho biết tại lễ kỷ niệm 48 năm thành lập BV và 5 năm hoạt động Trung tâm tim mạch diễn ra ngày 17-10.
BV E trung ương là BV đa khoa trung ương hạng I trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập ngày 17-10-1967. Trải qua 48 năm xây dựng và phát triển, hiện BV có quy mô hơn 850 giường bệnh và trên 500 bác sĩ, y tá, điều dưỡng và nhân viên y tế khác.
Thời gian qua, BV đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao. Trong năm 2014, BV là cơ sở đầu tiên triển khai kỹ thuật vá thông liên thất ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ. Đến nay, kỹ thuật này đã được thực hiện thường quy tại BV với 212 bệnh nhân mắc các bệnh lý thông liên nhĩ, thông liên thất, thay van, sửa van, cắt u nhầy nhĩ, bắc cầu chủ - vành… được chỉ định phẫu thuật thành công. Kết quả sau mổ, các bệnh nhân đều hồi phục nhanh, không gặp biến chứng và ra viện sau 5 - 7 ngày.
Dịp này, BV E trung ương đã khánh thành khu hồi sức cấp cứu được trang bị hiện đại, đáp ứng các phẫu thuật chuyên sâu.
Xuân Lộc
Gánh nặng từ căn bệnh tan máu bẩm sinh
http://laodongthudo.vn/ganh-nang-tu-can-benh-tan-mau-bam-sinh-27484.html
Bệnh tan máu bẩm sinh có biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Người mắc bệnh liên tục thiếu máu và phải điều trị suốt đời.
Bà Nông Thị Tiến, 57 tuổi, bà của cháu Tú, 8 tuổi, quê ở xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn buồn rầu cho biết, năm Tú 1 tuổi, cơ thể bỗng nhiên xanh xao, da vàng và chậm lớn. Gia đình đưa em đi khám và các bác sĩ cho biết Tú mắc bệnh máu tan bẩm sinh. Muốn duy trì được sự sống, hằng tháng Tú phải được đưa đến bệnh viện để truyền máu và thải sắt.
Theo Th.s – BS Vũ Hải Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, việc điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tùy thuộc vào thể bệnh, mức độ, diễn biến mà có những biện pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, những biện pháp điều trị chính là: Truyền máu (khối hồng cầu), thể nặng phải truyền ít nhất 8 lần/năm, dùng thuốc thải sắt, điều trị các biến chứng kèm theo, các biện pháp điều trị khác... Để điều trị cho 20.000 bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh cần khoảng 480.000 đơn vị máu/năm. Số tiền để điều trị cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh khoảng 2.000 tỷ/năm. Ước tính chi phí điều trị cho một bệnh nhân TMBS thể nặng đến 30 tuổi là gần 3 tỷ đồng.
Để phòng bệnh tan máu bẩm sinh, theo bác sĩ Toàn, biện pháp tốt nhất là những người có cùng gen bệnh không nên kết hôn, vì con sinh ra có nguy cơ bị bệnh tan máu bẩm sinh rất cao.
Còn theo GS.TS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội tan máu bẩm sinh Việt Nam, biểu hiện của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thiếu máu. Ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị biến chứng và tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Đặc biệt, với những người mang gen bệnh - thể ẩn, thường không có biểu hiện lâm sàng nhưng lại chiếm số đông. Vì không biết mình mang gen bệnh nên khi người bệnh kết hôn cùng người khác, trẻ sinh ra có thể bị mắc bệnh. Tan máu bẩm sinh không thể chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh phải sống với nó cả đời. Bên cạnh đó, tổn thương về tinh thần với người bệnh khá lớn khi không có khả năng đi học, làm việc vì sức khỏe quá yếu.
Trang Thu
19 sản phẩm bị thu hồi xác nhận phù hợp an toàn thực phẩm
http://cand.com.vn/doi-song/19-san-pham-bi-thu-hoi-xac-nhan-phu-hop-an-toan-thuc-pham-369506/
19 sản phẩm của Công ty TNHH một thành viên Trung Ân Việt Hàn (quận 7, TP Hồ Chí Minh) bị Cục ATTP (Bộ Y tế) thu hồi Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/10/2015.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, nguyên nhân là do Công ty này không hoạt động kinh doanh tại địa chỉ ghi trên Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và nhãn sản phẩm đã được Cục ATTP xác nhận. 19 sản phẩm đó là: lá kim nướng dầu mè Kwang Cheon, tương ớt vị tỏi Uiseong Hàn Quốc (1.000g), nước ép táo nguyên chất 100%, nước ép táo nguyên chất 100%, rượu Chateul Soorok, gạo Hàn Quốc, kim chi hiệu Quê tôi, kim chi hiệu Chinh An, bột ớt đỏ (đóng túi), bột ớt đỏ (đóng hũ), dâu khô Hàn Quốc sấy lạnh hiệu Troo, bánh Crispy từ 21 loại ngũ cốc (đóng gói), táo khô Hàn Quốc sấy lạnh hiệu Troo, nước cốt thanh yên, kim chi hiệu Leecho, lá kim trà xanh dầu Olive Kwang Cheon, tương ớt vị tỏi Uiseong Hàn Quốc và sữa chuối.
Thanh Hằng
Số người ngộ độc tập thể ở Quảng Bình tăng lên 163 người
http://vtv.vn/xa-hoi/so-nguoi-ngo-doc-tap-the-o-quang-binh-tang-len-163-nguoi-20151018080326617.htm
Theo tổng hợp mới nhất từ cơ quan chức năng, số nạn nhân trong vụ ngộ độc tập thể hiện đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã lên đến 163 người.
Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm trên diện rộng xảy ra ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, ngày 17/10, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có thêm bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đuối sức vì đau bụng, sốt và tiêu chảy kéo dài. Đáng chú ý, chuỗi cửa hàng bán thức ăn nhanh - nơi nghi vấn là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc hàng loạt - đã đóng cửa từ 3 ngày trước, nhưng số bệnh nhân lại vẫn tiếp tục tăng.
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, ngày thứ tư kể từ khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, số bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, thành phố Đồng Hới, do ngộ độc vẫn đang tăng. Riêng trong ngày 17/10, đã có thêm 17 bệnh nhân nhập viện.
Theo tổng hợp mới nhất từ cơ quan chức năng, số nạn nhân trong vụ ngộ độc tập thể hiện đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã lên đến 163 người. Ngoài một số đã xuất viện, nhiều trường hợp vẫn đang phải tích cực điều trị do sức khỏe chưa ổn định.
Dự kiến, ngày 19/10/2015, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình sẽ có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm và thực phẩm liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm trên diện rộng này.
Trung Hiếu ,Anh Tú
Dừng viện trợ thuốc cho bệnh nhân HIV: Nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại?
Thuốc kháng virus HIV (ARV) được sử dụng tại Việt Nam từ năm 2004 đã giúp hàng trăm nghìn bệnh nhân chiến đấu với căn bệnh này. Từ 400 người, đến nay sau hơn 10 năm đã có khoảng hơn 100.000 người nhiễm HIV ở Việt Nam được điều trị bằng ARV, 95% kinh phí cho nguồn thuốc này nhờ vào viện trợ của các tổ chức quốc tế. Vì vậy, thông tin các tổ chức quốc tế sẽ giảm dần và tiến tới dừng viện trợ cho bệnh nhân HIV trong năm 2017 tới đã khiến nhiều người lo lắng.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, điều trị ARV làm giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%, đồng thời còn làm giảm gánh nặng điều trị cho gia đình, ngành y tế. Hiện nước ta đã có hơn 312 phòng khám ngoại trú và 526 điểm cấp phát thuốc ARV tại xã, phường. Chương trình điều trị cũng đã được triển khai tại 23 trại giam và 33 trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội. Theo thống kê của Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay dịch HIV trên toàn quốc đã có dấu hiệu chững lại, giảm tới 50% số ca nhiễm mới.
Số ca tử vong vì AIDS cũng đã giảm từ 150.000 xuống còn 11.000 trường hợp/năm. Cộng đồng quốc tế đánh giá, nếu có đủ nguồn lực và đầu tư một cách hiệu quả vào công tác dự phòng, điều trị, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xóa bỏ HIV vào năm 2030.
Tuy nhiên, chúng ta đang và sẽ phải đối mặt với những khó khăn không hề nhỏ. Đầu tiên là sự thay đổi về cơ chế, chính sách đã khiến chương trình phòng chống HIV/AIDS không còn là mục tiêu Quốc gia, mà chỉ là một dự án trong chương trình Dân số - KHHGĐ, do vậy ngân sách chi cho chương trình cũng bị hạn chế. Đặc biệt là thời gian tới, hàng loạt tổ chức quốc tế sẽ giảm dần và tiến tới dừng viện trợ cho hoạt động phòng, chống HIV của Việt Nam.
Theo đúng lộ trình, từ tháng 3-2016, các nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân mắc HIV mới và đến hết năm 2017 các khoản viện trợ nêu trên sẽ chấm dứt hoàn toàn. Nhiều người lo lắng nếu không có những giải pháp tích cực để bù lại khoảng hụt này thì việc điều trị gián đoạn và bùng phát trở lại đại dịch HIV là kịch bản có thể xảy ra.
Không để xảy ra kịch bản xấu
Người nhiễm HIV/AIDS nếu không có thuốc ARV để uống sẽ tăng khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và sẽ tử vong; nếu không được uống thường xuyên và liên tục sẽ gây nguy cơ HIV kháng thuốc dẫn đến chi phí điều trị tăng gấp 7-8 lần. Việc gia tăng số người nhiễm HIV và nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội sẽ làm tăng chi phí y tế, chi phí an sinh xã hội mà người nhiễm HIV hoặc Chính phủ phải chi trả. Vì vậy, việc duy trì điều trị HIV bằng thuốc ARV luôn cần phải được đảm bảo.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Thực tế đã chứng minh, không có quốc gia nào mà HIV có thể tự mất đi mà không có đầu tư. Và chúng ta càng đầu tư sớm khi mà HIV còn khu trú ở một số nhóm đối tượng thì càng dễ và càng đỡ tốn kém. Nếu đầu tư muộn sẽ tốn kém và khó khăn hơn. Vì vậy trong điều kiện khó khăn chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì và trong những năm tới còn phải mở rộng hơn nữa”.
Chi phí thuốc ARV điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay là khoảng 10.000 đồng/ngày/bệnh nhân. Theo tính toán thì nếu nguồn viện trợ bị cắt giảm hoàn toàn, chúng ta sẽ phải cần đến khoảng 420 tỷ đồng mỗi năm cho kinh phí mua thuốc ARV. Việc bệnh nhân HIV tự chi trả cho thuốc là khó khả thi vì hầu hết người nhiễm HIV là những người không có khả năng tự chi trả cho việc điều trị liên tục và suốt đời. Vì vậy khó khăn lớn nhất là làm thế nào chúng ta có đủ nguồn tài chính mua thuốc ARV để tiếp tục cung cấp cho khoảng gần 100.000 người đang được điều trị hiện nay và để mở rộng cho 90% người nhiễm HIV được phát hiện, tức là khoảng 200.000 người được điều trị vào năm 2020 như chúng ta đã đặt ra mục tiêu và đã cam kết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, trước mắt Chính phủ cần đầu tư nguồn Ngân sách Nhà nước để mua thuốc ARV bù đắp vào các thiếu hụt do sự cắt giảm tài trợ của các tổ chức quốc tế. Song song với đó, cần thực hiện các biện pháp để có thể chi trả điều trị ARV qua bảo hiểm y tế. Bản thân người nhiễm HIV cũng cần phải chia sẻ với Nhà nước, bằng cách mua BHYT. “Theo thống kê của chúng tôi thì chỉ có 30% số người nhiễm HIV điều trị ARV là có bảo hiểm. Trong thời gian tới chúng ta phải phát triển tỷ lệ có bảo hiểm cao hơn nữa, phấn đấu đến 2020 khoảng 70-80% số người nhiễm HIV điều trị ARV có bảo hiểm y tế để có nguồn tài chính chi trả”.
Một giải pháp khác cũng được đưa ra, đó là khuyến khích các công ty cung ứng thuốc ARV tập trung sản xuất các mặt hàng thuốc chủ yếu cho người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam tuy có khả năng sản xuất thuốc ARV trong nước, nhưng mới chỉ sản xuất được thuốc phác đồ điều trị bậc 1 trong khi đó, số bệnh nhân cần thuốc phác đồ điều trị bậc 2 lại đang gia tăng.
Trâm Anh
Đi tìm sự thật về hội chứng “ăn” tế bào máu
http://suckhoedoisong.vn/me-va-be/benh-u-mau-o-tre-em-20121122101213134.htm
Từ những cơn sốt bình thường, nếu không để ý, người bệnh có thể mắc hội chứng “ăn” tế bào máu hay còn gọi là hội chứng thực bào máu, gây nguy cơ tử vong rất cao. Nó được biết đến như một bệnh hiếm gặp trong y văn. Hiện, nhiều người dân và ngay cả đội ngũ y, bác sỹ còn nhiều bỡ ngỡ khi nói về căn bệnh này.
Nếu không phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến tử vong
Để làm rõ thông tin về căn bệnh do hội chứng “ăn” tế bào máu gây ra gây xôn xao dư luận, sáng 12/10, PV báo ĐS&PL có cuộc gặp gỡ với bác sỹ Nguyễn Thành Úc, Phó khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa khu vực Tiền Giang, nơi đang điều trị cho một bệnh nhi mắc phải căn bệnh này. Bác sỹ Úc cho biết: “Vào ngày 18/9 vừa qua, bé Phạm Văn D. (8 tháng tuổi, nhà ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông) được gia đình đưa vào bệnh viện khu vực Gò Công, vì cháu bị sốt cao liên tục bốn ngày.
Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán cháu D. bị sốt xuất huyết Dengue ở trẻ nhũ nhi, nên đã làm thủ tục chuyển đến bệnh viện tỉnh Tiền Giang. Sau khi tiếp nhận, các y, bác sỹ tại khoa Nhi bệnh viện Tiền Giang chẩn đoán bệnh nhân D. bị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo. Ngay sau đó, chúng tôi đã tiến hành điều trị truyền dịch cho bệnh nhân”.
Khác với những ca sốt xuất huyết khác, trong quá trình điều trị, bệnh nhân D. vẫn sốt liên tục, đau bụng, nôn ói. Bác sỹ Úc cho hay: “Thông thường, với bệnh sốt xuất huyết thì đến ngày thứ bảy hoặc chậm nhất là ngày thứ mười, biểu hiện sốt đã chấm dứt. Nhưng với cháu D., sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn sốt cao, gan sưng chắc, lách to, thử máu thấy các tế bào máu bị giảm thấp, men gan và dự trữ sắt trong máu tăng bất thường, bệnh nhân bị thiếu máu.
Những kết quả xét nghiệm này cho thấy, bệnh nhân có các dấu hiệu của hội chứng thực bào máu sau khi nhiễm siêu vi trùng sốt xuất huyết Dengue. Ngay khi phát hiện, chúng tôi tiến hành điều trị bằng kháng sinh, ức chế miễn dịch rồi chuyển bệnh nhân D. lên bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM tiếp tục điều trị vào ngày 24/9. Cho đến ngày 12/10, tôi có nhận được thông tin từ bệnh viện Nhi đồng 1, là cháu D. đã hoàn toàn khỏi bệnh và được xuất viện”.
Trao đổi với PV, người thân của bệnh nhi Phạm Văn D. cho biết: “Khi bé D. bắt đầu sốt, gia đình cứ nghĩ cháu cảm sốt gì thôi. Sau đó, thấy bé D. sốt nhiều ngày liên tiếp, nghi sốt xuất huyết, gia đình đưa tới bệnh viện cấp cứu. Trong thời gian này, gia đình tôi nghĩ bé bị sốt xuất huyết và các bác sỹ cũng vậy. Phải sau khi hết 7 ngày, chu kỳ của sốt xuất huyết chấm dứt nhưng bé vẫn không hết sốt. Lúc này, các bác sỹ mới nghi vấn bé mắc hội chứng “ăn” tế bào máu. May mắn là các bác sỹ đã cứu chữa kịp thời nên bé D. mới hết bệnh”.
Nói về nguyên nhân dẫn đến hội chứng “ăn” tế bào máu, bác sỹ Úc phân tích: “Đây không phải là bệnh lạ mà là một căn bệnh hiếm gặp. Trường hợp của cháu D. là ca bệnh thứ hai được phát hiện tại bệnh viện Đa khoa Tiền Giang. Về chuyên môn, hội chứng “ăn” tế bào máu (Hemophagocytic lymphohistiocytosis), là tình trạng các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu bị các đại thực bào ở tủy xương thực bào.
Quá trình “thực bào” này có thể tấn công vào da, xương, phổi, gan, lách, nướu răng, mắt, tai và hệ thần kinh trung ương. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tỉ lệ tử vong khoảng 50%. Khi cơ thể nhiễm virus EBV, CMV... hoặc nhiễm vi khuẩn Sal.typhi, E.coli; nhiễm ký sinh trùng; mắc các bệnh ác tính như ung thư máu, ung thư hạch... thì cơ thể người bệnh sẽ bị kích hoạt các tế bào thực bào”.
“Tế bào thực bào có nguồn gốc từ tế bào gốc vạn năng, có ở trong tủy xương. Hệ thống miễn dịch bị tác động mạnh, nhiều chuỗi phản ứng miễn dịch xảy ra mạnh đến mức cơ thể không thể kiểm soát được. Chính phản ứng quá mức của các tế bào miễn dịch, sự phóng thích quá nhiều các chất phản ứng trung gian từ các bạch cầu những tế bào gốc bị nhiễm và biệt hóa trở thành một nhóm tế bào chuyên biệt có khả năng thực bào gây ra các biểu hiện của hội chứng “ăn” tế bào máu. Ngoài ra, việc bệnh nhân mắc phải hội chứng này cũng có thể do nguyên nhân bẩm sinh gây ra”, bác sỹ Úc nói thêm.
Trả lời PV về những nguy hiểm tiềm ẩn dẫn đến hội chứng kỳ lạ này, bác sỹ Úc cho hay: “Nếu bệnh được phát hiện muộn và không điều trị kịp thời thì dễ dẫn đến tử vong chỉ sau vài tuần xuất hiện hội chứng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nhân được phát hiện sớm, và đã được điều trị, nhưng tỉ lệ tử vong tới 50%.
Về việc phòng ngừa hội chứng “ăn” tế bào máu, chủ yếu là tránh để bé bị nhiễm vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng, vi nấm... Vì nó có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta, khiến cho các đại thực bào “nổi loạn”, không kiểm soát được. Sau một nhiễm khuẩn bất kỳ, dù rất hiếm gặp, nếu bé bị thiếu máu nặng kèm sốt cao, gan lách sưng... thì phải cảnh giác bé có thể mắc chứng “ăn” tế bào máu, để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Bệnh gặp nhiều ở trẻ nhỏ, đôi khi cũng gặp ở trẻ lớn hơn”.
Tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang bùng phát dịch sốt xuất huyết, do đó, các bác sỹ khuyến cáo, người dân nên nhập viện điều trị sớm để phát hiện kịp thời căn bệnh hiếm gặp này. Trao đổi với PV, bác sỹ chuyên khoa 2, Giám đốc bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, Phù Chí Dũng khẳng định: “Đây là căn bệnh hiếm gặp, phức tạp và nguy cơ tử vong cao, nên khi có những biểu hiện liên quan bệnh nhân cần nhập viện sớm để có phác đồ điều trị kịp thời. Thông thường, những bệnh nhân sốt cao kéo dài từ 380c trở lên và thời gian kéo dài một tuần trở lên kèm theo những biểu hiện như nhiễm trùng, có thể kèm theo thiếu máu, sốt xuất huyết da niêm (hầm da), sốt xuất huyết niêm mạc, các biểu hiện về gan, lách to... thì cần nhập viện theo dõi ngay”.
Tuy nhiên, để khẳng định bệnh nhân sốt cao có mắc hội chứng “ăn” tế bào máu hay không, thì đòi hỏi các bác sỹ phải tiến hành làm nhiều xét nghiệm khác nhau, như xét nghiệm huyết đồ, có tình trạng giảm 2 -3 tế bào gốc, có tình trạng triglyceric máu, tăng ferrin máu, giảm fibrinogen, làm chọc hút tủy xương có hiện tượng thực bào các tế bào máu.
Phải có các tiêu chuẩn này thì mới kết luận bệnh nhân có mắc bệnh hiếm gặp hay không. Bệnh xuất hiện ở hai dạng, nguyên phát và thứ phát. Nguyên phát là do tính chất gia đình, bác sỹ cần tìm đột biến gene để chẩn đoán điều trị. Thứ phát, gồm ba yếu tố: Thứ nhất, bệnh nhân nhiễm trùng như nhiễm siêu vi, nấm. Thứ hai là do tự miễn. Và thứ ba là do mắc phải sau khi bệnh nhân bị ung thư...
Để điều trị theo phác đồ thích hợp, bệnh nhân cần được theo dõi và nhập viện sớm nhất để tiến hành xét nghiệm kịp thời, vì khi bệnh nhân mắc hội chứng này, nguy cơ tử vong rất cao, khó điều trị. Một số trường hợp cần ghép tế bào gốc điều trị. Khuyến cáo người dân, cần phải theo dõi đặc biệt khi có người nhà bị sốt. Sau 2 -3 ngày không giảm bớt sốt nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để điều trị, chẩn đoán bệnh.
Hiện tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang là cao trào của dịch sốt xuất huyết, nên người dân cần phải theo dõi tích cực hơn và nhập viện sớm nhất để được theo dõi điều trị kịp thời. Đặc biệt, người dân không được tự ý mua thuốc bên ngoài để tự điều trị. Tại Việt Nam căn bệnh này rất hiếm nên khi nói những vấn đề liên quan, có thể nhiều người dân sẽ không hình dung được đặc điểm của bệnh.
Đáng nói, căn bệnh này còn mới mẻ với người dân Việt Nam nên việc nhắc tới khái niệm chữa bệnh cho họ cũng hiếm người hiểu được. Thậm chí đội ngũ y, bác sỹ cũng nhiều người chưa biết đến hội chứng này. Mỗi một trường hợp nhiễm trùng khác nhau. Do đó để chẩn đoán chính xác căn bệnh này cũng rất khó khăn và phức tạp.
Bác sỹ Phù Chí Dũng cho biết thêm: “Tại bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, mỗi tháng có từ 1 -2 ca mắc hội chứng này. Mỗi bệnh nhân nhập viện nếu có biểu hiện nghi ngờ, chúng tôi theo dõi rất chặt chẽ. Các bác sỹ cũng khá vất vả để tiến hành cho làm xét nghiệm chẩn đoán về căn bệnh hiếm này.
Hiện nay tại bệnh viện chúng tôi, có một bệnh nhân đang nghi ngờ mắc hội chứng này. Tất cả những bệnh nhân mắc hội chứng đều chuyển từ tỉnh thành khác tới TP.HCM chữa trị. Do chúng tôi muốn bảo vệ thông tin cho bệnh nhân nên chúng tôi không thể cung cấp hình ảnh, cũng như thông tin về bệnh nhân này được”.
Thơ Trịnh – Lành Nguyễn
Quảng Nam: 64 ổ dịch và 578 người bị sốt xuất huyết
http://daidoanket.vn/khoa-giao/quang-nam-64-o-dich-va-578-nguoi-bi-sot-xuat-huyet/71052
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (TT YTDPT) cho biết đã có 64 ổ dịch được phát hiện với 578 người có kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết.
Theo TTYT DPT, năm nay lại là năm chu kỳ dịch, tuy nhiên nhiều người dân vẫn còn khá chủ quan trong công tác phòng chống khiến số ca bệnh tiếp tục tăng. Hiện tại, cán bộ y tế và lực lượng chức năng được thường xuyên tổ chức diệt bọ gậy, lăng quăng, phun thuốc sát trùng các điểm dịch nhưng theo ghi nhận, ý thức của người dân về bệnh dịch vẫn còn thấp, thiếu sự hưởng ứng. Trong những ngày tới, song song với việc tiếp tục duy trì, mở rộng việc phun thuốc khử trùng, diệt muỗi, ra quân diệt bọ gậy, ngành y tế cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin để người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh.
Tấn Thành
Bé 2 tuổi nhét dị vật vào miệng em 3 tháng tuổi
Trong lúc chơi với em 3 tháng tuổi, anh 2 tuổi đã nhét vào miệng em dị vật là một công tắc đèn cùng với cục pin điện tử. Bệnh nhi đã được các bác sĩ BV Nhi đồng 2 xử trí bằng nội soi cấp cứu gắp dị vật ra khỏi thực quản và đường tiêu hóa.
Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vừa tiếp nhận xử trí một trường hợp dị vật đường ăn ở bé trai 3 tháng tuổi. Bệnh nhi là con bà H.T.K ở Đăk Lăk, được bệnh viện tỉnh chuyển đến ngày 12/10. Đây là trường hợp đặc biệt vì dị vật do trẻ 2 tuổi nhét vào miệng bé.
Trước đó, khoảng 19 giờ 11/10, anh của bé (2 tuổi) nhét vào miệng bé dị vật. Người nhà ngay khi phát hiện đã đưa bé đến bệnh viện tỉnh, sau đó bé được chuyển viện lên Nhi đồng 2. Tại đây, sau khi tiến hành chụp phim, các bác sĩ phát hiện dị vật là công tắc đèn còn vướng ở vị trí thực quản, cục pin điện tử đã xuống sâu hơn (ruột).
Tại khoa Liên chuyên khoa bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ đã tổ chức hội chẩn ngay tức thì và đưa ra giải pháp nội soi cấp cứu cho bệnh nhi. Sau đó bé được bác sĩ tai mũi họng nội soi và gắp dị vật ở thực quản là công tắc đèn, riêng cục pin điện tử do đã xuống ruột nên chuyển bé qua khoa tiêu hoá để theo dõi tiếp.
Trường hợp này thêm một lần nữa cảnh bảo quý bậc phụ huynh về tính nghiêm trọng của các loại đồ chơi, thức ăn có kích thước nhỏ đối với các bé. Các bé có thể nhét vào mũi, tai, nuốt vào họng hoặc nhét vào họng, mũi, tai các bé khác. Đặc biệt, cục pin điện tử là một dị vật có tính ăn mòn mạnh, không bao giờ để vật này trong tầm tay các bé. Các bậc phụ huynh cũng lưu ý không nên để trẻ 2-3 tuổi chơi với em nhỏ mà không có sự giám sát của người lớn, vì trẻ thường bắt chước động tác cho ăn của người lớn, dễ dẫn đến việc nhét dị vật vào miệng em nhỏ.
Minh Trí
Vingroup khởi công Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=74&NewsId=360510
Sáng 18.10, Tập đoàn Vingroup tổ chức khởi công Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.
Tổng vốn đầu tư xây dựng bênh viện khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Bệnh viện có quy mô 400 giường bệnh, 14 chuyên khoa (Khám bệnh, Hồi sức cấp cứu, Nội tổng hợp, Nhi, Sản, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm...) với khả năng đáp ứng 200.000 lượt khám ngoại trú mỗi năm. Dự kiến trong giai đoạn 1, Bệnh viện sẽ đưa 200 giường bệnh vào hoạt động trong năm 2017.
Khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng sẽ trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tiêu chuẩn quốc tế dành cho người dân thành phố, đồng thời đáp ứng nhu cầu về dịch vụ y tế chất lượng cao của du khách trong nước và quốc tế đến với Hải Phòng và các vùng phụ cận.
Vinmec Hải Phòng là bệnh viện thứ 6 trong Hệ thống y tế Vinmec được khởi công trên toàn quốc, sau các Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tại Hà Nội, Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang và TP Hồ Chí Minh, cùng chuỗi 2 phòng khám đa khoa quốc tế của Tập đoàn Vingroup.
Phát động chiến dịch “Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40”
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/VanHoa-XaHoi/2015/10/779CFE97AF93ED34/
Bộ Y tế vừa chính thức phát động chiến dịch “Tầm soát ung thư vú ngay khi sang tuổi 40” , diễn ra trong hai ngày 16 - 17/10/2015, tại 14 bệnh viện và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và Tp.HCM.
Chiến dịch lần này nằm trong khuôn khổ Tháng Phòng chống ung thư vú thế giới và chào mừng kỷ niệm 85 năm thành lập hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1935 – 20/10/2015). Đây là một trong những hoạt động thuộc giai đoạn 4 của chiến dịch “We care for her – Vì phụ nữ, vì ngày mai” được thực hiện từ năm 2013 đến nay do Bộ Y tế, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày Mai Tươi Sáng tổ chức.
Trong khuôn khổ chiến dịch, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày Mai Tươi Sáng sẽ phối hợp với hệ thống các bệnh viện có chuyên khoa ung thư tại Hà Nội và Tp.HCM triển khai khám sàng lọc miễn phí ung thư vú. 12.000 phụ nữ Việt Nam từ 40 tuổi trở lên sẽ được khám lâm sàng, siêu âm vú và chụp nhũ ảnh các trường hợp nghi ngờ ác tính nhằm phát hiện sớm ung thư vú.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Chiến dịch cũng diễn ra các khóa tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về chuyên môn cho y, bác sĩ trong phòng chống và kiểm soát bệnh ung thư vú tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Ung thư vú là một căn bệnh thường gặp trên thế giới. Ở Việt Nam, trung bình cứ 8 phụ nữ lại có 1 người mắc căn bệnh này. Điều đặc biệt, độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao là từ 40 tuổi trở lên”.
Theo ước tính, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 11.000 ca ung thư vú mắc mới với hơn 4.500 người tử vong. Trong đó, ung thư vú có HER2 dương tính, chiếm 25% trên tổng số bệnh nhân, được xem là loại ung thư vú có diễn tiến xấu và cần liệu pháp điều trị đặc hiệu.
Theo Bác sĩ Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện U bướu Trung ương, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, bệnh nhân mắc ung thư vú có thể chữa khỏi bệnh đến hơn 80%. Ở giai đoạn 2, tỷ lệ này là 60%, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn sẽ thấp và đến giai đoạn 4 thì việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.
Chính vì vậy, việc sàng lọc phát hiện sớm đóng một vai trò rất quan trọng. Các doanh nghiệp, tổ chức cần quan tâm sâu sắc hơn đối với phụ nữ có nguy cơ cao về bệnh ung thư vú bằng cách kêu gọi, khuyến khích, thậm chí hỗ trợ họ trong các chương trình tầm soát thường niên.
Việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ bước sang độ tuổi từ 40 trở lên là rất quan trọng, bởi hành động này không chỉ có ý nghĩa với chính người bệnh mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế - xã hội.
Được khởi xướng từ năm 2013, trong hai năm 2013 - 2014, Chiến dịch đã khám tầm soát ung thư vú miễn phí cho 4.000 phụ nữ tại 5 tỉnh, thành: Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Cần Thơ. Đã có 450 y, bác sĩ tham gia Chiến dịch với sự hỗ trợ của 15 tập đoàn trong và ngoài nước.
Để đăng ký tầm soát miễn phí, phụ nữ từ 40 tuổi trở lên có thể truy cập website của chương trình hoặc gọi điện thoại (8h-17h từ thứ 2 đến thứ 6), tại Tp. HCM: (08) 3911 2011, Hà Nội: 091.393.6658. Các chị em cũng có thể đăng ký tại bệnh viện: Tại Hà Nội gồm có Bệnh viện K Cơ sở 1 (phố Quán Sứ) và Cơ sở 3 (Tân Triều), Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai... Tại Tp. HCM gồm Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viên Chợ Rẫy, Bệnh viện Quận 2 và Bệnh viện Nhân dân 115...
Ly Ly
Nguy cơ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ
http://phapluattp.vn/suc-khoe/nguy-co-23-den-43-trieu-nam-gioi-khong-tim-duoc-vo-585412.html
Mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng cao tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Năm 2014, tỉ lệ này đã ở mức 112,2 bé trai/100 bé gái và xu hướng này đang có chiều hướng tiếp tục tăng. Đặc biệt, có 55/63 tỉnh/thành thừa nam giới ở mức báo động.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết như trên tại chiến dịch truyền thông “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi” do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam phát động ngày 17-10.
“Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ” - ông Tuấn cảnh báo.
Huy Hà
Không để người bệnh trả thêm khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế dự kiến thực hiện cuối tháng 11-2015 sẽ có tác động hỗ trợ tích cực đối với những người có thẻ BHYT.
Theo đó, toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, chi phí trực tiếp sẽ được kết cấu vào giá dịch vụ y tế và sẽ được Quỹ BHYT chi trả. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ quyết không thu thêm từ người bệnh những khoản đã được tính vào giá dịch vụ y tế.
Với những người chưa có thẻ BHYT (chiếm khoảng 27% dân số hiện nay) thì đến 1-3-2016 vẫn áp dụng theo giá dịch vụ y tế cũ.
Trước lo ngại BHYT phải chi trả tăng có nguy cơ vỡ quỹ, ông Sơn cho biết năm 2014 Quỹ BHYT kết dư hơn 5.000 tỉ đồng vì vậy có khả năng cân đối trong hai năm tới. “Đến năm 2018, khi viện phí tính đầy đủ 7/7 yếu tố cấu thành dịch vụ y tế thì bài toán cân đối quỹ mới được đặt ra và khi đó mới cân nhắc việc có điều chỉnh mức đóng BHYT hay không. Theo Luật BHYT, mức trần thu phí bảo hiểm được Quốc hội cho phép là 6% nhưng hiện đang thu 4,5%” - ông Sơn nói.
Huy Hà
Suýt bị liệt do u chèn ép tủy sống
http://phapluattp.vn/suc-khoe/suyt-bi-liet-do-u-chen-ep-tuy-song-585524.html
BV Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) với sự hỗ trợ của bác sĩ BV Chợ Rẫy vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật u tủy sống cổ cao cho bệnh nhân LVC (54 tuổi, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương).
Ngày 18-10, sau hai ngày phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt, sức cơ bên phải hồi phục 5/5 và sức cơ bên trái 4/5, cải thiện rối loạn cảm giác, tiểu tiện tự chủ.
Theo bệnh án, bệnh nhân đau cột sống cổ đã hơn hai năm. Cơn đau ngày càng tăng, lan xuống hai vai, hai tay, kèm theo tê hai tay và cả hai chân. Kết quả ảnh chụp MRI cho thấy bệnh nhân có u màng ống nội tủy, thương tổn thoát vị đĩa đệm, khả năng chèn ép đường đi của rễ thần kinh C5 bên phải… Các bác sĩ đã vi phẫu lấy từng phần u, bóc tách u khỏi tủy sống, cắt các sợi thần kinh dính chặt vào thân u.
“U tủy chèn ép trên 90% tủy sống, bệnh nhân sắp vào giai đoạn liệt tứ chi. Cần phải phẫu thuật u tủy sống, nếu không sẽ dẫn đến liệt tứ chi” - BS Đinh Văn Cội, Trưởng khoa Ngoại thần kinh BV Xuyên Á, cho biết.
Duy Tính
Phá thai tăng trong giới trẻ - Bài 1: Những lý do bỏ con...
http://phapluattp.vn/suc-khoe/pha-thai-tang-trong-gioi-tre-bai-1-nhung-ly-do-bo-con-585526.html
Một giờ trong phòng tư vấn kế hoạch hóa gia đình, chúng tôi đã ghi nhận được có muôn vàn lý do để phá thai.
LTS: Mỗi ngày có hàng trăm cô gái trẻ, trong đó có cả tuổi thiếu niên, đến các bệnh viện để phá thai, bất chấp những nguy cơ tai biến có thể dẫn đến tử vong đang rình rập…
10 người phụ nữ ngồi im lặng nghe nhân viên y tế tư vấn, một cô bé khoảng 17 tuổi khóc thút thít và lấy vạt áo che mặt như che đi sự xấu hổ.
Nước mắt tuổi 17
Tại phòng chờ ở khu vực kế hoạch hóa gia đình của một bệnh viện có khoa sản tại TP.HCM có khá đông chị em. Nơi đây có người mới đến chờ được tư vấn, có người vừa uống xong thuốc làm cho thai dừng phát triển và cũng có người vừa nạo hút thai… Những con người xa lạ nhìn nhau như tìm kiếm sự chia sẻ nỗi lo thầm kín trong lòng họ.
Một người phụ nữ chưa đến 40 tuổi dẫn theo đứa con gái còn trẻ măng mặc chiếc váy đen cũn cỡn đến xin phá thai. Cô bé ấy mới 17 tuổi và đang là học sinh lớp 12 nhưng đã trót dại ăn trái cấm và hiện đang mang cái thai đơn phương, tuổi thai đã 19 tuần.
Hai mẹ con nhìn nhau khá lạnh nhạt, không nói với nhau lời nào và có vẻ căng thẳng. Tỏ vẻ thông cảm cho cô bé lỡ dại, vị bác sĩ (BS) tư vấn hỏi: “Cháu không ngừa thai à?”. Cô bé lắc đầu. BS quay sang hỏi người mẹ: “Gia đình có cần thời gian suy nghĩ lại để giữ đứa trẻ không?”. Người mẹ nói: “Để nó sinh ra thì chết. Nó còn tương lai phía trước. Bỏ nó đi BS à!”. Rồi bà hỏi BS thời gian phá thai có lâu không, BS nói nếu suôn sẻ thì 3-5 ngày.
Vị BS giải thích rằng thai của cháu bé đã 19 tuần tuổi, đã quá lớn để điều hòa bằng phương pháp nạo, hút thai nên cho bé uống thuốc, làm cho thai nhi mất tim và cho sinh non. Việc này đồng nghĩa là cháu bé sẽ trải qua một lần sinh như một sản phụ. Khi thai nhi ra cửa âm đạo không suôn sẻ thì phải thủ thuật rạch âm đạo. “Khả năng chịu đựng của cháu bé thấp, sẽ bị stress sau này và cũng có nguy cơ tai biến…” - vị BS nói. Nhưng người mẹ xua tay, vẫn kiên quyết bỏ thai trong bụng con gái mình.
Khi người mẹ được mời ra ngoài chờ, vị BS hỏi: “Cháu có muốn giữ cái thai trong bụng không?”. Nghe đến đây, cô bé vừa gật đầu vừa khóc thút thít. Nhưng khi được BS hỏi tiếp: “Cháu có muốn về nói chuyện lại với mẹ để giữ cái thai không?” thì cô bé lại lắc đầu.
Cầm bịch thuốc trong tay, cô bé rời phòng tư vấn và qua phòng chờ uống thuốc dừng tim thai. Ngoài cửa, các thai phụ khác tiếp tục bước vào…
Một thai phụ cầm cuốn sổ khám thai, phiếu siêu âm đến xin tư vấn. Chị kể năm nay đã 40 tuổi, đã có một đứa con trai học lớp 12 và đứa con gái học lớp 7. Vợ chồng chị bán hàng ngoài chợ, ở nhà trọ, mỗi tháng kiếm được trên dưới chục triệu đồng. Vợ chồng lo cho hai đứa con ăn học, thiếu trước hụt sau. Cách đây không lâu chị đến một cơ sở y tế xin đặt vòng nhưng do nơi này đã hết vòng, chưa kịp đặt thì chị tắt kinh đã năm ngày, siêu âm phát hiện tử cung có cái phôi. “Tôi muốn bỏ nó, giờ phải làm sao?” - chị hỏi.
BS hỏi chị: “Chị có muốn giữ lại cái thai không?”. Chị nói “không” gọn lỏn. “Vì sao chị quyết định bỏ?”. Chị nói gia cảnh khó khăn quá, sinh ra nuôi không nổi. Vị BS nhìn kết quả siêu âm và cho lời khuyên: “Thai mới có năm ngày nên chưa rõ được, một tuần nữa chị quay lại chúng tôi sẽ tư vấn cho chị chính xác hơn”.
Người phụ nữ trung niên khắc khổ bước ra cửa mang theo một sinh linh đang lớn từng ngày. Có thể một tuần sau chị sẽ không quay lại và cũng có thể chị sẽ quay lại đây để hủy hoại nó và cũng có thể chị sẽ tìm đến một nơi khác…
Bàn bên cạnh, cô nhân viên y tế đang hỏi một thai phụ: “Thai của chị đã tám tuần rồi, vì sao chị bỏ?”. Người phụ nữ có khuôn mặt khá xinh xắn và chân chất nói lí nhí: “Dạ, đã có một cháu, giờ không có điều kiện nên không muốn sinh nữa”. Nhân viên y tế tiếp tục: “Chị muốn bỏ thai, chưa muốn có con thì chị phải dùng biện pháp tránh thai chứ. Chúng tôi muốn nói là phá thai sẽ có tai biến. Dù chị quyết định phá thai bằng phương pháp nạo hút hay dùng thuốc, phương pháp nào đi nữa thì cũng có khả năng băng huyết, phải cắt bỏ tử cung và cũng có thể bị nhiễm trùng…”. Nói đến đây, như để cửa mở cho thai phụ và đứa trẻ trong bụng có cơ hội sống, nhân viên y tế nhã nhặn: “Thôi chị chưa quyết định được và chị cần có thời gian suy nghĩ, chị về nhà nghĩ lại đi”. Thai phụ này ở tận miền Tây, một lần lên Sài Gòn là một lần khó nhưng chị vui vẻ gật đầu.
Phòng tư vấn nạo phá thai lúc 10 giờ 30 sáng chật cứng người. Có người đi một mình nhưng có người đi cả hai vợ chồng (có thể là tình nhân), đa số họ chưa bước qua tuổi 40. Có những cô gái còn rất trẻ và xinh đẹp của lứa tuổi sinh viên. Chúng tôi thấy họ đi phá thai rất “tự tin”, có cô thì chẳng e dè nhưng cũng có cô lại bịt kín mặt mũi, ký cam kết và đi lại làm các thủ tục khám, siêu âm rất nhanh nhẹn.
Nhân viên y tế hỏi một cô gái tuổi 21: “Em làm gì?”. Cô gái đáp: “Dạ, em đang đi học”. “Sao em là sinh viên mà không biết tránh thai?”. “Dạ, lỡ…”. “Nhưng có muốn giữ lại không?”. Cô gái lắc đầu nguây nguẩy. “Em vào trong cởi đồ lên bàn khám”. Nhân viên y tế tư vấn vừa dứt lời, cô gái với vẻ ngoài trí thức và áo quần sành điệu vén chiếc màn trắng vào bên trong. Năm phút sau, cũng có nhiều cô gái khác từ phòng này trở ra ngồi chờ lấy thuốc uống phá thai. Họ nhìn những người đồng cảnh ngộ với nét mặt thản nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Tâm sự với chúng tôi, vị BS lâu năm trong nghề tư vấn kế hoạch hóa gia đình cho biết: Tuổi sinh viên, đa số các em đều biết các biện pháp tránh thai nhưng các em khi đã có thai ngoài ý muốn thì không ngần ngại đi phá. Nếu ở các cơ sở y tế lớn không cho họ phá khi tuổi thai đã lớn thì họ sẽ tìm đến các địa điểm khác và lúc này nguy cơ tai biến sẽ cao hơn.
Hàng ngàn người phá thai lần ba, tư
- Theo thống kê của BV Từ Dũ, năm 2013 tại bệnh viện có 26.000 lượt người đến phá thai và năm 2014 con số này là 28.000.
- Tại BV Hùng Vương, năm 2013 số lượt đến phá thai là hơn 10.300, đến năm 2014 tăng lên 13.700 lượt.
- Riêng tại BV Hùng Vương, số người phá thai lần thứ hai lên đến hơn 3.000 người vào năm 2013, số người phá thai lần thứ ba, thứ tư có gần cả ngàn người. Năm 2014 có gần 470 ca phá thai trên 12 tuần.
Duy Tính
Cứu nạn nhân bị cây sắt hơn 1m đâm xuyên cơ thể
Ngày 18-10, theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, bệnh viện này vừa cấp cứu một bệnh nhân bị cây sắt dài hơn 1m đâm xuyên cơ thể.
Đó là anh V. V.T, 49 tuổi, công nhân xây dựng tại một công trường Q. 12. Trước đó, khoảng 11g ngày 17-10, trong lúc đang làm việc anh T, bị trượt ngã từ giàn giáo có độ cao khoảng 3m xuống khu vực để vật liệu gỗ và sắt của công trường.
Trong lúc ngã anh bị thanh sắt tròn có vân xoắn, gỉ sét, dài gần 1,1m, đường kính 2cm đâm xuyên từ mông đến thắt lưng. Ngay khi nhận được tin cấp cứu, lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo thành lập 3 nhóm để cấp cứu bệnh nhân.
Nhóm một gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 2 nhân viên hỗ trợ lên xe cấp cứu đến trực tiếp hiện trường chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu ngay. Nhóm 2 sẵn sàng tại khoa Cấp cứu chuẩn bị các xét nghiệm, chụp CT, điện tim… để chuyển bệnh nhân tới phòng mổ trong 10 phút. Nhóm 3 gồm 3 bác sĩ ngoại, một bác sĩ gây mê tiến hành hội chẩn nhanh, 5 điều dưỡng và kỹ thuật viên sẵn sàng tại phòng mổ với các thiết bị đầy đủ để tiến hành phẫu thuật cứu sống bệnh nhân.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Tư - chuyên khoa Cơ xương khớp Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn cho biết: "Nạn nhân được cấp cứu với vết thương xuyên thấu từ mông qua bụng, sâu khoảng 30cm, đường kính hơn 3cm, mất máu nhiều, gãy nát phần xương cánh chậu trên".
Các bác sĩ phẫu thuật loại bỏ phần xương cánh chậu gãy nát để tránh nhiễm trùng, xử lý nhiễm khuẩn các cơ quan nội tạng và mô mềm bị tổn thương và vá lại cơ quan nội tạng bị tổn thương.
Hiện tại, nạn nhân đang được hồi sức tích cực với thiết bị hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, bài tiết. Các bác sĩ đang điều trị phối hợp kháng sinh liều cao để khống chế nhiễm trùng tối đa và tiếp tục theo dõi sau mổ.
Theo bác sĩ Tư, nạn nhân nếu được cấp cứu trễ hơn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng như bị sốc do đau đớn, mất máu quá nhiều dễ tử vong, nguy cơ nhiễm trùng cao do cây sắt rỉ sét. Khi nhiễm trùng nạn nhân sẽ để lại nhiều di chứng sau này, khó điều trị.
Khi gặp những trường hợp tương tự, bác sĩ Tư khuyên tuyệt đối không tự ý rút vật gây sát thương ra khỏi cơ thể, giữ nguyên tư thế nạn nhân và nhanh chóng đưa đến cơ quan y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Thùy Dương
10 năm trời mang khối u 40 kg ở bụng
http://nld.com.vn/suc-khoe/10-nam-troi-mang-khoi-u-40-kg-o-bung-20151018200214826.htm
http://phapluattp.vn/suc-khoe/cat-khoi-u-buong-trung-khong-lo-40-kg-585485.html
Người phụ nữ mang khối u 40 kg, nặng gần phân nửa trọng lượng của bà trong suốt 10 năm. Các bác sĩ đã phẫu thuật thành công để giúp bệnh nhân khỏi đau đớn
Ngày 18-10, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Phạm Thị Tuyết M. (49 tuổi, ngụ Cần Giuộc, Long An) bị khối u buồng trứng khổng lồ hiếm gặp với kích thước 60 x 80 x 100 cm, cân nặng tới 40 kg.
Trước phẫu thuật, bà M. thân hình gầy còm nhưng cân nặng 90 kg, thùy trái tuyến giáp to... Các bác sĩ đã mở ổ bụng hút ra hơn 40 lít dịch trong khối, cắt bỏ tử cung… để cứu bệnh nhân.
Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, đây là ca mổ với khối u lớn nhất từ trước đến nay mà bệnh viện thực hiện. Kết quả kiểm tra sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị ung thư buồng trứng. Các bác sĩ đã giải thoát cảnh đau đớn mà bà M. phải chịu đựng gần 10 năm nay.
Con gái bà M. cho biết bệnh tật khiến mẹ em đau đớn, không thể đi lại, khổ sở trong cuộc sống và nhà nghèo nên không đi thăm khám được.
Được biết, ca phẫu thuật được Bệnh viện Ung bứu hỗ trợ chi phí.
Nguyễn Thạnh
Chuyện sư thầy hiến thận cứu người và nguyện hiến xác cho y học
Mang trong mình căn bệnh ung thư gan nhưng sau quá trình điều trị, khi sức khỏe ổn định, sư thầy Thích Đạo Cảnh vẫn sẵn lòng hiến đi một quả thận để hồi sinh cuộc đời khác.
Sư thầy tâm niệm, nếu còn có nhân duyên, thầy sẽ tiếp tục chia sẻ một phần sự sống của mình cho những người đang mòn mỏi vì bệnh tật.Đó cũng chính là lý do thầy nhiều lần làm đơn gửi đến trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thể hiện tâm nguyện của mình.
Hiến tạng sau đợt lâm trọng bệnh
Có không ít câu chuyện cảm động về những người sẵn sàng đem một phần cơ thể mình để trao tặng cho người khác. Sư thầy Thích Đạo Cảnh (Sinh năm 1962, tại Vĩnh Phúc; hiện tu tại chùa Diên Phúc, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một tấm lòng thiện nguyện như thế.
Trò chuyện với thầy Cảnh, chúng tôi mới biết, bệnh gan của thầy mới đây lại tái phát. Hiện, trong gan của thầy có một khối u, thầy đang phải uống thuốc điều trị khoảng 3 tháng nay. Phương pháp điều trị chủ yếu bằng các bài thuốc gia truyền trong dân gian.
Thầy kể, vào năm 2012, khi đó, thầy được sư ông cử xuống chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh để làm công quả, hỗ trợ trông coi việc xây dựng thì đột nhiên, thấy sức khỏe của mình giảm sút.
Sau đó, thầy đến kiểm tra tại bệnh viện Thụy Điển ở Uông Bí thì các bác sỹ phát hiện thầy bị ung thư gan giai đoạn 2. Vì vậy, thầy Cảnh xin phép sư trụ trì chùa Ba Vàng để quay về Hà Nội dưỡng bệnh.
Thầy Cảnh kể: “Khi đó, tôi quỳ trước tam bảo và tâm niệm: Nếu cho con được khỏi bệnh, con nguyện hiến bất cứ thứ gì để cứu được một người sống”.
Lời phát nguyện đó trở nên linh nghiệm, sau một thời gian điều trị và thành tâm, vào giữa năm 2014, thầy Cảnh đến bệnh viện làm xét nghiệm lại, các tế bào ung thư của thầy gần như đã biến mất, chỉ còn lại một khối u nhỏ được chẩn đoán là u lành. Sức khỏe của thầy cũng dần ổn định.
Đúng khi đó, thầy biết được tại bệnh viện Việt Đức, trong đó có trụ sở trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, nên liền tìm đến để nộp đơn hiến tạng đúng như tâm nguyện của mình.
Lá đơn đầu tiên thầy Cảnh nộp với ý nguyện được hiến gan. Thế nhưng, lá gan của thầy Cảnh không đủ điều kiện để hiến ghép. Thầy tiếp tục viết đơn xin hiến thận.
Việc kiểm tra các chỉ số sức khỏe của thầy Cảnh diễn ra nhiều lần, qua nhiều xét nghiệm khác nhau, trong khoảng thời gian gần 3 tháng trời mới hoàn tất.
Kết quả cuối cùng cho thấy, quả thận của thầy hoàn toàn khỏe mạnh và được chấp nhận cho ghép. Cho đến ngày lên bàn phẫu thuật, thầy Cảnh cũng chưa từng một lần gặp mặt người được mình hiến tặng quả thận, thầy cũng không hề biết thông tin gì về người này.
Thầy bảo: “Được chia sẻ một phần sự sống của mình với người khác là điều mãn nguyện rồi, tôi cho đi thì không nhận lại. Nếu để người ta biết rồi phải hàm ơn thì cái phúc của mình sẽ giảm đi một nửa...”.
Có một câu chuyện mà thầy Cảnh cũng định giấu không nói với ai, nhưng khi thầy lên cơn đau quá, phải đắp bột ở phần ngực thì các nhà sư ở chùa Diên Phúc được biết đầu tiên.
Sự việc xảy ra khoảng một tháng sau khi thầy Cảnh mổ hiến thận, thầy về chùa và tiếp tục lặn lội đến các vùng để tìm thuốc nhằm giữ ổn định, dưỡng lá gan.
Một lần, trên đường đi lấy thuốc, thầy Cảnh bị ngã xe máy. Vụ tai nạn khiến vết mổ lấy thận trên người thầy vẫn chưa lành hẳn đã rách ra, phải khâu 7 mũi bên ngoài, gãy 2 xương sườn.
Sợ các nhà sư trong chùa lo lắng cho mình, thầy Cảnh đã không kể gì về sự việc trên. Cho đến khi thầy Cảnh vật lộn với cơn đau dữ dội do 2 chiếc xương sườn gãy gây ra, phải đắp bột thì các sư thầy trong chùa mới biết.
Thầy Cảnh kể: “Đến bây giờ, thỉnh thoảng thay đổi thời tiết, 2 chiếc xương sườn bị gãy vẫn thấy đau. Tuy nhiên, thầy cũng chưa phẫu thuật vì đang điều trị bằng các bài thuốc trong dân gian, vết gãy của 2 chiếc xương cũng đỡ đau hơn trước rồi.
Nếu nhân duyên còn, thầy vẫn muốn hiến tặng các bộ phận cơ thể khác cho những bệnh nhân đang mòn mỏi chờ được ghép mô, tạng. Sau khi hiến thận, thầy tiếp tục làm mấy lá đơn nữa gửi đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để mong được hiến các bộ phận khác trên thân thể mình”.
Rũ bỏ tham, sân, si
Trao đổi với các cán bộ trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, chúng tôi được biết, hiện nay, Trung tâm vẫn còn lưu giữ 5 lá đơn của thầy Cảnh, xin hiến các bộ phận cơ thể cho những ai cần đến. Ngoài ra, thầy còn đăng ký hiến xác cho y học sau khi qua đời.
Thầy Cảnh chia sẻ, trước khi xuống tóc đi tu, những tham, sân, si của cuộc đời, ông đã từng trải qua hết. Thế nhưng, cái duyên đến với cửa thiền như một món nợ từ kiếp trước, đến lúc thì phải trả.
Tuy nhiên, năm 2007, ông cũng năm lần bảy lượt xin xuống tóc, đi tu thì cũng chừng ấy lần bị từ chối bởi vì hay uống rượu. Ông đành xin đi làm thợ xây dựng, thành tâm phát nguyện xây chùa, quyết tâm cai rượu, khiến các tăng, ni tín nhiệm dần dần.
Khi được giới thiệu đến chùa Diên Phúc ở Hoài Đức, ước nguyện nơi cửa thiền của ông mới được thỏa nguyện. Thầy Cảnh kể: “Lần đó, nhà chùa nhập định trong phòng suốt 3 ngày liền, không ăn gì, chỉ uống nước và niệm Phật. Không biết có phải do Phật độ hay do sức mạnh của sự quyết tâm mà quả nhiên, chỉ 3 ngày sau, cảm giác thèm rượu đã hoàn toàn biến mất”.
Theo lời thầy Cảnh, cho đến bây giờ, điều thầy mong muốn nhất là làm thật nhiều việc thiện khi còn sống. Thầy bộc bạch, trước đây, em gái thầy cũng từng bị bệnh thận nặng, suy thận cả hai bên.
Nhưng ngày ấy, kỹ thuật ghép thận ở nước ta chưa hoàn thiện, phải trông cậy hoàn toàn vào kỹ thuật của nước ngoài, số tiền để chi trả cho ca phẫu thuật lại quá lớn nên gia đình không thể lo đủ...
Vì vậy, thầy rất thấu hiểu nỗi đau khổ của những người bệnh và thân nhân của họ khi đang mòn mỏi chờ đợi phép màu nhiệm của cuộc sống ban tặng. Ý nguyện được hiến tạng cứu người vì thế mà cứ đau đáu trong thầy.
Bên cạnh đó, sau khi hiến thận, sức khỏe đã hồi phục trở lại, thầy Cảnh lại tìm đến trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia với mong muốn được hiến các bộ phận khác trên thân thể.
Tuy nhiên, lo ngại cho tình trạng sức khỏe của thầy Cảnh, các y bác sỹ vẫn khuyên thầy chờ thêm một thời gian nữa. Sau đó, một lần được cử vào TP Hồ Chí Minh học giáo lý gần chục ngày, thầy Cảnh đã tranh thủ tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy để hỏi về việc xin được hiến tạng nhưng các bác sỹ cũng khuyên thầy chờ thêm một thời gian cho sức khỏe ổn định.
“Ở ngoài này, Bệnh viện Việt Đức mới tiến hành phẫu thuật lấy thận của tôi để ghép cho người khác nên họ không đồng ý cho tôi hiến tạng tiếp.
Vì vậy, tôi mới tranh thủ vào miền Nam hỏi Bệnh viện Chợ Rẫy xem, nếu được thì tôi sẵn sàng hiến tiếp bộ phận khác, tuy nhiên đã có nguyên tắc chung của ngành y nên họ cũng không đồng ý để tôi tiếp tục hiến tạng trong khi sức khỏe chưa đảm bảo...
Nếu có thể giúp được một bệnh nhân kéo dài sự sống thì tôi nguyện được hiến bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, không tiếc” - Thầy Cảnh nói.
Từng xin hiến da cho chiến sỹ bị bỏng nặng trong vụ máy bay Mi 171 rơi
Chia sẻ thêm về nghĩa cử cao đẹp của mình, thầy Cảnh kể, trong vụ máy bay quân sự bị rơi ở Hòa Lạc (Hà Nội) khi đang huấn luyện nhảy dù, khiến hơn 20 chiến sỹ thương vong, khi biết thông tin đó qua báo đài, thầy Cảnh đã vội vàng làm đơn xin được hiến da cho 2 chiến sỹ bị bỏng nặng. Tuy nhiên, do đa chấn thương, 2 chiến sỹ đó đã không qua khỏi, chưa kịp nhận da của người hiến.
Nguyễn Hường
Đột phá mới trong nghiên cứu HIV
http://www.thanhnien.com.vn/suc-khoe/dot-pha-moi-trong-nghien-cuu-hiv-622075.html
Các nhà khoa học đã xác định được những dấu ấn sinh học trong tế bào miễn dịch, từ đó dự đoán được các trường hợp bệnh nhân có thể ngưng trị liệu HIV mà vẫn khỏe.
Kết quả bước đầu trong hướng nghiên cứu mới cho thấy HIV có thể được loại bỏ hoàn toàn - Ảnh: ShutterstockKết quả bước đầu trong hướng nghiên cứu mới cho thấy HIV có thể được loại bỏ hoàn toàn - Ảnh: Shutterstock
Cách thức hệ miễn dịch của một bệnh nhân phản ứng trước HIV sẽ cung cấp những đầu mối cho thấy tình trạng bệnh tật của họ có thể thuyên giảm sau khi trị liệu.
Phát hiện mang tính đột phá này đã mở ra kiến thức mới về một hiện tượng gọi là “kiểm soát hậu điều trị”, giai đoạn vi rút duy trì trạng thái ẩn mặt (không xuất hiện trong các cuộc kiểm tra) ở một số bệnh nhân dù đã ngưng dùng thuốc. Về lâu dài, sự hiểu biết sâu rộng hơn về hiện tượng trên hứa hẹn có thể loại bỏ hoàn toàn HIV trong cơ thể người bệnh, theo trưởng nhóm nghiên cứu là Giáo sư John Frater của Đại học Oxford (Anh).
Lâu nay, liệu pháp kháng retrovirus (ART) vẫn chứng minh khả năng cải thiện thời gian sống của người có HIV, nhưng nó không giúp trị khỏi hoàn toàn. Vi rút vẫn tiếp tục bám trụ trong các tế bào ẩn và sẵn sàng tái xuất. Việc hủy diệt những “bể chứa ngầm” này là một trong những điểm mấu chốt của công cuộc nghiên cứu HIV. Giáo sư Frater cho hay thông thường khi ngưng thuốc, trong đa số trường hợp vi rút sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, đối với một số ít bệnh nhân may mắn được điều trị từ sớm, thời gian lui bệnh có thể lên đến 10 năm hoặc hơn sau khi ngưng thuốc.
Để tìm ra câu trả lời cho nghi vấn trên, nhóm của ông Frater đã hợp tác với các chuyên gia Đại học New South Wales (Úc) tiến hành phân tích dữ liệu từ một trường hợp bệnh nhân đã ngưng trị liệu ART suốt 48 tuần. Kết quả cho thấy họ tìm được 3 dấu ấn sinh học có thể nắm được thời gian mấu chốt vi rút trỗi dậy một lần nữa, lần lượt là -PD-1, Tim-3 và Lag-3.
Hàm lượng cao các dấu ấn sinh học bám vào các tế bào T trước khi bắt đầu liệu pháp điều trị nhiều khả năng sẽ dẫn đến tái phát bệnh nhanh chóng. Hay nói cách khác, họ đã xác định được những dấu ấn sinh học cụ thể trên các tế bào miễn dịch sở hữu năng lực dự đoán người nào có thể ngưng ART mà vẫn ổn. Từ đó, nhóm tác giả nghiên cứu đề nghị đưa các dấu ấn sinh học trên vào các cuộc nghiên cứu trong tương lai nhằm tìm hiểu cơ chế kiểm soát HIV theo sau trị liệu ART, theo báo cáo đăng trên chuyên san uy tín Nature Communications.
“Giờ đây, chúng tôi hy vọng có thể tìm hiểu thêm về chúng để xác định liệu các chiến lược điều trị mới hoặc thậm chí mục tiêu xóa sổ HIV có thể thực hiện được hay không”, tiến sĩ Frater kết luận. Càng thú vị hơn khi một số dấu ấn sinh học trong số này cũng có cùng công dụng ở vài căn bệnh ung thư, nên đây cũng là một hướng trị liệu hữu ích khác được rút ra từ cuộc nghiên cứu mới.
Tụ Yên
Mổ tim cứu bệnh nhân... nuốt nhầm tăm từ năm trước
http://www.nguoitieudung.com.vn/mo-tim-cuu-benh-nhan-nuot-nham-tam-tu-nam-truoc-d36208.html
http://vietq.vn/chuyen-la-co-that-kinh-hoang-tam-nam-trong-tim-nguoi-d73358.html
Horacio Rodrigguez, 42 tuổi người Argentina đã trải qua những cơn đau tim dữ dội trong suốt 7 giờ liền trước khi bác sĩ phát hiện ông có dị vật - một chiếc tăm còn nguyên vẹn - ở tim.
Trước đó, hồi tháng Một, Horacio bị chẩn đoán sai là viêm phổi khi bị sốt cao phải đến viện. Các bác sĩ khi ấy cũng thông báo ông bị nhiễm trùng tim và cho dùng kháng sinh ở lần thứ hai ông đến khám vì sụt cân, ho ra máu và đau ngực.
Tại bệnh viện Fernandez ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, các bác sĩ phẫu thuật đã nhận thấy có dị vật trong tim của Horacio trước khi làm phẫu thuật mổ tim. Lúc đầu họ nghĩ đó có thể là ống thông đặt vào Horacio trong lần ông truyền máu khi còn ở tuổi thiếu niên.
"Thật kinh ngạc khi chúng tôi tiến hành mổ cho ông ấy. Đầu tiên chúng tôi đưa hết máu ra khỏi tim, và rồi nhìn thấy rõ ràng, đó là một cái tăm", bác sĩ phẫu thuật cho biết. "Ban đầu chẳng ai tin điều đó cả. Các đồng nghiệp tại Argentina cũng như ở các nước khác, chưa ai nghe đến chuyện có tăm ở trong tim bao giờ."
Khi được các bác sĩ thông báo về "bệnh tình" của mình, Horachio bắt đầu cười lớn và cho biết đã ngốn một bữa lớn vào cuối năm ngoái. "Tôi không biết mình đã nuốt tăm khi nào nhưng hẳn là trong một bữa tiệc kỷ niệm nào đó".
Horacio đã phải ra vào viện suốt 6 tháng mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra với sức khỏe của mình khi tim liên tục nhói đau đến không thể chịu nổi trong vài tháng gần đây.
Các chuyên gia tin rằng cái tăm đã đi vào tim của Horacio thông qua thực quản hoặc qua tâm nhĩ phải đến tĩnh mạch chủ trên.
PV
Virus Ebola có thể tồn tại nhiều tháng trong cơ thể người sống sót qua dịch bệnh
Một vài người đàn ông sống sót qua dịch bệnh được phát hiện vẫn còn tồn tại virus Ebola trong tinh dịch của họ, 9 tháng sau khi biểu hiện các triệu chứng đầu tiên của căn bệnh này. Đây là kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học New England Journal of Medicine. Trong quá trình giám sát dịch bệnh bằng cách sắp xếp trình tự gen theo mẫu (thường lấy từ ADN hoặc ARN), các nhà khoa học đã tìm thấy ARN từ Ebola trong tinh dịch của một số người đàn ông nói trên, sau khi họ đã được xác định là khỏi bệnh.
Trong số 40 người đàn ông được thử nghiệm ở Sierra Leone (một quốc gia ở Tây Phi), 26 người có chứa virus Ebola trong tinh dịch, 6 tháng sau khi khởi phát bệnh. Chín tháng sau khi xuất hiện triệu chứng, có tổng cộng 11 trong số 43 mẫu tinh dịch khác nhau được khảo sát (cỡ ¼) dương tính với virus. Điều đó có nghĩa là trong một số trường hợp, các yếu tố di truyền của Ebola có thể tồn tại trong tinh dịch, trong một khoảng thời gian dài. Điều này được các nhà nghiên cứu cho là khá quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh.
"Những người sống sót sau khi nhiễm Ebola phải đối mặt với xác suất ngày càng tăng rằng họ sẽ gặp các biến chứng về sức khỏe", giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) - ông Tom Frieden cho biết trong một tuyên bố. "Nghiên cứu này cung cấp những thông tin mới và quan trọng về sự tồn tại của virus Ebola trong tinh dịch. Nó giúp chúng tôi đưa ra cảnh báo với những người sống sót cũng như những người thân yêu của họ, nhằm giúp họ gìn giữ sức khỏe của mình hơn". Các nhà nghiên cứu không biết lý do tại sao ARN của Ebola lại tồn tại trong tinh dịch, thậm chí họ nghi ngờ tinh dịch cũng có thể lây lan virus.
ebola_tinhte.
Liên quan đến vấn đề trên, một nghiên cứu khác dựa vào 1 trường hợp duy nhất, cho thấy việc truyền nhiễm Ebola qua đường tình dục là hoàn toàn có thể. Một phụ nữ ở Liberia bị kết luận có thể đã nhiễm bệnh, sau khi cô quan hệ tình dục không an toàn với một người đàn ông sống sót khỏi Ebola. Trong nghiên cứu, người đàn ông này được xác định là bị nhiễm virus từ 6 tháng trước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể khẳng định chắc chắn điều mà họ nói. Cần nhiều hơn những nghiên cứu có quy mô để xác định xem việc lây lan virus qua đường tình dục thực sự tồn tại. Hiện CDC đang tiến hành các xét nghiệm bổ sung để xem xem virus trong tinh dịch có còn sống và truyền nhiễm hay không.
Được biết đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu cảnh báo sự dai dẳng của Ebola ở người. Một bác sĩ đến từ Đại học Emory (Mỹ), người từng nhiễm Ebola đã phải trở lại bệnh viện sau chưa đến 2 tháng vì tình trạng đau đớn dữ dội xảy ra ở mắt ông. Các bác sĩ khi ấy thật sự bị sốc khi nhận thấy mặc dù đã bình phục, bên trong mắt của vị bác sĩ kia chứa đầy virus Ebola. Cuối cùng, ông được chữa phục hồi thị lực. Phát hiện đặc biệt quan trọng này cho thấy virus có thể tồn tại trong cơ thể người một khoảng thời gian dài hơn nhiều, so với những gì chúng ta từng nghĩ.
Cho đến khi các nhà khoa học hiểu biết nhiều hơn, CDC khuyến cáo những người đàn ông sống sót sau khi nhiễm virus nên tránh quan hệ tình dục hoặc sử dụng bao cao su, cho đến khi xét nghiệm tinh dịch của họ lần 2 âm tính với Ebola. Mọi người cũng nên rửa tay sau khi tiếp xúc vật lý với chất dịch của cơ thể. (Ebola không lây lan qua không khí, chúng tồn tại trong các loại dịch tiết từ cơ thể và lây nhiễm nếu chúng ta chạm vào những chất dịch này). Tất cả những người đàn ông tham gia nghiên cứu đầu tiên đều đã được khuyến nghị dùng bao cao su cũng như tư vấn kỹ càng. Kể từ khi bùng phát đầu tiên ở Tây Phi, tính đến nay đã có khoảng 28.000 người bị nhiễm bệnh và trong số đó có đến 11.000 người đã tử vong.
"Người sống sót khỏi Ebola và gia đình của họ vẫn tiếp tục vật lộn với hậu quả của căn bệnh này", Bruce Aylward - đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc WHO, người chịu trách nhiệm về các phản ứng của Ebola cho biết. Theo ông, những người sống sót "cần phải được tiếp tục hỗ trợ đáng kể trong 6 - 12 tháng tới để đáp ứng những thách thức này, cũng như đảm bảo cho các ‘đối tác’ của họ không tiếp xúc với virus tiềm tàng".
Vaccine sốt rét có thể chữa ung thư
http://phapluattp.vn/suc-khoe/vaccine-sot-ret-co-the-chua-ung-thu-585409.html
Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu sốt rét ĐH Copenhagen (Đan Mạch) và các nhà nghiên cứu ung thư ĐH British Columbia (Canada) công bố trên tạp chí Cancer Cell đưa đến hy vọng mới về chữa trị ung thư nhờ vào vaccine chống sốt rét.
Điều này vô tình được phát hiện khi các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm sáng chế vaccine chống sốt rét cho phụ nữ mang thai.
Nhau thai hình thành từ một số tế bào và chỉ trong vài tháng đã tăng trưởng thành một bộ phận nặng gần cả ký để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Đà tăng trưởng của các khối u ung thư cũng mạnh như vậy. Sự tương đồng này đã được các nhà khoa học chú ý tìm kiếm hàng thập niên nay, theo GS Ali Salanti tại khoa Miễn dịch và Vi trùng học tại ĐH Copenhagen.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy có sự tương đồng giữa nhau thai và khối u: đều có các phân tử carbohydrate có nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng. Họ đã tạo ra một loại phân tử protein có chứa độc tố trong các ký sinh trùng sốt rét. Một khi được đưa vào cơ thể, các phân tử protein có độc tố này sẽ tìm và tiêu diệt các phân tử carbohydrate có trong nhau thai và tế bào ung thư, dẫn đến nhau thai và khối u sẽ chết dần.
Thử nghiệm đã được thực hiện trên chuột và đã cho kết quả tốt trong điều trị một số loại bệnh ung thư. Thử nghiệm trên người sẽ chỉ được bắt đầu sớm nhất sau bốn năm nữa. Các nhà nghiên cứu tự tin phương pháp điều trị này sẽ không có tác dụng phụ, vì thực tế thử nghiệm đã cho thấy các phân tử protein có độc tố trong ký sinh trùng sốt rét sẽ chỉ tìm kiếm và tiêu diệt các phân tử carbohydrate có trong nhau thai và tế bào ung thư chứ không ảnh hưởng đến các tế bào khác. Điều hạn chế là phương pháp này sẽ không áp dụng được với phụ nữ mang thai.